06.12.2021 – Thứ Hai Tuần II Mùa Vọng
Lời Chúa: Lc 5, 17-26
Một hôm, khi Ðức Giêsu giảng dạy, có mấy người Pharisêu và luật sĩ ngồi đó; họ từ khắp các làng mạc miền Galilê, Giuđê và từ Giêrusalem mà đến. Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật. Và kìa có mấy người khiêng đến một bệnh nhân bị bại liệt nằm trên giường, họ tìm cách đem vào đặt trước mặt Người. Nhưng vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Ðức Giêsu. Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: “Này anh, anh đã được tha tội rồi.” Các kinh sư và các người Pharisêu bắt đầu suy nghĩ: “Người đang nói phạm thượng là ai vậy? Ai có quyền tha tội ngoài một mình Thiên Chúa ra?” Nhưng Ðức Giêsu thấu biết họ đang suy nghĩ như thế, nên Người lên tiếng bảo họ rằng: “Trong bụng các ông đang nghĩ gì vậy? Trong hai điều: một là bảo: “Anh đã được tha tội rồi”, hai là bảo: “Ðứng dậy mà đi”, điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội – Ðức Giêsu bảo người bại liệt: tôi truyền cho anh: “Hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà!” Ngay lúc ấy, người bại liệt trỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa.
Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau: “Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ!”
Suy niệm:
Bệnh tật nơi thân xác con người
có thể tượng trưng cho một thứ bệnh tật nào đó nơi tinh thần.
Ít người mắc bệnh câm, nhưng ai cũng có kinh nghiệm về sự câm nín,
do sợ hãi của chính mình hay do bị đe dọa bắt phải im.
Ít người mắc bệnh điếc, nhưng lại có quá nhiều cuộc đối thoại
mà hai bên chẳng hiểu nhau, vì mất khả năng nghe.
Người mù không phải chỉ là người không thấy ánh mặt trời,
nhưng còn là người không dám thấy ánh sáng của sự thật,
không nhận ra hình ảnh người anh em nơi khuôn mặt kẻ thù.
Không phải ai cũng có bàn tay khô bại, không duỗi ra được,
nhưng ai cũng có lần thấy mình khó đưa tay ra để bắt tay người khác.
Đức Giêsu đã chữa cả thảy bao nhiêu bệnh nhân, chúng ta không biết.
Nhưng chắc Ngài đã không dừng lại ở việc chữa lành thân xác.
Ngài muốn một sự lành mạnh nơi toàn diện con người.
“Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai” (Is 35, 6).
Lời của ngôn sứ Isaia trong bài đọc 1 đã ứng nghiệm.
Khi anh bại liệt trỗi dậy, vác giường và đi một mạch về nhà,
chúng ta thấy niềm vui bừng tỏa trên khuôn mặt của anh và các bạn.
Cả gia đình của anh cũng sẽ ngập tràn hạnh phúc
khi thấy anh trở về, đi đứng như một người bình thường.
Nhưng có điều họ không nhận ra đó là chuyện anh được tha tội.
Đức Giêsu đã tha tội cho anh dù anh không xin,
vì điều anh quan tâm chỉ là sự bất toại thể lý.
Nhưng tâm hồn anh đã bước đi,
trước khi đôi chân anh đi được.
Sự trỗi dậy của anh là sự trỗi dậy của cả hồn lẫn xác.
Đức Giêsu có cơ hội để tỏ cho nhóm các luật sĩ và Pharisêu thấy
không nhất thiết phải đi gặp tư tế và dâng lễ đền tội mới được tha.
Chỉ bằng một lời nói đơn sơ dễ dàng, Ngài có quyền ban ơn tha thứ.
Chính việc anh bất toại được chữa lành làm chứng về quyền năng này.
Ngược với thái độ tin tưởng táo bạo của anh bất toại và các bạn,
là thái độ thụ động ngồi của các luật sĩ và Pharisêu.
Họ cứng nhắc trong suy nghĩ truyền thống của mình :
chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tha tội.
Họ không tin Đức Giêsu được chia sẻ quyền ấy từ Cha,
dù họ đã tận mắt thấy anh bất toại đi được.
Mùa Vọng là thời gian trỗi dậy, ra khỏi sự bất toại và bước đi.
Có những bệnh bất toại về mặt thiêng liêng,
khiến tôi không đến gần Chúa được, cũng không dám đến với anh em.
Có những bất toại về trí tuệ khiến tôi bị kẹt
trong những định kiến, thiên kiến, thành kiến,
không dám mở ra để đón nhận những sự thật bất ngờ và đáng sợ.
Có những bất toại về tình cảm khiến tim tôi như bị cầm tù,
không sao thoát khỏi được chuyện yêu ghét oán hờn dai dẳng.
Xin Giêsu giải phóng tôi, cho tôi khỏi bất toại, để tôi được tự do.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật.” (Lc 5,17).
Câu chuyện minh họa:
Vị Rabbi già bị mù, không thể đọc sách vở gì được, cũng chẳng nhận ra được khuôn mặt của những người đến gặp ông.
Một người chữa bệnh bằng đức tin nói với Rabbi: “Nếu Thầy chấp nhận để tôi săn sóc, tôi sẽ chữa lành chứng mù cho thầy.”
“Không cần thế đâu” – Rabbi trả lời – “Tôi vẫn có thể trông thấy mọi thứ mà tôi cần thấy.”
Không phải ai nhắm mắt cũng ngủ. Và không phải ai mở mắt cũng thấy.
Suy niệm:
Những người thân nhân đem người bại liệt đến với Chúa mà không sao đem đến được vì người ta đến để Chúa chữa lành quá đông, nên họ dỡ mái nhà thả người bệnh trước mặt Người để được Người chữa lành. Không cần họ nói gì nhưng Chúa hiểu rằng họ cần gì, vì Người thấu suốt những ý nghĩ thầm kín của con người. Người không những chữa lành bệnh tật nơi thể xác nhưng hơn hết căn bệnh tâm hồn họ Người cũng chữa lành.
Những thân nhân đã giúp người bại liệt này vượt qua chướng ngại vật chất, để mang anh ta đến ánh sáng đức tin. Vì thế, chúng ta cũng cần nâng đỡ nhau, giúp nhau sống đức tin trong đời sống thường ngày bằng sự chia sẻ, những lời động viên, lời cầu nguyện…
Lạy Chúa, xin cho con biết mạnh dạn đến với Chúa nhất là trong những lúc tâm hồn con đầy ngổn ngang của tội lỗi, để được Người yêu thương chữa lành.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường bắt gặp những người đau khổ – họ hay bị chèn ép, bị khinh thường bởi những người có quyền thế, có địa vị. Điển hình như một người ăn xin, họ xin mình, mình cho một khoản tiền để giúp họ, nhưng có người bạn đi với mình thường phàn nàn là tại sao mình phung phí tiền thế, ăn xin cho vài ngàn là được rồi. Có lẽ, đâu đó còn những khuôn mặt hay càm ràm như vậy! Từ đó, cho thấy vẫn còn những khuôn mặt sẵn sàng ra tay giúp đỡ những người nghèo khổ một cách từ tâm, nhưng cũng có những khuôn mặt của những con người “càm ràm” khó chịu khi thấy người nghèo khổ được giúp đỡ.
Qua trang Tin Mừng này, thánh Luca nhắc đến những hình ảnh như trên. Đúng ra, các kinh sư là những người trước tiên phải vui mừng vì họ đã nhận ra Chúa Giêsu đúng là Đấng Mêsia mà họ và đoàn dân mong chờ. Nhưng khốn thay, họ lại ghen tị và có thái độ chối từ tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua Chúa Giêsu. Để che đậy sự ghen tị, lòng nham hiểm của mình, họ dựa vào luật để bắt bẻ Chúa Giêsu đã phạm thượng. Dù họ có chối bỏ và không tin vào Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, thì Chúa Giêsu vẫn ra tay cứu giúp những người đau khổ, bệnh tật chạy đến với người.
Có lẽ, ngày hôm nay, hình ảnh của những kinh sư còn nhan nhản trong đời sống cộng đoàn, giáo xứ. Thay vì cùng cộng tác với bề trên, cha xứ để làm cho Giáo Hội, cộng đoàn, giáo xứ được phát triển và thăng tiến theo ý muốn của Chúa, thì lại còn những “Pharisêu” thời đại ghen tị, phản đối, gây chia rẽ, gây hận thù cho nhau.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một trái tim luôn biết rộng mở để mỗi ngày sống chúng con biết học nơi Chúa là đem tình thương của Chúa chia sẻ cho những anh chị em cần đến sự giúp đỡ của chúng con. Xin đừng để chúng con đóng chặt trái tim lại và gây sự chia rẽ, hận thù khi thấy người khác được sự nâng đỡ của cộng đoàn, của người khác. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien