ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN
***
Hiểu một cách bình dân, “đối thoại liên tôn” là gặp gỡ, trao đổi giữa những người không cùng tôn giáo, để tuy không cùng niềm tin, nhưng thêm hiểu biết, tin tưởng, cảm thông… Nhờ đó, tránh được những xung khắc, thậm chí tránh nguy cơ mà nhiều người thường nói đến, đó là: chiến tranh tôn giáo.
Khi nói “đối thoại liên tôn”, người ta dễ liên tưởng đến các cuộc gặp gỡ giữa những vị lãnh đạo cao cấp của các tôn giáo. Điều đó tuy đúng, nhưng còn thiếu một khoảng trống rất lớn.
Thật vậy, các vị lãnh đạo cấp cao của các tôn giáo, ít có điều kiện gặp gỡ để trao đổi với nhau, nhưng tín đồ của các tôn giáo lại thường xuyên gặp nhau. Họ học chung trường, làm chung một xí nghiệp, một văn phòng. Họ gặp nhau tại phố chợ, trên cùng chuyến xe… Họ có hằng vạn câu chuyện để trao đổi với nhau, trong đó có cả vấn đề tôn giáo.
Một ngôi thánh đường vừa được cung hiến. Quá trưa, khi khách dự lễ đã về hết, Cha xứ ra nhà thờ để cầu nguyện, và cũng để khép các cửa nhà thờ. Ngài thấy một em thiếu nhi trong giáo xứ ngồi cạnh một người bạn, em vừa nói, vừa chỉ các ảnh tượng và các biểu tượng trong thánh đường.
Hơi khó chịu, vị linh mục nhắc: “Sao chúng con lại vào nhà thờ nói chuyện?” Có chút sợ, nhưng em thiếu nhi Công Giáo bình tĩnh trả lời: “Thưa Cha, bạn này bên lương, bạn hay thắc mắc về đạo. Hôm nay, đi học sớm, con dẫn bạn này vào đây để cắt nghĩa cho bạn hiểu ạ.”
Ô, hay thiệt! Hai em thiếu nhi đang “đối thoại liên tôn” đấy!
Chúng ta không còn sống kiểu “lũy tre làng” như xưa nữa. Cuộc sống hiện nay giúp chúng ta mở rộng các mối tương quan. Sự hiểu biết lẫn nhau trong mọi lĩnh vực, cả lĩnh vực tôn giáo, sẽ giúp chúng ta hiểu, cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ và quý mến nhau nhiều hơn.
Nhưng sự đối thoại, nhất là về lãnh vực tôn giáo thật không dễ, cần đôi bên có tấm lòng chân thành, một con tim biết lắng nghe và cùng chung nhịp yêu thương.
Cẩm nang cho thượng Hội đồng về tính hiệp hành, khi nói về “đối thoại trong Giáo Hội và xã hội” đã viết: “Đối thoại đòi hỏi kiên trì và nhẫn nại, nhưng cũng giúp hiểu biết lẫn nhau.”
Cẩm nang còn đặt những câu hỏi gợi ý: “Chúng ta có những kinh nghiệm nào trong việc đối thoại và hợp tác với tín đồ của các tôn giáo khác và với những người không gia nhập tôn giáo nào?” Câu hỏi này gợi cho chúng ta những câu hỏi khác: Đã có lần nào tôi chân thành trao đổi về niềm tin của mình với người không cùng tôn giáo? Và có khi nào tôi thấy việc trao đổi về niềm tin của mình với những anh chị em không cùng tôn giáo là việc cần thiết?
Nếu cuộc đối thoại và hợp tác của chúng ta với anh chị em không cùng tôn giáo diễn ra thường xuyên và tốt đẹp, chắc chắn tình xóm làng, nghĩa bạn bè, đồng nghiệp… sẽ thêm vị mến thương và tình tương thân tương ái sẽ được nhân lên rất nhiều.
Lm. Mt
#LmMt #doithoailienton