Thiên Chúa: Cội nguồn Lòng Thương Xót
***
Trong Tông sắc “Misericordiae vultus” (Dung mạo lòng thương xót) số 2 ĐTC Phanxicô đã diễn tả lòng thương xót như sau: “Lòng Thương Xót: là từ ngữ mạc khải các mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi. Lòng Thương Xót: là hành động cuối cùng và tối thượng qua đó Thiên Chúa đến gặp chúng ta”.
Trong tâm tình học hỏi và sống năm Thánh Lòng Thương xót, chúng ta trở về với cội nguồn lòng thương xót là chính Thiên Chúa.
- Lòng thương xót phát xuất từ Chúa Cha
Thiên Chúa yêu thương con người. Thiên Chúa muốn chia sẻ hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu của Ngài cho con người, vì thế Chúa Cha đã sáng tạo vũ trụ và con người. Nhưng con người đã phạm tội phản nghịch cùng Chúa. Chúa không bỏ rơi con người mà tìm cách cứu vớt, Chúa hứa ban Đấng Cứu Thế. Trong suốt lịch sử của Israel, lòng Thương Xót đã biến lịch sử của Thiên Chúa với Israel thành một lịch sử cứu độ. Qua bao thăng trầm của dân tộc Israel vẫn lập đi lập lại: “Vì đức từ bi của Ngài tồn tại đến muôn đời”[1]. Thương xót dân, Thiên Chúa đã mạc khải chính Danh Ngài cho dân “Ta là Đấng Hằng Hữu” (x.Xh 3,13-15). Đồng thời Chúa cũng mạc khải lòng thương xót, Chúa thành tín, nhân từ và đầy yêu thương, chậm bất bình và rất mực khoan nhân (x. Xh 34,16). Trong cựu ước cho dầu dân Do Thái đã bao lần phản bội bỏ Chúa, thờ bò vàng, đàng điếm…Chúa vẫn không bỏ rơi họ. “Cho dầu người mẹ có quên con, Ta cũng không quên ngươi đâu” (Is 49,15). Chúa dẫn dân ra khỏi Ai Cập và đưa dân về miền đât hứa vì Chúa thương xót dân Người.
Các Thánh Vịnh trình bày cách đặc biệt hành động đầy lòng thương xót của Chúa[2]: “Ngài tha thứ cho tất cả tội lỗi của bạn, Ngài chữa lành mọi bệnh tật của bạn, Ngài cứu chuộc bạn khỏi hố sâu, Ngài trao vương miện cho bạn với tình yêu kiên định và lòng thương xót” (Tv 103, 3-4)
- Chúa Giêsu, khuôn mặt thương xót của Chúa Cha
Lòng Thương Xót đã trở nên sống động và hữu hình nơi Đức Giêsu. Chúa Giêsu nói với Philipphê “Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9)
Cuộc đời của Chúa Giêsu phản ảnh lòng thương xót của Chúa Cha. Sứ mạng của Chúa Giêsu là mạc khải “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8-16).
– Chúa sinh ra nghèo hèn nơi hang đá và sống ẩn dật lao động tại Na-za-reth là để chia sẻ với cảm thông với kiếp người lam lũ nghèo hèn.
– Chúa đi rao giảng Nước Trời để con người được biết Chúa, biết lòng Chúa thương xót, để con người được sống trong ân tình của Chúa, để con người được cứu độ. Chúa chạnh lòng thương đám dân chúng lam lũ vất vả đói khát kéo theo Chúa (x.Mt 9,36), và Chúa đã làm phép là hóa bánh để nuôi dân chúng (x.Mt 15, 37). Chúa chạnh lòng thương bà góa có đứa con trai một bị chết và Chúa đã cứu sống thanh niên này (x.Lc 7,15). Chúa nói với người phụ nữ tội lỗi đã khóc dưới chân Chúa: “tội con đã được tha” (x.Lc 7, 48). Hay nói với người phụ nữ ngoại tình: “Tôi không kết tội chị, hãy đi bình an và đừng phạm tội nữa”. Chúa chữa người bị quỹ ám (x.Mc 5,19). Chúa kêu gọi Lêvi là người thu thuế trở thành Tông đồ của Chúa. Chúa như người mục tử đi tìm con chiên lạc, như người phụ nữ tìm đồng bạc mất, như người cha ngóng trông đứa con đi hoang trở về (x.Lc 15, 4-31)[3].
– Chúa chịu đau khổ để đồng hành với những đau khổ của con người: Chúa vác thập giá, chịu sỉ nhục, đau thương, bị bỏ rơi, bị mắng chưởi, bị vu oan, bị đánh đòn, bị giết chết thê thảm tủi nhục đau thương, trần truồng trên thập giá để đồng cảm, yêu thương những con người đang bị bỏ rơi, đang bị vùi dập, tủi nhục đau thương dưới mọi hình thức trên khắp thế giới. Mới đây trên báo chí trong ngoài nước đều đăng tải sự phẫn uất của dân chúng Ấn Độ. Có hai em gái Ấn Độ thuộc tầng lớp bần cùng nhất bị bắt cóc, hãm hiếp rồi bị giết chết treo trên cây xoài.
– Chúa Giêsu, khuôn mặt thương xót của Chúa Cha, thể hiện cao độ trên thập giá. Chúa đã đổ những giọt máu và nước cuối cùng cho nhân loại. Trái tim Chúa đã chết vì yêu nhân loại vì thương xót nhân loại khốn cùng.
- Ta phải là chứng nhân của lòng thương xót
Trong Tông Sắc, ĐTC có nói: “Hãy trở thành khí cụ của lòng thương xót vì chính chúng ta là những người đầu tiên nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa”[4].
– Cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa,
Chúng ta hãy gục đầu vào lòng Chúa, vào Thánh Tâm Chúa, nơi đó chúng ta, với tất cả lòng sám hối chân thành, xin Chúa thương xót con người của chúng ta bất xứng, xin Chúa tha thứ những lỗi lầm của chúng ta, của anh chị em, của nhân loại đang phản bội Chúa, xa Chúa, bất kính với Chúa hàng ngày. Để một khi nhận được ơn tha thứ của Chúa, chúng ta cũng biết tha thứ cho anh chị em chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong buổi nói chuyện với khách hành hương trưa Chúa nhật V mùa chay 2013 tại Quảng trường Thánh Phêrô: “Gương mặt của Thiên Chúa là gương mặt của người cha đầy lòng thương xót, Ngài luôn kiên nhẫn với chúng ta… vâng, đây chính là lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài luôn kiên nhẫn để hiểu, chờ đợi và không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta biết quay lại với Ngài bằng tất cả con tim”[5]
– Thực thi qua cử chỉ tha thứ mỗi ngày
Tha thứ cho những bất đồng chúng ta gặp hằng ngày trong cuộc sống. Trong gia đình, cha mẹ, vợ chồng, con cái hãy tha thứ cho nhau. Với người chung quanh hàng xóm láng giềng, gặp sự bất đồng hãy mau mắn làm hòa và tha thứ cho nhau. Chúng ta hãy biến lời kinh thành lời tha thứ thật, chứ không phải ngày nào chúng ta cũng nguyện kinh Lòng Chúa Thương Xót rồi thường xuyên nói hành nói xấu nhau. Việc nói xấu dẫn đến hậu quả làm mất thanh danh người khác, giết chết danh dự người khác bằng cái miệng của mình. ĐTC nói: “Nói xấu người khác đặt chúng ta dưới thứ ánh sáng xấu xa, làm xói mòn uy tín của người khác và biến họ thành con mồi cho các ý tưởng ngẫu hứng của tin đồn”[6].
Kết luận thực hành
– Ngay hôm nay, chúng ta hãy tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình. Làm hòa với những người trong gia đình trước.
– Hãy nghĩ tốt cho người khác. Tìm điều tốt, điều thiện hảo làm cho người khác – Đừng lên án cho người khác, đừng nói hành nói xấu người khác.
[1] ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, sổ 7.
[2] ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, số 6.
[3] ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, số 9.
[4] x. ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, số 9.
[5] ĐTC Phanxicô, Bài nói chuyện trưa chúa nhật 17/03/2013.
[6] ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, số 14 .
Ban Huấn Giáo GP. Bà Rịa