Cửa Thánh
***
Nghi thức khai mạc Năm Thánh thường đi liền với việc mở Cửa Thánh. Tại Rôma, có bốn Cửa Thánh, được đặt tại các Đền Thánh chính ở Rôma: Đền thờ thánh Phêrô, Đền thờ thánh Gioan Latêranô, Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, và Đền thờ Đức Bà Cả. Ngoài Năm Thánh, những cửa này được xây bít kín lại cách kiên cố. Ngày 8-12-2015 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã long trọng mở Cửa Thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô, khai mạc Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót.
Nói đến cửa, chúng ta nghĩ ngay đến một giới hạn không gian khép kín. Người ta bước qua cửa để mà vào trong nhà, hoặc từ trong nhà ra ngoài sân. Ý nghĩa của Cửa Thánh giúp chúng ta vượt qua khái niệm đơn thuần của không gian để vươn tới những lãnh vực khác của đời sống người tín hữu.
Không chỉ là một giới hạn không gian, Cửa Thánh là biểu tượng của một khoảng thời gian thánh, được khởi đầu bởi việc mở Cửa Thánh. Năm Thánh Lòng Thương Xót khai mở ngày 8-12-2015 và kết thúc ngày 20-11-2016. Đây là khoảng thời gian của ân sủng. Trong thời gian này, chúng ta suy tư cầu nguyện để tái khám phá lòng thương xót bao la của Thiên Chúa, “Đấng giàu lòng thương xót” (Eph 2,4). Vì là biểu tượng của một thời gian thánh, nên những ai không tới được Rôma trong Năm Thánh, vẫn có thể được hưởng những ân huệ Chúa ban, khi cố gắng sống tinh thần của Năm Thánh. Cửa Thánh mở ra trước hết tại Rôma, rồi sau đó tại các nhà thờ chính toà trên khắp thế giới, dẫn đưa Giáo Hội hoàn vũ bước vào thời điểm thuận tiện để đón nhận ơn cứu rỗi. Trong bài giảng khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 8-12-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Năm Thánh ngoại thường này là món quà của ân sủng. Bước vào cánh cửa này nghĩa là khám phá sự sâu sắc của lòng thương xót của Chúa Cha vốn đón nhận hết thảy mọi người và gặp gỡ từng người cách cá vị. Chính Thiên Chúa là Đấng luôn đi tìm chúng ta. Và cũng chính Thiên Chúa đến gặp chúng ta. Trong Năm này chúng ta sẽ không ngừng lớn lên về sự xác tín vào lòng thương xót. Quả là một sự hiểu lầm tai hại về Thiên Chúa và ân sủng của Ngài khi chúng ta luôn nói về sự trừng phạt từ việc Thiên Chúa phán xét tội lỗi, mà trước đó không nói đến sự tha thứ nhờ vào lòng thương xót của Ngài”.
Cánh cửa một ngôi nhà được mở ra đến đón tiếp những người thân thuộc hoặc bạn bè đến thăm viếng. Cửa nhà thường xuyên mở rộng, chứng tỏ chủ nhân là người thân thiện, hảo tâm và biết quan tâm đến người khác. Cánh cửa rộng mở cũng là biểu tượng của lòng quảng đại, sẵn sàng “cho khách đỗ nhà”, giúp đỡ người cơ nhỡ bất hạnh. Giáo Hội mở Cửa Thánh để dòng suối ân sủng khởi đi từ Lòng Thương Xót của Chúa tuôn chảy đến khắp mọi nẻo đường của cuộc sống xã hội hôm nay, một xã hội rất đang cần đến lòng thương xót. Khi mở Cửa Thánh, Giáo Hội muốn con cái mình, những người đang sống “trong nhà” hãy nhìn lại mình và cố gắng sống tốt hơn, và hãy dang rộng vòng tay đến đón tiếp những người còn “ở xa”, tức là họ còn sống trong lầm lạc, đạo đức khô khan, hay chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội. Thay vì kết án hoặc xa lánh, chúng ta cần đối thoại, gặp gỡ, và mở cho họ lối về với đường ngay nẻo chính. Hình ảnh Thiên Chúa được diễn tả qua dụ ngôn Người Cha nhân hậu, phải là nguồn gợi hứng cho chúng ta sống tinh thần Năm Thánh (x. Luc 15,11-32). Vì lẽ đó, Năm Thánh đi liền với ơn Toàn Xá, tức là ơn tha thứ hết mọi tội, với những điều kiện đã được quy định. Đức Thánh Cha cũng có sáng kiến bổ nhiệm những linh mục “Thừa sai của Lòng Thương Xót”. Với sự uỷ nhiệm của chính Đức Thánh Cha, những vị này sẽ được cử hành Bí tích Hoà giải và tha các vạ chỉ dành riêng cho Toà Thánh mọi nơi trên thế giới.
Cửa là ranh giới giữa bên trong với bên ngoài của một căn nhà. Khi cánh cửa mở ra, ranh giới ấy không còn nữa. Có biết bao cánh cửa bị đóng lại trong mối tương quan đồng loại, thậm chí cả giữa những liên hệ thiêng liêng nhất như cha và mẹ, vợ và chồng, con cái với nhau, giáo sĩ và giáo dân, đời tu với đời thường. Vì vậy, Cửa Thánh là lời mời gọi hoà giải, gỡ bỏ những ngăn cách để cùng chung sống hài hoà, đặt để trọn vẹn đời sống Đức tin và đời sống hằng ngày trên nền tảng là lòng thương xót. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Lòng thương xót là luật cơ bản ngự trị trong con tim của mỗi con người đang nhìn chân thành vào đôi mắt của anh chị em mình trên đường đời. Lòng thương xót là cầu nối liên kết giữa Thiên Chúa và con người” (Misericordiae Vultus, số 2). Nhân cuộc họp báo tại Rôma ngày 4-12-2015, với nội dung chuẩn bị Lễ Khai mạc Năm Thánh, Đức Tổng giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồngToà Thánh về Tân Phúc Âm hoá, đã nói: “Năm Thánh này sẽ là một kinh nghiệm về lòng thương xót cho mỗi người, giúp họ cảm nhận sâu đậm hơn tình yêu Thiên Chúa, như một người Cha đón nhận tất cả mọi người không trừ ai”.
Nhiệm vụ của cửa vừa là để đóng lại để xác định một không gian riêng, vừa là để mở ra để sống chung với hàng xóm láng giềng trong mối tương quan thân thiện và tình liên đới. Chẳng có ai cứ ở trong nhà mãi mãi, nhưng cần phải đi ra để hoà nhập với cộng đồng. Cửa Thánh vừa dẫn đưa chúng ta mạnh dạn tiến vào để gặp gỡ Chúa, vừa mời gọi chúng ta can đảm bước ra để đến với tha nhân, loan báo Đức Kitô, Đấng đang hiện diện giữa con người. Mô hình một Giáo Hội “đi ra” được Đức Thánh Cha Phanxicô khẩn thiết đề nghị: “Giáo Hội ‘đi ra’ là một cộng đoàn các môn đệ truyền giáo đi bước trước, dấn thân và nâng đỡ, sinh hoa trái và vui mừng” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 24). Cảm nhận được lòng thương xót của Chúa nơi cuộc đời mình, mỗi tín hữu có bổn phận phải kể lại cho những người xung quanh những điều kỳ diệu ấy, để niềm vui của Đức tin được lan toả đến mọi nẻo đường của cuộc sống. Như thế, Cửa vừa là nơi quy tụ của những người trở về để đón nhận lòng thương xót của Chúa, vừa là điểm xuất phát cho một cuộc lên đường mới. Được trang bị bằng ân sủng Năm Thánh và nghị lực tông đồ, Giáo Hội hướng tới những mùa gặt bội thu.
Chúa Giêsu đã tuyên bố Người là cửa ràn chiên, ai qua Người mà vào thì sẽ được cứu (x. Ga 10,1-9). Cửa Thánh nhắc chúng ta nhớ mình là môn đệ của Chúa Giêsu và thuộc về Giáo Hội của Người. Ngôn ngữ Việt Nam xưa kia thường gọi những người uyên thâm học thức của Đạo Nho là những người đã qua “cửa Khổng sân Trình”. Khi vào qua Cửa Thánh, chúng ta được mời gọi sống căn tính của người Kitô hữu, chọn Chúa Giêsu và giáo huấn của Người là kim chỉ nam cho mọi hành động và suy nghĩ của chúng ta. Biết bao cám dỗ trong cuộc sống đời thường muốn đưa chúng ta vào những cửa khác, có thể dễ chịu và hấp dẫn hơn, nhưng không phải là cửa dẫn chúng ta đến sự sống đời đời.
Cửa Thánh đã mở ra, chúng ta hãy cùng bước vào trong tâm tình cảm tạ và niềm vui hân hoan, với hy vọng Năm Thánh sẽ đem lại cho chúng ta nhiều hoa trái dồi dào. Hãy cùng tâm niệm ước muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô: Xin cho dầu thương xót tuôn đến với tất cả mọi người, cả những tín hữu lẫn những người đã lìa xa, như một dấu chỉ cho thấy Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta rồi” (Misericordiae Vultus, số 5).
Gm Giuse Vũ Văn Thiên