Xuống trần vì lòng xót thương
***
Có dịp giới thiệu với những bạn bè ngoài công giáo về hang đá Giáng Sinh, một câu hỏi thường được đặt ra về ý nghĩa câu Kinh Thánh được ghi phía trên hang đá: “Ngôi Lời đã làm người” nghĩa là gì? Một câu hỏi không dễ trả lời, vì nó bao hàm cả một nội dung tín lý quan trọng mà giáo lý công giáo gọi là ‘mầu nhiệm”. Nhập Thể là một trong ba “mầu nhiệm cả”, cùng với mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Cứu chuộc. Những mầu nhiệm này là cốt lõi Đức tin của người công giáo.
Thiên Chúa đã làm người. Mầu nhiệm Nhập thể là đỉnh cao của tình yêu thương, là nghĩa cử hạ mình hy sinh trọn vẹn nhất mà Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử. Đối với chúng ta, dù yêu ai đến đâu chăng nữa, chúng ta cũng không thể hoá thân nên giống người mình yêu được. Chúng ta chỉ có thể thể hiện tình yêu bằng những món quà, hay bằng những cử chỉ yêu thương chăm sóc tận tình, nhưng không thể nên một để mang lấy thân phận của người mình yêu thương.
Khi mang lấy thân phận loài người, Con Thiên Chúa đã tự huỷ mình ra không, theo cách nói của Thánh Phaolô (x. Pl 2,6-11). Người bỏ ngai vàng thiên quốc để xuống thế sống với con người. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa không còn là vị thần nghiêm khắc ở trên cao xanh vời vợi, mà là một Thượng-đế-ở-cùng-chúng-ta, là Đấng Emmanuel. Người xuống trần vì lòng xót thương. Người muốn chia sẻ phận người với những ai đang sống trong cảnh lầm than khốn cùng của tội lỗi, nhằm cứu vớt họ và cho họ hưởng hạnh phúc. Truyền thống Giáo hội từ rất xa xưa thường cử hành lễ Giáng Sinh vào lúc nửa đêm, muốn diễn tả việc Đức Giêsu sinh hạ là khởi điểm cho một thời đại mới, đưa lịch sử sang trang. Đức Giêsu là Mặt Trời công chính, báo hiệu kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của ơn Cứu độ. Người là “Ánh sáng bởi Ánh sáng”, đã bừng lên giữa tối tăm tội lỗi để dẫn đưa con người đạt tới ánh sáng của sự thánh thiện. Từ thời xa xưa, khi ban Lề Luật, Thiên Chúa nói với con người qua ông Môisen, như tiếng sấm tiếng sét, khiến họ khiếp sợ hãi hùng. Nay, Con Thiên Chúa làm người để nói với con người bằng ngôn ngữ của họ, rất bình dân, gần gũi, thân thiện. Người khẳng định với họ rằng, giữa đau khổ của kiếp người, Thiên Chúa vẫn hiện diện để lau khô giọt lệ nơi khoé mắt họ. Không chỉ đồng hành và chia sẻ phận người, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa còn chịu đau khổ với con người và vì con người. Cái chết của Người trên thập giá đã chứng minh tình thương bao la hải hà của Thiên Chúa Cha đối với nhân loại. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”(Ga 3,16).
Mầu nhiệm Nhập thể còn là sự trao đổi kỳ diệu: Con Thiên Chúa làm người để cho con người được trở nên con Thiên Chúa. Ý tưởng này được nhắc lại nhiều lần trong những lời cầu nguyện của Phụng vụ trước lễ Giáng Sinh. Trong Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu, con người hèn mọn được nâng cao, được thần hoá và trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa Tối Cao.
Mầu nhiệm Giáng sinh là một tin vui lớn lao cho cả nhân loại. Các sứ thần đã loan báo cho những mục đồng ở Belem như thế. Những người chăn chiên đơn sơ chất phác đã cảm nhận được ý nghĩa của biến cố Giáng Sinh, nên sau khi đến chiêm ngưỡng Hài nhi Giêsu, họ trở về trong hân hoan vui mừng, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa (x. Lc 2,8-20). Các mục đồng vui mừng hân hoan, vì họ thấy đã đến lúc Thiên Chúa thực hiện lời hứa từ ngàn xưa với tổ tiên họ. Hài nhi mới sinh là dấu chỉ và bằng chứng của lòng Chúa xót thương con người. Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Lòng thương xót là một từ khoá chỉ ra hành động của Thiên Chúa đối với chúng ta. Ngài không hạn chế mình trong việc khẳng định tình yêu của Ngài, nhưng còn đi xa hơn là làm cho tình yêu này thành hữu hình và đụng chạm được” (Misericordiae Vultus, số 9). Nơi Hài nhi Giêsu, con người có thể chiêm ngưỡng và “đụng chạm” tới Thiên Chúa, Đấng tự bản chất là vô hình, nay đã trở nên hữu hình giữa chúng ta. Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa vô hình có một trái tim. Trái tim này đã rung cảm trước nỗi đau của nhân thế, rơi lệ trước cái chết của con người và chạnh lòng thương những ai cơ hàn cô thế, đem cho họ sự an ủi vỗ về và giúp họ tìm lại nghị lực vươn lên.
Giữa những ồn ào náo nhiệt tưng bừng của ngày lễ Giáng Sinh, người tín hữu phải cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa khi đến với Hài nhi Giêsu. Đó cũng là tâm tình của Đức Trinh nữ Maria trong bài Kinh Ca ngợi(Magnificat), của ông Giacaria trong Kinh Chúc tụng Chúa (Benedictus), và cũng là của cụ già Simêon trong lời kinh An Bình (Nunc Dimittis). Tất cả đều cảm thấy được ngập tràn tình thương của Chúa và được “chạm tới” sự cao cả của Ngài.
Lễ Giáng Sinh mang sứ điệp của tình thương, sứ điệp của an bình. Người Kitô hữu chiêm ngưỡng Đức Giêsu Kitô, dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha và cầu xin ơn an bình đến cho cuộc đời. Thiên Chúa yêu thương con người và mời gọi con người thực hành đức yêu thương, nhưng nhiều khi chúng ta vẫn chối từ lời mời gọi ấy, thậm chí đi ngược lại với những điều Ngài truyền dạy. Đó là nguyên nhân của biết bao đau khổ và xáo trộn trong cuộc sống hằng ngày. Đã trở thành thông lệ của nhiều cộng đoàn Đức tin, việc mừng lễ Giáng Sinh đi đôi với những nghĩa cử chia sẻ bác ái đối với anh chị em nghèo nàn, bất hạnh, giúp họ cảm thấy hơi ấm của tình Chúa, tình người, nhất là cảm nhận được lòng thương xót của Chúa lan toả đến những nẻo đường của cuộc sống.
Như các mục đồng tại Belem năm xưa, sau khi cảm nhận được niềm vui và ơn an bình mà Chúa Hài Đồng ban tặng, chúng ta hãy chúc tụng Chúa và hãy lên đường để nói với những người đang sống xung quanh chúng ta rằng: Thiên Chúa đã xuống trần vì lòng xót thương.
Gm Giuse Vũ Văn Thiên