03.12.2021 – Thứ Sáu Tuần I Mùa Vọng – Thánh Phanxicô Xaviê, Linh Mục
Lời Chúa:Mc 16,15-20
Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.” Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
Suy niệm:
Chúa Giêsu phục sinh hiện ra để củng cố đức tin của các môn đệ,
để ban bình an cho họ sau những biến cố buồn đau,
nhưng cũng là để sai các môn đệ lên đường đi sứ vụ.
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21).
“Hãy đi và làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ…” (Mt 28, 19-20).
“Phải nhân danh Đức Kitô mà rao giảng cho mọi dân tộc” (Lc 24, 47).
“Hãy đi khắp thế giới, loan báo Tin Mừng cho mọi thọ tạo” (Mc 16, 15).
Thế hệ các Kitô hữu đầu tiên rất trân trọng mệnh lệnh này.
Bao vị tông đồ đã chịu tử đạo chỉ vì tuân giữ mệnh lệnh ấy.
Ước mơ của Chúa Giêsu phục sinh thật lớn lao.
Ước mơ ấy muốn ôm cả trái đất với muôn dân tộc.
Ngài đã sống, đã chết và đã sống lại, chính là để cứu độ cả loài người.
Ngài đã đem lửa đến trên mặt đất,
và Ngài muốn chúng ta tiếp tục làm cho ngọn lửa ấy bùng lên (Lc 12, 49).
Phanxicô Xaviê đã muốn sống mệnh lệnh này cách đặc biệt.
“Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi” (c. 20).
Phanxicô cũng muốn đi khắp nơi để nói về Chúa Giêsu cho ai chưa tin.
Một năm trời lênh đênh trên biển để đi từ Bồ Đào Nha đến Ấn Độ.
Ba mươi sáu tuổi bắt đầu công việc của một nhà truyền giáo ở Goa,
Phanxicô chịu mọi lao nhọc để giảng dạy và rửa tội cho người bản xứ.
Rồi Phanxicô lại lên đường đi Malaixia, Inđônêsia.
và là một trong những nhà truyền giáo đầu tiên tại Nhật Bản.
Nhưng trái tim Phanxicô vẫn chưa dừng ở đó.
Ngài còn muốn đặt chân đến Bắc Kinh để gặp Hoàng đế Trung Quốc.
Phanxicô chết vì kiệt sức khi đang chờ trên hòn đảo Thượng Xuyên,
mắt vẫn hướng về Quảng Đông chỉ cách đó 14 cây số.
Hôm ấy là ngày 3-12-1552, khi Phanxicô mới bốn mươi sáu tuổi.
Mừng lễ thánh Phanxicô, Bổn mạng các xứ truyền giáo,
chúng ta nhớ Việt Nam vẫn là nơi cần được loan báo Tin Mừng,
và Trung Quốc vẫn là nơi gần như Kitô giáo chưa được biết đến.
Hơn 90% người dân Việt chưa nhận biết Đức Kitô.
Hơn một tỷ người Trung Quốc cần được nghe lời rao giảng.
Có ai còn nhớ đến những mệnh lệnh của Chúa phục sinh không?
Có người nghĩ rằng chẳng cần phải loan báo Tin Mừng nữa,
vì đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành, dạy sống theo lương tâm,
vì các tôn giáo đều có nét hay riêng, đều là những con đường cứu độ,
vì Đức Kitô Giêsu chẳng phải là Đấng Trung Gian duy nhất!
Anh em hãy đi khắp thế giới, hãy làm cho muôn dân thành môn đệ!
Lời ấy của Đức Giêsu phải là lời nhắc nhở Hội Thánh.
Loan báo Tin Mừng hôm nay thuận lợi hơn xưa rất nhiều.
Chúng ta không phải đi thuyền buồm để mà sợ đứng gió.
Chỉ gửi một email, làm một trang web, là nhiều người nghe được Tin Mừng.
Điều chúng ta thiếu lại là chút nhiệt thành nóng bỏng của Phanxicô.
Xin cho tôi hiểu và yêu Ngài hơn, để dám giới thiệu Ngài cho thế giới.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con ngọn lửa trong Trái tim Chúa,
ngọn lửa của tình yêu Cha và nhân loại.
Xin làm tim con ấm lại mỗi ngày,
nhờ được nghe Chúa nói như hai môn đệ về Emmau,
và được Chúa nuôi bằng bánh ban sự sống.
Xin soi sáng chúng con bằng ngọn lửa rực rỡ
mỗi khi chúng con cầu nguyện hay quyết định.
Xin thanh luyện chúng con bằng ngọn lửa hồng
của những thất bại đắng cay trên đường đời.
Ước gì chúng con luôn có lửa nhiệt thành
để hết lòng phụng sự Nước Chúa,
lửa tình yêu để vượt qua những hận thù đố kỵ.
Lạy Chúa Giêsu,
thế giới hôm nay vẫn bị tối tăm, lạnh lẽo đe dọa.
Xin ban cho chúng con những lưỡi lửa
để chúng con đi khắp địa cầu
loan báo về Tình yêu và gieo rắc Tình yêu khắp nơi. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,15)
Câu chuyện minh hoạ:
Linh mục NATARINÔ ROCHKY, một thừa sai người Italia làm việc truyền giáo lâu năm ở Nhật Bản, đặc biệt là Ngài làm Cha sở họ đạo Elsaye. Cách thủ đô Tôkyô khoảng 100 km. Ngài kể lại câu chuyện sau đây: “Có một giáo sư đại học trẻ tuổi người Nhật xin gặp tôi mỗi tuần 2 buổi tối để thảo luận về các vấn đề tôn giáo và Phúc Âm, mặc dù ông chưa phải là tín hữu Công giáo. Những thảo luận như vậy kéo dài hơn một năm trời. Vị giáo sư này trình bày cho tôi những nghi ngờ, thắc mắc về đạo, đồng thời ông cũng xin tôi giải thích thêm về Phúc Âm, về Giáo hội và về luân lý của đạo công giáo.
Sau hơn một năm, tôi cảm thấy vị giáo sư thông minh đó có vẻ sẵn sàng đón nhận Bí tích Thánh Tẩy, nên tôi hỏi ông có muốn được rửa tội và gia nhập vào Hội thánh Công Giáo hay không. Tôi ngạc nhiên khi thấy ông từ chối cách lịch sự. Và từ đó, tôi không thấy ông lui tới với tôi nữa… Bẵng đi hơn 10 tháng, khi tôi hầu như đã quên đi vị giáo sư đó, thì một hôm. Ông trở lại gặp tôi và nói:
Thưa Cha, Cha đã thuyết phục được con. Bây giờ con sẵn sàng đón nhận Bí tích Rửa tội và con cũng đã chuẩn bị cho vợ con cũng như hai đứa con của con.
Nghe đến đây, tôi rất ngạc nhiên. Tôi hỏi ông điều gì đã khiến ông thay đổi ý kiến như thế. Ông ta đáp:
– Trong những tháng qua, con đã âm thầm quan sát xem Cha đã sống như thế nào. Cha đã từng nói với con rằng Cha thường dâng thánh lễ một mình trong nhà thời mỗi ngày lúc 7 giờ sáng. Đó cũng là giờ con ra ga xe lửa để đến Tôkyô dạy học, vì thế con vẫn có dịp đi qua Nhà thờ của Cha. Con dừng lại một lát nhìn Cha qua cửa sổ, xem Cha làm gì trong đó. Bao giờ con cũng thấy Cha trong Nhà thờ và cầu nguyện thật sốt sắng. Ngoài ra, con cũng dò hỏi nhiều người về cách sống của Cha. Qua các cuộc điều tra đó, con thấy quả thật Cha đã tin và đã sống những điều Cha đã chia sẻ cho con về đạo. Xét về mặt kiến thức thì con đã xác tín về sự thật Tin Mừng, nhưng con muốn xem Cha có sống Tin Mừng thực sự hay không”.
Suy niệm:
Cha Rochky đã truyền giáo không những bằng lời giảng mà còn bằng đời sống của mình nữa, nên đã thu hút được lòng tin của người ngoại giáo. Thật vậy, truyền giáo không phải là thuyết trình thật hay, thật hấp dẫn, nhưng bằng đời sống chứng tá. Chúng ta cần đưa truyền giáo vào môi trường sống của mình.
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu hiện ra với Nhóm Mười Hai và sai các ông đi loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin thì được cứu độ. Chúng ta không áp đặt người khác, không ép người khác tin theo, cũng như không mua chuộc bằng tiền của… Chúng ta giới thiệu chính Chúa cho người khác, để họ tin nhận Chúa và theo Chúa. Trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, Ngài cũng đã giới thiệu Nước Trời không bằng những lời chiêu dụ, nhưng bằng cả cuộc đời của Ngài để loan báo một vương quốc vĩnh cửu dành sẵn cho muôn người.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết mạnh dạn và can đảm loan truyền Danh Chúa cho muôn người trong môi trường chúng con đang sống và làm việc.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Những bậc cha mẹ yêu thương con cái, trước khi từ trần, họ thường để lại cho con cái gia sản và những lời trăn trối quý hóa. Và một người con thảo hiếu sẽ phải trân trọng, khắc ghi và thi hành những lời nhắn nhủ này để làm rạng danh cha mẹ. Tương tự vậy, đoạn Tin Mừng mà Giáo Hội cho chúng ta nghe trong ngày lễ kính thánh Phanxicô Xaviê hôm nay, nhắc lại lệnh truyền của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ thân yêu trước khi Người về trời, đó là: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án”.
Như thế, lời của Chúa Giêsu đã chỉ rõ, việc rao giảng Tin Mừng không hề có biên giới, cũng không phân biệt màu da hay chủng tộc, tầng lớp xã hội gì cả, nhưng là đi khắp tứ phương thiên hạ để loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Điều này có nghĩa là, tất cả mọi người đều có quyền được thông chia phần phúc đón nhận Tin Mừng. Cho nên, các tông đồ phải ra khỏi môi trường Do Thái khép kín của mình, để nói cho muôn dân biết tin vui: Chúa Giêsu đã chết, nhưng nay Người đã sống lại để ban ơn cứu độ cho nhân loại.
Nhận được lệnh truyền này, các tông đồ đã ra đi rao truyền chân lý cứu độ không mệt mỏi. Các ngài đã chấp nhận mọi cực hình, mọi gian lao vất vả, kể cả việc hy sinh chính mạng sống của mình, miễn sao danh Chúa Kitô được rao giảng. Và các vị thừa sai, cụ thể là thánh Phanxicô Xaviê mà chúng ta mừng kính hôm nay cũng đã hăng say tiếp bước hành trình truyền giáo của các tông đồ, để đem đức tin đến cho nhiều người.
Thánh Phanxicô Xaviê chính là hiện thân của Tin Mừng phổ quát, không biên giới. Ngài nhận ra giá trị đích thực của Tin Mừng và bổn phận của một người tôi tớ Chúa phải rao truyền Tin Mừng ấy, nên đã từ giã vinh hoa phú quý để rong ruổi trên những nẻo đường xa lạ, để chia sẻ và cảm thông sâu xa với những người nghèo khổ, bất hạnh thuộc mọi chủng tộc, mọi quốc gia.
Nhận được một tin vui, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng muốn chia sẻ tin vui ấy cho người khác. Biết được kết quả thi đậu, hẳn là ta sẽ gọi điện báo cho những người thân yêu hằng quan tâm lo lắng cho ta; một sinh viên tìm được một quán cơm ngon, hợp với túi tiền cũng sẽ giới thiệu cho các bạn bè cùng phòng trọ hay cùng trường… Đặt mình đối diện với lệnh truyền lên đường của Thầy Giêsu, liệu chúng ta hôm nay đã làm được gì cho sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội, của giáo xứ và của bản thân mình?
Lạy Chúa Giêsu, đứng trước lệnh truyền của Chúa, chúng con sẽ phải làm gì và phải trả lời sao đây? Chẳng lẽ chúng con lại muốn bưng bít “tin vui cứu độ” cho riêng mình? Hay là “tin vui” mà các tông đồ hăm hở loan báo, đến nỗi liều hy sinh cả mạng sống, lại không có sức thuyết phục chúng con? Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin và lòng nhiệt thành cho chúng con, để chúng con cũng biết cộng góp vào chương trình cứu độ của Chúa. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien