Thứ 6 Tuần Thánh:
VAI TRÒ NGƯỜI TÔI TRUNG
Jude Siciliano, OP
***
Năm nay tôi chọn viết suy niệm về vai trò người tôi tớ trong sách tiên tri Isaia. Người tôi tớ này kích thích nhiều suy tư của các nhà chú giải. Người thì cho chỉ có một nhân vật tôi tớ, tác giả khác lại đưa ra ý kiến có nhiều, thậm chí cả một dẫy dài, kẻ khác chủ trương có một, nhưng trong ý nghĩa tập thể, tức đại diện cho toàn dân Israel ! Theo nguyên văn thì khó xác định ai đúng, ai sai. Trong Isaia có bốn bài ca về người tôi tớ. Bài đọc hôm nay là bài ca số 4.
Tác giả John Mc Kenzie, dòng Tên, trong cuốn Từ điển Thánh kinh nói rằng từ “tôi tớ” có nghĩa rất rộng. Nó ám chỉ nô lệ hạng sang như khi nói: “Thần là nô lệ của nhà vua”. Rõ ràng một tước vị thuộc hàng khanh tướng. Ngược lại, người ta cũng có thể dùng để nói nhún nhường như Moisen, David được gọi là tôi tớ Đức Chúa. Các ngôn sứ cũng thường được dùng trong nghĩa này. Dân tộc Do thái được gán danh hiệu “tôi tớ” khi đối chiếu với toàn thể thế giới. Đây là ý nghĩa sứ mệnh của dân Israel. Như vậy từ “tôi tớ” được gán khi ai đó là “dụng cụ” Thiên Chúa dùng để ban ơn cứu độ. Trong dòng văn của ngôn sứ Isaia, từ tôi tớ không bao hàm chức Thiên sai. Nhưng từ đầu Hội thánh, chữ này được áp dụng cho Chúa Kitô chịu thương khó, bài đọc hôm nay chẳng hạn. Đoạn văn này và nhiều đoạn văn tương tự được các Hội thánh tiên khởi sử dụng để đối phó với việc Chúa Giêsu gặp thất bại, bị khước từ, khổ nạn và cái chết nhục nhã.
Các bài thơ người tôi tớ được Tân ước trích dẫn rõ ràng hoặc chỉ qui chiếu gián tiếp. Thí dụ, trong các trình thuật về phép rửa của Đức Giêsu hoặc lễ biến hình. Nếu chúng ta đổi từ Con sang từ tôi tớ của lời phán bởi trời thì chúng ta có được hầu như nguyên văn Isaia 42,1. Quan niệm về cái chết cứu độ của người tôi tớ trung tín trong Isaia ảnh hưởng trực tiếp đến giọng văn của Tân ước mô tả cuộc đời và sự nghiệp của Chúa Giêsu. Nội dung đoạn văn chúng ta đọc hôm nay cũng là căn bản giáo lý của Hội thánh về vai trò Chúa Giêsu cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi. Như vậy chúng ta thấy có hai vế song hành : Người tôi tớ Giavê đối với dân tộc Israel giống như Chúa Giêsu đối với Hội thánh. Chúa Giêsu chịu khổ nạn để thánh hoá giáo hội thì người tôi tớ Cựu ước cũng phải chịu bầm dập để làm cho dân Do thái trong sạch, nên thánh. Ngày nay hình ảnh tôi tớ Giavê vẫn được sử dụng để minh hoạ cho việc Chúa Giêsu tiếp tục chịu đau khổ trong các chi thể Hội thánh để làm cho Hội thánh được thanh sạch.
Mở đầu của bài đọc 1 hôm nay là : “Này đây, người tôi trung của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật và được suy tôn đến tột cùng.” Xin nhớ rõ điều này, bởi lẽ những dòng tiếp theo thật u ám. Một bản mô tả rất sống động về sự thất thế, đau khổ cũng của người tôi tớ đó. Ông sẽ không còn được nhận ra nữa : “Khi thấy tôi trung của Ta, mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa.” Mọi người ngoảnh mặt đi chẳng dám nhìn người tôi tớ đau khổ. Điều gây sửng sốt nhất là hình phạt này xem ra là do Thiên Chúa gây nên. Xưa nay vẫn giải thích như vậy. Thực thế bản văn có một câu làm tôi lưu ý mãi : “Đức Chúa hài lòng khi thấy người bị nghiền nát trong yếu đuối.” Đức Chúa này là Thiên Chúa nào mà lại hài lòng vì người vô tội bị nghiền nát ?
Chắc chắn khi nghe đọc đến đây, nhiều thính giả lương thiện sẽ nghĩ trong lòng “Ông Trời đáng ghét của Cựu ước.” Nhưng nhìn kỹ hơn vào toàn thể bài ca thì đoạn văn này được viết dưới dạng kịch nghệ. Tức có sự thay đổi về người nói. Khởi đầu thì Thiên Chúa nói, sau đó đến các khách bàng quan bàn tán khi quan sát người tôi tớ trong khổ đau. Đối với những người này thì rõ ràng Thiên Chúa đang nghiền nát người tôi tớ vô tội. Chuyện này giống như khi chúng ta kêu ca về những đau đớn của mình: “Chúa thử thách đức tin của tôi quá sức chịu đựng. Thật ngã lòng, chẳng thể còn kiên nhẫn hơn nữa.” Đúng vậy, thượng đế đã đẩy người ta đến bờ vực thẳm của thất vọng ?
Rồi thay đổi vai trò của khách bàng quan: Họ cố gắng tìm hiểu căn do sự đau khổ của người tôi tớ, và khám phá ra rằng chính vì tội lỗi của mình mà người tôi tớ phải chịu cực hình. Thật là điều gây ngỡ ngàng hết cỡ. Ông ta chịu đựng đau khổ để cứu chuộc thiên hạ. Họ đã sai lầm khi lên án ông, coi ông như kẻ có tội. Họ ăn năn hối lỗi, thú nhận sai lầm của mình. Sự thật là người tôi tớ đã gánh lấy tội thiên hạ và chính họ là những kẻ được hưởng sự tha thứ của Thượng đế: “Tôi trung của Ta sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ”.
Do đó, ý muốn của Đức Chúa Trời là tội lỗi nhân loại được tẩy sạch nhờ đau khổ và cái chết của người tôi tớ. Đúng là một màu nhiệm. Đường lối suy nghĩ của chúng ta hoàn toàn phá sản, bởi lẽ công việc vĩ đại như xoá tội trần gian lại không theo quy trình quyền lực bình thường kiểu mọi người mong đợi. Thay vào đó, trong người tôi tớ, Thiên Chúa tỏ lộ cho chúng ta gương khiêm nhường, nhịn nhục của một nhân vật yếu đuối, dễ bị tổn thương, một dấu chỉ của sự chống đối. Cho nên chẳng lạ gì các tác giả Tân ước sử dụng những bài ca này để nói về Chúa Giêsu và lòng nhân từ, thương xót của Đức Chúa Trời. Thí dụ, thánh Phaolô nhiều lần đã chỉ ra cho chúng ta thấy quyền năng của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô khi Ngài bị dân Do thái khước từ, chối bỏ. Chính trong công việc này mà nhân loại được lợi không kể xiết. Tác giả thơ Do thái cũng thường khích lệ độc giả của ông không nên hổ thẹn vì thập giá Đức Ki-tô, ngược lại “hãy mạnh dạn tiến lại gần Ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần”. Bởi lẽ Thiên Chúa đã cho phép Đức Giêsu, người tôi tớ, chia sẻ những yếu hèn và đau khổ với nhân loại. Cho nên quan niệm về “ông Trời đáng ghét của Cựu ước” là sai lầm. Chính qua người tôi tớ khiêm nhường mà Thiên Chúa mặc khải gương mặt yêu thương, nhân từ của Ngài.
Người tôi tớ Giavê đứng làm trung gian cho cả Thiên Chúa và loài người. Một sự tổng hợp kỳ lạ giữa thần linh và nhân loại. Ông là đại diện cho thần linh, đứng về phía Thiên Chúa, Ngài gọi ông : “Tôi tớ của Ta”. Trong ông, ý muốn của Đức Chúa hoàn toàn được thành tựu. Ông cũng đại diện cho nhân loại tội lỗi, mặt mày tan nát, chịu khổ đau đến cùng cực, chịu chung số phận với loài người, đồng hoá với anh em mình. Chúng ta nhìn nơi ông hành động của thượng đế trên nhân loại và vì nhân loại. Chính trong nơi người tôi tớ mà chúng ta cảm thấy được Thiên Chúa cứu độ.
Nhưng người tôi trung cũng có tham gia phần của mình vào cuộc đau khổ mà Thiên Chúa đã chỉ định cho ông. Ông đồng ý với chương trình của Đức Chúa, gánh chịu hậu quả của tội lỗi người khác, vâng lời Thiên Chúa cho đến mức bằng lòng chịu chết thay cho thiên hạ. Ông là một nhân tố tự do và tự nguyện, không ai ép buộc ông, nhưng hoàn toàn hiến dâng cho Thượng đế. Đây là một sự cộng tác lạ lùng giữa Thiên Chúa và nhân loại để mưu ích cho loài người. Kết quả là một công trình vĩ đại. Bởi người tôi tớ đã “xoá tội trần gian và tranh thủ được ơn tha thứ cho những kẻ xúc phạm”. Ai đã thi hành cuộc hy sinh ? Thiên Chúa hay người tôi tớ ? Câu trả lời là cả hai. Thiên Chúa đã hy sinh người tôi trung. Người tôi trung đã bằng lòng hiến tế. Trường hợp của Abraham và người con duy nhất Isaac. Trong văn bản, kẻ có lỗi dùng ở đại từ “chúng ta”: “Sự thật, chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta… Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội… Chúng ta đã đi lạc như chiên cừu v.v…” Hoá ra người tôi tớ này không phải là kẻ phạm tội. Đau khổ của ông có mục đích duy nhất là thức tỉnh ý thức tội lỗi của nhân loại !
Tóm lại, Thiên Chúa toàn năng có thể đổi ngược những tình huống vô vọng. Điều chúng ta bất lực, thì Ngài làm được dễ dàng. Trước mắt thiên hạ, người tôi tớ vô tội và nín tiếng bị những kẻ gian ác tố cáo bất công, lôi đi hành hạ, trừ khử, mai táng. Ông ta hoàn toàn thất bại và rơi vào quên lãng, quá khứ. Nhưng Thiên Chúa đã nâng ông trỗi dậy, thành công hiển hách. Đấng khởi sự nói và ban lời đoan hứa trong bài đọc hôm nay chính là thượng đế, Tạo hoá dựng nên muôn loài muôn vật (51, 9-10). Đấng ấy đã giải cứu Israel khỏi kiếp nô lệ Ai cập, dẫn đưa họ qua Biển đỏ khô chân, gây dựng họ từ chỗ ô hợp thành một dân tộc. Trong tay Ngài bây giờ là người tôi trung đã chết, chỉ có Ngài mới làm được cho kẻ qua đời sống lại. Hiện thời, thì Satan thắng thế, sự dữ ngự trị trên thân phận con người và xem ra là vĩnh viễn. Nhưng Thượng đế có thể thực hiện những chi loài người, tự thân, không làm được. Ngài có thể phục hồi sự sống cho những xác chết và ban cho một tương lai tươi sáng, phát đạt ! Các bài đọc Thánh kinh hôm nay luôn nhắc nhở cộng đồng tín hữu về sự kiện đó. Thiên Chúa sẽ toàn thắng tội lỗi và sự chết, gây dựng chúng ta từ bất trung, phản bội thành dân thánh trung thành, từ những kẻ từ khước Chúa Giêsu, Người tôi tớ Giavê thành những tín hữu, khao khát ơn cứu độ. Amen.