LÒNG TIN HÀNH ĐỘNG NHỜ LÒNG YÊU MẾN
(Gl 5,6)
Tạ ơn Chúa vì những gì vị Nguyên Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI đã thực hiện trong triều đại của người. Người đã can thiệp vào những gì rất cụ thể, đã đề ra những việc thực hành rất chính đáng liên quan đến nhiều điều khác nhau, đặc biệt là những gì liên quan đến đức tin. Năm Đức Tin đang đi vào giai đoạn kết thúc, tôi cũng muốn làm một điều gì đó tương tự, với ý thức rằng đức tin Ki-tô giáo của chúng ta không chỉ là vấn đề tư tưởng trừu tượng, cũng chẳng phải là vấn đề đơn thuần lý thuyết, nhưng đúng hơn đời sống đức tin của chúng ta thực sự đụng chạm đến những gì thực tế hằng ngày.
Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại lời mời gọi của Đức Bê-nê-đích-tô XVI trong số 15 của Tự Sắc Cánh Cửa Đức Tin (Porta fidei, 11-10-2011). Người viết như sau :
Các Ki-tô hữu cảm nghiệm niềm vui và đau khổ. Biết bao vị thánh đã từng trải qua nỗi cô đơn ! Biết bao tín hữu, kể cả ngày nay, bị thử thách vì Thiên Chúa vẫn im lặng trong khi họ muốn được nghe lời Người an ủi ! Những thử thách của cuộc sống, đang khi giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm Thập giá và dự phần vào đau khổ của Chúa Ki-tô (x. Cl 1,24), là khúc dạo đầu cho niềm vui và hy vọng mà đức tin dẫn đến : “Khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ” (2 Cr 12,10). Chúng ta vững vàng tin tưởng mạnh mẽ Chúa Giêsu đã chiến thắng cái ác và sự chết. Với niềm tín thác, chúng ta trao phó bản thân cho Chúa : Chúa hiện diện giữa chúng ta và chiến thắng quyền lực của ác thần (x. Lc 11,20) và Giáo hội, cộng đồng hữu hình của lòng Chúa thương xót, ở lại trong Chúa như dấu chỉ giao hòa rõ rệt với Chúa Cha.
Rất có thể là chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm cá nhân không tương thích với những gì đã học được liên quan đến đức tin Ki-tô giáo của chúng ta và cách thức cụ thể mà chúng ta đã chuyển dịch từ kiến thức đó vào những biến cố thực tế trong những môi trường mà những biến cố đó đã phát sinh. Sự “tái loan báo Tin Mừng” tập trung vào chính những khó khăn và thách đố như thế. Khó khăn, vì nhiều lần chúng ta cứ duy trì trong tình trạng lý thuyết, trong sự trừu tượng và trong thế giới tư tưởng viển vông ; thách đố, vì chúng ta phải tìm cách hội nhập những kiến thức mình đã biết vào chính cái cuộc sống của mình, ở mức độ cụ thể, liên quan đến đức tin và cuộc sống Ki-tô giáo.
Đây không phải là điều gì mới lạ trong thời của chúng ta. Chính Đức Giê-su cũng đã cảnh cáo nhiều người vào thời của Người, cụ thể là các kinh sư và những người biệt phái, phải hòa hợp giữa lời nói và việc làm. Chúng ta biết rõ ràng lời của Đức Giê-su : “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà đặt lên vai người ta, nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,2-4 ; x. Mc 12,38-40 ; Lc 11,46 ; 20,45-47). Người cũng cảnh cáo cả những môn đệ của Người là : “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : ‘Lạy Chúa ! Lạy Chúa !’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Thánh Lu-ca cũng có những lời tương tự như vậy : “Tại sao anh em gọi Thầy : ‘Lạy Chúa ! Lạy Chúa !’, mà anh em không làm điều Thầy dạy” (Lc 6,46). Chúng ta nhớ lại lời của Đức Giê-su, một lời đầy an ủi và khích lệ : “Đây là mẹ tôi và anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3,34-35).
Chúng ta cần phải có đủ khiêm tốn để tránh tập trung quá mức vào cái rác trong mắt tha nhân mà lại không quan tâm đến cái xà trong mắt của chính mình (x. Mt 7,3-5 ; Lc 6,41-42). Cũng thế, Chúa Giê-su đã chỉ rõ cho chúng ta rất cụ thể trong lời giáo huấn của Người : “Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cọng rơm ra khỏi mắt người anh em” (Mt 7,5 ; x. Lc 6,42).
Lời giới thiệu này dẫn chúng ta đến chiều kích thực hành của đức tin, điều mà chính thánh Phao-lô cũng rất quan tâm, chính thánh nhân cũng là một người rất cụ thể và thực hành. Một ví dụ có ý nghĩa trong giáo huấn của người là : “lòng tin hành động nhờ lòng yêu mến” (Gl 5,6).
I. THƯ GỬI TÍN HỮU GA-LÁT
Thư gửi tín hữu Ga-lát được viết vào khoảng năm 54. Nội dung của thư liên quan đến vấn đề công chính hóa nhờ lòng tin, điều mà Phao-lô cũng nói trong thư gửi tín hữu Rô-ma (các chương 3 – 4) nhưng trong một văn mạch dung hòa hơn.
Gl 5,1-15 bắt đầu với một lời mạnh mẽ vang vọng như một lời tuyên bố chính trị : “Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1). Lời này lại được lặp lại trong lời kết của phần này : “Thưa anh em, anh em đã được kêu gọi để hưởng tự do” (Gl 5,13). Bằng cách này, thánh Phao-lô đã tham chiếu một phần liên quan đến Đức Giê-su, trình bày Người như Đấng mang lại tự do đích thực cho chúng ta một cách dứt khoát : “Đức Ki-tô đã cho chúng ta được tự do” (Gl 5,1), mặt khác thánh nhân cũng nhấn mạnh đến vai trò của Thiên Chúa Cha, Người là tác nhân của một hành động được diễn tả theo dạng bị động thần học : “Thật vậy, thưa anh em, anh em đã được kêu gọi [bởi Thiên Chúa] để hưởng tự do” (Gl 5,13). Ở giữa hai lời khẳng định này, chúng ta có lời mang tựa đề của bài học hỏi này : “lòng tin hành động nhờ lòng mến” (Gl 5,6) ngay theo sau lời tham chiếu đến Chúa Thánh Thần : “Nhờ Thần Khí, do đức tin, chúng tôi kiên trì trông đợi được nên công chính như chúng tôi hy vọng” (Ga 5,5). Thực tại này được nói đến cách rõ ràng khi Phao-lô viết về sự tự do nhờ Đức Giê-su Ki-tô : “Chỉ có điều là đừng biến tự do thành cớ để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy lòng yêu mến mà phục vụ lẫn nhau. Quả thế, tất cả Lề Luật được nên trọn vẹn trong lời duy nhất này là : “Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình” (Gl 5,14b ; x. Lv 19,18).
Xin được viết lại đây lời của Phao-lô trong Gl 5,1-15 :
1 Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã cho chúng ta được tự do. Vậy, anh em hãy đứng vững và đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa. 2 Phải, tôi đây, Phao-lô, tôi nói cho anh em biết : anh em mà chịu phép cắt bì thì Đức Ki-tô sẽ không có ích gì cho anh em. 3 Một lần nữa, tôi xin khẳng định với bất cứ ai chịu phép cắt bì là : người ấy buộc phải thi hành trọn vẹn Lề Luật. 4 Anh em mà tìm cách được nên công chính nhờ Lề Luật, là anh em đã đoạn tuyệt với Đức Ki-tô, đã mất hết ân sủng. 5 Thật thế, nhờ Thần Khí, do đức tin, chúng tôi kiên trì trông đợi được nên công chính như chúng tôi hy vọng. 6 Quả vậy, trong Đức Ki-tô Giê-su, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị gì, nhưng là lòng tin hành động nhờ lòng yêu mến. 7 Anh em đang chạy giỏi, ai đã ngăn cản anh em vâng theo sự thật ? 8 Lời xúi giục ấy không đến từ Đấng kêu gọi anh em. 9 Một chút men làm cho cả khối bột dậy men. 10 Phần tôi, trong Chúa, tôi tin tưởng vào anh em là anh em sẽ không nghĩ gì khác. Còn kẻ phá rối anh em thì sẽ chuốc lấy án phạt, bất kể người ấy là ai. 11 Về phần tôi, thưa anh em, nếu như tôi còn rao giảng phép cắt bì, thì tại sao tôi vẫn còn bị bắt bớ ? Vậy là cớ vấp ngã từ thập giá đã bị hủy bỏ. 12 Phải chi những kẻ làm cho anh em bị rối loạn, hãy tự thiến cho rồi ! 13 Thật vậy, thưa anh em, anh em đã được kêu gọi để hưởng tự do ; chỉ có điều là đừng biến tự do thành cớ để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy lòng yêu mến mà phục vụ lẫn nhau. 14 Quả thế, tất cả Lề Luật được nên trọn vẹn trong lời duy nhất này là : Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình. 15 Nhưng nếu anh em cắn xé và ăn thịt nhau, thì hãy coi chừng, kẻo anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy !
Lời của Phao-lô mang tính thực hành, hoàn toàn cụ thể, mời gọi chúng ta biến đổi những lý thuyết trừu tượng thành những hành động rõ ràng, không cần phải bàn luận gì cả. Chính Đức Bê-nê-đích-tô XVI cũng có lời bình luận về những lời này của Phao-lô trong Tự Sắc Cánh Cửa Đức Tin, số 6, như sau :
Đối với Thánh Phao-lô Tông đồ, Tình yêu ấy dẫn con người đến cuộc sống mới : “Qua phép Rửa, chúng ta đã được mai táng với Người trong sự chết, để như Chúa Ki-tô sống lại từ cõi chết nhờ vinh quang của Chúa Cha, chúng ta cũng sẽ được sống trong sự sống mới” (Rm 6,4). Nhờ đức Tin, sự sống mới này làm khuôn mẫu cho toàn thể cuộc sống con người theo sự mới mẻ tuyệt đối của sự sống lại. Tùy theo mức độ sẵn sàng vâng theo ý Chúa, mọi tư tưởng và tình cảm, tâm trí và hành vi của con người dần dần được thanh luyện và biến đổi, trong một cuộc hành trình chẳng bao giờ được hoàn tất ở cuộc sống này. Đức Tin “hành động qua đức ái” (Gl 5,6) trở thành một chuẩn mực mới giúp thông hiểu và hành động, làm thay đổi toàn thể cuộc sống con người (x. Rm 12,2 ; Cl 3,9-10 ; Ep 4,20-29 ; 2 Cr 5,17).
Tôi xin đúc kết lại lời trích dẫn trên đây theo những điểm liên quan đến “sự sống” :
– tình yêu ấy dẫn con người đến cuộc sống mới
– chúng ta cũng sẽ được sống trong sự sống mới
– sự sống mới này làm khuôn mẫu cho toàn thể cuộc sống con người
– trong một cuộc hành trình chẳng bao giờ được hoàn tất ở cuộc sống này
– một chuẩn mực mới giúp thông hiểu và hành động, làm thay đổi toàn thể cuộc sống con người
II. TÍNH NĂNG ĐỘNG CỦA ĐỨC TIN : CUỘC LỮ HÀNH ĐỨC TIN
Nói về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta ý thức rằng Người luôn có sáng kiến và đi bước trước, đóng góp của chúng ta là cần thiết nhưng đó là điều đến sau, như lời của Đức Bê-nê-đích-tô đã viết : “Tình yêu ấy dẫn con người đến cuộc sống mới : ‘Qua phép Rửa, chúng ta đã được mai táng với Người trong sự chết, để như Chúa Ki-tô sống lại từ cõi chết nhờ vinh quang của Chúa Cha, chúng ta cũng sẽ được sống trong sự sống mới’” (Rm 6,4). Lời của Phao-lô diễn tả cách rõ ràng sự đồng hóa với Đức Giê-su Ki-tô : phép rửa dẫn chúng ta đến sự sống với Chúa, được mai táng với Người để cùng được chia sẻ với Người sự sống mang lại vinh quang của Thiên Chúa Cha, một sự sống mới, được định nghĩa là “tình yêu”.
Tất cả bắt đầu với “tình yêu” ấy của Thiên Chúa trong cuộc sống chúng ta, và được hiện thực trong chúng ta “nhờ bí tích Rửa Tội”. Và cùng trong hướng của thực tại đó, Phao-lô đã khẳng định : “đức tin hành động nhờ đức ái !”, tức là tình yêu. Lời khẳng định này giúp ta hiểu rằng có đức tin và đức tin. Một cái có thể rất là thực hành, nhưng cái khác có thể không. Nói như thế chắc chắn thu hút sự chú ý của chúng ta đến lời của thánh Gia-cô-bê, khi người nói về một đức tin “chết” nếu không có hành động nhờ đức ái, như thánh Phao-lô đã khẳng định.
Lời của Gia-cô-bê (2,14-26) vừa có tính bút chiến, vừa cụ thể và thiết thực :
14 Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà người ấy không có việc làm, thì nào có ích lợi gì ? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng ? 15 Giả như có người anh em hay chị em mình trần thân trụi và không đủ của ăn hằng ngày, 16 mà có ai trong anh em lại nói với họ : “Hãy đi bình an, mặc cho ấm, ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì ? 17 Cả đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm thì đức tin ấy đã chết thật rồi. 18 Nhưng có người sẽ nói : “Bạn có đức tin ; còn tôi, tôi có việc làm. Bạn hãy cho tôi thấy đức tin không việc làm của bạn ; còn tôi, tôi sẽ cho bạn thấy đức tin qua việc làm của tôi. 19Bạn tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Bạn làm phải. Cả ma quỷ cũng tin như thế, và chúng run sợ.” 20Hỡi người đầu óc rỗng tuếch, bạn có muốn biết rằng đức tin không có việc làm là vô dụng chăng ? 21 Ông Áp-ra-ham tổ phu chúng ta, đã chẳng được nên công chính nhờ việc làm, khi ông hiến dâng con mình là I-xa-ác trên bàn thờ đó sao ? 22 Bạn thấy đó : đức tin hợp tác với việc làm của ông, và nhờ việc làm mà đức tin nên hoàn hảo. 23 Như thế ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã chép : Ông Áp-ra-ham tin Thiên Chúa, và điều ấy đã được Thiên Chúa kể cho ông là điều công chính và ông được gọi là bạn của Thiên Chúa. 24 Anh em thấy đó, nhờ việc làm mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi. 25 Cũng vậy, há chẳng phải nhờ việc làm mà Ra-kháp, cô gái điếm, đã được nên công chính, vì đón tiếp các sứ giả và đưa họ đi lối khác sao ? 26 Quả thật, cũng như xác không hồn là xác chết, thì đức tin không có việc làm cũng là đức tin chết.
Sự cụ thể của diễn từ trên đây của Gia-cô-bê liên quan đến sự cần thiết phải có hành động đối với các tín hữu trùng hợp với lời khẳng định của Phao-lô liên quan đến đức tin, “lòng tin hành động nhờ lòng ái”. Nói chính xác, có sự khác biệt giữa sự công chính hóa tiên khởi (bắt đầu tiếp nhận đức tin, sự công chính hóa đầu tiên) và sự công chính hóa cùng đích (cuộc sống Ki-tô hữu được thúc đẩy bởi đức tin, sự công chính hóa thứ hai). Đối với sự công chính đầu tiên, đức tin không đòi có hành động, vì đó là một món quà từ Thiên Chúa, và đức tin đó không thể hành động trong chúng ta trước khi chúng ta đón nhận nó từ Thiên Chúa. Những điều được làm trước khi có đức tin không có hành động như một nền tảng hay một sự khởi đầu, và Phao-lô đã nói rất rõ về điều này ở Gl 2,16 : “Nhưng vì biết rằng con người được nên công chính không phải bởi làm những việc Lề Luật dạy, mà nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô, nên cả chúng ta cũng đã tin vào Đức Ki-tô Giê-su, để được nên công chính, bởi tin vào Đức Ki-tô, chứ không phải bởi làm những việc Lề Luật dạy. Quả thế, không phàm nhân nào sẽ được nên công chính bởi làm những việc Lề Luật dạy”. Sau sự công chính hóa đầu tiên này, đức tin trở nên “hành động”, diễn tả tính năng động của nó, và không thể khác đi được, nếu không nó sẽ là đức tin “chết”.
Chúng ta trở lại lời khẳng định của Đức Bê-nê-đích-tô XVI : “Tình yêu ấy [tình yêu Thiên Chúa] dẫn con người đến sự sống mới”. Lời khẳng định này được hoàn tất bởi lời khác, lời của Phao-lô : “lòng tin hành động nhờ lòng mến”. Đức Bê-nê-đích-tô đã khẳng định rằng : “hành động nhờ đức mến”, đức tin ấy “trở nên một tiêu chuẩn mới giúp thông hiểu và hành động, làm thay đổi toàn thể cuộc sống con người”.
Chắc chắn lời khẳng định ấy giúp chúng ta rất nhiều trong bài học hỏi này. Một phần, nhiều lần chúng ta cảm thấy thất vọng và lạc hướng, không biết làm gì và làm thế nào ; mặt khác, chúng ta có khả năng hành động như một Ki-tô hữu, nhưng chúng ta lại không quyết tâm thực hiện điều đó, chúng ta nói đến những động lực mà khởi đi từ một lời tự vấn quen thuộc : “Ai sẽ làm điều đó cho tôi ?”. Thay vào đó, nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta có đức tin và đức ái, như một ân huệ từ Thiên Chúa không là một cái gì đó để đút vào túi, đúng hơn đó là một ân huệ để sinh hoa lợi nhiều hơn cho tha nhân, chúng ta nói đến những đặc sủng Thiên Chúa ban cho chúng ta. Như thế, lời khẳng định trên trở nên cấp bách hơn và cụ thể hơn cho mỗi người chúng ta, nó không chỉ dựa trên sức mạnh con người của chúng ta, dựa trên ý muốn tốt lành của chúng ta, và dựa trên sự thông minh của chúng ta, nhưng đúng hơn phải tính đến ân sủng của Thiên Chúa, một ân huệ mà chúng ta không đón nhận trong một cách thức không hạn chế. Chúng ta nhớ lại sự khẳng định của thánh Phao-lô về cách thức hành động của Thiên Chúa trong giới hạn của chúng ta : “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần đã được ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Vị tông đồ đã nói đến một tình yêu, tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu ấy đã được “đổ” vào chúng ta, có thể nói rằng, đó là một tình yêu dồi dào, phong phú, tràn đầy. Đó là cách thức hành động của Thiên Chúa đối với chúng ta.
Một câu hỏi được đặt ra : chúng ta nên làm điều gì với ân sủng mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta ? Chúng ta có quan tâm chăm sóc những ân sủng ấy, thậm chí còn sợ mất chúng nữa, đến độ cất giấu ân huệ đó không ? Tất cả chúng ta biết đến lời giáo huấn của Đức Giê-su trong dụ ngôn những nén bạc ở Mt 25,14-30.
Vị chủ nhà ca ngợi sự chăm chỉ của hai loại đầy tớ đầu tiên, những người đã lãnh nhận năm yến bạc hay hai yến bạc. Lời ca ngợi của vị chủ nhà được diễn tả với những từ ngữ như sau : “Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành ! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào hưởng niềm vui của chủ anh” (Mt 25,21.23). Cuối cùng, khi người đầy tớ đã nhận một yến bạc cũng trình diện, lời của ông ta là một lời xin lỗi, tìm cách thoái thác trách nhiệm của mình : “Thưa ngài, tôi biết ngài là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ngài dưới đất. Của ngài còn nguyên đây này !” (Mt 25,24-25). Và chúng ta cũng đã biết câu trả lời của vị chủ nhà : “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác” (Mt 25,26), lời này cho thấy rằng lẽ ra tên đầy tớ ấy phải làm lụng để sinh lợi yến bạc được trao, nhưng ông ta đã không làm như thế.
Một lần nữa, chúng ta đặt câu hỏi : chúng ta phải làm gì với ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta ? Câu trả lời của Đức Bê-nê-đích-tô XVI đã lấy điểm cốt yếu quen thuộc từ lời của Phao-lô caritas Christi urget nos (“tình yêu Đức Ki-tô thúc bách chúng ta”, 2 Cr 5,14) để khẳng định như sau :
Chính tình yêu Chúa Ki-tô đổ đầy tâm hồn chúng ta và thúc đẩy chúng ta loan báo Tin Mừng. Ngày nay cũng như xưa kia, Chúa sai chúng ta ra đi trên khắp nẻo đường thế giới để công bố Tin Mừng của Người cho mọi dân tộc trên trái đất (x. Mt 28,19). Chúa Giê-su Ki-tô dùng tình yêu thu hút con người thuộc mọi thế hệ đến với Người : trong mọi thời đại, Người gọi Giáo hội đến và trao nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, với một mệnh lệnh luôn luôn mới mẻ. Vì thế, ngày nay Giáo hội phải dấn thân một cách thuyết phục hơn nữa qua công cuộc Tân Phúc âm hóa, để tái khám phá niềm vui đức tin và tìm lại niềm hăng say thông truyền đức tin.
Thực vậy, đức tin sẽ tăng trưởng khi biết sống đức tin với cảm nghiệm về tình yêu đã nhận lãnh, và biết thông truyền đức tin với cảm nghiệm về ân sủng và niềm vui. Đức tin làm cho chúng ta trở nên phong phú, bởi đức tin giúp tâm hồn mở rộng trong hy vọng và đem lại một chứng từ giàu sức sống : đức tin mở cánh cửa tâm trí của tất cả những ai lắng nghe và đón nhận Lời Chúa mời gọi hãy gắn bó với Lời Chúa để trở thành môn đệ của Người. (Cánh Cửa Đức Tin, số 7)
Chúng ta lặp lại lời của Đức Bê-nê-đích-tô XVI : “Thực vậy, đức tin sẽ tăng trưởng khi biết sống đức tin với cảm nghiệm về tình yêu đã nhận lãnh, và biết thông truyền đức tin với cảm nghiệm về ân sủng và niềm vui”. Nói cách khác, không còn là lúc chúng ta kêu xin Thiên Chúa ban đức tin cho chúng ta hay gia tăng đức tin cho chúng ta, bởi vì Thiên Chúa đã ban đức tin cho chúng ta rồi và chúng ta phải sống nó. Đây là lời giải thích của Đức Bê-nê-đích-tô XVI : “Vì vậy, sở dĩ đức tin được tăng trưởng và vững mạnh là nhờ biết tin tưởng ; để đời mình được vững chắc, không có cách nào khác hơn là không ngừng buông mình vào vòng tay của một tình yêu dường như lớn lao thêm mãi, bởi tình yêu ấy phát xuất từ Thiên Chúa” (Cánh Cửa Đức Tin, số 7).
Liên quan đến tính năng động của đức tin, Đức Bê-nê-đích-tô XVI đã khẳng định trong Tự Sắc Cánh Cửa Đức Tin (số 6) như sau :
Cuộc canh tân Giáo hội cũng còn được thực hiện qua chứng từ cuộc sống của các tín hữu : quả vậy, bằng chính sự hiện diện của mình trong thế giới, các tín hữu được mời gọi làm ngời lên Lời Chân lý Chúa Giê-su để lại cho chúng ta. Chính Công đồng, trong Hiến chế tín lý Lumen Gentium, đã khẳng định : “Trong khi Chúa Ki-tô, ‘thánh thiện, vô tội, không tì vết’ (Hr 7,26) không hề biết đến tội lỗi (x. 2 Cr 5,21), chỉ đến mà chuộc tội cho dân (Hr 2,17), thì Giáo hội, mang trong lòng mình những kẻ tội lỗi, vì thế, Giáo hội là thánh thiện đồng thời cũng được kêu gọi thanh luyện chính mình, không ngừng phải nỗ lực thống hối và canh tân. Giáo hội “tiến bước trong cuộc lữ hành qua những cuộc bách hại của trần thế và những an ủi của Thiên Chúa”, loan báo cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa cho đến khi Chúa đến (x. 1 Cr 11,26). Quyền năng của Chúa Phục sinh giúp cho Giáo hội thắng vượt –với lòng nhẫn nại và yêu thương– những buồn sầu và khó khăn xảy đến cho Giáo hội từ bên ngoài và cả từ bên trong, và trung thành bày tỏ mầu nhiệm của Chúa giữa lòng thế giới, mầu nhiệm ấy dù còn bị bóng tối che khuất nhưng cuối cùng sẽ đến ngày hiển lộ trong ánh quang rạng ngời” (Lumen Gentium, số 8). Trong viễn cảnh này, Năm Đức Tin là lời mời gọi hãy hoán cải một cách đích thực và được đổi mới, trở về với Chúa là Đấng duy nhất cứu độ thế giới.
III. ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ, ĐẤNG CỨU ĐỘ NHÂN LOẠI
Lời đầu và lời cuối của phần trích dẫn trên cần được đặt chung với nhau, chúng sẽ mở cho chúng ta một con đường để bước theo, một con đường cho người Ki-tô hữu : “Năm Đức Tin là lời mời gọi hãy hoán cải một cách đích thực và được đổi mới, trở về với Chúa là Đấng duy nhất cứu độ thế giới”, và “Cuộc canh tân Giáo hội cũng còn được thực hiện qua chứng từ cuộc sống của các tín hữu : quả vậy, bằng chính sự hiện diện của mình trong thế giới, các tín hữu được mời gọi làm ngời lên Lời Chân lý Chúa Giê-su để lại cho chúng ta”. Thuật ngữ liên quan đến Đức Giê-su là : “Đấng Cứu Độ duy nhất của thế giới” và là “Lời Chân Lý”.
“Lòng tin hành động nhờ lòng mến” không chỉ giúp chúng ta hướng cuộc sống của mình về phía tha nhân như một bổn phận và sự công bằng ; đức tin trước tiên giúp chúng ta ổn định cuộc sống của mình trong tương quan cá vị với Đức Giê-su Ki-tô, cho tới khi giữ được Người không chỉ cho cuộc sống của mình, nhưng cho một mối tương quan sâu xa có khả năng chia sẻ với tha nhân. Chúng ta đang nói đến vai trò của Đức Giê-su Ki-tô trong tương quan với mỗi cá nhân chúng ta, và với tất cả chúng ta như là “thân thể của Đức Ki-tô”.
Thực ra chúng ta không có một Đấng Cứu Độ nào khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, và vì thế Người là “Đấng Cứu Độ duy nhất của thế giới”. Đức Giê-su Ki-tô không chỉ không nói dối, Người không thể sai lầm, thực sự Người là “Lời chân lý”. Người đã phán : “Ta là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Công thức mà Đức Giê-su đã dùng “Ta là” có một giá trị đặc biệt, theo nghĩa “Ta là, và không ai khác”.
Kết luận
1. Chúng ta sẽ hết mình lắng nghe Người mỗi ngày một hơn, thay vì chú ý đến nhiều điều khác không dẫn đến “chân lý” ; quan tâm đến người khác, không phải vì điều hay điều tốt cho mình, nhưng vì lợi ích riêng cho họ.
2. Trong Năm Đức Tin, tất cả cuộc sống chúng ta phải là cơ hội để đào sâu thực tại có giá trị thật, tìm cách đi đến những điều cốt yếu, đến những gì có thể cho chúng ta và những người xung quanh chúng ta điều căn bản trong cuộc sống thường ngày. Đó là vai trò của đức tin : “lòng tin hành động nhờ lòng mến”.
3. Trong cuộc sống Ki-tô giáo, mỗi người chúng ta đứng trong một vị thế riêng, trong những mối quan hệ khác nhau, cần chú ý rằng tất cả những mối quan hệ đó phải khởi đi từ mối tương quan thân tình với Đức Giê-su Ki-tô. Vì thế thánh Phao-lô đã gửi cho các tín hữu thành Phi-líp-phê lời khuyên bảo rằng : “Anh em hãy có những cảm nghĩ nơi mình như chính những cảm nghĩ nơi Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 2,5). Lời ấy cũng có giá trị cho chúng ta. Như thế, bao lâu Đức Ki-tô là cho từng người chúng ta, thì điều ấy phải giúp ta có một tương quan cụ thể với những người khác, theo cách thức mà Đức Giê-su Ki-tô là điểm nối kết tất cả chúng ta, Người là “Đầu của Giáo Hội”, và từ Người, tất cả Giáo Hội nhận được sự sống, sức mạnh, năng lượng cho cuộc sống của mình.
Nt. Maria Đỗ Thị Yến
Nguồn: kinhthanhchomoinguoi.org