01.01.2022 – Thứ Bảy Cuối Tuần Bát nhật Giáng Sinh – Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa
Lời Chúa: Lc 2, 16-21
Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.
Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.
Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.
Suy niệm:
Làm người ai cũng cần có mẹ.
Mẹ là người cưu mang, sinh ra và dưỡng nuôi con cho khôn lớn.
Khi Con Thiên Chúa làm người, mang lấy trọn phận người,
Ngài cũng cần một người mẹ, như bao người khác.
Mẹ Maria là thiếu nữ, là trinh nữ được Thiên Chúa tuyển chọn,
Để thụ thai và sinh hạ Con Một Thiên Chúa.
Khi Công Đồng Êphêsô (năm 431) gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa,
Công Đồng không có ý dạy
Đức Mẹ sinh ra Chúa Cha hay Chúa Thánh Thần.
Đức Mẹ chỉ sinh ra Đức Giêsu,
Mà Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể,
Nên Mẹ thực sự là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos).
Chắc Mẹ Maria không thể hiểu hết và hiểu ngay
Màu nhiệm lớn lao mà Mẹ đang cưu mang trong dạ.
Khi các mục đồng kể lại những điều huy hoàng họ nghe thấy ở Belem,
Mẹ Maria ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong tim mình.
Để đi vào mầu nhiệm cách sâu xa, cần ơn soi sáng của Chúa,
nhưng cũng cần thái độ chiêm niệm, nghiền ngẫm trong lặng thinh.
Chúng ta thường để ý đến biến cố Truyền Tin và biến cố Giáng Sinh,
biến cố Ngôi Lời bắt đầu hiện hữu trong lòng mẹ và biến cố chào đời.
Nhưng chúng ta không được quên chín tháng Mẹ cưu mang người Con.
Con Thiên Chúa đã lớn lên từ từ trong lòng Mẹ như các thai nhi khác.
Muốn sinh Đức Giêsu cho thế giới hôm nay,
Chúng ta cũng cần nhiều thời gian để cưu mang Ngài trong cuộc đời ta,
để Ngài trở nên đủ cứng cáp khi chào đời.
Chúng ta cũng phải chấp nhận cả sự đau đớn khi sinh hạ.
Bước qua một Năm Mới, mở trang đầu của cuốn lịch mới,
Chúng ta mong những điều mới mẻ tốt lành xảy đến cho mình
Và muốn tặng cho nhau một câu chúc đầy ý nghĩa:
“Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!” (Ds 6, 26).
Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Ðức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm Con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Ðức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Ðức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Ðường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.”(Lc 2,19)
Câu chuyện minh họa:
Một người da đỏ cùng đi với một người da trắng trên đường. Người da đỏ bỗng vỗ vai người da trắng, hỏi:
– Anh có nghe gì không?
– Người da trắng hết sức lóng tai nghe, rồi đáp
– Tôi chẳng nghe gì cả.
– Có mà, tôi nghe tiếng một con dế gáy.
– Làm gì mà có con dế nào giữa đường phố nhộn nhịp như thế này? Mà cho dù có đi nữa thì làm sao anh nghe được tiếng nó giữa bao tiếng ồn ào của xe cộ và người qua kẻ lại?
Người da đỏ không thèm trả lời. Anh đi đến một bức tường bên vệ đường. Bức tường đã cũ. Nhiều dây leo chằng chịt trên đó. Anh vạch đám dây leo sang một bên. Một lỗ trống hiện ra, trong đó rõ ràng có một con dế đang gáy.
Người da trắng thán phục:
– Dân da đỏ các anh có lỗ tai thính hơn dân da trắng chúng tôi nhiều.
– Không phải thế đâu. Để tôi thử cái này cho anh xem.
Người da đỏ lấy trong túi ra một đồng tiền kẽm, thảy xuống mặt đường. Tiếng đồng tiền lăn leng keng khiến mọi người đi đường ngoái đầu nhìn lại. Liền đó người da đỏ giải thích:
– Tiếng của đồng tiền kẽm nhỏ hơn tiếng dế kêu rất nhiều. Thế mà mọi người da trắng đều nghe được. Còn tiếng con dế lớn hơn nhưng chỉ có tôi nghe được. Không phải ai thính tai hơn ai cả. Sự thực chính là chúng ta chỉ nghe được tiếng của những thứ chúng ta thường quan tâm để ý.
Suy niệm:
Giữa một thế giới ồn ào, đầy những bon chen của tiền, tài, danh vọng… thì làm sao con người có thể lắng nghe được những bước chân âm thầm của những con người bất hạnh, nghèo khổ, đói rách,… Những bước chân ấy đang tha thiết van nài chúng ta sự quan tâm, lòng quảng đại, và tình yêu thương.
Đức Maria đã sống trong sự âm thầm nhưng thử hỏi có mấy ai biết đến Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ luôn đứng phía sau Chúa để giúp đỡ con người như trong tiệc cưới Cana, Mẹ đã bảo Chúa làm phép lạ hóa rượu ngon đãi thực khách đang thiếu rượu. Tuy âm thầm nhưng Mẹ luôn theo bước chân Chúa từ lúc sinh ra cho đến đồi Canvê. Tuy Mẹ là Mẹ Chúa nhưng Mẹ không hiểu hết về Con mình, chỉ có sự lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa đã giúp Mẹ hiểu được những công việc Chúa làm. Mẹ thật là người nữ tuyệt vời, và là mẫu gương cho tất cả chúng ta về sự lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa.
Lạy Mẹ Maria, xin dạy cho con biết yêu mến Lời Chúa và suy gẫm Lời ấy, để thánh hóa bản thân con mỗi ngày nên tốt hơn, xứng đáng là con cái Chúa hơn. Amen.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Mẹ Thiên Chúa, đó là phẩm chức cao cả nhất của Đức Maria. Chính phẩm chức cao cả này là nền tảng các đặc ân khác dành cho Mẹ. Công đồng Vaticanô II đã trình bày các đặc ân liên kết với phẩm chức Thiên Chúa như sau: “Được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Trinh nữ vô nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con Ngài cách trọn vẹn hơn” (GH.59). “Đức Maria luôn tiếp tục thiên chức làm mẹ… Thật vậy, sau khi về trời, vai trò của Ngài trong việc cứu chuộc không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời… Vì thế trong Giáo hội, Đức Trinh nữ Maria được kêu cầu qua các tước hiệu: trạng sư, vị bảo trợ, đấng phù hộ và đấng trung gian”(GH.62)
Như vậy, long trọng mừng Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa, chúng ta hãy tỏ một niềm tin vững chắc vào vai trò của Mẹ trong chương trình cứu rỗi nhân loại. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Mẹ đã sinh ra cho chúng ta Thiên Chúa Cứu Chuộc.
Niềm tin vào chức phẩm cao quý là Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria đã có từ đầu Giáo hội. Chính thánh Phaolô đã viết: “Khi thời viên mãn đến, Thiên Chúa sai con của Ngài, sinh bởi người nữ” (Gl 4,4). Tiếp tục niềm tin đã có từ đầu, các tín hữu còn xác tín hơn nữa do biến cố dẫn tới những xác quyết chắc chắn của Công đồng chung Ephêsô (năm 413).
Vào dịp kỷ niệm 1.500 năm Công đồng Êphêsô, năm 1931, Đức Giáo hoàng Piô XI đã lập lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, kính trọng thể trong khắp Giáo hội vào ngày 11 tháng 10. Chính Đức Giáo hoàng Piô XI đã viết: “Tín điều Mẹ Thiên Chúa là một nguồn nước mầu nhiệm vô tận, đã tuôn ra mọi đặc ân cho Đức Mẹ và nâng Người lên một địa vị cao sang tuyệt vời bên Thiên Chúa” (Lux Veritatis 1931).
Đức Giáo hoàng Phaolô VI dời ngày lễ vào đầu năm dương lịch. Việc dời ngày kính này vào ngày Thế giới Hòa bình nhấn mạnh thêm ý nghĩa lễ Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa hôm nay. Đức Giáo hoàng Phaolô VI viết: “Khi canh tân mùa Giáng sinh, mọi người phải chú ý đến việc tái lập lễ Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa vào ngày 01-01, đúng phụng vụ Rôma từ xưa, nhằm tôn kính việc Đức Maria góp phần vào mầu nhiệm cứu rỗi và tôn vinh địa vị đặc biệt cho ‘Mẹ rất thánh, Đấng tiếp nhận Nguồn sống cho chúng tôi’. Lễ này cũng là dịp rất tốt để chúng ta tôn thờ Vua Hòa Bình mới sinh, và nghe lại lời chúc hoà bình của các thiên sứ (Lc 2,14), để cầu Chúa, nhờ sự can thiệp của Nữ Vương hòa bình, ban cho ta ơn cao cả nhất là hòa bình. Vì sự trùng hợp tốt đẹp giữa ngày 01 tháng Giêng với ngày thứ tám giáp lễ Giáng Sinh mà chúng tôi đã đặt ngày đó là ngày Thế giới Hòa bình, mà thế giới mỗi ngày càng hưởng ứng thêm, và thành quả của hòa bình đã phát sinh trong lòng nhiều người” (ĐGH Phaolô VI. Marialis Cultus, số 5b).
Lạy Chúa, qua sự chuyển cầu của Đức Trinh nữ Maria – Mẹ Thiên Chúa và là Nữ Vương hòa bình, xin ban cho chúng con ơn cao cả đó là hòa bình và biết sống hiệp nhất, yêu thương để cùng nhau dấn thân xây dựng Nước Chúa mỗi ngày bền vững và thánh thiện hơn. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaGiangSinh