Bài 6:
CÁC NHÂN ĐỨC CĂN BẢN TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI KITÔ HỮU
1. Giáo huấn của Hội Thánh
“Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4,8).
2. Diễn giải
Nhân đức là một xu hướng thường xuyên và kiên trì để làm điều thiện. Có những nhân đức nhân bản[1] và những nhân đức đối thần[2]. Các nhân đức nhân bản[3] (hay còn gọi “đức tính căn bản” [4], “nhân đức trụ”[5], “nhân đức luân lý”[6]) là những xu hướng bền vững, dẫn đến thái độ kiên định và thói quen hướng thiện của lý trí và ý chí; nhờ đó con người điều chỉnh các hành vi và cách sống của mình theo lý trí và đức tin.
Có bốn nhân đức nhân bản chính là: Khôn ngoan, Công bình, Can đảm và Tiết độ[7].
Khôn ngoan là nhân đức nhân bản giúp ta nhận ra đâu là điều thiện đích thực trong từng hoàn cảnh, và khi đã nhận ra thì biết chọn lựa phướng thế thích hợp để đạt tới. Không nên lầm lẫn khôn ngoan với nhút nhát, sợ hãi, tráo trở hay giả hình. Đức khôn ngoan hướng dẫn các nhân đức khác[8].
Công bình là nhân đức nhân bản nhằm trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa, và trả cho tha nhân những gì thuộc về họ. Công bình đối với Thiên Chúa được gọi là “đức thờ phượng”; công bình đối với tha nhân là tôn trọng quyền lợi của mỗi người, đối xử công minh với mỗi người và thực thi công ích[9].
Can đảm là nhân đức nhân bản giúp ta kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện cho dù gặp nhiều khó khăn thử thách. Nhờ đó, ta cương quyết chống lại các cơn cám dỗ, vượt qua các chướng ngại trong đời sống luân lý, chiến thắng sự sợ hãi, kể cả cái chết, để sống cho chính nghĩa[10].
Tiết độ là nhân đức nhân bản nhằm điều tiết sức lôi cuốn của những lạc thú và sử dụng đúng mức những của cải trần thế. Nhờ đó ta làm chủ được bản năng tự nhiên và kiềm chế các ham muốn trong giới hạn chính đáng[11].
Những nhân đức này được gọi là nhân bản nghĩa là thuộc về con người. Đã là người phải có những nhân đức căn bản đó. Nhiều người không có niềm tin tôn giáo nhưng vẫn có những nhân đức này.
Nhân đức nhân bản có được là nhờ sự giáo dục, kiên trì tập luyện và thực hành trong đời sống. Ngoài những nỗ lực tự nhiên, chúng ta cần có ơn Chúa.
3. Áp dụng thực hành
Viên quan khôn ngoan. Xưa bên nước Nhật có một ông vua kia, sưu tập được 100 chiếc bình cổ rất quý hiếm. Nhà vua trưng bày trong một chiếc tủ kính cho triều thần chiêm ngưỡng. Một hôm có viên quan đại thần tò mò cầm một chiếc bình ra quan sát và sơ ý đánh rơi bể nát. Vua tức giận sai thị vệ mang viên quan kia ra ngoài chém đầu. Bấy giờ một viên quan khác liền đến bên chiếc tủ đựng các bình quý hiếm kia, dùng vai đẩy cho tủ đổ, làm tất cả 99 chiếc bình đều bể tan. Vua rất tức giận ra lệnh trừng phạt thật nặng kẻ đã cả gan làm điều này. Nhưng trước khi chém đầu, vua hỏi viên quan đại thần thứ hai rằng: “Tại sao ngươi dám làm chuyện như vậy?”. Viên quan đại thần đáp: “Hạ thần thấy rằng, chỉ vì sơ ý làm bể một chiếc bình cổ, mà bệ hạ truyền giết chết một bề tôi trung thành. Thế thì 99 chiếc còn lại kia có thể sẽ làm cho 99 người khác phải chết. Vậy còn ai giúp bệ hạ cai trị thần dân trăm họ? Do đó, hạ thần đã cố ý xô đổ để một mình hạ thần phải chết thôi”. Sau khi nghe viên quan nói xong vua liền tỉnh ngộ nên đã truyền tha chết cho cả hai.
Viên quan đại thần đã khôn ngoan mưu trí xô đổ chiếc tủ đựng 99 bình cổ quý giá còn lại để can nhà vua và can đảm hy sinh chịu chết để mong nhà vua tỉnh ngộ. Nhà vua cũng khôn ngoan nghe lời rất thẳng thắn của viên quan, nhờ đó đất nước đã không mất đi nhiều nhân tài.
4. Ghi nhớ
1. H. Nhân đức là gì? Có mấy thứ nhân đức? Các nhân đức nhân bản chính là gì?(Các câu 387 – 382)
T. Nhân đức là một xu hướng thường xuyên và kiên trì để làm điều thiện.
Có hai thứ nhân đức: Nhân đức đối thần và nhân đức nhân bản.
Các nhân đức nhân bản chính là các nhân đức làm nền tảng cho đời sống đạo đức. Có bốn nhân đức nhân bản chính là: khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ.
2. H. Khôn ngoan là gì?(c. 383)
T. Khôn ngoan là nhân đức nhân bản giúp ta nhận rõ điều tốt cần làm và biết dùng những phương tiện chính đáng để làm điều tốt ấy.
3. H. Công bằng là gì? (c. 384)
T. Công bằng là nhân đức nhân bản giúp ta quyết dành cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài và dành cho người khác những gì thuộc về họ.
4. H. Can đảm là gì?(c. 385)
T. Can đảm là nhân đức nhân bản giúp ta quyết tâm theo đuổi điều thiện trong cuộc sống, dù gặp nhiều gian nan thử thách.
5. H. Tiết độ là gì?(c.386b)
T. Tiết độ là nhân đức nhân bản giúp ta biết điều tiết sức lôi cuốn của các thú vui và giữ chừng mực trong việc sử dụng của cải trần thế, hầu đem lại sự thoải mái để thực hiện các điều thiện.
[1] X. GLHTCG 1804-1809.
[2] X. GLHTCG 1812-1829.
[3] X. GLHTCG 1804.
[4] GLHTCG 1805.
[5] X. Padre Livo, Le virtù cardinali, Edizioni San Paolo, Torino 2004, 14.
[6] X. GLHTCG 1804.
[7] X. GLHTCG 1804; 1805.
[8] X. GLHTCG 1806.
[9] X. GLHTCG 1807.
[10] X. GLHTCG 1808.
[11] X. GLHTCG 1809.