Lễ Đức Mẹ Mân Côi – 2015
KINH MÂN CÔI
Logos năm B
***
Một trong những bộ phim được nhiều người ưa thích và đã chiếu rộng rãi trên đài truyền hình. Đó là bộ phim Tây Du Ký. Tuy nhiên, có một số điều người ta ít biết đến chung quanh bộ
phim này.
Tây Du Ký là một bộ tiểu thuyết mang tính chất thần thoại của nhà văn Trung Quốc là Ngô Thừa Ân. Tác phẩm này bắt nguồn từ một câu chuyện có thật : vào đời Đường bên Trung Hoa có một nhà sư tên Trần Huyền Trang (602-664) đã dấn bước vào cuộc hành trình gian khổ sang nước Ấn Độ để lấy kinh Phật đem về. Sau 17 năm đầy thử thách, nhà sư Trần Huyền Trang đã thỉnh được kinh Phật đem về.
Tây Du Ký đã được tiểu thuyết hóa và chuyển thể thành phim với những nhân vật nổi tiếng như Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Sa Tăng, Trư Bát Giới… Họ đã cùng nhau lên đường về Tây Trúc, Ấn Độ để thỉnh kinh Phật. Thầy trò Đường Tăng phải trải qua bao thử thách, gian nguy mới lấy được kinh Phật mang về.
Đối với người Phật Giáo Trung Hoa, Kinh Phật đã có một cuộc hành trình đầy gian khổ để đến được đất nước Trung Hoa và làm cho Đạo Phật được phát triển mạnh mẽ ở đất nước này.
Còn đối với chúng ta, những người kitô hữu, Kinh Mân Côi cũng trải qua một cuộc hành trình dài trong lịch sử để hình thành và phát triển trong Giáo Hội. Có thể nói : Kinh Mân Côi chính là một cuộc hành trình Đức tin. Tràng hạt Mân côi là con đường tuy đơn sơ nhưng rất dễ đi để giúp ta tiến về quê Trời.
– Xét về mặt hình thể :
Tràng hạt mân côi hay là chuỗi hạt mân côi là một vòng dây khép kín tượng trưng cho một đường tròn hoàn hảo. Vòng dây đính các hạt tròn được làm bằng nhiều chất liệu : gỗ, đá, kim loại… Mỗi hạt tròn được dùng để “đánh dấu” như các cột mốc trên đường đi của kinh Mân Côi. Cứ 10 hạt lại có một khoảng cách, ghi dấu bằng một hạt riêng biệt. Điều đó cho thấy : chuỗi hạt chính là một cuộc hành trình được đan dệt bằng nhiều chặng đường và cột mốc.
– Xét về mặt ý nghĩa :
Chuỗi hạt mân côi luôn bắt đầu từ cây Thánh Giá, trải qua hành trình của các kinh Kính Mừng, rồi lại trở về với cây Thánh Giá. Như thế, tràng hạt Mân Côi chính là cuộc hành trình của Thập Giá. Tràng hạt phản ánh cuộc hành trình đức tin của Mẹ Maria, cuộc hành trình lặp lại cuộc hành trình Thập Giá của Chúa Giêsu để bước vào vinh quang Phục Sinh cùng với Ngài.
Tràng hạt Mân Côi, cuộc hành trình xuyên qua lịch sử
Vào thế kỷ XII, 150 thánh vịnh của thánh vương Đavit quá dài và không thông dụng với giới bình dân. Vì thế, người ta đã đọc 150 Kinh Lạy Cha thay thế 150 Thánh Vịnh. Sau đó, người ta đổi 150 Kinh Lạy Cha bằng 150 Kinh Kính Mừng. Do đó, thánh Đaminh đã gọi kinh mân côi là “Thánh Vịnh Đức Mẹ”. Khởi đầu, người ta đếm kinh bằng hạt sỏi, sau đó thay thế bằng những loại hạt khác. Cuối cùng, đã hình thành tràng hạt mân côi như ngày nay.
Thời đó, người ta đọc 150 Kinh Kính Mừng cùng với 150 Kinh Lạy Cha. Nghĩa là mỗi Kinh Kính Mừng một Kinh Lạy Cha. Đến thế kỷ XV, 150 Kinh Kính Mừng được chia thành 3 chuỗi 50, tức năm “chục” kinh Kính Mừng. Mỗi “chục” kinh Kính Mừng đọc một kinh Lạy Cha.
Ngày nay, 150 Kinh Kính Mừng được gồm tóm trong 15 mầu nhiệm được rút ra từ Phúc Âm và được chia thành 3 phần : mùa Vui, mùa Thương và mùa Mừng. Do đó, có thể nói : tràng hạt mân côi chính là cuốn Phúc Âm “bỏ túi”, được rút gọn cho mọi người.
Ngoài ra, lịch sử Giáo Hội còn ghi lại những biến cố phi thường của Kinh Mân Côi :
– Đầu thế kỷ XII, Đức Mẹ đã soi sáng cho thánh Đaminh truyền bá Kinh Mân Côi như một vũ khí để đánh tan bè rối Albigeois nổi lên chống phá Giáo Hội.
– Thế kỷ XVI, nhờ Kinh Mân Côi, Giáo Hội đã chiến thắng quân Hồi Giáo ở vịnh Lépante vào ngày 07/10/1571.
– Tại Lộ Đức, nước Pháp, Đức Mẹ hiện ra với cô Bernadette, đeo tràng hạt vàng ở cánh tay phải và đọc Kinh Mân Côi với cô.
– Năm 1917, tại Fatima, Đức Mẹ hiện ra với 3 trẻ em : Lucia, Phanxicô và Giaxinta và thúc giục : “Các con hãy tiếp tục lần hạt mân côi hằng ngày”. Đức Mẹ còn tuyên bố : “Ta là Đức Mẹ
Mân Côi”.
Tràng hạt mân côi, chuỗi ngọc thiêng liêng ngời sáng, đã giúp Giáo Hội vượt qua bao biến cố đau thương trong lịch sử.
Tràng hạt Mân Côi, cuộc hành trình đức tin
Khi chúng ta lần hạt Mân Côi là chúng ta đang dõi theo bước chân của Mẹ Maria trên cuộc hành trình đức tin. Đó là cuộc hành trình khởi đầu từ Đức Kitô và qui huớng về Đức Kitô. Chúng ta thấy được điều đó khi xét đến các kinh đọc trong khi lần chuỗi Mân Côi :
Kinh Lạy Cha : là kinh cầu nguyện do chính Chúa Giêsu dạy.
Kinh Kính Mừng : là lời chào của sứ thần Gabriel : “Kính mừng Maria đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng Bà” (Lc 1, 28). Đó cũng là lời chào của bà Êlisabeth : “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ. Và con lòng Bà gồm phúc lạ” (Lc 1, 42).
Kinh Sáng Danh : quy chiếu mọi loài trong mọi thời về Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng luôn ấp ủ mọi người trong tình yêu.
Hơn nữa, khi đọc Kinh Mân Côi là chúng ta đi theo bước chân của Mẹ Maria trên con đường khổ giá. Mỗi chặng đường là một cột mốc đánh dấu sự hy sinh từ bỏ. Con đường Mân Côi, như chúng ta đã thấy, là con đường bắt đầu từ thập giá và kết thúc dưới thập giá. Qua 3 mùa Vui, Thương, Mừng, Đức Mẹ dẫn ta qua những biến cố của cuộc đời Chúa Giêsu và cuộc đời Mẹ. Vì thế, khi đọc Kinh Mân Côi, chính là lúc chúng ta được Mẹ Maria dẫn dắt đến cùng Chúa Giêsu con yêu dấu của Mẹ.
Trên cuộc hành trình đức tin của mỗi người kitô hữu, những hạt Kinh Mân Côi chen lẫn những giọt mồ hôi và nước mắt cũng đang nảy mần vươn lên thành cây rồi thành bông, những bông hồng tươi thắm dâng lên Thiên Chúa.
Trên cuộc hành trình đức tin của người kitô hữu, mỗi hạt Kinh Mân Côi còn là một “điểm nhấn” của niềm tin giúp chúng ta đi đúng đường về quê trời. Khi lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng hằng ngày, là ta lặp đi lặp lại lời nguyện cầu tha thiết với Mẹ Maria. Đó chính là “điệp khúc tình yêu” không thể thiếu trong cuộc đời chúng ta.
Chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện cổ tích “Cậu bé tí hon”. Ngày xưa, cậu bé tí hon cùng với người chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình có cha có mẹ rất hạnh phúc. Nhưng từ ngày mẹ chết đi, cha lấy người mẹ kế, cậu bé tí hon và người chị bắt đầu sống trong cảnh bất hạnh : bị dì ghẻ hành hạ và hất hủi.
Một ngày nọ, bà dì ghẻ dẫn cậu bé tí hon và chị cậu vào rừng sâu, rồi bỏ đó cho thú dữ ăn thịt. Vì là đứa bé thông minh nên cậu bé tí hon mang theo một túi đầy những viên sỏi. Cậu bỏ những viên sỏi dọc đường đi để đánh dấu. Sau khi bị bỏ rơi trong rừng, cậu bé đã dẫn chị mình đi theo dấu những viên sỏi để về nhà bình yên vô sự.
Những hạt Kinh Mân Côi trên đường dương thế, cũng chính là những “viên sỏi” đánh dấu đường đi, hướng dẫn ta đi đúng đường về quê hương đích thật ở trên trời. Chúng ta hãy nghe lời Mẹ Maria dạy để siêng năng lần hạt mân côi hằng ngày.