Bài 10:
BẢN CHẤT CỦA HỘI THÁNH LÀ TRUYỀN GIÁO
Tôi có thể thông truyền đức tin bằng cách nào?
1. Giáo Huấn của Hội Thánh
“Các tín hữu phải chịu phần trách nhiệm không nhỏ trong việc làm nẩy sinh các chủ thuyết vô thần, hoặc bởi xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc vì trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội. Có thể nói lúc đó họ che giấu hơn là bầy tỏ bộ mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo”[1].
“Chính chứng từ của đời sống Kitô hữu và các việc tốt lành được thực thi với tinh thần siêu nhiên, có sức mạnh lôi kéo người ta đến với đức tin và đến với Thiên Chúa”[2]
“Bằng đời sống theo gương mẫu Đức Ki-tô, các Ki-tô hữu làm cho Nước Thiên Chúa mau đến, đó là “nước của công bằng, của tình thương và bình an”[3].
2. Diễn giải
Được sinh ra trên đời, cuộc sống của chúng ta đâu phải tình cờ, nhưng để làm vinh danh Chúa. Được làm con Chúa và con Hội Thánh nhờ Bí tích Rửa tội, mục đích cuộc đời của chúng ta càng rõ ràng hơn “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy công việc anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em trên trời” (Mt 5,16).
Trước khi lên trời, Chúa Giêsu chỉ trăn trối một lời và cũng là một mệnh lệnh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi lài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án” (Mc 16,15-16).
Vui mừng vì được thấy Chúa sống lại, hân hoan bởi nhận được lệnh truyền loan báo Tin Mừng, các tông đồ đã ra đi tứ phương với sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Các nhà truyền giáo, các tín hữu xưa nay vẫn tiếp nối công cuộc loan báo. Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội. Không truyền giáo nữa, Giáo Hội tự xóa sổ, hay chỉ còn lại là một tổ chức xã hội trần gian.
Tiếc thay, ngày nay thỉnh thoảng chúng ta được nghe câu nói rất buồn trên môi miệng lương dân: “Có tin thì tin đạo, chứ không tin người có đạo”. Thực tình mà nói, đã không tin nổi người có đạo thì làm sao có thể tin đạo. Vì sao nên nổi sầu này, chùa Tiên vắng vẻ tớ thầy xa nhau? Chắc chắn bởi đời sống thiếu công bằng, vắng đức ái, trở trái trở mặt đó đây nơi một số người có đạo gây nổi đau cay đắng cho người lương dân.
Năm Đức Tin đã mở ra. Giáo Hội tha thiết mời gọi mọi thành phần tín hữu nổ lực tái truyền giảng Tin Mừng. Đức tin không của riêng ai. Mỗi người có đạo đều có bổn phận tham gia và đồng trách nhiệm với Giáo Hội.
Có điều kiện, chúng ta tham gia vào các đoàn thể đang nổ lực truyền giáo. Nếu giáo xứ đã lập Ban Loan Báo Tin Mừng, chúng ta hãy dấn thân chẳng chút ngại ngùng. Đường đi khó, đâu phải vì ngăn sông cách núi mà vì lòng người ngại núi e sông.
Ngại ngùng, lãnh cảm, an phận, dửng dưng đang là căn bệnh trong đạo ngoài đời hiện nay. Có ai đó hăng hái nhiệt tình vì đức tin hay vì chính nghĩa đều bị mĩa mai. Nhưng chắc chắn một điều: không ai có thể lên thiên đàng một mình.
Nếu không có điều kiện để đi khắp tứ phương, vậy, tứ phía: trước mặt, sau lưng, bên tả, bên hữu chúng ta, còn biết bao người có đạo đang vẫn như không, biết bao người lương dân bơ vơ không niềm tin đang cần chúng ta.
Chỉnh đốn lại cách ăn của chúng ta cho công bằng hơn, sửa đổi lại nết ở của chúng ta cho trung thực hơn theo ánh sáng Phúc Âm đã là can đảm, anh hùng và tỏa ánh sáng Tin Mừng đến cho người chưa biết Chúa.
May thay vẫn còn những tấm gương sáng trong cuộc đời, trong xứ đạo:
Một giáo dân làm nghề cạo mủ cao su nhiều năm tiên tiến. Anh không những hoàn thành công tác hài lòng cấp trên mà các bạn hữu đều thương mến vì tính tình vui vẻ hòa nhã không cải cọ tranh chấp. Thấy anh vui vẻ mạnh khỏe siêng năng đi lễ đọc kinh cho dù công việc làm ăn đầu tắt mặt tối, cha xứ hỏi thăm:
Làm ăn cạo mủ đủ nuôi con nuôi vợ không vậy con?
Dạ thưa cha cám ơn Chúa, không dư giả nhưng cũng đủ nuôi vợ đợ con. Có ít con ăn theo ít, có nhiều con ăn theo nhiều, không thêm không bớt của ai, công cũng như tư. Chỉ cầu xin Chúa hai chữ bình an sức khỏe thôi cha. Có tiền thưởng cuối năm con sắm sửa chút đỉnh cha ạ.
Thế rồi không ai học hết được chữ ngờ. Cơn bệnh quái ác đã ập đến. Anh đi nhà thương. Bác sĩ kết luận ung thư ác tính. Cha xứ hỏi thăm:
Bệnh nặng lắm hả con?
Dạ, e Chúa cho con sống tới đây thôi cha ạ. Bác sĩ nói ung thư ác tính nên chỉ tính từng ngày. Con cầu xin Chúa cho con được thấy đứa con trai đang thai 3 tháng của con ra đời rồi con chết cũng được.
Ngày anh đem đứa con trai đến rửa tội, cha xứ hỏi:
Bây giờ con đã toại nguyện chưa?
Con đã toại nguyện rồi nhưng con trai của con thì chưa vì còn quá nhỏ, chưa biết ba của nó đỏ hay đen. Tội nhiệp con trai con quá!
Khi cơn bệnh đã đến thời kỳ cuối, hết hóa trị đến xạ trị, tóc tai thưa thớt, mặt mủi cháy nám, anh vẫn cố gắng đưa đứa con gái thứ hai đến học giáo lý thêm sức. Cha xứ hỏi:
Có chút hy vọng gì không con?
Con rất hy vọng cha ạ. Mấy tháng nay, nhờ Chúa thương, bà con thương, con tìm học cho vợ của con được nghề làm bún. Con sắm sửa thiết bị máy đầy đủ để nhà con có cái nuôi 3 đứa con với mẹ già. Chúa cho con sống tới hôm nay đã là vượt quá lời con cầu xin. Con trai con đã lật, đã bò, nay đã đứng dậy đi chập chửng được rồi cha ạ.
Thế rồi ‘Que sera sera’, điều gì đến đã đến. Anh ra đi. Bạn bè bên giáo, đồng nghiệp bên lương, đông vô kể, hết sức thương tiếc một con người giỏi giang, dễ thương, hòa đồng, không mất lòng ai.
Hơn một năm sau, có dịp gặp lại người vợ của anh, cha xứ củ (đã đổi đi) hỏi chị :
Sống được không con ?
Dạ thưa cha, sống được cha ạ. Tội nghiệp anh ghê, bệnh đau vậy mà anh còn lo chạy cho mấy mẹ con có công việc làm. Cha biết không mấy ngày gần mất, anh cứ thủ thỉ, muốn nói với con một điều gì đó mà không dám nói. Con bảo anh : có gì anh nói đại ra đi. Không muốn em lấy chồng lại có phải không ? Anh trả lời: “Không phải chuyện ấy. Lấy chồng nữa hay không là tùy em khi anh đi rồi. Miễn sao em sống hạnh phúc. Anh chỉ xin em một điều: Đừng nóng nảy mà hãy nhịn nhục và đừng bao giờ gian dối của ai”.
Anh đã ra đi. Tấm gương anh còn để lại. Tấm gương anh nhiều mặt. Ai soi được mặt nào thì soi. Nhưng chắc chắn lối xóm bạn bè lương giáo của anh cũng học được một điều gì đó.
3. Áp dụng:
Một vài gợi ý suy nghĩ:
– Ta có thể nhận ra những điều gì đáng trân trọng nơi người chồng người cha công giáo trong câu chuyện trên đây?
– Người xưa có câu: “Có chồng mà chẳng có con. Như bông hoa nở trên non một mình”. Chúng ta nghĩ thế nào nếu có đức tin mà suốt một đời, chúng ta không đưa được một ai đến với Chúa?
– Lý do nào mà nhiều tín hữu công giáo ngày nay rất ngại nói về Chúa, nói về đạo hay sợ cả người khác biết mình có đạo?
4. Ghi nhớ
1. H. Vì sao Hội Thánh có sứ mạng truyền giáo?
T. Hội Thánh có sứ mạng truyền giáo:
– Một là vì Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ.
– Hai là vì chính Đức Kitô đã sai các tông đồ đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân.
– Ba là vì Hội Thánh phải chu toàn sứ mạng truyền giáo Chúa đã trao.
2. H. Giáo dân là ai?
T. Giáo dân là các Kitô hữu được dự phần vào các chức vụ tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Kitô bằng việc nên thánh, làm chứng cho Chúa Kitô và xây dựng Nước Thiên Chúa.
3. H. Vì sao đời sống luân lý của người tín hữu rất cần thiết để loan báo Tin Mừng?
T. Nhờ đời sống luân lý phù hợp với giáo huấn của Chúa Giêsu, người tín hữu lôi kéo mọi người tin vào Thiên Chúa. Họ xây dựng Hội Thánh, đem Tin Mừng vào lòng đời và chuẩn bị cho Nước Chúa hiển trị.
[1] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế về Mục Vụ Sacrosanctum Concilium, 19c.
[2] GLHTCG 2044.
[3] GLHTCG 2045.