“Chúng ta càng đặt Thiên Chúa, chứ không đặt mình, ở trung tâm bao nhiêu, thì việc truyền thông sẽ càng có hiệu quả bấy nhiêu.”
Dưới đây là bản dịch Bài Giáo Lý thứ bảy của ĐTC Bênêđictô XVI về Năm Đức Tin, được ban hành tại Sảnh Đường Phaolô VI hôm thứ tư ngày 28 tháng 11, 2012. Hôm nay ĐTC dạy tiếp tục loạt Bài Giáo Lỳ về Đức Tin.
* * *
Anh chị em thân mến,
Câu hỏi chính mà chúng ta đặt ra hôm nay là câu hỏi dưới đây: làm thế nào để nói về Thiên Chúa trong thời đại chúng ta? Làm thế nào để truyền đạt Tin Mừng, để mở đường cho chân lý cứu độ của Người trong những tâm hồn thường đóng kín của những người đương thời của chúng ta, và tâm trí của họ đôi khi bị phân tâm bởi nhiều tia sáng hào nhoáng của xã hội? Các Thánh sử cho chúng ta biết rằng chính Chúa Giêsu trong khi công bố Nước Thiên Chúa đã tự hỏi mình điều này: “Chúng ta có thể so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì, hoặc chúng ta sẽ sử dụng dụ ngôn nào?” (Mc 4:30). Ngày nay chúng ta nói về Thiên Chúa thế nào? Câu trả lời đầu tiên là chúng ta có thể nói về Thiên Chúa, bởi vì Ngài đã nói với chúng ta. Do đó điều kiện đầu tiên để nói về Thiên Chúa là lắng nghe những gì chính Thiên Chúa đã nói. Thiên Chúa đã nói với chúng ta! Cho nên Thiên Chúa không phải là một giả thuyết xa xưa về nguồn gốc của thế giới, hay một trí thông minh toán học xa cách với chúng ta. Thiên Chúa chăm sóc cho chúng ta, yêu thương chúng ta, đã tự mình đi vào thực tại của lịch sử của chúng ta. Ngài đã thông truyền chính mình đến nỗi trở nên nhập thể. Vì vậy, Thiên Chúa là một thực tại của cuộc sống chúng ta, Ngài quá tuyệt vời đến nỗi Ngài thậm chí có thì giờ cho chúng ta, chăm sóc chúng ta. Trong Chúa Giêsu thành Nazareth, chúng ta gặp gỡ dung nhan của Thiên Chúa, Đấng từ Trời xuống để lặn ngụp trong thế giới loài người, trong thế giới của chúng ta, và dạy chúng ta “nghệ thuật sống”, con đường đi đến hạnh phúc, để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và làm cho chúng ta thành con cái Thiên Chúa (x. Ep 1:5; Rom 8:14). Chúa Giêsu đã đến để cứu chúng ta và chỉ cho chúng ta cuộc sống tốt đẹp của Tin Mừng.
Nói về Thiên Chúa trước hết có nghĩa là biết rõ ràng về những gì chúng ta phải mang đến cho những người nam nữ của thời đại chúng ta: Ngài không phải là một Thiên Chúa trừu tượng, một giả thuyết, nhưng một Thiên Chúa cụ thể, một Thiên Chúa có thật, đã đi vào lịch sử và hiện diện trong lịch sử, Thiên Chúa của Đức Chúa Giêsu Kitô, như là câu trả lời cho câu hỏi cơ bản về lý do tại sao và làm thế nào để sống. Vì vậy, để nói về Thiên Chúa đòi hỏi một sự quen thuộc với Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người, đòi hỏi một sự hiểu biết cá nhân về Thiên Chúa và một đam mê thực sự để sống kế hoạch cứu độ của Ngài, không chiều theo cám dỗ về thành công, nhưng theo phương pháp của chính Thiên Chú. Phương pháp của Thiên Chúa là phương pháp khiêm nhường: Thiên Chúa đã trở thành một người trong chúng ta; đó là phương pháp được thể hiện trong việc nhập thể, trong ngôi nhà đơn sơ ở Nazareth và trong hang đá ở Bethlehem, phương pháp hạt cải. Chung ta đừng sợ sự khiêm tốn của những bước nhỏ, và tin tưởng ở nấm men lan dần trong bột từ từ làm nó dậy lên cách mầu nhiệm (x. Mt 13:33). Để nói về Thiên Chúa trong công việc Phúc Âm hóa, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng ta cần phục hồi sự đơn giản, cần trở lại với yếu tố thiết yếu của lời loan báo: Tin Mừng về một Thiên Chúa, Đấng là có thật và cụ thể, một Thiên Chúa quan tâm đến chúng ta, một Thiên Chúa Tình Yêu đã đến gần chúng ta trong Đức Chúa Giêsu Kitô cho đến tận Thánh Giá, và là Đấng trong việc Phục Sinh của Người ban cho chúng ta niềm hy vọng và mở ra cho chúng ta một đời sống vĩnh cửu, sự sống đời đời, sự sống thật. Nhà truyền thông biệt tài là Thánh Phaolô cho chúng ta một bài học đi thẳng vào trung tâm của đức tin, của câu hỏi về việc biết “làm sao để nói về Thiên Chúa” với sự đơn giản tuyệt vời. Ngài đã viết trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô: “Đối với tôi, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hấp dẫn hay kiến thức cao siêu để loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì khi còn ở với anh em, tôi đã quyết tâm không biết gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Ðấng chịu đóng đinh” (2, 1-2). Như thế thực tại thứ nhất là Thánh Phaolô không nói về một triết lý mà ngài đã tự mình khai triển, ngài không nói về những tư tưởng được tìm thấy ở nơi khác hoặc được sáng chế, nhưng nói về một thực tại của đời sống của ngài, nói về Thiên Chúa đã đi vào đời sống của ngài, nói về một Thiên Chúa thật hằng sống, đã nói với thánh nhân và sẽ nói với chúng ta, ngài nói về Đức Kitô Chịu Đóng Đinh và Đã Sống Lại. Thực tại thứ hai là Thánh Phaolô không vụ lợi, không muốn tạo ra một nhóm đông người hâm mộ mình, không muốn đi vào lịch sử như thủ lãnh một trường phái có những kiến thức vĩ đại, không tìm danh lợ, nhưng Thánh Phaolô rao giảng Đức Kitô và muốn đưa mọi người về với Thiên Chúa chân thật và có thật. Thánh Phaolô chỉ nói với một lòng ao ước rao giảng Đấng đã đi vào cuộc đời ngài và Đấng là sự sống thật, là Đấng đã chinh phục được ngài trên đường đi Đamascô. Vì vậy, nói về Thiên Chúa có nghĩa là dành chỗ cho Đấng đã tỏ cho chúng ta biết Ngài, Đấng đã tỏ lộ dung nhan yêu thương của Ngài. Điều này có nghĩa là ra khỏi chính cái tôi của mình bằng cách dâng nó cho Đức Kitô, trong khi ý thức rằng chúng ta không phải là những người có thể đưanhững người khác về cho Thiên Chúa, nhưng phải chờ họ từ chính Thiên Chúa, phải cầu cho họ từ Ngài. Như thế việc nói về Thiên Chúa luôn phát sinh từ việc lắng nghe Ngài, từ sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa được thực hiện trong việc quen thuộc với Ngài, trong đời sống cầu nguyện và theo các Giới Răn.
Đối với Thánh Phaolô, thông truyền đức tin không có nghĩa là tự khoe mình, nhưng nói một cách cởi mở và công khai về những gì ngài đã thấy và đã nghe trong cuộc gặp gỡ Đức Kitô, những gì ngài đã kinh nghiệm trong cuộc đời của ngài, là cuộc đời đã được biến đổi từ ngày đó bởi cuộc gặp gỡ này: nghĩa là kể lại về Chúa Giêsu là Đấng mà ngài cảm thấy hiện diện nơi mình và đã trở thành hướng đi thực sự của cuộc đời ngài, để làm cho mọi người hiểu rõ rằng Người thật sự cần thiết cho thế gian và quyết định cho sự tự do của mọi người. Thánh Tông Đồ không hài lòng với việc chỉ rao giảng bằng lời, nhưng gói ghém toàn thể cuộc đời ngài trong công trình cả thể của đức tin. Để nói về Thiên Chúa, chúng ta phải dành chỗ cho Ngài, trong niềm tin tưởng rằng Ngài hành động trong sự yếu đuối của chúng ta: dành chỗ cho Ngài mà không sợ hãi, với lòng đơn sơ và niềm vui, trong niềm xác tín sâu xa rằng chúng ta càng đặt Ngài, chứ không đặt mình, ở trung tâm bao nhiêu, thì việc truyền thông sẽ càng có hiệu quả bấy nhiêu. Điều này cũng đúng cho các cộng đoàn Kitô hữu: các cộng đoàn này được mời gọi để chứng tỏ tác động biến đổi của ân sủng của Thiên Chúa, bằng cách thắng vượt cá nhân chủ nghiã, sự đóng cửa lòng, tính ích kỷ, sự thờ ơ và bằng cách sống tình yêu của Thiên Chúa trong các liên hệ hàng ngày của họ. Chúng ta có tự hỏi rằng các cộng đoàn Kitô hữu của chúng ta có thực sự giồng như thế không? Chúng ta cần phải cất bước lên đường để luôn luôn và thực sự trở thành những người rao giảng về Đức Kitô chứ không rao giảng về mình.
Ở điểm này, chúng ta phải tự hỏi rằng chính Chúa Giêsu đã truyền đạt thế nào. Chúa Giêsu trong địa vị độc đáo của Người, nói về Cha của Người là Abba – và về Nước Thiên Chúa, với đôi mắt đầy lòng nhân từ đối với những phiền muộn và khó khăn của cuộc sống con người. Người nói một cách rất hiện thực và, tôi dám nói, điều chính yếu của lời loan báo của Chúa Giêsu là làm cho chúng ta biết rõ ràng rằng thế giới và đời sống của chúng ta có gía trị đối với Thiên Chúa. Chúa Giêsu chứng tỏ rằng dung nhan của Thiên Chúa được tỏ lộ trong thế giới và trong việc tạo dựng, và Người cũng cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa hiện diện trong những biến cố của đời sống thường nhật của chúng ta như thế nào. Điều này đúng cả trong những dụ ngôn về thiên nhiên, về hạt cải, về cánh đồng với nhiều hạt giống khác nhau, lẫn trong đời sống chúng ta, như trong các dụ ngôn người con hoang đàng, ông Lazarus và các dụ ngôn khác của Chúa Giêsu. Từ các sách Tin Mừng chúng ta thấy Chúa Giêsu quan tâm đến mọi hoàn cảnh của nhân loại mà Người gặp như thế nào, Người lặn ngụp trong thực tại của những người nam nữ ở thời đại của Người, với một lòng tín thác hoàn toàn vào sự trợ giúp của Chúa Cha. Thiên Chúa hiện diện thực sự trong lịch sử một cách tàng ẩn, và chúng ta có thể gặp Ngài nếu chúng ta để tâm. Và các môn đệ, là những người sống với Chúa Giêsu, đám đông là những kẻ gặp Người, xem cách Người phản ứng với những vấn đề khác nhau, họ thấy Người nói năng thế nào, cư xử ra sao, và họ thấy trong Người hoạt động của Chúa Thánh Thần, hoạt động của Thiên Chúa. Trong Người lời rao giảng và cách sống đi đôi với nhau: Chúa Giêsu hoạt động và giảng dạy, luôn luôn bắt đầu từ một mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa Cha. Cách này trở thành một biểu thị cần thiết cho chúng ta, là những Kitô hữu: cách chúng ta sống trong đức tin và đức ái trở thành một cách nói về Thiên Chúa thởi nay, bởi vì nó cho thấy rằng, với một cuộc đời sống trong Đức Kitô, sự đáng tin cậy, sự hiện thực của những gì chúng ta nói bằng lời nói, không còn chỉ là lời nói, nhưng cho thấy thực tại, thực tại thật sự. Và trong điều này, chúng ta phải cẩn thận đọc các dấu chỉ của thời đại mình, đó là, phân biệt các tiềm năng, các ước muốn, và các trở ngại mà chúng ta đang gặp trong nền văn hóa hiện đại, đặc biệt là lòng ước muốn sự chân thực, lòng khao khát sự siêu việt, sự nhạy cảm đối với việc bảo vệ các tạo vật, và truyền thông mà không sợ hãi câu trả lời được đức tin vào Thiên Chúa cung cấp. Năm Đức tin là một cơ hội để khám phá những con đường mới ở mức độ cá nhân và cộng đoàn, với óc tưởng tượng của chúng ta được sinh động hóa bởi Chúa Thánh Thần, để rồi ở khắp nơi quyền năng của Tin Mừng thành sự khôn ngoan của đời sống và hướng đi của cuộc đời.
Trong thời đại chúng ta cũng thế, có một nơi đặc biệt để nói về Thiên Chúa là gia đình, trường học đầu tiên cho việc truyền đạt đức tin cho các thế hệ mới. Công đồng Vaticanô II nói về cha mẹ như là những sứ giả đầu tiên của Thiên Chúa (x. Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 11; Sắc Lệnh Apostolicam Actuositatem, 11.), được mời gọi tái khám phá sứ mệnh của mình, gánh trách nhiệm trong việc giáo dục, trong việc mở lương tâm của những trẻ nhỏ cho tình yêu của Thiên Chúa, như là những giáo lý viên và thầy cô dạy đức tin đầu tiên cho con cái của mình. Và trong nhiệm vụ này, điều quan trọng hàng đầu là tỉnh táo, nghĩa là biết nắm lấy những cơ hội thuận tiện để đưa vào gia đình những buổi nói chuyện về đức tin và để giúp con cái trưởng thành trong việc suy nghĩ có phán đoán về nhiều cách thức điều kiện hóa mà con cái phải chịu. Sự chú ý này của cha mẹ cũng có nghĩa là nhạy cảm trong việc nhận ra những thắc mắc về tôn giáo có thể có trong tâm trí con em, đôi khi hiển nhiên, đôi khi tiềm ẩn. Kế đến là niềm vui: việc thông truyền đức tin phải luôn có một âm điệu vui tươi. Đó là niềm vui Phục Sinh, là niềm vui không im lặng cũng không che đậy những thực tại đau đớn, khổ sở, cực nhọc, khó khăn, hiểu lầm, và chính cái chết, nhưng có thể cung cấp các tiêu chuẩn để giải thích tất cả mọi sự theo quan điểm của niềm hy vọng Kitô giáo. Cuộc sống tốt đẹp của Tin Mừng chính là cái nhìn mới này, khả năng này để nhìn thấy mọi hoàn cảnh với đôi mắt của Thiên Chúa. Điều quan trọng là giúp tất cả tất cả các phần tử của gia đình hiểu rằng đức tin không phải là một gánh nặng nhưng là một nguồn vui sâu xa, nó có nghĩa là cảm nhận được hoạt động của Thiên Chúa, nhận ra sự hiện diện của điều tốt lành, mà không làm ồn ào; và nó cung cấp những hướng đi có giá trị để sống cuộc đời của mình một cách tốt đẹp. Cuối cùng, khả năng lắng nghe và đối thoại: gia đình phải là một môi trường trong đó chúng ta học chung sống bên nhau, hòa giải những xung đột trong cuộc đối thoại hỗ tương, là cuộc đối thoại tạo ra bởi việc lắng nghe và bằng lời nói, để hiểu hiểu nhau và yêu thương nhau, để thành dấu chỉ của tình yêu đầy thương xót của Thiên Chúa cho nhau.
Như thế, nói về Thiên Chúa có nghĩa là chứng tỏ qua lời nói và đời sống rằng Thiên Chúa không phải là một Đấng đi đôi với cuộc sống của chúng ta, nhưng trái lại là Đấng đảm bảo thật của nó, Đấng đảm bảo cho sự cao cả của con người. Vậy, chúng ta trở lại lúc đầu: nói về Thiên Chúa có nghĩa là truyền thông bằng sức mạnh và sự đơn giản, bằng lời nói và đời sống của chúng ta, điều thiết yếu là: Thiên Chúa của Đức Chúa Giêsu Kitô, là Thiên Chúa đã chỉ cho chúng ta thấy một tình yêu quá cao cả đến nỗi nhập thể, chết và sống lại cho chúng ta. Thiên Chúa này đòi hỏi chúng ta theo Ngài và để cho mình được tình yêu bao la của Ngài biến đổi, ngõ hầu canh tân cuộc đời chúng ta và những mối quan hệ của chúng ta. Thiên Chúa này đã ban cho chúng ta Hội Thánh, để chúng ta cùng bước với nhau, và qua Lời Chúa cùng các Bí tích, đổi mới toàn thể Thành của loài ngưởi, để nó có thể trở thành Thành của Thiên Chúa.
Phaolô Phạm Xuân Khôi12/3/2012