28.9.2021 – Thứ Ba Tuần XXVI Thường Niên
Lời Chúa: Lc 9, 51-56
Khi đã tới ngày Ðức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem. Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Samari để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem. Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” Nhưng Ðức Giêsu quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác.
Suy niệm:
Sống là lên đường.
Hai lần tiên báo về cái chết sắp đến
cho thấy Đức Giêsu biết rõ con đường mình sắp đi,
và những gì sẽ xảy ra ở cuối đường (Lc 9, 22. 44).
Bị bắt, bị nộp, bị loại bỏ, bị giết chết,
là những điều tự nhiên ai cũng gớm ghét, sợ hãi và muốn né tránh.
Đức Giêsu cũng vậy, vì Ngài mang trọn phận người như ta.
“Đức Giêsu nhất quyết đi lên Giêrusalem” (c. 51).
Lên Giêrusalem là một quyết định đắn đo và nghiêm túc,
cũng là một chọn lựa tự do và can đảm của Đức Giêsu,
bởi lẽ lên đó là chấp nhận đối diện với cái chết bi đát.
Giêrusalem là trung tâm hoạt động của các nhà lãnh đạo Do Thái giáo,
những người đang âm mưu bắt được Đức Giêsu để thủ tiêu.
Muốn được sống yên thân, Đức Giêsu chỉ cần đừng lên thành đô ấy,
chỉ cần giới hạn hoạt động của mình ở Galilê.
Lên Giêrusalem trong tình thế dầu sôi lửa bỏng như bây giờ
là làm một cuộc Xuất Hành mới (Lc 9, 31), đầy bất trắc hiểm nguy.
Nhưng Đức Giêsu không sợ đến với nơi Cha muốn mình đến:
“Hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi,
vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được” (Lc 13, 33).
Giêrusalem là nơi Đức Giêsu hiến mình qua cái chết vì vâng phục,
nhưng Giêrusalem cũng là nơi Ngài được phục sinh và rước lên trời (c. 51).
Tin Mừng Luca coi việc lên Giêrusalem như một hành trình dài (9, 51-19, 27).
Ngài cố ý đi ngang qua vùng đất của người Samari.
Giữa người Do Thái và người Samari có sự xung khắc.
Người Do Thái khinh người Samari, người Samari thù người Do Thái.
Chính vì thế khi biết nhóm Thầy trò lên đường đi Giêrusalem dự lễ,
người dân một ngôi làng Samaria đã từ chối tiếp đón.
Giacôbê và Gioan, từng được Thầy gọi là con của thiên lôi (Mc 3, 17),
đã muốn xin cho mình được chia sẻ quyền năng trừng phạt của Thầy.
Họ muốn làm như ngôn sứ Êlia ngày xưa (2 V 1, 10. 12),
“khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy bọn chúng” (c. 54).
Nhưng Thầy Giêsu, người dẫn đầu, đã quay lại quở mắng hai ông.
Ngài chẳng bao giờ dùng quyền lực để trừng phạt kẻ từ chối mình.
Ngài sống điều Ngài đã giảng cho các môn đệ (Lc 6, 29).
Làm sao có thể giết người khác chỉ vì họ không đón nhận mình?
Quyền lực của Thiên Chúa không đe dọa, không áp đặt,
cũng không bóp chết tự do mà Ngài đã ban cho con người.
Sự bao dung của Đức Giêsu cho ta thấy sự bao dung của Thiên Chúa.
Chúng ta có thể học được nhiều điều từ thái độ này.
Như các môn đệ, chúng ta cũng thích thi thố quyền lực.
Chúng ta cũng thích dùng lửa khi có lửa trong tay.
Chúng ta không chấp nhận một Kitô giáo có vẻ yếu đuối, chịu lép vế.
Thầy Giêsu và các học trò đã đi sang làng khác (c. 56).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng
trước mọi biến cố của cuộc sống,
khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm,
hay gặp sự bất trung, bất tín
nơi những người con tin tưởng cậy dựa.
Xin giúp con gạt mình sang một bên
để nghĩ đến hạnh phúc người khác,
giấu đi những nỗi phiền muộn của mình
để tránh cho người khác phải đau khổ.
Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời,
để đau khổ làm con thêm mềm mại,
chứ không cứng cỏi hay cay đắng,
làm con nhẫn nại chứ không bực bội,
làm con rộng lòng tha thứ,
chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ.
Ước gì không ai sút kém đi
vì chịu ảnh hưởng của con,
không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật,
lòng cao thượng, tử tế,
chỉ vì đã là bạn đồng hành của con
trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu.
Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối,
xin cho con có lúc
thì thầm với Chúa một lời yêu thương.
Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên,
tràn trề sức mạnh để làm việc thiện,
và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh. Amen.
(dịch theo Learning Christ)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa:
“Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không? Nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông.” (Ga 1,54-55)
Câu chuyện minh họa:
Trong khuôn viên đang được kiến thiết dở dang của Giáo xứ Bình Long, có một pho tượng Chúa Giêsu là vua cao khoảng 4m. Trong chiến cuộc năm 1972, pho tượng này bị gẫy một tay. Nhưng ngay sau đó pho tượng đã được sửa chữa lại ngay trong lúc bom đạn còn đang rơi.
Đến năm 1975, không biết vì lý do nào, pho tượng này lại bị mất đầu. Tình trạng này của pho tượng vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay.
Trong những năm từ thập niên 70 đến 90, pho tượng này đã bị người ta coi như một cây cột điện, vì thế hai cánh tay của Chúa đang giang ra, không phải là để được ôm những con cái của Ngài vào lòng, mà người ta đã bắt giang ra để nâng hai sợi dây điện.
Thấy cảnh tượng này, nhiều người lấy làm đau xót đã thốt lên rằng, sao mà Chúa lại không phạt nhãn tiền những kẻ đã dám làm một việc vô liêm sỉ như thế, để chúng chống mắt lên mà nhìn xem quyền năng của Chúa?
Suy niệm:
Tâm tư của những người chứng kiến cảnh tượng này cũng giống như tâm tư của hai môn đệ Giacôbê và Gioan khi không thấy dân làng đón tiếp Chúa, thì các ông xin Chúa thiêu hủy thành Samaria. Nhưng Chúa lại quở trách các ông, vì Chúa đến để cứu vớt chứ không phải để hủy diệt. Nhiều người trong chúng ta cũng vậy, khi thấy người khác làm việc ác, việc xấu thì muốn Chúa phạt họ. Đó là điều con người khác với Thiên Chúa. Và thông điệp Ngài muốn nhắn nhủ chúng ta là khi bị chống đối, bách hại và đau khổ, đừng bao giờ nóng nảy, chống chọi lại nhưng hết sức bình tĩnh, tin tưởng và cậy trông vào Chúa.
Thiên Chúa luôn nhân hậu và kiên nhẫn với con người, mong muốn con người sửa đổi trở nên người tốt. Ngài cũng muốn chúng ta tha thứ và thông cảm với những lỗi lầm của nhau, giúp nhau sửa lỗi hơn là tiêu diệt nhau.
Lạy Chúa, ai trong chúng con cũng có những lỗi phạm, xin cho chúng con biết nhìn nhận những yếu đuối của người khác để thông cảm và giúp nhau hoàn thiện hơn, để chính bản thân mỗi người chúng con cũng lđược người khác thông cảm.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Bao nhiêu ngày tháng Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời, làm nhiều phép lạ và chữa lành nhiều người, Chúa Giêsu giờ trở nên nổi tiếng và Người đích thực là Đấng Mêssia, Con của Thiên Chúa. Các môn đệ của Chúa cũng thừa hưởng từ Thầy của mình những quyền năng đó, cho nên mới nói: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?”. Hai môn đệ bực tức vì dân ngoại Samaria không tiếp đón Thầy mình. Nhưng thật không may, các ông nói và muốn làm điều không vừa ý Chúa. Tại sao lại như vậy? Bởi vì các ông đã giải quyết vấn đề hoàn toàn theo tính tự phát của mình.
Các ông là môn đệ của Chúa, các ông được Chúa trao quyền hành; và nếu người môn đệ vừa có quyền lại vừa có khả năng làm điều đó, thì ai có thể sống sót nếu như giải quyết một cách tự phát như vậy?
Nhiều khi chúng ta thường giải quyết một vấn đề theo tính tự phát như thế. Chúng ta quên đi ý Chúa muốn làm nơi chúng ta. Chúng ta quên đi rằng, chúng ta là khí cụ bình an của Chúa. Chúa Giêsu giải quyết bằng cách rất hiền lành, không quở mắng họ, nhưng đi qua làng khác. Người giải quyết vấn đề bằng tình yêu.
Lạy Chúa, xin dạy con biết sống hiền lành. Xin đừng để ý của con lấn át ý của Chúa, nhưng xin cho ý của Chúa luôn thể hiện trong cuộc đời con. Amen.
#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay #MuaThuongNien