Lễ Vọng:
TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA
Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
***
Bài đọc 1: St 22, 1-2. 9a. 10-13. 15-18
Bài đọc 2: Xh 14, 15-15, 1
Bài đọc 3: Is 55, 1-11
Bài đọc 4: Bar 3, 9-15. 32; 4, 4
Bài đọc 5: Rm 6, 3-11
Tin mừng: Mc 16, 1-8
***
Theo truyền thống rất cổ kính của Giáo Hội, đây là đêm đáng lưu ý của Thiên Chúa. Đêm Giavê canh thức để đem dân Chúa ra khỏi đất Ai cập; “đó là đêm của Giavê (đêm) canh thức của toàn thể con cái Israel theo các thế hệ của họ” (Xh 12, 42). Lễ Vọng đêm nay là mẹ của các lễ vọng khác trong năm Phụng vụ. Đồng thời, đây cũng là cao điểm của cả năm Phụng vụ, vì nếu không có sự Phục Sinh của Đức Kitô thì quả thật, chúng ta là những kẻ bất hạnh, vô phúc nhất trên cõi đời này như lời thánh Phaolô: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, vậy thì lời rao giảng của chúng tôi thật hư không, và hư không nữa việc anh em tin… Nếu ta đặt mối hy vọng vào Đức Kitô vẻn vẹn vho lúc sinh thời này thôi, thì quả ta là những kẻ khốn nạn nhất trong thiên hạ” (1 Cr 15, 14).
Giờ đây, dưới ánh sáng của Đấng Phục Sinh, chúng ta cùng nhìn lại các bài đọc trong phần phụng vụ lời Chúa hôm nay, để một lần nữa nhận ra sự quan phòng kỳ diệu và nhất là tình yêu của Thiên Chúa đối với từng người chúng ta trong suốt dòng lịch sử nhân loại.
Trước hết, bài đọc trích từ sách Sáng Thế thuật lại câu chuyện Abraham hiến tế con mình cho Thiên Chúa. Khi nghe lệnh truyền của Thiên Chúa, cho dù không hiểu và đau đớn, ông đã không do dự đem đứa con của lời hứa, đứa con một duy nhất đi hiến tế. Đây quả thực là một hành động của đức tin như lời giải thích của tác giả thư Do thái : “Bởi tin, Abraham đã hiến dâng Isaac khi Thiên Chúa thử lòng, và ông tiến dâng đứa con một … bởi ông nghĩ rằng : Thiên Chúa quyền phép đủ để làm cho người chết sống lại, do đó ông đã được lại con ông, sự đã nên như triệu báo” (Dt 11,17-19). Triệu báo hay hình bóng nói đó ám chỉ sự sống lại của Đức Kitô để từ đó phát sinh một dân tộc mới.
Tuy nhiên, để chuẩn bị cho dân mới này, lịch sử cứu độ còn phải trải qua một dài đoạn dài trong thời gian với nhiều thăng trầm thay đổi. Trước hết, đó là cuộc Vượt Qua của dân Do thái ra khỏi Ai cập đi về Đất Hứa, ngang qua Biển Đỏ như chúng ta vừa nghe trong bài sách Xuất hành. Đây là cuộc Vượt Qua quan trọng nhất trong lịch sử dân Do Thái. Một cuộc Vượt Qua được ghi khắc sâu đậm trong tâm thức của dân Chúa và được họ lập lại hàng năm. Từ đây, dưới sự hướng dẫn của các ngôn sứ, dân Israel ngày càng vững tin rằng: Thiên Chúa đã tỏ uy quyền mà giải thoát dân Ngài trong cuộc Vượt Qua này, ắt Ngài sẽ không bỏ rơi, nhưng sẽ còn cứu thoát họ mãi mãi. Cuộc Vượt Qua đó là hình ảnh sống động nhất tiên báo phép Rửa tội, tái sinh chúng ta trong sự sống mới mà chúng ta được lãnh nhận nhờ cuộc Vượt Qua của Đức Kitô.
Nếu như cuộc Vượt Qua Biển Đỏ chỉ là giải thoát cho dân Do thái, thì cuộc Vượt Qua của Đức Kitô có giá trị đem lại ơn cứu độ cho mọi dân tộc trong đó có chúng ta, như lời tiên báo của ngôn sứ Isaia: “Đây Ta đặt người làm nhân chứng cho các dân, làm tướng lãnh tôn sư các dân tộc”. Đây là một trong những lời tiên tri có tính phổ quát nhất của Cựu Ước. Lời tiên tri này vượt quá sự khôn ngoan và suy luận tự nhiên của con người, như Lời Chúa khẳng định qua miệng của vị ngôn sứ: “Tư tưởng của Ta không phải tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải đường lối của Ta, … Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy”.
Và quả thật, với kinh nghiệm thường ngày, chúng ta cũng nhận ra rằng: Tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa quả thật khác xa cách tính toán và suy nghĩ của con người chúng ta. Con người chúng ta ai cũng trốn tránh cái chết, nhưng Đức Giêsu đã tự nguyện đi con đường thập giá với cái chết nhục nhã trên thập giá. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã Vượt Qua cái chết đó để khai mở một cuộc sống mới trong vinh quang bất diệt. Sự sống lại của Đức Kitô không phải là một niềm tin mơ hồ, nhưng được chính các sứ thần nói với các phụ nữ ra viếng mồ Chúa: “Các bà đi tìm Chúa Giêsu chịu đóng đinh: nhưng Người đã sống lại, không còn ở đây nữa”. Như vậy, thế lực sự chết cho dù có mạnh cũng không cầm giữ được Đức Kitô, như lời khẳng định của thánh Phaolô: “Đức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Người đã chết, tức là chết một lần dứt khoát với tội lỗi, mà khi Người sống là sống cho Thiên Chúa”.
Và để nhận được sự sống mới của Đấng Phục Sinh, thánh Phaolô mời gọi chúng ta chịu thanh tẩy trong sự chết của Đức Kitô, hay nói cách khác, chúng ta phải đóng đinh con người cũ của chúng ta vào thập giá của Đức Kitô, “để cho xác thịt tội lỗi bị huỷ đi, hầu cho chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa… Mà nếu chúng ta đã chết với Đức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người”.
Mỗi người chúng ta nhờ bí tích rửa tội đã nhận được sự sống mới của Đức Kitô. Tuy nhiên, đời sống mới này lại tồn tại trong một bản tính yếu đuối, hậu quả của tội lỗi, nên luôn cần được của ăn bổ dưỡng và linh dược phòng ngừa, chữa trị. Vì thế, mỗi người chúng ta cần siêng năng, sốt sắng lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là bí tích Giao hoà và Thánh Thể, và chính nhờ sự hiệp thông mật thiết với Đức Kitô, Đấng Phục Sinh, ngay ở đời này, chúng ta hy vọng sẽ được liên kết với nhau và với Người trong đời sống vĩnh cửu sau này. Amen.