24.12.2021 – Thứ Sáu Tuần IV Mùa Vọng Trước Lễ Giáng Sinh
Lời Chúa: Lc 2, 1-14
Thời ấy, hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Ðây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyria. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê, lên thành Bêlem, miền Giuđê, là thành vua Ðavít, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Ðavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.
Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ðavít, Người là Ðấng Kitô Ðức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời.
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”
Suy niệm:
Thiên Chúa vẫn cứ làm con người ngỡ ngàng.
Để cứu độ nhân loại, Thiên Chúa sai Con Ngài sinh bởi một phụ nữ,
làm người Do Thái, sống dưới thời đế quốc Rôma đô hộ (cc. 1-2).
Như thế Đấng Tuyệt Đối đã từ trời xuống,
chấp nhận thân phận hữu hạn của con người.
Ngài không khoác lớp áo người, nhưng là người trọn vẹn.
Ngài được cưu mang trong dạ mẹ, được sinh ra như mọi trẻ thơ.
Đêm Con Thiên Chúa chào đời là một đêm lạ lùng.
Ngài không được chào đời tại mái nhà thân yêu ở Nadarét.
Ngài cũng không được chào đời
nơi một căn phòng tử tế dành cho lữ khách ở Bêlem.
Đơn giản là vì không có chỗ (c. 7).
Nhưng tại sao lại không có, thì ta không rõ câu trả lời.
Ngài đã phải sinh ra nơi máng cỏ, nơi để đồ ăn cho súc vật.
Phải mất bao lâu Giuse mới tìm được chỗ này trong đêm?
Hãy hình dung khung cảnh âm thầm của máng cỏ ngày xưa.
Có một ngọn đèn nào để chiếu sáng không?
Có ngọn lửa nào để xua đi giá lạnh không?
Hãy cảm nếm nỗi lo sợ, vất vả, lúng túng của đôi vợ chồng trẻ.
Họ đang phải đối diện với những rắc rối lớn lao và bất ngờ.
Điều cần nhất là hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa.
Khi tiếng khóc đầu tiên của Hài Nhi cất lên giữa đêm khuya,
ơn cứu độ đã mỉm cười với nhân loại.
Lạ lùng thay cách thức Con Thiên Chúa làm người!
Nhóm người chăn chiên, những kẻ sống bên lề xã hội,
chứ không phải là những nhà lãnh đạo tôn giáo hay trần thế,
mới là những người đầu tiên được sứ thần loan báo Tin Mừng.
Họ sống ngoài đồng, chia phiên nhau thức đêm để canh giữ đoàn vật.
Bất ngờ họ bị bao trùm bởi vinh quang rực rỡ của Thiên Chúa (c. 9).
“Hôm nay, Đấng Cứu độ, Đấng Kitô, Đức Chúa được sinh ra cho anh em.”
Đấng dân tộc anh em chờ mong từ lâu, nay đã đến.
Đây là Tin Mừng! Đây là Niềm Vui cho mọi người!
Nhưng dấu hiệu để nhận ra vị Tân Vương thuộc nhà Đavít
thì vừa bình thường: “một trẻ sơ sinh được quấn tã”,
vừa lạ thường: “nằm trong máng cỏ” (c. 12).
Đấng Mêsia mới được sinh ra không ngự nơi cung vua.
Dấu hiệu sứ thần cho ông Dacaria là bị câm.
Dấu hiệu sứ thần cho Maria là bà chị Êlisabét mang thai lúc đã già.
Dấu hiệu sứ thần cho các anh chăn chiên là trẻ thơ quấn tã nơi máng cỏ.
Các anh chăn chiên cần có đức tin để dám tin vào dấu hiệu ấy.
Thiên Chúa vẫn đến với con người bằng những nẻo đường bất ngờ.
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (c. 14).
Hoàng đế Augustô được ca ngợi là đấng cứu độ.
Ông được coi là người đem lại hòa bình,vì ông đã chấm dứt chiến tranh.
Hôm nay, Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta bình an thật qua Đức Kitô.
Ngài muốn ban cho chúng ta Đấng Cứu Độ thật là Đức Giêsu.
Xin cầu cho hòa bình trên mặt đất, bình an trong lòng người.
Ước gì chúng ta biết được rằng mình là những người được Chúa thương.
Cầu nguyện:
Giữa giá rét của mùa đông,
xin cho con gặp Chúa.
Giữa những long đong
và bấp bênh của phận người,
xin cho con gần Chúa.
Giữa cảnh nghèo khó và trơ trụi,
xin cho con thấy Chúa đi với con và hiểu con.
Lạy Chúa Giêsu bé thơ nằm trong máng cỏ,
xin cho con cảm được sự bình an của Chúa,
ngay giữa những âu lo hằng ngày.
Xin cho con đón lấy cuộc đời con
với bao điều không như ý.
Và cuối cùng,
xin cho con dám sống như Chúa
vì Chúa đã dám sống như con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel, đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.” (Lc 1,68)
Câu chuyện minh họa:
Khi Inhaxiô còn trẻ, chàng chỉ mong trở thành một quân nhân, nhưng một tai nạn xảy ra, chàng bị thương phải nằm dưỡng bệnh lâu ngày. Chàng đọc sách, hết sách đời đến sách đạo, cuối cùng chàng đổi thay và trở nên một bậc thánh. Có người đã nhận định về chàng: “Anh ta đã muốn kiến tạo mình trước thời gian, nhưng chàng không thể hoàn thành chương trình cho đến khi năm tháng đã trôi qua.”
Suy niệm:
Ông Dacaria công khai nói lên niềm tin của mình khi Chúa mở miệng cho ông sau 9 tháng bị câm, trọng tâm là lời ngợi khen, cảm tạ mà ngày nay Giáo Hội dùng để ca ngợi Chúa trong giờ kinh sáng. Đó là tâm tình cảm tạ tri ân trào ra từ việc cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa dành cho Dacaria.
“Đêm thánh” là đêm khởi đầu của lịch sử, Đấng Cứu Thế đến đem ơn cứu độ cho trần gian, đem đến một tương lai mới. Nhưng đêm này không phải xảy ra một lần nhưng mỗi lần những cử chỉ yêu thương được thể hiện, những lời tha thứ được bày tỏ, bầu khí an vui thuận hòa được diễn ra… chính lúc đó đêm thánh được họa lại.
Ước gì cuộc sống của chúng ta được dệt nên bằng những “Đêm thánh vô cùng”, như thế là chúng ta đang hát lên khúc ca đêm thánh tuyệt vời, tuyệt vời không phải bởi lời ca ý nhạc, nhưng tuyệt vời bởi những cử chỉ tin yêu, phó thác.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Trong cả bốn quyển sách Tin Mừng, chỉ có duy nhất tác giả Luca ghi lại ba bài thánh ca trong Tin Mừng gồm: Magnificat, Benedictus và Nunc Dimittis. Mỗi bài đều có nội dung và chủ đích riêng biệt, khác nhau. Nhưng tất cả ba bài đều chung một ý tưởng xuyên suốt, hiệp nhất và bất biến. Đó chính là vui mừng, biết ơn, cảm tạ, ca khen, chúc tụng Thiên Chúa từ bi, nhân ái, tràn đầy lòng thương xót.
Ông Dacaria có thể cất lên bài ca bất hủ này thiết nghĩ đó là cả một hành trình rất lâu dài: khởi đi từ kinh nghiệm lắng nghe Lời Chúa, ngang qua biến cố gặp gỡ sứ thần Gabriel trong đền thờ, tiếp theo là thời gian hơn chín tháng thinh lặng, tương ứng với thời gian con trẻ Gioan được cưu mang trong bụng mẹ, và kết thúc bằng biến cố đặt tên, và từ đó trào vọt lời nói đầu tiên, là bài ca Benedictus, mãi mãi được hiện tại hóa nơi lời kinh hằng ngày và nơi cuộc đời của chúng ta.
Hơn chín tháng câm lặng về mặt thể lí, đối với ông Dacaria, đó là thời gian suy niệm và chiêm niệm, để khám phá sự hiện diện và cách hành động của Thiên Chúa trong lịch sử thánh của dân Chúa, trong đời mình và đặc biệt nơi hồng ân lạ lùng của trẻ thơ “Gioan”. Chín tháng thinh lặng phải là chín tháng cầu nguyện, để có thể hát lên lời ca tụng Thiên Chúa tuyệt vời như vậy, lời mà Giáo Hội đặt vào miệng chúng ta mỗi ngày trong Giờ kinh phụng vụ ban mai.
Trong cuộc sống hỗn độn và náo nhiệt hiện nay, con người chạy đua với kim đồng hồ để mưu sinh và hưởng thụ, không còn giờ nào để suy tư, ngẫm nghĩ, nên gần như trở thành những robot vô hồn, hờ hững với mọi sự siêu nhiên. Vì thế, chúng ta cần vào sa mạc thinh lặng như ông Dacaria, cần nguyện xin Chúa Thánh Thần khai sáng, giúp đỡ, thêm sức và hướng dẫn. Bởi “vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết thinh lặng, để sốt sắng cầu nguyện, để lắng nghe Lời Chúa dạy bảo, cùng tìm hiểu thánh ý Chúa mà tận lực thi hành. Xin Chúa luôn hướng dẫn và giúp đỡ chúng con đi theo đúng đường ngay nẻo chính của Chúa, hầu được cứu rỗi. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien