Bài 9:
ĐỨC MARIA LÀ MẪU GƯƠNG ĐỨC TIN
1. Giáo huấn của Hội Thánh
“Đức Maria không phải chỉ là một dụng cụ hoàn toàn thụ động trong tay Thiên Chúa, nhưng đã cộng tác tích cực vào việc cứu độ nhân loại, nhờ tin và vâng phục cách tự do. Thánh I-rê-nê đã nói: “Nút dây đã bị thắt lại vì E-và bất tuân, nay được gỡ ra nhờ Đức Maria vâng phục. Điều mà bà E-và đã buộc lại vì cứng lòng tin, thì Đức Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ lòng tin”[1].
“Khi cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Đức Kitô, cũng như khi dâng Người cho Chúa Cha trong Đền Thánh và cùng đau khổ với Con mình chịu chết trên Thập giá, Mẹ đã cộng tác cách đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế nhờ sự vâng phục, với đức tin, đức cậy và đức ái nồng nàn, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Chính vì thế, trên bình diện ân sủng, Ngài quả thật là Mẹ của chúng ta”[2].
2. Diễn giải
Trước khi đi sâu vào nội dung của đức tin công giáo dựa theo tín biểu các thánh tông đồ, sách GLHTCG đã dành ra một tiết để trình bày bản chất của đức tin dưới tựa đề: “Tôi tin – Chúng tôi tin” để nói lên đặc tính vừa cá nhân lại vừa cộng đoàn của đức tin. Nói cách vắn tắt, tin có nghĩa là đáp lại mạc khải của Thiên Chúa, suy phục Thiên Chúa với tất cả lý trí, ý chí và toàn bộ cuộc sống.
Nếu tin là suy phục Lời chân thật của Thiên Chúa thì Đức Mẹ đã thực hiện sự vâng phục ấy cách hoàn hảo hơn ai hết. Vì thế, Mẹ được bà Ê-li-sa-bét ca tụng là người có phúc vì đã tin. Từ khi nghe lời sứ thần truyền tin cho tới lúc theo Con mình trên đường Thập giá và chứng kiến Con chết trên Thập giá, đức tin của Mẹ chẳng hề bị lung lay. Người không ngừng tin rằng những lời Chúa hứa sẽ hoàn thành. Đức tin của Mẹ thật tinh ròng. Mẹ luôn tin nơi quyền năng của Thiên Chúa vì “không có việc gì mà Chúa không làm được” và “Đấng Toàn Năng đã làm cho Mẹ những điều trọng đại”[3]. Qua lời thưa “Xin vâng”, Đức Ma-ria đã biểu lộ lòng tin của mình với Thiên Chúa cách trọn vẹn.
2.1. Hoạt cảnh Truyền Tin
Khi đối chiếu cảnh Truyền tin cho ông Gia-ca-ri-a và cho Đức Maria, ta thấy nổi bật đức tin của Mẹ. Người đã tin vào quyền năng Thiên Chúa có thể thực hiện một điều chưa hề xảy ra trong lịch sử. Đó là chuyện một trinh nữ làm mẹ.
– Nếu ông Giacaria thắc mắc rằng: “Làm sao tôi có thể tin được chuyện có thai, bởi vì tôi đã già và vợ tôi cũng đã cao niên!” thì Mẹ Maria chỉ hỏi: “Việc thụ thai xảy ra như thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”. Mẹ đã hỏi thiên sứ cách thức Thiên Chúa thực hiện ý định của Người chứ không nghi ngờ về sự toàn năng của Thiên Chúa[4]
– Khung cảnh diễn ra 2 cuộc truyền tin cũng góp phần tán dương đức tin của Mẹ Maria. Thiên thần hiện ra với ông Gia-ca-ri-a trong Đền Thờ, nơi Cực Thánh trong lúc ông thi hành sứ vụ thánh, vậy mà lời đáp trả của ông lại hoàn toàn bất xứng. Còn việc truyền tin cho Mẹ Maria diễn ra ở một làng quê nhỏ bé, không có gì xứng hợp với một biến cố trọng đại. Vậy mà Mẹ đã chú ý lắng nghe và đáp lại bằng một niềm tin tinh tuyền.
– Đức Maria được yêu cầu chấp thuận một chân lý cao siêu hơn là điều được loan báo cho ông Gia-ca-ri-a. Vậy mà Mẹ đã đón nhận với một đức tin đơn sơ và táo bạo. Mẹ đã tin rằng quyền năng của Thiên Chúa có thể dung hợp sự đồng trinh với chức vụ làm mẹ. Sự trinh khiết, thay vì là một trở ngại, thì lại trở nên cơ hội cho Chúa Thánh Thần hoạt động. Lời thưa vâng của Mẹ đã mở đường cho Mẹ cùng hợp tác với Chúa Thánh Thần để sinh hạ Chúa Giêsu.
– Kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện nhờ sự cộng tác tự do của con người. Nhờ tin vào lời của Chúa, Đức Maria đã hợp tác vào việc hoàn tất chức làm mẹ được thiên sứ loan báo. Thánh Augustino đã viết: “Thiên sứ truyền tin, Đức Trinh nữ lắng nghe, tin và thụ thai”[5]. “Đức Kitô đã được thụ thai nhờ đức tin. Đức tin đã đến trong lòng của Đức Maria trước. Sau đó sự thụ thai mới đến trong lòng dạ của Người”[6].
2.2. Hành trình đức tin của Mẹ Maria với Chúa Giêsu
Nhưng đức tin ấy không chỉ được phát biểu một lần là xong. Sách GLHTCG còn trình bày đức tin của Mẹ không chỉ như một tác động mà còn như là một hành trình với Chúa Giêsu và Giáo Hội.
Cuộc hành trình ấy khởi đầu với lời “Xin vâng” của buổi Truyền tin. Từ đó, Người bắt đầu lên đường qua những trạm chính như sau:
Trước hết là hành trình đi Giu-đê-a để thăm bà Ê-li-sa-bét[7]. Đức Ma-ria được ca tụng là “kẻ có phúc vì đã tin vào Lời Chúa”, được tuyên xưng là “Mẹ của Chúa tôi đến viếng thăm”. Việc Đức Maria đi thăm bà Ê-li-sa-bét cũng còn được ví như cuộc gặp gỡ giữa Cựu Ước và Tân Ước, ví như việc Thiên Chúa đến thăm viếng Dân Người và là hình ảnh của Hội Thánh truyền giáo.
Chặng kế đó là Bê-lem, nơi Người đã hạ sinh Đấng Cứu Thế. Người là Mẹ khi đón nhận Lời Chúa bằng đức tin trước khi là mẹ vì ban thân thể cho Chúa Giêsu[8].
Tiếp theo là việc dâng Con trong Đền thờ[9], khi mà Mẹ được loan báo là sẽ phải dâng hiến một lần nữa trên Thánh giá, và lòng Mẹ sẽ tan nát như bị lưỡi gươm đâm thâu.
Những năm tháng sống với Chúa Giêsu tại Na-da-rét là thời gian thinh lặng, cầu nguyện và làm việc[10]. Đó cũng là thời gian để Đức Maria nghiền ngẫm lời Chúa, bởi vì qua biến cố lạc mất Chúa trong Đền thờ, Mẹ đã nhận ra rằng mình chưa hiểu hết đường lối của Chúa[11].
Biến cố Chúa làm phép lạ tại tiệc cưới Ca-na[12] nói tới vai trò của Đức Maria như là kẻ cầu thay nguyện giúp trong đức tin.
Cuộc hành trình của Đức Maria với Chúa Giêsu đạt tới đỉnh cao tại Núi Sọ, nơi mà Mẹ đã chứng tỏ đức tin không hề nao núng trước mọi thử thách[13], nơi mà Mẹ đã kết hợp mật thiết vào mầu nhiệm của sự đau khổ mang giá trị cứu độ[14].
2.3. Hành trình đức tin của Mẹ Maria với Hội Thánh.
Nếu cuộc hành trình đức tin của Đức Maria với Chúa Giêsu kết thúc tại Golgota thì cuộc hành trình với Hội Thánh vẫn còn tiếp tục. Mẹ khởi sự cuộc hành trình với Hội Thánh từ dưới chân Thập giá, khi Chúa Giêsu trao cho Người nhiệm vụ làm Mẹ các môn đệ trong đức tin và ân sủng. Đức Maria đã hiện diện với Hội Thánh sơ khai khi cầu nguyện trong Nhà Tiệc Ly chờ đợi Chúa Thánh Thần ngự xuống cho đến lúc Mẹ về trời. Người vẫn còn tiếp tục chức vụ làm Mẹ trong ơn thánh qua lời chuyển cầu cho Hội Thánh lữ hành[15].
Khi trình bày về các mối phúc thật, sách GLHTCG đã nhắc tới Đức Mẹ là người đã tin và sống các mối phúc ấy cũng như đã hưởng những phần thưởng Chúa hứa ban[16], cách riêng Người đã sống tâm tình của người nghèo theo Phúc Âm và trở nên mẫu mực của đời sống đức tin cho các tín hữu.
KẾT: Một vài phân tích cho ta thấy sự ưu việt của đức tin nơi Mẹ. Người đời đòi phải có những dấu hiệu khả giác thì mới tin. Nhưng Mẹ tin chỉ vì Mẹ yêu mến Chúa mà thôi. Chính lòng tin của Mẹ đã có một ảnh hưởng quyết liệt đến việc thực hiện Mầu Nhiệm Nhập Thể đem lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.
3. Áp dụng: Mẫu gương đức tin
3.1. Đức tin của thân mẫu Thánh Tử Đạo An-rê Trần Văn Trông.
An-rê Trần văn Trông là một quân nhân phục vụ trong quân đội của triều đình nhà Nguyễn. Năm 1834, dưới sắc chỉ cấm đạo của vua Minh Mạng, các binh lính Công giáo phải đến trình diện trước mặt quan và công khai chà đạp Thánh Giá để bỏ đạo, Dù bị tra tấn và ép buộc, An-rê Trông vẫn kiên vững và bị giam lại chờ án tử hình.
Nghe tin con bị bắt vì trung kiên giữ đạo, bà mẹ gởi lời nhắn nhủ con: “Hãy luôn nhớ mình là người có đạo. Sống có đạo thì dẫu có phải chết vì đạo cũng sẵn lòng”.
Sau 1 năm bị giam cầm, ngày 28.11.1835, An-rê Trông bị đem đi xử trảm. Khi biết tin, bà mẹ liền vội vã đi đón con trên đường dẫn tới pháp trường. Gặp con, bà chỉ hỏi con một câu vắn tắt: “Bấy lâu nay xa nhà, thời gian ở trong tù con có nợ nần ai chăng. Nếu có thì cho mẹ biết, mẹ sẽ trả thay con”. Bà biết rõ con mình đủ can đảm chịu mọi đau đớn, giờ đây bà chỉ còn lo cho con về đức công bằng.
Khi được con cho biết là không vướng mắc gì với ai, bà tiếp tục đi sát bên con, bình tĩnh thêm lời khích lệ. Đến nơi xử, sau khi quân lính tháo gông xiềng, anh đã nhờ người lính trao lại cho mẹ làm kỷ vật. Mẹ anh đứng gần nên nghe rất rõ.
Chiêng trống nổi lên. Lý hình vung gươm. Đầu vị tử đạo 21 tuổi rơi xuống. Bà mẹ chứng kiến cảnh ấy đã bước ra đòi vị chỉ huy trao lại thủ cấp của người con. Bà bọc vào trong vạt áo và thầm thĩ: “Ôi con yêu quí của mẹ, con nhớ cầu nguyện cho mẹ nhé.”
Ngày 27.5.1900, Đức Giáo Hoàng Lêo XIII đã tuyên phong Chân phước Tử Đạo cho An-rê Trần văn Trông. Ngài cũng ca ngợi mẫu gương của bà mẹ hào hùng, đã họa lại gần trọn vẹn hình ảnh Đức Maria, Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo xưa trên đỉnh Can-vê.
3.2. Chân Phước Gioanna Beretta Molla: Chấp nhận chết để con mình được sống.
Gioanna Beretta sinh ngày 4.10.1922 tại Lombardi, nước Ý. Chị là thành viên của Phong trào công giáo tiến hành do các cha dòng Tên hướng dẫn. Tốt nghiệp y khoa năm 1950. Lập gia đình với Pietro Molla năm 1955.
Khi mang thai đứa con thứ tư năm 1961, chị bị bướu tử cung. Người ta đưa ra 3 giải pháp:
– Một là cắt cái bướu, nghĩa là cắt bỏ cả tử cung lẫn bào thai để hy vọng cứu sống người mẹ.
– Hai là phá thai rồi cắt bỏ phần bướu trong tử cung. Nếu người mẹ sống được thì vẫn có thể mang thai lại.
– Ba là cắt bỏ tử cung, nhưng tránh giết chết bào thai. Trường hợp này thì sinh mạng của bà mẹ không được bảo đảm.
Là một bác sĩ, chị biết rõ các phương án chữa bệnh. Chị cũng ham sống sợ chết, nhưng cuối cùng chị chọn giải pháp thứ ba. Đó là tìm mọi cách để cứu sống thai nhi cho dầu có ảnh hưởng đến sinh mạng người mẹ. Chị nói: “Hãy cứu lấy đứa bé. Đừng lo gì cho tôi”.
Cuối thai kỳ, người ta phải mổ để cho em bé chào đời. Tính mạng của chị lại mong manh hơn. Nhưng chị đã chọn sự sống của con mình và ra đi vĩnh viễn ngày 19.4.1962 sau khi sinh con được 1 tuần.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo đã tuyên phong Chân phước cho chị ngày 24.4.1994 . Ngài nói: “Vị thánh này được hồng ân Chúa ban cho một gia đình đầm ấm, một đức tin và một tình mến tuyệt vời. Bị giằng co giữa 2 lựa chọn, hoặc là cứu lấy mạng mình, hoặc là bảo toàn sự sống của thai nhi trong lòng dạ mình, ngài đã không ngần ngại hy sinh mạng sống mình và để lại cho chúng ta một chứng tá hào hùng về việc tôn trọng sự sống.” Đức Thánh Cha còn nói thêm với các bà mẹ rằng: “Việc làm mẹ vừa là niềm vui, nhưng cũng có thể gặp nhiều đau khổ. Trong những trường hợp đó, đức tin có thể đưa tình yêu đến mức độ hy sinh cách anh hùng”.
3.3. Luy Gondaga: Vị thánh trẻ tuổi lạc quan trước cái chết.
Lu-y Gon-da-ga sinh năm 1568, nhập dòng Tên năm 1586. Trong khi phục vụ bệnh nhân đang thời kỳ có dịch, thánh nhân bị lây nhiễm và qua đời lúc mới 23 tuổi (năm 1951).
Những ngày cuối đời, đối diện với cái chết của đứa con còn trẻ, mẹ ngài rất buồn, nhưng ngài đã an ủi mẹ bằng những lời như sau:
“Thưa mẹ khả kính, con chưa vất vả bao nhiêu ở đời, vậy mà Chúa sắp cho con được hưởng hạnh phúc vô biên. Vậy xin mẹ đừng khóc thương con như khóc thương người chết, kẻo xúc phạm đến lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa. Thực ra, con vẫn sống trước mặt Chúa, và những khi cần thiết con có thể dùng lời cầu nguyện mà giúp đỡ mẹ hữu hiệu hơn là khi con còn sống ở trần gian. Cuộc chia ly này sẽ không lâu vì trên trời chúng ta sẽ gặp lại nhau. Con ước mong mẹ và cả gia đình coi cuộc ra đi của con như một ân huệ đáng mừng. Xin mẹ lấy tình mẫu tử mà chúc lành cho cuộc hành trình này của con” .
4. Ghi nhớ
1. H. Đức tin có cần thiết không?
T. Đức tin rất cần thiết để được cứu độ, vì chính Chúa Giêsu đã dạy: “Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu độ” (Mc 16,16)
2. H. Vì sao Đức Maria được gọi là Mẹ Hội Thánh?
T.Đức maria được gọi là Mẹ của Hội Thánh vì hai lý do:
– Một là vị Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu là Đầu của Hội Thánh.
– Hai là vì trên Thánh giá, Chúa Giêsu đã trối Đức Mẹ làm mẹ Hội Thánh qua thánh Gioan Tông Đồ.
3. H. Khi nhìn lên Mẹ Maria, chúng ta thấy được hình ảnh nào về Hội Thánh?
T. Khi nhìn lên Mẹ Maria, chúng ta thấy nơi Mẹ:
– Một là hình ảnh diễn tả mầu nhiệm của Hội Thánh trong cuộc lữ hành đức tin.
– Hai là hình ảnh báo trước vinh quang của Hội Thánh trên quê hương thiên quốc, nơi Mẹ đã được vinh quang cả xác lẫn hồn.
[1] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Getium, 56.
[2] Sđd, số 61.
[3] GLHTCG, số 273
[4] X. Th. Augustino, Bài giảng số 29.
[5]X. Th. Augustino, Bài giảng số 13.
[6] X. Th. Augustino, Bài giảng số 213.
[7] X. GLHTCG 2676-2677.
[8] X. GLHTCG 506.
[9] X. GLHTCG 529.
[10] x. GLHTCG 532-534.
[11] x. GLHTCG 534.
[12] x. GLHTCG 2618.
[13] x. GLHTCG 149.
[14] x. GLHTCG 618.
[15] x. GLHTCG 963-962.
[16] x. GLHTCG 1716.