MỒNG 3
VIỆC LÀM VÀ LÀM VIỆC TRONG NĂM MỚI SẼ NHƯ THẾ NÀO ?
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Thời báo Tài Chính Việt Nam online cho biết trong năm 2014 vừa qua có 67,8 nghìn doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động. Tỉnh Đồng Nai năm vừa qua cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nền kinh tế thế giới suy thoái. Một trong những vấn đề chính quyền tỉnh quan tâm đó là có hàng trăm ngàn công nhân mất việc, nghỉ việc vì công ty làm ăn khó khăn, thua lỗ. Con số hàng trăm ngàn người mất việc này sẽ còn ảnh hưởng đến các gia đình và bao nhiêu người khác nữa, chưa kể là vấn đề tội phạm xã hội sẽ tỷ lệ thuận với con số này. Nhìn vào bức tranh kinh tế và công ăn việc làm của cả nước năm qua, con số lạm phát dù có được kìm hãm, nhưng tình trạng nợ nần của Nhà nước khá trầm trọng, đồng tiền mất giá, giá cả các mặt hàng tăng mạnh… Tất cả những thông tin ấy đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mỗi người, hay nói cụ thể hơn, nó ảnh hưởng đến cái túi, đến bữa cơm của các gia đình. Dịp cuối năm, các công ty, xí nghiệp đều có thưởng, có những người được thưởng cả trăm triệu, nhưng cũng có những ngành nghề chỉ được thưởng mấy ký hạt dưa, hạt bí và có những ngành nghề không được đồng nào…
Vấn đề việc làm ngày càng trở thành vấn đề quan tâm của nhiều người. Có việc làm và làm việc như thế nào lại là chuyện khác ; và việc làm có phù hợp, có thoải mái, có đủ sống hay không lại là chuyện khác nũa. Vấn đề chủ và thợ ngày nay cũng đã trở thành một vấn đề nan giải : chủ thì muốn thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận nhiều ; thợ thì muốn lương cao và những điều kiện làm việc thật tốt. … Bài Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta về mối tương quan chủ và thợ :
Có một ông chủ sắp đi xa liền gọi các đầy tớ đến mà trao phó tài sản của ông. Ông chủ này quá tốt, đã tin tưởng trao hết tài sản mình cho công nhân. Ông không đắn đo tính toán, ông cho họ cơ hội để lập nghiệp. Ông cũng rất nhân đạo và biết nhìn người : ông trao cho người này năm nén, người kia ba nén, người khác một nén, tùy khả năng mỗi người. Điều đó có nghĩa là ai có khả năng như thế nào thì ông chủ tạo điều kiện cho như thế, ông không bắt ép họ phải chịu trách nhiệm vượt quá khả năng của mình. Điều ông chờ đợi và đòi ở đầy tớ không phải là chuyện lời hay lỗ, vì ông có thiếu gì đâu, mà là sự chăm chỉ làm việc và làm việc trong sự hăng say, phấn khởi và biết ơn ông. Ông không chấp nhận những người thợ lười biếng, không biết suy nghĩ tính toán, không cố gắng. Câu chuyện cho thấy khi trở về, ông chủ đã gọi đầy tớ đến để tính sổ. Người năm nén sinh lời được năm nén khác, người ba nén cũng vậy. Những người này đều được ông chủ khen là những đầy tớ tốt lành và trung tínvà vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn. Sự tín trung với chủ và giữ chữ tín trong công việc chính là điều những người này được khen thưởng.
Trái lại, sự bất tín, biếng nhác, lười suy nghĩ tính toán, ù lì, thụ động là điều không thể chấp nhận, đó là trường hợp của người lãnh một nén. Anh này đã đem chôn giấu nén bạc ông chủ trao, vì anh đã có cái nhìn hoàn toàn sai lạc về chủ của mình. Anh phân bì, cho rằng chủ mình keo kiệt, tham lam, hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát, và anh còn mang một thái độ khác nữa, đó sợ hãi thay vì yêu mến, biết ơn ông chủ nên đã chôn giấu nén bạc của chủ. Chính từ cái nhìn không đúng về chủ, nên anh cũng không quan tâm gì đến việc kinh doanh, sinh lời vốn liếng chủ trao. Đối với ông chủ, việc giữ huề vốn nguyên vẹn một nén bạc là không thể chấp nhận, ít ra anh ta cũng phải làm lời theo lãi suất ngân hàng… Ông chủ đã sa thải anh vì anh biếng nhác, không suy nghĩ, không tính tóan để làm sinh lời vốn liếng chủ trao.
Qua thái độ của ông chủ và những người đầy tớ trong câu chuyện Tin Mừng, Chúa Giêsu đã chỉ cho thấy Thiên Chúa chính là ông chủ tốt lành. Ngài ban cho mỗi chúng ta những khả năng và tài năng khác nhau. Ngài còn tạo cho chúng ta nhiều cơ hội để làm phát triển các khả năng và tài năng đó. Ngài muốn chúng ta làm việc hết mình với lòng biết ơn và yêu mến Ngài. Ngài chờ đợi chúng ta biết tận dụng thời giờ để sinh lời những gì chúng ta đã nhận được từ nơi Chúa. Nén bạc Chúa trao cho chúng ta hôm nay có thể là thời giờ, sức khỏe, tuổi trẻ, tài năng và kể cả của cải vật chất nữa. Chúng ta đã nhận được gì thì chúng ta phải sinh lời gấp đôi, gấp ba những cái chúng ta đã nhận. Có những người Chúa ban cho nhiều cơ hội nhưng vì lười biếng hoặc chần chừ, thụ động nên đã để vuột mất cơ hội ấy ; trong khi đó, có những người đã nắm bắt cơ hội và đã sinh lời cho bản thân và cho gia đình của mình.
Bài đọc một cho thấy, vốn liếng Thiên Chúa trao cho con người nói chung và cho mỗi người nói riêng luôn phù hợp với khả năng mỗi người. Vũ trụ, trái đất này cùng mọi sinh vật, tài nguyên, khoáng sản trong đó là của Thiên Chúa, do Chúa dựng nên và làm chủ. Thế mà, Thiên Chúa đã trao tặng hoàn toàn cho con người, với chỉ một mong muốn là con người làm cho nó ngày càng tốt đẹp hơn. Không chỉ trao cho con người tài sản vật chất, Thiên Chúa còn trao cho con người làm chủ và chịu trách nhiệm chăm sóc cả khu vườn Êden, vườn thượng uyển của Chúa, là nơi hạnh phúc. Adam, Eva, tổ tông của chúng ta, đã đứng ra nhận tài sản của Thiên Chúa. Thế nhưng, hai ông bà không khác gì người đầy tớ lãnh một nén bạc, đã chôn giấu tài sản của Thiên Chúa, đã làm tổn hại đến tài sản là hạnh phúc, đã hủy hoại sự cân bằng trong vũ trụ và trong tâm hồn mình, làm cho vũ trụ nên gai góc và chai đá vì tội bất tuân, nghi ngờ Thiên Chúa và phản bội lại sự tín trung, nên đã để mình và con cháu bị loại ra ngoài.
Bài đọc một còn cho thấy Thiên Chúa của chúng ta như một người thợ. Ngài hăng say, tận tụy làm việc để tạo dựng nên vũ trụ. Đặc biệt, Thánh Kinh diễn tả Thiên Chúa như người nghệ sĩ làm việc đổ mồ hôi, để tạo nên tác phẩm tuyệt đẹp là con người. Nếu Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa luôn làm việc, thì con người cũng phải biết làm việc, vì làm việc giúp chúng ta nên giống Thiên Chúa. Khi làm việc, chúng ta đem lại sự tốt đẹp cho vũ trụ, đem lại sự no cơm ấm áo, hạnh phúc cho con người. Đó là chúng ta đang sinh lời cho Thiên chúa và đang cộng tác với Thiên Chúa trong việc tạo dựng cũng như tô điểm cho vũ trụ này thêm tốt đẹp hơn. Như thế, khi chúng ta hủy hoại môi trường xung quanh, làm cho nó ra ô nhiễm, bẩn thỉu là chúng ta đã không trung tín với Thiên Chúa và gây tổn hại đến tài sản của Ngài.
Không dừng lại ở đó, việc làm và làm việc còn là cách thế để chúng ta bày tỏ sự tín trung, lòng yêu mến, biết ơn của chúng ta với Chúa. Làm việc cũng là cơ hội chúng ta thực thi đức bác ái. Thánh Phaolô nhắc chúng ta một thái độ làm việc khác quan trọng hơn, đó là làm ăn, tìm kiếm của cải vật chất để tự mình nuôi sống bản thân, làm tăng phẩm giá con người và còn để chia sẻ, giúp đỡ những người thiếu thốn, vì : Cho thì có phúc hơn là nhận. Chung ta đã lãnh nhận rất nhiều từ Thiên Chúa nên chúng ta cũng cần phải rộng mở đôi tay để cho đi và chia sẻ.
Ngày Mồng Ba Tết là ngày thánh hóa công ăn việc làm, có nghĩa là chúng ta xin Chúa giúp chúng ta biết thánh hóa công việc làm của mình. Chúng ta xin Chúa giúp chúng ta sống và làm việc theo giáo huấn của Chúa, làm việc trong công bình và bác ái : người chủ thì biết tôn trọng sự công bằng và quyền lợi người thợ ; người thợ cũng phải biết tôn trọng quyền lợi của chủ. Tất cả mọi người làm việc trong ý thức rằng : Thiên Chúa tín nhiệm và trao phó tài sản của Ngài cho ta và chúng ta chỉ là người quản lý, vậy nên ta phải biết tận dụng cơ hội và khả năng Chúa ban để làm việc hết mình trong tinh thần yêu mến, tương thân tương ái.
Cầu chúc cho mọi người có được công việc làm như mong muốn và làm việc thật hiệu quả, đem lại cuộc sống ấm no và hạnh phúc, đồng thời góp phần làm cho môi trường sống mỗi ngày tốt đẹp hơn. Amen.