CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA
LỄ MÙNG HAI TẾT NGUYÊN ĐÁN 2021
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973 2
KÍNH NHỚ ÔNG BÀ TỔ TIÊN– Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái 5
HIẾU KÍNH CHA MẸ– Lm. Giuse Đinh Lập Liễm.. 9
ĐÁP NGHĨA ĐỀN ƠN– Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ. 17
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN– Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC.. 22
UỐNG NỚC NHỚ NGUỒN– Trích Logos B.. 28
HIẾU HÔM NAY PHÚC NGÀY MAI – Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền. 34
ĐẠO HIẾU DƯỚI CÁI NHÌN KITÔ GIÁO- Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn 38
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN –GKGĐ Giáo phận Phú Cường. 44
HÃY HIẾU KÍNH ÔNG BÀ CHA MẸ- Lm. Đan Vinh HHTM.. 46
HIẾU KHI BIẾT TRI ÂN– Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền. 50
LỄ MÙNG HAI TẾT NGUYÊN ĐÁN 2021
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973
“Chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.”
Bài trích sách Huấn Ca.
Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.
Nhưng các vị sau đây là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen.
Ðó là lời Chúa.
BÀI ÐỌC II: Ep 6,1-4.18.23.24
“Hãy tôn kính cha mẹ. Ðể ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này”.
Bài trích thư của Thánh Phaolô Tông Ðồ các gửi tín hữu thành Êphêsô.
Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Ðó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Ðể ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.
Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Ðể được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể các thánh. Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng; tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói.
Nguyện xin Thiên Chúa là Cha, và nguyện xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ơn bình an và lòng mến cùng với lòng tin. Xin Thiên Chúa ban ân sủng cho tất cả những ai yêu mến Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta bằng một tình yêu bất diệt.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia
Hạnh phúc thay người nào kính sợ Chúa, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban. Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương chúc phúc.
BÀI TIN MỪNG: Mt 15, 1-6
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu
Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Ðức Giêsu và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa? Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: “Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy, không phải thờ cha kính mẹ nữa”. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
KÍNH NHỚ ÔNG BÀ TỔ TIÊN– Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái
Anh chị em thân mến
Dân tộc Việt Nam vốn trọng Đạo Hiếu, cho nên trong những ngày Tết vui vẻ, chúng ta vẫn không quên Ông Bà Tổ Tiên của mình đã qua đời. Trong Thánh Lễ ngày Mồng Hai Tết hôm nay, chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho các Ngài ; đồng thời cũng cầu xin Chúa giúp chúng ta sống tốt để làm các ngài được vui lòng, đó chính là cách thể hiện lòng hiếu thảo đúng nhất.
– Chúng ta đã không hiếu thảo đủ với Ông Bà Cha Mẹ chúng ta khi các ngài còn sống.
– Chúng ta không thường xuyên cầu nguyện cho những ông bà cha mẹ đã quá cố.
– Chúng ta đã làm nhiều điều mà nếu ông bà cha mẹ chúng ta thấy được chắc hẳn sẽ không vui lòng.
Kính nhớ Tổ Tiên
Một nhà văn Việt Nam, về cuối đời, chắc là để cho có vẻ giống với các cây đại thụ trong khu rừng văn học nhân loại, đã tuyên bố cái gọi là “Nhân sinh quan của tôi”, trong đó, có câu viết :”Đời sống tự nó vô ý nghĩa, trừ ý nghĩa truyền chủng”. Vô hình trung, ông đã nhận ra một trong những ý nghĩa của cuộc đời là truyền lưu sự sống. Ông bà để lại sự sống cho cha mẹ. Cha mẹ tặng lại sự nghiệp cho chúng ta. Đến lượt chúng ta truyền lưu sự sống và sự nghiệp cho con cái. Cứ thế lưu truyền từ đời này đến đời kia.
Lòng biết ơn ông bà tổ tiên đã vun trồng cây sự sống cho thế hệ đời sau, là nội dung của phong tục thờ cúng tổ tiên, mà các dân tộc Châu Á, đặc biệt là dân tộc ta, rất coi trọng.
Thánh Augutinh cũng đã viết về sự truyền thừa các thế hệ một cách hình tượng như sau : “Các ngài thấy, các thế hệ loài người trên mặt đất cũng giống như những chiếc lá trên cành cây, luôn luôn xanh tươi. Trái đất này cũng mang những con người, như cây mang những chiếc lá. Trái đất đầy dẫy những con người kế tiếp nhau, người này chào đời, trong khi người kia vẫy tay giã biệt. Cây không bao giờ cởi bỏ bộ áo màu xanh của mình, nhưng xin hãy nhìn xuống gốc cây : các ngài đang đạp trên một tấm thẩm đầy những chiếc lá khô mục” (Enarratio in Psalmum 101).
Người tín hữu Công giáo Việt Nam nào cũng có lòng biết ơn và kính nhớ tổ tiên của mình. Bàn thờ ông bà cha mẹ nhà nào cũng luôn hoa hương nhang khói chân thành ấm cúng. Ngày xuân ngày tết lại là dịp đặc biệt gợi nhớ đến công lao các vị tiền bối trong gia đình họ mạc. Hội thánh Việt Nam đã dành ngày mùng hai tết để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Nhớ đến công lao sinh thành dưỡng dục của các ngài, chúng ta tỏ lòng biết ơn các ngài và chân thành tâm nguyện sẽ tiếp tục sự nghiệp còn dang dỡ của các ngài, lo vun trồng tươi tốt những cây non là các thế hệ đến sau, để cho cây nhân sinh của dòng họ ta mãi mãi xanh tươi và đơm nhiều hoa trái, đóng góp với sự tốt tươi chung của rừng cây nhân loại. (CgvDt, số đặc biệt Giáng sinh ‘99)
CT : Anh chị em thân mến, Chúa đã dạy chúng ta phải luôn hiếu thảo với ông bà cha mẹ, khi các ngài còn sống cũng như khi đã qua đời. Chúng ta cùng dâng những lời cầu nguyện sau đây :
1- Hội thánh luôn khuyến khích chúng ta phải nhớ ơn ông bà cha mẹ và các ân nhân đã qua đời / Xin cho mọi người trong Hội thánh luôn làm gương cho mọi người chung quanh về lòng biết ơn đối với những người đã qua đời.
2- Truyền thống của dân tộc Việt Nam có những ngày tảo mộ, ngày giỗ, để tỏ lòng kính nhớ ông bà tổ tiên / Xin cho các nhà cầm quyền trong dân tộc luôn cổ võ và duy trì truyền thống tốt đẹp này.
3- Nhờ sự hiệp thông trong Hội thánh giữa các người còn sống với những người đã qua đời / Xin cho những người đã qua đời mà không có ai nhớ cầu nguyện cho / sớm được hưởng phúc trường sinh với Chúa.
4- Tham dự Thánh lễ là việc làm tốt đẹp nhất để cứu giúp các linh hồn còn đang phải luyện tội / Xin cho anh chị em trong họ đạo chúng ta biết sốt sắng tham dự Thánh lễ / để đền ơn trả nghĩa cho ông bà cha mẹ đã qua đời.
CT : Lạy Chúa, nhờ lời cầu nguyện và Thánh lễ chung con dâng lên Thiên Chúa hôm nay, xin Chúa thương giải thoát các linh hồn còn đang phải luyện tội / để sớm về nơi an nghỉ muôn đời với Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
– Trước kinh Lạy Cha : Ngoài ông bà cha mẹ dưới đất, chúng ta còn có Thiên Chúa là Cha trên trời. Ngài là Cha của chúng ta mà cũng là Cha của Ông bà cha mẹ chúng ta. Giờ đây chúng ta hãy cầu xin Cha trên trời thương đến ông bà tổ tiên của chúng ta đã qua đời, và xin cho một ngày nào đó, tất cả chúng ta sẽ cùng sum họp trong Nhà Cha trên trời.
Lấy công thức ban phép lành cuối lễ cách long trọng trong Sách lễ Rôma, trang 576.
HIẾU KÍNH CHA MẸ– Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Hôm nay Mồng Hai Tết. Hội thánh Việt nam muốn dùng ngày này cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà cha mẹ với mục đích nhắc nhở và khuyến khích con cháu hãy tỏ lòng hiếu kính với ông bà cha mẹ. Nhân ngày đầu năm, chúng ta hãy cùng nhau suy niệm về giới răn thứ bốn của Chúa và cố gắng đem ra thực hành trong đời sống, nhất là trong dịp đầu năm này.
- Lời Chúa dạy.
Điều răn thứ bốn.
Trong mười điều răn, Thiên Chúa đã dành hẳn điều răn thứ bốn nói về lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà cha mẹ, trước các điều răn hướng về con người. Đây không phải là lời khuyên mà là một luật buộc phải thi hành như các điều răn khác.
Vậy hiếu kính cha mẹ là gì? Theo giáo lý Công giáo, hiếu kính cha mẹ là phải yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ khi còn sống và đã qua đời (Theo cuốn Giáo lý Tân định). Hôm nay Giáo hội Việt nam muốn chúng ta hãy tỏ lòng hiếu kính đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ trong cuộc sống, nhất là trong dịp Tết nguyên đán này.
Sách Huấn ca dạy.
Sách Huấn ca đã đề cập đến lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Theo tác giả# Ben Sira, lòng hiếu thảo đối với cha mẹ đem lại nhiều lợi ích:
– Được đền bù tội lỗi.
– Được con cái cháu chắt thảo hiếu lại.
– Sẽ được Chúa nhận lời.
Gương Chúa Giêsu.
Thánh Luca cho chúng ta biết Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta về lòng hiếu thảo đối với thánh Giuse và Đức Maria tại Nazareth, mặc dù chỉ bằng một câu rất vắn tắt:”Rồi Ngài theo cha mẹ trở về Nazareth và vâng lời các Ngài”(Lc 2,51)
Lời khuyên của thánh Phaolô.
Trong thư gửi cho tín hữu Eâphêsô, thánh Phaolô khuyên bảo con cái:”Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này”(Ep 6,1-3).
Chữ hiếu ngày xưa.
Theo truyền thống Đông phương, chữ Hiếu được đề cao trong đời sống gia đình và ngoài xã hội, vì xã hội này chịu ảnh hưởng sâu xa nền luân lý Khổng Mạnh. Đức Khổng Tử đã dạy môn sinh của mình phải phụng dưỡng cha mẹ, quạt nồng ấp lạnh, tối sớm chăm nom:
Tử viết:”Phụ mẫu tại bất viễn du,
Du tất hữu phương”.
Đức Khổng Tử nói: cha mẹ còn sống không nên đi chơi xa, và đi đâu thì phải cho biết có nơi có chốn.
Ngài còn đặt ra nhiều phong tục rất tỉ mỉ và phiền toái để tỏ lòng hiếu với cha me như việc ma chay, tang chế, kiêng kỵ… Ngày nay nhiều điều không còn phù hợp nữa.
Theo tục lệ ngày Tết, con cháu dù ở nơi xa xôi cũng phải về họp mặt cùng ông bà cha mẹ vì ngày này được coi là linh thiêng. Ai vắng mặt không có lý do chính đáng bị coi như là bất hiếu.
III. Chữ hiếu ngày nay.
Xưa nay, chữ Hiếu rất quan trọng đối với người Việt nam. Theo học thuyết Khổng Mạnh, chữ Hiếu là nhân đức làm đầu của đạo con cái. Và trong các tội phạm đến cha mẹ thì bất hiếu là tội lớn nhất. Người Việt nam đã tôn phong chữ Hiếu lên thật cao, thành một đạo khi người ta nói:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Chon trọn chữ Hiếu mới là ĐẠO CON.
Hai từ ngữ THỜ và KÍNH là hai từ dùng trong những việc làm của tôn giáo. Thờ kính cha mẹ là có hiếu với cha mẹ, và người ta nâng chữ Hiếu lên thành ĐẠO, đạo làm con. Do đó, chúng ta phải ý thức rằng thảo kính cha mẹ không còn là những tình cảm chủ quan tùy tiện, cũng không phải chỉ là lẽ công bằng mà là một ĐẠO. Mà lỗi đạo là phạm tội chứ không phải chỉ là một sự sơ sót.
Theo điều răn thứ bốn thì con cái phải thảo hiếu cha mẹ, nhưng ngày nay người ta coi thường điều răn này, có người cho là lỗi thời trong thời đại tiến bộ, văn minh và dân chủ này. Con cái đến tuổi khôn là đã muốn sống độc lập đối với cha mẹ, không cần sự hướng dẫn bảo ban của các ngài. Người ta quên rằng:
“Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già” (Tục ngữ)
Cha mẹ có tuổi thì già yếu thật, nhưng kinh nghiệm và khôn ngoan thì nhiều hơn tuổi trẻ. Vì thế người ta mới nói:
“Người 70 còn phải học người 71”(Tục ngữ)
Ngày nay, cha mẹ già trở nên gánh nặng cho con cái, không muốn nuôi dưỡng cha mẹ trong tuổi già. Để bớt gánh nặng, con cái chỉ việc gửi cha mẹ đến viện dưỡng lão, nếu tốt thì ít lâu gửi cho một số tiền, hay một món quà. Do đó, cha mẹ phải sống cô đơn.Thực ra cha mẹ cần tình thương hơn là tiền bạc, sự viếng thăm cần hơn của cải.
Công ơn cha mẹ như trời như bể,
Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày.
Truyện: Tờ hóa đơn.
Có một bà mẹ nọ, vì muốn khuyến khích đứa con nhỏ của mình chăm lo việc nhà, nhất là những công việc nhỏ nhặt, nên hầu như lúc nào bà cũng thưởng cho nó một món tiền nhiều ít tùy theo công việc nặng nhẹ.
Lần kia, suốt cả một tuần, bà mẹ đau liệt giường. Thế là em nhỏ phải giúp mẹ trong nhiều công việc, nhưng không thấy mẹ tính thù lao. Cuối tuần, em nhỏ viết một cái hóa đơn ghi những công tác chưa được nhận tiền thưởng gồm: xách nước 2 đồng, nấu cơm 3 đồng, giặt quần áo 5 đồng… Tất cả các thứ tính chung trong một tuần lễ là 80 đồng. Xong, em rón rén bước vào phòng, dúi tờ hóa đơn vào tay bà mẹ.
Ba phút sau, bà mẹ đưa cho em bé 80 đồng kèm theo một tờ hóa đơn khác, trong đó ghi: công sinh, công nuôi dưỡng, công dạy dỗ, công học hành, công thầy thuốc mỗi khi đau bệnh… x 10 năm: chưa có mục nào được thanh toán cả.!
Cầm tờ hóa đơn trong tay, em nhỏ chợt hiểu, vội chạy vào xin lỗi mẹ.
Lại còn cách xưng hô với cha mẹ!
“Cha mẹ” hai từ ấy linh thiêng và cao quí dường nào. Thế nhưng nhiều người trong chúng ta cố ý hay vô tình quên đi ý nghĩa cao quí đó. Không ít bạn đã gọi các bậc sinh thành của mình bằng từ “ông già, bà già, ổng, bả”… thậm chí còn có bạn gọi là “ông bô, bà bô”.
Phần lớn những ngôn từ này thường phát ra từ miệng của phái nam. Tuy nhiên ở nữ cũng không kém. Chúng ta hãy nghe một bạn nữ nói:”Oâng già mình chịu khó lắm. Suốt đời chỉ lo cho mình ăn học không à”! Nghe xong, thấy có điều chẳng xuôi. Có cái gì đó mâu thuẫn giữa lời nói và tấm lòng của người con ấy.
Thật tội nghiệp! Nếu cha mẹ còn trẻ măng đã bị “lão hóa” bởi chính cái miệng của đứa con mình rứt ruột sinh ra.
Quyết tâm của chúng ta.
Truyền thống của cha ông chúng ta rất coi trọng chữ hiếu. Để đánh giá tư cách của một người nào, các cụ ngày xưa thường dựa vào cách người đó đối xử với cha mẹ, anh chị em theo tinh thần “Hiếu đễ”. Thậm chí, các cụ coi việc báo hiếu còn quan trọng hơn cả việc đi tu:
Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ, ấy là chân tu.(Ca dao)
Mặt khác, đối với người Kitô hữu, việc thảo kính cha mẹ không chỉ là một bổn phận tự nhiên, nhưng còn là một đòi hỏi của Thiên Chúa. Nhìn lại bản thập giới, chúng ta thấy ngay sau ba giới răn nói về bổn phận của con người đối với Thiên Chúa, thì giới răn “Thảo kính cha mẹ” được đặt đầu tiên trong các giới răn nói về mối tương quan của con người với nhau. Điều đó cho thấy, việc hiếu thảo với cha mẹ là bổn phận hàng đầu của mỗi người Kitô hữu.
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu cũng đã lặp lại giới răn này và khẳng định đó chính là ý muốn từ ban đầu của Thiên Chúa và con người không có quyền thay đổi, Ngài nói:”Thiên Chúa dạy:”Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử”.
Truyện: Ý kiến của tù trưởng.
Trong quyển tiểu thuyết nhan đề “Cội rễ”, tác giả E. Heili viết như sau:
Ở một bô lạc bên Phi châu, người thanh niên khi đến tuổi trưởng thành sẽ được gọi là “chiến sĩ”. Tuy nhiên, muốn được mang danh hiệu này, anh phải trải qua một cuộc sát hạch, thường là thả vào rừng sâu một thời gian.
Năm ấy, có ba thanh niên đến tuổi trưởng thành và rất muốn được gọi là “chiến sĩ”. Ba chàng đã đến trình diện vị tù trưởng. Vị tù trưởng chúc mừng và hỏi người thứ nhất:”Trong một tháng qua, anh đã làm được những gì”? Người thanh niên thưa:”Tôi đã giết được một con hổ dữ”.
Tù trưởng khen “tốt” rồi bảo anh đứng sang một bên và hỏi người thứ hai:”Trong tháng qua, anh đã làm được những gì? Anh có giết được con hổ dữ nào không”? Người thanh niên đáp:”Thưa ngài, hổ dữ thì tôi không giết được, nhưng tôi cũng đã chém được một con trăn to”.
Tù trưởng khen “tốt”, bảo anh đứng sang một bên và hỏi người thứ ba:”Một tháng qua, anh đã làm được những gì? Anh có chém được một con hổ dữ hay một con trăn nào không”? Người thanh niên đáp:”Thưa ngài, hổ hay trăn thì tôi không chém được”. Tù trưởng hỏi tiếp:”Thế anh làm được gì”? Anh đáp:”Thưa tôi kiếm được một tảng mật ong to”. Tù trưởng hỏi:”Ngươi kiếm mật ong để làm gì”? Người thanh niên đáp:”Thưa ngài, tôi có mẹ già, mà nhà tôi lại nghèo, nên tôi kiếm mật ong để cho mẹ tôi bồi dưỡng”.
Nghe xong, vị tù trưởng rút con dao ra trao cho anh và nói:”Ta phong anh làm chiến sĩ, bởi là người thì phải biết sống hiếu thảo với cha mẹ”.
Hôm nay Giáo hội Việt nam kính nhớ ông bà tổ tiên nhân dịp đầu năm. Kính nhớ các tiền nhân chính là thể hiện tinh thần đạo hiếu của dân tộc Việt nam “Uống nước nhớ nguồn”, “Aên quả nhớ kẻ trồng cây”. Các ngài đã tận tụy nuôi dưỡng, giáo dục chúng ta nên người, đặc biệt là giúp chúng ta biết Chúa là Đấng đáng tôn thờ và yêu mến. Công ơn của tổ tiên ông bà cha mẹ đòi hỏi chúng ta phải báo hiếu bằng cách cầu nguyện cho các ngài trong ngày đầu Xu6n này, đồng thời tiếp tục những gì các ngài đã làm: hãy tận tâm săn sóc dạy dỗ con cháu chúng ta nên người
Để khích lệ chúng ta tỏ lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ, thiết tưởng chúng ta nên nhắc lại một câu rất hay trong sách Huấn ca:”Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu”.
LỄ MÙNG HAI TẾT 2021
ĐÁP NGHĨA ĐỀN ƠN– Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Ngày Tết chúng ta sắm mặc, sửa ăn, ngày đầu năm chúng ta đi chúc tết nhau, con cháu tết ông bà cha mẹ, người dưới chúc tết người trên, với biết bao nhiêu lời chúc tốt đẹp, kèm theo những món quà thơm thảo bày tỏ lòng biết ơn, kính quí, thảo hiếu với người trên, anh em nâng chén chúc tụng nhau.
Ngày Mồng Hai Tết, Giáo hội dạy chúng ta dâng tấm lòng thành, kính nhớ tổ tiên: “Ca tụng các bậc cha ông của chúng ta đã sống qua các thời đại” (Hc 44, 1, 10-15). Quả thật, có được ngày đầu năm hoan hỷ vui xuân, làm sao chúng ta lại quên công, bỏ nghĩa các bậc tiền nhân được, chúng ta là phận cháu con đã và đang thừa hưởng gia tài ân đức các ngài để lại, nên phải ‘kể lại sự khôn ngoan của các ngài’ để noi theo, các ngài đã giữ các Điều Răn của Chúa, cháu con cũng phải một mực trung thành. Như thế, dòng dõi các ngài mới trường tồn vạn đại. (x. Hc 44, 1, 10-15 )
Chúa truyền phải thảo kính mẹ cha
Thụ ơn ắt phải báo đền, mẹ cha là hình ảnh của Thiên Chúa : ngoài việc sinh thành, dưỡng dục, các ngài còn là người đại diện Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa tình thương hằng bao bọc, che chở và nuôi dưỡng chúng ta nên người. Chính trong bậc sống gia đình, cha mẹ được Thiên Chúa mời gọi để cộng tác vào chương trình tạo dựng của Ngài, để cho ra đời những người con, mang hình ảnh Chúa, và tô điểm thêm cho trái đất nhiều người ca ngợi và kính sợ Chúa.Vì thế, trong bổn phận thảo hiếu, ngoài việc con cái phải phụ dưỡng, giúp đỡ cha mẹ khi già yếu, còn phải hằng ngày cầu nguyện cho cha mẹ : luôn sống xứng bậc mình, sẵn sàng hy sinh để nuôi dưỡng và giáo dục cho tròn bổn phận mình. Thiên Chúa dạy chúng ta : “Hãy thảo kính cha mẹ” (Mc.7, 8-13). Phụng dưỡng mẹ cha theo đúng lời Chúa truyền dạy, chớ dựa vào : “truyền thống của cha ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa”. (Mt 13, 6) Nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục, tất cả chúng ta đều phải biết sống hiếu thảo, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ lúc sinh thời cũng như khi đã khuất bóng.
Việc “đền ơn đáp nghĩa” là một nghĩa vụ thiêng liêng để được phần phúc và sống lâu dài trên địa cầu này, đó là những ước mơ và lời cấu chúc trên cửa miệng của chúng ta trong ngày đầu năm mới như hạnh phúc, khang an và trường thọ. Vậy đâu là bí quyết để những lời chúc đó trở thành hiện thực ? Thưa là áp dụng lời Chúa dạy : “Hãy thảo kính mẹ cha”; “Ai thảo kính cha sẽ được sống lâu dài” (Hc 3, 6). Thánh Phaolô Tông đồ khuyên chúng ta “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa : Để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1).
Thực hành chữ hiếu là thể hiện đạo lý dân tộc
Thật phù hợp với đạo lý dân tộc Việt Nam, chiếc bánh chưng, một sản phẩm cổ truyền, một chứng tích của đạo lý, chúng ta làm để ăn ngày Tết nhắc nhớ chúng ta mang nặng nghĩa mẹ tình cha. Bởi Lang Liêu, vị hoàng tử thứ mười tám, con người hiền lành, hiếu thảo đã dâng lên vua cha thứ bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh dầy tượng trưng cho trời; với ý nghĩa xem công cha nghĩa mẹ to lớn như trời cao đất rộng, che chở cho con cái sống an vui giữa đời.
Vì cha nên mới có mình,
Mẹ cha đối đáp công trình biết bao
Ơn này sách với trời cao
Trong lòng con dám lúc nào lãng quên
Ngày Tết, cầm bánh chưng lên ăn, làm chúng ta nhớ đến tổ tiên để tỏ lòng hiếu thảo như : thăm viếng, chúc tết, giúp đỡ là một lẽ, chúng ta còn phải xin lễ cầu nguyện cho những người đã khuất. Tất cả đều là những nghĩa cử cần thiết, không thể thiếu được.
“Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ có tông : có cha có me, có ông có bà”. Ai trong chúng ta cũng đều thuộc nằm lòng những câu ca dao tục ngữ của người xưa răn dạy về đạo hiếu đối với mẹ cha.
Tôn kính
Công cha nghĩa mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ song thân.”
Phụng dưỡng
Còn nữa, phận làm con đối với cha mẹ:
“Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc
Xem cháo cơm thay thế mọi bề
Ra vào thăm hỏi từng khi
Người đà vô sự ta thì an tâm.”
(Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca)
Vâng lời
Dạy sao cho được con hiền
Để cho cha mẹ khỏi phiền về con
Một niềm phép tắc nết na
Biết sống biết kính mới là khôn ngoan
Có một số người, không biết sống đạo gì mà lại đối xử nhất trọng nhất khinh. Bởi vì đối với người Việt Nam, tương quan với họ hàng gia tộc là điều quan trọng. Lấy vợ, lấy chồng không chỉ là lấy một người mà “lấy” cả họ hàng nhà chồng, nhà vợ. Cách cư xử với họ hàng bên chồng hay bên vợ không chỉ liên quan đến bản thân mà còn liên quan đến cả họ hàng bên mình.
Trong tác phẩm “Gia Huấn Ca” Nguyễn Trãi đã đề cao đạo đức, và chữ hiếu được nhấn mạnh rất rõ:
“Dù nội ngoại bên nào cũng vậy,
Đừng tranh dành bên ấy, bên này,
Cù lao đội đức cao dày,
Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng.”(Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca)
Khi cha mẹ qua đời
Con cái tỏ lòng hiếu kính bằng cách lo an táng chu đáo, cầu nguyện và xin lễ cho cha mẹ. Không những cầu nguyện cho cha mẹ, con cái còn xin cha mẹ cầu nguyện cho mình trước mặt Chúa, như khi còn sống, các ngài vẫn cầu nguyện cho mình.
Hội Thánh Công giáo nhìn nhận đó là một hình thức tốt đẹp để bày tỏ lòng tưởng nhớ công ơn tiền nhân. Hội Thánh khuyến khích các tín hữu phát huy những tinh hoa trong văn hoá dân tộc.
Thực hành chữ hiếu
Trong ngày Mồng Hai Tết năm nay chúng ta hãy nhìn qua lại lòng hiếu thảo của chúng ta đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ để mà yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ các ngài khi còn sống và đã qua đời. Đồng thời Lời Chúa nhắc cho chúng ta phải thi hành bổn phận thảo hiếu của chúng ta.
Ai mà phụ nghĩa quên công
Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm. (Ca dao)
Xin Chúa trả công bội hậu đời này và đời sau cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các Ngài. Amen.
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN– Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải CMC
Theo truyền thống tốt đẹp của người Á Đông nói chung và người Công giáo Việt Nam nói riêng, ngày mùng Hai Tết là ngày dành để kính nhớ ông bà tổ tiên. Việc làm này, chẳng những chúng ta sống mầu nhiệm các thánh cùng thông công, dựa trên nền tảng “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”, nhưng còn thể hiện tâm tình đạo hiếu nhớ về cội nguồn của mình với lòng biết ơn: “Cây có gốc mới nở ngành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu, người ta nguồn gốc từ đâu, có cha có mẹ rồi sau có mình”.
Chính vì thế mà ngay từ xa xưa tác giả sách Cách Ngôn có khuyên dạy: “Con ơi giữ lấy lời cha, chớ quên lời mẹ nhớ mà ghi tâm. Đèn soi trong chốn tối tăm, ấy là chính những lời răn lệnh truyền. Nhớ cầu cho bậc tổ tiên, khắc ghi công đức một niềm tri ân” (Cn 6,20-23).
Chúng ta biết, ngoài tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, thì trên đời này không có tình thương nào cao cả và sâu đậm cho bằng tình cha nghĩa mẹ. Tình thương cha mẹ dành cho con cái mênh mông như biển khơi, dạt dào như suối nguồn.
Thật vậy, biển nước mênh mông không đong đầy tình mẹ, gió lộng mây trời không phủ kín công cha. Biển đông có lúc đầy lúc vơi, chứ lòng cha mẹ không vơi chút nào.
Cha mẹ đánh đổi cả cuộc đời, chỉ mong cho con cái thành người. Niềm vui, hạnh phúc và tự hào của cha mẹ, đó là sự thành đạt của con cái. Cho dù có phải vì con mà phải lao đao, vất vả sớm chiều, thì cha mẹ cũng không sờn lòng nản chí. “Thương cha xuôi ngược giữa dòng, mẹ yêu tất cả gánh gồng nuôi con”.
Thật vậy, dù con đếm được cát sông, nhưng không đếm được tấm lòng cha yêu. Dù con đếm được sớm chiều, nhưng không đo được tình thương mẹ nhiều. Dù con đi hết trăm miền, nhưng tình của mẹ vẫn liền núi non. Dù con cản được sông cồn, nhưng không ngăn được tình thương mẹ dành. Dù con đếm được trăng sao, nhưng sao đếm được tấm lòng cha yêu. Nếu con bất hiếu một khi, nhưng tình của mẹ thì thầm bên con.
Vì thế, kính nhớ tổ tiên để biết ơn. Cầu nguyện cho ông bà cha mẹ là việc làm rất phải đạo, một bổn phận không thể thiếu mà ngay từ thời Cựu ước, sách Huấn ca chương 3 có dạy: Ai trọng kính cha mình sẽ được xoá bỏ lỗi lầm; ai thảo kính mẹ mình thì như người tích trữ kho báu trên trời. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi. Hơn nữa, những ai chưa chu toàn đạo làm con, đạo làm người, thì không thể chu toàn đạo làm con Chúa được.
Ai ơi hãy nhớ năm xưa khi còn mình còn nhỏ, mẹ mình tay bồng tay bế cho chúng ta bú mớm từng giòng sữa ngon, từng ẵm chúng ta đi khắp xóm làng, dỗ dành đút từng thìa cơm, muỗng cháo cho chúng ta mau ăn chóng lớn đó sao?. Ai ơi hãy nhớ lại đi, khi mình còn nhỏ, cha mẹ đã từng thay đồ, thay tả cho chúng ta không biết bao nhiêu lần trong ngày đó chứ!.
Hãy nhớ lại đi khi mình còn nhỏ, cha mẹ từng kiên nhẫn tập cho chúng ta đi từng bước, và rất xót xa mỗi khi chúng ta vấp ngã khóc nhè. Hãy nhớ lại đi khi mình còn ấu thơ, cha mẹ từng thức trắng đêm, lo lắng, ôm ẵm, vỗ về mỗi khi chúng ta trái gió, trở trời…
Hãy nhớ lại đi khi mình 3 – 4 tuổi, mỗi khi mẹ đi chợ về, chúng ta ôm lấy mẹ vòi vĩnh, mẹ ơi! Quà con đâu? Mẹ ơi! Bánh con đâu!. Khi lên 6 – 7 tuổi, khen mẹ đẹp nhất trên đời. Lên đến 10 -12 tuổi, mẹ ơi! Đi đâu cho con đi với nhé!. Mẹ là số một!. Ba ơi! Ba cõng con đi. Ba là lực sĩ của con, ba làm ngựa để con nhong nhong trên lưng. Nhưng khi lên 14-20 tuổi, thì đôi lúc nổi loạn nặng lời trách móc “ba mẹ phiền phức quá! Việc con, kệ con. Ba mẹ nói nhiều quá! Con lớn rồi, đừng quan tâm nhiều đến con. Mãi đến khi lập gia đình mới hiểu được phần nào nỗi lòng của cha mẹ mình.
Có những người con nghĩ rằng: mỗi tháng đưa cho cha mẹ vài triệu coi như là đã trả hết công sinh thành dưỡng dục rồi. Có những người con khi cha mẹ qua đời đột ngột, thì vô cùng hối tiếc, vì chưa làm gì để đền đáp công ơn trời bể của mẹ cha. Thật là khó hiểu, có những người con khi cha mẹ còn sống thì tằn tiện tính toán từng đồng, nhưng khi cha mẹ chết thì tổ chức tang lễ thật hoành tráng, xây mộ thật to để che mắt thiên hạ.
Cũng thật là nghịch lý, có những cha mẹ đau lâu ốm dài trên giường bệnh, con cái thức lâu chầu mỏi chán chường, nói thầm trong bụng, sao cha mẹ sống dai thế, nhưng khi cha mẹ nhắm mắt lìa đời, thì trên nắp quan tài để lãng hoa kèm theo dòng chữ “Vô cùng thương tiếc, hay khóc…”.
Chắc chắn khi đứng bên phần mộ của những người thân, những hình ảnh, những ký ức sẽ ùa về tâm trí chúng ta. Làm chúng ta nhớ lại kỷ niệm thật êm đềm hạnh phúc, vì những năm tháng được sống cùng, sống với nhau hết mình, nhưng cũng có những kỷ niệm khiến lương tâm ai đó tự xấu hổ và hối tiếc.
Chúng ta hãy sống sao để mỗi lần ra thăm mộ, hay đi viếng nhà hài cốt, lương tâm không bị áy náy, không có những giọt nước mắt muộng màng hối tiếc .
Ước gì, chúng ta hãy là người con xứng đáng của cha mẹ. Không vô ơn cha đã sinh con ra trên cuộc đời này. Không uổng đi dòng máu của mẹ, đã biến thành dòng sữa thơm để nuôi con lớn khôn từng ngày.
Phận làm con, chúng ta không thể nào kể hết, không thể nào đo đếm được công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Vậy mới có câu “Chim trời ai thể đếm lông, nuôi con ai thể kể công tháng ngày”.
Cuối cùng, thưa anh chị em, những ai may mắn cha mẹ còn sống, thì hãy tạ ơn Chúa vì còn có cơ hội để đền ơn, báo hiếu, phụng dưỡng cha mẹ cho phải đạo làm con theo điều răn Chúa dạy. Còn những ai cha mẹ già nua tuổi tác, thì đừng xem các ngài như một gánh nặng mà đùn đẩy nhau. Hay là đừng vô tình làm cho cha mẹ phải đau lòng chỉ vì anh em giành nhau một chút của cải cha mẹ để lại. Thực tế, có những cha mẹ phải chết đi trong tủi nhục vì con cái không thuận thảo yêu thương nhau.
Giờ phút này, chúng ta hãy cùng với quý cha, hiệp dâng thánh lễ thành kính cầu khẩn cho cha mẹ được sống đời với con. Chúng ta hãy thắp lên nén hương của lòng biết ơn, một bình hoa của lòng hiếu thảo, và trọn cả tấm lòng thành của những người con, dâng lên Chúa cầu cho cha mẹ. Được như thế, hi vọng chúng ta xứng đáng là những người con có hiếu, đem lại những điều tốt lành cho ông bà, cha mẹ và dòng tộc.
Và rồi, bổn phận đạo hiếu của người Công giáo không dừng lại ở việc chăm sóc, phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống, nhưng còn tiếp tục thể hiện khi các ngài nhắm mắt xuôi tay.
Việc làm đó chẳng những chúng ta thực thi đạo hiếu, mà còn là một cách giáo dục cho con cái mình sau này nữa. Vì sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó.
Nếu chúng ta muốn sau này có nhiều người tưởng nhớ đến mình, thì ngay từ bây giờ chúng ta hãy chu toàn bổn phận đạo hiếu với cha mẹ. Hiếu thảo thì quan trọng hơn bạc tiền. Đời sau thì giá trị hơn đời này. Nếu ai trong chúng ta cha mẹ đã mất, thì hãy tưởng nhớ đến các ngài bằng việc cầu hồn xin lễ. Những đồng tiền xin lễ đó, Chúa sẽ ghi công thưởng phúc cho chúng ta gấp bội phần ở đời sau. Amen.
UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN– Trích Logos B
Có một câu chuyện về tình mẹ rất đẹp được kể lại trong “Sự Tích Cây Vú Sữa” như sau :
Ngày xưa, ở vùng Lái Thiêu (thuộc tỉnh Sông Bé) có hai mẹ con sống đơn chiếc bên nhau. Thương con trai mồ côi bố, người mẹ hết sức cưng chiều con. Vì quá nuông chiều, cậu bé trở nên nghịch phá và ham chơi.
Một ngày kia, vì phá phách, bị mẹ quở mắng, cậu bé bỏ nhà ra đi. Cậu đi lang thang hết ngày này sang ngày khác, ai cho cái gì thì ăn cái ấy.
Một hôm, cậu quyết tâm trở về với mẹ. Sau bao ngày lặn lội, cậu cũng về tới nhà. Cảnh vật còn nguyên, nhưng mẹ cậu thì không còn nữa. Cậu bé đâu có biết rằng mẹ cậu vì mong mãi con không về đã sinh bệnh rồi chết, hóa thành một cây xanh.
Cậu bé gọi hoài, gọi mãi không thấy mẹ. Cậu chỉ biết ôm lấy cây xanh mà khóc. Bỗng cây xanh run rẩy và rơi xuống một trái to, da căng mịn và xanh óng ánh.
Vừa đói, vừa mệt, cậu bé đưa quả lên rồi cắn một miếng, dòng sữa trắng trong quả trào ra, như dòng sữa mẹ thật thơm ngon.
Vỏ cây xù xì như bàn tay lam lũ của mẹ, lá cây một mặt xanh bóng, một mặt đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Mẹ không còn nữa, nhưng mẹ vẫn đứng đó để nuôi con bằng dòng sữa mẹ ngọt ngào.
Từ đó, người ta gọi cây xanh ấy là cây vú sữa, để tưởng nhớ đến tình mẹ thiêng liêng và cao cả.
Không lời nào có thể diễn tả hết tình mẹ tình cha, không bút mực nào có thể tát cạn được công cha nghĩa mẹ. Trong những ngày lễ tết hay giỗ chạp, người ta cũng không quên nhắc đến nguồn cội gốc rễ là những bậc tổ tiên ông bà cha mẹ, những đấng đã sinh thành, dưỡng dục và chăm lo cho đời sống con cái, cháu chắt nên người. Đó là truyền thống đạo đức rất đáng trân trọng của người Việt Nam. Và truyền thống đạo đức ấy của dân tộc không đi ngược lại với niềm tin Kitô giáo. Trái lại, “lương giáo” đều có chung một chữ hiếu. Tuy hai con đường, nhưng chỉ là một chữ hiếu.
Chữ hiếu trong đạo nghĩa dân tộc
Chữ hiếu luôn được người Việt Nam coi trọng và đặt lên hàng đầu. Chữ hiếu được biểu lộ qua lòng hiếu thảo của con cái, cháu chắt luôn nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên, ông bà cha mẹ. Tổ tiên, ông bà cha mẹ được coi là nguồn gốc của sự giàu sang phú quý và luôn là mối dây linh thiêng, huyền nhiệm liên kết tất cả mọi con cháu lại thành một giòng tộc.
Trong đạo gia tộc, chữ hiếu được diễn tả và thực thi bằng nhiều cách : khi ông bà cha mẹ còn sống, con cháu sẽ vây quanh để biểu lộ sự tôn kính, vâng phục, phụng dưỡng hết lòng ; khi các ngài khuất bóng, con cháu luôn nhớ đến trong những ngày giỗ kỵ, lễ tết, qua việc nhắc nhở nhau tụ họp lại để kính nhớ. Theo tập tục, con cháu sẽ lập bàn thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ với đèn nhang, hoa quả đầy ắp.
Lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân, lão thành, những người có công trạng được thể hiện bằng việc tưởng nhớ, ghi công trên bia, mộ. Đó chính là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam, rất đáng được giữ gìn và phát huy.
Giáo Hội dành riêng ngày Mùng Hai Tết để kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ. Vì thế, ca nhập lễ của ngày lễ hôm nay trích lời sách Châm ngôn :
Chớ quên lời mẹ, nhớ mà ghi tâm
Ấy là chính những lời răn, lệnh truyền
Khắc ghi công đức một niềm tri ân”
Như thế, qua lời khuyên nhủ của sách Châm ngôn, việc kính nhớ và cầu nguyện cho tổ tiên ông bà cha mẹ không những là một đạo hiếu, mà còn là một lệnh truyền của Thiên Chúa. Chính điều răn thứ bốn trong mười điều răn dạy : “Hãy thảo kính cha mẹ”.
Trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, Chúa Giêsu khi xuống thế làm người, Ngài không chọn cho mình một con đường siêu việt từ trời xuống trần gian làm người cách trực tiếp và minh nhiên, nhưng Ngài đã chọn cho mình người mẹ, người cha và đã đồng hành với người thế qua con đường gia đình bình thường như tất cả mọi người chúng ta. Ngài cũng sống trong một tổ ấm yêu thương và nhất là đã nêu gương mẫu về tinh thần vâng phục của người con đối với cha mẹ dưới mái nhà Nagiarét (Lc 3, 51).
Lòng tôn kính, hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ xuất phát từ sự biết ơn đối với các ngài, những người đã sinh thành, dưỡng dục chúng ta lớn lên về vóc dáng, về sự khôn ngoan và nhất là về ân sủng trước mặt Thiên Chúa, như lời sách Huấn Ca dạy : “Hãy hết lòng tôn kính cha con và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục. Công ơn ấy con lấy chi đáp đền cho cân xứng ?” (Hc 7, 27–28).
Lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ còn đòi buộc chúng ta phải có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với ông bà cha mẹ về vật chất cũng như tinh thần. Khi các ngài khỏe mạnh, cũng như lúc già cả yếu đau và ngay cả khi qua đời, chúng ta vẫn một lòng biết ơn, phụng dưỡng và cầu nguyện cho các ngài.
Tóm lại, chúng ta là người theo “đạo Chúa”, chúng ta càng phải giữ “đạo hiếu” đối với tổ tiên ông bà. Chữ hiếu tô đậm thêm tình con thảo đối với gia đình và với Thiên Chúa. Dù là hai con đường, nhưng cũng chỉ là một chữ hiếu làm đầu. Hiếu thảo với ông bà cha mẹ sẽ giúp ta hiếu thảo hơn với Thiên Chúa.
Dương Phủ sinh ra trong một gia đình nghèo, nhưng ông để hết tâm trí phụng dưỡng song thân.
Một hôm, nghe nói có ông Võ Tế là bậc đại sĩ rất giỏi giang, Dương Phủ từ biệt cha mẹ để đến thụ giáo cùng ông Võ Tế.
Dọc đường, Dương Phủ gặp một vị sư già chỉ cho biết : “Gặp được Võ Tế chẳng bằng gặp được Phật”. Dương Phủ bèn hỏi : “Phật ở đâu ?” Vị sư già giải thích : “Cứ trở về gặp người nào mặc chiếc áo choàng, chân đi dép như thế này, thì chính là Phật đấy !”.
Dương Phủ nghe lời quay về nhà. Đi dọc đường ông chẳng gặp ai như thế cả. Về đến nhà, người mẹ khoác mền, chân đi dép ra đón con. Bấy giờ, Dương Phủ mới chợt nhận ra nơi mẹ mình hình dáng của Đức Phật mà vị sư già đã mô tả.
Từ đấy, Dương Phủ mới nhận ra cha mẹ trong nhà chính là Phật, ông càng hết tâm phụng dưỡng cha mẹ hơn.
Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa,
Thờ cha kính mẹ mới là đạo con.
Hôm nay, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện cho tổ tiên ông bà cha mẹ, những người còn sống cũng như đã qua đời. Lòng hiếu thảo luôn luôn là bông hoa đẹp làm vui lòng ông bà cha mẹ và làm đẹp lòng Thiên Chúa.
HIẾU HÔM NAY PHÚC NGÀY MAI – Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền
Cuộc sống con người luôn có cho có nhận. Ta cho đi tình yêu thương, sự thiện hảo thì ta cũng nhận lại được lòng tri ân và cảm tạ. Ta cho đi sự phục vụ quảng đại thì ta cũng nhận lại được sự chia sẻ yêu thương của anh em. Thế nên, dòng chảy cuộc đời luôn đòi ta phải tạo phúc cho đời, biết sống chia sẻ yêu thương thì con sóng yêu thương mới mangphù sa yêu thương về lại cho ta.
Có câu chuyện kể rằng:
Tại làng kia, trong một gia đình nọ có ông cụ già sống với con trai, nàng dâu và hai đứa cháu nội lên 8 và 6 tuổi. Cụ già, mắt mờ, tai gần như điếc và hai đầu gối thường rung chạm vào nhau. Không trách gì mỗi lần ngồi vào bàn cơm với con cháu cụ thường ăn uống vụng về, con trai và con dâu rất lấy làm khó chịu và xấu hổ, nên sau cùng họ quyết định cho cụ ngồi ăn một mình trong góc nhà gần lò sưởi. Nàng dâu chỉ cho cụ một muôi cháo trong cái chén bằng sành cũ kỹ. Cụ già chỉ biết tủi thân mắt đẫm lệ nhìn con cháu vui vẻ trên bàn cơm.
Rồi một hôm vì quá yếu, hai tay run rẩy không cầm nổi chén cháo trên tay nên đánh rớt xuống sàn nhà vỡ tan từng mảnh. Nàng dâu không tiếc lời xỉ vả, lại còn nỡ lòng mua cho cụ một cái chén bằng nhựa chỉ đáng mấy xu mà thôi. Cụ già chỉ biết tủi thân an phận thở dài nhưng không một lời ca thán. Rồi một bữa nọ, hai đứa cháu nội ra cười chơi nhặt những mảnh sảnh từ chén cơm mẻ của ông nội đã trượt tay đánh vỡ. Suốt buổi hai anh em hý hoáy tìm cách dính những mảnh sành lại với nhau. Ba má em tìm chúng quanh nhà, sau cùng mới thấy hai anh em ngồi chơi ngoài góc vườn. Thấy vậy ba em hỏi:
– Con muốn làm gì với những mảnh sành đó?
Không chút do dự, đứa em thản nhiên đáp:
– Con muốn gắn những mảnh sành này lại thành cái bát, để sau này khi ba má về già như ông nội, ba má sẽ dùng chén này mà ăn.
Câu trả lời ngây thơ phát xuất từ miệng một đứa trẻ vô tội đã trở nên như tiếng sét đánh ngang tai cho cha mẹ nó. Họ đứng lặng nhìn nhau không nói một lời. Họ đã tự hiểu được hành động vô ơn bất hiếu của mình đối với người cha già đã từng nhịn đắng nuốt cay từ lâu vì những yếu đuối của tuổi già. Từ ngày đó, cụ già lại được đưa vào ngồi chung với con cái trong bữa cơm và không còn phải nghe những lời xỉ vả mỗi lần vụng về khi ăn uống nữa. Trái lại còn được chăm sóc rất chu đáo.
Hôm nay ngày Mồng Hai Tết Giáo hội mời gọi chúng ta hãy dành trọn ngày này để tỏ lòng hiếu kính với ông bà cha mẹ. Vì trong đời một người, không ai có công lao với mình bằng cha mẹ. Và càng không có ai dám hy sinh một đời vì chúng ta ngoài cha mẹ. Ơn sinh thành, công dưỡng dục của cha mẹ thật lớn lao đến nỗi việc hiếu kính tổ tiên đã trở thành đạo của cả dân tộc Việt Nam:
“Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”.
Chân tu hiểu là sống đúng với lương tri con người. Không vì tình mà quên nghĩa. Không vì tiền mà vong ân. Người chân tu phải biết sống ân nghĩa với cha với mẹ. Sống tốt với gia đình. Sống đẹp lòng mẹ cha. Đó là nền tảng đạo đức để sau này tung cánh vào đời, trở thành kẻ có ích cho người, cho đời. “Tu thân tích đức, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Lòng hiếu thảo, đạo làm con ấy được Thiên Chúa quy định trong giới răn thứ tư: “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ ngươi”. Đây là giới răn duy nhất trong 10 giới răn nhận được lời chúc phúc nếu tuân giữ một cách trọn vẹn sẽ được sống lâu trên mặt đất. “Hãy thảo kính cha mẹ ngươi thì ngươi sẽ được sống lâu trên mặt đất”.
Ngày xuân con cái sum vầy bên cha mẹ không chỉ để nhận phong bao lì xì hay chỉ để kính biếu các ngài đồng quà tấm bánh mà quan yếu là để nhận sự chúc lành của các ngài, để nói lời cám ơn các ngài và tỏ tâm tình tri ân về tình yêu thẳm sâu mà các ngài dành cho con cháu.
Đây là dịp để con cháu thổ lộ chữ hiếu dành cho các bậc sinh thành. Đây là dịp để nói lên tấm lòng chân tình tri ân dâng lên bậc sinh thành:
Tạ ơn cha đã cho con nhìn thấy
Núi rất cao và biển rất tuyệt vời
Tạ ơn mẹ, đã cho con hơi thở
Và trái tim nhân ái làm người
Đây là dịp con cái biểu lộ chữ hiếu qua những hành vi không chỉ dâng hương kính bậc tổ tiên đã khuất mà còn khiêm cung cúi mình kính lạy các bậc sinh thành.
Lạy thứ nhất con kính mừng tuổi mẹ
Phong sắc hồng hào tâm thể khang an
Những lo toan cơm áo chẳng dễ dàng
Nên quá ít thời gian hầu cận mẹ
Lạy thứ hai xin tạ lòng trời bể
Ơn sinh thành dưỡng dục kể sao khuây
Mỗi lần xuân con cháu tụ về đây
Mừng tuổi mẹ kính dâng thêm một tay
Như thế, mùa xuân còn là mùa của đoàn tụ, của sum họp. Mùa xuân không chỉ có không gian rạng ngời mà lòng người cũng tràn ngập niềm vui vì có nghĩa tình đằm thắm của tình cha mẹ, ông bà, anh em một nhà sum vầy bên nhau. Ước chi mùa xuân mãi ở lại đây để tình nghĩa gia đình mãi hòa hợp yêu thương, để con cháu mãi sum vầy bên cha mẹ và anh em hòa hợp bên nhau.
Xin Chúa là chủ thời gian ban cho nhân gian một mùa xuân hạnh phúc sum vầy bên nhau. Xin Chúa xuân chúc lành cho những ngày sum họp gia đình được đằm thắm yêu thương. Amen
ĐẠO HIẾU DƯỚI CÁI NHÌN KITÔ GIÁO- Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn
Công cha như núi Thái Sơn,Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra: Tết 2–5
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Thế đó thật nhẹ nhàng, nhưng từng lời ru của người mẹ Việt Nam đung đưa bên chiếc nôi của đứa con nhỏ, ngày qua ngày đã dần đi sâu vào trái tim, làm nên dòng máu thắm đỏ của những người con, tạo nên trong tâm thức của từng người dân đất Việt một tâm tình thảo hiếu, biết ơn sâu sắc đối với các bậc sinh thành. Các cụ ngày xưa cho là hiếu đứng đầu trăm nết: “Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết, thời suy ra trăm nết đều nên”. Do đó, đối với cái nhìn tự nhiên của mọi người, bất hiếu là một trong những tội lớn nhất và cũng bị mọi người kết án nhiều nhất. Bộ luật Hồng Đức ban hành thời Lê Thánh Tông cũng ghép tội bất hiếu vào trọng tội. Không chỉ con trai, con dâu không thờ cha mẹ chồng cũng bị coi là phạm tội “thất xuất” (Nhất Thanh, Đất lề quê thói, trang 326).
Chính vì thế, vào những ngày Tết, giỗ chạp… trong các gia đình Việt Nam chúng ta, con cái dù có đi làm ăn đâu xa, thì ba ngày Tết cũng cố gắng về nhà để tết cha, tết mẹ. Nếu cha mẹ không còn, thì cũng về để thắp nén hương cầu nguyện cho ông bà cha mẹ. Cùng chung cảm thức đó của dân tộc, Giáo Hội Việt Nam đã dành ngày Mồng Hai Tết này để kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ. Rồi từ đạo hiếu với cha mẹ, Giáo Hội muốn từng người chúng ta tỏ lòng hiếu kính với người Cha cao cả và tuyệt đối hơn, đó là Thiên Chúa.
1. Đạo hiếu, bổn phận hàng đầu của người kitô hữu:
Truyền thống cha ông chúng ta rất coi trọng chữ hiếu. Để đánh giá tư cách của một người nào, các cụ ngày xưa thường dựa vào cách người đó đối xử với cha mẹ, anh chị em. Thậm chí, các cụ coi việc báo hiếu còn quan trọng hơn cả việc đi tu: Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ, ấy là chân tu”. Hơn nữa, việc thảo kính cha mẹ, xét về mặt tự nhiên, cũng là hợp với lẽ công bằng, bởi vì cha mẹ là người đã có công sinh thành, dưỡng dục giúp ta khôn lớn thành người.
Mặt khác, đối với người kitô hữu, việc thảo kính cha mẹ không chỉ là một bổn phận tự nhiên, nhưng còn là một đòi hỏi của Thiên Chúa. Nhìn lại bản thập giới, chúng ta thấy ngay sau ba giới răn nói về bổn phận của con người đối với Thiên Chúa, thì giới răn “thảo kính cha mẹ” được đặt đầu tiên trong các giới răn nói về mối tương quan của con người với nhau. Điều đó, cho thấy, việc hiếu thảo với cha mẹ là bổn phận hàng đầu của mỗi người kitô hữu. Trong bài Tin mừng, Đức Giêsu cũng đã lập lại giới răn này và khẳng định đó chính là ý muốn từ ban đầu của Thiên Chúa và con người không có quyền thay đổi, Ngài nói: “Thiên Chúa dạy: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử”. Còn thánh Phaolô thì nói: “Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này”.
Như thế, việc chúng ta thảo kính cha mẹ không còn tùy thuộc vào ý thích cá nhân của chúng ta, nhưng là thánh ý của Thiên Chúa. Được Thánh Thần soi sáng, tác giả sách Huấn ca nhắc nhở chúng ta: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này”. Và vì là ý muốn của Thiên Chúa, nên những ai trung thành tuân giữ việc thảo kính cha mẹ không những là chu toàn bổn phận làm con, nhưng còn được Thiên Chúa chúc phúc. Tác giả Thánh vịnh đã cất lời ca ngợi những ai luôn sống theo đường lối của Thiên Chúa: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may”.
Tóm lại, về mặt tự nhiên, việc hiếu thảo là bổn phận tự nhiên và là dấu chỉ của một con người trưởng thành. Đồng thời, khi sống hiếu thảo cũng là lúc chúng ta chu toàn giới luật của Thiên Chúa và nhờ đó được Ngài chúc lành. Tuy nhiên, trong niềm tin, chúng ta biết rằng tất cả chúng ta: cha mẹ và con cái, đều nhận được sự sống từ nơi Thiên Chúa. Do đó, trong ngày đầu năm kính nhớ tổ tiên, chúng ta cũng cần lưu ý đến bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta sự sống và hết lòng yêu thương chúng ta, như lời Ngài phán qua miệng ngôn sứ Isaia: “Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương đối với con dạ nó đã mang? Cho dù chúng quên được nữa, thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi! Này: Ta đã khắc ghi ngươi trên bàn tay Ta” (Is 49, 15-16a).
2. Sống trung thành với Thiên Chúa, dấu chỉ của đạo hiếu:
Dưới cái nhìn của đức tin, cha mẹ là những người được Thiên Chúa cho cộng tác vào chương trình sáng tạo của Người. Cha mẹ là những người thay mặt Thiên Chúa để hướng dẫn con cái. Do đó, việc đầu tiên mà các bậc cha mẹ cần làm là giáo dục con cái trung thành với Thiên Chúa theo lời nhắn bảo của thánh Phaolô: “Những người làm cha mẹ,… hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy”.
Giáo dục con cái thánh thiện, trung thành với Thiên Chúa, các bậc cha mẹ sẽ có được một kho tàng quý giá không bao giờ hư mất: “Các ngài sống mãi trong dòng dõi các ngài; gia tài quí báu của các ngài để lại là lũ cháu đàn con”. Đây là điều quan trọng mà chúng ta vẫn thường hay quên. Chúng ta thường la rầy con cháu, nhắc nhở chúng hiếu thảo, vâng lời chúng ta, nhưng lại chẳng bao giờ nhắc chúng về bổn phận với Thiên Chúa. Chắc hẳn với kinh nghiệm sống của mình, quý vị cũng nhận ra rằng: những người nào thật sự trung thành với Thiên Chúa, chắc chắn sẽ hết lòng hiếu thảo với cha mẹ, vì khi họ đến với Thiên Chúa, thì họ sẽ được Thiên Chúa nhắc bảo bổn phận của họ đối với cha mẹ. Còn những người nào quay lưng lại với Thiên Chúa, Đấng ban sự sống cho mình, thì khó mà có lòng hiếu thảo thật với cha mẹ. Cảm nghiệm điều đó, tác giả sách Huấn ca khen ngợi dòng dõi những người trung thành với Thiên Chúa: “Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước, nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các người sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài sẽ được mồ yên mả đẹp, và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế”. Còn tác giả Thánh vịnh thì mô tả: “Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn”, thật là một khung cảnh ấm êm, hạnh phúc.
Lắng nghe lời Chúa trong những ngày đầu năm này, chớ gì từng người chúng ta một lần nữa ý thức hơn về những hồng ân Thiên Chúa ban cho mình trong một năm qua, để hết lòng tri ân và cảm tạ Ngài. Đồng thời, đây cũng là cơ hội thuận tiện nhắc nhở chúng ta về bổn phận đối với ông bà cha mẹ, những bậc sinh thành ra chúng ta. Việc thảo kính này, không chỉ là một ít lễ vật, một lời cầu chúc trong ngày đầu năm, nhưng cần được kéo dài trong suốt cuộc sống mỗi ngày của chúng ta. Lòng thảo hiếu đó được thể hiện qua cách chúng ta nói năng, xưng hô với cha mẹ. Nó còn được thể hiện qua việc chúng ta vâng lời, chăm nom, săn sóc cho cha mẹ khi còn sống, nhất là khi các ngài già yếu, bệnh tật; và cầu nguyện cho các ngài khi đã qua đời, theo đúng truyền thống của cha ông chúng ta: “Sống tết, chết giỗ”. Amen.
LỄ MÙNG HAI TẾT 2021
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN –GKGĐ Giáo phận Phú Cường
Đối với người Việt Nam, lòng thảo kính biết ơn tiền nhân, biết ơn các bậc tổ tiên ông bà đã là “đạo”. Đó là đạo hiếu. Hay người ta còn gọi là đạo ông bà. Người Việt Nam đã vậy. Người Công giáo Việt Nam càng phải sống đạo hiếu lớn hơn, bởi họ có Lời Chúa dạy bảo, có chính mẫu gương thảo hiếu của Chúa Giêsu làm đối chiếu, có lề luật làm thước đo: “Thứ bốn thảo kính cha mẹ”, có giáo huấn của Hội Thánh luôn luôn nhắc nhở.
Thật đáng trách nặng lời, đáng lên án gắt gao, khi có nhiều người Công giáo coi thường cha mẹ. Nhiều người con tỏ ra xấu hỗ về cha mẹ, phủ nhận cha mẹ chỉ vì cha mẹ nghèo hèn, dốt nát, không địa vị … Nhiều người con xua đuổi cha mẹ, coi cha mẹ già yếu, đau bệnh là nợ mà họ phải mang, phải gánh. Có kẻ nhẫn tâm đẩy cha mẹ vào trại dưỡng lão như trút một gánh nặng. Thậm chí nhiều người con mong cho cha mẹ chết sớm để chiếm đoạt tài sản, hoặc để rãnh nợ, để đỡ tốn tiền chữa chạy thuốc men…
Chúng ta tin rằng, những người con bất hiếu bên trên chỉ là thiểu số. Chúng ta càng tin mạnh hơn rằng, hầu như người tín hữu Công giáo Việt Nam nào cũng có lòng biết ơn và kính nhớ tổ tiên của mình. Nhất là trong bầu khí thiêng liêng như ngày đầu năm, càng làm cho các gia đình trở nên ấm cúng tình yêu giữa cha mẹ và con cái. Đó cũng là dịp đặc biệt gợi nhớ công lao của bao nhiêu bậc tổ tiên, bao nhiêu đấng sinh thành đã khuất mặt để mà tưởng nhớ, để mà cầu nguyện. Chính vì thế, trong ngày Tết, ngoài việc chuẩn bị mọi hình thức ăn Tết, người ta không quên chuẩn bị bàn thờ gia tiên cách chu đáo. Ngày đầu năm, bàn thờ gia tiên trong mọi nhà đều luôn có hoa hương nhang khói chân thành ấm cúng …
Tuy nhiên, ngoài ông bà cha mẹ dưới đất, chúng ta còn có Thiên Chúa là Cha trên trời. Người là Bậc Tổ Tiên trên mọi tổ tiên của ta. Trong ngày đầu năm, kính nhớ tổ tiên, chúng ta không quên ơn Thiên Chúa đã cho chúng ta làm người, đã ban sự sống của Người cho chúng ta. Người luôn là Người Cha tận tình yêu thương mọi con cái của mình. Vì thế, giờ đây, chúng ta biết ơn Chúa. Xin cho ngày lìa thế, chúng ta cùng tổ tiên sum họp trong nhà Cha chúng ta trên quê trời vĩnh phúc.
Lạy Chúa, nhờ lời cầu nguyện và Thánh lễ chúng con dâng lên Chúa trong ngày đầu năm, xin Chúa thương giải thoát các linh hồn ông bà cha mẹ chúng con còn đang thanh luyện nơi luyện ngục. Xin cho chúng con luôn biết thảo hiếu với ông bà cha mẹ khi ông bà cha mẹ chúng con còn sống cũng như khi đã qua đời. Amen.
HÃY HIẾU KÍNH ÔNG BÀ CHA MẸ- Lm. Đan Vinh HHTM
LỜI CHÚA: Chúa phán: “Thiên Chúa đã dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ. Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: Ai nói với cha với mẹ rằng: Những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa” Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa” (Mt 15,4-6).
CÂU CHUYỆN:
Một người đàn ông kia sống chung với người cha cao niên và đứa con trai mới năm tuổi của anh ta. Một hôm người cha của anh do tuổi già nên tay thường bị run, và có lần đã làm bể bát chén kiểu đắt tiền khi đang ăn cơm, nên anh ta ra vườn nhặt một chiếc gáo dừa mang về gọt dũa làm thành một cái chén bằng gáo dừa để bố anh ta dùng. Đứa con trai của anh ta thấy vậy liền hỏi lý do tại sao thì anh trả lời con rằng: Để ông nội con dùng chén này ăn cơm nếu có run tay làm rơi cũng không bị bể.
Một hôm anh ta thấy đứa con trai của anh đang loay hoay dùng dao chơi với một chiếc gáo dừa. Sợ con bị đứt tay anh liền ngăn cản. Khi được hỏi tại sao làm như vậy thì được đứa con trả lời: “Con thấy bố cho ông nội ăn cơm bằng chiếc gáo dừa để khỏi bị bể, nên con cũng chuẩn bị trước cho bố một cái, để sau này khi bố già dùng sẽ không bị bể nếu bị run tay giống như ông nội bây giờ!”.
THẢO LUẬN: Bạn sẽ làm gì để thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ ông bà trong dịp Tết và trong thời gian sắp tới?
SUY NIỆM:
1) Bổn phận thảo kính cha mẹ:
Ba ngày Tết, sau ngày Mùng Một dành Tạ Ơn Chúa xin ơn bình an năm mới, thì ngày Mùng Hai dành để Kính nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ. Có lẽ không ai trong chúng ta lại không biết câu thơ đã trở thành câu ca dao và bài hát bất tử về đạo làm con: “Uống nước nhớ nguồn. Làm con phải hiểu. Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”. Hay: “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ hơn là đi tu”…
Và chắc không ai trong chúng ta lại không biết nhạc phẩm Lòng mẹ của cố nhạc sĩ Y Vân: “Lòng mẹ bao la như biển thái bình…”
Với người Ki-tô hữu, ai cũng nằm lòng Mười Điều Răn, trong đó, ba điều răn đầu tiên dành cho Chúa, ngay sau đó, điều răn thứ tư dành cho cha mẹ. “Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ”. Người Công Giáo có tháng 11, tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời, cũng là dịp đặc biệt nhớ về ông bà cha mẹ đã an nghỉ. Hằng ngày, người Công Giáo tham dự Thánh Lễ luôn kính nhớ nguyện cầu cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ: “Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt là các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ…” (Kinh Nguyện Thánh Thể).
Ngày Tết cũng là ngày hội vui của đại gia đình. Ai cũng mong ngày Tết được đoàn tụ với người thân trong gia đình. Mọi người Việt Nam đều muốn được đón giờ phút thiêng liêng ngày đầu xuân bên cha mẹ, ông bà và con cháu.
2) Phương cách tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ:
Sự hiếu thảo không chỉ được biểu lộ trong những ngày Lễ Tết, nhưng còn phải thể hiện trong suốt thời gian sống chung với ông bà cha mẹ trong gia đình.
Phải sống thế nào cho tròn chữ hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ. Nếu cha mẹ chúng ta còn khỏe, con cái phải tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta cha mẹ là lá chắn che chở suốt đời mình.
Nếu cha mẹ già yếu, con cháu không được xem thường và coi các ngài như gánh nặng. Hãy nói với các ngài bằng những lời thưa gởi hiếu kính, cảm thông với những sự lẩm cẩm của các ngài và đừng bao giờ tỏ thái độ vô lễ to tiếng cãi lại hoặc khinh thường cáu gắt với các ngài. Hãy luôn tôn trọng các ngài vì chính các ngài cũng đã từng phải kiên nhẫn ân cần chăm sóc, cho bú mớm và lau dọn vệ sinh khi ta còn thơ bé.
Khi cha mẹ qua đời, con cái hãy năng đọc kinh cầu nguyện, xin lễ và làm các việc lành để các ngài sớm được về thiên đàng. Hãy lập bàn kính nhớ tổ tiên bên cạnh và thấp hơn bàn thờ Chúa. Hãy năng đọc kinh cầu nguyện cho ông bà cha mẹ vào giờ kinh tối gia đình hằng ngày hoặc trong những ngày Giỗ Tết.
3) Làm gì trong những ngày này?:
Xin đừng phụ công ơn dưỡng dục của các bậc sinh thành. Hãy sống sao cho đúng phận làm con, vì như câu ca dao người xưa dạy:
“Công cha như núi thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
“Sóng trước vỗ đâu, sóng sau vỗ đó”. Chúng ta cư xử với cha mẹ mình thế nào thì con cái của chúng ta sau này cũng sẽ đối xử với chúng ta như vậy.
Dịp Xuân Mới, bạn sẽ mua biếu quà gì cụ thể để tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ ông bà còn sống và những đấng bề trên đã qua đời?
LỜI CẦU:
Lạy Thiên Chúa là Chúa của Mùa Xuân đất trời. Xin chúc lành cho ngày họp mặt của gia đình chúng con hôm nay. Xin liên kết mọi người chúng con trong tình yêu của Cha. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết trân trọng giây phút xum vầy trong ngày đầu Xuân, coi đó là hồng ân Cha ban để sống trọn tình con thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ và sống yêu thương huynh đệ với anh chị em trong gia đình ruột thịt của chúng con. Xin cho chúng con một Năm Mới an lành và hạnh phúc trong bàn tay quan phòng của Cha.- Amen
HIẾU KHI BIẾT TRI ÂN– Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Mùa xuân, mùa của yêu thương và đoàn tụ. Chúng ta được sống lại không khí xôn xao, ấm áp của mái ấm gia đình đầy thương yêu. Những chuyến trở về của ai đó xa quê như cánh chim mỏi cánh mong từng giây được trở về tổ ấm. Sau một năm vất vả và mệt mỏi, mùa xuân tạo cho ta một cơ hội trở về với cội nguồn, về với quê hương và xóm làng.
Đây là dịp cho ta được sống chữ hiếu với ông bà cha mẹ và gia tộc. Về quê hương ta có dịp thắp hương cho tổ tiên và dâng lòng hiếu thảo đối với mẹ cha. Nếu ngày xuân mà phải nói “mẹ ơi xuân này con không về” là cung điệu bi ai có lẽ chẳng ai muốn nói đến.
Vì người Việt Nam rất trọng chữ hiếu. Chữ hiếu được khởi đầu từ lòng biết ơn công sinh dưỡng của mẹ cha:
Ơn cha nặng lắm ai ơi,
Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang.
Đây là điều mà con cái phải ghi lòng tạc dạ về công ơn sinh thành của mẹ cha:
Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông.
Núi cao biển rộng mênh-mông,
Cù-lao chín chữ, ghi lòng con ơi!
Lòng hiếu thảo ấy luôn canh cánh bên lòng nếu con cái không được ở gần mẹ cha để phụng dưỡng.
Ngồi buồn thương mẹ nhớ cha,
Gối loan ai đỡ, kỷ trà ai nâng.
Nuôi-dưỡng, săn-sóc cha mẹ khi già-yếu là bổn phận trả hiếu công dưỡng nuôi sinh thành
Mẹ già đầu bạc như tơ,
Lưng đau con đỡ, mắt mờ con nuôi.
Chữ hiếu còn nhắc nhở con cái phải biết cầu nguyện cho cha mẹ được an vui mạnh khoẻ sống đời với con:
Đêm đêm thắp ngọn đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con
Dầu sau này lớn lên tung cánh bay vào đời thì những hình ảnh đầy ắp yêu thương của cha mẹ mãi mãi ghi trong tâm khảm của từng người con. Nhất là, hình ảnh một nắng hai sương đầy vất vả của cha mẹ đã hy sinh vì cuộc đời con mà chẳng nề gian khó.
Cuộc đời bao nỗi đắng cay
Nhìn về cha mẹ, lệ cay nghẹn ngào
Hôm nay nước mắt tuôn trào
Nhớ ơn cha mẹ, cả đời cưu mang
Đó là lý do mà con cái luôn cảm thấy mình phải có bổn phận đền ơn đáp nghĩa công sinh thành dưỡng dục vì “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Con đây chẳng nói nên lời
Nghẹn ngào nước mắt, lòng này khắc ghi
Lạy cha lạy mẹ con quỳ
Công ơn trời biển, đời đời không quên.
Khởi đầu năm mới, chúng ta tưởng nhớ đến các bậc tổ tiên, những người có công đức sinh thành dưỡng dục chúng ta. Chúng ta đâu biết rằng để mình có ngày hôm nay, cha mẹ chúng ta phải đánh đổi cuộc đời như thế nào? Vì danh dự của con, vì muốn cho con có tiền đến trường đến lớp, vì muốn cho con bằng chúng bằng bạn, cha mẹ nào cũng sẵn sàng đánh đổi cuộc đời mình vì hạnh phúc đàn con.
Do đó, uống nước phải nhớ nguồn, ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây. Có được niềm vui đón xuân hôm nay, chúng ta cũng cần tỏ lòng hiếu kính, biết ơn đối với các bậc tổ tiên đã khuất và đối với ông bà cha mẹ những người còn đang sống và còn đang hao mòn vì chúng ta.
Chính Chúa Giê-su cũng luôn sống hiếu thảo với cha mẹ của mình. Phúc âm nói Ngài hằng vâng phục cha mẹ mình. Và dưới cây thập giá Ngài còn mời gọi thánh Gioan thay mặt Ngài đón Mẹ về nhà của mình để sống trọn chữ hiếu.
Vì thế, trong bầu khí mừng xuân Canh Tý và nhớ về cội nguồn, chúng ta cùng hiệp dâng thánh lễ hôm nay để cầu nguyện cho ông bà cha mẹ của những ai đã qua đời và cầu bình an cho các bậc sinh thành vẫn đang còn hiện diện với chúng ta hôm nay. Và với lòng tri ân thẳm sâu về tình cha nghĩa mẹ tôi xin mọi người nhớ khắc ghi:
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn vương trên mắt cha”.
Kính chúc các gia đình một ngày xuân sum họp đầy hạnh phúc vui tươi.