MỒNG 3
THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Hôm nay là Mồng Ba Tết, Giáo hội Việt nam dành một ngày xin cho mọi người tín hữu biết thánh hóa công việc làm ăn. Sở dĩ có ngày lễ này, vì ngày xưa, người ta có quan niệm sai lầm về Lao động, coi lao động là một việc khổ sai dành cho những người u vai thịt bắp, cho những kẻ nghèo hèn. Do đó, người ta đề cao chữ “nhàn”, nhất là đối với một số thi sĩ cổ điển của nước ta ngày trước. Ví dụ :
Đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu,
Trầm tư bách thế nhất như nhàn.
(Cao bá Quát)
Nhân ngày đầu năm mới, chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của Lao động để chúng ta yêu mến sự Lao động hầu góp phần vào sự sáng tạo của Thiên Chúa và giúp ích cho bản thân mình cũng như cho tha nhân.
- KINH THÁNH NÓI VỀ LAO ĐỘNG.
- Trong việc tạo dựng.
Theo sách Sáng thế, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ vạn vật từ hư vô. Sau khi đã dựng nên đầy đủ, Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài (St 1.26), đặt con người vào Vườn Địa Đàng để “trồng tỉa và coi sóc vườn”(St 2.15). Theo nhiều nhà chủ giải Thánh Kinh, con người giống Thiên Chúa nhờ sự thông minh và tự do, có uy quyền bá chủ vạn vật :”Ta hãy dựng nên loài người giống hình ảnh Ta để họ làm chủ cá biển, chim trời, muôn thú vật trên đất và mọi côn trùng sống động trên địa cầu”(St 1.26). Như vậy, con người lao động để thăng hoa đời sống mình trong những điều kiện rất thuận lợi.
- Đức Giêsu, người thợ mộc ở Nazareth.
Đức Giêsu đã khẳng định :”Cha Ta làm việc luôn và Ta cũng làm như vậy”(Ga 5.17).
Chúng ta không biết ở Nazareth, trong suốt gần 30 năm trời, Đức Giêsu làm gì ở đó ? Ngài đã làm gì để giúp đỡ thánh Giuse và Đức Maria. Dựa vào thánh sử Marcô, chúng ta có thể biết được Ngài làm nghề thợ mộc, khi người ta thắc mắc hỏi nhau :”Ôâng ta không phải là bác thợ mộc, con bà Maria sao”(Mc 6.3) ? Nghề thợ mộc lúc ấy rất là vất vả vì chưa có máy móc, phải dùng đến sức người. Như vậy Đức Giêsu phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có của ăn giúp gia đình.
- Gương lao động của thánh Phaolô.
Trên bước đường truyền giáo, thánh Phaolô không muốn trao gánh nặng cho tín hữu phải nuôi sống mình, ngài đã làm nghề thợ dệt để tự nuôi sống. Công việc của ngài không phải là không vất vả : một đàng phải đi rao giảng Tin Mừng, một đàng phải lao động chân tay.
Chính vì vậy, ngài đã khuyên bảo tín hữu Thessalonica :”Ai không làm việc thì đừng ăn. Thế mà chúng tôi nghe nói trong anh em có những người sống vô kỷ luật, ăn không ngồi rồi, lại dây mình vào đủ chuyện. Đối với những người ấy, chúng tôi kêu mời và khuyến khích họ trong Chúa Kitô, hãy bình tâm làm việc và hãy tự tìm cách sinh nhai. Phần anh em, hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí”(tx 3,10b-13).
- Ý NGHĨA SỰ LAO ĐỘNG.
Có người lạc quan chỉ nhìn vào khía cạnh tích cực của nó. Ngược lại, có người bi quan chỉ nhìn vào khía cạnh tiêu cực của nó, làm giảm giá trị của sự lao động.
- Khía cạnh tích cực. : Cộng tác vào việc sáng tạo.
Nếu Thiên Chúa đã ban cho con người làm chủ chim trời, cá biển và mọi sinh vật trên mặt đất thì Thiên Chúa đã cho con người được tham gia vào sự sáng tạo của Thiên Chúa. Như vậy, lao động tinh thần hay vật chất mang một ý nghĩa trọng đại.
Giữa ý niệm lao động và giáo thuyết về sự sáng tạo có một tương liên mật thiết. Chính vì thế,E. Krebs đã không ngần ngại nói :”Khái niệm căn bản về giá trị tuyệt đối của tất cả hoạt động nhân sinh đã được phú ban cho loài người nhờ lòng tin vào Thiên Chúa sáng tạo. Ngài là Đấng tự do và khôn ngoan, sau khi dựng nên loài người đã nghỉ ngơi ngày thứ bảy để giao phó cho họ tiếp tục thực hiện chương trình sáng tạo của Ngài có từ đời đời”(Theo J. Haessle, Le travail, Paris, 1933, tr 350).
- Khía cạnh tiêu cực : một công việc khổ sai.
Có người cho rằng lao động chỉ là một việc khổ sai, làm cho con người mất tự do. Nếu cho rằng lao động chỉ là hậu quả của tội lỗi, tức là định nghĩa lao động như một hình phạt, việc làm như là một hình phạt, như sự đền tội, và đi đến hệ luận : nếu không có tội thì con người đã không phải làm việc. Quan niệm như thế quả là thiếu chính xác…
Đồng ý rằng, sau khi phạm tội, nguyên tổ bị chúc dữ, nhưng lời chúc dữ ấy không nhằm tới sự làm việc như một đối tượng, bởi vì những vất vả hằng ngày của con người trong việc làm vẫn đánh dấu sự thực thi quyền mà Thiên Chúa đã ban cho mình trên vũ trụ, quyền thống trị vẫn còn đó, nhưng phải nhọc công chinh phục bởi vì từ đây đất bị chúc dữ sẽ chống lại con người (St 3,17), vất vả ở chỗ đó ! Nên không thể dựa vào đó để kết luận việc làm như một hình phạt bởi tội. Chỉ tính cách khó nhọc của việc làm mới là kết quả của tội phạm.
III. PHÂN LOẠI LAO ĐỘNG.
Người ta quan nệm :”NHẤT SĨ NHÌ NÔNG”. Theo đó, lao động được phân làm hai loại : lao động tinh thần và lao động vật chất. Người ta chuộng “sĩ” hơn “nông”.
Quả thực, người xưa đã khinh dể việc làm biết bao. Họ cho việc làm là xấu, chỉ dành cho tôi tớ trong nhà hay cho những người nghèo túng. Cho nên người ta đã đặt ra một thành ngữ để phân biệt kẻ nhàn hạ và người làm việc :”Nhất sĩ nhì nông”. “Sĩ” không chỉ nói đến người văn tự mà còn nói đến người giầu sang phú quí, có người hầu hạ, có kẻ nô lệ đỡ đần. “Nông” cũng không chỉ nói đến người làm ruộng mà chỉ cả những người làm ruộng vất vả, chân lấm tay bùn, đổ mồ hôi để đổi lấy bát cơm manh áo.
Không thể chịu được sự miệt thị, sự phân biệt ấy mãi, nên người nhà nông đã lộn lại câu thành ngữ trên để chế diễu kẻ tự cho mình là cao quí, nhàn hạ :
Nhất sĩ nhì nông,
Hết gạo chạy rông,
Nhất nông nhì sĩ.
Thật là buồn cười và cũng là chua chát ! Nhưng dù có đảo lộn thành ngữ đi nữa, cái thực trạng xã hội ngày xưa vẫn là sự quan niệm lầm lạc về cần lao, vẫn cho sự làm việc là một sự không đẹp. Người ta vẫn bám lấy cái danh giá hão huyền cho an nhàn mới là cao quí.
Vì vậy, người ta đã tự bó chân để không đi được, chứng tỏ người ta sung túc không phải vất vả, dù cả sự đi lại. Có ai nhớ đến các vị lão nho, móng tay dài hàng tấc bưng chén nước, cầm đôi đũa và cơm cũng không xong. Làm khổ thân thể, chịu sự khó khăn, vô dụng thì người ta cũng không cần miễn được chứng tỏ là không phải làm việc, không phải vất vả, không phải lao lung. Buồn thay cái quan niệm và thành kiến lầm lạc đó !
Nhưng có thực cần lao là một điều xấu không ? Không phải chờ đến bây giờ, mà trước đây người ta cũng đã dặn nhau :”Il n’y a pas un sot métier” : không có nghề xấu, chỉ có người xấu.
(Phạm đình Tân, Thời bút, Văn đàn, 1967, tr 246-247)
- ÍCH LỢI CỦA SỰ LAO ĐỘNG.
Không ai phủ nhận được tính cách ích lợi của lao động. Từ xưa đến nay, mọi người đều phải ca tụng lao động như một phương tiện cần thiết để hoàn thiện đời sống tinh thần và vật chất cho bản thân và cho xã hội.
Thi hào Voltaire nói :”Lao động xua đuổi xa ta 3 mối họa lớn lao : buồn nản, thói hư và cùng túng”.
Lao động có thể giúp ta tránh được thói hư tật xấu vì trong khi làm việc, không những ta sản xuất cho mình được những sản phẩm vật chất cho đời sống thêm sung túc :”Đại phú do thiên, tiểu phú do cần”, mà còn làm cho tâm hồn mình được trong sạch, tốt lành hơn, như sách Nho đã nói :”Nhàn cư vi bất thiện”, và sách Tây cũng nói :”L’oisiveté est la mère des vices” : sự ở nhưng là mẹ sinh ra các nết xấu.
Ngoài ra, sự làm việc còn góp phần vào việc phục vụ tha nhân. Nếu chúng ta cộng tác với nhau làm việc để đổi mới khuôn mặt vũ trụ, điều đó phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa. Con người sẽ làm cho đời sống vật chất trở nên dễ chịu hơn, làm cho mọi người được hạnh phúc ấm no.
Vì thế, thánh Gioan Kim Khẩu nói :”Con ong được quí trọng, vì nó làm việc không những riêng cho nó và cho cả mọi người nữa”.
Phải chung nhau làm việc thì xã hội mới tồn tại nếu không thì :”Aên nể không, núi đồng cũng lở”(Tục ngữ).
KẾT LUẬN.
Thánh Tông đồ Phaolô khuyên nhủ chúng ta hãy thánh hóa mọi công việc của chúng ta, tất cả mọi sự phải qui về sự làm sáng danh Chúa :”Vì vậy, anh em dù ăn, dù uống, dù làm việc chi khác hãy làm tất cả vì vinh danh Chua”(1Cr 10,31; Cl 3,17).
Mọi công việc làm của chúng ta đều có tính cách nhân bản, nghĩa là nhằm mưu sinh, nhưng còn phải vượt trên khía cạnh ấy để tạo cho nó một ý nghĩa siêu nhiên, đó là phần rỗi linh hồn mình và sự vinh danh Chúa. Ngay người đời cũng chấp nhận cái chủ trương ấy :”Nếu làm việc chỉ để nuôi cái xác sống tức là ta đã tự xây lấy cái nhà tù cho mình” (Saint Exupéry)
Để kết thúc, trong năm Con Trâu, xin kính chúc ông bà và anh chị em câu tục ngữ này :
”Có ăn có chọi mới gọi là trâu”.
Chúng ta có thể giải nghĩa câu tục ngữ này như sau : Con trâu tốt là con trâu ăn khỏe, làm khỏe, và chọi cũng khỏe (Vùng Đồ Sơn có hội chọi trâu, trâu tốt phải là trâu biết chọi). Câu này mượn truyện con trâu ngụ ý khuyên ta đã biết ăn thì phải biết vật lộn tranh đấu với đời. Cũng câu này có người cắt nghĩa là : Có thực hiện được đúng vai trò của mình mới xứng đáng với danh vị.
Cắt nghĩa thế nào cũng đúng. Trong cuộc sống của người Kitô hữu chúng ta phải “chọi” thực sự, chọi liên miên, chọi không ngừng. Nhưng phải chọi với ai ? Thưa phải chọi với ba thù : ma quỉ, thế gian và xác thịt mình. Chọi với xác mình, với bản thân mình mới là quan trọng và khó khăn nhất. Chúng ta phải chọi, phải vật lộn với con người cũ xấu xa của mình, phải giết con người cũ đi để mặc lấy con người mới, như lời thánh Phaolô đã dạy :”Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư mất vì bị những ham muốn lừa dối. Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện”(Ep 4, 22-24).