Chúa nhật lễ Thánh Gia Thất B
XÂY DỰNG GIA ĐÌNH KITÔ HỮU
Lm Giuse Đinh lập Liễm
***
Hôm nay Giáo hội cho chúng ta mừng lễ kính Thánh Gia, một mẫu gương cho các gia đình Kitô giáo. Tuy bài Tin mừng hôm nay không trực tiếp nói đến đời sống Thánh gia, chỉ có vài đoạn đề cập đến nhân đức âm thầm của Đức Maria, đức tin phó thác của thánh Giuse, sự vâng phục của Đức Giêsu, nhưng đó cũng là gương mẫu cho các gia đình noi theo.
Các gia đình ngày nay đang xuống dốc, làm lung lay cả nền tảng xã hội. Chúng ta là những gia đình Kitô hữu cần phải được củng cố lại cho bền vững để nêu gương cho các gia đình khác đang bị lung lay, bằng cách làm cho mái ấm gia đình thấm nhuần đức tin Kitô giáo : biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau, sống trên thuận dưới hoà, biết phục vụ, tha thứ cho nhau và trung thành trong đời sống hôn nhân.
- TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : Hc 3,2-6,12-14.
Khi nói về những đức tính phải có trong đời sống gia đình, Ben Sira, tác giả sách Huấn ca, nói ngay đến lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Sách Huấn ca này được viết vào khoảng năm 190 trước Chúa Kitô, bàn về cách sống khôn ngoan trong nhiều lãnh vực. Đây là tuyển tập các phương ngôn, phản ánh sự khôn ngoan của xã hội thời đó, một sự khôn ngoan dựa trên kinh nghiệm và lương tri.
Theo tác gia sách Huấn ca, lòng hiếu thảo đưa đến nhiều lợi ích :
– Đền bù tội lỗi.
– Được con cái cháu chắt thảo hiếu lại.
– Sẽ được Chúa nhận lời.
– Phải thảo kính nhất là khi cha mẹ già yếu.
+ Bài đọc 2 : Cl 3,12-21.
Trong lễ Thánh gia hôm nay, Giáo hội trích đoạn thư của thánh Phaolô gửi cho tín hữu Côlossê trong khi Ngài đang bị cầm tù lần thứ nhất. Ngài nói về “nếp sống mới” của những người đã cùng chết và sống lại với Đức Kitô. Theo đó, người theo nếp sống mới phải có những đức tính nhân bản : từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau.
Nền tảng của những đức tính này là Thiên Chúa. Nếu thánh Gioan tông đồ nói :”Thiên Chúa là tình yêu” thì căn bản của đời sống gia đình cũng là thực tình yêu thương nhau trong Chúa. Nếu Thiên Chúa đã xử đối với chúng ta thế nào thì chúng ta cũng phải xử đối với nhau như vậy.
+ Bài Tin mừng : Lc 2,22-30.
Thánh Luca đã tường thuật việc thánh Giuse và Đức Maria đem con lên đền thờ Giêrusalem để dâng Con cho Thiên Chúa theo luật dạy. Cuộc hành hương lên Giêrusalem này hé mở cho chúng ta biết một số đặc tính của gia đình Thánh gia :
– Thánh gia là một gia đình nghèo, của lễ dâng chỉ là cặp bồ câu.
– Cặn kẽ giữ luật Chúa mặc dầu Luật không đòi buộc các Ngài phải giữ.
– Gia đình hiệp nhất cùng đi dâng lễ.
Trong dịp này, thánh Giuse và Đức Maria đã nhìn thấy rõ và xác định được sứ mạng của Người Con các ngài, qua lời tiên tri của cụ già Simêon và bà Anna : sứ mạng của con trẻ này sẽ vừa bi thương vừa vinh quang. Tuy thế, các Ngài hoàn toàn tuân phục Thiên Chúa, các Ngài đã quảng đại chấp nhận và thi hành ý Chúa.
THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Xây dựng mái ấm gia đình.
- NGÀY LỄ THÁNH GIA
- Lý do mừng lễ.
Lễ Thánh gia được thiết lập vào cuối thế kỷ 19, tương đối mới. Đức Giáo hoàng Lêô XIII bấy giờ rất quan tâm đến các vấn đề xã hội. Người thấy nhân loại đang đi vào một nền văn minh mới. Lý trí và khoa học đòi quyền tự lập và tự chủ. Ảnh hưởng đạo đức bớt dần. Và trong phạm vi gia đình, người ta đã nói nhiều đến tự do, ly dị, cởi mở… Những phong trào “gia đình công giáo” có từ thế kỷ 16 ráo riết cổ động người ta noi gương Thánh gia. Đức Giáo hoàng Lêô XIII cũng như các vị kế tiếp muốn chúc phúc cho những phong trào này. Và lễ Thánh gia được thiết lập theo bối cảnh ấy.
Do đó, Giáo hội muốn cho chúng ta mừng lễ này là nhằm đề cao vai trò của gia đình và đưa ra một mẫu gương tuyệt hảo cho mọi người noi theo.
- Thánh gia, một gia đình gương mẫu.
Dựa theo Tin mừng chúng ta có thể biết được rằng gia đình Thánh gia là một gia đình gương mẫu trong việc giữ luật Chúa, mặc dù luật không buộc các ngài phải giữ, nhưng các Ngài đã làm như thế để nêu gương cho chúng ta. Các nghi lễ đó là :
- a) Lễ nghi cắt bì : Theo luật, mỗi con trai người Do thái phải chịu cắt bì ngày thứ tám sau khi sinh, và trong ngày này con trẻ được đặt tên. Thánh Giuse và Đức Maria cũng cho con trẻ được cắt bì và đặt tên là Giêsu, tên mà thiên sứ đã báo trước khi truyền tin cho Đức Maria.
- b) Chuộc con đầu lòng : Theo sách Đệ nhị luật (13,2) thì mọi con đầu lòng, dù người hay súc vật đều được dành riêng cho Thiên Chúa. Người ta qui định rằng dâng một số tiền 5 shekel, cha mẹ có thể chuộc lại đứa con từ nơi Chúa, hoặc dâng một số lễ vật khác như chiên hay đôi chim câu. Thánh Giuse và Đức Maria cũng đã chuộc lại con trẻ Giêsu bằng đôi chim câu.
- c) Lễ thanh tẩy sau khi sinh : Theo luật, khi người đàn bà sinh con trai thì người mẹ bị ô uế trong 40 ngày, nếu sinh con gái thì bị ô uế 80 ngày. Khi thời gian qui định chấm dứt, người mẹ phải vào đền thờ để được tẩy uế và đem theo con chiên làm của lễ toàn thiêu và một chim bồ câu non làm của lễ chuộc tội. Nếu người nghèo không có chiên thì dâng bồ câu thứ hai thay vì chiên. Đức Maria nghèo nên dâng lễ theo kiểu này.
Ba nghi lễ này là nghi lễ cổ và lạ, nhưng cũng hàm chứa một niềm tin rằng con cái là hồng phúc Chúa ban cho. Trong các hồng phúc Chúa đưa đến không có ơn nào khiến ta mang nhiều trách nhiệm với Chúa cho bằng con cái. Sinh con ra, chúng ta còn lo nuôi dưỡng và giáo dục chúng cho nên người.
- NÓI VỀ GIA ĐÌNH KITÔ HỮU.
Ý nghĩa gia đình.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định rằng :”Gia đình là nền tảng của xã hội”. Chính vì vậy , mà năm 1994 Liên hiệp quốc đã chọn làm năm quốc tế về gia đình. Nếu gia đình là nền tảng của xã hội mà ngày nay đang bị khủng hoảng một cách trầm trọng thì tương lai xã hội sẽ ra sao ?
Vì thế, đứng về phương diện Giáo hội, chúng ta coi gia đình là một “Tổ ấm” hay một “Mái ấm”, một” Giáo hội nhỏ” và là một” trường dạy đức tin”
a) Gia đình là một tổ ấm yêu thương.
Gia đình làø tổ ấm yêu thương, là chiếc nôi hạnh phúc. Dù ai ở trong giai cấp nào trong xã hội, nếu tìm thấy niềm an vui trong gia đình, thì họ chính là người hạnh phúc nhất, vì gia đình tồi tàn đi nữa thì đối với một con người, chẳng nơi nào có thể so sánh được với gia đình. Nhưng nếu có người phản đối cho rằng : gia đình là nguồn hạnh phúc, vậy sao gia đình cũng là nguồn đau khổ của đời người ? Thực ra, đau khổ, bế tắc chính là cơ hội để mỗi thành viên trong gia đình động não, sáng tạo và thể hiện tình yêu của mình một cách thuyết phục nhất.
Tổ ấm hay mái ấm gia đình thì cũng vậy. Khi nói tới mái ấm thì nhiều người có rất nhiều ý tưởng cao đẹp về hình ảnh này, một hình ảnh gợi cảm và thân thương nhất mà ai cũng mơ ước.
Truyện : mái ấm gia đình là gì ?
Mới đây một tờ báo ở London, thủ đô nước Anh, đã gửi câu hỏi “Mái ấm gia đình là gi ,theo anh chị” tới 1000 người. Có 800 người đã trả lời, tập trung vào các ý tưởng sau đây :
. Mái ấm : một thế giới xung đột khép lại, một thế giới tình thương mở ra.
. Mái ấm : nơi chuyện nhỏ là quan trọng, chuyện quan trọng là chuyện nhỏ.
. Mái ấm : vương quốc của cha, thế giới của mẹ và thiên đàng của con cái.
. Mái ấm : nơi chúng ta cằn nhằn nhiều nhất nhưng được đối đãi tốt nhất.
. Mái ấm : trung tâm của tình thương mà mọi lời ước nguyện của con tim quyện vào đấy.
. Mái ấm : nơi dạ dầy chúng ta ăn 3 lần mỗi ngày và tâm hồn ăn ngàn lần mỗi ngày.
. Mái ấm : nơi duy nhất nơi trần gian mà mọi lỗi lầm và thất bại của con người được che
đậy dưới lớp áo bác ái che đậy.(GM Arthur Tone, Góp nhặt, tr 125-126).
b) Gia đình là một Giáo hội nhỏ.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn về Gia đình cũng dạy :”Giữa những nghĩa vụ căn bản của gia đình Kitô hữu, có một nghĩa vụ có thể nói là có tính cách Hội thánh, vì nghĩa vụ này đặt gia đình vào chỗ phục vụ cho việc xây dựng Nước Thiên Chúa trong lịch sử, đó là tham dự vào cuộc sống và sứ mạng của Hội thánh” (GĐ số 49).
Mối liên hệ giữa gia đình và Hội thánh rất sâu sắc và nhiều đến nỗi có thể gọi gia đình công giáo là “Hội thánh tại gia” (L.G. số 11), hay “Hội thánh rút gọn”, “Hội thánh bỏ túi”. Gia đình công giáo có nhiều liên hệ đến Hội thánh.
* Về phía Hội thánh : Mẹ Hội thánh sinh ra, dưỡng dục và xây dựng gia đình công giáo bằng cách thực hiện cho gia đình sứ mạng Hội thánh đã nhận từ Đức Kitô.
* Về phía gia đình : Gia đình công giáo đã được tháp nhập vào Hội thánh ; sứ mạng tháp nhập này cho phép gia đình dự phần vào sứ mạng cứu rỗi của Hội thánh theo cách thức riêng của mình. Nếu Hội thánh được tham dự vào 3 chức năng của Chúa Kitô : tư tế, tiên tri và vương giả, thì gia đình công giáo là Hội thánh tại gia cũng phải xây dựng nếp sống theo mẫu mực Hội thánh gồm 3 chức năng ấy và cũng phải thực hiện 3 chức năng ấy theo chiều kích Hội thánh toàn cầu.
c) Gia đình, một trường dạy đức tin.
Trong tông huấn về gia đình, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói :”Gia đình là trường học đầu tiên” dạy các đức tính xã hội mà không đoàn thể nào khác có thể vượt qua”(GĐ số 3). Ta cũng có thể nói : gia đình là môi trường thuận lợi cho việc giáo dục đức tin cho con cái. Gia đình là trường dạy đức tin tốt nhất.
Giáo dục đức tin đây không có nghĩa là dạy giáo lý cho các em khi các em còn quá nhỏ không thể tiếp thu được. Cha mẹ chỉ dạy con bằng cách nói về Chúa. Dạy các em biết lạy Chúa, chào Chúa, làm dấu thánh giá hay đọc kinh Lạy Cha, Kính mừng, Sáng danh. Nhưng cách dạy tốt nhất là cha mẹ cứ đọc kinh cầu nguyện để chúng bắt chước, nhất là khi hai vợ chồng cầu nguyện có đứa con ở giữa.
Truyện : dạy bằng gương sáng
Thực là cảm động khi thấy đứa trẻ ngây thơ nhưng chăm chú nhìn xem nét mặt dịu dàng của bà mẹ đang cầu nguyện.
Bà Vaugham là một trong những người mẹ đáng kể làm gương. Bà đặt tất cả uy tín của bà trong tình yêu thương và lòng đạo đức. Cầu nguyện, bà thường để những đứa nhỏ ngồi bên. Và các em sung sướng học được lòng mến Chúa trên khuôn mặt bà. Cô nhỏ Gladys lần kia đã kêu lên :”Mẹ ơi, sao khi mẹ ở trong nhà thờ, mẹ xinh đẹp thế” ? Bà mỉm cười :”Con ơi, vì có Chúa Giêsu ở đấy”. Cô bé lui ra, vừa đi vừa nhẩm lại lời của mẹ.
(Bùi Đức, Vinh quang bà mẹ, 1959, tr 124)
- Đời sống trong gia đình.
a) Trật tự trong gia đình.
Trong gia đình Thánh gia chỉ có 3 thành viên : Đức Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse. Theo pháp lý, thánh Giuse phải là chủ gia đình vì là chồng và là cha. Đức Maria và Đức Giêsu phải phục tùng thánh Giuse như người có quyền trên hết.
Trong cuộc sống gia đình chúng ta cũng vậy :”Kim chỉ phải có đầu”, không thể sống trong cảnh “cá đối bằng đầu”. Gia đình và xã hội phải có trật tự, như bài hát sinh hoạt của thiếu nhi, nếu không sẽ rối loạn :
Con vỏi con voi,
Cái vòi đi trước,
Hai chân trước đi trước,
Hai chân sau đi sau,
Còn cái đuôi thì đi sau rốt…
Một nhà văn viết :”Trật tự là tất cả đều ở trong vị trí của mình để điều động cho tất cả, với một mục tiêu cho tất cả”.
Nếu tục ngữ Việt nam nói :”Kim chỉ phải có đầu” thì ngạn ngữ Tây phương cũng nói :”Piscis e capite vivit et e capite faetet” (cá sống tự đầu và cá thối tự đầu).
Thánh Phaolô nói :”Người chồng là đầu người vợ”(Ep 5,23). Thánh nhân cũng biết đầu thì rất hay và cũng rất dở theo kiểu nói Tây phương “cá sống cũng tự đầu và cá thối cũng tự đầu”, nên Ngài còn thêm mấy chữ khác vào câu nói trên :”Người chồng là đầu người vợ như Chúa Giêsu là đầu Hội thánh”.
Do đó, ta có thể kết luận : “Người chồng là đầu sống của người vợ nghĩa là làm cho vợ sống chứ không làm cho nó hư đi như cá thối tự đầu vậy : nghĩa là chồng phải yêu thương vợ như yêu thương chính mình.
b) Đạo Hiếu trong gia đình.
Trong bài đọc I của sách Huấn ca có câu :”Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu”. Như thế, Thiên Chúa chúc phúc và ban ơn lành cho những kẻ biết thờ cha kính mẹ theo như điều răn thứ bốn dạy :”Hãy thảo kính cha mẹ”. Ai giữ điều răn đó thì làm đẹp lòng Thiên Chúa.
Tư tưởng trên cũng rất giống với tư tưởng của người Việt nam chúng ta mà các em nhỏ đã hiểu khi đọc câu ca dao này :
Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ Hiếu mới là Đạo con.
Hai từ ngữ THỜ và KÍNH là hai từ dùng trong những việc làm của tôn giáo. Thờ kính cha mẹ là có hiếu với cha mẹ, và người ta nâng chữ Hiếu lên thành một ĐẠO. Do đó, chúng ta phải ý thức rằng thảo kính cha mẹ không còn là những tình cảm chủ quan tùy tiện, cũng không phải chỉ là lẽ công bằng mà là một Đạo. Mà lỗi Đạo là phạm tội chứ không phải chỉ là một thiếu sót.
Truyện : Hàn bá Du có hiếu.
Hàn bá Du ăn ở với mẹ rất có hiếu. Những khi có lỗi mẹ thường đánh đòn. Môt hôm Hàn bá Du phải đòn, khóc mãi. Mẹ thấy vậy hỏi :
– Mọi khi mẹ đánh con, con biết lỗi, con cam chịu ngay. Lần này sao con khóc dai như thế ?
Bá Du thưa :
– Mọi khi mẹ đánh, con thấy đau, con biết mẹ còn mạnh khỏe. Lần này mẹ đánh con, con thấy không đau mấy, con biết sức mẹ đã yếu, cho nên con nghĩ, con thương mẹ mà con khóc.
Ôi ! con ăn ở với mẹ, tuy khó nhọc, khổ sở cũng không dám oán. Như Bá Du trong truyện này, không những không oán mẹ, lại còn thương mẹ già yếu, tình con yêu mẹ thế mới là thắm thiết (Nguyễn văn Ngọc, Cổ học tinh hoa, quyển 2, tr 18).
c) Hoà hợp trong gia đình.
Ai cũng có một ngôi nhà để ở, nếu không, phải ở đầu đường xó chợ hoặc phải đi ở nhờ nhà người khác. Chỗ ở là một nơi rất quan trọng vì người ta nói:”An cư lạc nghiệp”, muốn làm việc cần phải có chỗ ở đã. Việc lập gia đình ví như việc xây dựng một ngôi nhà. Nhà nào cũng là nhà lớn nhỏ, đẹp xấu, tùy theo khả năng của mình. Nhưng ngôi nhà phải luôn ấm cúng. Vì thế, ngôi nhà của gia đình được gọi là MÁI ẤM. Mái ấm này trước tiên được vợ chồng xây dựng, sau này con cái góp phần làm cho mái ấm trở nên khang trang, đẹp đẽ và ấm cúng hơn.
Người ta thường nói :”Đàn ông dựng nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Xây dựng được ngôi nhà thì dễ còn làm sao cho ngôi nhà trở nên ấm cúng thì càng khó. Có những ngôi nhà trong đó có những người không hòa hợp với nhau, bề ngoài tuy đồ sộ nguy nga, nhưng bên trong thì lạnh lẽo , vắng vẻ, tiêu điều ; ngược lại, có những ngôi nhà tuy đơn sơ, có khi còn nghèo nàn như một túp lều tranh mà lại ấm cúng vì trong đó có những người biết sống hòa hợp thương yêu nhau, biết mưu cầu hạnh phúc cho nhau, biết quên mình phục vụ, biết nhịn nhục nhau, tha thứ cho nhau… để ngôi nhà đơn sơ đó trở nên một hình ảnh rất đẹp “Một mái nhà tranh, hai trái tim vàng”. Mái ấm đó được thành hình do sự cộng tác và hoà hợp của vợ chồng như hình ảnh :
Em về chẻ rạ đánh tranh
Chặt tre chẻ lạt cho anh lợp nhà.
Sớm khuya hòa thuận đôi ta
Hơn ai gác tía, lầu hoa một mình
(ca dao)
Thánh gia thất Đức Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse là một gia đình kiểu mẫu đáng cho mọi gia đình Kitô hữu noi theo, trong đó mọi người yêu thương nhau, đùm bọc lẫn nhau trong tình bác ái, mỗi thành viên làm trọn nhiệm vụ của mình để xây đắp cho gia đình. Gia đình không phải là nơi tạm trú mà phải là nơi thường trú của mọi người, không ai có thể rời bỏ được. Nếu hiểu được ý nghĩa thực của gia đình thì phải nói gia đình là một kho tàng quí giá.
Truyện : Gia đình là một kho tàng.
Ông George đã đến tuổi 70, ông không lập gia đình, ông là một thủy thủ, cả cuộc đời lênh đênh trên biển cả. Ông không có nhà riêng. Cháu trai ông tên là BILL rất thương bác George nên đã mời bác về sống với Bill, với vợ và 5 con của Bill. Đó là sự giúp đỡ lẫn nhau : bác George có nhà ở, còn gia đình của Bill có dịp làm những chuyến viễn du tưởng tượng quanh thế giới mỗi khi lắng nghe bác George kể lại kinh nghiệm của mình.
Đôi khi Bill cảm thấy nhàm chán và bất mãn với cuộc sống gia đình. Được rảo quanh thế giới không lo lắng, thảnh thơi vui sướng biết bao. Và Bill đã bày tỏ nỗi lòng cho bác.
Một chiều kia, bác George nhắc đến một nơi xa xăm. Bác có đánh dấu trên bản đồ một kho tàng chôn giấu. Bill ghi nhớ điều đó, nên sau khi bác George chết vài năm, Bill coi lại đồ đạc của bác và tìm thấy một bao thư đề tên Bill , trong đó có một tấm bản đồ. Tim đập mạnh, tay run run, Bill cố gắng tìm ra nơi cất giấu kho tàng. Sau cùng chàng cũng xác định được địa điểm : đó là căn nhà của chàng, nơi mà chàng đang đứng.
Bác George đã trối lại cho chàng một kho báu là ý thức rằng nhà của chàng, gia đình riêng của chàng là kho báu (Góp nhặt 4, tr 109).