GIAO THỪA
XUÂN ĐÃ VỀ
VẪN CÒN NHIỀU NỖI BĂN KHOĂN
Đa minh Đinh Viết Tiên, OP
***
Tết đến rồi!
Mừng ngày Tết trên khắp quê ta,
Ngàn hoa thơm khoe sắc xinh tươi
(Từ Huy)
1. Nhớ về những ngày Xuân đầm ấm
Tết, Tết, Tết, Tết đến rồi!
Tết đến trong tim mọi người.
Trong vòng quay 365 ngày của một năm, có lẽ những ngày Tết là thời điểm mang lại nhiều cảm xúc nhất. Tết không chỉ mang đến tâm trạng náo nức đón chào năm mới, tống tiễn những điều không may của năm cũ, mà còn là cơ hội mọi người nhớ đến nhau.
Chúng ta đang ở trong những ngày cuối năm, dù không khí có phần uể oải hơn mọi năm vì tình trạng tài chính suy thoái, xem ra dân chúng đón Tết có vẻ muộn màng… nhưng không khí Tết đã bắt đầu… người người lũ lượt đi sắm Tết. Nhìn những khu vực cây cảnh, khu vực bán phong lan, khu vực bán mai… rồi khu vực hoa Tết: người ta tíu tít chọn hoa vạn thọ, hoa cúc vàng, hoa hướng dương, hoa đồng tiền, hoa cẩm chướng, hoa thược dược… ai cũng cố gắng mua một vài chậu vừa túi tiền.
Càng gần những ngày giáp Tết, bầu khí đón xuân bắt đầu rộn ràng hơn: vé tàu, vé xe, vé máy bay đã gần hết. Một số người mong về phải mua vé chợ đen mắc hơn, còn hơn lỡ chuyến tàu phải ăn chực nằm chờ… Cứ nhìn cái cảnh tay xách, nách mang chen chúc nhau lên xe đò, hành khách đông nên đành phải nép vào nhau như cá hộp.
Còn tại quê nhà, ông bà, cha mẹ, gia đình, người thân ngày nào cũng ngong ngóng chờ ngày trở về của ai đó trong gia đình. Ngày Tết là ngày đoàn tụ gia đình. Bầu khí sum họp, ấm áp làm ai cũng cảm thấy lòng mình nôn nao, rạo rực đón Tết. Và những người xa nhà, xa quê càng cảm thấy nhớ nhung, bâng khuâng, xao xuyến.
Một tập sinh viết thư về nhà: “Thưa ba mẹ, Tết này con không về ăn Tết với gia đình… Con nhớ nhà, nhớ ba mẹ, các anh các chị và các cháu… Nhớ những giờ khắc sốt sắng trước bàn thờ trong đêm giao thừa… Ôi giờ phút linh thiêng. Thời gian như đọng lại. Từng phút qua đi với nhiều âm hưởng.” Đọc mấy lời đầu thư, tự nhiên cũng cảm thấy mủi lòng và bâng khuâng nỗi nhớ nhà như các em.
Quả thực, bầu khí gia đình trong mấy ngày Tết, thật là thiêng liêng, trang trọng và đậm đặc, để lại nơi lòng người những ấn tượng khó quên. Hình ảnh mấy bố con ngồi canh nồi bánh chưng, hàn huyên tâm sự về những đoạn đường chiến binh của bố, công ăn việc làm, truyện trong nhà ngoài ngõ. Gần tới giao thừa, nhà cửa đã trang hoàng chậu kiểng, bình hoa, bánh mứt, mâm quả với mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài… đơn sơ chân thành với ước nguyện “cầu zừa đủ xài”.
Nhìn mấy cháu bé xúng xính trong bộ áo mới, còn gì đẹp hơn, tiêu biểu cho niềm vui hạnh phúc của gia đình, dòng họ khi con cái cháu chắt quây quần chúc thọ ông bà, cha mẹ. Còn các ngài lì xì tuổi mới cho các cháu. Nói đến Tết, không thể không nói đến những món ăn đầu năm… vất vả quanh năm chỉ có mấy ngày Tết, được hưởng sướng một tí, được nghỉ ngơi thong thả thưởng thức các món ăn ngày Tết. Trong mâm cỗ không thể thiếu: thịt đông, giò thủ, thịt kho, dưa chua, dưa hành, củ kiệu… nhâm nhi chung rượu mừng xuân.
Cảm nhận về bầu khí Tết thật đẹp. Người ta cầu chúc cho nhau được mọi sự may lành cùng những lời động viên tuổi trẻ thành công trong thi cử cũng như những dự tính làm ăn trong năm mới. Trong mấy ngày này, người ta chăm sóc, quan tâm đến đời sống của nhau, khiến chúng ta có cảm nhận bầu khí mấy ngày Tết là… một thoáng Thiên Đàng.
Gợi ý suy nghĩ: Băn khoăn cho những mảnh đời
Từ bầu khí ấm áp của gia đình trong mấy ngày vui xuân, chúng ta đừng quên những người lính canh nơi hải đảo xa xăm phải ăn Tết xa nhà. Nhớ đến những người phu quét đường, họ vất vả quanh năm, đặc biệt là ngày cuối năm có khi phải dọn dẹp cho đến giờ giao thừa mới được về nhà. Những người bán hoa Tết có năm bán ế phải thuê xe lam đổ đi cho sạch đường. Các trẻ em lang thang đường phố nghe như có tiếng hát vọng lên: Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ. Một chén cơm chiều nhưng lòng chưa no. Các cụ già neo đơn trong nhà dưỡng lão… Trong khu xóm lao động, vẫn còn nhiều người không biết Tết là gì. Mỗi mảnh đời là một thân phận.
Điểm nhấn mục vụ trong mùa Tết gợi mở cho các đoàn thể, cho giáo dân ý thức trách nhiệm với các anh chị em thiếu thốn, neo đơn, những người bệnh hoạn, tật nguyền trong khu xóm.
Lạy Chúa, trong những giây phút lắng đọng này, xin Chúa soi sáng cho chúng con khi vui xuân đừng quên những người mang vận số hẩm hiu. Xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi người, nhất là những người nghèo khổ, những người có hoàn cảnh kém may mắn.
Thế giới hôm nay có nhiều điểm tối, nhưng vẫn có những điểm sáng rực rỡ khi có những người nghèo khác biết quan tâm đến những người nghèo khác khổ hơn mình, khi trẻ thơ và người già được chia sẻ, khi mọi người nhận ra mình là anh em của nhau, có liên đới và trách nhiệm về nhau.
Lạy Chúa, xin dẫn chúng con vào mùa Xuân Tình Thương.
2. Hãy mở đôi mắt và rung động con tim
Trong Tin Mừng Chúa Giêsu khuyên ông Biệt phái Simon: “Khi mở tiệc thì… hãy mời những người nghèo… vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày kẻ lành sống lại” (Lc 14,12 – 14). Đó cũng là lời mời gọi đang vang lên mỗi ngày đối với chúng ta: hãy chia cơm sẻ áo cho người đói rách, mở tiệc mời người nghèo, tiếp đón kẻ không nhà cửa, kẻ đang bị tống khứ ra khỏi nhà của họ, những trẻ mồ côi, bụi đời, những nạn nhân của xã hội… và họ đang ở bên cạnh chúng ta. Chúng ta có thấy những anh em chị em nghèo khổ, những học sinh đang gặp khó khăn, những sinh viên nghèo thiếu cơ hội để thăng tiến bản thân; có nghe tiếng kêu của họ và dám mở cửa phòng của mình ra, mở cửa cộng đoàn mình ra để nói với họ:Này tôi đây. Anh, Chị, Em cần tôi giúp điều gì?
Câu chuyện gợi ý suy nghĩ: Khung hình của ngày giáp Tết.
Thường thì khoảng 10 giờ đêm tôi mới bắt đầu cuộc hành trình “lang thang” đi tìm chỗ các trẻ bụi đời sinh sống nên… tối 28 tết, tôi hoà mình với dòng người tấp nập dạo bộ ra trung tâm Sài Gòn. Khu vực vườn hoa Tao Đàn và vườn hoa Nguyễn Huệ chật kín người. Con đường Lê Lợi rộng thênh thang nhất Thành Phố cấm không cho xe lưu thông chỉ dành cho người đi bộ. Những chiếc lồng đèn vĩ đại treo hai bên đường càng làm sống động hơn không khí tết. Các nam thanh nữ tú, với áo quần muôn màu muôn sắc với đủ các kiểu dáng rộn ràng sắc xuân.
Vừa thả bộ vừa miên man suy nghĩ bỗng một hình ảnh đập vào mắt tôi. Không phấn son, không loè loẹt áo quần, không điện thoại cầm tay, không máy hình, không dầy dép, nói chung là không… có gì đặc biệt. Một em nhỏ khoảng độ 7 hay 8 tuổi, hai tay xách hai bịch sốp đựng đầy những cái chai nước sối, hay lon coca đã uống hết được người ta vất xuống đường và kẹp vào nách một ít cái chai còn lại. Cứ đi khoảng một hai bước, những cái chai kia lại rớt xuống, và em lại ngồi xuống nhặt lên, rồi lại đi, lại rớt và lại nhặt.
– Thằng nhóc này tránh ra cho tao chụp hình coi. Một nhóm bạn trẻ quát vào mặt cậu bé. Vừa dứt lời, một cô gái mặc váy thật đẹp lấy chân đá các bình nhựa đó qua một bên rồi sửa lại y phục làm điệu trước ống kính máy hình một cách rất… vô tư như không có gì xảy ra.
Cậu bé không nói gì, hai tay cầm hai bịch xốp và vội vã đuổi theo những cái chai nhựa đang lăn long lóc và bị dòng người đông nghẹt đá qua đá lại. Tôi nhìn thật kỹ, cậu lủi bên này rồi chạy bên kia, mà vẫn chưa chụp được cái chai. Vì mỗi khi cậu vừa trờ tới thì đã có một đôi chân nào đó đá nó đi chỗ khác. Nhìn cậu đuổi theo những cái chai mà tôi gần như ngộp thở. Ờ mà sao tôi dở thế nhỉ? Sao tôi không giúp cậu bé mà cứ đứng trơ ra như đá nhìn xem chuyện gì xảy ra.
Cậu vẫn cứ đuổi theo cái chai nhựa cho đến khi một cái chân cổ thụ chặn cái chai lại cho cậu. Cậu ngước mắt nhìn lên, một người da trắng cao to đang đứng trước mặt. Cậu khiếp người, không dám nhìn lên mà tính toan bỏ đi.
Bỗng người đàn ông đó cúi xuống cầm lấy cái chai, đưa cho cậu rồi lấy hết đồ trong cái túi ny long thật lớn mà ông đang cầm trên tay ra, rồi đưa cho cậu cái túi đó và giúp cậu bỏ hết tất cả các chai nhựa va lon coca vào đó – sau đó tôi còn thấy ông cho cậu một ít tiền, cười vui vẻ vỗ vào vai cậu, nói một vài câu gì đó rồi đi.
Tự vấn
– Hình ảnh Chúa Kitô Phục sinh hiện đến đồng hành, thăm hỏi, giảng giải, khuyên bảo với hai môn đệ trên đường Emmau để làm cho lòng họ nóng lên, làm cho mắt họ mở ra và nhận ra Chúa.
– Hình ảnh như thách đố chúng ta rằng: tôi có quan tâm đến anh chị em, học sinh, bạn bè, người nghèo quanh nơi tôi sống, chỗ tôi đến tham quan, có nhạy cảm trước hoàn cảnh của họ không?
– Và có dám biến cái nhạy cảm ấy thành hành động chăng. Nghĩa là có dám đến gần họ, thăm hỏi họ, ngồi bên cạnh họ và mời họ đến một quán nước hay quán cơm và cùng đồng bàn với họ?
– Chúa không đòi chúng ta làm tất cả, nhưng phải làm khi có thể. Và chắc chắn Ngài cũng sẽ chỉ xét xử những gì chúng ta có thể làm mà đã không làm chứ không xét xử điều chúng ta không làm vì không có khả năng để làm.
3. Sứ mạng của Giáo Hội trước sự nghèo khổ của con người
Noi gương Chúa Kitô, “Đấng vốn giàu sang phú quí đã tự nguyện trở nghèo khó” như chúng ta và chấp nhận hậu quả của tội lỗi đến nỗi bằng lòng chết và chết trên cây thập giá. Bước đi con đường của Ngài, Giáo Hội Chúa Kitô luôn yêu thương con người và hiệp thông với họ trong mọi sự đau khổ, chia sẻ với họ những hậu quả của tội lỗi.
Lòng yêu thương mà Giáo Hội dành cho người nghèo được cảm hứng từ Tin Mừng, từ đời sống khó nghèo của Chúa Giêsu và từ sự quan tâm của Người đối với người nghèo. Ngay từ thời sơ khai, thánh Gioan trong lá thư thứ nhất đã khuyên nhủ: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (1Ga 3,17).
Câu chuyện gợi ý suy nghĩ: Em bé mang hình tượng Somali
Tôi gặp em rất tình cờ, trong một chuyến đi khám bệnh phát thuốc cho người nghèo, Thân em gầy còm, đen đuốc, thoạt nhìn tôi không dám hình dung cuộc sống của em sẽ ra sao trong vòng xoáy cuộc đời mà tiền bạc, vật chất và sự đua chen trở nên tâm điểm cho phấn đấu của nhiều người.
Em ngồi lọt thỏm vào vòng tay âu yếm trong dáng vẽ run run của một người thiếu nữ chừng 18 tuổi mà em gọi bằng mẹ, Mẹ bế em đến trạm khám bệnh phát thuốc của chúng tôi nằm ngay tại trung tâm của một xã nghèo ở một huyện miền cao.
Phát thuốc cho mẹ con em, không quên đưa thêm một chai dầu gió, chị y tá căn dặn: bọc thuốc màu đỏ là của con, màu trắng là của mẹ, nhớ ăn no rồi hẳn uống thuốc nhé! Mẹ em gật đầu, nhận thuốc, rồi cõng em lui ra.
Tôi lặng người đứng bên cạnh, từ nảy đến giờ em vẫn không ngớt nhìn tôi từ đầu đến chân. Em đã biết rồi chăng! Mà biết gì chứ? Chẳng có gì quan trọng cả, chỉ là một sự tình cờ rồi sẽ qua. Em cũng vẫn là một em bé, không biết tương lai sẽ dẫn em về đâu. Bởi sinh ra trong cảnh nghèo nàn nơi núi rừng, con đường đến trường học của em cũng gồ ghề hơn những con dốc cheo leo đưa dẫn mẹ con em mỗi ngày đến rẫy.
Một lớp học tình thương đang được mở ra, liệu em có cơ may chăng? Tôi không biết. Với cuộc sống mà cơm chưa đủ no, làm suốt ngày chẳng đủ tiền đong gạo thì ai mà còn thời gian đâu để liệu cho con cái chữ bước vào đời.
Phận đời đã khắc tên mẹ con em vào sổ đỏ. Em và gia đình đang mong ước được đổi đời. Xin cho em, cho những người chung cảnh ngộ một con đường để bước vào tương lai, một mùa Xuân cuộc đời.
Tự vấn:
– Có người xét rằng nhà tu chúng ta vì tiếp xúc nhiều nỗi đau, gặp gỡ nhiều người bệnh tật đau khổ nên thường có vẻ dửng dưng trước cảnh khốn cùng. Có bao giờ chúng ta nghĩ đến những tâm hồn bất hạnh đang khao khát có một mái ấm tình thương?
– Có bao giờ chúng ta cảm thấy bức xúc muốn dấn thân nơi những môi trường nghèo, trại cùi, hoặc những nơi đang gặp nhiều khó khăn?
Kết: Xuân Tình Thương
Thần Khí Chúa ngự trên tôi, xức dầu tấn phong tôi để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn… công bố một năm hồng ân (Lc 4,18-19). Công bố năm hồng ân cho mọi người và cách riêng cho những người nghèo.
Chúng ta cũng đang đón chào Xuân Canh Dần và năm mới 2010 như một năm hồng ân, vì là năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam.
Mùa xuân đang trở về trên quê hương thân yêu, lòng người rạo rực chào đón xuân sang trong nắng ấm bình minh.
Đón xuân, vui xuân và ăn tết là nét đẹp của văn hóa dân tộc, trở về với cội nguồn… kính nhớ ông bà tổ tiên. Hãy vui tết, đón tết, thưởng thức không khí ngày tết như là hồng ân của Thiên Chúa. Sống tinh thần yêu thương, huynh đệ và quên đi những đau thương của năm cũ, của con người cũ thì chính mỗi người sẽ tươi trẻ và tràn trề hạnh phúc.
Mùa xuân này sẽ đẹp hơn khi chúng ta biết nghĩ đến người nghèo và khổ đau. “Vui mừng và hy vọng, u sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của những người nghèo và những ai đau khổ cũng là vui mừng và hy vọng, u sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô và không có gì thực sự là của con người mà không gieo âm hưởng trong lòng họ” (MV, 1).