NẾU ĐỨC KITÔ ĐÃ KHÔNG TRỖI DẬY
THÌ NIỀM TIN CỦA ANH EM THẬT HÃO HUYỀN
(1 Cr 15,17)
Để học hỏi sâu xa hơn về đề tài đức tin, chúng ta có một đoạn văn của Phao-lô diễn tả rất rõ ràng về điều đó : “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy thì niềm tin của anh em thật hão huyền”. Lối suy tư của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến sự trình bày về niềm tin vào sự phục sinh của chúng ta.
Chúng ta cần phải suy niệm những gì Phao-lô đã để lại cho chúng ta về sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô và của những người đã an giấc trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô. Tất cả chương 15 nói về đề tài phục sinh. Chúng ta có thể nói rằng những tín hữu thành Cô-rin-tô không nghi ngờ sự phục sinh của Đức Giê-su. Họ có thể chấp nhận rằng sự phục sinh là một đặc ân duy nhất dành cho Đấng Mê-si-a. Điều họ nghi ngờ là sự phục sinh của những người đã an giấc, cụ thể là những thành viên trong cộng đoàn đã qua đi trước ngày quang lâm của Chúa. Có thể chính sự nghi ngờ này đã thúc đẩy Phao-lô bàn luận về vấn đề phục sinh của những người đã an giấc. Đây không phải là một vấn đề trừu tượng, mà là một vấn đề rất thực tế và cụ thể, nhất là khi nói về sự phục sinh của chính chúng ta.
Tuy nhiên, luận cứ của Phao-lô thật thuyết phục, vì thánh nhân đã không nói đến sự phục sinh của Đức Giê-su cách cô lập như đó là một điều ngoại lệ chỉ liên quan đến Đấng Mê-si-a, rồi sau đó nói đến sự phục sinh của những người đã an giấc như là một điều gì đó không liên quan gì đến sự phục sinh của Đức Giê-su. Thực ra Phao-lô đã làm ngược lại : khi nói về sự phục sinh, thánh nhân đã đặt song song giữa sự phục sinh của Đức Giê-su và sự phục sinh của những người đã chết, tìm cách làm cho người đọc hiểu rằng sự phục sinh của Đức Giê-su không phải là một sự kiện chỉ liên quan đến một mình Người, vì Người là Đấng Mê-si-a, nhưng thánh nhân đã nói đến sự phục sinh của Đức Giê-su như một khởi đầu cho sự phục sinh của những người đã an giấc, những người đã theo dấu chân của Chúa Giê-su phục sinh, như sự “mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15,20).
I. SỰ PHỤC SINH CỦA ĐỨC GIÊ-SU ĐẢM BẢO SỰ PHỤC SINH CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐÃ CHẾT
Phao-lô đã đặt Đức Giê-su và nhân loại chung với nhau vì cả hai đều có chung bản tính con người. 1 Cr 15,12-20 chứng minh điều đó :
12 Nhưng nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Ki-tô đã từ cõi chết trỗi dậy, thì sao trong anh em có những người lại nói : kể chết không sống lại ? 13 Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Ki-tô cũng đã không trỗi dậy. 14Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và đức tin của anh em cũng trống rỗng. 15 Hơn nữa, chúng tôi bị coi là những nhân chứng giả dối về Thiên Chúa, vì chúng tôi đã làm chứng nghịch với Thiên Chúa mà rằng Người đã làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy ; nhưng Người đã không làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy, nếu quả thật kẻ chết không trỗi dậy. 16 Vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Ki-tô cũng đã không trỗi dậy. 17 Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. 18 Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Ki-tô cũng bị tiêu vong. 19 Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. 20 Nhưng không phải thế ! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.
Những lời của Phao-lô diễn tả sự xác tín của thánh nhân vào sự phục sinh của Đức Ki-tô. Vị tông đồ này đã lấy đó làm khởi điểm cho mọi luận cứ về mối tương quan giữa chúng ta và Chúa phục sinh. Phao-lô ý thức rằng ngay từ đầu đời sống đức tin Ki-tô giáo đã có Đức Giê-su Ki-tô, và Người ở cùng chúng ta cách vĩnh viễn dọc suốt hành trình đức tin của chúng ta. Thật vậy, không có lúc nào Phao-lô cho rằng có sự tách biệt khỏi Đức Giê-su Ki-tô, như thánh nhân đã tự nhận cách xác tín rằng : “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Đời sống của tôi hiện nay trong xác phàm, tôi sống đời sống ấy trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi” (Gl 2,20). Những lời này cho ta hiểu ý thức của Phao-lô trong tương quan cá nhân với Đức Giê-su Ki-tô.
Bản văn 1 Cr 15,12-20 trên đây đã tường thuật lại những luận cứ của Phao-lô cách đơn giản, dễ hiểu, được trình bày khởi đi từ những mệnh đề giả thiết liên quan đến sự không phục sinh của Đức Ki-tô, như thế chúng ta có thể đọc lại như sau :
Nếu Đức Ki-tô không phục sinh, thì :
i. Lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng
ii. Và đức tin của anh em cũng trống rỗng
iii. Chúng tôi bị coi là những nhân chứng giả dối về Thiên Chúa
iv. Lòng tin của anh em thật hão huyền
v. Anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em
vi. Cả những người đã an nghỉ trong Đức Ki-tô cũng bị tiêu vong
vii. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người
Những hậu quả tiêu cực mà Phao-lô đã chỉ ra giúp những ai đang gặp khó khăn trong niềm tin vào sự phục sinh của Đức Ki-tô và sự phục sinh của những người đã an giấc. Với những lời lẽ khác, Phao-lô đã khẳng định rằng sự phục sinh của Đức Ki-tô là một sự kiện có tính quyết định cho đời sống Ki-tô hữu và cho nhân loại. Chẳng có ý nghĩa gì khi rao giảng về Đức Ki-tô phục sinh nếu những người đã an giấc không được phục sinh, và nếu Đức Giê-su thành Na-da-rét không phải là một con người. Sự phục sinh của Người có ý nghĩa rằng chúng ta đang nói về Người như một con người, và như một người Con của Thiên Chúa, Người là Thiên Chúa. Hơn nữa, có ý nghĩa gì khi tin vào Đức Ki-tô mà Người chỉ là một con người và không có gì khác ? Đức tin là một thực tại, nhưng thực tại ấy được nói đến không phải trong tương quan với con người, nhưng trong tương quan với một Đấng siêu việt, với Thiên Chúa. Từ sự kiện phục sinh của Đức Ki-tô, Phao-lô đã suy ra thực tại về ơn tha tội, như một sự phản chiếu não trạng của người Híp-ri : “Ai có thể tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa ?” (Mc 2,7 ; Lc 5,2 ; x. Mt 9,3).
Có lẽ chính như thế, chỉ một mình Thiên Chúa có quyền tha tội, cũng chỉ một mình Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, mới phục sinh từ cõi chết. Như vậy đức tin đến với chúng ta như thế nào ? Có lẽ để trả lời câu hỏi này, Phao-lô đã viết lại 1 Cr 15. Thực ra, Phao-lô đã viết lại lời tuyên xưng đức tin mà cộng đoàn tiên khởi đang sử dụng (kinh tin kính tiền-Phao-lô), đó là : “Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai” (1 Cr 15,3b-5). Trong những lời này, chúng ta có điểm cốt lõi của đức tin Ki-tô giáo, trung tâm của lời rao giảng của các tông đồ, và rõ ràng là đã đề cập đến bốn sự kiện, đúng vậy, bốn “sự kiện” đã thật sự xảy ra, và đó là :
i. Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh
ii. Đức Ki-tô đã được mai táng
iii. Đức Ki-tô đã sống lại vào ngày thứ ba, đúng như lời Kinh Thánh
iv. Đức Ki-tô đã hiện ra với nhiều người, họ đã nhìn thấy Người
Chúng ta nắm chắc rằng cộng đoàn Ki-tô giáo đã sống tất cả những điều này, và chúng ta nhớ rằng cuộc gặp gỡ đầu tiên của Phao-lô với Đức Giê-su không xảy ra bên trong cộng đoàn tín hữu, nhưng xảy ra khi chàng biệt phái Sao-lô, đầy nhiệt tình với Luật Mô-sê, đang trên đường đi bách hại các môn đệ của Đức Giê-su thành Na-da-rét. Từ phút ấy, Sao-lô đã có kinh nghiệm gặp gỡ Chúa phục sinh. Đấng đã chịu chết trên thập giá đã hiện ra với Phao-lô và nói rằng : “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 9,5).
II. LỜI TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN CỦA PHAO-LÔ
Lời tuyên xưng đức tin trước Phao-lô đề cập đến “sự chết” của Đức Giê-su với chủ ý tránh né hai yếu tố : thứ nhất, nghĩ rằng Đức Giê-su đã chết như tất cả những con người khác, như là kết quả của tội lỗi bản thân (tội nguyên tổ và tội cá nhân) ; do đó có lời khẳng định rằng “Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta”, bởi vì Người không có tội (x. Is 53,8 ; 1 Pr 3,18 ; Gl 1,4 ; 2,20) ; thứ hai, nghĩ rằng sự chết của Đức Ki-tô là kết quả đưa đến bạo lực của chính những sự phán đoán của Người, và do đó đã có lời khẳng định rằng Người chết “theo như lời Kinh Thánh” (x. Is 53,7 ; Gr 11,19 ; Mt 20,18), một kiểu diễn tả mà chúng ta phải hiểu theo nghĩa là Đức Giê-su đã chết cách “tự nguyện và tự do”.
Tiếp theo là đề cập đến “sự mai táng”, với ý chỉ cho thấy rằng sự chết của Đức Giê-su là một cái chết thực sự, và có ý nhấn mạnh đến chân lý về sự phục sinh. Đức Nguyên Giáo Hoàng Bê-nê-đét-tô XVI, trong phần thứ hai của Đức Giê-su Na-da-rét, Từ khi tiến vào Giê-ru-sa-lem đến khi phục sinh (Città del Vaticano 2011, 283) có viết : “Nếu sự kiện mồ trống chắc chắn không thể chứng minh sự phục sinh, nó rất cần thiết cho niềm tin vào sự phục sinh… kinh Tin Kính (Credo) của Phao-lô đã không nói rõ ràng rằng cái mồ đã trống, nhưng đã cho chúng ta cái giả thiết rõ ràng như thế. Tất cả bốn Tin Mừng đều nói về sự kiện mồ trống trong các trình thuật về sự phục sinh”.
Kinh tin kính tiền-Phao-lô có nói đến sự phục sinh của Đức Giê-su, khẳng định rằng Người “đã phục sinh vào ngày thứ ba theo như lời Kinh Thánh”. Động từ ἐγήγερται (egēgertai) ở thì hoàn thành, có thể được diễn tả trong hai dạng, dạng bị động và dạng trung bình. Nếu được diễn tả trong dạng bị động, thì có nghĩa là Đức Giê-su “đã được làm cho phục sinh” bởi Thiên Chúa Cha (x. 1 Cr 15,15). Nếu được diễn tả theo dạng trung bình, điều này có ý khẳng định rằng chính Đức Giê-su “đã phục sinh”, đây là sự giải thích của Phao-lô ở 1 Ts 4,14 : “Thật vậy, chúng ta tin rằng Đức Giê-su đã chết và đã sống lại”. Hai khía cạnh này có thể đồng thời với nhau, có ý nói rằng sự phục sinh của Đức Giê-su như một sự kiện trong đó có sự can thiệp của Thiên Chúa Cha, và cùng một lúc như một sự kiện được hoàn thành bởi chính Đức Giê-su, Người có thể tự phục sinh vì Người là Thiên Chúa.
Chúng ta đã nói rằng động từ được sử dụng để mô tả sự phục sinh được diễn tả bằng thì hoàn thành “đã phục sinh” (x. 1 Cr 15,4.12.13.14.16.17.20). Trong ngôn ngữ Hy Lạp, chúng ta có thể chú ý đến sự khác biệt giữa thì hoàn thành và thì aorist. Thì aorist diễn tả một hành động đúng lúc, một hành động đã xảy ra trong một điểm thời gian nhằm tập trung sự chú ý đến hành động đã xảy ra trong quá khứ. Ngược lại, thì hoàn thành diễn tả một hành động đã xảy ra trong quá khứ, nhưng không tập trung sự chú ý vào sự kiện đã xảy ra, mà tập trung vào hiệu quả của hành động, hiệu quả còn kéo dài đến thời gian hiện tại. Như thế có nghĩa là không tập trung nhiều vào hành động đã xảy ra trong quá khứ cho bằng vào tình huống hiện tại, có ý rằng nếu Đức Giê-su “đã phục sinh”, điều ấy có nghĩa là Người “đang sống” trong giây phút hiện tại. Bằng cách này, chúng ta không chủ ý nói đến sự phục sinh của Đức Giê-su đơn giản như một sự kiện trong quá khứ ; dĩ nhiên là Người “đã phục sinh”, nhưng điều quan trọng hơn đối với chúng ta là Đức Giê-su hiện giờ “đang sống”, trong cái hiện tại của tôi, trong thời chúng ta, và điều này thực sự đã mang lại giá trị cho thực tế của mọi sự, cho cuộc sống chúng ta và cho lịch sử chúng ta. Sự kiện Đức Giê-su đang sống trong cái hiện tại của chúng ta bao hàm sự kiện phục sinh của Người, một sự kiện đã biến đổi và thăng tiến tất cả mọi sự.
Sự khẳng định rằng Đức Giê-su “đã phục sinh” hoàn tất với cụm từ chỉ thời gian, tức là : “đã phục sinh vào ngày thứ ba theo như lời Kinh Thánh” (1 Cr 15,4 ; x. Tv 16,10 ; Is 53). Đức Giê-su phục sinh vào “ngày thứ ba”, tức là ngày Chúa Nhật, không phải là một dấu chỉ thời gian đơn giản, mà bao hàm một sự thay đổi trong văn hóa Híp-ri, hoàn toàn tập trung vào ngày sa-bát, liên kết với trình thuật sáng tạo, “Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày đó, vì trong ngày đó Thiên Chúa đã nghỉ mọi công việc Người đã làm khi sáng tạo” (St 2,3), và với Thập Điều : “Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh” (Xh 20,8 ; x. 23,12 ; 31,12-17 ; 34,21). Đối với người Ki-tô hữu, ngay từ thời đầu của Tân Ước, phụng tự cộng đoàn được cử hành vào ngày Chúa Nhật (x. 1 Cr 16,2 ; Cv 20,7 ; Kh 1,10), đã trở nên đặc điểm riêng của Ki-tô giáo khi so sánh với truyền thống Cựu Ước. Người Híp-ri cử hành / giữ ngày sa-bát trong khi người Ki-tô hữu cử hành / giữ ngày Chúa Nhật. Đức Nguyên Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI đã viết :
Có một sự kiện đã in sâu trong các tâm hồn với sức mạnh phi thường có thể đem lại một sự thay đổi trung tâm trong văn hóa tôn giáo về tuần lễ. Những suy đoán thần học đơn giản sẽ không đủ cho việc này. Đối với tôi, việc cử hành Ngày của Chúa, mà ngay từ đầu phân biệt các cộng đồng Kitô hữu, là một trong những bằng chứng mạnh nhất của sự kiện mà vào ngày đó đã xảy ra một điều bất thường – sự phát hiện ra ngôi mộ trống và cuộc gặp gỡ với Chúa phục sinh. (Ib., 288).
Chúng ta trở lại với thuật ngữ được sử dụng để nói về sự phục sinh của Đức Giê-su, như chúng ta đã nói, đó là động từ ἐγήγερται (egēgertai) ở thì hoàn thành. Thực ra, nếu để nói về sự sống lại của La-da-rô (x. Ga 11,1-44 ; 12,1.17) của một thanh niên thành Na-in (x. Lc 7,11-17.22 ; 8,54) và của con gái ông Gia-ia (x. Lc 8,40-56), thì chúng ta cũng sẽ sử dụng cùng một thuật ngữ ở thì hoàn thành. Tôi nói rằng một động từ ở thì hoàn thành sẽ được sử dụng vì chính La-da-rô và những người đã nêu trên cũng “đã sống lại”. Tuy nhiên, chắc chắn là sự sống lại của Đức Giê-su không giống với sự sống lại của những người kia. Rõ ràng là chúng ta đang dùng cùng một thuật ngữ “sống lại” trong tiếng Việt để nói về Đức Giê-su và về những người được Đức Giê-su cho sống lại. Khi những người này được Đức Giê-su cho sống lại, họ được trở lại chính cùng một sự sống mà họ đã sống trước đó, cũng như chúng ta nói đến một sự trở lại đằng sau, để rồi sau đó lại sẽ chết. Đức Giê-su thì không như thế, điều đó hoàn toàn không xảy ra với Đức Giê-su. Thật vậy, Đức Giê-su phục sinh không trở lại đằng sau để sống lại cuộc sống mà Người đã sống trước khi Người chịu chết trên thập giá, để rồi lại chết một lần nữa. Về điều này, Phao-lô đã nói rất rõ ràng : “Một khi Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, thì Người không còn chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Thật vậy, Người đã chết là chết đối với tội, chỉ một lần thôi ; nay Người sống là sống cho Thiên Chúa” (Rm 6,9-10). Chính vì thế, với sự phục sinh, Đức Giê-su không trở lại về sau để sống lại kiếp người, đúng hơn, Người bắt đầu một hình thức sống mới, theo cách thức mà sự sống lại của Người là một sự phục sinh tiến về phía trước, từ nay sống cái sự sống của Thiên Chúa. Phao-lô chỉ ra cho ta một hệ quả tuyệt vời : “Anh em cũng thế, hãy kể là mình đã chết đối với tội, nhưng nay đang sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su” (Rm 6,11).
Sự kiện thứ tư, cũng là sự kiện cuối cùng được nói đến trong kinh tin kính tiền-Phao-lô liên quan đến sự xuất hiện của Chúa Giê-su phục sinh. Phao-lô xác định rõ ràng là Chúa phục sinh hiện đến với “Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai” (1 Cr 15,5). Danh sách mà Phao-lô liệt kê còn nhiều nữa : “Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, như với đứa trẻ sinh non” (1 ct 15,6-8).
Chúng ta chú ý trước tiên đến sáng kiến của Chúa Phục Sinh đã hiện ra, đã làm cho mình được nhìn thấy. Từ các dữ liệu của Tân Ước về sự xuất hiện của Chúa Giêsu phục sinh, chúng ta nên chú ý rằng Người đã tỏ mình trong một thực tại cụ thể chứ không phải trong một lãnh vực mà tầm nhìn hoàn toàn chủ quan. Một mặt, Chúa Giêsu đã hiện ra trong một thân thể bình thường, động chạm được (x. Lc 24 :39, Ga 20,27-28, 1 Ga 1 :1-4), nhưng mặt khác, chúng ta thấy có khó khăn đối với những người mà Chúa đã hiện ra với họ : họ nhìn thấy Người và nghe tiếng Người, nhưng không nhận ra Người ngay lập tức. Điều này đã xảy ra với Ma-ri-a Ma-da-lê-na (x. Ga 20,11-16), với các môn đệ Em-mau (x. Lc 24,18-21), với Nhóm Mười Một (x. Lc 24,36-38 ; Mt 28,16-17), với các môn đệ trong sự vắng mặt của Tô-ma (x. Ga 20,19-22), với các môn đệ, lần này có Tô-ma (x. Ga 20 :24-29), và một lần nữa với các môn đệ trên bờ biển Ti-bê-ri-a (x. Ga 21,1-4).
Các khó khăn về phía những chứng nhân không nhận ra Chúa phục sinh ngay lập tức cho thấy rằng chính Đức Giê-su đã làm cho họ nhận ra Người, Người phải làm thêm một điều gì đó ngoài sự xuất hiện đơn thuần. Thật vậy, Ma-ri-a Ma-đa-lê-na thì nghe gọi tên mình (x. Ga 20 16), Si-mon cũng thế (x. Ga 21,15-17) ; hai môn đệ Em-mau thì thấy Chúa phục sinh bẻ bánh (x. Lc 24,30-31) ; còn các môn đệ bên bờ biển Ti-bê-ri-a thì thấy Đức Giê-su chuẩn bị lương thực cho họ (x. Ga 21,12-13).
Như vậy Đức Giê-su đã tỏ mình cho các môn đệ tương tự như Người đã là hay đã làm trước khi phục sinh, cùng một lúc, khó khăn của các môn đệ để nhận ra Người cho thấy rằng Người đã hiện ra như “khác” hẳn trước kia. Đức Giê-su có một thân thể thật nhưng với những đặc tính khác thường, bằng chứng là Người đột nhiên hiện ra giữa các môn đệ. Người có một thân thể, đúng thế, nhưng không theo những luật tự nhiên của thân xác, cũng như của không gian và thời gian. Đức Giê-su phục sinh có một thân thể nhưng thân thể đó không đơn giản là thân thể bình thường như thân thể của Người trước khi chết và sống lại (x. Lc 24,31 ; Ga 20,19.26).
Thời gian bốn mươi ngày sau khi Đức Giê-su sống lại cho đến ngày thăng thiên giúp các môn đệ quen dần với tình huống mới, bắt đầu với sự phục sinh. Nếu các môn đệ đã quen sống với Đức Giê-su trên mặt đất này, bây giờ các ông phải hiểu rằng Đức Giê-su cũng là một như trước đây, nhưng trong một trạng thái khác, một trạng thái mà nếu có một mối liên lạc nào đó với Người thì không còn đơn giản là liên lạc nhờ các giác quan, thị giác, thính giác, và xúc giác, nhưng nhờ và qua đức tin, trong Thánh Thần và trong Giáo Hội. Từ sau phục sinh, nếu chỉ ở mức độ các giác quan mà thôi, thì mối tương quan với Đức Giê-su không còn đầy đủ nữa, nhưng cần phải có đức tin trong mọi lúc để có thể đi sâu vào thực tại thật của Đấng Phục Sinh.
Một điều khác cũng hấp dẫn sự chú ý của chúng ta là sự kiện hiện ra của Đức Giê-su phục sinh không xảy ra vào ban đêm, trong giấc ngủ, hay trong giấc mơ. Những sự hiện ra của Chúa phục sinh luôn xảy ra vào ban ngày, và như thế trong sự hoạt động sung mãn của các giác quan của các chứng nhân, những người đã khẳng định rằng mình “đã thấy” Đấng Phục Sinh, Chúa đã phục sinh. Không ai trong các nhân chứng nói rằng họ đã thấy Chúa “đang” phục sinh. Sự kiện về sự phục sinh của Đức Giê-su đã xảy ra trong bí nhiệm giữa Người và Chúa Cha, vượt ngoài kinh nghiệm con người.
Nếu chúng ta cho rằng ý niệm về “lịch sử” bao gồm khoảng thời gian từ khi được sinh ra cho đến khi qua đời (hai điểm thời gian được khắc trên bia mộ của một người), thì chúng ta phải nói rằng sự phục sinh của Đức Giê-su không thuộc vào “lịch sử” của Đức Giê-su. Sự phục sinh của Người là một sự kiện vượt quá lịch sử của Người, không phải vì nó không xảy ra, nhưng để cho thấy rằng lịch sử không thể nói về sự kiện này. Lịch sử không thể khẳng định gì về sự kiện đó cũng chẳng thể phủ nhận sự kiện đó. Vì thế, để nói rằng sự phục sinh của Đức Giê-su không là một sự kiện mà khoa học lịch sử có thẩm quyền chứng thực không có nghĩa là điều đó đã không thực sự xảy ra. Có thể nói đến một sự kiện có thật nhưng vượt quá lịch sử nhân loại, và dẫn chúng ta vào cùng đích của lịch sử, và như thế nó trở thành đối tượng của đức tin của chúng ta.
Để liên tưởng đến sự phục sinh, kiến thức chúng ta có một nguồn kép : về khía cạnh lịch sử, chúng ta có thể khẳng định rằng “Đức Giê-su đã chịu đóng đinh”, “các phụ nữ đã thấy mộ trống”, và vì thế chúng ta có thể nói đến những sự kiện “mang tính lịch sử” ; và một khía cạnh khác liên quan đến đức tin, theo khía cạnh này, chúng ta có thể khẳng định rằng “Đức Giê-su đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta”, và do đó cũng có thể nói rằng “Đức Giê-su đã phục sinh”.
Các nhân chứng đã cho chúng ta những chứng từ của họ và trình bày như họ là những chứng nhân của một “sự kiện”, là họ đã gặp gỡ Đấng Phục Sinh, và hơn nữa họ còn cung cấp những kinh nghiệm về sự gặp gỡ đó, đó là niềm tin của họ vào sự phục sinh, đó là đức tin của họ. Chúng ta theo dõi tiến trình mà những chứng nhân đã sống. Họ “đã nhìn thấy” Đấng Phục Sinh, nhưng mắt xác thịt của họ không đủ để họ nhận ra Người, bởi vì Đấng Phục Sinh đang sống một sự sống mới, Người có một thân thể khác biệt. Chúng ta có thể nghĩ rằng khi nhìn thấy Đấng Phục Sinh, các tông đồ đã phải thừa nhận rằng Đức Giê-su đã sống lại, và như thế thừa nhận sự kiện phục sinh, một sự kiện mà không là đối tượng của kiến thức lịch sử (chẳng ai trong các nhân chứng đã khẳng định rằng thấy Chúa đang sống lại), nhưng sự kiện đó thuộc về kiến thức đức tin.
Các nhân chứng cho sự phục sinh của Đức Giê-su đến với chúng ta qua đức tin, một đức tin có cảm nghiệm, một đức tin không đơn thuần các giác quan tự nhiên nhưng đúng hơn là nội tại, một đức tin dẫn họ đến sự dấn thân. Chúng ta có thể nghĩ rằng, từ sau những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh, các nhân chứng có thể đi đến kết luận rằng Đức Giê-su “đã phục sinh”. Nếu Đấng đã chết, đã được mai táng, lại tỏ mình ra cho người ta thấy, điều ấy có nghĩa là Đấng ấy đã phục sinh ! Tuy nhiên, chúng ta nên chú ý rằng các chứng tá vượt quá những luận lý tự nhiên của con người, vì các chứng nhân đã khẳng định rằng “Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại”, và cũng đã khẳng định rằng “Đức Giê-su là Chúa”. Tất cả những điều này bao hàm một tiến trình, một tiến trình trong đó chúng ta phải khẳng định rằng có sự hoạt động của Chúa Thánh Thần.
Liên quan đến chúng ta, phải nói rằng, kiến thức lịch sử của chúng ta không đến từ Đấng Phục Sinh, nhưng đến từ chứng tá của những người đã khẳng định rằng mình đã thấy Đấng Phục Sinh. Sự khác biệt giữa các nhân chứng về sự phục sinh và chúng ta là ở chỗ họ đã thấy, đã có một kinh nghiệm cụ thể, một kinh nghiệm lịch sử ; còn chúng ta, chúng ta chỉ có những bản văn Kinh Thánh và lời của các nhân chứng đó. Tuy nhiên, những chứng tá của họ không trở nên “đối tượng” của đức tin của chúng ta, nhưng trở nên “động lực”, trở nên một “lý do đáng tin cậy” cho đức tin của chúng ta.
Đối tượng của chúng ta không phải là bằng chứng của các chứng tá, đối với chúng ta, điều này là một sự kiện lịch sử chứ không phải của đức tin. Đối tượng của chúng ta là “nội dung” của các chứng tá, bởi vì các chứng nhân không nói nhiều về việc họ đã thấy Chúa cho bằng khẳng định rằng Chúa đã phục sinh, tức là hiện tại Người đang sống. Như thế, đức tin của chúng ta cũng là một tiến trình trong đó chúng ta phải khẳng định rằng có sự can thiệp của Chúa Thánh Thần, như Phao-lô đã khẳng định : “Không ai có thể nói rằng : ‘Đức Giê-su là Chúa’, nếu người ấy không nhờ sức Thánh Thần” (1 Cr 12,3).
Kết luận
1. Trước sự kiện phục sinh của Đức Giê-su, chúng ta không thể cứ ở lại trong tình trạng ý niệm, suy đoán, giả thiết và tưởng tượng, bởi vì sự phục sinh của Đức Giê-su đã biến đổi hoàn toàn sự sống nhân loại. Nó cho phép chúng ta đi xa hơn không gian và thời gian, đi xa hơn sự sống hiện tại trong điều kiện hiện sinh của mình, để hướng đến sự vĩnh cửu, một sự vĩnh cửu như “tình yêu”, và để tình yêu trở thành quy luật sống của tất cả chúng ta trong cuộc sống nơi dương thế này, nơi mà chúng ta đang là những lữ khách tiến về cõi vĩnh hằng.
2. Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đét-tô XVI khẳng định : “Nếu chúng ta lắng nghe những chứng nhân và để tâm vào đó, và chúng ta mở lòng đến những dấu chỉ mà Chúa đã trao ban…, chúng ta biết rằng : Người thực sự đã phục sinh. Người là Đấng Hằng Sống. Chúng ta tín thác nơi Người và biết rằng mình đang đi đúng đường. Cùng với thánh Tô-ma, chúng ta hãy đặt tay chúng ta vào cạnh sườn của Đức Giê-su và tuyên xưng rằng : “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa Tôi !” (Ga 20,28)” (Ib., 307).
3. Niềm tin vào sự phục sinh của Đức Giê-su phải đưa chúng ta đến một mối tương quan cá nhân với Người, vượt qua mọi giác quan tự nhiên, với một cảm nghiệm sâu xa rằng Chúa đang sống trong cái hiện tại của chúng ta, và đang sống vì chúng ta. Sự kiện phục sinh của Đức Giê-su là một biến cố lấp đầy hy vọng vì kiếp người của chúng ta không kết thúc với một cái chết thể lý, nhưng ngược lại, cái chết ấy là cửa dẫn đến một cuộc sống viên mãn hơn, một cuộc sống mà hiện đang có Đức Giê-su hiện diện bên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Đấng là Ba Ngôi Chí Thánh, là phần thưởng của cuộc sống vĩnh hằng của chúng ta.
Nt. Maria Đỗ Thị Yến
Nguồn: kinhthanhchomoinguoi.org