26.02.2018- Thứ Hai tuần II Mùa Chay
Hãy có lòng nhân
***
Lời Chúa: Lc 6, 36-38
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Ðấng nhân từ. Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, đừng kết án để khỏi bị kết án, hãy tha thứ thì sẽ được tha thứ, hãy cho thì sẽ được cho lại. Người ta sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”
Suy niệm:
Lòng nhân có chỗ đứng quan trọng trong Khổng giáo.
Sách Luận Ngữ coi lòng nhân là nét đặc trưng của con người.
Phật giáo cũng đề cao tinh thần từ bi hỷ xả.
Lấy ân báo oán, oán sẽ tiêu tan.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời các môn đệ
“Hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (c. 36).
Như thế nhân từ là nét đặc biệt nơi Thiên Chúa.
Nhân từ nằm ở nơi khuôn mặt và ngay nơi trái tim của Ngài.
Như tín đồ của các tôn giáo khác, Kitô hữu phải sống lòng nhân.
Nhưng hơn nữa, ở đây, Đức Giêsu mời gọi chúng ta
bắt chước lòng nhân từ của chính Thiên Chúa,
một lòng nhân từ không bị giới hạn bởi bất cứ ngăn cách nào.
Lòng nhân được diễn tả bằng bốn mệnh lệnh của Đức Giêsu,
hai mệnh lệnh tiêu cực và hai mệnh lệnh tích cực.
Các mệnh lệnh này đều ngắn gọn và nhịp nhàng.
Phần sau của mỗi mệnh lệnh đều ở thể thụ động,
nhằm nói lên hành động của Thiên Chúa.
“Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, đừng kết án để khỏi bị kết án,
hãy tha thứ thì sẽ được tha thứ, hãy cho thì sẽ được cho lại.”
Xét đoán ở đây không có ý nói đến hành động xét xử của vị quan tòa.
Nó chỉ muốn nói đến khuynh hướng hay phê bình, chỉ trích người khác.
Cần để ý đến tam giác giữa Thiên Chúa, tha nhân và chúng ta.
Thái độ của ta đối với tha nhân thế nào,
ta sẽ bị Thiên Chúa đối xử lại như vậy.
Nói cách khác, ta muốn được Thiên Chúa đối xử với mình ra sao,
ta hãy đối xử với tha nhân như vậy.
Càng cho nhiều và tha thứ nhiều, càng bớt xét đoán hay kết án,
ta càng được hưởng lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đong lại cho chúng ta bằng đấu của chúng ta,
không phải vì Ngài thiếu quảng đại hay rộng lượng.
Nhưng vì giống như người đi múc nước bằng một chiếc thùng nhỏ,
người ấy sẽ chỉ lấy được ít nước thôi.
Thiên Chúa muốn ban cho ta nhiều hết sức,
nhưng điều đó còn tùy vào sức chứa của ta.
Có khi chính ta lại tự giới hạn khả năng đón nhận của mình.
Mùa Chay là thời gian để ta sống lòng nhân của Thiên Chúa.
Hãy thay đổi cái đấu ta thường dùng để đong cho người khác,
chúng ta sẽ thấy mình giàu có hơn xưa.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
26.02.2018- Thứ Hai tuần II Mùa Chay
LOAN BÁO TIN MỪNG BẰNG ĐỜI SỐNG
(Lc 6, 36-38)
Mahama Gandhi, một nhà ái quốc của Ấn Độ, đã dành lại độc lập cho đất nước ông bằng biện pháp bất bạo động. Nguyên nhân dẫn đến việc ông sử dụng đường lối không đổ máu để dành tự do là vì nguồn cảm hứng đến từ chính Tin Mừng, nhất là “Tám Mối Phúc” và cuộc đời của Đức Giêsu ngang qua việc ông thường xuyên đọc Lời Chúa lúc còn trai trẻ thời tu học tại Anh Quốc.
Tuy nhiên, khi tâm sự với bạn của ông, ông thốt lên: “Tôi rất yêu mến Đức Giêsu, nhưng tôi không thích người Công Giáo, vì họ không giống như Đức Giêsu. Nếu họ giống như Ngài, thì dân tộc Ấn Độ chúng tôi đã trở thành những Kitô hữu từ lâu rồi”. Chính vì lý do đó, ông đã không thể trở thành Kitô hữu!
Ôi sự thật xót xa! Tuy nhiên, chuyện tưởng chừng như xảy ra bên Ấn Độ hay Anh Quốc thời Mahama Gandhi, nhưng thực tế, nó đang xảy ra qua lời nói, hành động và lối suy nghĩ của chúng ta nơi môi trường và cuộc sống hiện thời.
Lý do, trong đời sống đạo của chúng ta hiện nay, nhiều khi chỉ có bề ngoài mà không có chiều sâu; chỉ có lượng mà không có phẩm; chỉ có nói mà không có hành động; chỉ có hô hoán yêu thương, nhưng khi gặp những chuyện cần phải giúp đỡ thì tìm cách lẩn tránh! Hay nhiều khi chúng ta ích kỷ và chia “ô cuộc đời” để tách biệt những điều trong Tin Mừng với cuộc sống thực tế!
Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta không được phép chia “mảnh cuộc đời” của mình như vậy. Không ai cho phép chúng ta tách biệt nhà thờ, thánh lễ, kinh nguyện ra khỏi cuộc sống nơi xóm làng, chợ búa, nhà ga, gia đình…. Nhưng phải đưa Lời Chúa vào mọi ngõ ngách, mọi chiều kích của cuộc sống.
Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy sống những tâm tình của Chúa, đó là: đừng xét đoán hay kết án. Hãy tha thứ, cho đi, không phân biệt màu da, sắc áo….
Mong sao, chúng ta có Chúa trong tâm hồn và sống giới luật yêu thương. Khi không kết án, xét đoán, nhưng tha thứ và cho đi, chắc chắn chúng ta sẽ được cứu độ và mọi người sẽ nhận ra chúng ta là con cái Chúa và họ sẽ tin Chúa ngang qua đời sống đạo của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có lòng nhân từ, tha thứ như Chúa, để chúng con thuộc về Chúa và đem Chúa đến giới thiệu cho người khác bằng chính cung cách sống của chính mình. Amen.
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
26.02.2018- Thứ Hai tuần II Mùa Chay
Lc 6,36-38
Lời Chúa:
“Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán” (Lc 6,37)
Câu chuyện minh họa:
Có một câu chuyện được đăng trong tạp chí Reader’s Digest như sau: “Một người bạn của tôi trên chuyến trở về Nam Phi sau một thời gian sống ở Âu châu, đã phải chờ khá lâu ở phi trường Heathrow của London. Sau khi mua một ly cà phê và một gói bánh bích quy, cô kéo lê hành lý lỉnh kỉnh tới một cái bàn trống để đọc báo và ăn bánh trong khi chờ đợi máy bay.
Khi đang đọc tờ báo buổi sáng, cô nhận ra có người đang sột soạt gì đó ở bàn mình. Hé nhìn từ phía sau tờ báo, cô sửng sốt thấy một anh chàng ăn mặc lịch sự đang với tay lấy bánh của cô rồi bỏ vào miệng. Không muốn làm ầm ĩ, cô chỉ nghiêng mình để lấy một cái cho mình. Hai phút sau, cô lại nghe tiếng sột soạt. Anh chàng kia lại lấy thêm bánh để ăn.
Cho đến lúc cả hai đã ăn đến cái bánh cuối cùng trong gói, cô đã tức giận hết sức nhưng vẫn không nói được câu nào. Rồi chàng trai bỗng bẻ cái bánh cuối cùng làm hai, đẩy một nửa về phía cô và ăn nửa còn lại, rồi bỏ đi.
Lát sau, khi loa phóng thanh gọi tên cô, và yêu cầu cô xuất trình vé, cô vẫn còn bừng bừng cơn giận.
Các bạn hãy thử tưởng tượng sự xấu hổ của cô khi cô mở túi xách ra và khám phá ra rằng gói bánh của mình vẫn còn nằm nguyên trong đó.
Thì ra từ nãy tới giờ cô đã ăn bánh của người khác. Chàng trai kia đã chia sẻ với cô đến miếng bánh cuối cùng. Thật là một con người tốt bụng.”
Suy niệm:
Qua câu chuyện trên đây, chúng ta rút ra được bài học, cái nhìn của chúng ta về người khác không luôn luôn chính xác, thậm chí nhiều khi còn nhầm lẫn nữa. Vì thế, chúng ta đừng vội xét đoán hay kết án người khác. Chúng ta cần phải suy xét cẩn thận, khi có đủ bằng cớ rồi mới đưa ra kết luận.
Chúng ta cần trở nên giống Chúa Giêsu nhiều hơn. Khi lầm lỗi, Ngài mong con người trở về, Ngài sẵn sàng tha thứ cho chúng ta với một tình thương yêu vô bờ. Đối với tha nhân, chúng ta có dám tha thứ khi người anh em của mình đến xin lỗi không? Chúng ta có nhẫn nại để người anh em của mình sửa lỗi không? Chúng ta có nhìn nhận những việc làm của anh em mình với ánh mắt của Chúa không hay chúng ta chỉ biết xét đoán theo cảm tính riêng?
Lạy Chúa, chúng con vốn là những người ích kỷ, hẹp hòi chỉ biết sống cho mình. Xin Chúa thay đổi tâm hồn chúng con để mỗi ngày chúng con trở nên giống Chúa nhiều hơn.
Têrêsa Mai An
Nguồn: Web Gp. Mỹ Tho