Tràng hạt Mân Côi
Lm. Inhaxiô Hồ Thông
+++
Có rất nhiều hình thức để biểu lộ tấm lòng yêu mến Đức Mẹ, nhưng tràng hạt Mân Côi vẫn được Đức Mẹ ưa thích hơn cả.
Tâm tình yêu mến Mẹ Ma-ri-a của người tín hữu Việt Nam không bao giờ thiếu, trái lại có thể nói là dư tràn nữa. Hầu như không một gia đình công giáo nào không có tượng ảnh của Mẹ, không một nhà thờ công giáo nào mà thiếu bàn thờ tôn kính Mẹ, và không thiếu nhà thờ có tượng đài của Mẹ ở bên cạnh để đáp ứng tấm lòng con cái của Mẹ đến cầu nguyện với Mẹ bất cứ lúc nào trong ngày.
Gần như thành một tình cảm tự nhiên, sau thánh lễ, sau khi đón nhận Đức Giê-su, Con Mẹ, nơi bàn tiệc Lời Chúa và Mình Máu thánh của Ngài, con cái mẹ thường hướng về bàn thờ Mẹ để nói lên tâm tình của mình đối với Mẹ qua lời ca tiếng hát. Vào những buổi chiều nắng ráo, sau khi phụng tự ở nhà thờ xong, con cái Mẹ biểu lộ tấm lòng quyến luyến Mẹ qua việc nán lại một ít phút trước tượng đài Mẹ bên ngoài nhà thờ để dâng lên Mẹ vài tâm tình tri ân hay vài lời kinh khẩn nguyện.
Không ít người vẫn giữ mãi trong lòng mình những kỷ niệm đẹp của thời thơ ấu, những lần được mẹ hay cha dẫn đến bên bàn thờ Đức Mẹ tập cầu nguyện với Đức Mẹ. Dường như hể khi nào gặp những khó khăn, những buồn phiền trong cuộc sống không biết ngỏ cùng ai, không biết cậy nhờ ai, chúng ta có thói quen chạy đến thầm thì tâm sự với Mẹ, và cảm thấy lòng mình được thanh thản hơn, gánh nặng vơi đi nhiều như được Đức Mẹ cảm thông chia sẻ cùng.
Tâm tình mến Mẹ không là một thứ tình cảm xuông nhưng do từ kinh nghiệm, kinh nghiệm ấy được đúc kết thành lời kinh: “Xưa nay chưa từng nghe nói có người nào chạy đến cùng Mẹ mà Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời…” Quả thật trong cuộc sống đạo, chúng ta thường chạy đến Chúa Giê-su qua Mẹ Ma-ri-a. Dường như tình mẫu tử của Đức Mẹ khiến chùng ta gần Đức Mẹ hơn và qua Đức Mẹ dể đến với Chúa hơn.
Có rất nhiều hình thức để biểu lộ tấm lòng yêu mến Đức Mẹ, nhưng tràng hạt Mân Côi vẫn được Đức Mẹ ưa thích hơn cả. Những lần Đức Mẹ hiện ra và lời căn dặn của Đức Mẹ chứng tỏ điều đó. Tràng hạt Mân Côi là một hình thức phổ biến nhất, vừa rất giản dị nhưng rất phong phú. Ngay một em bé cũng có thể thực hiện được. Có thể đọc một mình hay đọc chung với nhau, đọc bất kỳ ở đâu, lúc đang đi trên đường hay lúc ngồi ở nhà, bởi thế tràng hạt như cùng đi suốt cuộc đời người công giáo. Vào lúc tuổi già, chân đã yếu mắt đã mờ, tràng hạt trở nên là người bạn cố tri luôn ở bên mình như nguồn an ủi duy nhất cho cuộc đời còn lại của mình. Ngay khi nhắm mắt từ giả cõi đời cũng được người thân choàng tràng hạt vào đôi tay như di vật quý giá cùng theo với mình vào cõi trời. Bởi thế thật là mất mát lớn cho những ai không tìm thấy lòng sốt sáng, tâm tình đạo đức của mình nơi tràng hạt Mân Côi.
Tràng hạt Mân Côi rất giản dị nhưng lại rất phong phú như cuộc đời của Đức Mẹ, cuộc đời của một cô thôn nữ hiền lành, chất phát, nhưng cuộc đời ấy là một lời xin vâng tròn đầy đối với Chúa. Lần hạt Mân Côi là sống lại tiếng xin vâng của Đức Mẹ theo những tâm tình vui, buồn, hoan hỉ gắn bó với một cuộc đời xin vâng của Con Mẹ, nguồn ơn cứu độ duy nhất của chúng ta. Lần tràng hạt Mân Côi theo “NĂM SỰ VUI” chính là cùng vui với Mẹ khi được cưu mang Con Thiên Chúa trong lòng, được ẩm bồng Ngài trên đôi tay mình, được Ngài quấn quít bên chân Mẹ trọn tuổi thơ ấu của mình. Lần tràng hạt Mân Côi theo “NĂM SỰ THƯƠNG” chính là cùng buồn với Mẹ khi theo bước chân Con Mẹ trên con đường khổ giá, và đứng lặng bên thập giá chứng kiến cơn hấp hối và cái chết tủi nhục của Con Mẹ, cùng chia sẻ nỗi đau với Mẹ khi đón nhận thân xác dập nát không còn sự sống của Con. Lần tràng hạt Mân Côi theo “NĂM SỰ MẦNG” chính là cùng hoan hĩ với Mẹ khi gặp lại Con trong vinh quang phục sinh, nhìn thấy ơn Chúa Thánh Thần tuôn tràn trên Giáo Hội và những ân ban vô giá mà Thiên Chúa ban tặng cho Mẹ.
Chúa Giê-su để lại cho chúng ta Kinh Lạy Cha, còn Đức Ma-ri-a đã để lại cho chúng ta Kinh Kính Mừng. Với Kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su bày tỏ ước nguyện xin vâng của mình vào ý muốn của Cha. Với Kinh Kính Mừng, Đức Mẹ đã thể hiện niềm tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa. Mỗi Kinh Kính Mừng là mỗi tiếng xin vâng của Mẹ, được liên kết với nhau thành mười kinh, tạo thành một chặng đường xin vâng của Mẹ đối với Thiên Chúa qua việc gắn bó với Con Mẹ. Mười Kinh Kính Mầng nối tiếp nhau như những đợt sóng xin vâng của Mẹ liên tiếp vỗ vào bờ Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi tạo thành một âm vang vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi trong kinh Vinh Danh.
Đọc mỗi kinh Kính Mừng là cùng gắn bó với Mẹ trong từng lời xin vâng trước ý muốn của Thiên Chúa, hòa nhịp nhàng với lời xin vâng của Con Mẹ trong công trình cưú độ. Tháng mười nầy, tháng dành riêng để tỏ lòng yêu mến Mẹ bằng tràng hạt Mân Côi. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết kết hợp tâm tình của chúng ta với tâm tình của Mẹ dâng lên Chúa bằng những lời kinh của Mẹ, lời kinh của một người mẹ trọn một đòi gắn bó với con Mẹ trong tiếng xin vâng tròn đày đối với Thiên Chúa. Đó là những lời kinh đẹp lòng Chúa và đẹp lòng Mẹ.