CHIA SẺ MỤC VỤ NĂM ĐỨC TIN
Bài 2:HỘI THÁNH CHÚA KITÔ
Dẫn nhập
Chúng ta đang sống trong Hội Thánh Chúa Kitô, là thành viên của Hội Thánh, vậy Hội Thánh Chúa Kitô là gì? Tại sao lại có sự hiện diện của Hội Thánh Chúa trên trần gian? Hội Thánh được thiết lập như thế nào? Đó là những vấn nạn chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài sau đây, nhưng trước hết chúng ta hãy bắt đầu từ Giáo huấn của Hội Thánh.
1. Giáo huấn của Hội Thánh
“Ðể chu toàn Thánh ý Chúa Cha, Ðức Ki-tô đã khai nguyên nước Trời nơi trần gian” (LG 3). Và đây là thánh ý Chúa Cha: “Nâng loài người lên tham dự đời sống Thiên Chúa” (LG 2) bằng cách quy tụ mọi người quanh Con của Người, Ðức Giê-su Ki-tô. Sự quy tụ này, chính là Hội Thánh, là “mầm mống và là khai nguyên của Nước Thiên Chúa” trên trần gian (LG 5) (x. GLCG 541).
2. Diễn giải
2.1. Ý định cứu độ loài người của Thiên Chúa
Thiên Chúa yêu thương con người, Thiên Chúa muốn cứu độ con người. Trước hết Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài để được cùng Ngài sống hạnh phúc[1] (x. St 1,27). Chúa ban cho con người có thân xác, có lý trí, ý chí, tự do và một linh hồn thiêng liêng giống hình ảnh Chúa[2]. Tuy nhiên con người đã sử dụng tự do Chúa ban cách bất hợp pháp, cùng với sự cám dỗ của ma quỷ[3], con người đã bất tuân lệnh Chúa[4], đã sa ngã và phạm tội[5]. Từ đó con người mất tình nghĩa với Chúa, mất hết những đặc ân Chúa ban, đánh mất tình trạng thánh thiện nguyên thủy[6], phải đau khổ và phải chết[7]. Tuy nhiên chương trình cứu độ của Chúa không gián đoạn[8]. Sau khi con người sa ngã, Thiên Chúa không bỏ rơi con người, Thiên Chúa muốn chuột lại lỗi lầm con người đã vấp phạm, bằng cách sai Con Một của ngài là Đức Giêsu Kitô xuống trần gian, nhập thể làm người để nâng loài người sa ngã lên[9]. Nếu như tội nguyên tổ đã làm con người sa ngã, bất tuân phục và phân tán, thì việc Chúa Giêsu đến để tập họp Dân Mới như là sự phản ứng của chính Thiên Chúa trước cảnh hỗn độn do tội lỗi gây ra[10]. Cũng chính trong ý nghĩa cứu độ loài người mà Chúa đã thiết lập Hội Thánh trên trần gian. Thánh Giáo Phụ Clementê Alexandria đã khẳng định: “Quả vậy, cũng như ý muốn của Thiên Chúa là một công trình, và công trình đó có tên là trần gian, thì cũng vậy, ý định của Ngài là cứu độ loài người, và công trình cứu độ ấy có tên là Hội Thánh”[11].
2.2. Các giai đoạn thành lập Hội Thánh
Trong phần này chúng ta tìm hiểu các giai đoạn thành lập Hội Thánh trong lịch sử. Hội Thánh được chuẩn bị trong Cựu Ước, được Chúa Kitô thiết lập, được tỏ hiện bởi chúa Thánh Thần và sẽ hoàn tất trong vinh quang thiên quốc[12].
2.2.1. Chuẩn bị một dân trong Cựu Ước.
Để con người đón nhận được mạc khải cứu độ của Chúa, Chúa cần thiết lập một dân riêng. Đầu tiên, như việc chuẩn bị xa cho việc tập họp Dân Thiên Chúa, Chúa kêu gọi ông Abraham và hứa cho ông trở thành cha của một dân tộc vĩ đại. Giai đoạn chuẩn bị gần bắt đầu với việc dân Israel trong cựu ước được Thiên Chúa chọn làm dân riêng để chuẩn bị dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến[13]. Biểu tượng của dân riêng này là mười hai chi tộc phát xuất từ 12 người con của ông Giacóp. Nhưng như thánh Phaolô nói dân Do Thái đã làm mất ân huệ quý báu này khi họ từ chối Chúa Giêsu chính là Đấng Messia mà họ từng mong đợi. Và dân cựu ước đã được thay thế bằng một dân mới trong Tân Ước với giao ước mới do chính Chúa Kitô thiết lập[14].
2.2.2. Chúa Kitô thiết lập Hội Thánh
Trước hết, Chúa Giêsu kêu gọi nhóm mười hai tông đồ, để ở với Người và Người huấn luyện họ, sai họ đi loan báo Tin Mừng, ban chọ quyền năng trừ quỷ (x. Mc 3, 13-19), đặt Phêrô đứng đầu nhóm mười hai (x. Mt 16, 16; 18-19). Những vị này được coi là tiếp nối 12 chi tộc Israel trong cựu ước[15]. Nhóm mười hai và các môn đệ khác (Lc 10, 12) được tham dự vào sứ vụ của Đức Kitô, vào quyền năng của Người và cả số phận của Người[16]. Đây là nền tảng của Dân Mới của Thiên Chúa là Hội Thánh[17]. Chúa Giêsu đã khởi đầu Hội Thánh của Người bằng việc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Nước đã được hứa trong Thánh Kinh từ muôn thuở “Thời gian đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15 ; x. Mt 4,17). Triều đại này tỏa rạng truớc mặt mọi người qua lời nói, hành động và sự hiện diện của Đức Kitô[18].
Nhưng Hội Thánh chủ yếu được khai sinh từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu, tức là từ việc hiến thân trọn vẹn của Chúa Giêsu để cứu độ chúng ta. Việc hiến thân đó được thể hiện trước trong bữa ăn tối sau cùng với các môn đệ khi Người lập bí tích Thánh Thể và được thực hiện trên thánh giá[19]. Công đồng Vaticanô II xác nhận: “Sự khởi đầu và tăng trưởng của Hội Thánh được đánh dấu bằng việc máu và nước trào ra từ cạnh sườn rộng mở của Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá”[20]. “Chính từ cạnh sườn của Đức Kitô yên nghỉ trên thập giá đã phát sinh bí tích kỳ diệu là toàn thể Hội Thánh”[21]. Thánh giáo phụ Ambrôsiô dùng lối so sánh để trình bày nội dung Giáo hội học về việc khởi nguồn của Hội Thánh rất ý vị Như bà Evà được tạo ra từ cạnh sườn của ông Ađam, thì cũng vậy, Hội Thánh được sinh ra từ trái tim bị đâm thâu của Đức Kitô chết trên thập giá[22].
2.2.3. Hội Thánh được tỏ hiện bởi Chúa Thánh Thần[23]
Công đồng dạy: “Sau khi công trình mà Chúa Cha trao cho Chúa Con thực hiện nơi trần thế đã được hoàn tất, thì , thì Chúa Thánh Thần được sai đến vào ngày lễ Ngũ Tuần, để Ngài Thánh hóa Hội Thánh một cách liên lỉ”[24]. Thật vậy Giáo hội được khai nguyên trong ngày lễ Ngũ Tuần khi các tông đồ họp nhau trong phòng tiệc ly đóng kín, thì Chúa Thánh Thần với hình lưỡi lửa hiện xuống trên các tông đồ và các ông được tràn đầy Thánh Thần[25]. Trước đây các Tông đồ sợ hãi cửa phòng đóng kín, nhưng sau khi Chúa Thánh Thần đến các Tông đồ mở toang các cửa và bắt đầu ra đi rao giảng Tin Mừng. Có thể nói Lễ Hiện Xuống đầu tiên như ngày đăng quang của Hội Thánh, từ đó, khi được vun đắp bằng các ân huệ của Đấng sáng lập và trung thành tuân giữ các giới luật bác ái, khiêm nhường và từ bỏ, Hội Thánh lãnh nhận sứ mệnh công bố và thiết lập Vương quốc của Đức Kitô và của Thiên Chúa nơi mọi dân tộc, đồng thời cũng trở nên hạt mầm và là điểm khai nguyên của vương quốc ấy trên trần gian[26].
2.2.4. Hội Thánh được hoàn tất trong vinh quang thiên quốc[27]
Công đồng đã tuyên xưng “Hội Thánh… sẽ chỉ được hoàn tất trong vinh quang thiên quốc”[28]. Thật vậy, Hội Thánh được chúa Kitô thiết lập trên trần gian nên Hội Thánh đang trên đường lữ hành tiến về quê trời giữa những bách hại của thế gian và những ơn an ủi của Thiên Chúa[29]. Tất cả mọi người được mời gọi gia nhập vào Hội Thánh Chúa Kitô, vì con người là con đường của Hội Thánh. Chúa đến vì con người, ơn cứu độ dành cho con người, ơn cứu độ được thực hiện qua việc tập họp Dân Mới chính là Hội Thánh. Chính vì thế Hội Thánh trên đường lữ hành xa cách Chúa luôn khao khát được kết hợp cùng Vị Hôn Phu của mình là Đức Kitô trong vinh quang thiên quốc[30].
2.3. Sứ mạng của Hội Thánh
Hội Thánh tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô là loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa và thông ban sự sống ân sủng của Chúa. Hội Thánh có đặc tính tông truyền, vì nhờ các vị kế nhiệm thánh Phêrô và các Tông Đồ, Hội Thánh vẫn giữ nguyên nguồn gốc của mình trong sự hiệp thông đức tin và sự sống[31]. Hội Thánh tiếp tục lệnh truyền của Chúa Giêsu qua các Tông Đồ được sai đi khắp trần gian rao giảng Tin Mừng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con va Chúa Thánh Thần. Dạy họ giữ các điều răn của Thầy…Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20). Hội Thánh còn được chúa Kitô giao nhiệm vụ quản lý các bí tích là kho tàng ân sủng thông ban cho mọi Kitô hữu sự sống của Chúa Kitô[32]. Các bí tích là dấu chỉ bề ngoài do chính Chúa Kitô thiết lập để chuyển thông ơn bề trong[33], là sự biểu lộ sống động của ơn cứu độ của Chúa Kitô ở giữa nhân loại. Chúa Kitô đã nhập thể giữa lòng nhân loại và quy tụ Hội Thánh để thông ban ơn cứu độ chính là sự sống vĩnh cữu của Người cho nhân loại.
3. Áp dụng
– Yêu mến Hội Thánh Chúa Kitô, cầu nguyện cho ĐTC, cho các phẩm trật của Hội Thánh. Tạ ơn Chúa vị Chúa đã đoái thương cho chúng ta được làm con Chúa, được ở trong Hội Thánh của Chúa. Đó là con đường chắc chắn dẫn tới ơn cứu độ.
– Góp phần tích cực xây dựng Hội Thánh bằng đời sống thánh thiện và đạo đức như thánh Phêrô đã nói: “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Ðền Thờ thiêng liêng” (1Pr 2, 5).
– Hiệp thông với mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội địa phương, tích cực sống và loan báo Tin Mừng trong môi trường giáo xứ. Đặc biệt để tâm đến những người nghèo và bất hạnh.
4. Ghi nhớ:
1. H. Hội Thánh là gì?
T. Hội Thánh là cộng đoàn các tín hữu, quy tụ thành dân Thiên Chúa, để trở nên thân thể Đức Kitô và đền thờ Chúa Thánh Thần. (GLHT c.148)
2. H. Hội Thánh đước khởi đầu và kết thúc như thế nào?
T. Hội Thánh được khởi đầu và kết thúc trong ý định đời đời của Thiên Chúa, qua các giai đoạn này:
– Một là được chuẩn bị trong thời Cựu Ước.
– Hai là được thực hiện nhờ cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu.
– Ba là được Chúa Thánh Thần tỏ bày trong ngày lễ Ngũ Tuần.
– Bốn là sẽ được hoàn tất trong vinh quang trên trời.
3. H. Sứ mạng của Hội thánh là gì?
T. Sứ mạng của Hội Thánh là rao truyền Tin Mừng Nước Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu đã thiết lập cho mọi dân tộc, đồng thời thông ban sự sống ân sủng qua kho tàng các bí tích là phương tiện cứu độ.
[1] X. GLHTCG 355- 357, 375 ; x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium (21.11.1964) 2, Bản dịch Việt ngữ của UBGLĐT trực thuộc HĐGMVN, NXB Tôn Giáo Hà Nội 2012, 70.
[2] X. GLHTCG 356 : “Vì lý do nào mà Chúa đặt con người vào một phẩm giá cao trọng như vậy? Chính tình yêu khôn tả đã khiến Chúa nhìn đến thụ tạo của Chúa nơi chính Chúa, Chúa đã “say mê” nó; vì tình yêu Chúa đã dựng nên nó, vì tình yêu Chúa đã cho nó hiện hữu, để nó nếm được sự tốt lành vĩnh cữu của Thiên Chúa” (Th. Catarrina Siêna, Il dialogo della Divina Provvidenza, 13 :ed. G. Cavallini (Roma 1995) 43.
[3] X. St 3, 1-5; x. Ga 8, 44; Kh 12, 9; x. 1Ga 3, 8.
[4] X. GLHTCG 397, x. Rm 5, 19.
[5] X. GLHTCG 390.
[6] X. Rm 3, 23. X. GLHTCG 399.
[7] X. GLHTCG 400, x. St 2, 24 ; x. St 3, 5.7. 9-13.
[8] X. GLHTCG 410.
[9] X. GLHTCG 412.
[10] X. GLHTCG 762.
[11] Th. Clêmentê Alexandria, Paedagogus, 1, 6, 27, 2: GCS 12, 106 (PG 8, 281): GLHTCG 760.
[12] X. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 2 ; x. GLHTCG 759.
[13] X. GLHTCG 762.
[14] X. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 9.
[15] X. GLHTCG 765.
[16] X. Mt 10, 25; Ga 15, 20.
[17] X. Kh 21, 12-14.
[18] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 5.
[19] X. GLHTCG 766; x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 4.
[20] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 3.
[21] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế Phụng vụ Sacrosactum concilium, 5.
[22] X. Th. Ambrôsiô, Expositio evangelii secundum Lucam 2, 85-89: CCL 14, 69-72 (PL 15, 1666-1668).
[23] GLHTCG 767.
[24] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 4.
[25] X. Cv 2, 1-4.
[26] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 5.
[27] GLHTCG 769.
[28] CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48.
[29]X. GLHTCG 769; x. Thánh Augustinô, De civitate Dei, 18, 51: CSEL 40/2, 354 (PL 41, 614); x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 8.
[30] X. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 5.
[31] GLHTCG 769; 863.
[32] X. GLHTCG 1117.
[33] X. GLHTCG 1210.