CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA
LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973 2
LỄ TẾ ĐỀN TỘI- ĐHY. Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (*) 9
THÔNG HIỆP VỚI SỰ SỐNG CỦA THIÊN CHÚA- ĐGM. Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản (*) 15
NGUỒN NƯỚC MẮT- ĐGM. Gioan B. Bùi Tuần. 20
BÔNG HỒNG CHO MẸ CHA- Lm. Jos Tạ Duy Tuyền. 25
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN- Lm. Giuse Đỗ Đức Trí 29
THÂN XÁC VÀ LINH HỒN- John W. Martens. 34
SỰ THANH LUYỆN CẦN THIẾT– Lm. Giuse Nguyễn Hữu An 37
SỢI DÂY CHUYỀN LIÊN ĐỚI – Logos năm C.. 44
CÁC SUY NIỆM CỦA LINH MỤC ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973
Lễ Nhất
BÀI ĐỌC I: Rm 6, 3-9
“Chúng ta phải sống đời sống mới”.
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Ðức Giêsu Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi được thanh tẩy trong sự chết của Người, để như Ðức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế. Vì nếu chúng ta được liên kết với Người trong cùng một cái chết, giống như cái chết của Người, thì chúng ta cũng được hợp nhất với Người, trong sự sống lại giống như vậy.
Nên biết điều này: con người cũ của chúng ta đã cùng chịu đóng đinh khổ giá, để xác thịt tội lỗi bị huỷ đi, hầu cho chúng ta không còn làm nô lệ tội lỗi nữa, vì con người đã chết, tức là được giải thoát khỏi tội lỗi. Mà nếu chúng ta đã chết với Ðức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Ðức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 5).
1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.
2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. – Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.
ALLELUIA: Ga 11, 25-26
All. All. – Chúa phán: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ”. – All.
PHÚC ÂM: Ga 6, 51-59
“Ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?”
Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.
Ðó là lời Chúa.
Lễ Nhì
BÀI ĐỌC I: Kn 3, 1-9
“Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”.
Bài trích sách Khôn Ngoan.
Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài đã chịu khổ hình, lòng cậy trông của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao: vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.
Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu tỏ ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét xử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 24, 6-7bc. 17-18. 20-21
Ðáp: Lạy Chúa, con vươn linh hồn con lên tới Chúa (c. 1b).
1) Lạy Chúa, xin nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa.
2) Xin cho lòng con được nhẹ bớt lo âu, và giải thoát con khỏi cảnh ưu tư phiền muộn. Xin Chúa coi cảnh lầm than khốn khổ của con, và tha thứ hết mọi điều tội lỗi.
3) Xin gìn giữ mạng sống con và giải thoát con, đừng để con bẽ bàng vì đã tìm nương tựa Chúa. Nguyện cho lòng con vô tội và trung thứ bảo vệ con, vì con trông cậy vào Ngài, thân lạy Chúa.
ALLELUIA: 2 Tm 2, 11-12a
All. All. – Nếu chúng ta cùng chết với Chúa Kitô, thì chúng ta cùng sống với Người; nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. – All.
PHÚC ÂM: Lc 23, 33. 39-43
“Hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu một đứa bên tả Người. Bấy giờ Chúa Giêsu than thở rằng: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. Rồi chúng rút thăm mà chia nhau áo Người. Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục người rằng: “Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”. Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?” Và anh ta thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.
Ðó là lời Chúa.
Lễ Ba
BÀI ĐỌC I: Rm 5, 4-11
“Chúng ta đã nên công chính trong Máu của Người, và nhờ Người chúng ta được cứu khỏi cơn thịnh nộ”.
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, lòng cậy trông không làm cho chúng ta phải hổ ngươi, vì tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần đã ban cho chúng ta. Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, họa chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.
Vậy phương chi bây giờ, chúng ta đã nên công chính trong máu của Người, và nhờ Người chúng ta sẽ được cứu khỏi cơn thịnh nộ. Bởi chưng nếu khi chúng ta còn là thù nghịch, mà chúng ta đã được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, thì huống chi khi đã được giao hoà, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của chính Chúa Kitô. Và không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong Thiên Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người mà bây giờ chúng ta được lãnh ơn giao hoà.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 26, 1. 4. 7 và 8b và 9a. 13-14
Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng cứu độ tôi (c. 1a).
1) Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai?
2) Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Người.
3) Lạy Chúa, xin nghe con kêu cầu, xin thương xót và nhậm lời con. Và lạy Chúa, con tìm ra mắt Chúa. Xin Chúa đừng ẩn mặt xa con.
4) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy trông đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và trông đợi Chúa.
ALLELUIA: Ga 6, 39
All. All. – Chúa phán: “Đây là ý của Cha Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết Ta sẽ cho nó sống lại”. – All.
PHÚC ÂM: Ga 17, 24-26
“Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa”.
Ðó là lời Chúa.
LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN
LỄ TẾ ĐỀN TỘI- ĐHY. Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (*)
Anh chị em thân mến,
Biến cố ngày 11.9 tại Hoa Kỳ đã làm chúng ta bàng hoàng. Mỗi lần nhắc lại hoặc thấy những hình ảnh đó, chúng ta không khỏi buồn sầu, lo lắng, tức giận. Có thể mỗi người nhìn biến cố đó với một góc độ khác nhau. Nhưng có một góc độ có lẽ ít người nghĩ đến. và đó là vấn đề mà chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ.
Trên thế giới từ xưa tới nay, không phải chỉ có biến cố ngày 11.9, mà còn vô vàn biến cố khác, chẳng hạn sự kiện hai quả bom nguyên tử ở Nhật Bản năm 1945. có một câu hỏi được đặt ra: Thế thì số phận của những người đã chết trong các biến cố đó ra sao?
Ngày nay người ta chỉ nói đến sự trả thù, phải trả thù cho những người chết oan, trả thù cho những người đau khổ. Công lý thế gian, công lý của con người thực hiện ra sao chúng ta không biết, nhưng về mặt đức tin, chúng ta sẽ suy nghĩ như thế nào??? Phải dựa vào Lời Chúa, vì chính Chúa muốn chúng ta hãy dùng Lời của Ngài để an ủi nhau, cách riêng trong những biến cố thảm thương như vậy.
Bài đọc I của ngày lễ hôm nay, cách nào đó, khiến chúng ta phải suy nghĩ. vì nhiều người chết rất bi thương, cái chết không xứng hợp chút nào với đời sống của họ, người ta chỉ còn biết thương tiếc và nghĩ rằng như thế là chấm dứt một cuộc đời, chấm dứt cách buồn thảm, tràn đầy thất vọng. Thế nhưng Lời chúa lại nói với chúng ta: Những người công chính khi chết đi, họ sẽ được đưa vào trong vinh quang của Thiên Chúa, nếu cái chết của họ hay sự đau khổ của họ xảy đến cũng giống như vàng phải được trui luyện trong lửa, để chắt ra chất vàng tinh ròng và loại bỏ những thứ cặn bã.
Con người mà Thiên Chúa đã tạo dựng, yêu thương và cứu chuộc. chính là vàng. (Nếu chúng ta có thì giờ để hiểu rằng, trên Thiên Quốc có biết bao nhiêu người công chính, bao nhiêu con người đã được Thiên Chúa rước và cho vào trong vinh quang của Ngài. Đó chỉ mới nói về những con người được tạo dựng ở trần thế. Còn thế giới của thiên thần, thế giới thần linh, tất cả đều ở trong vinh quang đó). Có thể nào chúng ta vào Nước Trời với một tấm áo đầy bụi bặm, nhơ bẩn. phải được tinh luyện, sự tinh luyện đó không phải bởi sức lực của chúng ta, nếu bởi chúng ta chắc chúng ta sẽ thất vọng vì thấy rõ sự yếu đuối của mình, thì đây, thánh Luca nói trong bài Phúc Âm của ngài: Khi suy niệm về sự chết, khi cầu nguyện cho những người đã chết, bao giờ chúng ta cũng phải đặt trên nền tảng Đức Kitô Tử Nạn-Phục Sinh, không đặt trên nền tảng và không đi từ chân lý đó thì không có một thắc mắc hay một vấn nạn nào được giải quyết, được soi sáng.
Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh, cao điểm được thể hiện trên núi Canvariô (dù rằng chưa Phục Sinh), Chúa đã biểu lộ vinh quang của Ngài như lời thánh Gioan: Chính khi Ngài được treo dựng lên nơi cao, vinh quang chói ngời của Ngài sẽ tỏa ra. Vậy thánh Luca cho chúng ta thấy: một thế giới sa đọa tội lỗi, (và thế giới đó) đã nhạo cười, đã đóng đinh Chúa Giêsu và đưa Ngài đến cái chết thảm thê trên thập giá. Trong thế giới đó, còn có những con người thiện tâm, có những con người sẵn sàng hoán cải, dù rằng trước mắt thế gian con người đó xứng đáng với cái chết (vì cũng đã bị treo trên thập giá). Nhưng Chúa Giêsu nói: Quả thật, ngày hôm nay ngươi sẽ được vào trong Nước Thiên Đàng.
Nhưng nếu chỉ thấy Ngài chịu chết thì làm sao chúng ta được sống lại? Cái chết của Ngài đem đến những gì cho chúng ta? Vì nếu Ngài chết mà Ngài không sống lại thì cái chết của Ngài cũng vô ích, tình thương của Ngài cũng vô ích!
Chúa Giêsu chết và Ngài đã Phục Sinh. Chính Ngài là đầu mối của tất cả mọi việc, chính nơi Ngài mà chúng ta (những người cách này hay cách khác đã tin vào Ngài) tìm được niềm tin và hy vọng. Nhưng không chỉ những người được Rửa Tội mới gọi là tin vào Ngài. Có những người rất thành tâm, thiện chí, nhưng vì một hoàn cảnh nào đó. họ vẫn cố gắng sống theo lương tâm, Ngài vẫn đón nhận trong tình yêu và trong Ơn Cứu Chuộc của Ngài.
Chúng ta cám ơn người trộm “lành”, vì nhờ có anh, như một dấu chứng nếu chúng ta tin vào Ngài “Lạy Thầy, khi vào Nước Thiên Đàng xin nhớ đến con”. Anh ấy biết gì về Chúa Giêsu? Biết gì về Mầu Nhiệm Nhập Thể? Biết gì về Mầu Nhiệm Cứu Chuộc? Biết gì về Mầu Nhiệm sống lại??? Nhưng anh đại diện cho một số đông trên trần thế này, một cách nào đó vẫn hướng về một sự linh thiêng, hướng về một Đấng Tối Cao, muốn làm những việc tốt lành. Những người đó sẽ được Máu của Chúa đổ ra để thanh tẩy tội lỗi và cho vào Nước Trời. 6000 người chết trong một khoảnh khắc, chắc chắn có một số đông được tình yêu và Máu Chúa đổ ra để xóa tội lỗi và cứu chuộc họ. Tại sao chúng ta cứ muốn ấn định cho Thiên Chúa những người được vào Nước Trời, mà không đặt niềm tin của chúng ta nơi lượng khoan hồng từ bi và nơi công lao của Ngài? Vì Ngài đã hạ mình chịu chết trên thập giá, nên Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Ngài và đặt mọi loài dưới quyền của Ngài, trong cái chết và sự Phục Sinh của Ngài, Ngài xin với Chúa Cha là hãy tha thứ, hãy cứu độ, hãy chuộc lại hết những tâm hồn (lúc này hay lúc khác), đã có sự tin tưởng vào Ngài. Từ đó chúng ta thấy rằng sẽ không bao giờ tìm được sự công bằng nơi trần thế này, sự công bằng và yêu thương chỉ tìm thấy nơi một mình Chúa mà thôi.
Nếu có được niềm tin đó, cuộc đời trở nên sáng tỏ hơn. Đứng trước các biến cố, chúng ta đỡ buồn phiền thất vọng, chúng ta thấy cuộc đời vẫn đáng sống và những đau khổ xảy đến triền miên vẫn có ý nghĩa, vẫn có giá trị, vì chúng ta được tham dự vào Mầu Nhiệm Tử Nạn của Đức Kitô để được sống lại với Ngài.
Vậy trong tháng các linh hồn, với niềm tin đó chúng ta sẽ thấy được những điều gì?
– Những linh hồn trong lửa luyện ngục là những vị thánh, tuy không được tuyên phong trên bàn thờ, cũng chưa được hưởng vinh quang, nhưng phần rỗi thì đã chắc chắn. Không phải vì họ ít tội, nhưng vì tình yêu của Thiên Chúa và công nghiệp của Con Một Ngài. Giờ đây họ chịu thanh luyện để trở nên tinh ròng, để mang một chiếc áo cưới thật mới mẻ vào dự tiệc cưới, vào Nước Trời. Không ai có thể chia cắt, không gì làm họ mất niềm hy vọng vào đời sống vinh phúc đó.
– Đàng khác, các linh hồn giờ đây không làm được gì cho họ nữa, vì thời gian để lập công nghiệp đã qua (không phải họ không biết, nhưng cũng giống chúng ta biết rằng giây phút đang sống là thời gian tích lũy công phúc, là thời gian chuẩn bị để được vào Nước Chúa. Chúng ta còn có thì giờ, chúng ta hãy làm). Các vị ấy chỉ còn trông cậy vào lòng nhân thứ của Chúa, Ngài kêu gọi và ban cho chúng ta được tham dự và tiếp tục sứ mạng cứu độ qua lời cầu nguyện, qua sự hy sinh hãm mình, chúng ta sẽ giúp được các linh hồn đó.
Lẽ dĩ nhiên đừng nghĩ rằng Chúa phải chờ đời những lời cầu nguyện của chúng ta để Chúa cứu vớt, Ngài đã cứu vớt rồi. Nhưng Chúa muốn chúng ta sống trong sự thông hiệp, muốn cho chúng ta có sự liên đới hữu hiệu, Ngài tạo điều kiện để chúng ta thấy rằng: thì ra chúng ta còn có thể làm được rất nhiều cho những người thân yêu của chúng ta. Biết đâu khi họ còn sống, chúng ta chưa có một tâm tình, chúng ta chưa đối xử tốt, thì giờ đây chúng ta có một cơ hội rất tốt.
Phát xuất từ những tâm tình trên, cách đây hơn 1000 năm, ngày lễ cầu cho các linh hồn 02.11 được thiết lập, đó là niềm an ủi rất lớn cho những người còn sống, cho chúng ta có một phương tiện tuyệt hảo để yêu thương và biểu lộ tình yêu, cứu giúp những người mình yêu thương. Ngày hôm nay, trong tháng này và suốt cả cuộc đời, chúng ta hãy tập nhân đức yêu thương, nhớ đến các linh hồn.
(Cách đây 100 năm, cũng có một nhà dòng được thiết lập chỉ nhằm mục đích để cầu nguyện, ăn chay, hãm mình cho các linh hồn trong lửa luyện ngục, mà điều đó tất cả chúng ta đều làm được).
– Anh chị em nghĩ sao nếu những người nhờ lời cầu nguyện chúng ta, đã được về Thiên Đàng, được hưởng vinh quang Chúa mà các ngài lại quên chúng ta??? Chắc chắn trong vinh quang (và sự khôn ngoan) của Thiên Chúa, các ngài biết dưới trần thế này, đã có những con người yêu thương, cầu nguyện, hy sinh cho các ngài. chắc chắn lời cầu nguyện của các ngài cho chúng ta sẽ có uy tín và hiệu quả (lời cầu nguyện của chúng ta lúc thì chia trí, lúc thì không xứng đáng. đủ hết mọi lý do). Trong lịch sử Giáo Hội, nhiều biến cố cho thấy rằng: các thánh thông công là sự sống rất sinh động, không phải là một chân lý chết ngắt, nhưng là sự sống được diễn tả mỗi ngày. Khi chúng ta ngồi đây, chúng ta vẫn liên kết với các thánh trên trời và các linh hồn trong lửa luyện ngục để cầu nguyện và nâng đỡ nhau. Sống trong một sự liên đới như vậy, anh chị em có thấy chúng ta là những con người diễm phúc, là những con người rất giàu tình yêu thương, là những con người được nâng đỡ???
Khi tôi nói những điều này, các bạn trẻ lại càng phải suy nghĩ nhiều hơn, để thấy rằng trong từng giây phút, chúng ta phải sống cho có ý nghĩa, vì từng giây phút của cuộc sống, có thể xây dựng hạnh phúc và phần rỗi cho rất nhiều người và cho chính bản thân chúng ta. Nhờ lời chuyển cầu của các thánh và các linh hồn trong lửa luyện tội (chúng ta tin rằng) chúng ta vẫn tiếp tục đón nhận hồng ân Chúa, đón nhận cách đặc biệt mỗi lần chúng ta cử hành thánh lễ, là lễ tế tạ ơn đồng thời là lễ tế đền tội cho chúng ta.
(*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt
LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN
THÔNG HIỆP VỚI SỰ SỐNG CỦA THIÊN CHÚA- ĐGM. Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản (*)
Anh chị em thân mến,
Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe là đoạn cuối của Lời nguyện Hiến Tế. Trong bữa Tiệc Ly, sau khi rửa chân cho các môn đệ để dạy cho các ngài bài học yêu thương phục vụ trong khiêm tốn, Chúa Giêsu nói cho các môn đệ về con đường tiến về nhà Cha: Ngài chính là con đường dẫn mọi người đến với Thiên Chúa. Không ai có thể đến được với Cha mà không qua Ngài. Ngài chính là vinh quang của Thiên Chúa Cha, ai thấy Ngài là thấy Cha. Ngài còn hứa ban Thánh Thần cho những ai yêu mến Ngài và tuân giữ mệnh lệnh của Ngài. Chúa Giêsu còn nói đến mối liên hệ giữa Ngài và các môn đệ qua hình ảnh của cành nho gắn liền với thân nho. Cành nào kết hợp với cây, sẽ được cây nuôi dưỡng và sinh nhiều hoa trái. Cành nào lìa cây sẽ bị khô héo. Vì người môn đệ gắn liền với cuộc sống của Thầy, nên cũng được chia sẻ vinh quang cũng như sự đau khổ với Thầy. Nếu thế gian có ghét các môn đệ, là bởi họ không chấp nhận Chúa Giêsu, và bởi vì các ngài không thuộc về thế gian. Và Chúa Giêsu an ủi các môn đệ: “Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an.Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên Thầy đã thắng thế gian” (16,33).
Sau đó, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời, đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất vầ chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô».
Chúa Giêsu có quyền ban sự sống đời đời cho những ai đến với Người. Và sự sống đời đời được ban cho người môn đệ là họ nhận biết Thiên Chúa Cha, Đấng Duy Nhất, để ngoài Ngài ra không còn tôn thờ đấng nào khác. Và nhận biết Đức Giêsu Kitô là Đấng Chúa Cha sai đến trần gian làm Đấng Cứu Chuộc. Để có thể nhận biết Thiên Chúa Cha và Đấng Người sai đến là Đức Giêsu Kitô, con người phải biết đón nhận, tin vào Ngài, để Ngài dạy cho chúng ta cách sống của người con Thiên Chúa.
Và Chúa Giêsu cầu nguyện tiếp: «Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yeu thương con trước khi thế gian được tạo thành».
Người môn đệ được chia sẻ điều kiện sống của Thầy, sự vâng phục trong sự hạ mình và sự tôn vinh trong vinh quang. Sự chiêm ngưỡng vinh quang của Đức Giêsu Kitô cũng là sự hiểu biết về tình yêu liên kết Chúa Cha và Chúa Con: chính trong sự hiệp nhất này mà nền tảng của sự hiện hữu con người tìm thấy chỗ đứng của mình.
Vì người tin vào Chúa Giêsu và trở thành môn đệ của Ngài, hiện diện trong Chúa Ba Ngôi, nên người đó được tham dự vào sự sống của Thiên Cha: đó là sự sống đời đời. Chúa Giêsu ao ước là Ngài ở đâu thì người tin vào Ngài cũng được ở đó. Nơ Chúa Giêsu ở không phải tùy thuộc vào nơi chốn, vì Thiên Chúa ở khắp mọi nơi và Chúa Giêsu luôn hiện diện với Chúa Cha.khi Chúa nhập thể làm người, Ngài hiện diện hữu hình giữa các môn đệ và vẫn liên kết với Thiên Chúa Cha. Khi Ngài chịu an táng trong mồ, các môn đệ không thấy Ngài, nhưng Ngài vẫn luôn hiện diện giữa các ông trong sự vắng mặt. Bằng chứng là sau khi sống lại, Chúa hiện ra với các môn đệ và Ngài biết rõ những điều họ lo lắng, nghi ngờ. Sau khi về trời ngự bên hữu Thiên Chúa, hứa Giêsu vẫn tiếp tục hiện diện bên các môn đệ trong Thánh Thần, Đấng làm cho các môn đệ nhớ lại Lời Chúa Giêsu và bầu cử cho họ trước mặt Thiên Chúa.
Vì thế, trong khi đi rao giảng, các môn đệ vẫn luôn cảm nhận được sự hiện diện của Thầy Chí thánh bên cạnh. Dẫu cho các ngài sống trong điều kiện thuận tiện, hay chịu thử thách trăm bề, các ngài vẫn luôn gắn bó với Chúa Giêsu.
Anh chị em thân mến,
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu giới thiệu Ngài là “Bánh Hằng Sống từ trời xuống, ai ăn bánh này thì có sự sống đời đời. Và bánh ta sẽ ban, chính là thịt TA, để cho thế gian được sống”. Ngài còn nhấn mạnh: “Ai ăn thịt và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết”.
Bánh Hằng Sống là lương thực làm cho sống. Không phải như mân trong sa mạc chỉ nuôi dưỡng phần xác, Bánh Hằng Sống làm cho người ăn có được sự sống đời đời. Câu hỏi “làm thế nào có được sự sống đời đời”, là thao thức của nhiều người tìm đến với Chúa Giêsu. Người hướng dẫn họ tuân giữ Lề Luật theo một tinh thần mới, hoán cải đời sống và tin vào Đấng được Thiên Chúa sai đến.
Tin vào Chúa Giêsu không chỉ là một sự chấp nhận của lý trí, nhưng còn phải sống theo Lời Người và kết hợp mật thiết với Người. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa nhấn mạnh đến việc “ăn thịt và uống máu Người”
“Ăn thịt và uống máu Người” nói lên sự hiệp thông giữa người môn đệ và Chúa Giêsu, giống như hình ảnh cành nho gắn liền với thân nho. Những ai ăn và uống máu Người thì có sự sống của Người thông truyền ngay khi còn ở đời này. Sự sống này không bị gián đoạn do cái chết, vì Chúa hứa cho sống lại trong ngày sau hết. Giữa khoảng cách của cái chết và sự sống lại trong ngày sau hết, sự sống của Chúa Giêsu vẫn tiếp tục nuôi dưỡng người tín hữu.
Tin vào Chúa Giêsu mang lại sự sống đời đời; “Như ông Môi-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc. Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. (Ga 3, 14-16)
Anh chị em thân mến,
Những người thân của chúng ta đã tin vào Chúa Giêsu, đã cố gắng cả cuộc đời mình để nên hoàn thiện như Chúa Cha, Đấng ngự trên trời, đã nổ lực không ngừng vượt lên trên những sự yếu đuối trong thân phận con người để bươc theo Chúa Giêsu trong đời sống thực tế của mình. Chỉ có Chúa mới biết sự thiện chí và lòng trung thành của mỗi người. Và cũng chỉ có Chúa đánh giá đúng mức những điều tốt đẹp hay sai lỗi.
Chúng ta tin rằng những người thân của chúng ta đã từng sống trong đức tin, sống trong niềm trông cậy, sống trong sự hoán cải không ngừng, chắc chắn đã nhận biết Thiên Chúa là Đấng hay thương xót, biết Chúa Giêsu là Đấng cứu chuộc. Dẫu cho những người thân của chúng ta bước vào một thế giới khác, một cách hiện hữu khác, chúng ta vẫn tin rằng các ngài đang thông hiệp với sự sống của Thiên Chúa. Và vì thế, chúng ta tiếp tục cầu nguyện để họ được luôn sống trong sự sống đời đời trong khi trông chờ ngày sống lại cùng với Chúa Giêsu.
Trong tháng cầu nguyện cho các linh hồn, Giáo hội tạo điều kiện cho chúng ta có dịp thông công với những người đã khuất. Vì thế từ trưa ngày lễ Các Thánh đến nửa đêm ngày cầu cho các tín hữu đã qua đời, nếu ai viếng nhà thờ, thì được ơn đại xá. Từ ngày 01 đến hết ngày 08, nếu ai viếng nghĩa địa, cầu nguỵen cho các linh hồn cũng được ơn đại xá. Những ơn đại xá này sẽ được nhường lại cho các linh hồn.
Xin Chúa cho chúng ta luôn biết sống kết hợp với Chúa Ba Ngôi và với những anh chị em đang chịu thanh luyện.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.
(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt
LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN
NGUỒN NƯỚC MẮT- ĐGM. Gioan B. Bùi Tuần
Trí nhớ của tôi lưu giữ nhiều hình ảnh. Trong số đó, có một thứ hình ảnh rất thầm lặng, nhưng thường gây trong tôi nhiều cảm xúc và suy nghĩ. Thứ hình ảnh đó là các nghĩa trang.
Tôi đã viếng nhiều nghĩa trang. Tại Việt Nam, tại Ý, tại Đức, tại Pháp, tại Nga, tại Vaticăng.
Tôi đến viếng các nghĩa trang, chủ ý để suy gẫm, cầu nguyện, và cũng để tìm cảm nghiệm. Có thứ cảm nghiệm chỉ tìm được ở nghĩa trang. Tôi đã nghĩ như vậy và đã làm như vậy, khi tôi viết luận án: “Đau khổ của tình yêu”.
Đã có những cảm nghiệm độc đáo in rất sâu vào lòng tôi từ các nghĩa trang. Đặc biệt là từ những dòng nước mắt ở nghĩa trang.
Có những nước mắt của tình yêu dạt dào.
Có những nước mắt của nỗi buồn, nhung nhớ.
Có những nước mắt của lòng hối hận khôn nguôi.
Có những nước mắt của tấm lòng tha thứ muộn màng.
Có những nước mắt của ân tình, hiếu nghĩa.
Có những nước mắt của niềm tin sâu sắc mong chờ.
Khi đi sâu hơn một chút giữa các dòng nước mắt, tôi có thể cảm nghiệm được một số khám phá quan trọng:
Khám phá ra những chân lý nhân sinh.
Khám phá ra những hy vọng ứu độ.
Khám phá ra chính mình.
Khám phá ra chân lý.
Những nước mắt ở nghĩa trang là những tiễn biệt thân thiết. Tiễn biệt người đã chết, người vĩnh viễn ra đi. Sự chết là một sự thật không cần bàn tới. Nhưng đó lại là một chân lý cực kỳ quan trọng.
Bất cứ ai, rồi cũng phải chết. Cái chết đáng sợ. Nhưng đáng sợ hơn lại là cái gì đàng sau cái chết. Đáng sợ, vì nó quá bất ngờ. Biết đâu, trong số mồ mả, cũng có những hồn vì thế mà đang khóc ròng rã đêm ngày.
Ở đây, tôi chỉ xin trích dẫn một đoạn Phúc Âm: “Có một ông nhà giàu nọ, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu đó. Anh thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rơi xuống mà ăn cho đỡ đói. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.
Thế rồi, người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Apraham.
Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn. Dưới địa ngục, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Apraham ở trên đàng xa, và thấy Ladarô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: Lạy tổ phụ Apraham, xin thương xót con, xin sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát, vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm.
Ông Apraham đáp: Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con đã nhận phần phước của con rồi. Còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và con đã có một vực thẳm quá lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được” (Lc 16,19-26).
Với dụ ngôn trên, Chúa dạy ta những chân lý quan trọng. Ai cũng phải chết. Nhưng sự Chúa đánh giá từng người sau khi chết thường vượt quá sự con người suy nghĩ. Người phú hộ đó sống đời này được đầy đủ, sung sướng, an nhàn, xét mình chẳng thấy gì là xúc phạm Chúa, chẳng thấy gì là làm hại ai. Nhưng người phú hộ đó đã bị rơi vào hoả ngục. Chỉ vì sống thiếu thương cảm, thiếu liên đới, thiếu chia sẻ, thiếu xót thương. Trái lại, người ăn mày kia đã được lên thiên đàng. Vì dù bị chìm trong cảnh khổ, anh đã sống nêu gương về đức khiêm nhường, hiền lành và chân thật. Không được người dư dật chia sẻ, anh phải sống đói khổ, nhưng anh vẫn chia sẻ với mấy con chó đói ăn.
Nhờ ơn Chúa, những sự thực như trên đã được nhiều người nhận ra một cách sâu sắc trong những dòng nước mắt tại nghĩa trang. Những chân lý đó đã thay đổi đời họ.
Ngoài ra, biết bao người nằm trong nghĩa trang và khóc tại nghĩa trang cũng đã tìm được hy vọng cuộc đời qua một ngả khác.
Khám phá ra hy vọng
Không thiếu trường hợp, tôi đã chứng kiến những cuộc trở về. Họ đã trở về từ những dòng nước mắt của một người nào đó. Người đó cầu nguyện cho họ. Người đó khóc với họ thay vì nói với họ.
Một lúc bất ngờ, lời Chúa Giêsu phán xưa trở thành chuyện đời họ. Chúa an ủi họ rằng: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc. Người đau ốm mới cần. Hãy về học biết ý nghĩa của câu này: Cha muốn lòng nhân, chứ đâu cần của lễ. Vì Cha đến, không để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,12-13).
Những lời dịu dàng đó đã đi sâu vào lòng họ. Cõi lòng vốn đóng kín, khoá chặt, chất chứa những u uất, thất vọng, nay mở ra để hy vọng tràn vào.
Họ cảm thấy mình được xót thương, được yêu thương. Họ sám hối. Họ cảm thấy mình được tha thứ. Và chính họ cũng dễ dàng tha thứ. Một sự bình an lạ lùng trùm phủ tâm hồn họ. Họ ra đi bình an trong sự tin tưởng phó thác tuyệt đối ở Chúa giàu lòng thương xót. Họ khóc vì xúc động, đây là những dòng nước mắt đầy tình cảm tạ.
Những người chứng kiến cũng không cầm được nước mắt. Những dòng nước mắt ấy không nói nên lời, nhưng ngọt ngào niềm hy vọng cứu độ.
Khám phá ra chính mình.
Tại những nghĩa trang, thấy người ta khóc, nhất là khi chính mình khóc, tôi như nghe được tiếng Chúa Giêsu nói: Cha thương con, Cha thương mọi người. Cùng với lời Chúa trao ban tình yêu, tôi khám phá ra chính mình tôi, với những vết thương, với những tang tóc đau buồn. Khám phá ra chính mình trong sự thực trần trụi.
Khám phá để giúp trút bỏ những cái nhìn ảo. Nhìn ảo về mình. Nhìn ảo về những công việc của mình. Nhìn ảo về người khác. Nhìn ảo về cuộc đời.
Để cũng nhận ra rằng: dù với những yếu đuối, tội lỗi, mong manh, tôi vẫn được Chúa gọi với tình xót thương:
Gọi hãy cảm thương.
Gọi hãy chia sẻ.
Gọi hãy trở về.
Gọi hãy hiến dâng.
Gọi hãy cầu nguyện và đền tạ.
Gọi hãy sám hối và tín thác.
Gọi hãy vượt qua sự chết và mọi nghĩa trang, để bay vào cõi phúc đời đời.
Ơn gọi đó sẽ thực hiện được, miễn là tôi biết nhờ ơn Chúa, ở lại trong tình Chúa yêu thương. Như lời Chúa kêu gọi: “Hãy ở lại trong Cha, như Cha ở lại trong các con” (Ga 15,4).
LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN
BÔNG HỒNG CHO MẸ CHA- Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Tháng 11, tháng của báo hiếu. Tháng của lòng tri ân tình cha, tình mẹ. Thế nên , khi nghe những ca từ của những bài hát về cha, về mẹ, ôi sao thật ngọt ngào, thắm thiết! Có lẽ nhiều người vẫn thầm hát bài “Bông Hồng cài áo” mỗi khi chạnh lòng nhớ về mẹ cha:
“Mẹ, Mẹ là dòng suối diệu hiền
Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
Là mắt sáng trăm sâu
Là ánh đuốc trong đêm
Khi lạc lối.
Tình mẹ thật nhẹ nhàng như dòng suối làm mát cuộc đời từng người con. Thật ấm cúng nồng nàn như nắng ấm nương rau:
Mẹ, Mẹ là dòng suối ngọt ngào.
Mẹ, Mẹ là nải chuối, buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương rau
Là vốn liếng yêu thương
Cho cuộc đời.”
Thế nhưng, cho dù có thương cha, nhớ mẹ thì cũng có ngày con không còn mẹ cha, sẽ là những ngày tăm tối như lời bài hát so sánh:
“Như đóa hoa không mặt trời,
Như trẻ thơ không nụ cười,
Và đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm”
Ý của bài hát này tác giả đã lấy cảm hứng từ ngày Mother’s day được tổ chức vào Chúa nhật thứ 2 của Tháng Năm tại Châu Âu. Và năm 1962 được tổ chức tại Nhật với phong tục cài cho những ngươì con không còn mẹ một bông hồng trắng, và còn mẹ một bông hồng đỏ. Và nhà sư Nhất Hạnh đã đem về Việt Nam, cổ võ trong ngày Vu Lan. Thế nên, phong tục này không phải là truyền thống của Phật Giáo mà là của Tây Phương. Biểu tượng của Phật Giáo là hoa sen, còn bông hồng là biểu tượng tình yêu của Châu Âu, nhưng dù sao chúng ta cũng thấy việc cầm bông hồng trên tay hay cài lên áo để nhớ về tình thương của mẹ thật nồng ấm biết bao.
Nồng ấm bởi vì Mẹ là một dòng suối, là một kho tàng vô tận. Mẹ là một món qùa lớn nhất mà Thiên Chúa đã tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Thế nên, đừng đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: “Trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!”. Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất mình mới có cảm nghĩ: “Thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ!”
Thế nên, tôi nghĩ rằng bài hát muốn nói với chúng ta những người còn mẹ, ngay hôm nay hãy cầm tay mẹ mà hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có biết không ?”. Và chắc chắn Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và lúc này hãy nhìn vào mắt mẹ, mà nói: “Mẹ có biết là con thương mẹ không?”. Mẹ sẽ rất sung sướng, sẽ rất hạnh phúc vì được nghe những lời yêu thương từ con.
Không chỉ là mẹ mà cả những người cha tuy thầm lặng nhưng luôn hết lòng yêu thương ta. Tình cha không mặn mà như tình mẹ nhưng tình cha vẫn mãi là chỗ dựa cho con sự tự tin vào đời. Không có cha con cái sẽ cảm thấy mình hụt hẫng giữa chợ đời đầy mưu mô xảo quyệt mà không có chỗ tựa nương. Thế nên, hãy trân trọng tình cha, tình mẹ. Hãy dành cho các ngài sự quan tâm, tình yêu mến, đừng đợi đến khi không còn họ mới thảng thốt nói lên lời xót xa ân hận vì mình đã không sống tròn đạo hiếu làm người.
Hôm nay nhân ngày lễ các linh hồn, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy dành tình yêu cho ông bà cha mẹ qua việc cầu nguyện cho các ngài. Chúng ta hãy nài xin lòng thương xót của Chúa đón nhận các ngài và tha thứ những yếu đuối trong thân phận con người của các ngài. Vì nhân vô thập toàn, ai mà không có lỗi trước mặt Thiên Chúa là Đấng vô cùng chí thánh. Chúng ta hãy nhớ đến người quá cố để làm điều gì đó nhằm cứu vớt họ. Có thể là nhường cho các ngài những ơn toàn xá trong 8 ngày đầu tháng. Có thể là làm những việc lành phúc đức để đền bù cho những thiếu sót trong cuộc đời các ngài. Có thể là những lời kinh ta trao gởi họ cho lòng thương xót của Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria.
Xin Chúa cho chúng ta luôn biết tận dụng những ngày này như là mùa báo hiếu cha mẹ và tri ân anh em bè bạn những người đã giúp đỡ chúng ta mà nay đã không còn. Xin cho họ được nghỉ yên bên Chúa. Amen.
LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN- Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Hàng năm, cứ đến những ngày đầu tháng 11, khi tiết trời vào thu, hàng cây thay lá, Giáo hội lại nhắc chúng ta nhớ đến cùng đích đời đời của mỗi người là Nước Trời. Giáo hội cũng dành tháng 11 để dạy mỗi người bày tỏ lòng thảo hiếu biết ơn ông bà tổ tiên, đồng thời nhắc các tín hữu chuẩn bị cho ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Kính nhớ ông bà tổ tiên là nét đẹp trong văn hoá Việt Nam. Việc bày tỏ lòng thảo hiếu không chỉ là văn hoá mà còn là Đạo hiếu, Đạo làm người. Như thế, những ai không chu toàn đạo làm con, đạo làm người này, thì cũng không thể chu toàn đạo làm con Chúa được. Tuy nhiên, không phải mọi người Công Giáo đều ý thức được điều này, vì thế, đã xảy ra biết bao tình trạng ngược đãi đối với ông bà cha mẹ, bỏ bê việc hiếu thảo, khiến cho nhiều người ngoại giáo nghĩ rằng : Theo đạo Công Giáo là phải từ bỏ ông bà tổ tiên, không được giỗ chạp.
Chắc chắn là con người, ai cũng phải chết. Người ta tưởng rằng khoa học ngày nay có thể kéo dài tuổi thọ, xua đi cái chết của con người, nhưng thực tế lại không như vậy. Con người dường như chết trẻ hơn, các bệnh tật, nhất là ung thư, ngày càng phổ biến hơn. Có những người giàu có, cuộc sống không thiếu thốn, họ đủ tiền để đi chữa bệnh ở ngoại quốc, nhưng vẫn không thoát khỏi cái chết. Có những người mới ngày hôm qua còn gặp mặt cười nói, thì hôm sau đã nằm yên bất động. Nhắc lại một vài trường hợp như thế để mỗi người thấy rằng, cuộc sống này thật mong manh, kiếp nhân sinh thật vắn vỏi. Vậy mà có nhiều người vẫn cố tình quên điều đó, họ bỏ qua Thiên Chúa để bám vào trần gian như cùng đích của cuộc đời mình.
Ông Gióp đã trải qua những quãng đời giàu có phong lưu, rồi mất trắng trở về tay không, từ một người khoẻ mạnh, bạn hữu tới lui, trở thành một người bệnh tật ghê tởm, mọi người xa tránh. Dù vậy, ông vẫn xác tín vào Thiên Chúa và hy vọng mạnh mẽ vào cuộc sống đời sau. Trong bài đọc một, ông Gióp đã nói lên niềm xác tín của mình : Tôi biết rằng, Đấng cứu chuộc tôi hằng sống, và sau hết, tôi sẽ từ bụi đất sống lại, và trong chính xác thịt tôi, tôi sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa của tôi. Lời tuyên xưng này cho thấy, ông đặt trọn niềm hy vọng cuộc đời của ông vào nơi Chúa. Điều ông chờ đợi duy nhất sau cuộc sống này là được nhìn thấy Thiên Chúa bằng chính con mắt của mình chứ không còn phải nhìn bằng đức tin nữa.
Niềm tin vào sự sống đời sau được củng cố nhờ vào lời mặc khải của Chúa Giêsu. Ngài đã quả quyết với chúng ta rằng : Ai đến với Tôi sẽ không bao giờ bị loại trừ, không bao giờ bị hư mất, nhưng Tôi sẽ ban cho họ sự sống đời đời. Thiên Chúa khi tạo dựng con người, Ngài muốn cho con người hạnh phúc. Tuy nhiên do tội nguyên tổ và tội của mỗi người, cũng như do sự lôi kéo của ma quỷ, xác thịt và thế gian đã khiến chúng ta xa Chúa và quên mục tiêu đời mình là tìm về với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã được sai đến để chỉ cho con người con đường hạnh phúc, để đưa tất cả nhân loại về với Chúa Cha. Ngài đã chấp nhận cái chết để đem lại sự sống cho con người. Tuy nhiên, chỉ những ai tin Chúa Giêsu, lắng nghe và bước theo Ngài thì mới có thể đạt tới sự sống hạnh phúc được.
Tham dự ngày lễ Cầu hồn hôm nay, mỗi người hãy dừng lại để suy nghĩ và chỉnh sửa cuộc sống của mình, để sống làm sao cho trọn đạo với Chúa và với những bậc tiền nhân.
Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Chúng ta không thể kể hết, không thể đo đếm được công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Chúng ta có thể nhìn thấy những tấm gương hy sinh của các bậc cha mẹ : Có những người cha già tám mươi tuổi vẫn phải vất vả nuôi những đứa con tật nguyền, có những người mẹ hốc mắt thâm quầng vì nhiều đêm thức trắng trông con đau ốm. Ngược lại, có những người con ném cha mẹ ra đường để giành của cải, có những người cha phải nhắm mắt trong tủi nhục vì con cái ngỗ nghịch.
Ngày lễ Cầu hồn hôm nay nhắc chúng ta sống thảo hiếu, sống trọn tình với người còn sống cũng như những người đã khuất. Chắc chắn đứng bên phần mộ người thân đã ra đi, những hình ảnh, những ký ức của người thân sẽ lại trở về với mỗi người. Có thể là những ký ức, kỷ niệm thật vui và hạnh phúc, vì những năm tháng tròn đầy được sống cùng nhau, đã sống hết mình, hết tình với nhau ; nhưng cũng có nhiều ký ức khiến mỗi người tự xấu hổ và hối hận. Có những người khi cha mẹ người thân còn sống đã tỏ ra vô tình dửng dưng, thiếu yêu thương, thiếu chăm sóc. Có những người cứ nghĩ rằng mỗi tháng trả cho cha mẹ vài triệu là đã hết công sinh thành dưỡng dục, vì thế, khi cha mẹ đau yếu liệt lào, họ chưa được một lần tự tay chăm sóc cho cha mẹ. Nay khi cha mẹ qua đời, họ cố gắng xây mộ thật to để che mắt thế gian và để đánh lừa sự áy náy trong tâm hồn mình.
Không chỉ bổn phận thảo hiếu với cha mẹ, mỗi người còn mang trách nhiệm, bổn phận với vợ, chồng, con cái. Nhiều người khi vợ, chồng còn sống đã thiếu sót bổn phận, coi thường khinh rẻ nhau, chửi bới đánh đập nhau suốt ngày, thế nhưng, lúc người kia mất đi, họ khóc vật vã, kể lể để dối lòng mình. Có những người lúc sống không nhìn mặt nhau, thế nhưng lúc chết lại đòi cho được nằm cạnh nhau, việc làm đó chỉ là sự giả dối để che mắt thế gian. Điều quan trọng không phải nằm chỗ nào, sang hay hèn, mộ to hay nhỏ, những điều quan trọng là mình đã sống, đã đối xử với người thân thế nào khi họ còn sống. Điều quan trọng hơn nữa là phải sống làm sao để cùng nhau lên thiên đàng, để tránh rơi vào cảnh “Thiên đàng hoả ngục hai bên”.
Chúng ta hãy sống sao cho mỗi lần tháng 11 về, mỗi lần ra thăm mộ, mỗi người không phải áy náy hối hận, không còn những giọt nước mắt muộn màng. Muốn vậy thì ngay bây giờ, chúng ta hãy sống với nhau cho tròn đầy :
Với mẹ cha, hãy hết lòng yêu thương kính trọng, vâng lời. Hãy chia sẻ gánh nặng kinh tế và lo lắng với các ngài. Hãy làm vơi đi sự nhọc nhằn trên đôi vai của cha mẹ, hãy làm cho cha mẹ nở nụ cười hạnh phúc và tự hào vì con cháu. Lúc các Ngài tuổi cao sức yếu, hãy kiên nhẫn và kính trọng, vì ngày xưa các ngài đã từng hết sức kiên nhẫn với chúng ta. Đừng làm gì khiến cha mẹ tủi nhục, đừng đối xử với cha mẹ như con ăn đứa ở trong gia đình, cũng đừng kể công, tính sổ với các ngài, vì các ngài chưa bao giờ tính công sinh thành, nuôi dưỡng chúng ta. Sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đó, hôm nay chúng ta biết kính trọng, yêu mến mẹ cha của mình, thì sau này, con cháu cũng sẽ biết yêu mến, kính trọng chúng ta. Đừng bao giờ trở thành gương xấu cho con cháu trong việc thảo hiếu mẹ cha.
Với anh chị em, vợ chồng và những người chung quanh, hãy nhớ rằng, chúng ta sẽ không sống mãi trên cuộc đời này, sẽ có ngày chúng ta phải chia tay nhau. Vì thế, khi còn có cơ hội gần nhau, bên nhau, hãy yêu thương nhau cho thật tình, hãy yêu mến hết mình, đừng so đo tính toán thiệt hơn. Cuộc sống thật vắn vỏi, hãy loại trừ những tranh chấp hơn thua, nhỏ mọn để sống quảng đại với nhau ; hãy nói với nhau những lời lẽ chân tình, dễ nghe và cư xử với nhau với lòng nhân ái, để khi người thân mất đi, chúng ta sẽ không phải hối hận vì đã yêu quá ít.
Sau cùng hãy nhớ rằng, sau cánh cửa sự chết, chúng ta sẽ gặp lại nhau. Chúng ta sẽ muốn nhìn thấy nhau trong tình trạng nào, vui hay buồn, hạnh phúc hay bất hạnh ? Vì thế, đừng bao giờ nuôi hận thù đối với nhau, cũng đừng đem hận thù xuống nấm mồ, vì thù hận sẽ không thích hợp với Nước Trời là nơi hạnh phúc. Nếu cố tình nuôi dưỡng thù hận, chúng ta sẽ không vào Nước Trời và không thể gặp lại nhau được nữa.
Thiên đàng là nơi hạnh phúc, có Thiên Chúa là Cha đang chờ đợi mỗi chúng ta, nơi đó là quê hương đích thực và cùng đích của mọi người. Xin cho chúng ta trên hành trinh trần thế đừng bao giờ quên cùng đích cuộc đời của mình. Xin cho mỗi người luôn biết chuẩn bị sẵn sàng cho ngày trở về, để khi ngày ấy đến, chúng ta thanh thản ra đi mà không phải hối tiếc vì đã không làm gì cho Chúa, cho mình và cho những người chung quanh. Amen.
LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN
THÂN XÁC VÀ LINH HỒN- John W. Martens
“Ta sẽ cho họ chỗi dậy trong ngày sau hết” (Ga 6,40).
Khi chúng ta chết, điều gì sẽ xảy ra? Đây là vấn nạn chúng ta thường đặt ra, đặc biệt đối với các Kitô hữu, khi mọi người đều hướng vọng về sự sống mai sau. Nhưng trước khi thân xác chúng ta được phục sinh trong ngày sau hết, trong thời gian chuyển tiếp, điều gì sẽ xảy ra. Khi chúng ta giã từ trần gian, chúng ta sẽ đi về đâu? Đây là điều thường gây ngộ nhận, nếu chúng ta không quán triệt giáo lý của Giáo hội. Hồi còn nhỏ tôi vẫn nghĩ tưởng về sự phục sinh mai sau, và cho rằng khi tôi chết, tôi sẽ được sống lại ngay lập tức trên quê trời, cùng với tất cả những ai đã được quyền năng của Chúa cho sống lại. Đây không phải là cái nhìn theo quan điểm Kitô giáo. Tuy nhiên nhiều Kitô hữu vẫn ngộ nhận rằng sau khi chết, chúng ta sẽ sống trên quê trời, tuy không mang hình hài thân xác, nhưng linh hồn chúng ta được giải thoát khỏi những ràng buộc của thể lý, và đó cũng là cuộc sống mà mọi người phải hướng vọng về. Cuộc sống mai hậu, khi thân xác chết đi, là một điều rất khó giải thích, bởi vì những bản văn Kinh Thánh chỉ nói tới cách rời rạc, và không nhất quán đưa ra một cắt nghĩa tổng thể. Về cuộc sống chúng ta sau khi chết đi, Kinh Thánh chỉ mặc khải một cách tiệm tiến và dần dần.
Những người Do Thái cổ đại không đặt trọng tâm vào thế giới mai sau, nhưng họ chỉ nhắm đến cuộc sống hiện sinh với những phần thưởng và chúc lành từ nơi Thiên Chúa. Đó là một cuộc sống trường thọ của ngày hôm nay, được đông con nhiều cháu, được dư dật của cải, cụ thể có đầy tràn hoa màu ruộng đất và đàn gia súc dư giả. Theo quan niệm cổ xưa, người chết sẽ xuống âm phủ, là nơi không phải để thưởng phạt, nhưng chỉ là nơi bóng tối của sự chết bao trùm khi chúng ta an giấc ngàn thu.
Cựu ước rất ít nói về sự phục sinh. Mãi về sau này, trong các bản văn thuộc thế hệ sau lưu đầy, khi dân Israel trở về kiến thiết lại Giêrusalem, sự phục sinh thân xác mới được nhắc tới. Vài thế kỷ trước công nguyên, dần dần xuất hiện sự phát triển quan điểm về số phận muôn đời của người đã chết. Muộn thời sau này, người Do Thái mới có tư tưởng, tuy không hệ thống hóa, nhưng nhấn mạnh rằng trọn vẹn con người chúng ta, cả xác lẫn hồn, sẽ được chỗi dậy trong ngày sau hết.
Trong khi khá ít những tư tưởng nói về cuộc sống con người sau cái chết để chờ đợi được phục sinh, thì tác giả sách Khôn ngoan, bộ sách đã được viết vào khoảng từ năm 30 đến năm 40 trước công nguyên tại Alexandria, thành phố nói tiếng Hy Lạp, có đề cập đến “linh hồn những người công chính” đã chết. Tác giả viết “Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa. Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi. Khi họ ra đi, chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc. Lúc họ xa rời chúng ta, chúng ta tưởng là họ bi tiêu diệt. Nhưng thật ra họ đang hưởng bình an (Kn 3 1-3). Quan niệm âm phủ không còn nữa, nhưng thay vào đó, là tình trạng con người thoát khỏi cực hình và được an bình. Toàn bộ trình thuật đưa ra một tiến trình phán xét sau khi chết, và nói về sự hiện diện tiếp mãi của Thiên Chúa. Nhưng bản văn cũng tiên báo một Vương quốc của Thiên Chúa trong tương lai, khi đó linh hồn người công chính sẽ thống trị muôn dân nước và xét xử muôn dân tộc, và Đức Chúa sẽ cai trị họ đến muôn đời (Kn 3, 7-8).
Đối với người Kitô hữu, Vương quốc tương lai này sẽ được khai mở khi Đức Giêsu trở lại, lúc đó tất cả mọi người, kẻ sống cũng như kẻ chết, sẽ được tham phần vào sự sống lại của Đức Kitô nơi thân xác họ. “Vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại (Rm 6,5). Đức Giêsu đã nói về sứ mạng cứu thế của Ngài, khi chiến thắng tội lỗi và sự chết “ Quả thật, đây là ý muốn của Cha tôi, những ai thấy Chúa Con và tin vào Người Con, sẽ có sự sống đời đời, và ta sẽ cho họ chỗi dậy trong ngày sau hết”.
Tất cả những ai còn sống trong thân xác trần thế, chúng ta đợi chờ cái chết chắc chắn sẽ đến, và hướng vọng về Vương quốc mai sau trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Họ cũng ngóng đợi sự viên thành của Vương quốc nước trời, khi hồn và xác được kết hiệp lại để sống muôn đời. Sách Giáo lý Công giáo, điều 1005, cũng cắt nghĩa theo lời dạy của Thánh Phaolô, với một viễn cảnh tràn trề hy vọng: “Để được chỗi dậy với Đức Kitô, chúng ta phải chết với Đức Kitô, tức là chúng ta phải xa lìa thân xác để được cư ngụ với Chúa”. Sự chia lìa tạm thời này, chính là cái chết, khi thân xác tách rời khỏi linh hồn. Linh hồn sẽ được kết hiệp lại với thân xác trong ngày kẻ chết sống lại. Vì thế, cùng với những linh hồn công chính đã ra đi trước chúng ta, các Kitô hữu sẽ chờ đợi Vương quốc của Thiên Chúa, nơi đó tất cả sẽ được viên toàn, và Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi sự.
LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN
SỰ THANH LUYỆN CẦN THIẾT– Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Hôm qua ngày lễ Các Thánh, Giáo hội vui mừng với những con cái của mình đã được hưởng vinh quang thiên quốc.
Hôm nay trong tinh thần hiệp thông, Giáo hội tưởng niệm và cầu nguyện cho mọi tín hữu đã qua đời hiện đang còn thanh luyện trước khi hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.
Các linh hồn cần được thanh luyện
Những tín hữu đã chết trong ơn nghĩa Chúa nhưng chưa sạch hết mọi tội và chưa đền tội bằng những hình phạt tạm thời này thì không thể vào thẳng thiên đàng được, chưa xứng đáng hưởng nhan thánh Chúa nên họ phải chờ đợi thanh luyện xong mới vào thiên đàng. Thời gian đó là thời gian xa cách Chúa. Công đồng Floren đã định tín: “Có luyện ngục để thanh luyện các linh hồn”. Các linh hồn ra khỏi trần gian không còn có thể làm được việc gì lành để cứu mình nên chỉ trông cậy vào những người còn sống lập công cầu nguyện cho mình để rút ngắn thời gian thanh luyện. Vì thế mà Giáo hội kêu gọi tín hữu cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện tội. Đặc biệt là việc dâng thánh lễ, dành tháng 11 cầu nguyện cho họ. Giáo hội còn mở kho tàng ân xá là công nghiệp của các Thánh để nhường cho các linh hồn nơi luyện tội. Giáo hội khuyến khích việc đi viếng các nghĩa địa, sửa sang mồ mả và cầu nguyện cho các linh hồn theo câu tục ngữ : mồ thật chôn các người chết là trái tim người sống.
Công đồng Vatican II đã xác tín lại tín điều Giáo hội cùng thông công giữa ba thành phần: lữ hành, thanh luyện và vinh thắng. Cả ba thành phần đều hiệp thông với nhau trong đức mến và truyền thông cho nhau những của cải thiêng liêng. “Trong số những môn đệ của Chúa, có những kẻ tiếp tục cuộc hành trình nơi dương thế, có những kẻ hoàn tất cuộc sống này nhưng đang được thanh luyện, và có những người đang được chiêm ngưỡng “rõ ràng Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi như Ngài hằng có”…Sự hiệp nhất giữa những người còn sống trên dương thế với các anh em đã yên nghĩ trong bình an Chúa Kitô không hề bị gián đoạn. Nhưng trái lại, Giáo hội xưa nay luôn tin rằng sự hiệp nhất đó còn được vững mạnh hơn nhờ việc truyền thông cho nhau những của cải thiêng liêng. Quả thực, nhờ kết hiệp mật với Chúa Kitô hơn, các người ở trên trời cũng cố toàn thể Giáo hội vững bền hơn trong sự thánh thiện, làm cho việc thờ phượng mà hiện nay Giáo hội tại thế dâng lên Thiên Chúa được cao cả hơn, và họ góp phần phát triển Giáo hội rộng rãi hơn bằng nhiều cách”. (LG, chương 7, số 49).
Trong số 50, Hiến Chế Lumen Gentium viết: nhận biết sự đúng đắn sự hiệp thông này trong toàn Nhiệm Thể Chúa Giêsu Kitô, ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Giáo hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu nguyện cho những người đã chết vì “cầu nguyện cho những người đã chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh tốt đẹp” ( 2 Mac 12,46).
Việc lành thánh tốt đẹp ấy được nói đến trong Thánh kinh và giáo huấn của Giáo hội.
Thánh kinh :
Hai đoạn văn thường được nhắc đến là 2 Macabê 12,39-46 và 1Côrintô 3,10-15. Một bản văn thuộc Cựu ước và một thuộc Tân ước.
- Sách Macabê II : sách được viết vào khoảng năm 124 trước công nguyên, đánh dấu nhiều bước tiến trong mạc khải cánh chung. Ở chuơng 7, chúng ta gặp thấy chứng tích về niềm tin vào sự sống lại dành cho các vị tử đạo. Chương 11, chúng ta lại thấy chứng tích về việc cầu nguyện cho người đã qua đời được thúc đẩy bởi niềm tin vào sự phục sinh.
- Thư thứ nhất Côrintô : Bản văn nói đến sự thanh luyện. Đoạn văn đã được sử dụng để nói tới sự phân biệt ba hạng ngưởi sau khi chết: những người lành được lên thiên đàng, những người xấu phải xuống hoả ngục, hạng người thứ ba được cứu rỗi nhưng cũng cần được thanh luyện bằng lửa, tức là lửa thanh luyện.
Trong bối cảnh tổng quát của mạc khải, có thể biện minh sự hiện hữu của việc thanh luyện tội lỗi sau khi chết với ba lý chứng sau đây: sự thanh sạch cần thiết để được đến gần Chúa (x.Xh 29,4; Lêvi 11; Tv 24,3-4; Is 35,8.52,1; Mt 5,8.48; Kh 21,27); trách nhiệm cá nhân trong việc đền tội (x. 2Sm 12,13-15); và giá trị của sự cầu nguyện cho người qua đời (x. 2Mac 12,40; 1Cor 15,29; 2 Tim 1,16-18).
Giáo huấn Giáo hội :
Công đồng Vatican II bàn đến tình trạng thanh luyện sau khi chết ở chương VII của hiên chế Lumen Gentium. Số 49, Công đồng nhìn nhận rằng “có những tín hữu đã qua đời và đang được thanh luyện”. Số 50, đạo lý về sự thông hiệp giữa hết mọi phần tử Giáo hội được dựa trên thói tục bắt nguồn từ thưở ban đầu Kitô giáo về sự tưởng niệm người chết và cầu nguyện cho họ. Phần kết chương VII trình bày về đường hướng mục vụ, Công đồng tái khẳng định đạo lý cổ truyền của Giáo hội : “ Thánh Công Đồng kính cẩn đón nhận niềm tin cao trọng của tiền nhân chúng ta trong việc hiệp thông sống động với các anh em được vinh hiển trên trời hay còn phải thanh luyện sau khi chết, và lấy lại các sắc lệnh của thánh Công đồng Nicêa II, Firence, Trento ( số 51 a)”.
Sách giáo lý Giáo hội Công giáo
Các số 1030 -1032 bàn đến sự thanh luyện. Có thể tóm lại trong các điểm sau:
– Các linh hồn cần được thanh luyện để hoàn tất sự thánh thiện cần thiết để được vào thiên đàng. (Số 1030). Lưu ý là sự thanh luyện được hiểu về trạng thái hơn là một ‘nơi chốn’, lại càng không thể nói “thời gian” bao lâu.
– Các linh hồn có thể được chúng ta giúp đỡ bằng lời càu nguyện. (Số 1032)
– Luyện ngục không phải là một hoả ngục ngắn hạn (Số 1031), luyện ngục hoàn toàn khác xa hoả ngục.
– Sách giáo lý có trích dẫn cụm từ ‘lửa thanh luyện” (x. 1Cor 3,15; 1Pr 1,7) nhưng không nói là phải hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng ( Số 1032).
Các linh hồn được thanh luyện bằng cách nào ?
Truyền thống Giáo hội nói rằng: các linh hồn được thanh tẩy bằng lửa, lửa tình yêu (x. Dc 8,7), lòng khát khao thấy Thiên Chúa. Sự đau khổ trong day dứt hối hận tột độ. Các linh hồn mong hưởng nhan thánh Chúa nhưng lại chưa được vì mình chưa trong sạch xứng đáng nên phải thanh luyện bằng sự hối hận đầy lòng mến. Thánh Tôma cho rằng nguyên sự nôn nao muốn về thiên đàng cũng đã đủ tạo nên cực hình rồi (x. IV Sent, d.21, q.1 de Purgatorio,a.3). Thực vậy, nếu các tội nhân hoả ngục đau đớn vì mãi mãi lìa xa Chúa, thì các linh hồn đang thanh luyện phải trải qua một thứ cực hình khác: họ mong mỏi mau đựoc về với Chúa. Sự náo nức vì chờ đợi kẻ thân yêu cũng đã đủ “thiêu đốt tâm can” rồi ! Dù sao, một khi họ biết được lý do vì sao họ chưa được vào thiên đàng, họ sẽ đau buồn vì trước kia họ chưa mến Chúa cho đủ, họ đã coi nhẹ việc thống hối đền tội.
Do đó có thể hiểu rằng nổi thống khổ của các linh hồn thanh luyện tuy cực độ nhưng đượm màu hân hoan và tràn trể hy vọng. Đức Cha Tihaner quan niệm rằng :luyện ngục là một hoả ngục đầy hân hoan, là một thiên đàng đầy đau khổ. Chính linh hồn ý thức tình trạng bất xứng của mình trước sự thánh thiện của Thiên Chúa, vì thế tự nguyện được thanh tẩy. Giống như khi ta vào nhà nào lát gạch men bóng loáng, thì tự nhiên để dép ở ngoài. Nếu chân ta dính nhiều bùn đất mà muốn vào phải rửa chân cho sạch. Chính linh hồn muốn trở nên thanh khiết hơn, trưởng thành hơn, trong sáng hơn để được hiệp nhất với Thiên Chúa nên đón nhận những đau khổ do việc thanh luyện như là một phương thế cần thiết. Bởi đó trong luyện ngục hạnh phúc đã bắt đầu chớm nở. Đây là một thứ đau đớn làm sung sướng hay một thứ hạnh phùc pha lẫn đau khổ. Nhìn dưới lăng kính tình yêu, các linh hồn đau đớn do hình phạt đền tội, do sự khắc khoải vì chưa được lên thiên đàng. Nhưng họ vui sướng bởi vì chính tình yêu Chúa đang thanh luyện họ, họ đang tập “yêu mến” cách trọn hảo hơn, cắt đứt những ràng buộc với thọ tạo. Họ cũng vui sướng vì họ đã được đảm bảo về phần rỗi, bởi vì họ chắc chắn rằng mình sống trong ân sủng và đức ái.
Sự thanh luyện nói lên lòng lân tuất của Thiên Chúa: Ngài muốn chúng ta nên hoàn thiện, thanh sạch ngõ hầu xứng đáng chiêm ngắm nhan Ngài. Sự thanh luyện cũng nói lên tình yêu của Thiên Chúa: Ngài muốn cho chúng ta dành trọn cả mối tình cho Ngài chứ không quyến luyến với thọ tạo nào.
Cần phải cầu nguyện cho các linh hồn
Sự thanh luyện thuộc về “cánh chung trung thời” bởi vì nó sẽ không tồn tại sau ngày tận thệ thế nữa. Luyện ngục chỉ là thời gian tạm trú. Không ai có hộ khẩu thường trú ở đó cả. Luyện ngục chỉ là một chuyến đò ngang. Thiên Chúa mới là bến bờ. Đời sống vĩnh cửu mới là cùng đích, là phần thưởng Thiên Chúa hứa ban.
Đạo lý về sự thanh luyện thúc giục chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời. Tập tục này đã có từ cuối thời Cựu ước và trong suốt lịch sử Giáo hội (x. GLCG số 1032; 958; 1371; 1689). Ngoài những hình thức cầu nguyện riêng tư, phụng vụ Giáo hội khuyến khích tục lệ này. Khởi đầu từ Thánh lễ, nơi đó Giáo hội hiệp thông với Các Thánh trên trời cũng như với các linh hồn còn đang chịu thanh luyện. Hằng năm, ngày 2 tháng 11 được dành để cầu nguyện cho tất cả các linh hồn đã qua đời tiếp sau lễ kính Các Thánh. Giáo hội còn dành cả tháng 11 nhớ đến các linh hồn và mời gọi con cái mình cầu nguyện, hy sinh hãm mình, làm việc bác ái như là nghĩa cử biểu lộ lòng yêu thương đối với họ cũng như tình hiệp thông trong nhiệm thể Chúa Kitô.
(Viết theo giáo trình tín lý “Ân sủng của Đức Kitô”, Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên, ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn 1990.)
SỢI DÂY CHUYỀN LIÊN ĐỚI – Logos năm C
Nhà văn Khái Hưng đã viết một truyện ngắn mang tựa đề “ Bóng Người Trong Sương Mù” có nội dung như sau:
Vào một đêm mưa gió, người ta điều một bác lái tàu lửa đi gấp để lái đoàn tàu đưa một vị quan toàn quyền về tỉnh. Bác 1ái tàu đành bỏ ngừơi vợ đang đau nặng ở nhà để lên đường.
Vào khoảng nửa đêm, đoàn tàu đang lao vun vút trong làn sương mù dày đặc, bỗng nhiên bác lái tàu thấy một bóng người in trên sương mù ngay trước đoàn tàu. Người ấy mặc áo choàng rộng đang khoát tay như có ý bảo: “dừng lại! dừng lại!”. Bác lái tàu hoảng sợ không biết thực hư thế nào. Bóng người trong sương mù lúc ẩn lúc hiện như vung tay hét lên: “dừng lại! dừng lại!”. Bác tài càng phân vân hơn nữa, không biết người hay ma ? Có nên dừng lại không? Thế rồi như có một linh tính báo trước, bác kéo thắng tàu. Đoàn tàu từ từ dừng lại. Mọi người chạy xuống xem thì thấy cây cầu ngay phía trước đã gãy đổ hoàn toàn vì mưa lũ. Suýt nữa cả đoàn tàu đã lao xuống dòng sông chảy xiết!
Mọi người mừng rỡ vì thoát chết, còn bác tài thì tìm thấy một con bướm lớn bị vướng vào đèn pha, đang vùng vẫy tìm cách thoát ra. Chính con bướm trước ánh đèn pha đã in hình trên nền sương mù giống như một con người đang vẫy tay.
Sáng hôm sau, khi trở về nhà, vợ bác đã chết và chết đúng vào lúc nửa đêm hôm trước, lúc bóng người trong sương mù ra hiệu cho đoàn tàu dừng lại. Bác tài đã ép khô con bướm ấy và giữ làm kỉ niệm vì tin rằng linh hồn vợ bác đã nhập vào con bướm để cứu bác.
Câu chuyện trên diễn tả một quan niệm thông thường cho rằng người sống và kẻ chết luôn có mối liên hệ với nhau. Còn đối với người Kitô hữu, chúng ta tin rằng giữa người sống và người chết luôn có một sự hiệp thông sâu sắc qua lời nguyện cầu và sự tưởng nhớ hằng ngày.
Sợi dây chuyền liên đới.
Sách Cựu ước kể chuyện Giuđa Macabê, nhà lãnh đạo Do Thái, đã dâng lễ tế đền tội cho người chết: “Cầu cho người đã chết là một ý tưởng lành thánh và đạo đức, để họ được tha thứ tội lỗi” (2 Mcb 12,45-46). Như thế, lời cầu nguyện không những liên kết những người đang sống với nhau, mà còn liên kết người sống với kẻ chết đang được thanh luyện. Hình ảnh sợi dây chuyền liên đới diễn tả tín điều “ Các Thánh Cùng Thông Công ” trong Giáo Hội. Mỗi người dù sống hay chết đều là một móc xích liên kết với người khác tạo nên một chuỗi sự hiệp thông gắn bó với nhau. Nếu tách rời nhau, mỗi vòng khoen của sợi dây chuyền trở nên nhỏ nhoi vô nghĩa. Cũng vậy, nếu tách lìa nhau, mỗi con người chỉ là một cá thể lẻ loi cô độc không thể thăng tiến được. Nếu móc nối với nhau, những khoen tròn nhỏ bé kia hợp lại thành một sợi dây bền chắc. Cũng thế, nếu mỗi người dù sống hay chết biết nối chặt vòng tay sẽ tạo nên sức mạnh, tình hiệp thông và sự thăng tiến.
Chúng ta cầu nguyện cho người sống là một điều tốt lành và cầu nguyện cho người chết đang được thanh luyện lại càng là một điều lành thánh và đạo đức. Vì những linh hồn đang còn ở luyện ngục hoàn toàn trông chờ vào lời cầu nguyện của chúng ta nơi dương thế vì họ không thể cầu nguyện hay lập công phúc cho chính mình nữa. Họ chỉ còn biết trông đợi vào tình thương của Thiên Chúa qua lời cầu nguyện của chúng ta. Tuy nhiên, các linh hồn nơi luyện ngục vẫn liên kết với chúng ta bằng những lời cầu bầu của họ trước mặt Thiên Chúa cho chúng ta.
Tuy nhiên, có một điều quan trọng : sợi dây chuyền liên đới ấy phải được khởi đầu từ Đức Kitô và kết thúc nơi Đức Kitô. Đức Kitô chính là “đầu mối” liên kết tất cả nên một. Ngài là đích điểm của mọi nguồn hy vọng và sự cậy trông của người sống cũng như kẻ chết: “Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy , sẽ không chết bao giờ.” (Ga 11, 25-26)
Tất cả lời cầu nguyện của chúng ta dù cho người sống hay kẻ qua đời đều phải đặt căn bản trên niềm tin vào Đức Kitô tử nạn và Phục Sinh. Ngài là sự liên kết vững bền nhất cho sự hiệp thông giữa chúng ta với nhau và với Thiên Chúa.
Cuộc thanh luyện tình yêu
Thánh Phaolô đã hé mở cho thấy Ngày của Thiên Chúa sẽ tỏ rạng trong ánh lửa hồng. Chính ngọn lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người (1 Cor 3.13). Ngọn lửa ấy luôn cần thiết trong bất cứ cuộc thanh luyện nào.
Sợi dây chuyền người ta đeo trên người dù bằng bạc hay vàng đều được nung chảy bằng lửa, kéo thành sợi, cắt thành khúc, uốn thành khoen, được hàn móc lại với nhau và được gọt dũa chau chuốt, làm nên sợi dây chuyền bền chắc.
Cũng thế, mỗi người dù sống hay chết đều được thanh luyện bằng ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa. Khi còn sống ở dương gian, người tín hữu được tình yêu Thiên Chúa thử luyện bằng những hy sinh đau khổ và thập giá. Nếu những ai chưa tinh toàn, người ấy lại tiếp tục được thanh luyện sau khi chết để trở nên tinh ròng hơn. Cầu nguyện cho các linh hồn là xin cho họ sớm được tinh tuyền trong tình yêu vô biên của Chúa. Xin cho ngọn lửa tình yêu của Chúa nung đốt chúng ta để chúng ta được liên kết với nhau và hòa tan trong Chúa.
Hôm nay, chúng ta qui tụ nơi đây (chúng ta tụ họp trong nghĩa trang này) để được gần gũi với những người thân yêu đã nằm xuống. Dù có 1 khoảng cách xa nghìn trùng giữa thế giới người sống và thế giới kẻ chết, nhưng chúng ta lại thật gần nhau bằng lời cầu nguyện qua những nén nhang và những ngọn nến được thắp lên. Khi những người thân còn chung sống với chúng ta, chúng ta có thể cho họ nhiều thứ, nhưng giờ đây họ chỉ mong đợi một điều thôi đó là lời cầu nguyện. Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện cho họ như một món quà thân thương nhất chúng ta dành cho họ trong giây phút này.
Tại giáo xứ kia, khi người ta giải toả nghĩa trang trong giáo xứ để làm công viên, có một người chủ thầu xây dựng đến xin gặp cha xứ và nói:
– Thưa cha, con xin lễ cầu nguyện cho các linh hồn.
Thấy người lạ mặt, cha xứ liền hỏi:
– Ông là ai?
– Thưa cha, con là người ngoại giáo đang ủi nghĩa trang làm công viên. Khi ủi đất, con nhìn thấy nhiều nhúm xương tàn nằm dưới đất, con sợ đã xúc phạm đến các linh hồn nên đến xin lễ cầu an.
Một người ngoại giáo xin lễ cho các linh hồn ! Điều đó cho thấy niềm tin vào mối liên hệ giữa người sống và kẻ chết rất được trân trọng, kể cả nơi người chưa nhận biết Chúa. Điều đó cũng nhắc nhở chúng ta hãy biết siêng năng cầu nguyện cho các linh hồn với sự tưởng nhớ và lòng mến yêu.
LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN
CÁC SUY NIỆM CỦA LINH MỤC ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ
Lễ Nhất
Muốn Sống Đời Đời Hãy Ăn Bánh Giêsu (Ga 6, 51 – 59)
Con người sinh ra là để sống, để vươn lên. Ai trong chúng ta cũng đều có một mơ ước một khát vọng riêng cho mình, cho dù đó là mơ ước nhỏ hay to, cao xa hay thấp hèn. Nếu con người sống mà không có mơ ước thì chỉ như một cỗ máy. Khát vọng vươn lên đó chính là mục đích sống của con người. Niềm tin Kitô giáo dạy cho chúng biết, con người có xác có hồn, có đời này và đời sau. Vì thế, ngoài sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc ở đời tạm thế này, người tín hữu phải đạt được sự sống đời đời mai sau nữa. Nhưng đâu là bí quyết để sống trường sinh là một câu hỏi lớn ?
Khởi đi từ việc thấy đám đông dân chúng theo mình, Chúa Giêsu đã “chạnh lòng thương“, làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi sống họ, sống đời tạm này. Từ của ăn vật chất nuôi sống thể các, Chúa gợi lên nơi lòng họ sự khát vọng tìm kiếm thay vì của ăn hay hư nát, thì tìm kiếm của ăn thiêng liêng, lương thực trường tồn, lương thực ấy là chính Chúa Giêsu (x. Ga 6). Thế là khát vọng sống trường sinh nổi lên trong họ, Chúa mạc khải luôn cho họ: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời” (Ga 6, 51).
Ngày xưa Chúa Giêsu gọi mời những người Do thái, ngày nay Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy đến mà ăn Bánh Giêsu. Nếu chúng ta muốn sống trường sinh, thì đây là cơ hội tốt để có được mầm sống ấy. Hãy đến gặp Chúa Giêsu và đón nhận Người, bởi chính Người : “Là Bánh Hằng Sống … ai ăn … sẽ được sống đời đời” (Ga 6,51).
Sự sống đời đời, tự chúng ta không thể có được, phải cậy nhờ vào Thiên Chúa là Đấng làm cho sống, là nguồn mạch sự sống. Vì thế, chúng ta thật hạnh phúc khi được mời gọi ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu để được sống đời đời (x.Ga 6, 54). Hơn nữa còn được Chúa đến cắm lều ngay nơi lòng chúng ta: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6, 56).
Chúa Giêsu khẳng định, Người là bánh bởi trời xuống, Người đến làm no thỏa cái đói, cái khát, nhất là lấp đầy khát vọng lớn nhất của con người mọi nơi mọi thời là trường sinh bất tử.
Nếu như trong sa mạc xưa kia, Manna là quà tặng do lòng thương xót của Chúa dành cho dân, lương thực cứu đói tạm thời, thì nay Mình Máu Thánh Chúa là lương thực giúp người tín hữu có đủ sức, đủ nghị lực vượt qua trần thế về tới quê trời hưởng phúc vinh quang. Chẳng có gì chân thật và an ủi hơn cho những linh hồn khát khao nên thánh.
Phụng vụ lễ trọng kính Các Thánh Nam Nữ của Thiên Chúa hôm qua, với lời kinh, tiếng hát, các bài đọc, thánh ca lôi cuốn tâm hồn chúng ta vượt qua không gian và thời gian, bay lên cõi trời cao để chiêm ngưỡng Các Thánh, những người được coi là diễm phúc của Thiên Chúa. Khi chiếm ngắm các ngài, chúng ta có thêm động lực để phấn đấu hầu lấp đầy khát vọng làm thánh của chúng ta.
Lạy Chúa, xin dạy cho chúng con biết tìm kiếm Chúa là sự sống trường sinh, ẩn mình trong Bí tích Thánh Thể, và siêng năng lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa để được sống đời đời. Amen.
Lễ Nhì
Xin Nhớ Đến Con Cùng (Luca 23, 33. 39-43)
Mọi tạo vật đều muốn mình được nhớ đến
Có một loài hoa tên là Lưu ly có màu tím, màu trắng, xanh hoặc vàng tuyệt đẹp, người ta hay hái để tặng nhau. Các cô thiếu nữ thường gọi tên hoa là ” xin đừng quên em “, còn các chàng trai một mực khăng khăng gọi Lưu ly là “xin đừng quên anh”. Cho dù gọi hoa theo tên nào thì đây cũng là một loại hoa luôn luôn gợi nhớ một niềm thương cảm mênh mông, một kỷ niệm sâu xa thầm lặng không quên được.
Chuyện kể rằng: ngày xửa ngày xưa có một đôi nam nữ yêu nhau. Một sáng mùa xuân trời trong vời vợi. Họ dắt nhau dạo chơi bên bờ một con suối, hoa Lưu ly mọc dày, cố vươn cành, nghiêng mình soi bóng xuống dòng nước trong xanh. Trong khi chàng trai tần ngần ngắm nhìn dòng thác đổ thì cô gái say sưa hái hoa. Cô nhoài người ra bờ suối hái mấy nhành hoa đẹp, chẳng may nàng bị trượt chân ngã xuống suối bị dòng nước cuốn trôi. Nàng cố hết sức ném lại nhành hoa có ý trao tặng người yêu và gọi với “Xin đừng quên em”.
Còn theo một truyền thuyết Công giáo, ngày nọ, Thiên Chúa đi ngang qua vườn địa đàng sau khi sáng tạo ra thế giới muôn loài. Người bỗng chú ý đến một bông hoa nhỏ và hỏi nó tên gì. Bông hoa ngượng ngùng thì thầm : “Thưa Chúa, con sợ rằng con đã bị lãng quên mất rồi ạ”. Thiên Chúa ôn tồn trả lời : “Uh, Ta sẽ không bao giờ quên con”.
Chúng ta thấy, chẳng những con người luôn mong mình được người khác nhớ đến, mà cả loài hoa cũng muốn mình không bị lãng quên.
Giáo hội lữ hành nhớ đến Giáo hội khổ đau
Sau khi đã cử hành lễ vinh quang và danh dự của Giáo hội Khải Hoàn (Các Thánh), Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta hôm nay đặc biệt nhớ đến đến và cầu nguyện cho Giáo hội Khổ Đau : những tâm hồn tội lỗi đang ở trong thời gian thanh luyện đang rất cần sự nhớ đến và lời cầu nguyện, lễ hy sinh, việc đền tội của chúng ta, để họ nhanh chóng được giảm bớt hình phạt hiện tại, được thứ tha tội lỗi mà giờ đây họ không làm được gì cho chính mình.
Hôm nay không phải là ngày buồn và tang tóc : nhưng là ngày Giáo hội là Mẹ năn nỉ nài van cùng Thiên Chúa cho con cái mình đã qua đời còn đang bị giam cầm nơi Luyện Tội chờ ngày thanh luyện cho đủ sớm được giải thoát. Vì thế, Giáo hội kêu lên : “Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn… “
Xin nhớ đến con cùng
Trong khi tất cả những người khác nói với Chúa Giêsu một cách khinh miệt : “Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa!” (Lc 23, 39). Thì người trộm lành đã phạm bao lỗi lầm trong cuộc sống, cuối cùng lại sám hối, níu lấy Chúa Giêsu đang chịu đóng đinh và cầu xin : “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi” (Lc 23, 42). Chính vì anh xin Chúa một đặc ân là nhớ đến anh, nên Chúa Giêsu hứa với anh : “Quả thật, Ta bảo ngươi : ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta” (Lc 23, 43).
Chúa Giêsu là Con Một Chúa Cha, chỉ nói lời tha thứ, chứ không nói lời kết án; và khi con người biết can đảm xin ơn tha thứ, Chúa không bao giờ bỏ rơi lời cầu xin ấy. Lời hứa của Chúa Giêsu với người trộm lành cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao : lời ấy nói với chúng ta rằng, ơn Chúa bao giờ cũng phong phú hơn lời cầu xin. Người rất quảng đại, luôn ban cho nhiều hơn điều con người cầu xin.
Ngày lễ nhớ cầu cho các linh hồn tổ tiên, các đấng, các bậc, ông bà cha mẹ, thân bằng quyến thuộc đã qua đời hôm nay gợi lên cho chúng ta về sự nhớ thương và đừng quên những người đã khuất. Khi dâng lễ giỗ cầu cho người thân, chúng ta như nhắc nhớ Chúa : “Lạy Chúa… người thân yêu này, chúng con không thể quên, lẽ nào Chúa lại không nhớ đến” (Lời nguyện nhập lễ giỗ – Ngoài Mùa Phục Sinh SLRM tr. 1005). Và trong Kinh Nguyện Thánh Thể II, chúng ta vẫn xin Chúa : “Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người…”
Hôm nay, chúng ta nhớ tới tất cả mọi người, kể cả những người không ai nhớ tới. Chúng ta nhớ tới các nạn nhân của chiến tranh và bạo lực; các “trẻ em” trên thế giới bị đói khát và bần cùng đè bẹp; những người vô danh đã yên nghỉ; các anh chị em bị giết vì là kitô hữu; và biết bao nhiêu người đã hy sinh mạng sống để phục vụ tha nhân. Chúng ta hãy phó thác cho Chúa cách đặc biệt những người đã lìa bỏ chúng ta trong năm nay và xin Chúa nhớ đến họ và thương cho họ được hưởng ánh sáng tôn nhan.
Giờ đây, Thánh lễ là sự trợ giúp tinh thần tốt nhất mà chúng ta có thể ban tặng cho các linh hồn, đặc biệt các linh hồn bị bỏ rơi. Như Công Ðồng Chung Vaticăng II đã nhấn mạnh: “Giáo Hội lữ hành trên trần gian ý thức đựơc sự hiệp thông này của tất cả Thân Mình Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu Kitô, ngay từ các thời kỳ đầu của Kitô giáo đã vun trồng với lòng đạo hạnh lớn lao việc tưởng nhớ các người đã qua đời” (LG 50).
Hôm nay chúng ta tưởng nhớ và dâng lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, chúng ta không chỉ dừng lại nơi họ để cầu nguyện cho họ mà thôi, chúng ta còn phải nài xin Chúa thương xót tất cả chúng ta nữa, để chúng ta cũng được đồng hưởng sự sống đời đời, cùng với Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, thánh Giuse Bạn Đức Trinh Nữ, các Thánh Tông Ðồ, và toàn thể các Thánh đã sống đẹp lòng Chúa qua mọi thời đại, và cùng với các Ngài, chúng ta được ca ngợi và tôn vinh Chúa.
Lạy Chúa, Chúa từng phán cùng kẻ trộm lành : “Quả thật, Ta bảo ngươi : ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta” (Lc 23, 43). Xin Chúa thương nhớ đến những tín hữu đã qua đời còn trong Luyện Tội nơi thiên đàng của Chúa và xin đừng để họ phải trầm luân đời đời trong Hỏa ngục! Amen.
Lễ Ba
Tin Tưởng và Cậy Trông Vào Thiên Chúa Tình Yêu (Luca 23, 33. 39-43)
Từ trưa ngày lễ Các Thánh cho đến hôm nay, biết bao nhiêu người đi viếng thăm vườn thánh là “nơi an nghỉ” của những người đã chết chờ ngày sống lại. Chúng ta đi viếng họ với niềm tin yêu, dừng lại bên mộ của những người đã yêu thương và làm điều tốt cho chúng ta trong sự cậy trông, phó thác họ cho lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa Tình Yêu.
Chân lý Đức tin Kitô giáo dạy chúng ta rằng giữa Trời và Đất có một trung gian gọi là Luyện ngục, nơi ấy dành cho những người chết trong khi mắc tội mọn hay là đền tội chưa đủ, cần phải được thanh tẩy để trở nên tinh tuyền, mà thánh Gioan Thánh Giá gọi là “Lửa Tình Yêu”. Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho những người đã qua đời, săn sóc phần mộ và nhất là dâng lễ Misa nại vào Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng đã tạo dựng, hy sinh và cứu chuộc chúng ta, nay lại dùng tình yêu mà thanh luyện những người đã qua đời và sớm cho họ được hưởng tôn nhan Chúa.
Tin vào Thiên Chúa Tình Yêu
Người ta nói rằng : nếu tất cả Thánh Kinh trên trái đất này bị hủy diệt bởi tai biến nào đó hay bởi một cơn thịnh nộ phá hủy các hình tượng tôn giáo và chỉ còn một bản Kinh Thánh, và bản còn lại đó cũng bị hư hại đến mức chỉ còn một trang, và nếu trang đó nhăn nheo đến độ chỉ còn một dòng có thể đọc được, và nếu dòng đó là thư thứ nhất của thánh Gioan viết “Thiên Chúa là Tình Yêu”, thì coi như toàn bộ Thánh Kinh được khôi phục, bởi vì toàn bộ nội dung là ở đó.
Thiên Chúa đã yêu con người bằng một tình yêu hào phóng khi tạo dựng con người, ban cho con người những hồng ân bên trong và bên ngoài; Ngài cũng đã yêu chúng ta với một tình yêu khổ đau để cứu chuộc ta, khi nghĩ ra cách hủy diệt chính mình, chịu đau đớn nhất, để minh chứng cho ta thấy: “Tình Yêu là bản chất của Thiên Chúa”.
Trong tác phẩm Quo Vadis, một người ngoại giáo hỏi Thánh Phêrô khi ngài mới đến Rôma như thế này : Nhã Điển đem đến cho chúng tôi sự thông thái, Rôma đem đến quyền lực, còn tôn giáo của ông đem lại cho chúng tôi điều gì? Thánh Phêrô trả lời: Tình yêu!
Vâng, Thiên Chúa yêu con người bằng tình yêu hào phóng, mang theo sự tha thứ và nguyện cầu. Thánh Phaolô thốt lên “Ít có ai chết thay cho người công chính, hoạ chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân” (Rm 5, 7-8). Con người có thể là kẻ thù của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa mãi mãi không là kẻ thù của con người. Kinh nguyện vô cùng cảm động của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha cầu cho con người chứng minh tình yêu vô biến ấy (x. Ga 17, 1-26).
Sau khi tôn vinh Chúa Cha (x. Ga 17, 1); cầu nguyện cho các môn đệ (x. Ga 17, 11), và những kẻ nhờ các môn đệ mà tin vào Chúa : “Con còn cầu cho tất cả những kẻ, nhờ chúng mà tin vào con (Ga 17, 20-26 ); Người cầu cho chúng ta nên “một” : “Để cả chúng cũng nên một trong Ta” (Ga 17,22). Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình yêu thì luôn luôn hiệp nhất, do đó, trong Thiên Chúa không có sự chia rẽ ở đời này, kể cả đời sau nữa.
Hy vọng và cậy trông vào Chúa
Bản chất là Tình yêu, mang trong mình một tình yêu thương xót, thứ tha và cứu chuộc nên Thiên Chúa luôn canh cánh trong lòng, mong sao cho nhân loại được cứu chuộc. Người khẩn cầu tha thiết cùng Thiên Chúa Cha : “Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thi Con muốn rằng : Con ở đâu chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con” (Ga 17,24). Chúa Giêsu ở đâu? Ở trong tình yêu Chúa Cha, trong lòng Chúa Chúa; ở trong sự thật; ở trong Thánh Ý Chúa Cha; Ở trên Thập Giá và ở trên thiên đàng và Người muốn chúng ta cũng ở với Chúa.
Chính Chúa Cha đã sai Chúa Con đến trần gian để yêu thương con người như Chúa Cha đã yêu thương Chúa Con. Nên trước khi về trời, Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta rằng Chúa Cha đã yêu thương chúng ta như đã yêu thương Chúa Giêsu.
Lạy Chúa là Thiên Chúa Tình Yêu, xin cho những người đã qua đời được ở trong tình yêu của Chúa luôn mãi, và cho chúng con ngay từ khi còn ở dưới thế cũng luôn ở trong vòng tay yêu thương của Chúa. Amen.