Cô Sally Mulling, một nữ diễn viên 22 tuổi, giả làm người hư xe giữa đường, giơ tay xin sự giúp đỡ của những người đi qua. Cô hoá trang 5 vai khác nhau :
Đầu tiên, cô mặc bộ y phục đen đóng vai trò 1 mệnh phụ phu nhân quí tộc. Cô đợi 1 phút 30 giây, 61 chiếc xe chạy qua luôn, chiếc xe thứ 62 dừng lại để giúp đở cô. Người lái xe là 1 chàng thanh niên.
Sau đó, cô hoá trang thành 1 thiếu phụ mang thai. Cô đợi 2 phút 30 giây, đúng 100 chiếc xe chạy qua, chiếc xe thứ 101 dừng lại. Một đôi vợ chồng bước xuống xe, đề nghị đưa cô đi bệnh viện.
Tiếp theo, cô đóng vai 1 bà già. Cô phải đợi 5 phút. Trên 200 xe đi qua mới có 1 chiếc dừng lại. Đôi thanh niên nam nữ sinh viên xuống giúp đỡ cô.
Trong bộ quần áo “rằn ri” rất “bụi đời”, cô đợi 15 phút với 350 xe đi qua; không có 1 chiếc xe nào có dấu hiệu giảm tốc độ.
Cuối cùng, mặc 1 bộ váy hợp thời trang, cô chỉ đợi 30 giây, 1 chàng trai hào hoa dừng lại giúp đỡ cô.
(Jos Đ. Dịch từ Throw Fire và Proclaiming His Kingdom của John Fuellenbach).
Cuộc “kiểm tra lòng bác ái” của tờ tạp chí trên đây cho thấy trong xã hội hiện nay người ta ít tỏ bày bác ái với nhau và nếu có tình bác ái thì luôn đi kèm với sự tính toán kỹ lưỡng. Dù thế nào, con đường đức ái luôn là con đường ngắn nhất để dẫn người ta đến với nhau và đến với Thiên Chúa.
Cuộc đời của mỗi người là một cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc và cuộc đời người kitô hữu còn là một cuộc hành trình đi tìm sự sống đời đời. Cuộc hành trình ấy làm nên từ những chặng đường của cuộc sống. Mỗi chặng đường được đánh dấu bằng một biến cố hay một hoàn cảnh đặc biệt nào đó trong cuộc sống. Mỗi chặng đường được đan dệt bằng những việc làm hàng ngày của mỗi người. Những việc làm tốt sẽ làm nên cuộc hành trình đẹp. Những chặng đường yêu thương sẽ góp phần làm nên một cuộc hành trình dẫn đến hạnh phúc và sự sống đời đời.
Chặng đường yêu thương của người Samaria Nhân hậu
Khi người thông luật đến hỏi Chúa Giêsu phải làm gì để được sự sống đời đời, Ngài đã chỉ cho ông thấy “chặng đường của lòng thương xót” qua dụ ngôn “Người Samaria Nhân hậu”. Chặng đường ấy bắt đầu từ Giêrusalem xuống Giêricô.
Một nạn nhân bị bọn cướp trấn lột và đánh nhừ tử rồi bỏ bên lề đường. Thầy tư tế nhìn thấy nạn nhân liền đi qua. Thầy Lêvi nhìn thấy nạn nhân cũng đi qua. Chỉ có người Samaria, một người ngoại giáo đã dừng lại băng bó vết thương cho nạn nhân rồi đưa lên lưng lừa đem về quán trọ nhờ người chăm sóc. Đó chính là chặng đường đẹp nhất, chặng đường của lòng thương xót.
Thầy tư tế và thầy Lêvi không đi trên chặng đường của lòng thương xót, nhưng đi bằng con đường khô cứng của lề luật và phụng tự để đến với Thiên Chúa nơi Đền thờ. Họ đi tìm gặp Thiên Chúa nhưng lại bỏ rơi Thiên Chúa nơi người anh em khốn cùng. Họ không gặp được Ngài. Còn người Samaria không đi tìm gặp Chúa, vì là người ngoại đạo nhưng đã gặp được Ngài nơi người anh em bị bỏ rơi bên vệ đường. Chặng đường ông ta đi mới thực sự dẫn đến hạnh phúc và sự sống đời đời.
Những chặng đường yêu thương của Chúa Giêsu
Trên cuộc hành trình dương thế, Chúa Giêsu cũng trải qua những chặng đường tình yêu. Mỗi chặng đường đều được đánh dấu bằng những hành động xuất phát từ lòng xót thương của Ngài. Mỗi lần dừng chân, Ngài đều để lại một dấu ấn tình yêu.
Chúa Giêsu đã dừng lại trước tiếng kêu cứu của người mù thành Giêricô để cho anh được sáng mắt.
Ngài đã dừng lại trước đám tang của con trai bà goá thành Naim để cho anh được sống lại.
Ngài đã dừng lại trước mười người phong cùi bị coi là ô uế để chữa họ lành bệnh.
Ngài đã dừng lại trước người thu thuế Lêvi để kêu gọi ông làm tông đồ dù ông bị coi là người tội lỗi.
Ngài đã dừng lại và ngước mắt nhìn ông Giakêu trên cây gọi ông xuống và đến nhà ông để biến đổi ông thành người công chính.
Chúa đã dừng lại và đưa mắt nhìn Phêrô khi ông chối Chúa khiến ông ăn năn sám hối suốt đời.
Cuối cùng, Ngài đã dừng lại chịu đóng đinh chân tay vào thập giá để đem ơn cứu chuộc đến cho mọi người và ban ơn tha tội cho cả những kẻ hành hình Ngài, mặc cho người qua kẻ lại phỉ báng, nhạo cười.
Đó chính là những chặng đường đẹp nhất mà Chúa đã đi, những chặng đường của lòng xót thương. Những chặng đường đó gập ghềnh khó đi, không phải là con đường thẳng tắp dẫn đến Đền thờ, nhưng là những lối mòn dẫn đến từng trái tim, không phải là con đường lề luật nhưng là con đường tình yêu. Những chặng đường ấy dẫn đến sự sống đời đời.
Những chặng đường yêu thương hôm nay
Chặng đường của thầy tư tế và thầy lêvi đi là chặng đường “bằng phẳng, êm ái” vì không gặp trắc trở, phiền toái, nhưng lại là chặng đường của lòng vị kỷ, là con đường xuất phát từ mình và chỉ dẫn đến chính mình. Đó là chặng đường đầy bóng tối và cô đơn.
Trái lại, chặng đường người Samaria đi là chặng đường nhiều gian khó : Bị trở ngại và vất vả, nhưng là chặng đường rộng mở của lòng vị tha, chặng đường dẫn đến mọi người, chặng đường đầy ánh sáng và luôn có bạn đồng hành.
Chặng đường hôm nay chúng ta đi cũng phải được đánh dấu bằng những nghĩa cử yêu thương, bác ái. Chặng đường dẫn đến Chúa luôn luôn phải xuất phát từ trái tim. Con đường dẫn đến sự sống đời đời là con đường đi đến với người anh em đang cần ta giúp đỡ. Con đường đem chúng ta đến hạnh phúc muôn thuở là con đường mến Chúa yêu người.
Ngày nọ, báo Tuổi Trẻ có đăng một bức hình làm cho nhiều người xúc động : Một em học sinh tiểu học cõng người bạn tật nguyền đang bước lên bậc cấp trường học. Đó là em Hồ Văn Tiếp thuộc trường tiểu học Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, trong suốt 5 năm đã cõng người bạn cùng lớp là em Hồ Văn Thương bị dị tật có một chân đến trường. Mỗi ngày Tiếp đã cõng bạn trên một quãng đường gần 2 cây số đến trường bất kể nắng mưa.
Phải chăng đó là chặng đường đẹp nhất, chặng đường xuất phát từ một trái tim nhỏ bé nhưng đầy lòng yêu thương ?
Phải chăng đó là “dụ ngôn người samaria nhân hậu” của thời đại hôm nay ? Chúng ta “hãy đi và làm như vậy !”.
Trích Logos năm C