Đối thoại giữa các tôn giáo
Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc
***
Trao đổi:
Đối thoại liên tôn là một sự trao đổi hai chiều, nói chuyện với nhau giữa hai bên, gồm hai hoặc nhiều người có những quan điểm khác nhau phát xuất từ niềm tin khác nhau, gia tài văn hóa và tôn giáo khác nhau. Đối thoại không giống như tranh luận hay củng cố lập trường hai bên cùng quan điểm.
Đối thoại liên tôn phát xuất từ ước muốn đi tìm chân thiện mỹ và là kết quả của một bối cảnh tư duy mới, một cách nhìn mới về thế giới và con người. Điều kiện phải có để đối thoại là hai bên đến với nhau trong tinh thần cởi mở, sẵn sàng đánh giá cao những khác biệt và đa dạng. Mọi hình thái tư duy khai trừ đều không phù hợp cho đối thoại. Tất cả những thái độ hiếu thắng hay tự tôn, nhất là độc tôn về phương diện văn hóa và tôn giáo đi ngược chiều với đối thoại.
Học hỏi:
Mục đích đầu tiên của đối thoại giữa các tôn giáo là tìm hiểu và học hỏi lẫn nhau, tìm hiểu những giá trị tôn giáo của nhau, tìm hiểu niềm tin của nhau. Tìm hiểu niềm tin của người khác cũng là đào sâu niềm tin của chính mình. Khi ta bắt đầu nhìn người khác cách gần gũi hơn, tự nhiên ta cũng nhìn lại những xác tín tôn giáo của riêng ta và các thế giới quan dưới ánh sáng của những khám phá hỗ tương.
Biết người biết ta không phải để hơn thua, để chống lại nhau, nhưng để yêu thương và phục vụ lẫn nhau.
Làm chứng:
Để người khác có thể lắng nghe và học hỏi nơi ta, ta cũng phải dấn thân làm chứng cho những kinh nghiệm và xác tín tôn giáo của ta. Điều này đòi hỏi nơi ta phải có hiểu biết tương xứng về bản chất và các chân lý trong đạo của mình. Ngoài ra còn phải có sự can đảm và chân thật để có thể làm chứng cho chân lý. Mặc dù kính trọng người đối thoại, ta cũng phải thẳng thắn làm chứng cho những yếu tố có thể là không hợp với họ.
Khi làm chứng cho chân lý, mỗi người đều hy vọng là bên đối tác có thể hiểu, tôn trọng và thậm chí đánh giá cao chân lý ấy. Nhưng đã ngồi vào bàn đối thoại, thì phải chấp nhận, sẵn sàng để cho người khác nói lên chứng từ của họ, để cho người khác thuyết phục mình.
Chuyển đổi:
Mục tiêu cuối cùng của đối thoại là sự chuyển đổi của người đối thoại. Thiếu chuyển đổi là thiếu sự trao đổi con tim và là thất bại trong đối thoại. Làm cho biến đổi không phải là chiến thắng, mà là chia sẻ với.
Người đối thoại hy vọng đối tác của mình có thể thấy và đánh giá cao xác tín tôn giáo cơ bản của mình. Ta hy vọng có thể làm thay đổi người khác, làm cho người ấy chấp nhận quan điểm của mình. Nhưng ta cũng phải cởi mở, sẵn sàng để cho người khác biến đổi ta. Đối thoại liên tôn là cái nền, nơi đó ta có thể làm biến đổi người khác hay để cho người khác biến đổi ta. Đó chính là sự biến đổi nhau, làm cho nhau trở nên tốt hơn; là sự biến đổi đích thực của trái tim, nhiều hơn là thay đổi tôn giáo. Là sự chiến thắng của cả đôi bên. Hai bên ra về với những cái nhìn rộng rãi hơn về cuộc sống và về tôn giáo.
II. Vì sao phải có đối thoại giữa các tôn giáo?
Các tôn giáo khác biệt nhau:
Lý do minh nhiên nhất thúc đẩy đối thoại liên tôn là sự khác biệt giữa các tôn giáo. Những khác biệt ấy là những khác biệt thực sự, không chỉ trong nhận thức, do đó không được phép coi thường. Các tôn giáo khác biệt nhau, và mỗi tôn giáo đều cho rằng mình giới thiệu chân lý hay đưa tới chân lý. Những khác biệt giữa các tôn giáo mời gọi ta có tinh thần cởi mở với Chân Lý, hỏi và thành thật khi đặt ra những câu hỏi về Chân Lý và bản chất của nó. Ta được mời gọi đi tìm Chân Lý có thể tìm được trong các tôn giáo khác.
Sự cởi mở đầu tiên là nhìn nhận rằng trong các tôn giáo khác có những yếu tố chân lý. Chân Lý là một huyền nhiệm khôn tả, tuyệt đối và vĩnh hằng, vượt trên các ràng buộc tôn giáo, nhưng chứa đựng trong mỗi tôn giáo. Khi tìm hiểu các tôn giáo khác, ta có cơ hội đến gần với Chân Lý Tuyệt Đối hơn. Sự đa nguyên tôn giáo đòi hỏi phải có đối thoại, vì không một người nào và không một truyền thống tôn giáo nào có thể cho rằng mình độc quyền chân lý. Nếu không đối thoại với những người khác, ta bị giới hạn trong cách nhìn và cách hiểu Chân Lý của ta.
Những sự khác biệt nối kết:
Sự khác biệt giữa các tôn giáo có thể chia rẻ hay nối kết giữa tín đồ các tôn giáo. Khi coi thường hay kết án niềm tin hay các việc thực hành các tôn giáo khác, ta sẽ tạo ra chia rẽ. Ta không được gây chia rẽ, trái lại phải dùng những khác biệt để nối kết giữa các tôn giáo.
Nhờ đối thoại ta có thể nối kết sự khác biệt giữa các tôn giáo. Nhờ đối thoại, ta có thể nhận ra nhiều dị biệt không khác nhau trong yếu tính cho bằng trong cách biểu hiện. Nhiệm vụ của đối thoại là tạo điều kiện cho người ta nhận ra nền tảng chung, nơi có thể tạo nhịp cầu giữa các tôn giáo. Đối thoại có thể khuyến khích tín đồ các tôn giáo đề cao những lý do cơ bản để hợp tác làm việc với nhau.
Dù sao chăng nữa, các tôn giáo vẫn gặp nhau:
Ngay cả khi đối thoại liên tôn không được minh nhiên khuyến khích, sự gặp gỡ giữa các tôn giáo không thể tránh được trong thế giới hôm nay. Sự kiện toàn cầu hoá bó buộc các truyền thống tôn giáo và các nền văn hóa phải gặp gỡ và giao lưu. Các sự kiện di dân, du lịch, buôn bán với nước ngoài, các phương tiện truyền thông hiện đại như truyền hình, internet và hằng loạt các nguyên nhân khác đang đưa các nền văn hóa xích lại gần nhau.
Trong khi tiếp xúc với các nền văn hóa và các tôn giáo khác lạ, nhiều người chưa được chuẩn bị để đánh giá hiện tượng này cách đúng đắn. Nhiều thành kiến và thông tin sai lạc vẫn tiếp tục gây tai hại. Phản ứng chống lại những dị biệt, đôi khi nảy sinh những tình cảm sợ hãi, bất an, thù nghịch, đe dọa. Tôn giáo hay bị chính trị lợi dụng, làm phát sinh sự va chạm và bạo lực giữa tín đồ các tôn giáo khác nhau. Chiến tranh, xung đột, bắt cóc, giết người vẫn tiếp tục nhân danh tôn giáo. Chính vì thế mà ngoài đối thoại ra, không còn con đường nào khác.
Những khổ đau trên thế giới:
Dù các tôn giáo tiếp tục phát triển, vẫn còn quá nhiều đau khổ trên thế giới. Rất nhiều đau khổ có thể không xảy ra, nếu không có những hành vi áp bức, những quyết định hiểm ác, những ý muốn bệnh hoạn, sự tham lam, thái độ trịch thượng khinh miệt người khác.
Phần lớn các tôn giáo có mục tiêu xoa dịu các đau khổ của con người, nhưng khổ đau vẫn tồn tại, có khi lại trầm trọng hơn; cho thấy không phải mọi tôn giáo đều thành công. Mỗi tôn giáo cố gắng giảm bớt đau khổ, bằng cách thúc đẩy phát triển toàn diện con người và vũ trụ.
Các vấn đề của thế giới thì quá nhiều đối với hoạt động riêng lẻ của từng tôn giáo. Sự hợp tác làm việc chung rất là cần thiết. Đối thoại giữa các tôn giáo không còn là một hành vi tự chọn để làm trong lúc rảnh rỗi, mà phải được coi như là thành phần của đời sống đức tin và là bận tâm của mỗi người có đạo.
III. Ai có thể và nên dấn thân đối thoại liên tôn?
Đối thoại bằng diễn từ:
Loại đối thoại này thường do các lãnh đạo tôn giáo, các nhà chuyên môn, các thần học gia. Là đối thoại có tính trường ốc, dựa vào các bản văn, các tín ngưỡng, các nền thần học, các huyền thoại tôn giáo, lịch sử các truyền thống tôn giáo. Đây là mặt bằng nơi các nhà chuyên môn đến với nhau để tìm ra những điểm tương đồng và dị biệt giữa các tôn giáo.
Đối thoại có thể phục vụ để sửa chữa những thông tin sai hay những cái nhìn méo mó của tín đồ tôn giáo về các tôn giáo khác. Các khóa họp đối thoại thường kết thúc bằng những tuyên bố, quyết tâm hay đề nghị. Kết quả được dần dần phổ biến cho quần chúng các tôn giáo.
Đối thoại bằng diễn từ chắc chắn có giá trị và vai trò của nó, nhưng không phải là hình thức duy nhất của đối thoại giữa các tôn giáo.
Đối thoại bằng kinh nghiệm tôn giáo:
Những người đối thoại chia sẻ kinh nghiệm tôn giáo cho nhau. Họ chú trọng tới chiều kích thiêng liêng của tôn giáo. Cầu nguyện như thế nào? Vì sao ta cầu nguyện? Đối với ta Thiên Chúa là ai? Điều gì làm cho ta cố gắng sống tốt? Đó thường là những câu hỏi mà ta trả lời cho nhau khi chia sẻ kinh nghiệm sống đạo.
Ngoài những kinh nghiệm hành hương, ta còn chia sẻ đời sống nội tâm. Điều này đòi hỏi một sự tin tưởng lẫn nhau, một sự kính trọng hỗ tương cao hơn, vì nó đụng tới những chiều kích sâu thẳm nhất của niềm tin. Không ai dám diễu cợt hay coi thường người kia, dù đã bộc lộ bất cứ điều gì quanh bàn đối thoại.
Đây là đối thoại về kinh nghiệm riêng tư, nên chỉ xảy ra với những người sống đạo sâu xa. Các tăng lữ, các tu sĩ, các nhà thần nhiệm, các bậc thầy, các linh mục đóng một vai trò quan trọng; nhưng cách đối thoại này mở ra cho mọi người, ngay cả những người ít hiểu biết về thần học.
Đối thoại bằng hành động:
Khi tín đồ các tôn giáo cộng tác với nhau, đến với nhau để bàn bạc những quan tâm về các vấn đề xã hội: bệnh Aids, tệ nạn xì ke ma túy, hiện tượng mãi dâm, lao động thiếu nhi, nạn mù chữ, nạn ô nhiễm môi trường, tác hại của toàn cầu hóa…
Loại đối thoại này tạo ra cho các tôn giáo một lãnh vực chung để làm việc, cùng nhau phục vụ xã hội. Sự cộng tác giữa tín đồ các tôn giáo trong lãnh vực xã hội từ thiện làm cho ta nhận ra những yếu tố chung làm nền cho các tôn giáo. Các tôn giáo hiện hữu không để phục vụ cho chính mình, mà để phục vụ con người và xã hội.
Những nhà hoạt động xã hội, những người tổ chức đời sống cộng đồng, các tổ chức từ thiện phi chính phủ tôn giáo hay không tôn giáo, những người hoạt động cho nhân quyền, thường là những đối tác đi đầu trong cuộc đối thoại này.
Đối thoại đời sống:
Đây là sự gặp gỡ, đối thoại trong đời sống hằng ngày giữa tín đồ các tôn giáo khác nhau. Là đời sống chung giữa những người khác tôn giáo, có dịp gặp nhau hay ở gần nhau như hàng xóm láng giềng, đồng nghiệp trong xưởng thợ, nơi trường học. Có những giá trị thiêng liêng hay nhân bản được thể hiện trong đời sống hằng ngày, uốn nắn hoặc ảnh hưởng trên các tác động qua lại giữa tín đồ các tôn giáo.
Mọi người đều có thể thực hiện đối thoại bằng đời sống từ chính cuộc đời của mình. Ví dụ như người mẹ dạy con yêu mến những người không cùng tôn giáo, như người thầy yêu mến các học trò, dù đồng đạo hay khác đạo, như người có đạo giúp đỡ những người hàng xóm không có đạo.
Đây là hình thái quan trọng nhất của đối thoại giữa các tôn giáo. Mọi hình thức khác cuối cùng phải đưa tới đối thoại đời sống. Đối thoại bằng đời sống trở thành cách sống của mọi tín đồ các tôn giáo.
IV. Làm thế nào nâng cao đối thoại liên tôn?
Tương đồng:
Cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nhận ra những điểm tương đồng giữa các tôn giáo, làm cho các tín đồ ý thức rằng các tôn giáo giống nhau nhiều hơn là khác nhau. Ta sẽ cảm thấy thoải mái, khi có người khác chia sẻ một số những xác tín của mình. Điều quan trọng là có người xác nhận sự đúng đắn của quan điểm của mình và củng cố niềm tin cho mình.
Thân quen:
Nếu được thường xuyên thúc đẩy, dần dần người ta sẽ thích đối thoại giữa các tôn giáo. Nên tạo cơ hội cho nhiều người được nghe nói về giáo lý, về các giá trị và tổ chức của các tôn giáo khác. Có thể dùng nhiều phương tiện khác nhau như sách vở, báo chí, phim ảnh. Nhưng tốt hơn cả là mời những người thuộc các tôn giáo khác trực tiếp trình bày cho ta về tôn giáo của họ. Những buổi nói chuyện như thế sẽ củng cố tương giao giữa các tôn giáo. Khi mà người khác đạo quen với ta hơn, thái độ của họ cũng dễ cho ta đoán trước hơn. Khi ta có thể đoán trước cách xử sự của người khác đạo và quen hơn với tôn giáo của họ, ta sẽ thoải mái hơn trong tương quan với họ.
Gần gũi:
Gần gũi trước hết hiểu về phương diện thể lý, ví dụ ta có thể nghe, thấy, nói chuyện với, gặp gỡ những người khác tôn giáo. Chính sự gần gũi với nhau làm cho ta thân quen hơn. Sự gần gũi củng cố tương giao và làm cho tín đồ các tôn giáo có thể cộng tác với nhau dễ dàng hơn. Sẽ rất ích lợi nếu khuyến khích tín đồ các tôn giáo thường xuyên đến với nhau, hoặc làm việc bên cạnh nhau, hay cư ngụ gần nhau.
Hấp dẫn:
So với ba yếu tố trên, sự hấp dẫn quan trọng hơn cả. Nếu thiếu hấp lực thì ba yếu tố trên không giúp ích gì cho tương quan giữa các tôn giáo. Để đẩy mạnh sự đối thoại giữa các tôn giáo, cần phải trình bày các khía cạnh hấp dẫn của các tôn giáo ấy. Bước đầu phải thực hiện với những người dễ thành công hơn, cởi mở hơn, phải sử dụng những nhân sự gương mẫu có thể hấp dẫn các tín đồ khác tôn giáo.
V. Tập sự đối thoại liên tôn
Công nhận sự cần thiết:
Công nhận sự cần thiết phải đối thoại và cộng tác với các tôn giáo bạn là bước tích cực đầu tiên. Ta phải xác tín rằng tương quan với các tôn giáo khác không chỉ là lựa chọn, mà là đòi hỏi. Cách hiểu và cách nhìn của chúng ta về sứ mạng loan báo Tin Mừng cần phải thay đổi, thì mới có chỗ cho đối thoại liên tôn. Ta phải công nhận chỗ đứng của các tôn giáo trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Sự thay đổi này giúp ta vun trồng thái độ tích cực với tín đồ các tôn giáo khác, nhìn họ như những người đồng hành hơn là những đối thủ cạnh tranh.
Đến với:
Điều cần làm tiếp theo là tiếp xúc với tín đồ các tôn giáo. Tiếp xúc với họ có thể giúp ta xóa bỏ những thành kiến, hiểu lầm về họ và tôn giáo của họ; giúp ta hiểu biết họ nhiều hơn, coi họ cũng chân thành như ta trong việc đi tìm chân lý, tìm ý nghĩa cuộc đời, cũng bận tâm như ta về công lý và quyền con người. Sự tiếp xúc không nhất thiết phải hình thức bề ngoài. Có khi những gặp gỡ không chính thức lại hữu ích hơn để tạo tương quan thân thiện giữa tín đồ các tôn giáo.
Cộng tác với:
Bước thứ ba là cộng tác với nhau vì lợi ích của mọi người, nhân danh công lý và hòa bình. Không nên đợi đến lúc gặp khó khăn và khủng hoảng rồi mới cộng tác với nhau. Nhưng phải coi đó như là điều cần phải thực hiện để phục vụ lợi ích của xã hội. Mọi quyền con người hay mọi chương trình thăng tiến con người nên được thực hiện như những công trình liên tôn.
Đào sâu tương quan:
Trong khi cộng tác với tín đồ các tôn giáo, đừng quên rằng những công việc ta làm chung đó có ý nghĩa tôn giáo và thiêng liêng. Các tôn giáo không chỉ là những hội từ thiện phi chính phủ. Cộng tác với nhau là một cách để đến với nhau, chia sẻ và suy nghĩ với nhau, dựa trên chỉ dẫn của các sách thánh, của niềm tin tôn giáo. Làm như thế, ta có cơ hội đào sâu sự hiểu biết lẫn nhau, đồng thời phổ biến quan điểm của tôn giáo mình. Ta mở tâm và trí để học hỏi với các đối tác của ta, cấu trúc lại niềm tin của ta. Ta cũng sẵn sàng để cho các bạn không cùng tôn giáo học hỏi nơi ta. Kết quả sau cùng cho đôi bên là cả hai đều được phong phú hóa, được biến đổi bởi nhau, sâu sắc hơn trong niềm tin của chính mình và hiểu biết tôn giáo bạn sâu hơn.