Cần được thương xót
***
Con người thật nhỏ bé và mong manh yếu đuối giữa vũ trụ rộng lớn mênh mông. Để trưởng thành và lớn lên từng ngày, chúng ta cần có sự nâng đỡ của những người xung quanh. Để có thể trở nên vẹn toàn thánh thiện, chúng ta cần có ơn phụ trợ của Chúa. Không có ơn Chúa, chúng ta chẳng làm được gì. Ý thức được sự hữu hạn bất toàn của mình, chúng ta cần đến lòng thương xót của Chúa. Cảm nhận mình cần được xót thương, là một điều kiện cần thiết để đón nhận lòng thương xót. Khao khát đón nhận tình thương của Đấng Tối cao đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống con người. Đó là lý do tại sao ý niệm về Thượng đế đã hình thành từ rất sớm, khi con người bắt đầu hiện hữu trên trái đất.
Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy những ai xứng đáng đón nhận ơn lạ của Chúa đều là những người đang cần đến Chúa, và họ thể hiện sự cần thiết ấy bằng những lời van xin. Họ đã thất vọng nơi những giải pháp của trần thế. Người mù thành Giêricô là một ví dụ trong những trường hợp tương tự. Khi thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, anh kêu lớn tiếng: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin rủ lòng thương tôi!” (Mc 10, 47). Lời cầu xin ấy diễn tả một khát vọng được chữa lành. Lòng khao khát được thương xót cũng thôi thúc rất nhiều người đến gặp Chúa. Đó là trường họp ông Nicôđêmô, một thành viên của Công nghị Do Thái; cô Mađalêna, một người có tiếng là tội lỗi; người phụ nữ Samaritanô bên bờ giếng Giacóp; người đàn ông mù bẩm sinh; đám đông dân chúng sau khi được chứng kiến phép lạ hoá bánh ra nhiều. Mỗi người một cách, tất cả đã nói lên niềm khao khát của mình là được chữa lành, được hội nhập cuộc sống như những người bình thường. Đến với Chúa, họ không chỉ được chữa lành thể xác, mà còn được chữa lành tâm hồn và sẵn sàng đi theo Chúa, trở nên môn đệ của Người.
Nếu có nhiều người cảm nhận sự cần thiết được Chúa rủ lòng thương, thì một số khác lại thờ ơ lãnh đạm hoặc không cần đến lòng thương xót của Chúa. Đây là trường hợp những người luật sĩ và biệt phái. Đối lại những lời xầm xì của họ về việc Chúa Giêsu đón tiếp những người thu thuế, Chúa đã so sánh họ với những người tự cho là khoẻ mạnh nên không cần thầy thuốc (x. Mt 9,12). Nơi khác, Chúa đã tuyên bố rõ ràng và mạnh mẽ hơn: “Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,7). Đúng hơn, những người này tự cho là công chính, chứ thực ra họ đang là những kẻ giả hình, chuyên săm soi phê phán người khác và lấy mình làm tiêu chuẩn cho những người xung quanh. Họ thấy mình không cần đến lòng thương xót của Chúa.
Linh mục Antonio Spadaro, chủ nhiệm báo La Civiltà Cattolica của Dòng Tên tại Italia, đã thực hiện một cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 8-2013, tức là 5 tháng sau khi ngài được bầu làm Giáo hoàng. Vị linh mục này đã chia sẻ như sau: “Tôi hỏi thẳng Đức giáo hoàng Phanxicô rằng: ‘Jorge Mario Bergoglio là ai?’ Ngài chăm chăm nhìn vào tôi một cách trầm lặng. Tôi hỏi ngài xem tôi có được hỏi ngài câu này hay chăng. Ngài gật đầu và trả lời rằng: ‘Tôi không biết phải diễn tả làm sao cho thích đáng nhất đây… Tôi là một tội nhân. Đó là một định nghĩa chính xác nhất. Nó không phải là một lời nói bóng gió, một kiểu nói văn chương. Tôi là một tội nhân’.”
“Tôi là một tội nhân!”, vị Chủ chăn tối cao của Giáo hội Công giáo đã không ngần ngại quả quyết như thế. Khi lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng tại quảng trường thánh Phêrô vừa sau khi được bầu làm Giáo hoàng, trước khi ban phép lành cho dân chúng, ngài đã khiêm tốn xin mọi người cầu nguyện cho mình. Trong giáo huấn cũng như đời sống hằng ngày, Đức Thánh Cha vẫn luôn thể hiện sự khiêm tốn, hoà đồng, nhất là gần gũi những những người bất hạnh. Khi khiêm tốn nhận mình là một tội nhân, Đức Thánh Cha đã đánh động triệu triệu con tim, khiến các tác giả đạo đời đều coi ngài như một hiện tượng hay một ngôn sứ trong thời đại rất cần đến tình thương.
Mỗi chúng ta đều là những tội nhân. Chúng ta dễ dàng chấp nhận điều đó trên lý thuyết, nhưng trong thực tế thì không dễ dàng chút nào. Không chấp nhận thân phận thực của mình là căn nguyên của mọi tội lỗi và mọi chia rẽ xung đột. Câu chuyện Ađam và Evà ở đầu lịch sử đã chứng minh điều đó. Ông Bà nguyên tổ muốn từ chối thân phận thụ tạo của mình để muốn biết mọi sự giống như Thiên Chúa. Chính chúng ta vẫn thường có tâm trạng như của Ađam và Evà, muốn ngang hàng với Thiên Chúa, thay vì thờ phượng yêu mến và tuân phục thánh ý của Ngài.
Nhận ra mình cần được thương xót, cũng là khiêm tốn nhìn nhận những bất toàn của mình, để dễ thông cảm với những người xung quanh. Bởi lẽ hết thảy chúng ta đều là “nhân vô thập toàn”, trong ngôn ngữ, hành động cũng như suy tưởng. Chúng ta cần đến Chúa để hướng dẫn, cần có anh chị em để đồng hành, giúp chúng ta trên con đường hoàn thiện.
Năm Thánh Lòng Thương Xót sắp khởi đầu. Đây đó đã có những chương trình cử hành Năm Thánh theo hướng dẫn của Toà Thánh. Chúng ta mong ước Năm Thánh sẽ là cơ hội để chúng ta tái khám phá lòng thương xót của Chúa đối với chúng ta, trong cuộc đời cụ thể của mỗi cá nhân, mỗi cộng đoàn. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể, qua đó Ngài mạc khải tình yêu của Ngài như của một người cha hay của một người mẹ, rung động đến tận những sâu thẳm của tình yêu dành cho con cái mình” (Tông chiếu về Năm Thánh Lòng Thương Xót, số 6).
Nhận ra mình cần được Chúa thương xót, đó cũng là lời kêu mời và gợi ý của Đức Thánh Cha. Lời kêu mời này được gửi đến mọi tín hữu trong Giáo hội: “Chúng ta được mời gọi để tỏ lòng thương xót, vì lòng thương xót đã được thể hiện ra cho chúng ta trước” (Tcđd, số 9). Quả thế, chúng ta chỉ có thể trở nên chứng nhân của lòng Chúa thương xót, nếu chúng ta trước hết là người đã đón nhận ân ban tuôn chảy từ tình thương bao la hải hà của Chúa. Riêng đối với các linh mục giải tội, Đức Thánh Cha lưu ý: “Tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi nhấn mạnh rằng, các cha giải tội là dấu chỉ xác thực cho lòng thương xót của Chúa Cha. Chúng ta không tự động trở thành những cha giải tội tốt. Chúng ta chỉ trở thành cha giải tội tốt khi trên tất cả mọi sự, chúng ta để cho mình thành những hối nhân tìm kiếm lòng thương xót của Ngài” (Tcđd, số 17).
Cần được thương xót, đó là tâm tình mỗi tín hữu chúng ta cần có, khi chuẩn bị khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót. Khi nhận thấy thân phận trơ trụi đớn hèn của mình trước mặt Chúa và những khuyết điểm hữu hạn đối với tha nhân, chúng ta sẽ mở rộng tâm hồn để có thể đón nhận ân sủng của Chúa, là Cha giàu lòng thương xót, để rồi khởi đi từ đó, chúng ta có lòng thương xót đối với tha nhân.
Gm Giuse Vũ Văn Thiên