Thứ Sáu Tuần Thánh:
SUY NIỆM CUỘC KHỔ NẠN CHÚA GIÊSU
Lm. Đaminh Đinh Viết Tiên OP
Lạy Chúa Giêsu,
Nếu có lúc con mỏi mệt và xao xuyến,
xin nhắc nhở con rằng
trong vườn Cây Dầu
Chúa buồn muốn chết được.
Nếu có lúc thấy bóng tối bủa vây,
Xin nhắc nhớ con rằng trên thập giá,
Chúa đã thốt lên : sao Cha bỏ con !
Cùng với các Tông đồ theo Chúa vào vườn Cây Dầu
Đây là ba tông đồ được Đức Giêsu ưu đãi và được Người chọn để chứng kiến một vài biến cố quan trọng. Ví dụ : vụ Đức Giêsu cho đứa bé con ông Gia-ia sống lại (Mc 5,21-43), hoặc vụ Người đổi hình dạng trên núi (Mt 17,1-9).
Thường thường, Đức Giêsu đi xa dân chúng và môn đệ mà cầu nguyện. Nhưng hôm nay, khi đi cầu nguyện, Người lại đem các môn đệ theo, vì hoàn cảnh hôm nay rất là đặc biệt. Người muốn các môn đệ ấy chứng kiến cuộc giao tranh ác liệt cuối cùng của mình,chia sẻ và chấp nhận Thập giá với mình. Nếu không tất cả, thì ít ra là ba môn đệ đã hai lần được đặc ân chứng kiến quyền năng của Người, vì đã được chia ngọt sớt bùi, thì cũng phải chia cay sẻ đắng.
Trong tâm trạng buồn sầu
Đức Giêsu cảm thấy buồn rầu, xao xuyến, vì bỗng nhiên Người thấy mình phải đương đầu với cái chết đã đến nơi. Người mới để ba môn đệ ở lại, đi xa hơn một chút, sấp mình cầu nguyện.
Cử chỉ sấp mình, thoạt nghe, cũng hơi lạ, vì dân Do-thái đứng mà cầu nguyện, chứ không sấp mình. Thánh Luca lại nói : “Đức Giêsu qùy gối cầu nguyện”. Nhưng dân Do-thái cũng không quỳ. Ở đây, Đức Giêsu không đứng cầu nguyện, cũng không sấp mình, nhưng phải nói như thánh Mác-cô, là : Người ngã xuống đất và cầu nguyện.
Khỏi uống chén đắng này
Thánh Mác-cô viết : “Đức Giêsu ngã xuống đất và cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy”. Người nói : “Xin cho con khỏi uống chén (đắng) này”. Nhưng từ “giờ” nghĩa là gì ? Từ “giờ” có một nội dung đặc biệt trong Thánh Kinh, nhất là trong sách Tin Mừng theo thánh Gioan. Trong sách Tin Mừng thứ tư này, từ “giờ” có nghĩa là lúc Đức Giêsu phải chết trên Thập giá để cứu độ chúng ta. Đứng trước cái chết kinh khiếp sắp đến nơi, Đức Giêsu cảm thấy hãi hùng, xao xuyến, nên xin Chúa Cha cho mình khỏi phải qua giờ ấy.
Mt 26,39
Nói lên tư tưởng ấy bằng công thức trực tiếp : “Lạy Cha, xin cho con khỏi uống chén (đắng) này”. Chỉ có điểm phải nói, là : thay vì nói : “khỏi phải qua GIƠ này”, thì Đức Giêsu trong sách Mát-thêu nói : “khỏi uống chén này”. Trong Thánh Kinh, từ “chén” cũng là một từ có nội dung đặc biệt, và có nghĩa là : mật đắng phải uống, đau khổ phải chịu, số phận đau thương. Đức Giêsu xin cho khỏi uống chén “đắng”, tức là Người xin cho khỏi cái chết trên Thập Giá mà Chúa Cha đã định.
Ở đây, chúng ta thấy rõ ràng nhân tính của Đức Giêsu. Làm người, ai cũng sợ chết; hơn nữa, cái chết càng gần và càng thảm khốc, thì con người càng hãi hùng (Mc), buồn rầu (Mt), xao xuyến. Mà đó là trường hợp của Đức Giêsu. Người nói với môn đệ : “Tâm hồn Thầy buồn đến nỗi chết được”. Rồi Người xin Chúa Cha cho khỏi phải qua giờ đau khổ, khỏi uống chén đắng. Tuy nhiên, dầu sợ chết, Người cũng sẵn sàng chết, nếu đó là Thánh Ý Chúa Cha : “Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”.
Canh thức và cầu nguyện
Không thấy Chúa Cha đáp lời, Đức Giêsu mới trở lại với ba môn đệ. Nhưng ba ông lại ngủ mất, nên Người đã buồn rầu lại càng thấy mình cô đơn. Người mới kêu ông Phê-rô mà than trách. Theo thánh Mác-cô, thì Đức Giêsu kêu ông Phê-rô mà than trách chính ông : “Si-mon, anh không thức nổi một giờ sao ?”.
Sau khi than trách, Đức Giêsu bảo các môn đệ : “Phải canh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn”. Mỗi người đều có kinh nghiệm bản thân về hiện tượng giằng co giữa tinh thần và thể xác, và cũng phải thú nhận rằng tinh thần không dễ gì chế ngự thể xác luôn đâu. Vì sự việc là thế đó, nên chỉ có một cách là đề phòng và cầu nguyện, nhất lại khi đó là cơn thử thách cánh chung mà Đức Giêsu muốn nói ở đây, một cơn thử thách, một cơn cám dỗ làm cho con người khiếp hãi, bỏ cuộc và sa ngã trong giờ chung kết mà không chu toàn sứ mệnh cứu độ.
Mồ hôi máu nhỏ từng giọt (Lc 22,44)
Theo thánh Luca thì Đức Giêsu cũng đi cầu nguyện và trở lại với các môn đệ, nhưng chỉ một lần mà thôi. Thế là tác giả không nhấn mạnh đủ. Tuy nhiên, thay vì nói đi nói lại ba lần việc Đức Giêsu cầu nguyện và trở lại với các môn đệ, thánh Luca nói rõ rằng Người khẩn thiết cầu xin, và hơn nữa, ngài còn nói thêm : Đức Giêsu khẩn thiết cầu xin như thế, là vì lòng Người hãi hùng xao xuyến như lâm cơn hấp hối, đến nỗi mồ hôi Người như máu nhỏ giọt xuống đất.
Thánh Luca còn ghi thêm một chi tiết khác, là sau khi Đức Giêsu cầu xin, liền có thiên thần xuất hiện an ủi. Là môn đệ của thánh Phao-lô, thánh Luca được thấm nhiễm tư tưởng của thầy, để ý hơn ai hết mối tương quan giữa sự yếu đuối của loài người và sự trợ giúp của Thiên Chúa.
Thánh Phao-lô nói : “Lúc tôi yếu, là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10). Mà, ở đây, nhân tính của Đức Giêsu cũng phải đau khổ, chết chóc. Nên, chính vào lúc đó, Chúa Cha đã sai phái thiên thần đến, tiếp sức cho Đức Giêsu. Ngày xưa, sau khi thắng cơn cám dỗ trong hoang địa, Chúa Cha đã sai thiên thần đến “hầu bàn”, thì hôm nay, cũng thế.
Xin cho con can đảm ,
Đối diện với những thách đố,
Vì biết rằng cuối cùng ,
chiến thắng thuộc về người có niềm hy vọng lớn lao.
II. Trên Thập Giá
Đứng gần Thập giá (Ga 19,25) :
Tại đồi Gôn-gô-tha, trong các bà con thân hữu có mặt, phải kể một số phụ nữ, tuy thánh Mát-thêu chỉ nói đến khi tường thuật những việc sau khi Đức Giêsu đã qua đời. Các bà này đã theo Người từ miền Ga-li-lê, họ theo để giúp đỡ.
Nhưng, trong các bà ấy, người đáng nói hơn hết, chính là Đức Maria, vì Người là Mẹ Đức Giêsu, và nhất là vì Đức Giêsu, trên cây thập giá, trước khi tắt thở, đã trối cho Người này lời di chúc quan trọng.
Thưa Bà, đây là con của Bà (Ga 19,26) :
Thánh Gioan viết : “Thấy thân mẫu và môn đệ mình yêu quý (tức là thánh Gioan) đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là Mẹ của anh””. Lời văn đơn sơ, dễ hiểu, đồng thời lại cho chúng ta thấy một vấn đề rất quan trọng là Đức Maria không còn người con nào khác, ngoài Đức Giêsu. Anh em Thệ phản cho rằng : Đức Maria còn có nhiều người con khác, ngoài Đức Giêsu. Nhưng bản văn nói trên cho chúng ta thấy ngược lại.
Quả vậy, Đức Giêsu chết, thì những người con ruột khác của Đức Maria phải chăm lo, săn sóc, nếu có. Nhưng Đức Giêsu đã phải nhờ thánh Gioan chăm lo, săn sóc. Thì phải hiểu ngầm rằng : ngoài Đức Giêsu ra, Đức Maria không còn người con ruột nào khác nữa. Đó là nghĩa đen của bản văn.
Người trao cho Đức Maria một sứ mệnh, là làm Mẹ thánh Gioan và làm Mẹ chúng ta, mà thánh Gioan là người đại diện dưới cây thập giá. Và, như thế, các nhà Thánh Kinh Công giáo thấy rằng Đức Giêsu đã đặt Đức Maria làm Mẹ chúng ta, và bản văn Ga 19,26 này là bản văn nền tảng cho tín điều ấy.
Muốn thấy rõ hơn, chúng ta phải đọc bản văn Ga 19,26 cùng với bản văn Ga 2,1-12 (tiệc cưới tại Ca-na), vì hai bản văn ấy như là hai bản văn xướng đáp, mở đóng.
Hôm ấy, tại tiệc cưới Ca-na, Đức Giêsu nói với Đức Maria và cũng gọi Người là “Bà”, theo nghĩa “đàn bà”, người làm mẹ. Khi Đức Maria xin Người cứu giúp gia đình tân hôn khỏi nhục nhã vì hết rượu giữa đám, Đức Giêsu đáp : “Thưa Bà, giờ tôi chưa đến” (Ga 2,4). Nói thế, Đức Giêsu có vẻ như hẹn với Đức Maria một giờ nào đó hãy xin.
Hôm nay, Giờ Đức Giêsu đã đến, nghĩa là Giờ Đức Giêsu được tôn vinh vì Người đã vâng ý Chúa Cha mà chịu chết, Giờ ấy đã đến trên thập giá, Người trao cho Đức Maria chẳng những gia đình tân hôn hôm ấy phải chăm lo, mà còn tất cả các môn đệ của Người, tất cả những ai tin vào Người trong quá khứ cũng như ở tương lai. Đó là ý nghĩa của câu : “Thưa Bà, đây là con của Bà”.
Lạy Cha, sao Cha bỏ con
Vào độ 3 giờ, Đức Giêsu kêu lớn tiếng. Đây không phải là tiếng kêu la của con người khi bị đau đớn tột độ.
Đức Giêsu kêu lớn tiếng rằng : “Ê-li, Ê-li, lê-ma sa-bác-tha-ni”, nghĩa là : “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao ?”.
Thánh vịnh 22 mở đầu bằng đau khổ, nhưng kết thúc trong hy vọng. Nên, khi đọc Tv 22,2, Đức Giêsu muốn nói lên nỗi khốn khổ của mình trên thập giá, nhưng đồng thời cũng khẳng định niềm hy vọng vững chắc rằng, Chúa Cha sẽ cứu mình.
Kêu một tiếng lớn :
Có kẻ cho rằng la như thế là dấu chỉ Người thất vọng, hoặc là dấu Người còn sức mạnh. Tuy nhiên, đây chỉ là một công thức thường gặp trong Thánh Kinh (Cv 14,10 ; 26,24 ; Lc 17,15 ; 19,37), và thường dùng để lưu ý đến lời nói tiếp sau. Lời nói ấy là lời nói nào ? Thánh Mát-thêu không nói, nhưng thánh Luca và thánh Gioan có nói (Lc 23,46 ; Ga 19,30).
Hoàn tất (Ga 19,30) – Phó thác (Lc 23,46) :
Theo thánh Gioan thì, trước khi tắt thở, Đức Giêsu nói : “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30). Lời ấy cho chúng ta thấy rằng Đức Giêsu suốt đời những muốn chu toàn Thánh Ý Chúa Cha được ghi chép trong Thánh Kinh (Ga 4,34 ; 6,38 ; 17,4 ; 13,1), và, hôm nay, Người đã chu toàn tất cả Thánh Ý Chúa Cha : từ việc nhập thể trong lòng Đức Maria cho đến chuyện uống giấm vừa xong, tất cả đều được thực thi đúng mức. Thật là tốt đẹp, một sứ mệnh cao cả được chu toàn.
Theo thánh Luca thì trước khi tắt thở, Đức Giêsu kêu lớn tiếng : “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Câu này, Người mượn ở Tv 31 (30),6. Mà Thánh vịnh này là lời của người sầu khổ kêu xin, phó thác. Nên, khi dùng Thánh vịnh này kết thúc cuộc đời, Đức Giêsu cho thấy Người phải khốn cùng, nhưng sống chết vẫn cầu xin, phó thác vào bàn tay Thiên Chúa.
Trút hơi thở :
Sau đó, các sách Tin Mừng nói : “Người tắt thở” (Mc, Lc), “Người trút hơi thở” (Mt), “Người trao hơi thở” (Ga). Chúa chết, sự việc thật là to tát, nhưng được diễn tả bằng vài chữ ngắn gọn. Mà cũng phải, vì sự việc như thế, không nên mô tả bằng lời văn lãng mạn, và cũng không thể mô tả bằng ngôn ngữ loài người. Tốt hơn hết là nói ít hoặc làm thinh.
Sứ mệnh chu toàn, Người phó thác linh hồn rồi ra đi. Và, theo thánh Gioan, thì cả việc ra đi này, Đức Giêsu cũng chủ động chứ không phải vì kiệt sức, hết hơi.
Đức Giêsu bị treo trên thập giá và, lúc ba giờ chiều, Người tắt thở. Trước mắt người phàm, thì Đức Giêsu thất bại hoàn toàn, lại còn phải ô nhục. Người đau khổ đến nỗi phải kêu lên.
Người kêu, nhưng Chúa Cha vẫn làm thinh. Loài người lại còn chế giễu. Người kêu lên như thế, có phải là vì thất vọng không ? Thưa không.
Đức Giêsu đã dùng lời Thánh vịnh 22 (21) mà kêu. Mà Thánh vịnh này kết thúc với tâm hồn trông cậy. Mà cũng phải. Thực thì Đức Giêsu đã chết ; và tất cả những gì là đặc biệt của cái chết của người phàm, đều thấy có trên thập giá chiều hôm ấy.
Tuy nhiên, cái chết của Đức Giêsu chỉ là một cuộc vượt qua, vì Người sẽ sống lại vinh hiển. Hơn nữa, nó đổi thay số phận loài người, mang lại cho loài người sự sống vĩnh cửu. Những biến cố xảy ra chiều hôm ấy cũng đủ để minh chứng điều ấy : Đền thờ, cảnh vật, những người lành của Cựu ước và nhất là người dân ngoại (Mt 27,54).
Lạy Chúa,
Chúa đã chết để cứu sống con
Chúa đã chấp nhận nhục nhã tủi hổ
Để con sống trong sự tự do hào hùng
của người con cái Chúa