SUY NIỆM LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
ĐỌC KINH MÂN CÔI VÀ GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO
(Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38)
Lm. Vinhsơn Trần Minh Hòa
+++
Cầu nguyện bằng kinh Mân Côi là việc đạo đức bình dân, không thể thay thế các việc phụng vụ như: thánh lễ, các bí tích và giờ kinh phụng vụ. Tuy nhiên, kinh Mân Côi được Hội thánh chú trọng bởi lời kinh dẫu đơn sơ, dễ thực hành nhưng mang lại hiệu quả nhiệm mầu. Vì thế, trong những hoàn cảnh nghiêm trọng của tình hình xã hội cũng như trong hoàn cảnh khó khăn của đời sống gia đình, Hội thánh thường mời gọi các tín hữu cầu nguyện liên lỉ, cách riêng cầu nguyện bằng kinh Mân Côi. Trong tông huấn Rosarium Virginis Mariae, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết: “Các vị tiền nhiệm và Tôi thường khuyến khích lần chuỗi Mân Côi để cầu xin hòa bình” (RVM 6). Cách riêng, trong đời sống gia đình, ngài nhấn mạnh: “Cầu nguyện cho một hoàn cảnh khủng hoảng khác trong thời đại của chúng ta, đó là hoàn cảnh gia đình, tế bào của xã hội, hiện tại đang bị các thế lực hủy hoại tấn công trên bình diện ý thức hệ cũng như thực hành… Việc làm sống lại chuỗi Mân Côi trong gia đình các Kitô Hữu sẽ trở thành một trợ lực hữu hiệu chống lại các hậu quả tác hại của cuộc khủng hoảng hiện thời” (RVM 6).
Thật vậy, đọc kinh Mân Côi là chiêm ngắm Đức Maria, Đấng đầy ơn phúc (x. Lc 1, 28), Đấng đã sống hiệp thông với Thiên Chúa và có thế giá bầu cử cho những ai cậy trông vào ngài được nên hiệp nhất và được hạnh phúc đích thực. Tin mừng theo thánh Luca đã trình thuật biến cố truyền tin. Sau lời thưa xin vâng, Đức Trinh Nữ Maria đã mở lòng cách trọn vẹn để Ngôi Hai Thiên Chúa ngự vào. Như thế, Đức Maria đã hiệp nhất nên một với Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người. Đức Maria đã hiệp nhất nên một với Chúa Giêsu không chỉ trong những tháng cưu mang, nhưng trọn cuộc đời và con người của Mẹ. Từ biến cố sinh Chúa Giêsu, biến cố đưa Chúa Giêsu lên đền thánh chịu cắt bì, biến cố tiến dâng Chúa Giêsu cho Thiên Chúa (x. Lc 2, 23), biến cố Chúa Giêsu sống ẩn dật tại quê nhà, biến cố Chúa chịu nạn trên đồi Sọ (x. Ga 19, 25-27), và khi Mẹ được vinh quang Thiên Quốc, Đức Maria đã đồng hành với Chúa Giêsu và nên một với Người. Nhờ nên một với Chúa Giêsu Kitô, Đức Maria đã nên một với Ba Ngôi Thiên Chúa. Bởi lẽ, Chúa Giêsu ở trong Chúa Cha (x. Ga 14,20) và Ba Ngôi nên một với nhau (x. Ga 17,22).
Nhờ hiệp thông với ba Ngôi Thiên Chúa, Đức Maria có sức mạnh hiệp nhất với mọi thành trong Hội thánh. Đức Maria đã biểu lộ sự hiệp nhất ấy qua hành vi đồng tâm nhất trí cộng đoàn và hiệp nhất qua lời cầu nguyện chung với nhau. Lời Chúa trong sách Công vụ đã ghi lại nét son trong những buổi đầu của Hội thánh sơ khai: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su” (Cv 1,14). Tên Đức Maria được nhắc đến trong buổi cầu nguyện chung đã cho thấy phần nào vai trò nhất định của Đức Maria trong quá trình liên kết và hiệp nhất các tín hữu trong Hội thánh sơ khai.
Đức Maria không chỉ là mối dây mang đến sự hiệp nhất trong Hội thánh, Ngài còn có thế giá bầu cử cho những ai cậy trông vào Ngài. Lời Chúa trong thư Galát đã cho thấy sức mạnh bầu cử này: “Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,5). Nhờ tiếng xin vâng, Mẹ Maria có thế giá bầu cử cho các tín hữu và Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng các tín hữu khiến họ có quyền gọi Thiên Chúa là Ápba, nghĩa là Cha ơi (x. Gl 4,6). Nhờ Đức Maria cộng tác đắc lực với chương trình cứu độ của Thiên Chúa, phận thụ tạo, phận vốn dĩ là nô lệ của các tín hữu được đổi thành phận làm con của Chúa và có quyền thừa kế (x, Gl 4, 7) là có cơ hội lãnh nhận hạnh phúc Nước trời.
Như thế, khi đọc chung kinh Mân Côi với nhau, mọi thành viên trong gia đình chiêm ngắm Đức Maria, mẫu gương sống hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp nhất với nhau. Đồng thời, Đấng ấy đang bầu cử cho mọi thành viên trong các gia đình trở nên hiệp nhất và dĩ nhiên, một khi đã sống hiệp nhất với nhau, niềm vui, niềm hạnh phúc và sự êm ấm trong gia đình sẽ đến với mọi thành viên là hệ quả tất yếu. Trong Tông huấn Rosarium Virginis Marie, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh: “Chuỗi Mân Côi là lời kinh cầu nguyện cho hòa bình và luôn là kinh nguyện của gia đình và cho gia đình. Ngày xưa, kinh nguyện này rất thân thiết trong gia đình và tạo điều kiện để gia đình hợp nhất với nhau” (RVM 41).
Đọc kinh Mân Côi, từng thành viên trong gia đình không chỉ chiêm ngưỡng Đức Trinh Nữ Maria nhưng một lúc chiêm ngưỡng Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, và cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Cấu trúc lời Kinh Mân Côi đã cho thấy điều ấy. Ngay lời kinh Kính mừng, chúng ta chúc khen Đức Maria diễm phúc nhưng ơn phúc đó bắt nguồn từ Chúa bởi vì Mẹ đã được Thiên Chúa ở cùng và có Chúa Giêsu con lòng Mẹ gồm phúc lạ. Lời kinh Lạy Cha giúp cho chúng ta ý thức mỗi người nhờ Chúa Giêsu được ơn làm nghĩa tử của Chúa Cha trên trời và mọi người là anh em với nhau. Kinh Sáng danh là lời vinh tụng ca dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa thánh Thần. Đặc biệt, các ngắm năm sự vui, sáng, thương và mừng giúp các tín hữu chiêm ngắm Chúa Giêsu qua các biến cố của Ngài từ khi truyền tin, hạ sinh, chịu phép rửa, rao giảng, biến hình, chịu đau khổ, chịu chết và phục sinh vinh quang. Quả thật, lời kinh Mân Côi là bản kinh tóm lược Phúc Âm (x. Tông Huấn Marialis Cultus 42). Nhờ thế, qua kinh Mân Côi, mọi thành viên trong gia đình có nhiều cơ hội tiếp cận với Phúc Âm và qua đó biết về Chúa Kitô vì theo lời thánh Giêrônimô không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã nhấn mạnh điều này: “Cùng bước đi với Đức Maria qua các mầu nhiệm của chuỗi Mân Côi, có nghĩa là bước vào trường học của Đức Maria chiêm ngắm Đức Kitô, tiến sâu vào các mầu nhiệm và cuối cùng thấu hiểu được tin Mừng của Người” (RVM 14). Với những giá trị đặc biệt như thế, chúng ta hy vọng rằng, những ai yêu mến Đức Mẹ ngang qua lần chuỗi Mân Côi, sẽ có nhiều khả năng tham dự phụng vụ cách hiệu quả hơn bởi Đức Maria không làm cho các tín hữu xa cách Chúa. Trái lại, Mẹ là trung gian tuyệt vời để người tín hữu hiệp thông và yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn.
Với những giá trị đặc biệt của kinh Mân Côi, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã mời gọi mọi thành phần dân Chúa: “Tôi muốn hướng đến tất cả anh em thuộc mọi đấng bậc, đến các gia đình Kitô hữu, đến bệnh nhân và những người già lão, đến các người trẻ: Hãy đón nhận lại xâu chuỗi trong tay anh chị em một cách tin tưởng. Hãy khám phá chuỗi Mân Côi trong ánh sáng của Sách Thánh, hòa điệu với cử hành phụng vụ và trong bối cảnh của đời sống hằng ngày” (RVM 43). Cách riêng đối với các bậc làm cha mẹ, thánh Giáo hoàng Gioan II nhắc nhở: “Chuỗi Mân Côi là lời kinh cầu nguyện cho hòa bình và luôn là kinh nguyện của gia đình và cho gia đình… Đừng để cho kho tàng quý giá này mất đi! Cần phải cầu nguyện lại trong gia đình và cầu cho gia đình bằng cách sử dụng hình thức cầu nguyện này”(RVM 41). Đọc kinh Mân Côi trong gia đình là cơ hội thuận tiện để mọi thành viên sum họp bên nhau trong bầu khí đạo đức. Gia đình nào cùng lần chuỗi Mân Côi sẽ đem lại cho mình bầu khí của gia đình Nazareth: gia đình đó đặt Đức Giêsu làm trung tâm, chia sẻ với người niềm vui cũng như đau khổ, sẽ đặt nhu cầu và hoạch định của mình vào tay Người, rút được hy vọng và sức mạnh cho cuộc sống mình (x. RVM 41).
Ngoài ra, một trong vấn đề nhức nhối hiện nay trong các gia đình là giáo dục con cái. Cha mẹ thật sự lo âu trước những cạm bẫy mà con cái mình có nguy lao vào: khoái lạc vô độ, ma túy, sử dụng bạo lực, cờ bạc…, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II mời gọi các cha mẹ cầu nguyện với kinh Mân Côi: “Lần chuỗi Mân Côi để cầu nguyện cho con cái và quan trọng hơn cầu nguyện với con cái. Trong lúc đọc kinh như thế các em được những người lớn thân yêu giáo dục để đưa những giây phúc cầu nguyện vào trong gia đình” (RVM 42).
Cuối cùng, bằng trải nghiệm của mình, thánh Giáo hoàng Gioan II đã chia sẻ đời sống cầu nguyện của mình bằng kinh Mân Côi: “Chuỗi Mân Côi luôn đồng hành với Tôi trong những thời gian vui sướng cũng như thời gian thử thách. Tôi đã đem biết bao âu lo vào lời kinh này, nhờ đó Tôi luôn tìm được sự nâng đỡ và an ủi” (RVM 2).
Ước mong, mừng lễ Đức Mẹ, mỗi gia đình có dịp thuận lợi để chiêm ngưỡng Đức Maria, Đấng đầy ân sủng, đồng thời tái khám phá lại giá trị lạ lùng của kinh Mân Côi và nhất là dành giờ thuận tiện trong gia đình để cầu nguyện chung với nhau bằng kinh Mân Côi. Nhờ thế, mọi thành viên trong các gia đình tìm được sự ủi an và nâng đỡ hiệu quả mà vượt qua những khó khăn, thử thách và sống hạnh phúc trong cuộc đời lữ hành này và hy vọng đạt hạnh phúc muôn đời bên Chúa với sự bầu cử tuyệt vời của Đức Trinh Nữ Maria.