Lòng thương xót của Thiên Chúa
được thể hiện qua cái nhìn của Đức Giêsu
Bài chia sẻ của Linh mục Lm. Phaolô Vũ Xuân Quế OFM, nhân dịp Giáo hạt Xuyên Mộc hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Nhà thờ Chánh Tòa Bà Rịa, 16.4.2016
***
Trong Tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót, ĐGH Phanxicô đã mở đầu với lời tuyên xưng như sau: “Dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha, chính là Đức Giêsu Kitô. Mầu nhiệm đức tin Kitô giáo như đã được tóm tắt đầy đủ trong mệnh đề này.” (Số 1). Để minh họa cho chủ đề của Năm Thánh về Lòng Thương Xót, logo của Năm Thánh được trình bày với hình ảnh Đức Giêsu vác một người tội lỗi trên vai, trong đó một trong những nét độc đáo là đôi mắt của Ngài hòa vào đôi mắt của người tội lỗi… Hình ảnh này diễn tả cái nhìn trìu mến của Đức Giêsu, như chạm đến cách sâu xa con người tội lỗi, bằng một tình yêu mặn mà, đến nỗi làm thay đổi tâm hồn của người ấy…
- Cái nhìn với đôi mắt của con tim tràn đầy yêu thương
Tin mừng Mt kể rằng, khi thấy đám đông dân chúng theo Ngài, Đức Giêsu đã chạnh lòng thương đối với họ (x. Mt 9,36). Đức Giêsu đã được ngôn sứ Êdêkien (x. Ed 34,23) loan báo, là Đấng hằng thao thức, quan tâm, lo lắng cho đoàn chiên. Với lòng nhân từ vô biên của một Vị Mục Tử luôn ý thức trách nhiệm đối với đoàn chiên của mình, khi nhìn thấy dân chúng trong tình trạng đau khổ, lầm than, không người chăm sóc. Tác giả Tin mừng Mt dùng hai động từ “thấy” và “chạnh lòng thương” đi liền nhau, như muốn nhấn mạnh đến cái nhìn của Đức Giêsu, là cái nhìn với “đôi mắt của con tim tràn đầy yêu thương”. Cái nhìn đó, đi đến hành động cụ thể đối với đám đông dân chúng.
Một đoạn khác trong Tin mừng Mt 14,14… Bối cảnh lần này là Đức Giêsu đang muốn tìm đến một nơi thanh vắng, yên tĩnh. Nhưng dân chúng vẫn đi theo và họ còn đem theo cả những người bệnh để hy vọng được Ngài chữa lành. Thấy vậy, lẽ ra Đức Giêsu có thể khó chịu, bực mình vì bị dân chúng quấy rầy, làm mất sự yên tĩnh của mình. Thế nhưng, Ngài nhìn họ với ánh mắt cảm thông sâu xa và ra tay cứu giúp họ. Trong khi các môn đệ lại đề nghị Đức Giêsu giải tán dân chúng, thì Ngài yêu cầu các môn đệ: Chính anh em phải cho họ ăn (x. Mt 14,15-21). Cách ứng xử của Đức Giêsu đã cho các môn đệ một bài học về lòng thương xót…
Một lần nọ, Tin mừng Lc 7,11-15 kể rằng, trên đường đi đến thành Nain, khi trông thấy một bà góa khóc lóc đau khổ đang cùng với đám đông dân chúng khiêng một người chết là đứa con trai duy nhất của bà đi chôn, Đức Giêsu đã chạnh lòng thương. Cái nhìn của Đức Giêsu như hiểu thấu được tận tâm can của nỗi đau khổ tột cùng trong tuyệt vọng của bà góa khi mất đứa con trai duy nhất của mình. Ngài đã an ủi bà và nói: “Bà đừng khóc nữa” (Lc 7,13), rồi lại gần sờ vào quan tài và Ngài nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy” (7,14). Chứng kiện sự kiện xảy ra, mọi người có mặt lúc đó đều kinh ngạc và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (7,16)…
- Cái nhìn với ánh mắt cảm thông, tha thứ và có sức hoán cải
Dưới cái nhìn của người Pharisêu nói riêng, cũng như người Do Thái thời Đức Giêsu nói chung, người nào làm nghề thu thuế và gái điếm là những kẻ tội lỗi… Thế nhưng, cái nhìn của Đức Giêsu đối với những người này hoàn toàn khác, bởi vì mục đích của Ngài hoàn toàn khác (x. Mt 9,13). Lời này của Đức Giêsu thể hiện lòng thương xót của Ngài qua câu chuyện kêu gọi ông Mátthêu. Khi đi ngang qua trạm thu thuế, Ngài thấy chàng đang làm việc và Ngài đã gọi: “Anh hãy theo tôi” (Mt 9,9). Mátthêu liền đứng dậy và đi theo Ngài. Điều gì đã khiến cho ông ta mau mắn và sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu? Phải chăng ông đã cảm nhận được một điều gì đó đặc biệt nơi cái nhìn của Đức Giêsu… (Chuyện ăn vụng không biết chùi mép của cá nhân…)
Quả thực, cái nhìn của Đức Giêsu không hề có sự khinh khi, miệt thị, loại trừ, lên án, phân biệt đối xử đối với người bị coi là tội lỗi, bất chính như người ta vẫn dành cho Mátthêu, nhưng cái nhìn với ánh mắt yêu thương, cảm thông, tha thứ và mời gọi hoán cải. Chắc hẳn Mátthêu đã cảm nhận được rằng, trong đời ông chưa có người nào từng nhìn ông như thế. Cái nhìn của Đức Giêsu đã đem lại cho ông sự bình an, tin tưởng, không còn mặc cảm về tội lỗi của mình. Cái nhìn đó đã soi chiếu một luồng ánh sáng hy vọng vào tâm hồn ông, khiến cho ông như được đổi mới. Cái nhìn đó có sức chữa lành, đem lại sức sống mới, để hướng đến một đời sống mới.
Kính thưa anh chị em,
Chúng ta cũng gặp lại cái nhìn đó nơi Đức Giêsu trong trường hợp của Phêrô, người môn đệ thân tín của Đức Giêsu, được yêu thương, tin tưởng. Khi Đức Giêsu bị bắt và bị kết án, Phêrô đã công khai chối Thầy mình đến ba lần trước mặt bá quan văn võ (x. Lc 22,54-60), dù trước đó Đức Giêsu đã báo trước cho Phêrô biết về sự phản bội của ông. Chứng kiến sự nhẫn tâm phản bội của Phêrô đối với mình, Đức Giêsu đã “quay lại nhìn ông” (22,61). Cái nhìn của Đức Giêsu khiến cho Phêrô sực nhớ lời Ngài đã báo trước với ông: “Thầy bảo cho anh biết, hôm nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy” (22,34), và thế là Phêrô đã khóc lóc thảm thiết. Chắc hẳn, lúc bấy giờ Phêrô đã cảm nhận được nơi cái nhìn của Đức Giêsu một tấm lòng khoan dung, một sự cảm thông tha thứ cho sự yếu đuối…
Tình yêu đã thúc đẩy Đức Giêsu luôn quan tâm đến con người và tìm kiếm con người, nhất là những người tội lỗi. Họ là đối tượng mà Ngài luôn tìm kiếm, bởi vì Ngài biết họ cần sự hiện diện và giúp đỡ của Thiên Chúa hơn cả. Bởi thế, Đức Giêsu đã nói: “Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mt 9,12). Trong bài giảng lễ kính thánh Mátthêu ngày 21.9.2015, ĐGH Phanxicô cũng đã chia sẻ như sau:“Cái nhìn có khả năng thấy xa hơn diện mạo bên ngoài, vượt xa hơn tội lỗi, thất bại và bất xứng nơi con người chúng ta, để qua đó thấy được phẩm giá cao quý của con người trong tư cách là con của Thiên Chúa, một phẩm giá mà tội lỗi làm cho nhơ uế; nhưng phẩm giá đó vẫn được tồn tại trong chốn sâu thẳm của tâm hồn con người. Vì thế, Đức Giêsu đến để tìm kiếm tất cả những ai cảm thấy bất xứng với Thiên Chúa, và bất xứng với mọi người”…
- Cái nhìn với ánh mắt nhân từ, mời gọi và khích lệ
Tin mừng Mc 10,17-27 kể rằng một hôm, một người giàu có đến gặp Đức Giêsu, quỳ xuống trước mặt Ngài và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (10,17). Trước thái độ thành khẩn của anh, Đức Giêsu trả lời để anh biết cần phải giữ các điều răn: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ” (10,19). Anh ta liền đáp lại: “Thưa Thầy, tất cả những điều răn đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ” (10,20). Nghe thế, Đức Giêsu “đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (10,21). Chắc hẳn Đức Giêsu đã nhận thấy được sự đơn sơ và lòng chân thành của anh ta, nên anh ta mới nhiệt tâm tuân giữ các điều răn cách nghiêm túc như vậy. Tuy nhiên, đối với anh ta, dường như việc tuân giữ các giới răn như thế vẫn chưa đủ. Biết được niềm khát vọng mãnh liệt nơi anh ta, nên Đức Giêsu đã nhìn anh với ánh mắt trìu mến, khích lệ và mời gọi anh bước theo (Chuyện cha kia bị cưa chân…)
Đức Giêsu cho anh ta biết là “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng ở trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (10,21). Lời đề nghị của Đức Giêsu quả là một thách đố đối với người này: vì anh ta có nhiều tài sản của cải thì làm sao có thể dễ dàng từ bỏ tất cả được? Thế là anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi. Sau đó, Đức Giêsu đưa mắt nhìn chung quanh và nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” (10,23). Cái nhìn của Đức Giêsu ở đây như một lời nhắc nhở, cảnh báo các môn đệ lúc đó đang kinh ngạc sửng sốt, vì xem ra các ông đang phân vân và khó cảm nhận sự thanh thoát của việc từ bỏ của cải để đi theo Đức Giêsu. Do đó, họ đã nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?” (10,26)… Tiếc thay cho người giàu có này, vì đang sống trong tình trạng: niềm vui thì ít ỏi, mà mệt mỏi thì quá nhiều.
Ngược với thái độ của người giàu có trên đây, ông Dakêu trong Lc 19,1-10, cũng là một người giàu có và lại có địa vị trong xã hội. Ông ta ước ao được gặp Đức Giêsu, nên một lần nọ khi biết Đức Giêsu sắp đi ngang qua thành Giêrikhô, ông ta tìm cách nhìn cho bằng được. Nhưng vì dân chúng quá đông mà ông ta thì lại lùn, ông đã nghĩ ra một cách là chạy lên phía trước và leo lên một cây sung để có thể xem thấy Đức Giêsu. Thế là khi Đức Giêsu đi ngang cây sung, Ngài nhìn lên và nói: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông. Ông vội vàng tụt xuống và mừng rỡ đón tiếp Người” (19,5-6). Cái nhìn của Đức Giêsu dành cho Dakêu, cho thấy lòng nhân từ và ý muốn của Ngài là, “đến để tìm và cứu những gì đã mất ” (19,10).
Trong lúc mọi người không ai thèm để ý đến một người tội lỗi như ông Dakêu, thì Đức Giêsu lại bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến ông, qua cử chỉ hành động đầy tình người: “Ngài ngước nhìn lên và nói với ông” (19,5). Chính cái nhìn chân tình và yêu thương, cái nhìn khích lệ và mời gọi đó của Đức Giêsu, cùng với hành động đi bước trước của Ngài, là bày tỏ ý muốn đến gặp Dakêu tại nhà và đã thức tỉnh lương tâm ông. Thế là ông đã vội về nhà đón tiếp Đức Giêsu và tỏ lòng hoán cải thực sự. Quyết tâm đổi mới cuộc đời của Dakêu, chính là câu trả lời cho thắc mắc của các môn đệ: “Thế thì ai có thể được cứu?” (Lc 18,26).
Kính thưa anh chị em,
Đặt mình trong bối cảnh của Năm Lòng Thương Xót, nhân ngày hành hương của Giáo hạt Xuyên Mộc thân yêu của chúng ta, và với một vài phác họa lại về cái nhìn của Đức Giêsu, biểu hiện lòng xót thương của Ngài đối với con người, qua đó cho thấy tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Quả thực, như lời của ĐGH Phanxicô nói trong Tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót: “Chúa Giêsu đã lãnh nhận từ Chúa Cha sứ vụ mặc khải trọn vẹn mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa” (Số 8), tình yêu đó của Đức Giêsu đã được thể hiện một cách cụ thể qua cái nhìn của Ngài đối với nhân loại, nhất là đối với những người tội lỗi, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội (Bảo vệ sự sống Hòa Hội…)
Đức Giêsu Kitô vẫn là một hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi. Ngài vẫn đang nhìn và dõi theo mỗi người chúng ta bằng cái nhìn thiết tha trìu mến, như Ngài đã nhìn đám đông dân chúng nghèo khổ, nhìn bà góa thành Nain đang khóc vì mất đứa con trai; nhìn Mátthêu, Dakêu kẻ thu thuế; nhìn Phêrô kẻ phản bội; nhìn chàng thanh niên giàu có đáng thương… Vấn đề là chúng ta có nhận ra được Ngài đang nhìn chúng ta hay không, và qua cái nhìn đó, chúng ta cảm nhận được lòng thương xót của Ngài trong cuộc đời của chúng ta, để rồi biết đáp trả lại phần nào, cho xứng với tình yêu diệu kỳ của Chúa dành cho chúng ta.
Xin gởi đến anh chị em bài hát: Có một niềm vui của Lê Việt Dũng…
Lm. Phaolô Vũ Xuân Quế, OFM