Không phải đến bây giờ, đức tin mới trở thành chủ đề quan trọng đối với Đức Bênêđíctô XVI. Ngay từ lúc còn là một giáo sư tại đại học Munster, thần học gia Joseph Ratzinger đã viết nhiều về đức tin rồi. Thực vậy, trong các ngày 13-15 tháng 12, năm 1964, tại nhà thờ chính tòa Munster, ngài đã liên tiếp giảng ba bài giảng về đức tin cho một cuộc họp của tuyên úy đoàn sinh viên Công Giáo tại đó. Ba bài giảng này đã được ngài cho xuất bản thành sách dưới tựa đề “Là Kitô Hữu Nghĩa Là Gì?” vào dịp Phục Sinh năm 1965. Sau đây là chương “Tại Sao Ta Cần Đức Tin?”:
Là Kitô hữu nghĩa là có tình yêu. Điều này hết sức khó hiểu nhưng đồng thời cũng rất đơn giản. Nhưng dù có khó hiểu về nhiều phương diện bao nhiêu đi nữa, khám ra điều ấy cũng vẫn là một kinh nghiệm hết sức giải thoát. Tuy nhiên, bạn dám bảo rằng: đã đành sứ điệp của Chúa Giêsu rất tốt rất đẹp, rất tinh tế và rất ủi an, nhưng thử hỏi thần học gia và linh mục quí vị đã làm gì với nó, Giáo Hội đã làm gì với nó? Nếu yêu là đủ, thì tại sao chúng tôi lại có tín điều của qúy vị? Tại sao chúng tôi vẫn phải tin, một thứ luôn phải cạnh tranh với khoa học? Há những điều các học giả cấp tiến từng nói không thực sự đúng cả hay sao, rằng Kitô Giáo đã bị hủ hóa bởi sự kiện: thay vì cùng với Chúa Kitô nói về Chúa Cha và sống như anh chị em với nhau, thì người ta lại đi lo xây dựng một học thuyết về Chúa Kitô; thay vì dẫn người khác tới việc phục vụ lẫn nhau, thì lại sáng chế ra cái thứ tín điều đầy bất khoan dung; thay vì thúc giục người ta yêu thương, thì lại đòi họ tin và làm cho việc là Kitô hữu phải tùy thuộc vào việc tuyên xưng đức tin?
Chắc chắn có một điều gì đó hết sức nghiêm trọng trong câu hỏi trên, và cũng giống như mọi câu hỏi nặng ký khác, ta không thể xử lý với nó chỉ bằng những thuật ngữ khéo léo. Tuy nhiên, ta cũng không nên bỏ qua sự kiện này rằng câu hỏi ấy thực ra hết sức đơn giản. Để thấy rõ nhận định này, ta chỉ cần hướng các suy nghĩ của ta vào chính đời sống mình một cách thực tiễn. Là Kitô hữu nghĩa là có tình yêu; là thực hiện cho bằng được cuộc cách mạng kiểu Côpécníc trong cuộc hiện sinh của ta, tức ngưng đừng biến ta thành trung tâm vũ trụ với mọi người khác phải chạy vòng vòng chung quanh ta.
Nếu biết nhìn vào ta một cách trung thực và nghiêm chỉnh, ta sẽ thấy sứ điệp cực kỳ đơn giản này là một kinh nghiệm giải thoát. Nhưng đồng thời nó cũng làm ta bối rối hơn cả. Vì có ai trong chúng ta dám nói là mình không bao giờ phớt lờ một người đang đói, đang khát, đang cần tới ta cách này cách khác? Ai trong chúng ta dám bảo là mình thực sự đơn thành đem đến cho người khác một thứ phục vụ nhân ái? Ai trong chúng ta không cần phải nhìn nhận rằng ngay trong các hành vi tốt lành mình làm cho người khác, cũng vẫn còn một chút vị kỷ nào đó, một chút thoả mãn bản thân và nhìn vào mình nào đó? Ai trong chúng ta không cần phải nhìn nhận rằng chẳng nhiều thì ít mình vẫn còn sống trong cái ảo giác cũng như cách nhìn người khác kiểu tiền Côpécníc, thấy họ có thật, nhưng chỉ thật trong mối tương quan của họ đối với chúng ta? Như thế, sứ điệp yêu thương đầy cao cả và giải thoát, vốn là nội dung duy nhất và đầy đủ của Kitô Giáo, cũng có thể trở nên một điều hết sức khó khăn.
Đức tin khởi đi từ chính điểm này. Vì trong căn bản, đức tin chỉ có nghĩa: điều thiếu sót mà tất cả chúng ta đều có trong tình yêu của mình được đền bù bằng sự dư thừa trong tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, vì ta mà hành động. Người cho ta hay một cách đơn giản rằng: chính Thiên Chúa đã đổ tràn nơi ta sự dư thừa tình yêu của Người và nhờ thế đã bù lắp từ trước mọi thiếu sót của ta. Cuối cùng, đức tin không có nghĩa gì khác ngoài việc nhìn nhận rằng ta có sự thiếu sót đó; rằng ta phải ngửa tay ra để tiếp nhận một hồng ân. Dưới hình thức đơn giản nhất và nội thẳm nhất, đức tin không là gì cả ngoài việc vươn tới cái điểm yêu thương, nơi ta thừa nhận rằng cả ta nữa cũng cần được trao tặng điều gì đó. Như thế đức tin chính là giai đoạn yêu thương này, giai đoạn thực sự nhận ra nó như là tình yêu; nó hệ ở việc vượt qua tính tự mãn nơi những người dám cho rằng “tôi đã làm mọi sự, tôi không cần sự giúp đỡ nào khác nữa”. Chỉ trong một đức tin như thế tính vị kỷ, là thứ thực sự đi ngược lại yêu thương, mới tới chỗ cáo chung. Chỉ tới đó, đức tin mới hiện diện trong và với yêu thương thực sự; nó đơn thuần đại biểu cho lực đẩy yêu thương kia nhằm dẫn tới việc tìm ra chân tướng thực sự của nó: sự cởi mở của ai đó không nhấn mạnh tới các khả năng của mình, mà hiểu ra rằng mình đang tiếp nhận điều gì đó như hồng ân và vẫn còn rất cần thứ hồng ân ấy.
Dĩ nhiên, đức tin này kinh qua khá nhiều khai triển và giải thích rất khác nhau. Ta chỉ cần hiểu rằng cử chỉ ngửa tay ra, khả năng tiếp nhận trong đơn thành, nhờ thế tình yêu đạt được sự tinh ròng nội tại lần đầu của nó, sẽ chẳng nắm được gì trừ khi một ai đó đổ đầy tay ta hồng ân tha thứ. Và như thế, một lần nữa, mọi sự đều sẽ kết thúc trong rác rưởi vô ích, trong vô nghĩa, nếu không có sự đáp ứng đối với hồng ân ấy, tức Chúa Kitô. Bởi thế, yêu thương thực sự nhất thiết bước qua cử chỉ đức tin, và trong cử chỉ này, là lời nài xin cho được mầu nhiệm Chúa Kitô, cho được hướng tới mầu nhiệm ấy, và mầu nhiệm này, khi được tỏ hiện, sẽ là một khai triển nhất thiết của cử chỉ căn bản kia; từ khước nó là từ khước cả đức tin lẫn tình yêu.
Ấy thế nhưng ngược lại, dù điều ấy có đúng bao nhiêu, dù đức tin Kitô học và giáo hội học có tuyệt đối cần thiết bao nhiêu đối với lý do đó, thì đồng thời điều vẫn đúng là: mọi điều ta gặp trong tín điều, cuối cùng, cũng chỉ là giải thích: giải thích thực tại yêu thương nền tảng có tính duy nhất, thực sự đầy đủ và dứt khoát giữa Thiên Chúa và con người. Và do đó, cũng vẫn đúng là những người yêu thương thực sự và những người tin thực sự mới có thể được gọi là Kitô hữu.
Vũ Văn An
( Nguồn: Vietcatholic. net )