Lễ Đức Mẹ Mân Côi – 2015
LÒNG TRUNG TÍN CỦA THIÊN CHÚA
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
***
Ngày nay hầu như bất cứ một lãnh vực nào cũng bị đồng tiền chi phối. Người ta nghĩ rằng: “Có tiền mua tiên cũng được”.
Chỉ vì đồng tiền “nay còn mai mất” mà anh chị em đã lừa dối nhau, bạn bè thì phản bội, lật lọng, tráo trở, con cái thì bất hiếu … Người ta đã để cho “Nén bạc đã đâm toạc tờ giấy”. Tất cả những điều đó cho thấy: lòng trung tín ngày càng trở nên một món đồ cổ trong suy nghĩ của con người hôm nay.
Chúng ta không trung tín có thể vì chúng ta chỉ lo nghĩ đến bản thân, đến quyền lợi của chính mình, hoặc cũng có thể vì “lực bất tòng tâm”. Thiếu trung tín, đó cũng là một trong những giới hạn của con người. Tuy nhiên Thiên Chúa thì khác, Ngài luôn trung tín đối với mọi lời Ngài đã nói ra. Thiên Chúa trung tín vì đó là bản chất của Ngài, thánh Phaolô viết: “Nếu ta bất tín, Ngài vẫn trung thành, vì Ngài không thể chối chính mình Ngài” (2 Tm 2, 13). Lòng trung tín đó của Thiên Chúa đã được phụng vụ Lời Chúa hôm nay nêu rõ: “Khi đến lúc thời gian đầy đủ, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ”.
- Thiên Chúa, Đấng trung tín:
Trở lại với bài đọc một, chúng ta thấy: Sau khi nguyên tổ loài người phạm tội, con người đã lãnh lấy hậu quả là án chết muôn đời. Tuy nhiên, ngay giữa bóng tối của sự chết, Thiên Chúa đã đem lại cho con người niềm hy vọng khi Ngài phán với con rắn: “Ta sẽ đặt mối thì nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi”. Lời hứa này sau bao thăng trầm của lịch sử, nhiều lần tưởng chừng như đã bị sự cứng tin, bội phản của con người làm cho tan vỡ. Thế nhưng, mặc cho sự cản trở của các thế lực sự dữ và sự cứng cỏi của con người, Thiên Chúa vẫn thực hiện lời Ngài đã hứa như lời Thánh Phaolô mà chúng ta vừa nghe trong thư gởi giáo đoàn Galata: “Khi đã tới lúc thời gian đầy đủ, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ” (Gl 4, 4). Người Con đó chính là Đức Giêsu Kitô, và người phụ nữ đó chính là Đức Maria. Trong ngày truyền tin, sứ thần đã báo trước cho Đức Maria: “Này bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít, tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp”.
Như thế, với lời thưa “Xin Vâng”, Đức Maria đã góp phần làm cho ý Chúa được thực hiện, hay một cách nào đó, chúng ta cũng có thể nói, nhờ có Đức Maria, lời hứa của Thiên Chúa đã được thực hiện.
- Sự trung tín của Đức Maria:
Sỡ dĩ Đức Maria đã được Thiên Chúa tuyển chọn để góp phần thực hiện chương trình của Thiên Chúa, trước hết là do lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng là do sự cộng tác trọn vẹn của Mẹ đối với ân sủng của Thiên Chúa. Mẹ đã sống trung tín với Chúa ngay trong cuộc sống đời thường, nên khi gặp Mẹ, sứ thần đã chào Mẹ: “Bà đầy ân phước, Thiên Chúa ở cùng bà”. Mẹ được đầy ơn phước và có Chúa ở cùng vì Mẹ hằng trung tín với Thiên Chúa.
Không chỉ trong đời thường, mà sau đó vào lúc nhận được ý định của Thiên Chúa qua lời sứ thần, Mẹ cũng đã nguyện một lòng vâng theo ý Chúa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”.
Lời hứa “xin vâng” cũng không dừng lại trong niềm vui của ngày truyền tin, mà còn kéo dài trong suốt cuộc sống của Mẹ. Mẹ đã trung tín khi sinh con nơi hang đá, hay khi phải bồng con trốn sang Ai Cập giữa đêm khuya. Mẹ cũng đã trung tín với Con Mẹ trên đường thập giá cho đến tận đồi Canvê, khi Con Mẹ trút hơi thở cuối cùng, thánh Gioan ghi lại: “Đứng bên khổ giá Đức Giêsu, có Mẹ Ngài” (Ga 19, 25). Mẹ đã sẵn sàng “Xin vâng” không phải chỉ những lúc vui hay khi thuận lợi, nhưng quan trọng hơn, Mẹ Maria đã sẵn sàng thưa “Xin vâng” trong những lúc tối tăm nhất, những lúc gặp thử thách nhiều nhất. Mẹ đã nói tiếng “Xin vâng” ngay cả lúc tưởng chừng như chẳng còn gì để hy vọng. Và chính tiếng “Xin vâng” đó đã làm cho đức tin và tình yêu của Mẹ có một giá trị cao cả.
Như thế, cả cuộc đời của Mẹ Maria chẳng làm gì khác hơn là giữ trọn vẹn đời sống mình trong ân nghĩa với Thiên Chúa, hay nói cách khác, Mẹ đã hoàn toàn trung tín với Thiên Chúa.
- Chúng ta hôm nay:
Vào ngày lãnh nhận phép Rửa, chúng ta đã từng thề hứa với Chúa là từ bỏ tất cả những quyến rũ và việc làm của ma quỷ, của sự dữ. Đồng thời, chúng ta còn hứa trung tín với Thiên Chúa cho đến cùng. Thế nhưng, chúng ta đã giữ lời thề hứa này như thế nào? Có thể, chúng ta đang phải đối diện với một cuộc sống đầy khó khăn, vất vả, lắm lúc chúng ta cũng có thể thốt lên như Đức Maria trong ngày truyền tin: “Việc đó xảy ra thế nào được”. Nhưng cho dù như thế nào đi chăng nữa, noi gương Mẹ yêu dấu, chúng ta hãy tin tưởng vào lòng từ bi, thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta hãy phó thác cuộc đời của chúng ta cho lòng trung tín của Thiên Chúa. Khi đó, Thiên Chúa sẽ ra tay nâng đỡ chúng ta như xưa Ngài đã nâng đỡ Mẹ Maria, vì: “không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được”.
Có Chúa nâng đỡ, trước hết, chúng ta hãy sống trung tín với Thiên Chúa bằng cách can đảm nói “không” với các cơn cám dỗ. Đồng thời, chu toàn việc bổn phận thờ phượng Thiên Chúa, đặc biệt là dâng Thánh lễ ngày Chúa Nhật một cách chu đáo, sốt sắng.
Kế đến, là những bậc làm cha, làm mẹ trong gia đình, chúng ta hãy chu toàn trách nhiệm, bổn phận của mình. Ở đây, tôi muốn nói đến bổn phận giáo dục con cái. Chúng ta không chỉ lo cho chúng cơm ăn, áo mặc, nhưng điều quan trọng và cần thiết hơn mà chúng ta cần lưu ý, đó chính là đời sống đạo đức của chúng. Đời sống đạo đức, thánh thiện của con cái, phụ thuộc phần lớn vào gia đình, nhất là do ảnh hưởng của cha mẹ. Chúng ta không thể đổ trách nhiệm này cho các cha, các dì hay bất cứ ai. Để chu toàn bổn phận giáo dục con cái này, tôi thiết nghĩ, cách tốt nhất là chúng ta phải làm gương sáng. Con cái khó có lòng đạo đức, nếu cha mẹ bê trễ; chúng cũng khó lòng sống công chính, nếu cuộc sống của cha mẹ không ngay thẳng. Một gia đình luôn bất hoà, cãi vã chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển tâm hồn của một đứa trẻ.
Giờ đây, nhờ lời bầu cử của Mẹ Maria, xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn sống trung tín với Chúa trong các việc bổn phận hàng ngày cho đến hơi thở cuối cùng. Nhờ đó, mỗi người chúng ta sẽ mạnh dạn đến gần Thiên Chúa và kêu lên hai tiếng thân thương: “Abba!”, “Cha ơi!”. Amen.