Đức Giêsu đã nói về mình như một người hiền hậu và khiêm nhường. Sự khiêm nhường của Người được thể hiện rõ nét nhất qua mầu nhiệm nhập thể. Là Thiên Chúa toàn năng, Người đã hạ mình nhận thân phận con người, sống như người trần thế (x Phl 2,6-12). Nếu Người kêu gọi chúng ta sống khiêm nhường, là vì chính Người đã sống khiêm nhường suốt đời để thực hiện Thánh ý Chúa Cha. Cuộc khổ nạn thập giá chính là bằng chứng cao cả nhất của sự khiêm nhường ấy.
Trong lời cầu nguyện của Đức Giêsu với Chúa Cha, Người đã nhắc đến những người được Chúa Cha mặc khải chân lý vĩnh cửu. Những người này không phải là vĩ nhân, không phải người khôn ngoan xuất chúng, nhưng là những người bé mọn. Như vậy, Lời Chúa giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn khái niệm “khiêm nhường”:
-Khiêm nhường trước hết là biết mình hoàn toàn phụ thuộc vào Chúa và chạy đến tìm nương ẩn nơi Ngài. Vì chúng ta chỉ là tạo vật, nên chúng ta phụ thuộc vào Đấng đã dựng nên chúng ta. Khước từ Thiên Chúa là tội kiêu ngạo. Tự cho mình làm nên mọi sự là tội phạm thượng. Ađam và Evà đã kiêu ngạo và phạm thượng khi khước từ vị trí của Đấng Sáng tạo trong cuộc đời mình. Họ đã muốn thoát khỏi vòng kiểm soát của Chúa, muốn được trở nên giống thần linh để cạnh tranh với Đấng đã tạo dựng nên mình.
-Khiêm nhường là chấp nhận vị trí và vai trò của tha nhân trong mối tương quan đa dạng của cuộc sống xã hội. Mỗi người có một vị trí, một nghề nghiệp, một tài năng và một trách nhiệm. Không ai có thể làm được bách nghệ, nhưng con người trong xã hội phải phụ thuộc vào nhau mà sống. Người thợ dệt sống nhờ người nông dân, người thợ xây sống nhờ người đánh cá, người làm việc văn phòng sống nhờ bác nông phu… nhận ra tình liên đới trong sự tôn trọng lẫn nhau, đó chính là khiêm nhường.
-Khiêm nhường là đón nhận chân lý vĩnh cửu do Đức Giêsu loan báo: thực tế cho thấy có những người học hành uyên thâm lỗi lạc không tin vào các giá trị thiêng liêng, không tin vào Thượng đế; trong khi có những người dân quê chất phác ít học, cả đời không ra khỏi làng, lại tin vào Chúa và gắn bó suốt đời với đức tin ấy đến nỗi không gì có thể lay chuyển nổi. Như thế, đức tin trước khi là sự khiêm nhường đón nhận của con người thì đã là ân ban của Thiên Chúa, là sự mạc khải của Thiên Chúa về mầu nhiệm Nước Trời.
-Khiêm nhường là học dưới mái trường của Đức Giêsu. Nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta trở thành môn sinh của Thày Giêsu. Người là Thày dạy Chân lý, Thày dạy yêu thương. Người chính là con đường để dẫn đưa chúng ta về với Chúa Cha, con đường để đem lại cho chúng ta hạnh phúc. Có biết bao học trò của Đức Giêsu đã nhờ tuân theo giáo huấn của Người mà nên thánh. Biết bao người đã chiến thắng những cám dỗ, chiến thắng những nghịch cảnh cuộc đời nhờ giáo huấn ấy. Chính nơi trường học của Đức Giêsu mà chúng ta được biết Chúa Cha, vì chính Chúa Con mặc khải cho chúng ta về Chúa Cha và đưa chúng ta vào sống trong mối tình huyền diệu Cha-Con muôn thuở.
-Khiêm nhường là sống theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Tác giả Thư Rôma (bài đọc II) đã nhấn mạnh đến sự hiện diện và tác động của Thần Khí nơi các tín hữu. Một lối sống ngược lại với Thần Khí, đó là sống theo những bản năng của xác thịt, nghiêng chiều theo những đam mê và những đam mê này làm cho chúng ta xa Chúa. Cũng chính nhờ Thần Khí mà chúng ta diệt trừ được sự ích kỷ và kiêu ngạo, là nguyên nhân của mọi tội lỗi.
Các nhà tu đức thường nói: “Khiêm nhường là mẹ của các nhân đức”. Vậy nếu chúng ta sống khiêm nhường thì chúng ta sẽ có mọi đức tính tốt lành khác. Như dòng nước luôn tìm chỗ trũng để chảy xuống, nên có thể thấm vào mọi nơi mọi chỗ và có thể làm cho đất đai trở nên màu mỡ phì nhiêu, sự khiêm nhường là bí quyết của thành công trong cuộc sống. Khiêm nhường còn là cội nguồn của hạnh phúc, là nền tảng của tình yêu thương huynh đệ. Đấng Cứu độ được diễn tả bằng hình ảnh khiêm tốn cưỡi trên lưng lừa, chứ không oai hùng trên lưng ngựa chiến với áo giáp uy hùng và kiếm gươm sáng loáng (Bài đọc I). Chính nhờ sự khiêm nhường này mà Người đã chinh phục được các dân và đưa họ vào vương quốc công chính.
Kiêu ngạo bao nhiêu cũng chẳng đủ, khiêm tốn bao nhiêu cũng chẳng thừa. Xin cho mỗi người chúng ta biết lắng nghe bài học Chúa dạy hôm nay. Amen!
Gm Vũ Văn Thiên