Chúa nhật lễ Thánh Gia Thất – Năm B
THÁNH GIA
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
***
Hôm nay chúng ta mừng lễ Thánh Gia. Sở dĩ Giáo hội đặt lễ Thánh gia này ngay trong tuần bát nhật lễ Giáng sinh là vì Giáo hội muốn cho chúng ta ý thức được tính cách đặc biệt của vấn đề Gia đình nhất là trong hoàn cảnh của cuộc sống hôm nay.
Giáo Hội muốn chúng ta học hỏi thêm về đời sống gia đình để chúng ta
– tìm lại những giá trị cao quí của gia đình nếu chúng ta đã lỡ đánh mất,
– duy trì những giá trị của gia đình nếu chúng ta may mắn còn giữ được
– đào sâu những giá trị của gia đình để chúng ta biết yêu mến gắn bó với chúng.
– và cuối cùng là phát huy những gi trị cao quí đó để sức sống gia đình được phong phú dồi dào hơn.
Nhìn vào gia đình thánh gia chúng ta tự hỏi gia đình của chúng ta có thể sống như thế được không? Câu trả lời là được nếu chúng ta biết cố gắng. Vậy thì đâu là những yếu tố làm nên một gia đình giống như gia đình Thánh Gia? Câu trả lời chẳng cần tìm đâu xa. Chúng ta hãy trở về với những chương đầu của sách Sáng Thế Ký chúng ta sẽ thấy.
1. Kinh Thánh kể lại: Thuở ban đầu Thiên Chúa mới chỉ dựng nên có một người nam. Và Kinh Thánh mô tả cuộc sống đơn độc của Adam thật là thê thảm. Ađam cảm thấy cô đơn và buồn chán. Chính Thiên Chúa khi nhìn vào, Người cũng phải thương cảm mà nói: “Voe soli!” (“Thật khốn cho những kẻ cô đơn.”) Và sau đó Thiên Chúa đã dựng nên cho Adam một người bạn đời. Đó là Evà, người phụ nữ đầu tiên. Khi nhìn thấy Evà, Adam đã vui như thế nào thì tất cả mọi người chúng ta đều biết.
Từ sự những kiện đó chúng ta có thể rút ra yếu tố đầu tiên làm nền tảng cho một gia đình thánh đó là: “Gia đình là một cộng đoàn mà các thành phần trong đó luôn biết hướng về nhau. Kinh Thánh đã diễn tả về việc này rất hay: “Người nam bỏ Cha mẹ mà luyến ái với người vợ của mình để cá hai trở nên một xương một thịt”
Để cắt nghĩa về việc con người luôn hướng về nhau, người Hy lạp đã sáng tác ra một câu chuyện và câu chuyện này đã trở thành một huyền thoại trong kho tàng những câu chuyện đáng nhớ của nhân loại. Theo câu chuyện này thì ban đầu con người duy nhất được Thiên Chúa dựng nên là một sinh vật mang hình dạng một khối tròn. Hình tròn là thường được coi như là một biểu tượng của sức mạnh – bằng chứng là các loại ống phải chịu lực mạnh thì người ta thường thiết kế theo dạng hình tròn. Vì sợ con người có sức mạnh như thế một ngày kia có thể chống lại mình cho nên thần Jupiter đã dùng gươm chẻ đôi con người ra. Việc này được thực hiện lúc thần không đủ bình tĩnh cho nên sự phân đôi con người không được đồng đều. Chính vì thế mà mỗi phần nửa của con người luôn cảm thấy mình có một cái gì đó dư thừa phải cho đi và cũng có một cái cái gì đó còn thiếu nên phải đi tìm. Chính vì thế mà cuộc đời của con người từ đó trở đi đã trở thành một cuộc tìm kiếm hầu như không biết mệt mỏi để cho đi cái dư thừa và tìm lại cái còn thiếu hầu có thể luôn giữ được thế quân bình của mình.
Và cũng từ đó việc hướng về nhau để cùng nhau bảo vệ sự hợp nhất trong gia đình là một việc không thể thiếu nếu muốn gia đình còn là một tổ ấm yêu thương. Khi những thành viên trong gia đình còn hướng về nhau thì đó là dấu chỉ cho một sự hòa hợp yêu thương và nếu không còn biết hướng về nhau nữa thì đó là dấu chỉ chắc chắn tiên báo cho một sự tan rã chẳng sớm thì muộn sẽ xảy ra và lúc đó thì gia đình sẽ không còn là gia đình nữa. Nó sẽ là gì thì tất cả chúng ta đều biết. Một thứ hoả ngục không hơn không kém.
2. Rồi cũng từ những trang đầu của sách Sáng Thế Ký, chúng ta còn thấy khi dựng nên người phụ nữ, Thiên Chúa đã không dựng nên theo cùng một cung cách như khi Người dựng nên người nam. Kinh Thánh bảo Thiên Chúa đã làm cho Adam thiếp ngủ đi rồi Người lấy một cái sương sườn của người nam và từ đó Người dựng nên người đàn bà để rồi vừa khi nhìn thấy người đàn bà Adam đã nhận ngay ra được dấu ấn của mình ở trong đó: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Nếu người nam mà còn nhận ra dấu ấn của mình nơi người nữ thì hỏi người chồng còn phải nhận ra dấu ấn của mình nơi người vợ như thế nào và như vậy thì chúng ta cũng có thể thêm là cha mẹ lại càng phải nhận ra dấu ấn của họ nơi những người con do họ sinh ra hơn nữa.
Từ sự kiện này chúng ta lại có thể rút ra được một yếu tố khác nữa của một gia đình thánh thiện. Gia đình là một cộng đoàn tình yêu. Đây không phải là một thứ tình yêu ở ngoài, mà là thứ tình yêu nội tại ngay chính trong mỗi thành viên của gia đình. Thánh Gioan tông đồ quả quyết như sau: “Không ai ghét chính mình” Yêu ai là yêu cái mình của mình nơi người khác.”
Khi diễn tả về lý do tại sao Thiên Chúa lại yêu con người đến như thế thì các nhà tư tưởng của Ai cập đã viết lên một câu truyện thần thoại thật đẹp. Theo họ thì để làm nên con người Thiên Chúa đã xuống tận bờ sông Nilô, một con sông nổi tiếng là linh thiêng và đem lại nhiều trù phú nhất cho đất nước Ai cập để ở đó Người lấy bùn rồi tự tay nhào bùn đắp nên hình con người. Nhưng thật là không may cho Chúa là khi Người vừa thọc tay vào đất thì lại đúng vào hang của con cua. Tay của Người bị cua kẹp chảy máu ra. Các thiên thần sợ quá muốn băng bó cho Chúa nhưng Người không cho mà nói:
– Hãy cứ để vậy. Cứ để cho máu của Ta chảy ra hòa với máu của con người để cho con người biết ta yêu nó như thế nào.
Thiên Chúa yêu con người là vì Thiên Chúa tìm thấy dấu ấn sự sống của chính mình trong con người. Thiên Chúa yêu con người vì Thiên Chúa tìm thấy hình ảnh của Người ở trong đó.
Tôi thấy trước đây những cặp vợ chồng khi xưng hô với nhau thì thường gọi nhau là “Mình” – “mình ơi mình”. Cách xưng hô như thế rất phù hợp với Kinh Thánh.
Chồng yêu thương vợ là vì tìm thấy ở nơi vợ cái “mình” của mình ở trong đó. Vợ yêu thương chồng cũng thế. Và cha mẹ yêu con cái cũng vậy. Nói một cách cụ thể và sát nghĩa hơn nữa thì cha mẹ yêu thương con cái là vì họ đã thấy được cái “chúng mình” nơi con cái của họ. Yêu thương như thế mới là yêu thương đúng nghĩa và yêu như thế mới là tình yêu theo đúng ý Chúa.
3. Cuối cùng cũng theo Kinh Thánh sau khi Adam và Evà đã được Thiên Chúa dựng nên, tác hợp hai người nên vợ nên chồng thành một gia đình thì Người đặt Adam – Eva giữa cảnh địa đàng và Kinh Thánh bảo cứ chiều chiều Thiên Chúa giáng lâm đồng hành và truyện trò với hai ông Bà. Thử hỏi còn gì đẹp hơn, tuyệt tuyệt diệu hơn quang cảnh đó: Thiên Chúa đồng hành trò chuyện với con người.
Từ những sự việc này chúng ta lại có thể rút ra một yếu tố nữa cho cuộc sống của một gia đình thánh. Gia đình là một cộng đoàn đạo đức. Sự đạo đức được đặt nềntrên lòng kính sợ Thiên Chúa. Chúng ta đã quá biết con người chỉ đau khổ khi lìa xa Thiên Chúa. Khi không còn sống thân tình với Thiên Chúa thì lập tức khổ đau tràn vào. Nó cướp đi mọi niềm vui của cuộc sống và nó làm cho cuộc đời trở thành một bãi chiến trường. Chúng ta làm sao mà quên được cái cảnh Adam – Eva đổ lỗi cho nhau. Làm sao mà quên được cái cảnh Cain đang tâm giết đứa em ruột thịt của mình. Tất cả là vì họ đã lìa xa Chúa .
Trong cuốn bài giảng Chúa nhật của mình, Đức Cha Arthur Tonne có ghi lại kết quả của một cuộc điều tra xã hội tại Mỹ năm 1975 về vấn đề gia đình như sau:
Người ta lựa chọn một số gia đình rồi rồi xếp ra từng loại căn cứ vào những tiêu chuẩn sau đây:
* Không tham dự lễ Chúa nhật + Không cầu nguyện
* Có tham dự Thánh lễ Chúa nhật nhưng không cầu nguyện.
* Có tham dự Thánh lễ Chúa nhật + đọc Kinh Thánh và cầu nguyện chung với nhau.
Sau 3 năm người ta nhận được những kết quả sau đây:
– Đối với những cặp vợ chồng không bao giờ đi lễ, không cầu nguyện thì cứ 4 cặp thì có 1 cặp ly dị. Tỷ lệ 1/4. Khá cao!
– Đối với những cặp vợ chồng thường xuyên đi tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật nhưng không cầu nguyện chung với nhau thì cứ 57 cặp có một cặp ly dị. Tỉ lệ 1/57.
– Với những cặp vợ chồng thường xuyên tham dự thánh lễ Chúa nhật thường xuyên, thêm vào đó còn có thời giờ để đọc Thánh Kinh và cầu nguyện chung với nhau thì kết quả hết sức tốt đẹp. Cứ 500 cặp mới có một cặp ly dị. Tỉ lệ 1/500.
Vâng đó là lết quả của một cuộc điều tra xã hội.
Thật không còn phải nghi ngờ gì nữa. Đạo đức là căn bản của đời sống gia đình. Không có đạo đức gia đình sẽ tan vỡ. Không có đạo đức gia đình sẽ không thể tồn tại. Không có đạo đức sớm muộn gì thì gia đình cũng lâm và cảnh bế tắc không tìm được tối ra. Không có đạo đức gia đình sẽ biến thành hỏa ngục.
Vâng kính thưa anh chị em,
Tôi vừa tìm từ Kinh Thánh ra những yếu tố làm nên một gia đình thánh. Có lẽ nói tới đây anh chị em thấy những gì tôi nói cũng chẳng xa lạ gì với điều mà anh chị vẫn nghĩ. Chỉ có điều là những gì chúng ta nghĩ và những gì đang xẩy ra trong thực tế sao mà chúng khác nhau nhiều quá. Vậy chúng ta phải làm sao bây giờ?
Một vị hoàng đế Trung Hoa vi hành một cách âm thầm thăm dân để biết cảnh tình của dân. Tối đến ông xin trú chân nơi một gia đình nông dân.
Gia đình này lớn nhỏ cả thảy 20 người. Tất cả đều sống trong hòa thuận và yêu thương nhau. Vua rất thán phục hỏi người chủ của gia đình:
– Xin cho tôi biết làm cách nào mà ông và mọi người giữ được hòa khí với nhau khi mà số người sống trong gia đình quá đông và khác biệt nhau như vậy?
Chủ nhà điềm tĩnh trả lời:
– Kiên nhẫn, kiên nhẫn, kiên nhẫn.
Tôi cũng không muốn nói gì thêm. Chỉ xin được nhắc lại ba tiếng “Kiên nhẫn, kiên nhẫn, kiên nhẫn”. Amen.