“Thiên Chúa mặc khải kế hoạch yêu thương cao cả của Ngài bằng cách bước vào sự liên hệ với loài người, lại gần họ đến nỗi trở thành một người.”
Dưới đây là bản dịch Bài Giáo Lý thứ tám của ĐTC Bênêđictô XVI về Năm Đức Tin, được ban hành tại Sảnh Đường Phaolô VI hôm thứ tư ngày 5 tháng 12, 2012. Hôm nay ĐTC dạy tiếp tục loạt Bài Giáo Lý về Đức Tin.
* * *
Năm Đức Tin. Thiên Chúa mặc khải “Kế hoạch Yêu Thương Nhân Lành”
Anh chị em thân mến,
Ở đầu thư gửi tín hữu Êphêsô (x 1:3-14) Thánh Tông Đồ Phaolô đưa ra một kinh nguyện chúc tụng Thiên Chúa, Cha của Đức Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngài đưa chúng ta vào sống Mùa Vọng trong bối cảnh Năm Đức Tin. Chủ đề của bài thánh thi ngợi khen này là kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người, được xác định bằng những thuật ngữ đầy vui mừng, kinh ngạc và tri ân, như một “Kế hoạch Yêu Thương Nhân Lành” (câu 9), của lòng thương xót và tình yêu.
Tại sao Thánh Tông Đồ lại cầu nguyện với Thiên Chúa từ tận đáy lòng mình bằng lời chúc tụng này? Bởi vì ngài chiêm ngắm hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ, đạt đến tột đỉnh trong sự Nhập Thể, Cái Chết và Sự Sống Lại của Chúa Giêsu, và chiêm niệm việc Cha Trên Trởi đã chọn chúng ta trước khi tạo thành vũ trụ, để trở nên dưỡng tử, trong Con Một của Ngài, là Đức Chúa Giêsu Kitô (x. Rom 8:14; Gal 4:4tt). Chúng ta đã có trong tâm trí của Thiên Chúa từ thuở đời đời, trong một kế hoạch cả thể mà Thiên Chúa đã giữ riêng cho Ngài và đã quyết định thực hiện và mặc khải “vào thời viên mãn” (x. Eph 1:10). Như thế, Thánh Phaolô giúp chúng ta hiểu làm sao tất cả tạo vật, và đặc biệt là những người nam nữ không phải là kết quả của sự ngẫu nhiên, nhưng là của việc thực hiện một kế hoạch yêu thương của lý trí vĩnh cửu của Thiên Chúa, là Đấng, với quyền năng sáng tạo và cứu độ của Lời Ngài, đã tạo thành vũ trụ. Lời xác quyết đầu tiên này nhắc nhở chúng ta rằng ơn gọi của chúng ta không chỉ đơn thuần là sống trên thế gian, được bao gồm trong một lịch sử, hoặc chỉ là một tạo vật của Thiên Chúa; nhưng là một cái gì cao quý hơn: đó là được Thiên Chúa chọn, ngay cả trước khi tạo thành vũ trụ, trong Chúa Con, là Đức Chúa Giêsu Kitô. Như thế trong Người chúng ta đã hiện hữu, có thể nói là từ muôn thủa. Thiên Chúa nhìn ngắm chúng ta trong Đức Kitô, như những nghĩa tử. “Kế hoạch nhân lành” của Thiên Chúa được Thánh Tông Đồ xác định là một “kế hoạch yêu thương” (Eph 1:5), được gọi là “mầu nhiệm” của Thánh Ý Thiên Chúa (câu 9), được che giấu và giờ đây được tỏ lộ trong Con Người và việc làm của Đức Kitô. Sáng kiến của Thiên Chúa đi trước bất kỳ đáp ứng nào của con người: đó là một món quà nhưng không của tình yêu Ngài, là tình yêu bao bọc và biến đổi chúng ta.
Nhưng mục tiêu cuối cùng của kế hoạch mầu nhiệm này là gì? Trọng tâm của Thánh Ý của Thiên Chúa là gì? Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng là để “kết hợp mọi sự dưới một Thủ Lãnh duy nhất, là Đức Kitô” (câu 10). Trong cách diễn tả này, chúng ta tìm thấy một trong những công thức chính của Tân Ước giúp chúng ta hiểu được kế hoạch của Thiên Chúa, kế hoạch yêu thương của Ngài dành cho toàn thể nhân loại, một công thức mà Thánh Irenê thành Lyon, trong thế kỷ thứ hai, đã đặt làm cốt lõi của Kitô học của ngài: “thâu tóm” toàn thể thực tại trong Đức Kitô. Có lẽ một số anh chị em nhớ công thức được sử dụng bởi Đức Thánh Giáo Hoàng Piô X để thánh hiến thế giới cho Thánh Tâm Chúa Giêsu: “Instaurare omnia in Christo (phục hồi mọi sự trong Đức Kitô)”, một công thức có liên quan đến cách diễn tả này của Thánh Phaolô, và nó cũng là phương châm của vị Thánh Giáo Hoàng này. Tuy nhiên, Thánh Tông Đồ nói một cách cụ thể hơn về việc thâu tóm vũ trụ trong Đức Kitô, và điều này có nghĩa rằng, trong chương trình cả thể của việc tạo dựng và của lịch sử, Đức Kitô đứng như trung tâm của cuộc hành trình của toàn thế giới, như trục gánh đỡ tất cả, thu hút toàn bộ thực tại về Mình, để thắng vượt sự phân tán và những giới hạn, cùng dẫn tất cả đến sự viên mãn mà Thiên Chúa mong muốn (x. Eph 1:23).
Có thể nói rằng “Kế hoạch yêu thương nhân lành” đã không ở mãi trong sự thinh lặng của Thiên Chúa, ở thượng giới của Thiên Đàng của Ngài, nhưng Ngài đã làm cho chúng ta biết đến nó bằng cách bước vào một liên hệ với con người, là những kẻ mà Ngài đã không những chỉ tiết lộ một điều gì đó, nhưng Chính Ngài. Ngài không chỉ đơn thuần truyền đạt một mớ chân lý, nhưng tự thông truyền Chính Mình cho chúng ta, đến độ làm một người trong chúng ta, trở thành Nhập Thể. Công Đồng Chung Vaticanô II trong Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum nói, “Trong sự tốt lành và khôn ngoan của Ngài, Thiên Chúa đã chọn tỏ lộ Chính Mình, chứ không phải chỉ một điều gì đó về Mình, và làm cho chúng ta biết mầu nhiệm Thánh Ý của Ngài, là nhờ Đức Kitô, Ngôi Lời làm người, mà con người có thể đến cùng Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần và do đó trở thành những người thông phần vào bản tính Thiên Chúa” (số 2). Thiên Chúa không chỉ nói điều gì đó, nhưng Ngài tự truyền thông Chính Mình, lôi kéo chúng ta vào bản tính Thiên Chúa để chúng ta được tham gia vào bản tính ấy, được trở nên thần thánh. Thiên Chúa mặc khải kế hoạch yêu thương cao cả của Ngài bằng cách bước vào sự liên hệ với loài người, lại gần họ đến nỗi trở thành một người. Công Đồng nói tiếp: “Thiên Chúa vô hình (x. Col 1:15; 1 Tm 1:17) trong sự phong phú của tình yêu Ngài nói với con người như bạn hữu (x. Xh 33:11, Ga 15:14-15) và sống giữa họ (x. Bar 3:38) để mời họ và đón nhận họ vào sự hiệp thông với Ngài” (ibid.). Chỉ với trí thông minh và khả năng của mình con người không thể đạt đến sự mặc khải rõ ràng như thế về tình yêu của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa, là Đấng đã mở Thiên Đàng của Ngài và hạ Mình xuống để đưa con người vào vực thẳm của tình yêu Ngài.
Thánh Phaolô cũng viết cho các tín hữu thành Côrintô: “Điều mà mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, lòng người chưa hề nghĩ đến, là điều mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người. Còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí. Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa.” (2:9-10). Thánh Gioan Kim Khẩu, trong một trang thời danh chú giải phần đầu của Thư gửi tín hữu Êphêsô, mời chúng ta thưởng thức tất vẻ đẹp của “kế hoạch yêu thương nhân lành” này của Thiên Chúa được mặc khải trong Đức Kitô, bằng những lời này: “Bạn còn thiếu gì? Bạn đã trở nên bất tử, bạn đã trở nên tự do, bạn đã trở nên một người con, bạn đã trở nên công chính, bạn đã trở nên em, bạn đã trở nên một người đồng thừa tự, với Đức Kitô bạn cai trị, với Đức Kitô bạn được vinh quang. Mọi sự đã được ban cho chúng ta, và như có lời chép rằng, làm sao Ngài (Thiên Chúa) lại sẽ không ban mọi sự cho chúng ta với Người?” (Rm 8:32. Những của lễ đầu mùa của bạn (x. 1 Cr 15:20,23) được các thiên thần trang điểm […]: vậy bạn còn thiếu gì?” (PG 62,11)
Sự hiệp thông này trong Đức Kitô nhờ Chúa Thánh Thần, được Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người với ánh sáng của Mặc Khải, không phải là một cái gì có thể chồng lên trên nhân tính của chúng ta, nhưng là việc thỏa mãn những khát vọng sâu thẳm nhất của con người, ước mong sự vô hạn và sự viên mãn ở tận đáy lòng con người, và mở lòng họ ra cho một hạnh phúc, không phải tạm bợ và bị hạn chế, nhưng đời đời. Thánh Bonaventura, khi đề cập đến Thiên Chúa, Đấng tỏ Mình ra và nói với chúng ta qua Thánh Kinh để dẫn chúng ta đến với Ngài, nói như sau: “Thánh Kinh là […] cuốn sách mà trong đó viết những lời về sự sống đời đời để chúng ta không những chỉ tin, nhưng cũng chiếm hữu được sự sống đời đời, trong đó chúng ta sẽ thấy, chúng ta sẽ yêu mến và tất cả những mong ước của chúng ta sẽ được thực hiện” (Breviloqum, Prol.; Opera Omnia V, 201s). Cuối cùng, Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc lại rằng “Mặc khải đặt vào trong lịch sử một điểm tham chiếu mà chúng ta không thể coi thường nếu chúng ta muốn biết mầu nhiệm về đời sống con người. Nhưng sự hiểu biết này lại liên tục quy chiếu về mầu nhiệm của Thiên Chúa, là điều trí tuệ không thể hiểu thấu, mà chỉ có thể cảm nhận và đón nhận được trong đức tin” (Thông điệp Fides et Ratio, 14).
Vậy, theo quan điểm này thì hành vi đức tin là gì? Nó là sự đáp trả của con người đối với Mặc Khải của Thiên Chúa, Đấng tỏ Mình ra, Đấng bày tỏ kế hoạch nhân từ của Ngài cho nhân loại. Nghĩa là, như mượn cách diễn tả của Thánh Augustinô, chúng ta hãy cứ để cho Chân Lý là Thiên Chúa nắm bắt lấy mình, một Chân Lý là Tình Yêu. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng Thiên Chúa, Đấng đã mặc khải mầu nhiệm của Ngài, chúng ta phải “vâng phục của đức tin” (Rm 16:26; 1,5; 2 Cor 10: 5-6), thái độ mà qua đó “con người tự do phó thác toàn thân cho Ngài, dâng lên Thiên Chúa, là Đấng mặc khải, sự tuân phục hoàn toàn của cả lý trí lẫn ý chí của mình” (Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum, 5). Tất cả những điều này dẫn đến một sự thay đổi cơ bản trong cách chúng ta liên hệ với toàn bộ thực tại; tất cả mọi sự xuất hiện trong một ánh sáng mới, do đó nó là một sự “hoán cải” thật sự, đức tin là một “sự thay đổi não trạng” bởi vì Thiên Chúa, Đấng đã tự tỏ Mình ra trong Đức Kitô, và đã tỏ cho chúng ta biết chương trình yêu thương của Ngài, bắt được chúng ta, lôi kéo chúng ta lại với chính Ngài, trở nên ý nghĩa nâng đỡ cuộc sống, đá tảng trên đó nó có thể tìm thấy sự ổn định. Trong Cựu Ước, chúng ta thấy một cách diễn tả súc tích về đức tin, rằng Thiên Chúa trao phó cho ngôn sứ Isaia phải truyền thông cho Aha, vua Giuđa. Thiên Chúa phán: “Nếu ngươi không tin – nghĩa là, nếu ngươi không tiếp tục trung thành với Thiên Chúa – ngươi sẽ không đứng vững được” (Is 7:9 b). Cho nên, có một sự liên kết giữa việc sống và sự hiểu biết, là điều được diễn tả làm sao đức tin là một sự đón nhận vào cuộc đời mình quan điểm của Thiên Chúa về thực tại, để cho Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta qua Lời và các Bí tích của Ngài, ngõ hầu hiểu được chúng ta phải làm gì, và phải theo con đường nào, phải sống cách nào. Tuy nhiên, đồng thời, nó là sự hiểu biết theo Thiên Chúa, nhìn với đôi mắt của Ngài, là điều làm cho cuộc đời được vững chắc, cho phép chúng ta “tiếp tục đứng”, mà không ngã.
Các bạn thân mến, Mùa Vọng, mùa phụng vụ mà chúng ta mới vừa bắt đầu và chuẩn bị chúng ta cho Lễ Giáng sinh, đặt trước mặt chúng ta một mầu nhiệm ánh sáng của việc Con Thiên Chúa đến, trước “Kế hoạch nhân lành” cao cả mà Ngài muốn thu hút chúng ta đến với Ngài, để làm cho chúng ta sống trong sự hiệp thông trọn vẹn của niềm vui và sự bình an với Ngài. Mùa Vọng một lần nữa mời gọi chúng ta, giữa nhiều khó khăn, để nhắc lại sự đảm bảo rằng Thiên Chúa hiện diện: Ngài đi vào thế gian, trở nên một con người như chúng ta, để mang kế hoạch yêu thương của Ngài đến hoàn thành. Và Thiên Chúa cũng yêu cầu chúng ta trở nên một dấu chỉ của hành động của Ngài trên thế gian. Qua đức tin, đức cậy và đức mến của chúng ta, Ngài muốn bước vào thế gian một lần nữa, để ánh sáng của Ngài lại chiếu tỏa trong đêm đen của chúng ta.
Phaolô Phạm Xuân Khôi12/8/2012