SUY NIỆM LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
KINH MÂN CÔI
GÓP PHẦN XÂY DỰNG NHÂN LOẠI MỚI
Lm. FX. Đào Trung Hiệu
+++
Nói đến kinh Mân Côi, tôi nhớ đến mẹ tôi. Bà là hình ảnh của người tín hữu bình dân Việt Nam: Bà quen dùng Kinh Mân Côi làm đơn vị đo chiều dài. Khi có người hỏi nhà thờ cách bao xa, bà trả lời: “Đi được ba chuỗi năm chục”. Nghĩa là phải đi bộ độ 45 phút, tính nhẩm ra khoảng ba cây số.
Nếu nguồn gốc của lễ Mân Côi ngày 7 tháng 10, bắt nguồn từ việc các tín hữu Âu Châu thành công trong việc phòng thủ, trước sức tiến công như vũ bão của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ năm 1571, tại vịnh Lepante thời thánh giáo hoàng Pio V. Thì cũng từ đó, Giáo hội cổ võ tín hữu dành trọn tháng mười để đặc biệt cầu nguyện bằng chuỗi hạt quý giá này, và hơn thế nữa, cổ võ chúng ta cầu nguyện bằng kinh Mân Côi trong suốt cuộc sống.
Kinh Mân côi là một hình thức cầu nguyện đơn giản nhưng phong phú đã được Giáo hội phổ biến qua nhiều thế kỷ. Đơn giản, vì bất cứ ai cũng dễ dàng thực hiện, dễ dàng đọc một mình trong mọi tình huống, ở mọi nơi, mọi lúc, và dễ dàng khi cầu nguyện chung mà ai ai cũng có thể tích cực tham gia. Nhưng Kinh Mân Côi lại rất phong phú, vì có bao nhiêu sách viết về kinh Mân Côi đã tìm ra trong các mầu nhiệm nguồn suy niệm dồi dào, dường như không bao giờ cạn.
Kinh Mân Côi chính là nguồn gia tăng sinh lực cho con người và là lời ngợi ca cuộc sống.
Gương một nhà trí thức…
Mỗi người có thể rút ra một bài học qua mẩu chuyện sau: Trên chuyến xe lửa đi Paris, có một chàng thanh niên mặt mũi sáng sủa, trên tay ôm một chồng sách dày. Ngồi đối diện với anh là một cụ già, đang cầm chuỗi Mân côi lâm râm đọc kinh.
Chàng trai thấy chướng mắt lên tiếng nói: “Bác ơi ! thời buổi này mà bác còn đọc thứ kinh của đàn bà trẻ con ấy nữa à!”.
Cụ già ngước mắt nhìn anh và trả lời: “Cám ơn cậu, cậu có vẻ thông thái lắm, cậu giải thích cho tôi nghe đi”.
Thế là chàng trai có dịp khoe về mình: anh đang học năm cuối đại học Bách khoa; anh khuyên cụ già bỏ mấy thứ dị đoan lẩm cẩm đi, vì rồi đây khoa học sẽ xây dựng một thế giới mới chứ không phải những tôn giáo ảo tưởng của người xưa. Và chàng trai hăng say thuyết cho cụ suốt nửa tiếng.
Cụ già chăm chú nghe anh nói, đến khi sắp xuống xe, còn mời anh khi nào rảnh đến nhà hướng dẫn thêm cho cụ và trao cho cậu một tờ danh thiếp.
Chàng trai bỗng thấy mình như từ trên trời rơi xuống, vì trên danh thiếp ghi tên nhà khoa học mà anh suốt đời thán phục: “Louis Pasteur,Viện Hàn Lâm Pháp”
Êm đềm mà thấm lâu…
Trong xã hội thực dụng hôm nay, nhiều người đạo đức coi thường Kinh Mân Côi. Họ nói: điều quan trọng của kitô hữu là hiểu và sống Lời Chúa, là thực thi công bằng bác ái Phúc Âm. Không sai, nhưng chưa chính xác. Thế nhưng, họ chưa hiểu ra sức mạnh êm đềm mà thấm lâu của những lời kinh đơn giản này.
Ta biết các vận động viên và các cầu thủ, dù thuộc bộ môn nào như bơi lội, đá banh, chạy đua… đều không thể bỏ những bài tập thể dục căn bản là tập thở. Đọc kinh Mân Côi chính là thực hiện một việc rất đơn giản như việc hít thở.
Các tôn giáo lớn như Hồi giáo và Phật giáo đều có xâu chuỗi. Với những lời kinh ngắn gọn, người tín đồ có một khoảng thời gian và không gian cần thiết để tiếp cận với Đấng tuyệt đối. Dù thiếu tập trung, Đấng tuyệt đối vẫn làm công việc của Ngài. Chính việc hội ngộ với Chúa cách thường xuyên này sẽ nuôi dưỡng đời sống nội tâm của họ, và đem lại cho mọi hoạt động của họ một giá trị mới.
Qua 20 mầu nhiệm Mân côi, kitô hữu ngày càng được gắn bó sâu sắc hơn vào những biến cố chính trong công cuộc cứu độ. Ngày này qua ngày khác, họ chiêm ngưỡng và học theo gương Đức Kitô nhập thể trong ngày lễ Truyền Tin, theo gương Đấng Giáng Sinh tại Belem, Đấng bôn ba ra giảng về Nước Trời, Đấng Hiến tế chính đời mình trên Thập Giá và sống lại vinh quang. Họ chiêm ngưỡng đức Maria trên thiên quốc như một hứa hẹn cho tương lai của giáo hội và nhân loại.
Hơn thế nữa, phụng vụ lễ Mân Côi qua đoạn sách Công vụ Tông đồ (bài đọc II), nhắc cho chúng ta một truyền thống trong lịch sử giáo hội ngay từ thuở sơ khai. Như các tông đồ xưa trong ngày lễ ngũ tuần, đã cùng cầu nguyện với đức Maria tại nhà tiệc ly, để đón nhận Thánh Thần mà ra đi loan báo Tin Mừng phục sinh. Thì nay kitô hữu sẽ cùng với Mẹ Maria để cầu nguyện và tìm được nguồn nghị lực trên bước đường sứ vụ.
Hướng đến một nhân loại mới
Lời kinh “Kính Mừng” quen thuộc, chính là lời chào mừng “Ave: Mừng vui lên” của thiên sứ Gabriel thưa với Đức Maria, mà chúng ta đọc lại trong Tin Mừng Luca hôm nay (1, 28).
Lời chào “Ave” ấy không chỉ gửi đến cho mình Mẹ Maria. Vì theo truyền thống Giáo hội, lời chào “Đấng đầy ơn sủng”, chính là một chứng nghiệm cho Lời Giavê đã hứa trong vườn địa đàng xưa, sau khi tổ tông nhân loại sa ngã: về người nữ sẽ đạp dập đầu con rắn trong vườn địa đàng (bài đọc I). Người nữ ấy tuy xuất thân từ Adam và Evà, nhưng thoát khỏi vòng kiềm tỏa của tội nguyên tổ. Người nữ ấy được tràn đầy ân sủng, được hồng ân Vô nhiễm; Người nữ ấy được so sánh như Evà mới của một nhân loại mới. Người nữ ấy, tên là Maria, là dấu hiệu của ân sủng Thiên Chúa hiện diện giữa con người. Như lời Thánh Thi trong kinh thần vụ kính Đức Mẹ:
“Chữ E-va Mẹ đảo vần, Thành A-ve gửi bình an cho đời”.
Lịch sử cứu độ đã khởi sự từ lời hứa tại vườn địa đàng. Thiên Chúa hứa cứu độ nhân loại. Ngài hứa ở cùng nhân loại. Ngài hứa sẽ gửi đến Đấng Emmanuel “Thiên Chúa ở cùng”. Lời hứa ấy nay được cụ thể hóa khi Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu”. Giêsu có nghĩa là Chúa Cứu, sẽ được muôn đời nhắc đến trong lời kinh: “Và Giêsu Con lòng Bà đầy phúc lạ”.
Đọc kinh “Kính Mừng”, ta có thể cảm thấy tâm trạng tương tự như các khán giả đang theo dõi các vận động viên Olympic hoặc Saegames. Họ chờ đón những kỷ lục mới “cao hơn, nhanh hơn, xa hơn”. Khi chúc mừng một vận động viên lãnh huy chương vàng, họ cũng chúc mừng khả năng của một dân tộc và của cả nhân loại…
Cũng vậy, qua những lời “Kính mừng Maria đầy ơn phúc”, chúng ta chiêm ngưỡng một “kỷ lục tuyệt hảo” của nhân loại. Chiêm ngưỡng Đức Maria, một tạo vật hoàn hảo của nhân loại mới.
Hơn thế nữa, trong nhân loại mới đó, chúng ta không chỉ là khán giả, mà còn là thành viên. Nên lời kinh “Kính Mừng” không chỉ được gửi đến cho đức Maria, mà còn là lời chúc mừng một nhân loại mới đang được hình thành.
Và như thế, qua kinh Mân Côi, chúng ta sẽ chìm sâu vào tình yêu và ân sủng cứu độ của Thiên Chúa, sẽ nhận ra lời Ngài kêu mời chúng ta giữ một vị trí riêng biệt trong lịch sử cứu độ và tìm được sức mạnh mới để hoàn tất vị trí ấy của mình trong lịch sử. Nếu được như vậy, chúng ta có thể đi đến kết luận: Kinh Mân Côi góp phần biến đổi trần gian.