16.11.2021 – Thứ Ba Tuần XXXIII Thường Niên
Lời Chúa: Lc 19, 1-10
Sau khi vào Giêrikhô, Ðức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. Và kìa, có một người tên là Giakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Ðức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Ðức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. Khi Ðức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Còn ông Giakêu thì đứng mà thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Ðức Giêsu nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”
Suy niệm:
Ở thành phố Giêricô không chỉ có anh mù Báctimê ngồi ăn xin,
mà còn có ông Giakêu, đứng đầu các người thu thuế.
Ông là người giàu có, nhưng thật ra ông là người nghèo,
vì ông bị mọi người khinh rẻ bởi cái nghề thu thuế của ông.
Giakêu đi chung với đám đông, theo sau Đức Giêsu.
Ông có một khao khát mãnh liệt là được thấy mặt Ngài,
vì chắc ông đã nghe nhiều người nói về vị ngôn sứ khác thường ấy.
Giêsu không khinh giới thu thuế, trái lại còn kết bè kết bạn với họ.
Giêsu là ai? Đó là người ông tìm cách gặp mặt (c. 3).
Có hai cản trở khiến cho cuộc gặp gỡ trở nên khó khăn.
Đám đông vây quanh Đức Giêsu khiến ông không thấy Ngài.
Hơn thế nữa, thân hình ông lại thấp bé.
Nhưng Giakêu không dễ nản lòng.
Ông chạy đón đàng trước và leo lên một cây sung để thấy Đức Giêsu,
vì ông biết thế nào Ngài cũng đi qua đó.
Như thế ông đã vượt qua được đám đông và sự thấp bé của mình.
Để vượt qua thì phải chạy chứ không đi từ từ,
và phải vất vả leo lên cao, vượt lên trên cái tôi nhỏ bé.
Giakêu khao khát đến mức nào mới dám nghĩ và dám làm như vậy.
Điều mà Giakêu không ngờ là Đức Giêsu đã dừng lại nơi cây sung,
và ngước mắt nhìn lên ông đang nằm bò trên cây như một đứa trẻ.
Ánh mắt của Ngài kéo theo hàng trăm cái nhìn khác của đám đông.
Giakêu chắc xấu hổ luống cuống, còn Đức Giêsu thì hạnh phúc tràn trề.
Dường như Ngài quên đám đông, để chỉ nghĩ đến con chiên lạc này.
“Giakêu, xuống nhanh đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (c. 5).
Đây là một lời hối thúc dịu dàng và một đề nghị bất ngờ.
Giakêu ngỡ ngàng kinh ngạc trước ánh mắt ấy, lời nói ấy.
Ông đã nhanh chóng leo xuống và dẫn Đức Giêsu về nhà mình.
Đường từ gốc sung về nhà ông bao xa, ta không biết,
nhưng chắc chắn đó là đoạn đường đầy niềm vui.
Giakêu bỗng thấy mình mất đi mặc cảm tự ti, lấy lại được danh dự,
vì Đức Giêsu sắp đến nhà ông, căn nhà ít ai muốn đến (c. 7).
Ông chỉ muốn thấy mặt Ngài, còn Ngài lại muốn vén mở lòng mình.
Cách cư xử của Ngài đối với một người tội lỗi như ông
đã làm lòng ông tan chảy và mời gọi ông đổi đời.
Những thứ ông từng say mê, bây giờ chẳng có gì hấp dẫn.
“Tôi xin cho người nghèo nửa tài sản của tôi…” (c. 8).
Giakêu đã hoán cải một cách bất ngờ, tự nguyện, sâu xa và cụ thể.
Cuộc đổi đời của Giakêu là kết quả của việc hai người đi tìm nhau.
Không phải chỉ Giakêu mới là người đi tìm.
“Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (c. 10).
Giakêu dạy cho chúng ta biết cách tìm kiếm Chúa trong đời.
Phải ước ao cho mãnh liệt, rồi ta sẽ được soi sáng để tìm ra con đường,
ngay cả khi ở trong tình huống tưởng như tuyệt vọng.
“Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (c. 9).
Giakêu đã quảng đại và vui sướng mở lòng để đón lấy ơn cứu độ đó.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.
Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Đấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép Rửa.
Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.
Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối mình.
Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Giakêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” (Lc 19,10)
Câu chuyện minh họa:
Truyện kể: Công tước D’Ossome, phó vương xứ Napoli, nước Ý. Một hôm, ông đi thị sát chiến thuyền Galère được chèo chống bởi một đội tù nhân đông đảo. Khi gặp các tù nhân, ai cũng kêu ca bào chữa rằng họ là những người vô tội. Chỉ có một tù nhân ngồi ở phía góc cúi đầu, chẳng nói chẳng rằng. Công tước bước đến và dịu dàng hỏi han. Anh nói: Thưa ngài, tôi chẳng có gì để bào chữa. Tôi chịu xứng với tội tôi đã phạm. Công tước quay ra nói với mọi người: Anh này là phạm nhân, hắn không xứng đáng ngồi nơi đây chung đụng với những người vô tội. Ta ra lệnh trục xuất ngay hắn ra khỏi chỗ này. Và thế là, chỉ nhờ vào lòng chân thành biết nhận lỗi. Người tù nhân đã được giải phóng khỏi kiếp nô lệ.
Suy niệm:
Giakêu chân thành nhìn nhận mình là người tội lỗi, và ăn năn hối cải bằng hành động cụ thể. Ông nhận ra lời mời gọi của Chúa. Ánh mắt của Chúa đã biến đổi cuộc đời của ông. Ông nhìn thấy dung mạo của Chúa là Đấng cứu độ đã đến và hiện diện trong thế gian. Chúa Giêsu đã phá đổ quan niệm những giới hạn và tập tục của người Do Thái “vì Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã mất”. Chính thái độ đi bước trước của Chúa Giêsu đã giúp Giakêu sám hối và tìm lại đời sống luân lý tốt đẹp hơn. Chúa Giêsu đã đi tìm Giakêu trước khi Giakêu muốn gặp Ngài, và Chúa nhìn thấy rõ tâm hồn và ước muốn thánh thiện của ông.
Giakêu gợi lên hình ảnh mỗi người chúng ta, liệu chúng ta có biết nhận ra con người tội lỗi để hoán cải và xin ơn tha thứ của Thiên Chúa hay không? Liệu rằng chúng ta có biết yêu thương tha thứ cho những anh chị em chúng ta hay không?
Lạy Chúa, xin soi sáng cặp mắt đức tin chúng con để chúng con nhận ra tình yêu thương tha thứ của Chúa, để chúng con thay đổi cuộc đời, thay đổi cái nhìn để mỗi ngày con sống gần Chúa và gần anh chị em con hơn.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
“Vì Con Người đến tìm kiếm những gì đã hư mất”. Bạn có nghĩ mình là người mà Chúa Giêsu đang tìm kiếm không?
Ở một góc độ nào đó, bạn nghĩ mình không cần. Vì sao? Vì tôi không phải là người thu thuế bị ghét bỏ. “Dakêu đứng đầu những người thu thuế”. Cách nào đó, ông có địa vị xã hội. Nói theo ngày nay là ông cũng thuộc loại có “số má” chứ chẳng phải dạng vừa. Ông có bị ghét bỏ là vì quan niệm chính trị và tôn giáo bấy giờ chi phối người Do Thái, vốn không thích gì sự thống trị của Rôma. Ta có thể nói: tôi đâu có phải là người theo đế quốc, đâu có phải là người thu thuế tham nhũng kia, đâu phải tệ như những người kia… Ta tự đánh giá cho mình tốt rồi, nên không phải là đối tượng để Chúa đi tìm. Tốt thôi, nếu ta thực sự thấy thế thì cũng chẳng sao, vì Chúa đi tìm kiếm cái gì hưu mất cơ mà.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, tôi nghĩ tôi cần. Cuộc gặp gỡ này là cuộc gặp gỡ của sự hoán cải, cuộc gặp gỡ đổi đời đối với ông Dakêu. Hãy nghe ông nói: “Đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Trong khi người ta xì xầm rằng Chúa Giêsu ăn cơm “nhà người tội lỗi” là Dakêu, thì lời hứa của Dakêu đáng trân quý biết bao. Lấy của cho người nghèo để theo Chúa Giêsu, như yêu cầu của Chúa Giêsu với người thanh niên giữ luật hoàn hảo. Ở đây, Chúa Giêsu chưa đòi hỏi hay ra điều kiện, Dakêu đã chủ động lấy phân nửa tài sản cho người nghèo. Và quan trọng hơn, “nếu tôi chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”, điều này bao hàm sự thật là ông làm thu thuế nhưng rất công tâm, không tham nhũng gian dối. Mà nếu có tham nhũng gian dối, ông xin đền gấp bốn. Chắc chắn điều này sẽ làm cho những người biệt phái khó chịu, họ buộc phải soi lại mình. Nhìn bên ngoài đạo mạo nhưng chưa chắc đã liêm chính. Như cách mà Thánh Luca miêu tả Dakêu: “ông là người lùn”. Ông lùn đó, thấp bé đó, nhưng những kẻ tự cho mình cao trọng, kẻ cả phải ngước nhìn người lùn này. Thế nên ông xứng đáng được Chúa thân chinh đến nhà, dùng bữa. Chúa còn nói với ông: “hôm nay ơn cứu độ đã đến trong nhà này, vì ông cũng là con cháu Abraham”. Còn gì tuyệt vời hơn khi Chúa Giêsu nói với bạn: hôm nay Ta sẽ ở lại nhà con. Hoán cải cuối cùng là để Chúa ở lại với ta. Làm môn đệ cuối cùng là để chúng ta ở lại với Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết khiêm hạ, luôn biết nhìn lại mình. Luôn biết cậy nhờ vào ơn Chúa. Xin cho chúng con nên như Dakêu, biết chọn Chúa làm lẽ sống của mình. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien