29.10.2021 – Thứ Sáu Tuần XXX Thường Niên
Lời Chúa: Lc 14, 1-6
Một ngày sabát kia, Ðức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. Và kìa trước mặt Ðức Giêsu, có một người mắc bệnh phù thũng. Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pharisêu: “Có được phép chữa bệnh ngày sabát hay không?” Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về. Rồi Người nói với họ: “Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sabát?” Và họ không thể đáp lại những lời đó.
Suy niệm:
Sau khi dự nghi thức ở hội đường vào ngày sabát,
người ta thường mời khách về nhà dùng bữa trưa.
Bữa ăn này đã được chuẩn bị từ ngày hôm trước.
Hôm nay Đức Giêsu lại được một người Pharisêu mời dùng bữa.
Đây là lần thứ ba Ngài được mời ăn như thế (x. Lc 7, 36; 11, 37).
Và đây cũng là lần thứ ba có sự căng thẳng
vì Ngài chữa bệnh trong ngày sabát (x. Lc 6, 6; 13, 10).
Những người Pharisêu trong bữa ăn hôm nay chăm chú nhìn Ngài (c. 1).
Chúng ta không rõ người mắc bệnh phù thũng có là khách không.
Hay phải chăng anh ấy là người không mời mà đến?
Nếu là khách thì tại sao Đức Giêsu lại cho anh về sau khi chữa khỏi?
Dù sao thì anh ấy cũng đang đứng trước mặt Đức Giêsu (c. 2).
Ngài thấy những dấu hiệu của bệnh phù thũng nơi thân xác anh.
Trên người anh có chỗ sưng lên vì nước bị ứ lại.
Chính Đức Giêsu là người chủ động đặt vấn đề với người Pharisêu.
“Có được phép chữa bệnh trong ngày sabát không ?” (c. 3).
Hiển nhiên đối với họ, chỉ được phép chữa những bệnh nhân hấp hối.
Anh bị phù thũng không nằm trong diện này.
Vậy mà họ đã giữ thái độ thinh lặng trước câu hỏi đó (c. 4).
Đức Giêsu đã chữa bệnh cho anh chỉ bằng một cử chỉ đỡ lấy.
Không có lời nói nào kèm theo.
Có lẽ anh đã đi về nhà, lòng vui sướng vì được khỏi bệnh.
Đức Giêsu đã muốn biện minh cho hành vi chữa bệnh trong ngày sabát
bằng một câu hỏi về cách ứng xử trong một trường hợp cụ thể (c. 5).
“Giả như các ông có đứa con trai hoặc con bò sa xuống giếng,
các ông lại không kéo nó lên ngay lập tức, dù là ngày sabát sao?”
Họ đã không thể đưa ra câu trả lời,
vì dĩ nhiên là phải kéo nó lên ngay, trước khi nó chết dưới giếng.
Đối với Đức Giêsu, chữa bệnh đơn giản là kéo một người lên ngay.
Dù Ngài không phủ nhận tầm quan trọng của việc giữ ngày sabát,
nhưng ngày sabát lại không cấm làm điều phải làm, đó là chữa bệnh.
Rõ ràng Đức Giêsu quan tâm đến nhu cầu của con người.
Nếu để đến hôm sau mới chữa cho anh phù thũng thì cũng được.
Nếu để bà còng lưng mười tám năm chịu thêm một ngày cũng không sao.
Nhưng Ngài muốn giải phóng con người ngay lập tức, khi có thể được.
Ngài muốn làm vơi nỗi đau kéo dài đã lâu của con người.
Chính vì bà còng lưng đã mười tám năm đau khổ
nên không cần kéo dài thêm, dù chỉ một ngày nữa.
Luật lệ đạo đời nhằm phục vụ cho hạnh phúc thực sự của con người.
Trong cuộc sống hôm nay, có nhiều việc cần làm ngay.
Có bao mảnh đời sắp bị đổ vỡ, có những nguy cơ đe dọa nhân phẩm,
có những người trẻ đứng trên bờ vực, có những thai nhi bị chối từ.
Làm sao chúng ta không dửng dưng với những em nhỏ ở kề miệng giếng,
và không quay lưng với những người đã sa xuống vực sâu?
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về.” (Lc 14,4)
Câu chuyện minh họa:
Gilgal Zamir, người thanh niên 25 tuổi đã sát hại Thủ tướng Do Thái, ông Y. Rabin, khi bị tòa án tại Tel Aviv kết án tù chung thân, chẳng những không để lộ bất cứ cử chỉ hối hận nào, mà còn tuyên bố: “Tất cả những gì tôi làm là làm cho Chúa, làm cho lề luật, làm cho dân tộc Israel”. Thái độ của Gilgal Zamir đã khiến cho quan tòa đưa ra nhận định: Gilgal Zamir có những khuynh hướng vị kỷ, nhìn thế giới chỉ dưới hai màu trắng đen mà thôi; anh ta là sản phẩm của một nền giáo dục không quan tâm đủ đến những giá trị nhân bản và đạo đức cần mang lại cho người trẻ hiện nay.
Suy niệm:
Gilgal Zamir nhân danh Chúa về lề luật, nhưng anh không cảm thông trước nỗi đau của người khác, đó cũng là hình ảnh của những biệt phái thời Chúa Giêsu. Đối với Chúa Giêsu, lề luật của Ngài chính là tình yêu thương, bằng chứng là Ngài đã chữa lành bệnh nhân, đem tình yêu và niềm vui cho người nghèo, người đau khổ, bệnh tật… Ngày sabat, Chúa chữa lành bệnh nhân không phải nhằm chống đối lề luật, nhưng để cho họ biết ý nghĩa của ngày sabat là ngày giải thoát con người khỏi tội lỗi và bệnh tật.
Lạy Chúa, xin cho con sống đúng lề luật Chúa trong ý hướng của Ngài là hướng đến tha nhân bằng tình yêu thương.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Đoạn Tin mừng hôm nay là một sự chất vấn của Chúa Giêsu dành cho mỗi người chúng ta. Rất thường chúng ta lại vị kỷ, yêu bản thân mình, luôn đòi hỏi quyền lợi mình phải được ưu tiên. Hình ảnh con vật nuôi dùng để kéo cày đem lại nguồn kinh tế cho gia đình bị rớt xuống giếng được Chúa Giêsu làm ví dụ điển hình để chất vấn: liệu người giữ luật Sabat có mặc kệ “tài sản mình” dưới giếng, đợi qua ngày lễ nghỉ hẵn tính, hay là chúng ta lo cứu con vật ấy lên ngay?
Quả thế, dù không nói ra nhưng ai trong chúng ta cũng có câu trả lời đó là sẽ mau chóng hết sức có thể đưa con vật nuôi của mình từ dưới giếng lên trên miệng giếng. Với một con vật thôi đã thế, vậy với một người mắc chứng bệnh phù thũng trầm kha, họ cũng đang cố tìm thầy chạy thuốc. Sự nản lòng vì bệnh tật dai dẳng cũng khiến tinh thần bệnh nhân cách nào đó như đang rơi xuống hố sâu của cuộc đời. Như thế, liệu một người giữ luật để được gọi là đạo đức có hành xử quá nệ luật không? Và người có tấm lòng vị tha liệu sẽ chần chừ trong việc cấp cứu chữa người sao? Vâng, đó là một điều mà một người vì lòng yêu mến Chúa sẽ không thể nào được phép làm lơ trước nỗi khổ của anh chị em mình.
Luật lệ sẽ trở thành vô nghĩa nếu không vì lợi ích của con người. Ngay cả với Thiên Chúa, Ngài đặt giới răn cũng gồm tóm trong một điều duy nhất đó là luật yêu thương. Vậy lạy Chúa, xin cho con biết quý trọng mạng sống Thiên Chúa ban cho mình và anh chị em, để luôn thể hiện tình bác ái Kitô giáo dành cho anh chị em mình. Xin cho con luôn ghi nhớ trong thâm tâm mình rằng “Giới hạn của yêu thương là yêu thương không giới hạn”. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien