16.6.2021 – Thứ Tư Tuần XI Thường Niên
Lời Chúa: Mt 6, 1-6. 16-18
“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
“Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
“Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
Suy niệm:
Lời nguyện:
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lời Chúa:
“Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,18b)
Câu chuyện minh họa:
Trong tập sách nhỏ tựa đề “Những người quá cố – Căn nhà của mọi người”, Cha Giuseppe Tomaselli, người Ý, dòng Don Bosco, viết:
Một linh mục nói với tôi: “Tôi đã già và đã từng đi khắp các đại lục Âu, Á và Phi châu. Tôi gặp gỡ và quen biết nhiều linh mục cùng Giám mục. Nhưng vị thánh thiện nhất mà tôi đã được hân hạnh tiếp xúc, có lẽ là Đức Cha Marengo, Giám mục Giáo phận Carrara, miền Bắc nước Ý. Cũng có thể vì quá quảng đại xả thân phục vụ tha nhân nên ngài sớm từ giã cõi đời, khi tuổi chưa cao. Ngài qua đời ngày 22-10-1921. Ngài ra đi để lại niềm thương tiếc cho các tín hữu. Họ thường âu yếm nhắc đến ngài như một vị thánh”.
Bảy năm dài trôi qua, người ta bắt đầu quên và không còn nhắc đến tên Đức Cha Marengo nữa. Thế rồi, vào một buổi chiều chạng vạng tối, nơi tu viện các nữ tu Salésiennes, hay cũng còn gọi là các Nữ Tử Đức Bà Phù Hộ, ở Nice, miền Nam nước Pháp, nữ tu coi cổng bắt đầu đóng tất cả các cửa ra vào. Chị đang đứng nơi hành lang tu viện. Bỗng chị kinh ngạc nhận ra bóng dáng một giáo sĩ đang đi bách bộ gần nơi cổng ra vào. Đầu vị giáo sĩ hơi cúi xuống, trong tư thế của một người vừa đi vừa suy gẫm.
Nữ tu canh cổng thắc mắc tự hỏi: Ai vậy kia? Và làm sao vào tu viện được, khi tất cả các cổng và cửa ra vào đều đã đóng kín? Chị liền từ từ đến gần vị khách lạ. Khi đến nơi, chị kinh ngạc nhận ra vị giáo sĩ không ai khác mà là Đức cha Marengo! Chị cuống quít hỏi dồn dập: “Thưa Đức Cha, sao Đức Cha lại ở đây? Không phải Đức Cha đã chết rồi sao”? Đức Cha Marengo liền trả lời: “Chị em và mọi người đã bỏ quên tôi nơi Luyện ngục! Tôi đã làm việc giúp đỡ cho tu viện này rất nhiều, vậy mà không ai còn nhớ cầu nguyện cho tôi nữa”? Chị nữ tu ngạc nhiên hỏi lại: “Ngài còn ở Luyện ngục sao? Một Giám mục thánh thiện như ngài mà vẫn còn ở luyện ngục hay sao?” Đức cha Marengo buồn bã trả lời: “Chỉ thánh thiện trước mặt người đời thôi chưa đủ, còn phải thánh thiện thật trước mặt Thiên Chúa nữa! Xin chị em nhớ cầu nguyện cho tôi.” Nói xong câu nầy, Đức cha Marengo biến mất.
Suy niệm:
Cái nhìn của loài người không giống cái nhìn của Chúa. Đôi khi với cái nhìn của con người về một người nào đó được đánh giá rất tốt nhưng đối với Chúa điều đó lại không đẹp ý Ngài. Bởi thế, Chúa là đấng thấu suốt những gì bì ẩn, và Ngài thưởng công ai nấy xứng với việc họ làm. Những việc làm như: bố thí, bác ái, từ thiện… với vẻ bề ngài thì rất tốt nhưng chúng ta làm để được tiếng khen của người đời thì thật vô nghĩa đối với Chúa. Làm việc lành phúc đức “đừng để tay trái biết việc tay phải làm”, nghe qua thì dễ nhưng thật khó để thực hành. Bởi ai cũng muốn mình được biết đến, được danh thơm tiếng tốt, được khen ngợi…
Chúa Giêsu muốn chúng ta vượt lên cái tự nhiên của con người, yêu chuộng lối sống khiêm tốn, ẩn mình trước những việc làm bố thí, và đừng phô trương. Vì trước mặt Thiên Chúa, những gì chúng ta dâng hiến thật quý giá và cao cả vô cùng.
Lạy Chúa, Chúa là Đấng thấu suốt những gì bí ẩn, xin giúp chúng con biết vượt lên chính mình, ra khỏi những cám dỗ vật chất, và vươn lên cả những cái tầm thường, để trong cuộc sống, chúng con luôn biết ra khỏi cái tôi của chính mình, sống cho Chúa và cho tha nhân.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH GP. PHÚ CƯỜNG
SUY NIỆM
Tin mừng hôm nay dường như đưa ta về tâm tình của ngày thứ Tư Lễ Tro. Đúng vậy, đó là tâm tình cho một khởi đầu thiêng liêng, một khởi đầu hoán cải, bất đầu từ nội tâm.
Nên nhớ, chúng ta đang sống trong những ngày thường niên. “Thường niên” tạo cảm giác cho chúng ta cảm giác thông thường. À, thì cũng bình thường thôi. Chính sự bình thường được điểm xuyến bởi tâm tình chay tịnh của thứ Tư Lễ Tro gợi cho chúng ta rằng: sự chay tịnh cũng là điều lập lại thường xuyên và chay tịnh hay hoán cải cũng là hành động thường nhật của chúng ta, là Ki-tô hữu. Ngày nào mà không phải hoán cải, ngày nào mà chúng ta không phải chay tịnh, ngày nào mà chúng ta không phải nội tâm hoá Tin mừng của Chúa!
Ba điều mà chúng ta ghi nhớ, không chỉ hôm nay mà còn cần suốt cả cuộc đời. Thứ nhất là phô trương, thứ hai là đạo đức giả và thứ ba là cầu nguyện.
– Thói khoe khoang, phô trương công đức là thói đời, chúng ta dễ mắc phải thói đời này bởi bản năng con người chúng ta. Nó không chỉ đơn thuần là tốt khoe xấu che, mà còn nâng cao công đức chúng ta cách thái quá. Ngày nay, với sự hỗ trợ của các phương thức truyền thông hay mạng xã hội, chúng ta dễ bị cám dỗ khoe khoang chính mình nhiều hơn. Khoe mình bằng sự so sánh hay cạnh khoé người khác, có khi giẫm lên người khác đã trở nên thói quen của chúng ta mỗi ngày. Khi mà phô trương quá, giá trị của chân thật bị chôn vùi, còn lại chỉ là những ảo ảnh của chính ta.
– Sự khoe khoang, phô trương thái quá, nó liên hệ đến thói đạo đức giả. Nó khiến chúng ta tự lừa chính mình bằng những tiếng khen và những thực tại phù phiếm. Sự giả dối nguyên mẫu của nó đã là sự hũ bại, còn đạo đức giả nó phải được gọi tên là lưu manh. Đã nói là đạo đức giả thì chắc chắn không là thật. Đạo đức mà không thật thì nó còn nguy hiểm hơn cả sự giả dối vì nó che đậy sự giả dối cách tinh vi nhất.
– Đời sống Ki-tô hữu phải là đời sống cầu nguyện, kết hợp với Chúa trong cầu nguyện không phải để phô trương, không phải để khoe khoang công trạng, cũng không phải để nói với Chúa về chính ta, mà là để Chúa nói với ta về Người, và Người cũng nói với ta về ta. Cầu nguyện để lắng nghe Chúa nói. Cầu nguyện để thấu suốt cõi lòng ta.
Lạy Chúa Giê-su, xin dẹp đi mọi thói đời xấu xa nơi chúng con. Xin dẹp đi thói khoe khoang ngạo mạn, quy về cái tôi cá nhân nơi chúng con. Xin cho chúng con biết chân thật, biết khiêm nhường, biết gắn bó với Chúa trong cầu nguyện và chay tịnh để tỏ lòng sám hối. Amen.