Thứ Năm Tuần Thánh:
BÀI HỌC YÊU THƯƠNG NƠI BÀN THÁNH
Lm. Jude Siciliano, op
Chương 13 của Tin Mừng theo thánh Gioan, là khúc ngoặt của sách Phúc âm này. Bởi lẽ nó kết thúc phần một, quen gọi là“sách các dấu lạ”. Chúa Giêsu chấm dứt sứ vụ công khai của Ngài. Bây giờ chúng ta bước vào phần thứ hai, tựa đề là : “sách vinh quang” từ chương 13 đến chương 17. Từ then chốt của phần này là “yêu thương”. Ngài sẽ kêu gọi các môn đệ của Ngài vào vương quốc đó và bày tỏ cho họ biết tình yêu thương nào mà Ngài nghĩ tới khi Ngài hiến dâng thân mình cho họ, cho nhân loại. Ngài là hạt lúa rơi xuống đất, chết đi và mang nhiều hoa trái như chính Ngài đã tiên báo ở Chúa Nhật V mùa Chay (Năm B).
Câu mở đầu của Tin Mừng hôm nay (Ga 13,1) liên kết giờ cuối cùng của Chúa Giêsu với biến cố vượt qua. Do đó có sự lựa chọn bài đọc thứ nhất từ sách Xuất hành, đoạn nói về trình thuật Vượt Qua nguyên thủy. Chúa Giêsu sẽ tắt thở vào chính lúc con chiên Vượt Qua chịu sát tế làm lễ toàn thiêu trong đền thờ. Đây là một sự tiên báo, sẽ có biến cố trọng đại thê thảm xảy ra cho Ngài vào giờ này. Giờ Ngài đã chờ đợi từ lâu để làm đầy đủ ý nghĩa“vượt qua”. Máu chiên bôi lên khung cửa nhà các người Do thái ở Ai cập để cứu họ thoát tay Thiên Thần chinh phạt. Cũng thế, máu con chiên vẹn toàn Giêsu cũng cứu chữa toàn thể nhân loại khỏi chết vì tội lỗi. Ngài cúi xuống rửa chân cho các Tông đồ không chỉ nêu gương sáng cho chúng ta. Những điều Ngài khởi sự từ giây phút này đều có quyền năng cứu chữa nhân loại khỏi áp lực của tội lỗi trên cuộc đời họ.
Rửa chân là một phần không thể thiếu của lòng hiếu khách trong văn hóa Do thái. Đường sá ở đó rất bụi bặm. Các khách đến thăm hay đến dự bữa đều phải được rửa chân cho sạch trước khi bước vào nhà.
Thường thường công việc này dành cho thành viên trẻ nhất của gia đình hay cho đầy tớ hoặc nô lệ hèn hạ nhất của chủ nhà, Chúa Giêsu đảo lộn và bẻ gãy tục lệ đã được duy trì bao đời nay trong xã hội. Đó là điểm quan trọng gây ngạc nhiên cho mọi người có mặt, kể cả các Tông đồ. Giữa bữa ăn, Ngài đứng dậy, tự mình làm công việc rửa chân ! Nghĩa là giờ của Ngài đã đến gần, chỉ trong giây phút nữa. Cho nên Ngài đã hạ mình đến tột độ, dốc hết cái tôi của Ngài đi, ngõ hầu dễ dàng chấp nhận Thánh ý Đức Chúa Cha. Ngài bắt đầu chết. Cuộc sống mới của nhân loại sắp ló dạng. Trong cuộc sống này, cộng đồng nhân loại đã có một dấu hiệu chỉ dẫn, mà hành động bất ưng của Chúa Giêsu ngụ ý. Đó là mọi người phải trở thành “kẻ rửa chân”, làm đầy tớ cho những người nghèo khổ, thiếu thốn trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc làm của Chúa Giêsu còn mang nhiều ý nghĩa hơn nữa.
Tại sao ông Phêrô từ chối để Chúa rửa chân cho ? Ông thừa hiểu việc rửa chân là truyền thống, và ý nghĩa của nó ra sao. Ông có đủ can đảm theo gương Chúa không ? Ông không phải là một gã ngốc nghếch, dại khờ. Ông theo Chúa với một mục tiêu đầy tham vọng. Lúc này ông đang bị ngỡ ngàng vì hành động của Chúa, ông chưa dám chấp nhận số phận tệ hại như thế : Làm đầy tớ thiên hạ. Ông chưa sẵn sàng để mọi người hạ nhục. Bị nhục nhã trước công chúng chưa phải là tư tưởng của ông. Ông chưa chấp nhận cho nên ông từ chối để cho Chúa rửa chân.
Nhưng Chúa Giêsu đòi hỏi là Ngài phải rửa chân cho ông. Ông phải học bài học khiêm nhu của Ngài, bằng không, ông sẽ không được dự phần vào “gia sản” của Ngài. Gia sản ấy là cuộc sống mới, tư tưởng mới, thái độ mới, là tình yêu của Chúa Cha, là bác ái với mọi người mà việc rửa chân cho nhau là dấu chỉ. Gia sản ấy là cộng đồng mới, ngôi nhà mới có Chúa Giêsu cư ngụ. Phêrô với ơn Chúa Thánh Thần, nhận ra lời dạy bảo của Chúa, và ông đã chấp nhận.
Tuy nhiên, Chúa không đòi hỏi Phêrô phải có một cuộc tắm rửa toàn diện mà chỉ cần rửa chân khỏi những bụi bặm bên đường. Sau này, các tín hữu của Chúa trên hành trình qua cuộc sống trần gian, cũng vương nhiều bụi bặm. Cuộc thanh tẩy toàn thể không cần thiết nữa (tức không cần rửa tội lại) mà chỉ cần bí tích Hòa Giải, để có thể đồng bàn với Thiên Chúa tình yêu. Suy rộng ra, Hội Thánh luôn phải thanh tẩy mình, làm cho mình được đổi mới luôn, trong sạch luôn để xứng đáng tham dự lễ Vượt Qua với Chúa Kitô.
Sự kiện xảy ra tại bàn ăn, lệnh truyền yêu thương cũng được ban ra tại bàn ăn. Thế thì bàn tiệc Thánh Thể luôn luôn là đề tài để chúng ta suy nghĩ. Bàn ăn phải là nơi chúng ta tha thứ cho nhau, phục vụ nhau tẩy sạch mọi bụi bặm trần gian để có thể đón nhận giới răn mới của Chúa.
Thực ra, về hình thức, giới răn này chẳng có chi mới. Nhưng nội dung của nó thì hoàn toàn mới, và đã trở nên giới răn riêng của Chúa Giêsu, là dấu hiệu để thế gian nhận biết chúng ta là môn đệ của Ngài. Thực ra, yêu thương đối với Chúa Giêsu cực kỳ quan trọng đến nỗi Ngài phải làm gương, trước khi ban ra lệnh truyền, bởi Ngài biết rõ chỉ nhờ yêu thương mà thế gian sẽ được cải tạo, được đổi mới.
Thánh Gioan viết trình thuật này cho cộng đoàn của ngài trong tình hình rất cụ thể của cộng đoàn đó. Vậy thì mục tiêu của ngài là gì ? Ngài nhắm đạt tới điều chi ? Có lẽ sau khi chịu phép Thánh tẩy, trở lại với Chúa Giêsu, đã có nhiều điều xảy ra cần được tẩy rửa, sửa chữa. Đúng như tình trạng của các giáo xứ chúng ta ngày nay. Thánh Gioan đã dùng ngòi bút của mình mà thôi thúc mọi phần tử trong cộng đoàn tha thứ cho nhau, làm tôi tớ cho nhau, để có thể cùng nhau mừng lễ vượt qua. Thế thì các giáo xứ, các cộng đoàn tín hữu, tu trì ngày nay có cần lời khuyên nhủ của thánh nhân để cũng có thể cử hành lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu không ?
Lễ Vượt Qua này bắt đầu bằng nghi thức rửa chân, hạ mình ra không để đón nhận thánh ý Chúa, mà thánh ý Chúa là yêu thương. Thì chúng ta không thể nào làm khác được. Bữa tiệc Mình Máu Thánh Chúa cử hành hằng ngày tại các giáo xứ, các cộng đoàn cũng phải bắt đầu bằng nghi thức rửa chân, xin lỗi nhau và tha thứ cho nhau. Chỉ khi nào chúng ta thành thực trong tâm hồn, ngoài cử chỉ thực hiện nghi thức này, lúc đó mới xứng đáng được Chúa ngự vào lòng. Amen.