Chúa nhật Lễ Lá – Năm C: TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA
LỜI CHỨNG CỦA THẬP GIÁ
Trích Logos năm C
***
Vào ngày 20/11/1961 John Kennedy đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 35 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, trở thành vị tổng thống trẻ trung nhất (44 tuổi), hấp dẫn nhất và cũng có nhiều bí ẩn nhất trong lịch sử của một siêu cường quốc.
Giữa không khí lạnh giá của thủ đô Washington ngày hôm ấy, trong niềm hân hoan chiến thắng sau cuộc chạy đua cực kỳ căng thẳng vào chiếc ghế tổng thống. Vị tân tổng thống đã đọc bài diễn văn nhậm chức gửi đến nhân dân Mỹ, trong đó có một câu nói đã trở thành câu danh ngôn bất hủ : “Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho các bạn, mà hãy hỏi xem bạn có thể làm gì cho đất nước”.
Sau bài diễn văn đó, cả nước Mỹ đã nhiệt liệt hoan hô vị tân tổng thống với lòng ngưỡng mộ và yêu mến.
Nhưng gần 3 năm sau, vào ngày 02 – 11 – 1963 khi tổng thống John Kennedy đang trên đường đến thành phố Dallas tiểu bang Texas để vận động tranh cử, ông đã bị bắn gục trên chiếc xe hơi bằng 2 phát đạn oan nghiệt của một kẻ ám sát. Vị tổng thống đã tắt thở sau khi đem đến bệnh viện. Hung thủ tên là Oswald đã bị bắt sau đó.
Hồ sơ về cái chết của tổng thống John Kennedy đã đóng lại với biết bao bí ẩn mà chỉ có ông ta mới có thể giải đáp. Ông chính là một chứng nhân của lịch sử, nhưng lại không được lên tiếng nói để làm chứng cho mình và lịch sử.
Khi Chúa Giêsu cỡi lừa vào thành Giêrusalem, dân chúng và các môn đệ đã trải áo xuống đường cho Chúa đi, miệng không ngớt tung hô : “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”. Nhưng chỉ vài ngày sau, trước tòa án Philatô, dân chúng đã hô to : “Đóng đinh nó vào thập giá”. Chúa Giêsu đã chấp nhận bản án chịu đóng đinh vào thập giá.
Chúa Giêsu là một chứng nhân tuyệt hảo, chứng nhân tình yêu. Chúa làm chứng không chỉ bằng lời rao giảng, nhưng bằng cái chết của một ngôn sứ.
Trong ngày Lễ Lá, qua việc Chúa Giêsu long trọng vào thành Giêrusalem và qua cuộc thương khó của Ngài, chúng ta bắt gặp nhiều khuôn mặt chứng nhân.
Dân chúng đã hô to lời ca ngợi như là một lời chứng hùng hồn : “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”. Nhưng mấy ngày sau lại gào thét lời “phản chứng” : “Đóng đinh nó vào thập giá”.
Các môn đệ đã công khai bày tỏ lòng tin tưởng và trung thành với Chúa như là những chứng nhân kiên cường. Các ông đã can đảm lên tiếng làm chứng trước mặt mọi người, ngay cả đối với các biệt phái đang quyết liệt chống đối Chúa, đến nỗi những người biệt phái nói với Chúa bảo các môn đệ im đi, thì Ngài trả lời : “Họ làm thinh thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên”.
Nhưng chỉ vài ngày sau, khi Chúa Giêsu bị bắt, các môn đệ đã chạy trốn một cách hèn nhát. Thậm chí tông đồ Phêrô đã chối Thầy 3 lần và Giuđa đã bán Thầy.
Nhưng cũng có những chứng nhân trung thành âm thầm đi theo Chúa trên mọi nẻo đường. Họ không lớn tiếng làm chứng cho Chúa, nhưng làm chứng cho Chúa bằng cả cuộc đời thầm lặng một cách can đảm.
Mẹ Maria đã làm chứng cho Chúa với cuộc sống đức tin trung kiên. Mẹ âm thầm đồng hành với Chúa không phải chỉ bằng đôi chân mà còn bằng trái tim yêu thương của người mẹ. Mẹ là chứng nhân trung thành của Con Mẹ không phải chỉ trên đường dẫn vào thành Giêrusalem, mà còn trên đường thập giá dẫn đến Núi Sọ.
Thánh Gioan đại diện cho các tông đồ khác tựa đầu vào ngực Chúa trong bữa Tiệc Ly và trung thành đi theo Chúa đến tận chân cây thập giá. Ngài là chứng nhân cho Chúa với lòng yêu mến thiết tha.
Những phụ nữ Giêrusalem đã đi theo Chúa trên đường khổ giá, chỉ biết làm chứng bằng những giọt nước mắt ứa ra từ trái tim đầy thương cảm dành cho Chúa.
Simon người xứ Xyrênê đã ghé vai vác đỡ thánh giá Chúa. Từ một người đi đường trở thành một chứng nhân lịch sử. Ông được thông phần cuộc khổ nạn của Chúa.
Người trộm lành dù là một kẻ tội lỗi đã biết ăn năn hối cải và trở thành người làm chứng cho Chúa ngay trên thập giá của mình.
Trước tòa án Philatô, Chúa Giêsu là chứng nhân cho sự thật trong hình dáng tội nhân với vòng gai trên đầu và khuôn mặt đẫm máu, thân xác nát tan.
Trên cây thập giá khi Chúa Giêsu thở hơi cuối cùng, bầu trời trở nên u ám, màn trong đền thờ xé ra làm đôi. Một viên sĩ quan đã thốt lên : “Ông này quả thật là người công chính”. Chúa đã làm chứng cho tình yêu cao cả không bằng lời rao giảng nữa, nhưng bằng cái chết đau thương của mình.
Trên con đường đức tin, chúng ta được mời gọi để trở thành chứng nhân cho Chúa trong cuộc sống của mình. Chúng ta không chỉ làm chứng cho Chúa bằng lời nói, nhưng còn bằng cả cuộc sống : làm chứng bằng trái tim yêu thương, bằng đôi tay mở ra để cho đi, bằng đôi chân đi đến với những người cô đơn bất hạnh, bằng tấm lòng bao dung tha thứ, bằng hương thơm thánh thiện lan tỏa đến mọi người.
Vào thời chiến tranh, trong lúc khẩn cấp, vị bác sỹ giải phẫu cho một phụ nữ bị thương mà không dùng thuốc gây mê. Trong suốt 5 giờ, người phụ nữ đã chịu đau đớn mà không kêu la một lời. Sau đó, người ta hỏi : “Sức mạnh nào khiến bà chịu đựng được như thế ?”
Người phụ nữ xòe bàn tay ra : giữa lòng bàn tay có một tượng thánh giá nhỏ. Bà ta nói : “Đây là sức mạnh của tôi”.
Trong Năm Thánh Truyền Giáo, với thập giá vác trên vai, chúng ta hãy can đảm làm chứng cho Tin Mừng qua đời sống hy sinh vất vả hằng ngày. Chấp nhận “cuộc thương khó” trong đời mình là chúng ta trở thành chứng nhân tình yêu cho mọi người. Đón nhận thập giá để thông phần vào sự đau khổ của Chúa Kitô là đón nhận chính Chúa. Vì ta không thể ôm chặt lấy Đức Kitô mà không ôm chặt cả cây thập giá. Thế giới vẫn xoay vần, nhưng thập giá luôn đứng vững như lời chứng trung thành nhất của tình yêu.