Tên trộm lành và tên trộm dữ
Chúng ta quen nghe câu chuyện về hai phạm nhân bị đóng đinh trên thập giá cùng với Chúa Giêsu. Trong hai người, có người trộm dữ và người trộm lành, người được cứu thoát vì đã nhận biết Chúa sau khi đã ăn năn tội mình. Gần đây, với những nghiên cứu Kinh Thánh mới, lý lịch của những tên “trộm cướp” được làm sáng tỏ hơn.
Theo hai bản dịch Kinh Thánh của Nhóm Phụng Vụ Giờ Kinh (NPVGK) và Lm. Nguyễn Thế Thuấn, CSsR, chúng ta tìm thấy các từ “tên cướp, gian phi” để chỉ hai kẻ trộm bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu. Chúng ta có hai ví dụ dưới đây:
“Cùng bị đóng đinh với Người, có hai tên cướp, một tên bên phải, một tên bên trái.” (Matthêu 27, 38) (bản dịch của NPVGK)
“Khi đến nơi gọi là ‘Cái Sọ’, thì người ta đã đóng đinh Ngài nơi ấy, và hai tên gian phi kia, một tên bên hữu, một tên bên tả“. (Lc 23, 33) (bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn)
Chúng ta cũng đọc câu Matthêu 27, 38 trong bản tiếng Pháp của La Bible de Jerusalem: “ Alors sont crucifiés avec lui deux brigands, l’un à droite et l’autre à gauche.” Từ ‘brigands’ ở đây có nghĩa là ‘những kẻ cướp’.
Thế nhưng cũng câu Matthêu 27, 38 trong bản dịch Kinh Thánh tiếng Anh New American Bible (2011), chúng ta thấy từ “revolutionaries” được dùng để dịch từ « λῃσταί” (lèstai) là số nhiều của từ « λῃστής » (lèstès) trong bản Hy Lạp : “Two revolutionaries were crucified with him, one on his right and the other on his left.” Chúng ta cũng thấy cách dịch từ này nơi Marcô 15, 27 và Ga 18, 40.
Cũng nên biết rằng, bản dịch Kinh Thánh tiếng Anh New American Bible được Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cho phép dùng chính thức trong phụng vụ tại Mỹ. Và theo lời chú của bản dịch này, từ “revolutionaries” được dùng để chỉ hai phạm nhân bị đóng đinh cùng với Chúa và cũng được dùng cho Baraba trong Ga 18, 40; từ “revolutionary” có nghĩa là quân kháng chiến, người chiến đấu cho những mục đích thuộc chủ nghĩa dân tộc. (The Catholic Study Bible, trang 1436)
Mary Healy trong cuốn sách Phúc Âm theo thánh Marcô (The Gospel of Mark) được giáo phận Washington cho phép in năm 2008 đã chú giải câu Mc 15, 27 như sau:
Hai kẻ cách mạng (hay “trộm cướp”) bị đóng đinh trên thập giá cùng với Chúa Giêsu, có lẽ hai người này đã phạm tội giết người và đã bị ngồi tù cùng với Baraba (câu 7). Từ Hy Lạp «λῃστής » (lèstès) dùng chỉ kẻ trộm cướp hay thổ phỉ cướp đường cũng dùng cho người nổi dậy chống đối về mặt chính trị. Như thế Chúa Giêsu chết giữa những người nổi loạn theo phái Zêlota với niềm tin sai lạc về đấng Thiên Sai ….Hai kẻ cách mạng đã bị đóng đinh trên thập giá kẻ bên tả người bên hữu Chúa; mỉa mai thay, đây chính là vị trí danh dự mà Giacôbê và Gioan đã xin Chúa trước đây. (Mc 10-37) (trang 316)
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong cuốn sách “Jesus of Nazareth” xuất bản năm 2011 cũng chú giải về hai kẻ “trộm cướp”:
“Nhóm chế nhạo Chúa thứ ba là hai kẻ bị treo trên thánh giá bên cạnh Chúa Giêsu, hai thánh sử Mathêu và Marcô dùng cùng một từ « λῃστής »(lèstès) như thánh sử Gioan để mô tả Baraba (đối chiếu với Mt 27, 38; Mc 15, 27; Ga 18,40). Điều này chứng tỏ rõ ràng rằng họ được coi như những kháng chiến quân, nhưng người La mã đã dán nhãn cho cho là “kẻ trộm cướp” để hình sự hoá công việc họ làm. Họ đã chịu đóng đinh vào thập gía cùng với Chúa Giêsu bởi vì họ đã phạm cùng một tội: chống lại quyền lực của đế quốc La Mã. Tuy nhiên, sự vi phạm của Chúa khác với cách vi phạm của hai “kẻ trộm cướp”, họ là những người có lẽ đã tham dự vào cuộc nổi dậy của Baraba. (trang 211)
Với hai chú giải được nêu trên, lý lịch của hai phạm nhân bị đóng đinh cùng với Chúa được làm sáng rõ hơn chút. Họ và thủ lãnh Baraba có lẽ cùng thuộc nhóm nổi dậy muốn đánh đuổi quân đế quốc La Mã ra khỏi đất nước Do Thái. Trong công cuộc kháng chiến bằng bạo động và ám sát, chính quyền La Mã đã gọi họ là những kẻ giết người, những tên trộm cướp hay những tên tội phạm.
Với cách dịch mới, liệu các câu Tin Mừng Mt 27, 38, Mc 15, 27, Ga 18,40 sẽ thay đổi cách nhìn của chúng ta về những kẻ “trộm lành, trộm dữ. Và trong tương lai, liệu các bản dịch Kinh Thánh Việt Nam sẽ thay từ “tên cướp” bằng một từ mới không?
Luke Khổng Kim Quang
______________________________________
Tham khảo:
Ratzinger, Joseph. Jesus of Nazareth, Part Two. San Francisco, CA: Ignatius Press, (2011)
Healy, Mary. The Gospel of Mark. Grand Rapids, MI: Baker Academic, (2008)
Senior, Donald; John J. Collins. The Catholic Study Bible. Oxford: University Press, (2006)
Nguồn: Gpquinhon.org