CÁC BÀI SUY NIỆM LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT LỄ HIỂN DUNG – NĂM A
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973 2
CHIÊM NGƯỠNG VINH QUANG CỦA CHÚA- Diễn giải của Đức cố Giám mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm.. 6
NGƯỜI BIẾN ĐỔI HÌNH DẠNG (*)– Chú giải Lm Giuse Nguyễn Viết Tâm 13
BÀY TỎ VINH QUANG CỦA CHÚA (*)- Suy niệm Chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông 25
ĐỨC CHÚA GIÊSU BIẾN HÌNH TRÊN NÚI- Chú giải của Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc,SJ 44
ĐỨC GIÊSU BIẾN ĐỔI HÌNH DẠNG- Chú giải của Lm FX. Vũ Phan Long 51
ĐỈNH CAO HÔM NAY- ĐỈNH CAO NGÀY MAI- Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật 63
CON YÊU DẤU- Lm Giuse Trần Việt Hùng. 69
HÃY BIẾT MÌNH – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền. 75
LÊN NÚI CAO- Lm. Giuse Lê Minh Thông. 79
SỐNG ĐỨC TIN– Lm. Giacôbê Nguyễn Văn Phượng. 90
BIẾN HÌNH LIÊN LỈ- Lm. Giuse Nguyễn Hữu An 95
CHÚA HIỂN DUNG – Lm. Trần Ngà. 101
ĐƯỜNG VỀ ĐỈNH VINH QUANG- Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng. 105
XIN ƠN BIẾN ĐỔI KHUÔN MẶT NGỜI SÁNG- Thiên Phúc. 112
XIN ƠN BIẾN ĐỔI – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ. 112
BẢN VĂN CÁC BÀI ĐỌC – Nguồn: UBPT/HĐGMVN ấn bản năm 1973
“Áo Người trắng như tuyết”.
Bài trích sách Tiên tri Đaniel.
Tôi ngắm nhìn cho đến khi đặt ngai toà xong, và một vị Bô Lão ngự trên ngai: áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người như những ngọn lửa, các bánh xe như lửa cháy. Một con sông lửa chảy lan tràn trước mặt Người. Hằng ngàn kẻ phụng sự Người, và muôn vàn kẻ chầu chực Người. Người ngự toà xét xử, và các quyển sách đều mở ra.
Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời. Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: Tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài: quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất: vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 96, 1-2. 5-6. 9
Đáp: Chúa hiển trị, Chúa là Đấng tối cao trên toàn cõi đất (c. 1a và 9a).
1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan; hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói và sương mù bao toả chung quanh; công minh chính trực là nền kê ngai báu.
2) Núi non vỡ lở như mẩu sáp ong trước thiên nhan, trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi trái đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người.
3) Lạy Chúa, vì Ngài là Đấng tối cao trên toàn cõi đất, Ngài rất đỗi siêu phàm giữa muôn chúa tể.
BÀI ĐỌC II: 2 Pr 1, 16-19
“Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống”.
Bài trích thư thứ hai của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, chúng tôi không theo những truyện bày đặt khôn khéo, để tỏ ra cho anh em biết quyền năng và sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta; nhưng chúng tôi đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Người. Người đã được Chúa Cha ban cho vinh dự và vinh quang, khi có lời từ sự vinh quang cao cả xuống phán về Người rằng: “Này là Con Ta yêu dấu, Người đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống, lúc chúng tôi ở với Người trên núi thánh. Và chúng tôi có lời nói chắc chắn hơn nữa là lời nói tiên tri: anh em nên nghe theo lời đó, nó như ngọn đèn sáng soi trong nơi u tối, cho đến khi rạng đông và sao mai mọc lên trong lòng anh em.
Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Mt 17, 5c
All. All. – Này là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người. – All.
PHÚC ÂM: Mt 17, 1-9
“Mặt Người chiếu sáng như mặt trời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây ông Môsê và Êlia hiện ra và đàm đạo với Người.
Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu.
Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”.
Đó là lời Chúa.
CHÚA NHẬT LỄ HIỂN DUNG- NĂM A
CHIÊM NGƯỠNG VINH QUANG CỦA CHÚA- Diễn giải của Đức cố Giám mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Bàn Thờ là Núi Thánh. Và mỗi Thánh lễ là một cuộc Chúa biến hình. Người lấy hình bánh rượu để trở nên lễ vật, cho ta được tham dự vào lễ tế của Người. Như vậy, việc Chúa biến hình ngày trước tất có tương quan tới Thánh lễ chúng ta đang cử hành. Chúng ta hãy tìm hiểu, để Thánh lễ này thêm ý nghĩa và đời ta nên tốt đẹp hơn.
Thánh Matthêô kể câu chuyện này 6 ngày sau khi Phêrô tuyên xưng Đức Yêsu là Con Thiên Chúa hằng sống (16,13-20). Hôm ấy Đức Yêsu cũng đã tuyên bố lần đầu tiên về cuộc tử nạn của Người; và Người bảo ai muốn theo Người cũng phải vác Thập giá. Nhưng để an ủi, Người phán: rồi đây Con Người sẽ đến trong vinh quang và có những kẻ đang ở trước mặt Người đây sẽ chứng kiến.
Không biết các môn đệ có hiểu hết những lời ấy không? Nhưng hôm nay, 6 ngày sau, ba ông Phêrô, Yacôbê và Yoan đã được xem thấy vinh quang của Người như chúng ta vừa nghe đọc.
Xếp lại câu chuyện như vậy, chúng ta thấy ngay việc Chúa biến hình muốn thể hiện điều Người đã hứa. Và trước hết nó có ý nghĩa thế mạt. Người đã hứa cho mấy người được thấy Con Người đến trong vinh quang của Cha Người và đến với Nước của Người. Nên dù chỉ 6 ngày sau Người đã thể hiện Lời hứa, cảnh tượng vinh quang mà Người cho họ thấy vẫn thuộc về thời đại cánh chung. Và Matthêô đã có những từ ngữ, những hình ảnh làm nổi bật khía cạnh này. Ông nói đến một nơi núi cao, riêng biệt ra, tức là tách khỏi đời này. Ông diễn tả mặt Người sáng như mặt trời và áo Người trắng như tuyết, là những nét tả về con người ở thời cánh chung (Mt 13,40-43). Môsê và nhất là Êlya là những nhân vật mà người ta tin rằng sẽ trở lại khi Con Người đến. Có tiếng từ trời phán xuống cũng là một nét của thời đại cánh chung. Và việc cấm phổ biến những điều vừa xem thấy cũng thuộc loại văn khải huyền về thời thế mạt.
Như vậy, không ai có thể bảo câu chuyện Chúa biến hình đã thuộc về quá khứ. Nó là dấu hiệu báo trước tương lai. Nó đưa ta hướng mắt về Ngày Chúa trở lại. Nó có thể giúp ta tham dự vào Thánh lễ này sốt sắng hơn. Và Phụng vụ đặt nó vào ngày Chúa nhật hôm nay sau Chúa nhật trước nói về Đức Yêsu là Con Thiên Chúa, phải chăng không muốn nói rằng ai đã tuyên xưng Đức Yêsu là Con Thiên Chúa, như Phêrô, tất sẽ được nhìn thấy vinh quang của Người?
Nhưng những gì sẽ xảy ra trong thời kỳ cánh chung, cũng đã khởi sự trong mầu nhiệm Phục sinh. Thế nên bài Tin Mừng hôm nay cũng hướng ta về sự kiện Chúa sống lại. Hiển nhiên thánh Matthêô đã muốn cho chúng ta nhìn thấy Chúa Phục sinh trong bài Tin Mừng này; vì mặc dù câu chuyện xảy ra đang khi Đức Yêsu còn tại thế, nhưng tác giả đã dùng ánh sáng của Chúa sống lại để cho chúng ta nhận ra Người. Thánh Phêrô không xưng Người là Thầy như mọi khi, nhưng danh từ “Chúa” là từ mà môn đệ chỉ dùng để thưa với Chúa Phục sinh. Và cử chỉ của Đức Yêsu tiến lại, giơ tay nâng môn đệ dậy, chẳng phải là ơn phục sinh của Chúa cúi xuống đỡ nhân loại sa ngã lên đó sao? Nhất là đoạn văn này được viết tiếp ngay vào những lời Đức Yêsu tuyên bố lần đầu tiên về cuộc Tử nạn của Người và về việc môn đệ phải vác thập giá mà đi theo Người, quả thật có ý nói đến mầu nhiệm Phục sinh. Chính ý nghĩa cánh chung cũng phải nhờ viễn tượng Chúa sống lại mới hiểu ra được.
Tuy nhiên cả hai cái nhìn cánh chung và phục sinh vẫn không được làm chúng ta quên Đức Yêsu hiện tại. Chúa nhật trước, Phụng vụ giới thiệu Người như Con Thiên Chúa sống nơi sa mạc. Hôm nay, cũng dùng Tin Mừng thánh Matthêô, Phụng vụ cho ta thấy Người là Môsê mới ở trên núi. Nói đúng ra, Chúa nhật trước thánh Matthêô cũng đã muốn nói Người là Môsê rồi, nhưng còn kín đáo. Hôm nay rõ ràng tác giả muốn so sánh giữa hai Môsê. Cả hai đã lên núi, được mây bao phủ và đưa vào trong một cuộc đàm đạo với Thiên Chúa (x. Xh 24,15-18). Và cả hai trường hợp đều xảy ra vào ngày thứ 7. Tuy nhiên trong trường hợp của Môsê, chính Thiên Chúa đã có bộ mặt sáng láng và đã gọi ông, đang khi ở đây chính Đức Kitô đã biến hình và được tiếng Đức Chúa Cha tuyên dương. Môsê mới đã rõ rệt hơn Môsê cũ. Môsê cũ giờ đây chỉ đứng bên Môsê mới để tuyên chứng và cũng để được ánh sáng Môsê mới soi dọi vào. Nhất là Môsê cũ sẽ biến đi, để lại một Đức Kitô là Môsê mới, độc hữu và độc tôn trước mắt các Tông đồ đang còn vẳng nghe lời căn dặn: “Hãy nghe Người!”. Thánh Matthêô hiểu như vậy, nên đoạn 18 theo sau đoạn 17 này đã được tác giả dùng để viết lại giáo lý của Đức Kitô về Hội Thánh. Như vậy, ở đây muốn giới thiệu Người là Môsê mới của Hội Thánh.
Hội Thánh phải nghe Vị Môsê mới này để được đi tới mầu nhiệm phục sinh, bảo chứng của thời đại cánh chung: đó là nội dung bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta hãy đến với Đức Kitô biến hình trong mầu nhiệm Thánh lễ hôm nay để xin Người dạy dỗ hầu đạt tới vinh quang phục sinh và Nước Trời.
Chúa hằng dạy dỗ chúng ta qua Sách Thánh. Bài sách Khởi nguyên hôm nay nói đến ơn gọi của Abraham, tổ phụ các tín hữu. Chúa gọi ông bỏ quê hương họ hàng ra đi đến nơi Người sẽ chỉ cho để sẽ được thịnh vượng và hạnh phúc. Người gọi chúng ta từ bỏ mọi dính bén để đi tới hạnh phúc phục sinh. Ơn gọi Abraham báo trước ơn gọi của chúng ta. Và con đường ông đã đi là con đường chúng ta phải bước vào… Con đường ấy là hành trình trong đức tin. Abraham phải từ bỏ những cái đang có để hy vọng, trông chờ những của vị lai. Một cách nào đó ông phải bỏ mồi bắt bóng. Ông đã làm vì ông tin Chúa, tin lời Người hứa. Ông ra đi như Chúa truyền. Vào đến đất hứa, ông vẫn chưa được chiếm hữu. Chúa sẽ trỏ cho ông thấy đó là đất Chúa sẽ ban cho con cháu ông, chứ ông chưa được. Abraham vẫn tin, tin dấu hiệu bảo chứng của thực tại. Ông là tổ phụ của chúng ta, là các tín hữu sau ông đã tin vào Chúa. Và cũng như ông, chúng ta luôn phải tin Lời Chúa và các Bí tích dấu chỉ ban ơn vô hình. Chúng ta có kinh nghiệm, đức tin nhiều khi đòi phải bỏ mồi bắt bóng, chịu thiệt thòi về vật chất để trông chờ những của mai sau hay những ơn thiêng vô hình. Thường khi hơn nữa, đức tin đòi phải biết nhận ra thời triệu, tức là xuyên qua những thực tại hữu hình đạt tới những thực tại vô hình; không những nhìn vào các Bí tích để biết nhận ra các ơn thiêng, mà còn biết tìm ra Ý Chúa và tiếng Người kêu gọi qua mọi sự kiện hàng ngày và đặc biệt qua mầu nhiệm Thập giá: ai muốn theo Chúa phải vác thập giá mình mỗi ngày. Thánh Matthêô đã viết rõ như thế. Và thánh Phaolô trong bài thư hôm nay cũng bắt đầu bằng câu: hãy chia sẻ lao nhọc của Phúc Âm.
Phaolô viết cho Timôthê, nhưng cũng dặn dò Hội Thánh và mọi người chúng ta: hãy chung phần cam khổ vì Tin Mừng (bản dịch của linh mục Nguyễn Thế Thuấn). Người không cần nói vì sao theo Tin Mừng và giảng Tin Mừng thì phải gian khổ. Điều ấy quá rõ rồi. Ai cũng có kinh nghiệm. Sống ơn gọi Kitô hữu và Tông đồ thật là khó: phải phấn đấu theo gương Chúa Yêsu như chúng ta đã thấy trong Chúa nhật trước; phải luôn luôn hành trình trong đức tin như gương Abraham còn để lại; phải thống hối cải tạo đời sống. Điều Timôthê và chúng ta cần biết hơn là lý do vì sao ta phải lao nhọc và có sức nào trợ giúp chúng ta không? Cả bài thư hôm nay muốn cống hiến cho chúng ta nhiều tư tưởng để suy nghĩ.
Một cách vắn tắt, Phaolô mời gọi chúng ta nhìn lên Đức Yêsu Kitô, Đấng đã hủy diệt sự chết và đã chiếu sáng ra sự sống. Đó là Đức Yêsu Kitô phục sinh mà Matthêô đã giới thiệu trong bài Tin Mừng. Người đang kêu gọi chúng ta trong Thánh lễ này, không phải vì sự nghiệp, công trạng riêng gì của ta, nhưng chỉ vì ý định và ân sủng của Thiên Chúa yêu thương ta cách lạ lùng muốn cho chúng ta được chia sẻ vinh quang phục sinh nơi Đức Yêsu Kitô. Nếu chúng ta tin như vậy, thì phải bắt chước Abraham chấp nhận hành trình trong đức tin và gian khổ, vì có cùng chịu khổ với Người chúng ta mới được cùng Người sống lại.
Lời Chúa hôm nay muốn khuyến khích chúng ta: Chúng ta được đưa lên Núi Thánh để chiêm ngưỡng vinh quang và tham dự vào sự sống của Chúa, để khi xuống núi theo gương các Tông đồ chúng ta nghe và giữ Lời Chúa mà xây dựng Hội Thánh.
Chủ yếu việc xây dựng này không phải chỉ là chu toàn hoặc tổ chức những lễ nghi bên ngoài, nhưng là kiến tạo Hội Thánh cho thời đại cánh chung mà ai cũng biết sẽ là toàn thể nhân loại và tạo dựng được chia sẻ vinh quang Thiên Chúa. Thế nên việc xây dựng Nước Trời bao trùm nhiều mặt cụ thể. Tất cả những gì giúp cho nhân loại ấm no, hạnh phúc, bình đẳng và huynh đệ đều cần thiết cho thời đại cánh chung, cho ơn phục sinh đến với mọi người. Và làm những công việc như thế, dĩ nhiên phải phấn đấu, lao nhọc… nhưng đó là chung phần cam khổ vì Tin Mừng. Và chúng ta có Thánh lễ này để kết hợp với Đức Kitô biến hình, Đấng đã hủy diệt sự chết và đã chiếu sáng ra sự sống. Chính Người sẽ chia sẻ sự sống và thần lực của Người cho ta để giúp ta hành trình trong đức tin và lao nhọc.
Chúng ta hãy tin như vậy và tham dự Thánh lễ này sốt sắng để tích cực và hiệu lực xây dựng hạnh phú Nước Trời ngay từ đời này cho vinh quang Thiên Chúa và hạnh phúc muôn người.
NGƯỜI BIẾN ĐỔI HÌNH DẠNG (*)– Chú giải Lm Giuse Nguyễn Viết Tâm
Bài Tin mừng hôm nay được cả 3 Thánh sử Nhất Lãm tường thuật:
+ Matthêu (Mt 17, 1-9)
+ Marcô (Mc 9, 2-8)
+ Luca (Lc 9, 28-36)
Riêng thánh sử Gioan, ông không có một dòng nào mô tả sự kiện này, trong khi chính ông là người đã chứng kiến tận mắt.
Nhưng cuốn Phúc âm của ông đã tỏ bày Thiên tính của Chúa Giêsu rồi. Ngay từ dòng đầu tiên cho đến dòng cuối cùng, Gioan luôn nhấn mạnh đến Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến. Nhưng người Do Thái không tin và đã xảy ra vô số cuộc tranh luận về căn tính của Chúa Giêsu.
Như vậy, nhờ ba Thánh sử Nhất Lãm chúng ta mới được biết cuộc biến hình này.
“Khi ấy, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao”.
Như vậy theo Matthêu Chúa Giêsu và cả nhóm 12 môn đệ đã lên núi. Nhưng Ngài tách riêng 3 ông ra. Đó là Phêrô, Giacôbê và Gioan.
Đây là bộ ba thân tín trong Nhóm Mười Hai. Cả ba người người này đã chứng kiến hầu hết các biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu. Hôm nay các ông sẽ chứng kiến một sự kiện quan trọng, đó là Chúa Giêsu biến hình.
Tại sao Chúa không cho cả 12 môn đệ chứng kiến mà chỉ dành diễm phúc đó cho 3 người này? Có 2 lý do:
+ Theo luật của Môsê, chứng của 2 người là chứng thật. Nhưng ở đây Chúa Giêsu muốn dùng nhiều hơn con số 2, tức là 3. Ba người này sẽ là chứng nhân đích thực cho sự kiện hôm nay. Sau này các ông ông sẽ làm chứng cho 9 môn đệ còn lại, và cả 12 sẽ làm chứng cho mọi người. Như vậy việc cho cả 12 môn đệ chứng kiến không cần thiết vì sẽ làm loãng sự kiện hiển dung. Càng cô đọng càng tốt.
+ Ba môn đệ này sẽ là thành phần thủ lãnh trong nhóm tông đồ và đứng đầu trong Giáo hội sau này, nên họ cần được chứng kiến tận mắt.
Tại sao lại có sự kiện Hiển Dung này?
Thưa vì trước đó tại thành Xêdarê Philipphê, sau lời tuyên xưng của thánh Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16, 16), Chúa Giêsu đã tiên báo cuộc thương khó lần thứ I, Matthêu viết: “Thầy phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16, 21).
Các môn đệ hoang mang cực độ, tinh thần rã rời, chán nản. Chính Phêrô đã lên tiếng can gián Chúa Giêsu: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16, 22). Nhưng Chúa Giêsu vẫn cương quyết thực thi Thánh ý Chúa Cha đã định, Ngài quở trách Phêrô: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mt 16, 23).
Chúa Giêsu biết rõ, trong tình trạng hoang mang chán nản đó, nếu các môn đệ phải chứng kiến tận mắt cuộc Thương khó, thì niềm tin của các ông sẽ đổ sập, một sự thất bại toàn diện và không thể cứu vãn nổi.
Vì thế Chúa Giêsu cho các ông được chứng kiến cuộc biến hình này, để các ông được chiêm ngưỡng thiên tính của Ngài, để củng cố niềm tin cho các ông.
“Trên núi cao”.
Núi đó là núi nào, Matthêu không xác định.
Mặc dù ngọn núi được đề cập ở đây, chưa xác định là núi nào trong hai ngọn núi là Tha-bo và Héc-mon. Các nhà chú giải đều đồng ý: Đức Giêsu biến hình tại một núi cao ở phía bắc nước Do Thái: Đa số cho là núi Tabor gần thành Nazareth hay là núi Hermon phía cực Bắc, nơi biên giới nước Do Thái, nhưng thực ra Tabor chỉ là một ngọn đồi, chứ không phải là núi, có lẽ là Hermon thì đúng hơn, nhưng không hiểu sao các nhà chú giải thiên về núi Tabor.
“Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết”.
Đức Giêsu tạm thời từ bỏ hình dạng bình thường của phàm nhân, để mang một hình dạng khác của Con Thiên Chúa. Y phục rực rỡ trắng tinh chiếu tỏa vinh quang thiên giới. Trong đoạn này, Matthêu cho thấy: Đức Giêsu, Đấng Mê-si-a đang ẩn mình, người Tôi Trung đau khổ của Thiên Chúa, giờ đây đã tỏ bày ra trước kỳ hạn về vinh quang phục sinh sau này.
Khi nhập thể và nhập thế, Đức Giêsu mang thêm bản tính nhân loại, như vậy nơi Ngài có hai bản tính: Bản tính Thiên Chúa, ta gọi là Thần tính và Bản tính nhân loại, ta gọi là Nhân tính, hai bản tính đó kết hợp chặt chẽ nơi Ngài.
Thần Tính của Đức Giêsu luôn hiện diện, nhưng hàng ngày, Thần Tính đó được che phủ qua tấm màn Nhân tính, Thần tính không biểu lộ ra bên ngoài, nên người ta chỉ thấy Đức Giêsu như một phàm nhân, giống chúng ta. Khi Đức Giêsu biến hình, là lúc Thần tính của Ngài được tỏ lộ, không còn bị nhân tính che phủ. Và đây là lần đầu tiên, ba môn đệ: Phêrô, Giacôbê, và Gioan chứng kiến tận mắt Thần tính của Đức Giêsu, cả ba người đều ngây ngất.
Nếu như trong phép lạ Fatima, mặt trời nhảy múa trên bầu trời và lao xuống trái đất, làm hàng vạn người chứng kiến phải hốt hoảng, lo sợ tận thế sắp xảy ra. Thì tại núi này, hôm nay một mặt trời thứ hai xuất hiện ngoài mặt trời đang có. Áo của Chúa Giêsu trắng như tuyết. Đó là lúc Thiên tính của Chúa Giêsu được tỏ lộ.
Ta không được chứng kiến tận mắt sự kiện hiển dung này. Nhưng sau này, khi chấm dứt cuộc sống trần gian, ta sẽ được chứng kiến Thiên tính của Chúa Giêsu như vậy, mà Phaolô nói: Ta thấy Ngài diện đối diện. Còn bây giờ ta chỉ thấy Chúa Giêsu cách lờ mờ qua con người bình thường đau khổ, đó là Người Tôi trung của Giavê.
“Và đây Môsê và Êlia hiện ra, và đàm đạo với Người”.
Tại sao lại có sự xuất hiện của Môsê và Êlia?
Chúa Giêsu từng ban giáo huấn của Ngài cho các môn đệ và luôn kèm theo một cụm từ: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7, 12). Có nghĩa những lời giáo huấn của Chúa Giêsu là bản đúc kết Luật Môsê và các lời tiên tri dạy.
Như vậy sự xuất hiện của Môsê và Êlia lúc này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng.
+ Môsê tượng trưng cho Lề Luật:
Đức Chúa ban Thập Giới (Mười Giới Răn) qua Môsê. Ông được coi là nền tảng của Lề Luật, và biến cố hôm nay chứng tỏ Lề Luật phải hướng về Đức Kitô để được nên trọn vẹn, hoàn hảo.
+ Êlia tượng trưng cho các Ngôn Sứ:
Tiên-tri Êlia được coi là ngôn sứ cao trọng nhất trong các ngôn sứ vì những lời rao giảng và uy quyền làm phép lạ, và biến cố hôm nay chứng tỏ các Ngôn Sứ phải hướng về Đức Kitô, để tìm thấy sự hoàn hảo của các lời tiên tri về Đấng Thiên Sai.
Cả 2 ông hiện diện khi Đức Giêsu biến hình trên núi Tabor, cũng hiện diện một cách rạng ngời, có nghĩa rằng: Tất cả Lề luật và lời các Ngôn Sứ tiên báo về Đấng Mesia phải được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, Đấng quy tụ tất cả mọi tâm hồn ở mọi nơi và mọi thời đại. Đức Giêsu là Tâm điểm, nơi hội ngộ của mọi tâm hồn được Cứu Độ.
Hai vị này đều leo núi để tiếp nhận mặc khải của Đức Chúa. Hai vị đều là nhân vật của thời Cánh chung. Cả hai đều bước vào thế giới bên kia cách bí nhiệm: Mô-sê thì bị chết ở miền đất Mô-áp trước khi dân vào chiếm Hứa Địa, nhưng không ai biết được mộ phần ông ở đâu (Đnl 34,6), còn Ê-li-a thì leo lên chiếc xe ngựa rực lửa bay về trời trong cơn gió lốc (2V 2,11).
Ở đoạn này, sự hiện diện của Mô-sê tượng trưng cho Lề Luật, và của Ê-li-a tượng trưng cho các Ngôn sứ. Điều này chứng minh có sự liên tục giữa Cựu Ước với Tân Ước. Nó cho thấy thời kỳ Cánh Chung và Cứu Độ đã khởi đầu.
“Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng, thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”
“Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm”
Vâng, với những ai đã được Chúa hiện diện trong đời mình, họ cũng vô cùng hạnh phúc, không còn gì đáng để họ bận tâm, theo đuổi. Mặc dù họ vẫn phải sống trong cuộc đời này, vẫn chu toàn bao trách nhiệm, nhưng khi có Chúa trong lòng, họ sẽ sống theo một cách khác, họ sẽ biết phân biệt cái gì là thực, cái gì là ảo; họ cũng phân biệt đâu là mục đích và đâu là phương tiện, không còn lẫn lộn được nữa.
Lạy Chúa! Xin cho con được bắt chước Thánh Phêrô để thưa với Chúa: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm”, cho dù chúng con đang gặp bao bất hạnh, đang bị đàn áp dã man bởi cường quyền, đang gánh chịu những căn bệnh hiểm nghèo, đang nằm liệt một chỗ và không thể làm gì cho mình, đang bị hiểu lầm, bị bỏ rơi, đơn độc trong một xã hội đầy xô bồ. Nhưng chúng con đã nhận ra bao hồng ân Chúa đã ban cho chúng con. Vâng như vậy là quá tốt cho chúng con rồi.
“Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”.
Lúc đó đang trong thời gian dân Ít-ra-en mừng Lễ Lều kéo dài 7 ngày. Trong các ngày này, họ phải đến ở tạm trong các lều trại làm bằng cành cây, để ôn lại công ơn Đức Chúa đã cứu Ít-ra-en khỏi cảnh nô lệ cho người Ai Cập và cha ông họ đã từng ở trong các lều trại nơi sa mạc (Lv 23,34.42-43). Ở đây, Phêrô xin dựng 3 lều trại nhằm kéo dài cuộc thần hiện mà ông đang chứng kiến.
Ông Phêrô có lý khi bày tỏ hạnh phúc được tham dự mạc khải cao quý này. Ông chỉ hơi ngây ngô lúc muốn xin làm ba lều. Chắc không phải vì đang sống trong tuần “Lễ Lều” của người Do Thái nên ông nghĩ đến điều đó. Ông chỉ muốn được ở mãi trong sự chiêm ngưỡng kia. Ông quên mất rằng mới chỉ có ba môn đệ được thấy. Còn cả nhân loại nữa chứ! Thiên Chúa muốn rằng tất cả chúng ta sẽ được đưa vào trong vinh quang của Người. Phêrô chỉ xin làm 3 cái lều, còn các ông ở đâu?
Thánh sử Marcô đã thêm vào một chi tiết hết sức thú vị. Marcô viết: “Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng” (Mc 9, 6)
“Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ”. Người ta gọi lúc đó là giây phút tột đỉnh. Nó là những giây phút ngắn ngủi quí báu chúng ta nhìn thấy những biến cố thông thường cách siêu thường. Nó là giây phút giống như là Thiên Chúa chiếu ánh sáng của Ngài vào những sự vật chung quanh chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy mình đang nhìn thấy một thế giới khác.
“Nếu Thầy ưng”.
Matthêu nhấn mạnh đến cụm từ này rất sâu sắc. Việc dựng 3 cái lều chỉ là ước muốn của ba môn đệ thôi. Phêrô muốn kéo dài giây phút này mãi mãi để tận hưởng. Chính từ “lều” đã nói lên ý muốn cắm dùi vĩnh viễn trên núi này.
Nhưng đó không phai là ý muốn của Chúa Giêsu, vì Ngài phải xuống khỏi núi này để lên một ngọn đồi khác, đó là Golgotha để tại đó Ngài chịu chết, đóng đinh vào thập giá.
Có lẽ Kitô hữu chúng ta cũng mang tâm trạng của Phêrô, ta cứ muốn ở mãi trên núi Tabor không chịu xuống. Nhưng ta phải bước theo Chúa để lên Golgotha của đời ta. Phải bước qua đau khổ mới đến vinh quang. Đừng chạy trốn đau khổ mà phải đối diện với nó để từ đó ta mới tìm được vinh quang.
“Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống, và hết sức sợ hãi”.
“Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”.
Đám mây diễn tả sự hiện diện của Đức Chúa, giống như trong thời xuất hành của dân Do Thái xưa (Xh 40,34-38).
Lời Chúa Cha công nhận Đức Giêsu là “Con” (Tv 2,7), giống như khi Người chịu phép Rửa tại sông Giođan (Mc 1,11). Đức Giêsu cũng được giới thiệu như một Ngôn Sứ mà mọi người phải nghe theo lời Người chỉ dạy.
Áng mây và tiếng nói cũng làm chứng Đức Giêsu là Thiên Chúa đến dạy bảo chúng ta. Phải, chúng ta hãy nghe lời Đức Giêsu Kitô để có ngày được đưa vào vinh hiển của Thiên Chúa, như các môn đệ trong cuộc biến hình hôm nay.
“Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống, và hết sức sợ hãi”.
Matthêu đã mô tả lại trạng thái của các môn đệ khi nghe tiếng Chúa Cha phán, các ông đã phải ngã xuống vì sợ hãi. Tiếng Chúa Cha đầy uy lực, làm cho con người phải khiếp sợ.
Nhưng tiếng Chúa nói trong lòng ta thì không như thế, rất êm dịu, ngọt ngào, nhưng lại thôi thúc ta mạnh mẽ tiến bước lên phía trước thực thi ý Ngài muốn, chứ không phải ngã quỵ.
“Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”
Cuộc biến hình, hiển dung đã kết thúc, Môsê và Êlia cũng không còn nữa. Chúa Giêsu đã trở về với con người bình thường với bản tính nhân loại.
Nếu trong cuộc biến hình, Chúa Giêsu tách biệt với các môn đệ, làm các môn đệ không dám đến gần, thì khi trở về với cương vị người Thầy, Chúa Giêsu lại: “Đến gần, động đến các ông”. Một cú chạm rất bình thường của tình Thầy – trò. Câu nói đầu tiên, Chúa Giêsu muốn trấn an các môn đệ: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Thầy đây mà, dù gì đi nữa, Ngài vẫn là Thầy của các ông, vậy có gì mà phải sợ.
Ba môn đệ đi từ tâm trạng này đến tâm trạng kia: từ hoảng sợ đến nỗi phải ngã xuống, nay lại được bình an và đứng vững.
“Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”
Đòi hỏi giữ kín “trước khi Con Người từ cõi chết sống lại” được gọi là “Bí Mật Thiên Sai”. Sở dĩ Đức Giêsu không muốn cho người ta biết Người là Đấng Thiên Sai vì cần có thời gian để Người giảng dạy dân Do Thái hiểu đúng về sứ mệnh Thiên Sai theo Ý Thiên Chúa của Người. Nếu nói sớm sự thật này sẽ làm cho dân Do thái đang bị tinh thần ái quốc cực đoan tác động, đang mong đợi một Ông Vua Thiên Sai theo nghĩa trần tục, sẽ hiểu lầm về sứ mệnh Thiên Sai của Đức Giêsu và sẽ gây bạo loạn, gây cớ cho quân Rô-ma đem quân đến tiêu diệt dân Do Thái nhỏ bé, sẽ bất lợi cho sứ mệnh Thiên Sai của Đức Giêsu. Cuộc biến hình biểu lộ Thiên tính của Đức Giêsu sẽ được các môn đệ chính thức công bố sau biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu, nghĩa là sau khi Người từ cõi chết sống lại.
“Từ cõi chết sống lại nghĩa là gì?” Các ông không hiểu hay không muốn hiểu. Có thể cả hai.
Cũng như Phêrô đã can trách Đức Giêsu đừng chấp nhận con đường cứu thế qua đau khổ thập giá theo ý Chúa Cha, còn các môn đệ khác đều không hiểu hay không muốn hiểu về con đường “Từ trong cõi chết sống lại” hoặc “Qua đau khổ vào vinh quang” đã được Đức Giêsu công bố trước cuộc biến hình (Mc 8,31).
Lạy Chúa là đấng Cứu Độ của con! Con xin được như Phêrô dựng lều, nhưng không phải để chiêm ngắm dung mạo hiển dung sáng láng, mà là để say mê vinh quang cứu độ Chúa dành cho con. Chính Chúa đã chủ động kêu mời con ở lại trong tình yêu xót thương của Người, không những chỉ trong ngày hôm nay mà còn trong suốt cuộc sống dương thế, và mãi mãi trong hạnh phúc Quê Trời mai sau. Amen.
(*) Tựa đề do BTT.GPBR đặt
CHÚA NHẬT LỄ HIỂN DUNG- NĂM A
BÀY TỎ VINH QUANG CỦA CHÚA (*)- Suy niệm Chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Vào Chúa Nhật hôm nay, toàn thể Giáo Hội tưởng niệm cách đặc biệt biến cố Biến Hình của Đức Giê-su. Trong công trình cứu độ loài người, ba biến cố: Biến Hình, Tử Nạn và Phục Sinh tạo thành một bức tranh bộ ba không thể tách rời nhau. Đấng đã cho các môn đệ chiêm ngưỡng vinh quang thần linh của Ngài trong biến cố Biến Hình, cũng là Đấng cho các môn đệ hiểu thấu nỗi xao xuyến tận mức của một phàm nhân trước viễn cảnh khổ nạn của Ngài trong vườn Ô-liu, đó cũng là Đấng đã chết như một phàm nhân và sống lại như một Thiên Chúa trong biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài. Vì thế, Đức Giê-su, thật sự là một con người và thật sự là một Thiên Chúa mới là Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta.
Đn 7: 9-10, 13-14
Bài Đọc I, trích từ sách Đa-ni-en, nhắc nhớ một thị kiến trong đó ngôn sứ Đa-ni-en mô tả một nhân vật thuộc thiên giới với tước hiệu “Con Người” đến trên mây trời để đón nhận vương quyền.
2Pr 1: 16-19
Bài Đọc II, trích từ thư thứ hai của thánh Phê-rô, trong đó thánh Tông Đồ Phê-rô nhắc lại rằng chính thánh nhân được tham dự vào biến cố Biến Hình và được chiêm ngưỡng vinh quang chói ngời của Đức Giê-su.
Mt 17: 1-9
Tin Mừng hôm nay tường thuật biến cố Biến Hình của Đức Giê-su theo Tin Mừng thánh Mát-thêu.
BÀI ĐỌC I (Đn 7: 9-10, 13-14)
Bản văn Đa-ni-en này chiếm lấy một vị thế rất quan trọng trong Tân Ước. Đức Giê-su nhiều lần quy chiếu đến và Ngài đã mượn ở nơi bản văn này tước hiệu “Con Người” để ẩn dấu mầu nhiệm con người của Ngài.
Sách Đa-ni-en được soạn thảo vào thế kỷ II tCn bởi một tác giả vô danh, ông tự xóa mình trước nhân vật chính của tác phẩm, tức là ngôn sứ Đa-ni-en, vị ngôn sứ sống vào thời lưu đày. Tác phẩm khai mạc văn thể khải huyền, nghĩa là “vén mở” những bí nhiệm ẩn kín. Vài bản văn của Ê-dê-ki-en, Giô-en và Da-ca-ri-a đã chuẩn bị cho văn thể này. Nguồn linh hứng của vị ngôn sứ được diễn tả qua những thị kiến, những giấc mơ, những ẩn dụ, những hình ảnh thần thoại mặc lấy những ý nghĩa mới.
Sứ điệp chan chứa niềm hy vọng:
Sứ điệp mà tác giả muốn chuyển giao là sứ điệp chan chứa niềm hy vọng. Đây là giờ phút nghiêm trọng, thời gian bách hại do vua Xy-ri là An-ti-ô-khô IV Ê-pi-phan-ni (175-164 tCn) phát động, ông muốn áp đặt trên dân Do thái những cúng tế ngoại giáo và dâng hiến Đền Thờ Giê-ru-sa-lem cho thần Zớt. Nhà Ma-ca-bê đã tổ chức cuộc phản kháng. Máu đã đổ; kỷ nguyên của những người tử vì đạo khởi sự.
Tuy nhiên, truyền thống gìn giữ kỷ niệm về một nhân vật tên là Đa-ni-en, mà trong suốt thời lưu đày tại Ba-by-lon ông đã đối đầu với kẻ áp bức (trong trường hợp này là vua Na-bu-cô-đô-no-so) và một mực trung thành với Đức Chúa. Như vậy, ông đưa ra một khuôn mẫu lý tưởng cho những ai can trường chịu đựng cơn bách hại của vua An-ti-ô-khô.
Tác giả còn khai triển xa hơn nữa; ông đọc thấy trong một mộng báo những dấu chỉ về cuộc sụp đổ của những đế quốc ngoại giáo và loan báo cuộc đăng quang “vương quốc của chư thánh Đấng Tối Cao”, được cai trị bởi một nhân vật huyền nhiệm dưới tước hiệu “Con Người”. Chính Thiên Chúa trao ban mọi quyền hành cho nhân vật huyền nhiệm này. Đây là chủ đề của chương 7 sách Đa-ni-en.
Phụng vụ trên thiên quốc:
“Tôi đang nhìn thì thấy đặt những chiếc ngai và một Đấng Lão Thành an tọa”.
Đấng Lão Thành chính là Thiên Chúa muôn năm trường cửu. Thật ra, hình ảnh thần thoại này đã được báo trước. Hình ảnh nổi tiếng nhất là về “Đấng Lão Thành của Đại Dương” trong những câu chuyện thần thoại Hy-lạp, đây là biểu tượng về yếu tố xưa nhất của vũ trụ, hiện hữu trước mọi loài, tức là nước nguyên thủy (dân Hy-lạp thường nói: “Đại dương là cha của muôn loài”).
“Áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người tựa lông chiên tinh tuyền”.
Trong sách Khải Huyền của mình, thánh Gioan mô tả Đức Ki-tô vinh quang theo cùng hình ảnh tương tự: “Đầu Người tóc trắng như len trắng, như tuyết; mắt Người như ngọn lửa hồng… Mặt Người tỏa sáng như mặt trời chói lọi” (Kh 1: 14-15).
“Ngàn ngàn hầu hạ Người, vạn vạn túc trực trước Thánh Nhan”.
Trong sách Khải Huyền của mình, thánh Gioan cũng mô tả tương tự: “Tôi thấy, và tôi nghe tiếng muôn vàn thiên thần ở chung quanh ngai.. Số các thiên thần có tới ức ức triệu triệu” (Kh 5: 11).
“Tòa bắt đầu xử, sổ sách được mở ra”.
Tác giả không cho biết những thẩm phán của phiên tòa này là ai. Hình ảnh về “sổ sách thiên giới” thuộc về một truyền thống rất cổ kính. Khi thì sách ghi lại những hành động thiện hay ác của con người, như “Đức Chúa đã để ý và Người đã nghe: một cuốn sổ được viết trước nhan Người, ghi tên những kẻ kính sợ Đức Chúa và tôn kính Danh Người” (Ml 3: 16; x. Lc 10: 20); khi thì sách ghi lại tên tuổi của những người được tuyển chọn cho “thế giới sắp đến”, như “Sổ sách đã mở sẵn; rồi một cuốn khác cũng đã mở ra: đó là Sổ Trường Sinh. Các người chết được xét xử tùy theo việc họ đã làm, chiếu theo những gì đã được ghe chép trong sổ sách” (Kh 20: 12).
Phong vương “Con Người”:
“Trong những thị kiến ban đêm, tôi mãi nhìn thì kìa: có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến”
Diễn ngữ “Con Người” được dịch sát từ “con của con người” là thành ngữ của người Do thái được dùng để chỉ “một phàm nhân mỏng dòn yếu đuối” đối diện với Thiên Chúa, Đấng vô cùng cao cả như được lập đi lập lại nhiều lần trong sách Ê-dê-ki-en, chẳng hạn như: “Hỡi con người (“con của loài người”), hãy đứng cho vững. Ta sắp nói với ngươi đây” (Ed 2: 1).
Tuy nhiên, trong thị kiến của sách Đa-ni-en, nhân vật này có nguồn gốc từ Thiên Chúa, vì “ngự giá mây trời mà đến”. Mây trời, theo biểu tượng Kinh Thánh, luôn luôn là dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa. Chính Đấng Lão Thành trao cho Ngài mọi quyền năng:
“Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người”.
Nếu những quyền năng của phàm nhân sẽ có ngày suy vong và biến mất, thì:
“Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong”.
Tất cả mọi sấm ngôn đều chứa đựng một viễn cảnh sắp xảy đến, đồng thời mở ra một viễn cảnh xa mà tác giả thoáng thấy.
Viễn cảnh sắp xảy đến:
Nếu đọc toàn bộ chương 7 này, chúng ta nhận ra nhân vật “Con Người” này vừa là một cá nhân vừa là một tập thể. Viễn cảnh nhị trùng này rất phù hợp với tâm thức Do thái. “Con Người” là vị thủ lãnh lý tưởng mà Dân Thiên Chúa hằng mong đợi, đồng thời chính là Dân Thiên Chúa. Những câu tiếp theo giải thích rõ điều này. Khi con thú thứ tư bị tiêu diệt vĩnh viễn, rồi sẽ có một cuộc xét xử, theo đó:
“Còn vương quốc với quyền thống trị cũng như địa vị cao cả của các vương quốc khắp thiên hạ sẽ được trao cho dân thánh của Đấng Tối Cao” (Đn 7: 27).
Với những tín hữu trung kiên trong thử thách, vị ngôn sứ loan báo cuộc giải thoát sắp đến và đảm bảo vinh quang dành cho những người tử vì đạo. “Con Người”, về phương diện tập thể, là Dân Ít-ra-en, được giải thoát, tìm lại nền độc lập và với tư cách là dân thánh nhận được quyền thống trị trên thế giới lương dân.
Viễn cảnh cánh chung:
Thị kiến của vị ngôn sứ không đề cập gì đến ngày tận thế. Tuy nhiên, những viễn cảnh cánh chung không bao giờ vắng bóng trong các sách khải huyền: đây là luật của văn thể khải huyền. Những biến cố, được loan báo như sắp xảy đến, được đưa vào trong bức tranh rộng lớn về thế giới đang đến. Những sách khải huyền Do thái sau sách Đa-ni-en quả thật đã lấy lại diễn ngữ “Con Người” mà ban cho một nhân vật vừa cá nhân hơn, vừa cánh chúng hơn; như sách Ê-nốc gần kề với kỷ nguyên Ki-tô giáo.
Khi nhận lấy cho mình tước hiệu “Con Người”, Đức Giê-su muốn nói rằng Ngài thuộc vào nhân loại – điều này cho phép Ngài mang lấy trên mình vận mệnh của nhân loại – đồng thời Ngài thuộc vào Thiên Chúa. Như vậy, Đức Giê-su khẳng định rằng Ngài bảo đảm cuộc chiến thắng tối hậu.
BÀI ĐỌC II (2Pr 1: 16-19)
Ngay từ đầu thư thứ hai, tác giả đã tự giới thiệu mình: “Tôi là Si-mê-ôn Phê-rô, tôi tớ và Tông Đồ của Đức Giê-su Ki-tô” (1: 1). Chắc chắn thư này chứa đựng những bút tích của chính thánh Phê-rô, như chính thánh nhân gợi lên cái chết sắp đến của mình: “Vì biết rằng sắp đến thời tôi phải bỏ lều này, như Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, cũng đã tỏ cho tôi biết” (1: 14); hay thánh nhân đưa ra những lời khuyên nhũ sau cùng, nhắc lại sự kiện thánh nhân được tham dự vào biến cố “Biến Hình”. Tuy thế, xem ra đúng hơn bức thư là một di cảo, được một trong các môn đệ của thánh nhân bổ sung sau khi thánh nhân đã qua đời để đương đầu với những hoàn cảnh mới. Như vậy những lời cảnh giác được lập lại chống lại bè ngộ đạo gợi ra ngày tháng xuất bản khá muộn thời.
Một chứng nhân về biến cố Biến Hình:
Đoạn trích thư hôm nay dâng hiến hai lợi ích. Lợi ích thứ nhất là nêu lên biến cố Biến Hình. Cuộc Biến Hình không là một câu chuyện thần thoại hoang đường, nhưng là một biến cố thực mà chính thánh Tông Đồ Phê-rô đã là một chứng nhân: “Chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người… Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người”. Như vậy, đức tin của người Ki-tô hữu có thể dựa vào lời chứng của các Tông Đồ.
Lời chứng của các ngôn sứ:
Lợi ích thứ hai của đoạn trích này là mối liên hệ mà vị tông đồ thiết lập giữa sức mạnh lời chứng của các tông đồ và sự chắc chắn lời chứng của các ngôn sứ. Chắc hẳn thánh Phê-rô nghĩ đến vinh quang của Con Người trong thị kiến của Đa-ni-en và đến vinh quang được hứa ban cho Người Tôi Trung đau khổ trong bản văn I-sai-a (Is 52: 13 và 53: 10-12). Thánh Tông Đồ Phê-rô khẳng định cách minh nhiên nhân vật được Kinh Thánh linh hứng. Thánh Phao-lô cũng khẳng định như thế trong thư thứ hai của thánh nhân gởi cho ông Ti-mô-thê: “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng” (2Tm 3: 16).
Như vậy đức tin Ki-tô giáo dựa niềm xác tín của mình trên lời chứng của các ngôn sứ – lời chứng này xác minh lời chứng của của các Tông Đồ. “Lời các ngôn sứ” này được sánh ví với “chiếc đen tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em”, nghĩa là cho đến ngày quang lâm của Đức Ki-tô. Sao Mai là tước hiệu thiên sai bắt nguồn từ sách Dân Số, theo đó vua Đa-vít được loan báo dưới dấu hiệu của một ngôi sao trong lời sấm của ông Bi-lơ-am:
“Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn nhưng chưa thấy nó kề bên; một vị sao xuất hiện từ Gia-cóp, một vương trượng trỗi dậy từ Ít-ra-en” (Ds 24: 17).
Tước hiệu “Sao Mai” này được đưa vào trong các sách khải huyền. Sách Khải Huyền của thánh Gioan nhắc lại điều này cách chính xác: “Chính Ta là Chồi Non và Dòng Dõi Đa-vít, là Sao Mai sáng ngời” (Kh 22: 16).
Thánh Phê-rô nội tâm hóa biểu tượng này: chính trong lòng mà ánh sáng của Chúa Ki-tô bừng lên; cuộc sống của người Ki-tô hữu rực rỡ ánh vinh quang của Đấng Phục Sinh, mà cuộc Biến Hình cho một thị kiến tiếp cận.
TIN MỪNG (Mt 17: 1-9)
Bài trình thuật biến cố Biến Hình là một trong những bài trình thuật Tin Mừng chất nặng mầu nhiệm nhất, nhưng cũng là một trong những bài trình thuật phong phú nhất về giáo huấn. Cả ba Tin Mừng Nhất lãm tường thuật biến cố Biến Hình nầy đều đặt vào trong bối cảnh vài ngày sau lời tuyên xưng đức tin của thánh Phê-rô và lời loan báo đầu tiên về cuộc Thương Khó của Đức Giê-su. Trước đó, Đức Giê-su đã thăm dò niềm tin các tông đồ của Ngài khi hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?”. Thánh Phê-rô đã thay mặt cho các môn đệ khi tuyên xưng: “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Nghĩ rằng giây phút đã đến để mặc khải Ngài là Đấng Ki-tô như thế nào, Đức Giê-su loan báo cuộc Thương Khó của Ngài. Tuy nhiên, lời loan báo này đã gặp phải sự phản kháng dữ dội của thánh Phê-rô, bởi vì thánh nhân không thể nào dung hòa được một viễn cảnh về Đấng Ki-tô chịu đau khổ như thế với lời tuyên xưng của thánh nhân về một Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Biến cố Biến Hình mang đến một câu trả lời. Chúa Giê-su nhận ra lời loan báo về cuộc Thương Khó của Ngài đã gây nên cơn choáng váng đối với các môn đệ của Ngài. Vì thế, như một cách thức giải tỏa sự kỳ chướng của thập giá, Đức Giê-su đã đem ba môn đệ lên núi cao và ở đó Ngài thay đổi hình dạng trước mắt các ông để cho các ông thấu hiểu rằng đau khổ và tử nạn là con đường cứu độ mà Ngài phải đi qua, nhưng đây không là một ngõ cụt mà là khai mở cuộc Phục Sinh vinh hiển. Vì thế, biến cố Biến Hình là tham dự trước cuộc Phục Sinh vinh quang.
Thời gian và nơi chốn (17: 1)
Bài trình thuật bắt đầu với thời điểm “Sáu ngày sau”. Thời điểm nầy, xét về phương diện văn chương, đóng vai trò chuyển tiếp vừa để nối kết với bài trình thuật đi trước, nhưng đồng thời vừa để dẫn vào bài trình thuật theo sau. “Sáu ngày sau” nghĩa là sáu ngày sau khi thánh Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16: 16) và sự phản kháng của thánh nhân trước lời loan báo cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Thầy đến nổi Chúa Giê-su tuyên bố với các môn đệ rằng con đường thập giá là điều kiện tất yếu của những ai muốn làm môn đệ Ngài. Bài trình thuật đi trước kết thúc với một lời nói bí nhiệm của Đức Giê-su: “Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị” (Mt 16: 28). Vì thế, đa số các Giáo Phụ và các nhà chú giải nhận thấy câu nói bí nhiệm nầy là lời loan báo trực tiếp đến biến cố Biến Hình, đặc biệt kiểu nói “trong số người có mặt ở đây” có thể nhắm đến ba môn đệ được tuyển chọn làm chứng nhân cho biến cố Biến Hình nầy. Thêm nữa, “Sáu ngày sau” xem ra quy chiếu đến Xh 24: 16: “Vinh quang Đức Chúa ngự trên núi Xi-nai và mây bao phủ núi sáu ngày. Đến ngày thứ bảy, từ giữa đám mây, Người gọi ông Mô-sê”. Chính ở trên núi cao nơi tách biệt nầy mà Đức Giê-su, Mô-sê mới, Đấng giải phóng dân mới của Ngài, dẫn ba môn đệ đặc tuyển lên núi cao để chứng kiến vinh quang của Ngài.
Cuộc Biến Hình chỉ có ba nhân chứng : “Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan đi theo mình”. Trước đây, cũng chính ba môn đệ nầy được Đức Giê-su cho phép chứng kiến việc Ngài phục sinh con gái ông Gia-ia (Mc 5 : 37); sau này, cũng chính ba môn đệ nầy được Đức Giê-su dẫn theo với Ngài vào trong vườn Ô-liu, ở đó họ sẽ là những nhân chứng về cơn hấp hối của Ngài (Mt 26 : 37). Trước đây, ở nơi việc Chúa Giê-su làm cho con gái của ông Gia-ia được sống lại, ba môn đệ nầy chứng kiến quyền năng của Ngài trên cả sự chết (Mc 5 : 37), giờ đây, ở nơi cuộc Biến Hình vinh hiển nầy, họ còn nghe Chúa Cha minh chứng về Đức Giê-su (Mt 17 : 5), để rồi sau nầy trong cuộc Khổ Nạn của Ngài, họ có đủ nghị lực chịu đựng và tin tưởng khi thấy Thầy mình phải chịu khổ hình.
Nếu trong cuộc Biến Hình này, ba môn đệ đặc tuyển này được diễm phúc chứng kiến giờ phút vinh quang của Thầy mình với tư cách là Con Thiên Chúa, thì trong vườn Ô-liu, chính cũng ba người môn đệ này cũng chứng kiến giờ phút bi thương của Thầy mình với tư cách là Đấng Mê-si-a mang thân phận của Người Tôi Tớ chịu đau khổ, cảm thấy kinh hoàng khiếp đảm trước cuộc Thương Khó và Tử Nạn của mình.
Việc thánh Phê-rô được dự phần vào biến cố Biến Hình rất quan trọng, bởi vì thánh nhân gặp thấy ở nơi biến cố này sự cũng cố cho lời tuyên xưng linh hứng của mình ở Xê-da-rê : “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16 : 16). Mặt khác, thánh nhân chứng kiến một Đức Giê-su vinh hiển thay thế cho hình ảnh về một Đấng Ki-tô chịu đau khổ mà theo quan điểm của thánh nhân, thánh nhân không thể nào chấp nhận được. Vị thủ lãnh của các Tông Đồ, sau nầy sẽ đảm nhận một công việc khó khăn là rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh giữa hai tên gian phi, thì lúc nầy chiêm ngưỡng Đức Giê-su vinh hiển, ở giữa hai nhân vật nổi tiếng nhất của lịch sử Ít-ra-en. Vì thế, cuộc Biến Hình là phản đề của đồi Sọ. Như vậy, niềm tin, trên đó tất cả niềm tin của Giáo Hội dựa vào, đặt nền móng ở nơi biến cố Biến Hình này.
Thánh Gio-an, người môn đệ trung tín sẽ theo bước chân của Thầy cho đến dưới chân thập giá để chiêm ngắm một thân thể bị bầm dập rách nát không còn hình tượng người của Đấng chịu đóng đinh trên khổ giá, chính thánh nhân sẽ viết trong Tựa Ngôn Tin Mừng của mình: “Chúng tôi đã thấy vinh quang của Ngài… Ngài là ánh sáng, ánh sáng thật… đầy tràn ân sủng và sự thật…”. Ẩn hiện ở nơi Tựa Ngôn nầy là bức tranh về biến cố Biến Hình. Còn thánh Gia-cô-bê là vị Tông Đồ đầu tiên chết vì niềm tin của mình.
Tại sao Đức Giê-su phải nhọc công dẫn các môn đệ đến nơi núi đồi hoang vắng này, chẳng những thế mà lại còn leo lên đến tận ngọn núi cao? Thánh Lu-ca hé mở cho chúng ta thấy câu trả lời : “Ngài lên núi để cầu nguyện” (Lc 9 : 29). Theo truyền thống Cựu Ước, “núi” là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và là nơi Thiên Chúa tỏ mình ra. Vì thế, việc núi không được nêu tên không phải là không có chủ ý, bởi vì, kiểu nói “trên ngọn núi cao” không thuộc trật tự địa dư nhưng tâm linh. Trong vài giây phút nữa, ngọn núi Ga-li-lê nầy sẽ mang dáng dấp ngọn núi Xi-nai, nơi các môn đệ chứng kiến cuộc biến hình vinh hiển của Đức Giê-su và cuộc thần hiển của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Chúa Giê-su bày tỏ vinh quang của Ngài (17: 2-3)
Thánh Lu-ca đặt biến cố Đức Giê-su biến đổi hình dạng: “Dung nhan Ngài chói lọi như mặt trời, và y phục Ngài trở nên trắng tinh như ánh sáng” vào trong mối tương quan tăng dần theo lời cầu nguyện của Chúa Giê-su với Cha Ngài: “Đang lúc Ngài cầu nguyện, dung mạo Ngài bổng đổi khác, y phục Ngài trở nên trắng tinh chói lòa” (Lc 9: 29). Còn thánh Mát-thêu thì mô tả Đức Giê-su bổng chốc thay hình đổi dạng thành một người rạng ngời vinh hiển. Biến cố Biến Hình nầy mặc khải rằng con người xác thịt của Ngài có mối liên hệ mật thiết với chính con người thần linh của Ngài, nghĩa là cái chết không có toàn quyền trên thân xác của Ngài; theo một cách nào đó, biến cố Biến Hình là một sự tham dự trước vinh quang Phục Sinh của Ngài.
Chính trên một ngọn núi (núi Xi-nai hay núi Khô-rếp) mà ông Mô-sê và ông Ê-li-a đã lần lượt gặp Thiên Chúa. Cũng chính trên một ngọn núi Ga-li-lê, “bỗng ba môn đệ thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Ngài”. Sự hiện diện của hai nhân vật siêu phàm này bảo lãnh tuyệt vời cho tước vị Ki-tô của Đức Giê-su, bởi vì ông Mô-sê đã loan báo rằng một vị ngôn sứ vĩ đại sẽ đến, lời của Đấng ấy sẽ là lời của chính Thiên Chúa (Đnl 18 : 18); còn ông Ê-li-a, theo truyền thống, phải tái lâm để chuẩn bị cho việc Đấng Ki-tô ngự đến. Hơn nữa, hai nhân vật nầy, hiện diện bên cạnh Đức Giê-su vinh hiển, không chỉ biểu tượng cho Lề Luật và Ngôn Sứ, nhưng còn là những người trung gian tuyệt mức của Giao-Ước. Như vậy, họ đại diện cho khởi điểm và đích điểm Lịch Sử Cứu Độ được thành tựu nơi Đức Giê-su. Vì thế, biến cố Biến Hình nhấn mạnh mối liên hệ giữa Cựu Ước và Tân Ước.
Bài trình thuật của thánh Lu-ca nói với chúng ta rằng hai ông Mô-sê và Ê-li-a đàm đạo với Đức Giê-su về “cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem” (Lc 9 : 31). Từ ngữ “xuất hành” nhắc nhớ đến cuộc hành trình gian khổ nhất của dân Ít-ra-en: ra khỏi đất Ai-cập và lang thang trong hoang địa suốt bốn mươi năm trường. Cuộc hành trình ấy đòi hỏi dân Thiên Chúa đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng dẫn đưa họ đến Đất Hứa. Với một niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, Đức Giê-su cũng dấn thân vào một cuộc hành trình gian khổ nhất, một cuộc hành trình dẫn Ngài đến thập giá, nhưng cũng là cuộc hành trình dẫn Ngài đến vinh quang.
Phản ứng của các môn đệ (17: 4)
Trong chương nầy, như trong những chương trước đây, thánh Mát-thêu nêu bật nhân vật Phê-rô. Trước đây, trong câu chuyện Chúa Giê-su đi trên mặt biển phong ba bão tố mà đến cứu giúp các ông, chỉ mình thánh Phê-rô lên tiếng xin được đi trên mặt biển mà đến với Thầy (Mt 14 : 28); trong câu chuyện Chúa Giê-su hỏi các ông Ngài là ai, chỉ mình ông Phê-rô tuyên xưng niềm tin vào Đức Giê-su ở Xê-da-rê, và chỉ mình ông đã bày tỏ nổi bất bình khi Thầy mình loan báo cuộc Tử Nạn. Trong câu chuyện nầy, thánh Phê-rô cũng là người duy nhất phản ứng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê và một cho ông Ê-li-a”. Vốn bản tính nhiệt thành, thẳng thắn, bộc trực, nghĩ sao thì nói vậy, thánh Phê-rô cảm thấy hạnh phúc đến độ ông không thể nén được niềm mong ước của mình là được kéo dài kinh nghiệm này luôn mãi nên đề nghị dựng ba lều: một cho Đức Giê-su, một cho ông Mô-sê và một cho ông Ê-li-a. Khi phát biểu ý kiến như vậy, thánh nhân không nghĩ gì đến mình và các bạn đồng môn của mình.
Tuy nhiên, có thể thánh nhân nghĩ đến ý nghĩa của ngày lễ Lều, ngày lễ tưởng niệm các chi tộc Ít-ra-en đã dựng lều trong hoang địa trước khi được định cư trong Đất Hứa. Trong nỗi mong chờ Thiên Chúa thực hiện Lời Hứa của Người là ban cho dân Đấng Ki-tô, Lễ Lều này cũng bày tỏ niềm mong đợi thời thiên sai. Theo truyền thống Do thái, vào thời sau hết, thời thiên sai, Thiên Chúa sẽ ở giữa dân Ngài (Ed 37 :27 ; Hs 12 : 10) trong lều vinh quang của Ngài, còn dân chúng sẽ dựng lều chung quanh Đấng Ki-tô của họ (Ga 1 : 14) và các dấu lạ thời Xuất Hành sẽ tái diễn. Vì thế, qua phản ứng nầy, có thể trong tiềm thức, thánh Phê-rô chứng nhận rằng mình luôn luôn tin vào sự đăng quang vinh hiển của Đấng Ki-tô. Khi đề nghị dựng ba lều, ông nghĩ rằng thời chung cuộc đã đến và cho rằng đã đến lúc thiết lập thiên đàng ở trên trái đất ngỏ hầu cuộc thần hiển trong một ngày sẽ kéo dài mãi mãi. Như chúng ta biết trước đây thánh nhân từ chối con đường khổ nạn mà Thầy mình đã loan báo, bây giờ thánh nhân không muốn xuống núi để được sống trong cảnh tượng vinh quang của Thầy. Thánh nhân muốn đạt đến vinh quang mà không phải qua con đường khổ nạn.
Chúa Cha mặc khải (17: 5-7)
“Ông Phê-rô còn đang nói, chợt có một đám mây sáng ngời bay đến phủ bóng trên các ông”. Biết bao lần trong Cựu Ước, đám mây sáng ngời vừa bày tỏ nhưng đồng thời che phủ sự hiện diện của Thiên Chúa trước mắt của phàm nhân; vì thế, đám mây sáng ngời là dấu chỉ sự hiện diện mầu nhiệm của Thiên Chúa khôn tả (Xh 40 : 34-35 ; 1V 8 : 10-12 ; Ed 10 : 3-4 ; Tv 18 : 12). Sự kiện đám mây sáng ngời bao phủ trên ba vị Tông Đồ chính là hiệp nhất họ với Đức Giê-su, liên kết họ nên một với mầu nhiệm của Ngài, trong mặc khải kín nhiệm mà họ không được hé lộ ra cho bất cứ ai trước khi Ngài sống lại, như Đức Giê-su truyền lệnh cho họ.
Một giọng nói vang lên như vào ngày Đức Giê-su chịu phép rửa trong dòng sông Gio-đan; tuy nhiên, ở đây không còn là “các tầng trời mở ra và Thần Khí ngự xuống trên Ngài”, nhưng “dung mạo Ngài chói lọi như mặt trời và y phục Ngài trở nên trắng tinh như ánh sáng”, nghĩa là, ở nơi con người Đức Giê-su Thực Tại Thiên Quốc, hay chính Thiên Chúa đích thân hiện diện. Qua lời giới thiệu này: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngài”, Chúa Cha công bố tước vị “Con Thiên Chúa” của Đức Giê-su không chỉ nhấn mạnh sự đặc tuyển, nhưng cũng nhắm đến tầm quan trọng của sứ điệp: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Huấn lệnh nầy xem ra nhắc nhớ lời hứa của Đức Chúa với dân Người qua ông Mô-sê: từ giữa họ, Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện một vị ngôn sứ vĩ đại như Mô-sê, Người sẽ đặt lời Người trên miệng của Đấng ấy, vì thế “Các ngươi hãy nghe vị ấy” (Đnl 18 : 15).
Thiên Chúa nói với mọi người nơi Đức Giê-su, Đấng vẫn tiếp tục nói trong mọi thời đại qua Giáo Hội của Ngài: “Giáo Hội không ngừng lắng nghe những lời của Ngài. Giáo Hội lập đi lập lại mãi. Với trọn tấm lòng mộ mến, Giáo Hội tái xây dựng từng chi tiết sự sống của Ngài. Những lời này cũng được những người không Ki-tô hữu lắng nghe. Sự sống của Chúa Ki-tô cũng nói cho nhiều người không có khả năng lập lại với thánh Phê-rô: ‘Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống’ (Mt 16: 16). Ngài, Con Thiên Chúa hằng sống, cũng nói cho dân chúng với Tư cách Phàm Nhân: chính sự sống của Ngài phát ngôn, nhân tính của Ngài, sự trung thành của Ngài với sự thật, tình yêu ôm trọn mọi người của Ngài. Ngoài ra, cái chết của Ngài trên thập giá lên tiếng – phải nói chiều sâu vô phương dò thấu của đau khổ và bỏ rơi. Giáo Hội không bao giờ ngừng sống lại cái chết của Ngài trên Thập Giá và sự phục sinh của Ngài, chúng cấu thành nội dung của cuộc sống hằng ngày của Giáo Hội… Giáo Hội sống mầu nhiệm này, rút ra không biết mệt từ đó và luôn mãi tìm kiếm những con đường mang mầu nhiệm này của Thầy và của Chúa đến nhân loại – đến mọi dân tộc, mọi quốc gia, những thế hệ kế tiếp, và mỗi một con người” (John Paul II, “Redemptor hominis”, 7).
“Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống mặt đất”: Đây là nỗi sợ hãi linh thánh mà phàm nhân cảm thấy khi diện kiến Thiên Chúa. “Đức Giê-su đến gần”: Động từ “đến gần” là một động từ thánh Mát-thêu rất tâm đắc, nhưng chỉ có hai lần được áp dụng cho Đức Giê-su: ở đây và ở 28: 16-18. Trong cả hai trường hợp, Đức Giê-su đến gần các môn đệ với mục đích là trợ giúp những kẻ đang sợ hãi hoặc hoài nghi.
Tin Mừng Mát-thêu đóng khung cuộc đời công khai của Đức Giê-su giữa hai ngọn núi. Khi chuẩn bị ra đi thi hành sứ vụ, chính trên “một ngọn núi rất cao” (4: 8) mà quỷ đã cám dỗ Đức Giê-su nhận quyền hành trên toàn thế giới từ tay nó: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi” (4: 9); nhưng Ngài đã dứt khoát từ chối. Khi kết thúc sứ mạng của Ngài và khởi đầu sứ mạng của các môn đệ, chính cũng trên “một ngọn núi” (28: 16) mà Đức Giê-su gặp gỡ nhóm Mười Hai lần cuối cùng trước khi từ giả các ông mà về trời. Cũng chính ngọn núi này Ngài tuyên bố: “Thầy đã được Thiên Chúa trao toàn quyền trên trời dưới đất” và sai phái các ông đi loan báo Tin Mừng “cho muôn dân”. Vì Ngài đã từ chối nhận mọi quyền hành từ tay quỷ dữ, nên giờ đây Ngài nhận được mọi quyền hành từ tay Thiên Chúa.
Giữa hai biến cố nêu trên, có một biến cố khác cũng xảy ra trên một ngọn núi cao: Đức Giê-su hiển lộ vinh quang thần linh của Ngài, báo trước cuộc khải hoàn Phục Sinh của Ngài. Biến cố này đã xảy ra sau khi Đức Giê-su gạt bỏ đề nghị của Xa-tan qua miệng thánh Phê-rô tìm cách ngăn cản Ngài đi theo con đường cứu độ đầy đau khổ của Thiên Chúa. Theo văn cảnh xa, có thể nói bản văn thuật lại biến cố Biến Hình vừa tóm tắt các chước cám dỗ vừa đón nhận trước cuộc diện kiến trên núi giữa Đấng Phục Sinh và các môn đệ. Chúng ta thấy ở đây có các yếu tố của hai tình trạng ấy của Đức Giê-su: giữa việc Con Thiên Chúa vinh quang và Đấng Ki-tô phải chịu đau khổ nổi bật lên như một gạch nối sự chọn lựa dứt khoát, thái độ cương quyết của Đức Giê-su là đi cho đến tận cùng thánh ý Chúa Cha. Điểm này được minh chứng theo văn cảnh gần: cuộc Biến Hình được đóng khung giữa hai lời loan báo về cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh (16: 21-23; 17: 22-23).
(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt
CHÚA NHẬT LỄ HIỂN DUNG- Năm A
ĐỨC CHÚA GIÊSU BIẾN HÌNH TRÊN NÚI- Chú giải của Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc,SJ
Ngọn núi cao (c. 1)
“Sáu ngày sau”, từ lúc Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” (16, 15) và mời gọi các môn đệ đón nhận Ngài vào cuộc đời của mình, bằng cách đi theo Ngài trên con đường Thập Giá: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (16, 24). Chúng ta có thể hình dung ra tâm trạng của các môn đệ trong sáu ngày qua.
Các tông đồ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan được chọn để đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Trong Kinh Thánh, núi là nơi Thiên Chúa tỏ hiện và con người đi lên núi để gặp gỡ Ngài. Núi có ý nghĩa như thế, vì đó là hình ảnh diễn tả việc giữ khoảng cách với những vấn đề của cuộc sống, vốn hay trói buộc con người, để có thể hướng về trời cao và những gì thuộc về trời cao. Chính vì thế, Đức Giêsu hay lên núi cầu nguyện, giảng ở trên núi (Bài Giảng Trên Núi trong Mt 5-7), và đặc biệt lần này, Ngài bày tỏ căn tính thần linh của Ngài trong tương quan với Thiên Chúa Cha và lịch sử cứu độ cũng ở trên núi, “một ngọn núi cao”.
Trong đời sống ơn gọi của chúng ta, chúng ta cũng được Chúa mời gọi, và phải nói mạnh hơn, được Chúa chọn, đi riêng ra một chỗ, tới “ngọn núi cao” biểu tượng, nghĩa là tới nơi Thiên Chúa tỏ hiện và ngỏ lời với chúng ta, để lắng nghe Lời của Ngài, để nhận ra ân huệ Ngài ban và cảm nếm được sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của chúng ta, qua đó, có thể ca tụng và tạ ơn Chúa, và cũng để xin Ngài chữa lành, soi sáng, thêm sức và tái tạo chúng ta, và có khi một cách đơn sơ, để ở với Ngài một cách nhưng không. Cuộc sống của chúng ta vốn đầy thách đố đủ loại, vì thế, chúng ta cần biết bao, cùng với Chúa, đi riêng ra một nơi, lên ngọn núi cao.
Thật ra, những lúc đi riêng ra một nơi với Chúa, vẫn được ban cho chúng ta đấy thôi, nhưng chúng ta lại thường không đón nhận cách quảng đại như một ơn huệ Chúa ban.
Đó là thời gian cầu nguyện cá nhân hằng ngày.
Đó là thời gian chúng ta dâng Thánh Lễ, đọc kinh Phụng Vụ, thời gian chúng ta cầu nguyện chung với nhau.
Đó là thời gian tĩnh tâm, tĩnh tâm tháng, tĩnh tâm năm hay những lúc chúng ta khao khát và sắp xếp được để sống cho và với một mình Chúa.
Ước gì trong những lúc “đi riêng ra một nơi” với Chúa, Chúa ban cho chúng ta có cùng kinh nghiệm thiêng liêng như các tông đồ, đó là cảm nếm căn tính chói ngời của Chúa, để có thể nói: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay!”.
Dung nhan Người chói lọi như mặt trời (c. 2-6)
Nhìn ngắm dung nhan chói lọi của Đức Giêsu
Chính lúc Đức Giêsu biến đổi hình dạng, là lúc có sự hiện diện của ông Mô-sê và ông Elia, tượng trưng cho lịch sử cứu độ. Chúng ta hãy lắng nghe các ngài đàm đạo. Theo thánh sử Lu-ca, các vị đàm đạo về cuộc Xuất Hành Người sẽ hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem (Lc 9, 31). Như thế, lịch sử cứu độ (Lề Luật và ngôn sứ) loan báo mầu nhiệm Vượt Qua và mầu nhiệm Vượt Qua hoàn tất lịch sử cứu độ. Mà lịch sử cứu độ là gì? Là lịch sử kể lại sự hiện diện, sự quan phòng và cách dẫn đưa của Thiên Chúa giầu lòng thương xót hành trình làm người của những cuộc đời, của một dân tộc, đầy thăng trầm và tội lỗi, bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ, không chỉ từ khởi đầu của dân tộc Israel, nhưng ngay từ khởi của loài người (x. St 3). Chúng ta hãy chiêm ngắm Đức Giêsu trở nên chói lọi như mặt trời, như bản văn Tin Mừng tường thuật: “Dung nhan người chói lọi như mặt trời, và y phục người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17, 2). Như thế, chính khi lịch sử cứu độ được hoàn tất nơi ngôi vị của Đức Giêsu, dung nhan của Ngài trở nên Mặt Trời, Mặt Trời ban ánh sáng, sức nóng và sự sống: “Chẳng có chi tránh được ánh dương nồng” (Tv 19, 7).
Dưới ánh sáng của lịch sử cứu độ được hiểu như trên, chúng ta được mời gọi đọc lại và nhận ra cuộc đời chúng ta cũng là một “lịch sử cứu độ”, như kinh nghiệm thiêng liêng của hai môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 24, 13-35), tuy đầy thăng trầm, tội lỗi và bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ, nhưng hướng tới Mầu Nhiệm Vượt Qua và được Mầu Nhiệm Vượt Qua hoàn tất, như thánh sử Gioan mong ước: “Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.” (Ga 20, 31). Chính khi nhận ra hành trình làm người và hành trình ơn gọi của chúng ta, quá khứ, hiện tại và tương lai của cuộc đời chúng ta hướng tới và được hoàn tất nơi ngôi vị của Đức Kitô, đó sẽ là lúc chúng ta sẽ có được kinh nghiệm chiêm ngắm Dung Nhan chói ngời của Đức Kitô.
Vậy, trên hành trình đi theo Đức Kitô trong ơn gọi gia đình và nhất là trong đời sống dâng hiến, chúng ta hãy ước ao và xin Chúa ban cho chúng ta kinh nghiệm thiêng liêng nền tảng này: Đức Kitô trở nên chói ngời trong cuộc đời và ơn gọi của chúng ta; và ước gì cuộc sống hằng ngày của chúng ta với những đòi hỏi của ơn gọi, là lời diễn tả tâm tình vui sướng: “Lạy Chúa, chúng con ở đây, thật là hay!” Bởi vì, ánh sáng chói lòa của Đức Giêsu trên đỉnh núi muốn nói cho chúng ta về kinh nghiệm niềm vui và hạnh phúc của lựa chọn cho đi sự sống của mình, đánh liều cuộc đời mình trong một ơn gọi, vì Đức Kitô và vì Tin Mừng, như chính Ngài đã nói sáu ngày trước (Mt 16, 24-26).
Nhìn ba môn đệ và nghe lời của ông Phê-rô
Chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của các môn đệ để hiểu hết lời nói này của ông Phê-rô: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều…”. Có người hiểu lời này của ông Phê-rô là: “rất may, có chúng con ở đây để phục vụ các Ngài…”. Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu, đó đơn giản là lời diễn tả “ơn an ủi thiêng liêng”, diễn tả niềm hạnh phúc khôn tả được chiêm ngắm vĩnh cửu; và ông Phê-rô muốn duy trì hạnh phúc này mãi mãi, bằng cách dựng lều cho các vị. “Lều” là biểu tượng của sự an nghỉ cánh chung. Và đối với ông Phê-rô, cánh chung là đây!
Chúng ta hãy ước ao có được kinh nghiệm này khi chiêm ngắm các mầu nhiệm của cuộc đời Đức Giêsu, và nhất là Cuộc Thương Khó của Ngài, vì có một lúc nào đó, Ngài sẽ trở lên chói ngời đối với chúng ta. Và chính với kinh nghiệm chiêm ngắm Đức Kitô chói ngời trong Tin Mừng và trong toàn bộ Kinh Thánh, chúng ta có thể nhận ra Chúa rạng ngời, ngay trong đời sống dâng hiến đầy thách đố của chúng ta.
Nhìn ngắm đám mây sáng ngời và lắng nghe Lời từ đám mây
Đám mây thần linh bao phủ các ông, là hình ảnh thật đẹp diễn tả tình yêu Thiên Chúa bao bọc, mời gọi con người đi vào trong kế hoạch cứu độ của Người. Hình ảnh đám mây còn diễn tả là điều Chúa Chúa muốn, đối lại với lòng ước ao “dựng lều” của ông Phê-rô. Bởi vì, khi ông còn đang nói, có đám mây sáng ngời bao phủ các ông. Đám mây là hình ảnh của sự di động, không thể làm chủ hay nắm bắt được, thay vì cố định, dễ làm chủ và nắm bắt như căn lều; và từ đám mây, Thiên Chúa Cha lên tiếng:
Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời người.
Như thế, chính khi chúng ta vâng nghe Đức Giêsu, và đi theo Ngài trên con đường Thập Giá, trong ơn gọi của chúng ta với tâm tình biết ơn và yêu mến, chúng ta sẽ có được niềm hạnh phúc thần linh của Thiên Chúa. Và khi đó chúng ta có thể nói: “Lạy Chúa, chúng con ở đây thật là hay !”
Nhìn ba môn đệ
Khi chiêm ngắm dung nhan rạng ngời của Đức Giêsu, ba môn đệ chìm ngập trong niềm vui. Nhưng khi nghe lời này từ đám mây: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”, thì các ông kinh hoàng. Chúng ta vừa chiêm ngắm và vừa tìm hiểu tại sao các môn đệ lại kinh hoàng, “ngã sấp mặt xuống”. Chúng ta cần lưu ý, lời của Chúa Cha nói về Đức Giêsu trong biến cố biến hình cũng là cùng một lời trong biến cố phép rửa (x. Mt 3, 17). Nhưng Người thêm một lời mời gọi đầy ý nghĩa, nhưng cũng thách đố nữa: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”.
«Chỗi dậy đi đừng sợ» (c. 7-8)
Chúng ta hãy nhìn ngắm và đọc ra ý nghĩa hình ảnh: Đức Giêsu lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ!” Trên đường đi theo Chúa, và trong mọi hoàn cảnh, kể cả hoàn cảnh tận căn nhất và tận cùng nhất, Chúa vừa đụng chạm đến chúng ta (chứ không phải chúng ta cố đụng chạm được Chúa) và vừa nói Lời Hằng Sống: “Hãy chỗi dậy, đừng sợ”.
Nhưng chính lúc ấy, các môn đệ lại phải trở về “bờ bên này” và lát nữa phải “xuống núi”, nghĩa là đời thường: “Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giêsu mà thôi.” Nhưng, trong tâm hồn các ông, Đức Giêsu mà các ông nhìn thấy, không còn là Đức Giêsu trước mầu nhiệm Biến Hình. Và sâu xa hơn, các ông được mời gọi vẫn nhận ra Dung Nhan Rạng Ngời của Người ngay trong lời nói và hành động hằng ngày của Người, và nhất là nơi mầu nhiệm Vượt Qua, và sau đó, trong chính cuộc đời của mình, với những thăng trầm, thách đố và khổ đau, nhưng được đảm nhận dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua.
ĐỨC GIÊSU BIẾN ĐỔI HÌNH DẠNG- Chú giải của Lm FX. Vũ Phan Long
Ngữ cảnh
Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều đặt câu truyện Hiển Dung vào cùng một chỗ, tiếp sau lời tuyên xưng của Phêrô (Mc 8,27-30; Mt 16,13-20; Lc 9,22) và những lời Đức Giêsu nói về số phận của môn đệ và vinh quang của Con Người (Mc 8,34–9,1; Mt 16,24-28; Lc 9,23-27).
Riêng Tin Mừng Matthew đóng khung cuộc đời công khai của Đức Giêsu giữa hai ngọn núi:
– Khi chuẩn bị ra đi thi hành sứ vụ: trên “một ngọn núi rất cao” (Mt 4,8), quỷ đã cám dỗ Đức Giêsu nhận quyền bính và quyền hành trên toàn thế giới từ tay nó: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi” (Mt 4,9). Nhưng Người đã dứt khoát từ chối.
– Khi kết thúc sứ mạng của Người và khởi đầu sứ mạng của các môn đệ, Đức Giêsu gặp Nhóm Mười Một “tại ngọn núi Người đã truyền cho các ông đến” (Mt 28,16). Tại đây Người tuyên bố là Người “đã được [Thiên Chúa] trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18) và dựa trên nền tảng này, Người sai phái các ông đi loan báo Tin Mừng “cho muôn dân”.
Vì Người đã từ chối nhận mọi quyền hành từ tay quỷ mà bây giờ Người nhận được mọi quyền hành từ tay Thiên Chúa.
– Giữa hai biến cố nêu trên, có một biến cố khác cũng xảy ra trên một ngọn núi cao: Đức Giêsu biến đổi hình dạng, Người có vinh quang Thiên Chúa: cuộc khải hoàn Phục Sinh đã được giới thiệu trước. Và biến cố này đã xảy ra sau khi Đức Giêsu gạt bỏ đề nghị của Satan qua miệng Phêrô là đừng đi theo đường lối của Chúa Cha.
Theo văn cảnh xa, có thể nói bản văn chứa đựng biến cố Hiển Dung vừa tóm lại các cám dỗ vừa đón trước cuộc diện kiến trên núi giữa Đấng Phục Sinh và các môn đệ; chúng ta thấy ở đây có các yếu tố của hai tình trạng ấy của Đức Giêsu: Con Thiên Chúa vinh quang và Đấng Messiah phải chịu đau khổ; nổi bật lên như một gạch nối là sự chọn lựa dứt khoát, thái độ cương quyết của Đức Giêsu để đi theo thánh ý Chúa Cha. Điểm này được minh chứng theo văn cảnh gần: cuộc Hiển Dung được đóng khung giữa hai lời loan báo về Khổ Nạn (Mt 16,21-23; 17,22-23).
Bố cục
Bản văn có thể chia thành phần:
– Mở (17,1);
– Thị kiến (17,2-8):
- a) Mở đầu: Đức Giêsu biến đổi hình dạng,
- b) Các tình huống: Moses và Elijah hiện ra đàm đạo; Phêrô đề nghị làm lều; tiếng Thiên Chúa phán,
- c) Kết: các môn đệ sợ hãi; Đức Giêsu trấn an; mọi sự trở lại như cũ;
– Kết (17,9).
Vài điểm chú giải
– Sáu ngày sau (1): Theo Xh 24,13-16, Thiên Chúa tỏ mình ra cho Moses trên núi Sinai sau sáu ngày; và theo Đnl 16,13-15, đay là ngày cuối cùng của Lễ Lều.
– Phêrô, Giacôbê và Gioan (1): Ba môn đệ này cũng lại được thấy xuất hiện tại khu vườn Gethsemane (Mt 26,37).
– Một ngọn núi cao (1): Một quả núi là biểu tượng cho nơi Thiên Chúa mạc khải. Ở đây hẳn quả núi này là một Sinai khác tại Galilee. Truyền thống vẫn cho rằng đây là núi Tabor, mà Tabor thật ra chỉ là một quả đồi. Nhưng hợp lý hơn, có lẽ là núi Carmel hay Hermon. Đặc biệt trong Tin Mừng Matthew, khi Đức Giêsu sắp làm một việc gì quan trọng, Người thường lên núi: cuộc cám dỗ xảy ra trên núi cao (Mt 4,8); các Mối Phúc được công bố trên núi (Mt 5,1); bánh được nhân ra nhiều trên núi (Mt 15,19); và Nhóm Mười Một gặp Đấng Phục Sinh trên một ngọn núi (Mt 28,16).
– Biến đổi hình dạng (metemorphòthé; 2): Sự cố biến đổi hình dạng (= sự hóa thân) này là điều rất quen thuộc đối với ngoại giáo. Có lẽ vì thế mà Luca đã tránh dùng từ ngữ này.
– Moses và Elijah (3): Đây là hai nhà linh thị trứ danh của Cựu Ước, cả hai đều có liên hệ với núi Sinai-Horeb. Moses thường được coi là đại diện cho Lề Luật và Elijah đại diện cho các Ngôn Sứ; nhưng có thể coi cả hai vị vừa là những nhà lập pháp vừa là những ngôn sứ. Và nói chung, các ngài đại diện cho thiên giới.
– Ba cái lều (4): Hẳn chi tiết này nhắc dến hoàn cảnh thực là Lễ Lều (sukkốt: Lv 23,42; Nkm 8,14-18).
– Đám mây sáng ngời bao phủ các ông (5): Đám mây là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Động từ episkiazein, “bao phủ; rợp bóng” là động từ cổ điển để lưu ý về sự hiện diện (Hipri: shekinah) của Đức Chúa (Yhwh) trong đời sống và trong các tình huống của dân Ngài (x. Xh 40,34-35; 1V 8,10-12; Ed 10,3-4; Tv 18,12).
– Tiếng từ đám mây phán (5): Trong Cựu Ước, “tiếng nói” thường xuất hiện trong các bài tường thuật về ơn gọi, chẳng hạn: St 12,1-3; 15,1; Xh 3,4; 19,16-24; 1Sm 3,4; Is 6,8; Gr 1,11;…
– Đây là Con yêu dấu của Ta (5): Câu này là một tổng hợp Tv 2,7; Is 42 và có lẽ cả St 22,2. Từ ngữ “con” trước tiên diễn tả quan hệ gia đình, rồi cũng có sắc thái thân tình, kết hợp và hiệp thông.
– Nghe vậy, các môn đệ rất đỗi sợ hãi (6): Matthew cho thấy là nỗi sợ hãi của họ là do nghe lệnh Thiên Chúa truyền, chứ không phải do thấy thị kiến (Marco).
– Đức Giêsu lại gần (7): Động từ proserchomai, “đi đến, đến gần”, là một động từ Matthew thích dùng (52 lần; 5 lần trong Marco và 10 lần trong Luca), nhưng chỉ có hai lần được áp dụng cho Đức Giêsu (ở 17,6-7 và 28,18 riêng của Matthew). Trong cả hai bản văn, Đức Giêsu đến gần các môn đệ với mục tiêu là trợ giúp những kẻ đang sợ hãi hoặc hoài nghi:
Mt 17,6-7 (6 Khi các môn đệ nghe vậy họ ngã sấp mặt xuống đất và hết sức kinh hoàng. 7 Bấy giờ Đức Giêsu lại gầnchạm vào các ông và bảo: “Trỗi dậy đi, đừng sợ”)
Mt 28,16-20 (16 Mười một môn đệ…17 Khi thấy Người,các ông bái lạy Người,nhưng có mấy ông hoài nghi.18 Đức Giêsu đến gầnnói với các ông:19 “…toàn quyền…”20 Thầy ở cùng anh em mọi ngày”)
– Thị kiến (9): Hoạt cảnh này vừa là “thị kiến” ([h]orama do động từ [h]oraô) kiểu khải huyền vừa là một cuộc thần hiển (có thể so sánh với các bản văn Khải Huyền: Đn 10,1-10 [Kh 1,13-15]; 12,4.9 và các yếu tố thần hiển trong: Xh 19,16; 24,15-16; 40,34-35). Từ ngữ mang tính khải huyền này hàm ý là nhìn thấy Đức Giêsu hiển vinh là một “thị kiến” được Thiên Chúa ban cho.
Ý nghĩa của bản văn
Bản văn chúng ta đọc hôm nay có phần khó hiểu. Nếu tác giả muốn kể cho chúng ta biêt về một biến cố đặc biệt xảy ra trong cuộc đời Đức Giêsu, thì hẳn là mọi sự sẽ đơn giản và rõ ràng; nhưng tác giả lại đi xa hơn việc cung cấp thông tin. Ngài muốn nói cho chúng ta biết Đức Giêsu là ai, và ngài đã dùng một ngôn ngữ đầy hình ảnh và biểu tượng dễ hiểu và rõ ràng cho người thời đại ngài, nhưng lại khó cho chúng ta hôm nay.
* Mở (1)
Chi tiết xác định thời gian “sáu ngày sau” muốn nói là sau chuyện gì? Tại sao tác giả lại ghi nhớ một chi tiết không đáng kể như vậy? Và làm sao ngài có thể còn nhớ được chi tiết này 50 năm sau, khi bắt đầu viết?
Tại sao Đức Giêsu chỉ đưa ba môn đệ đi với Người? Tại sao Người lên một ngọn núi?
Chi tiết “sáu ngày sau” hẳn là muốn đưa độc giả về với Xh 24,16, trong đó kể rằng “sau sáu ngày”, mây bao phủ quả núi và đến ngày thứ bảy, Thiên Chúa gọi Moses. Tác giả hướng độc giả chú ý vào một kinh nghiệm siêu nhiên. Nơi ấy hẳn là vắng vẻ, bởi vì Đức Giêsu đưa các môn đệ “đi riêng với mình, lên một ngọn núi cao”, bởi vì theo một cái khung quen thuộc theo linh đạo Kinh Thánh, người ta không thể có kinh nghiệm về Thiên Chúa (Đức Kitô) trong sự hỗn độn và ồn ào náo nhiệt. Đức Giêsu chính là vị hướng dẫn đoàn dân mới, được đại diện bởi ba môn đệ.
* Thị kiến (2-8)
Sau phần mở, tác giả giới thiệu Đức Giêsu vinh quang, bằng cách vận dụng các yếu tố quen thuộc của những thị kiến khải huyền (ánh sáng mặt trời, y phục trắng tinh). Sau này, khi mô tả trang phục của vị sứ thần báo tin Phục Sinh, tác giả Matthew cũng cho thấy các yếu tố này (Mt 28,3-4). Họi Thánh gọi cuộc Phục Sinh là một sự “biến hóa; biến thái” (metamorphein) để cho thấy sự thay đổi xảy ra nơi nhân tính Đức Giêsu. Từ ngữ này dị nghĩa vì có thể làm chúng ta nghĩ đến sự hóa trang của các thần linh Hy Lạp, cho dù đây là một dữ kiện không được các Kitô hữu Siri và Paléttina biết đến. Từ ngữ này cũng hời hợt nữa, vì không phác họa được tất cả mầu nhiệm Phục Sinh mà các tác giả Tin Mừng còn gọi là “sự tái sinh”, “sự công chính hóa”. Ánh sáng, màu sắc, sự “biến hóa” nơi bản thân Đức Giêsu, tất cả cho thấy rằng Người là một nhân vật thuộc thế giới khác, là “Con Người” mặc lấy uy quyền và vinh quang (x. Đn 7,13-14). Đây là một thị kiến về Đức Kitô trong vinh quang tương lai của Đấng Phục Sinh.
Đức Kitô biến đổi hình dạng (và phục sinh) là đích điểm của Lề Luật và các Ngôn Sứ (x. Mt 5,17). Sự xuất hiện của Moses và Elijah (ngược lại với Mc 9,4) cho thấy các niềm chờ mong của dân Israel, các lời hứa thiên sai, nay đã nên hiện thực nơi bản thân Đức Giêsu (x. Lc 24,27; Rm 3,21). Chúng ta không được biết là hai ngài đàm đạo với Đức Giêsu về chuyện gì, nhưng dựa theo Lc 9,31, các ngài nói về “cuộc xuất hành” Đức Giêsu sắp hoàn thành tại Jerusalem, thì hẳn là các ngài trao đổi cuộc Khổ Nạn Đức Giêsu sắp đi vào. Moses và Elijah tượng trưng cho truyền thống Cựu Ước mà Đức Giêsu đến để hoàn tất (Mt 5,17). Khi chỉ một mình ngài ghi nhận là “dung nhan Người chói lọi như mặt trời”, hẳn là tác giả Matthew muốn ám chỉ Đức Giêsu là Moses mới, còn Moses ngày xưa chỉ có “da mặt sáng chói” mà thôi (x. Xh 34,30).
Phản ứng của Phêrô khi đề nghị dựng ba cái lều lại nêu bật một lần nữa sự tương phản giữa các khát vọng của loài người và kế hoạch của Thiên Chúa. Mới trước đây ít lâu, ông đã lấy lòng thành mà ngăn cản Đức Giêsu đi lên Jerusalem, và đã bị Đức Giêsu mắng là “Satan”. Nay khi đề nghị dựng ba lều, ông đã hiểu sai ý nghĩa của quang cảnh nên đã tìm cách hưởng lấy chiến thắng vinh quang mình không đáng hưởng. Cả ở đây cũng vậy, Phêrô là đại diện cho “thịt và máu” (Mt 16,17), tức người không suy nghĩ theo Thiên Chúa, nhưng theo cách của loài người (Mt 16,23), nên lại ngáng trở thay vì cộng tác với Thiên Chúa. Lần này, không phải là Đức Giêsu mắng Phêrô là “người kém tin” (Mt 14,31) hoặc là liên minh Satan (Mt 16,23), nhưng chính Chúa Cha can thiệp để điều chỉnh các ước vọng và quan niệm của ông. Đám mây sáng ngời bao phủ cả các tông đồ. Như thế, các ông đã được tiếp xúc với chính vinh quang huy hoàng của Thiên Chúa, để được đón nhận một sứ điệp trực tiếp từ Thiên Chúa. Khi Chúa Cha giới thiệu Con của Ngài, lời lẽ của Ngài không còn dè giữ, không giới hạn nữa (x. Mt 11,25-27). Lời giới thiệu Đức Kitô (Phục Sinh) là một tổng hợp giữa các “bản văn thiên sai” (Tv 2,7 và Is 42,1). Cũng như tại phép rửa, “tiếng nói” từ trời làm sáng tỏ và xác nhận cả sứ mạng lẫn ơn gọi của Đức Giêsu. Phêrô đã muốn xóa đi một phần chương trình thiên sai; Chúa Cha đến nhắc rằng chương trình này không phải là một công trình của loài người, nhưng là một kế hoạch của Ngài. Chính Ngài đã phác ra cho Đức Giêsu con đường phải theo (người tôi tớ đau khổ chứ không phải là một vị vua thuộc dòng dõi David).
Tác giả hoàn tất khung cảnh với những yếu tố thuộc quy ước: ngã xuống đất, sợ hãi, im lặng. Đây là những mẹo văn chương mà các tác giả văn chương khải huyền thường dùng để diễn tả một kinh nghiệm siêu phàm đang xảy ra. Đức Giêsu can thiệp như vai trò thiên thần trấn an. Các lời “Đừng sợ” thường được nói lên trong các thị kiến tương tự (x. Đn 8,16-17; 10,9-12.16-19; Kh 1,17; Lc 1,12-13.29-30).
Câu cuối của hoạt cảnh có một tầm mức biện giáo và Kitô học. Sau khi “hóa thân”, Đức Giêsu trở lại với tình trạng bình thường. Từ nay, “chỉ còn một mình Đức Giêsu mà thôi”, bởi vì Người là phát ngôn nhân duy nhất của Thiên Chúa, mà loài người phải quy chiếu về và quy phục. Lời nhắc này được gửi đến mọi người, nhưng đặc biệt được gửi đến những người còn tin vào Moses và chờ đợi Elijah trở lại (x. Mt 17,10).
* Kết (9)
Từ trên núi xuống, lời nhắc “giữ bí mật” xác nhận rằng bản văn này song song với các mạc khải kiểu khải huyền (x. Đn 12,9) và gợi lại các tình huống phức tạp (chính trị–ái quốc) mà các lời loan báo về Đấng Messiah đã và sẽ gặp. Lời xác định “cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy” cho thấy con đường đúng để hiểu được ý nghĩa bài tường thuật này. Thực tại của Đức Giêsu chỉ sẽ nên sáng tỏ và ta chỉ sẽ hiểu được dưới ánh sáng của cuộc Phục Sinh của Người.
+ Kết luận
Cuộc Hiển Dung là cuộc tôn vinh được sống trước của Đức Giêsu. Người đã xuất hiện trong tất cả những phẩm tính của Người: Con Người, tôi trung của Đức Chúa, Messiah, Con Thiên Chúa, và với tất cả các liên hệ của Người trong lịch sử cứu độ. Cuộc Hiển Dung vừa tăng cường uy tín cho sứ mạng của Đức Giêsu vừa củng cố quyền bính của các tông đồ. Nếu quyền hành của Phêrô (16,18) và của Nhóm Mười Hai (Mt 18,18) lên tới trời là bởi vì ở dưới thế này, Đức Kitô đã đăng quang, nhằm xác nhận các quyết định của các ông.
Gợi ý suy niệm
– Muốn có một kinh nghiệm nào đó về Thiên Chúa, muốn gặp gỡ Ngài, nhất thiết chúng ta phải ra khỏi đời sống thường ngày xô bồ náo nhiệt và được chính Ngài dẫn dắt. Người ta vẫn nói rằng có thể và phải gặp Thiên Chúa giữa lòng cuộc sống này. Điều này không sai, và còn cần thiết cho chúng ta là những người thường xuyên sống và dấn thân giữa lòng xã hội với những vấn đề và biết bao cuộc gặp gỡ với người khác. Nhưng để có thể gặp Chúa trong cuộc đời và cộng tác với Ngài, chúng ta đã phải thường xuyên gặp Ngài trong nơi cô tịch, trong thinh lặng, riêng tư: chúng ta đã thường xuyên được Ngài bao phủ “trong đám mây sáng chói”.
– Phêrô đã thưa với Đức Giêsu: “Lạy Ngài (= Chúa)”, nhưng rất có thể theo nghĩa là đế vương, vị thống lãnh, hơn là Messiah vinh quang. Đức Kitô mà Chúa Cha (và hôm nay, Hội Thánh) giới thiệu là Chúa Tể, nhưng đặc biệt là ngôn sứ, là nhà lập pháp được ủy nhiệm của thời đại mới, Đấng mà loài người phải lắng nghe, nghĩa là vâng phục. Quan niệm của Phêrô không do Thiên Chúa hướng dẫn, nên sai lạc; các đề nghị của Chúa Cha, trong đó có hàm chứa cả những lời loan báo về số phận cuối cùng, trần thế và thiên quốc, của Đức Kitô, mới là những đề nghị đúng đắn mà loài người phải đón nhận.
– Tất cả những gì Israel vẫn ước mong nay đã trở thành hiện thực. Điều mới mẻ là nhân vật được biến đổi hình dạng. Người không từ trời xuống đất, mà chính là trời xuống với đất. Người không nói, mà chính tiếng nói từ trời lên tiếng. Cuối cùng, điều chính yếu là kể từ nay, Đấng mà ta phải lắng nghe (vâng phục) không còn phải là Đức Chúa (Yhwh) mà là Đức Giêsu, Đấng đang ở đó. Con người này là Đấng mạc khải, là chính Đức Chúa.
– Sự biến hình Thánh Thể của Chúa Giêsu đối với Người hệ tại không phải là tỏ vinh quang của Người ra bên ngoài, nhưng là che giấu vinh quang ấy đi dưới những hình bí tích. Tuy nhiên, vì đã trung thành lắng nghe lời của Con yêu dấu để được Người dạy dỗ về mầu nhiệm này, chúng ta nhạn ra Người đang hiện diện dưới dạng bánh thánh và Phêrô có thể kêu lên: “Lạy Chúa, ở đây thật là hay!”. Sau đó, cần có can đảm mà phụng sự Người trong nếp sống khiêm tốn mỗi ngày.
– Hội Thánh đang dấn thân thi hành sứ mạng Đức Giêsu đã giao phó cho Nhóm Mười Một trên núi (x. Mt 28,16-20). Để có thể tiếp tục chu toàn sứ mạng, Hội Thánh luôn nhớ bài học Đức Giêsu để lại trên núi kia, khi Người từ chối các gợi ý của Satan, cũng như lời giới thiệu của Chúa Cha trên núi nọ, khi Người giới thiệu Đức Giêsu là Con yêu dấu của Người, là điển hình cho chúng ta, là Đấng sẽ ban cho chúng ta những giáo huấn giúp chúng ta trở thành gia đình đích thực của Thiên Chúa.
CHÚA NHẬT LỄ HIỂN DUNG- NĂM A
ĐỈNH CAO HÔM NAY- ĐỈNH CAO NGÀY MAI- Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật
Bên kia những thực tại hữu hình
Bản văn của thánh Mát-thêu trình bày một kinh nghiệm thần bí vượt trên những thực tại hữu hình, qua những con người và biểu tượng. Bản văn là một mặc khải về một mầu nhiệm: căn tính của Đức Giêsu.
Nơi chốn: “một nơi riêng”, “một ngọn núi cao”. Đây không phải là một địa điểm cụ thể về địa dư. Có thể lấy làm tiếc vì một truyền thống muôn thời đã muốn xác định về một nơi rõ ràng, bởi vì việc Tin Mừng không nói rõ nơi chốn có thể có nghĩa là mặc khải này sẽ xảy ra ở mọi nơi.
Đàng khác, “ngọn núi cao” luôn luôn là một nơi đặc biệt; tại đó đất dường như nối liền với trời, và cũng tại đó, con người vừa cảm nghiệm được sự bé nhỏ của mình, đổng thời vừa muốn vươn mình tới những chiều kích bao la của vũ trụ.
Thời gian: đã được xác định rõ là 6 ngày sau khi Đức Giêsu báo trước cho các Tông Đổ về cuộc Khổ Nạn. Tuy nhiên, cuộc Hiển Dung còn có ý nghĩa lớn lao hơn: nối kết giữa quá khứ (Môsê + Êlia) và tương lai (Đức Kitô phục sinh). Đây là một thời gian vượt-thời-gian.
Các nhân vật: thái độ của các môn đệ (theo Đức Giêsu, muốn ở lại, sự kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất) cho thấy một sự đảo lộn, một ý thức do một nhận biết không thể diễn tả nổi về thực tại nơi Đức Kitô. Con đường này trở thành con đường của các môn đệ sau khi Đức Kitô phục sinh, đổng thời cũng là con đường của tất cả mọi Kitô hữu.
Một bức tranh để chiêm ngắm
Việc Đức Giêsu biến đổi hình dạng không phải chỉ là một trình thuật để nghe, nhưng còn là một bức tranh để chiêm ngắm, tựa như hình ảnh ngắn ngủi về một thế giới thần thiêng và bí nhiệm, rất gần gũi mà cũng rất xa xăm. Trên dung nhan của con người đang bị bóng tối tử thần đe dọa, đã bừng lên ánh sáng chói lòa của ngày Phục Sinh.
Biến cố Hiển Dung xảy ra sau khi Đức Giêsu báo trước cuộc Khổ Nạn của Người cũng như việc dự phần của các môn đệ: biến cố này nhằm củng cố lòng tin của ba vị tông đổ sẽ có mặt vào những giờ phút cuối cùng của Đức Giêsu tại vườn cây Dầu (Mc 14,33). Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên ba vị này được “đi riêng” với Đức Giêsu; ba vị đã từng được chứng kiến việc Đức Giêsu làm cho con gái ông trưởng hội đường sống lại (Mc 5,37).
Tuy vậy, sự kiện này còn có ý nghĩa quan trọng hơn với mỗi vị. Trước hết, với Phêrô, người sẽ được trao quyền lãnh đạo Giáo Hội: từ đây, ông sẽ phải học ý nghĩa đau khổ theo Thiên Chúa và thay thế tư tưởng nhân loại bằng tư tưởng thần linh. Thứ đến, với Gia-cô-bê, vị tử đạo tiên khởi: ông sẽ hân hoan đỗ máu để làm chứng vì ông đã tận mắt nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa. Cuối cùng, với Gio-an, người môn đệ được Đức Giêsu yêu dấu: ông sẽ phải học biết rằng, đau khổ là bằng chứng của tình yêu.
Như vậy, ba vị cột trụ trong sinh hoạt của Giáo Hội thời đầu, nhờ kinh nghiệm sâu xa về vinh quang Thiên Chúa, sẽ làm chứng một cách sống động về Đức Giêsu, Đấng đã đi qua con đường đau khổ để bày tỏ lòng yêu mến và đem lại ơn cứu độ.
Thình lình, các ông đã được chứng kiến Đức Giêsu biến đổi hình dạng. Tác giả đã dùng thuật ngữ khải huyền để mô tả vinh quang Thiên Chúa xuất hiện trên dung nhan Đức Giêsu. Điều đáng nói ở đây là ánh sáng vinh quang mà các môn đệ nhìn thấy nơi Đức Kitô, không phải là điều gì đến từ bên ngoài, nhưng là sự biểu lộ bình thường của vẻ đẹp vẫn gắn liền với “Đấng từ trời xuống”. Do đó, điều gây ngạc nhiên không phải là ánh sáng rạng ngời đó đã bao phủ Đức Giêsu trong chốc lát, nhưng là sự che giấu ánh sáng đó trong những lúc khác. Như vậy, Đức Giêsu đã che giấu vinh quang của Người, và giờ đây, trong một khoảng thời gian ngắn, Người rời bỏ nhân tính để con người có thể chiêm ngắm vinh quang của Người; và nhờ đó, họ nhận ra căn tính đích thực của Đức Giêsu: Con Thiên Chúa.
Đang khi Đức Giêsu bày tỏ Thiên tính của Người, thì Môsê, vị anh hùng của Lề Luật, và Êlia, thủ lãnh các ngôn sứ, đã đến đàm đạo với Người. Sự hiện diện của hai chứng nhân thời Cựu Ước cho thấy tính siêu việt của thời đại cuối cùng, đổng thời loan báo Vị Ngôn Sứ thiên hạ vẫn mong chờ, nay đã xuất hiện.
Ngoài ra, nội dung cuộc đàm đạo giữa Đức Giêsu với Môsê và Êlia không phải là những điều Người đã giảng dạy, nhưng là cuộc Khổ Nạn của Người. Đó chính là nhiệm vụ của Người, Đấng hoàn tất Lề Luật và lời loan báo của các Ngôn sứ. Việc loan báo đã kết thúc, và Đấng phải đến đã đến để thực hiện công cuộc cứu độ.
Cuối cùng, sự hiện diện của Chúa Cha qua đám mây và tiếng nói là một xác nhận rõ ràng và dứt khoát về sứ mệnh của Đức Giêsu.
Ở đây, cũng như trong biến cố phép Rửa, vẫn là sự giới thiệu sâu sắc về Đấng phải đến để thực hiện lời hứa của Thiên Chúa dành cho dân Người. Lời giới thiệu này cho thấy mối hiệp thông sâu xa và bất khả phân ly giữa Chúa Cha và Chúa Con. Tuy thế, lời giới thiệu trong biến cố Hiển Dung còn thêm lệnh truyền “hãy vâng nghe lời Người”. Hãy nghe lời Đức Kitô, hãy đón nhận tất cả những gì Người sẽ thực hiện, cả vinh quang và đau khổ, cả sức mạnh lẫn yếu đuối, cả sự chết lẫn sự phục sinh. Đó là ơn cứu độ.
Hãy rời ngọn núi, tiếp tục con đường
Một tuần lễ trước khi xảy ra biến cố này, Phêrô đã thử tìm một con đường dẫn đến vinh quang mà không có Thập giá. Giờ đây, ông nghĩ rằng việc Hiển Dung có thể là con đường tắt để thực hiện ơn cứu độ. Ông hiểu đôi chút về điều đang xảy ra, có một cái gì đó rất lớn lao, và một lần nữa, ông cố gắng thuyết phục Đức Giêsu đừng đi Giêrusalem, bằng cách xin dựng lều ở trên núi này. Với Đức Giêsu, vinh quang hôm nay chỉ là chốc lát, chỉ là khởi đầu, chỉ là lời báo trước cho vinh quang vĩnh cửu sau cuộc Khổ Nạn. Còn với Phêrô, đây là vinh quang của ơn cứu độ, và ông phải dấn mình vào: ông tưởng rằng không cần có thập giá vẫn có vinh quang. Mãi đến sau này, sau biến cố Phục Sinh, ông mới hiểu rõ và thuật lại toàn bộ sự kiện (xem 2 Pr 1,16-20).
Bởi vậy, trước khi đạt đến vinh quang đích thực, Đức Giêsu phải rời ngọn núi để tiếp tục con đường lên Giêrusalem. Ngài còn phải đến vườn cây Dầu, còn phải lên đồi Gôn-gô-tha. Mặc dù bóng tối của đổi Gôn-gô-tha có che khuất khuôn mặt vinh quang, như là chẳng còn nhìn thấy gì, chẳng còn chi hi vọng; nhưng điều đó chỉ xảy ra trong giây lát, trong một thời gian ngắn. Ánh sáng đã một lần bừng lên thì không phải là điều ảo tưởng, điều đã xảy ra trên núi không phải là giấc mơ. Biến cố Phục Sinh sẽ cho thấy rằng sự sống có thể nảy sinh từ sự chết.
Biến cố Hiển Dung của Đức Giêsu thực là một kinh nghiệm cho tất cả những ai muốn cùng được tham dự vào vinh quang của Người: Chính kinh nghiệm này là chìa khóa, là sức mạnh giúp chúng ta dám chấp nhận những hi sinh, những từ bỏ để càng lúc càng gắn bó hơn với Đức Kitô. Biến cố này thực là một cuộc xuất hành tiến về Đất Hứa, xuyên qua những thử thách. Ai không chấp nhận xuất hành, không cùng đi với Đức Giêsu trên con đường lên Giêrusalem, người ấy sẽ không được tham dự vào vinh quang vĩnh cửu. Mỗi người sẽ có thể có một kinh nghiệm nào đó về Đức Giêsu, nhưng đó chưa phải là tất cả. Đỉnh cao này còn chờ một đỉnh cao nữa.
CHÚA NHẬT LỄ HIỂN DUNG- NĂM A
CON YÊU DẤU- Lm Giuse Trần Việt Hùng
Mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể đã được tỏa sáng trên đỉnh núi. Chúa Giêsu biến hình, mặt Người chiếu sáng như mặt trời. Chúa Giêsu tỏ mình: Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian.”(Ga. 9,5). Đây là hình ảnh Con Thiên Chúa thật. Thánh Matthêo đã diễn tả sự biến hình một cách ngắn gọn nhưng đã nói lên được ý nghĩa và sứ mệnh cứu độ của Chúa Giêsu. Từ khi Chúa Giêsu hạ sinh làm người, Chúa đã xuất hiện trước công chúng một cách âm thầm như mọi người trong tất cả mọi sinh hoạt. Chúa chấp nhận sự phát triển tiệm tiến trong thời gian và không gian tự nhiên.Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Hai, là Ngôi Lời, là Con Thiên Chúa và là Con yêu dấu của Chúa Cha. Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa. Ngôi Lời là Con Thiên Chúa (Ga. 1,1). Khi Ngôi Lời xuống trần, thiên thần đồng thanh ca tụng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Lc.2,14). Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi Gioan tại sông Giođan: Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”(Mc. 1,11). Chúa Giêsu biến hình trên núi có tiếng Chúa Cha phán: “Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người” (Mt.17,5). Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện với các tông đồ qua nhiều cách và luôn chúc bình an cho các ông: “Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” (Lc. 24,36). Chúng ta nhận thấy hình ảnh xuyên suốt qua cuộc đời Chúa Cứu Thế. Ngài là Con Thiên Chúa đến đem bình an cho nhân loại.
Chúa đã chia sẻ cuộc sống với con người một cách cụ thể. Chúa lao động để kiếm miếng cơm manh áo như mọi người. Hằng ngày, Chúa muốn học biết và trải qua những kinh nghiệm của đời thường. Chúa quan sát mọi việc trong nhà ngoài ngõ. Khi ra giảng đạo, Chúa dùng tất cả những câu truyện cụ thể kinh nghiệm trong đời sống. Chúa lấy tất cả những ví dụ dễ hiểu để truyền rao chân lý Nước Trời. Chúa dùng các tỉ dụ, ngụ ngôn, dụ ngôn hay câu truyện rất thật đi đôi với cuộc sống nơi vùng quê thôn dã. Chúa rành rẽ những phương thức gieo trồng, nấu nướng, ép nho và ủ rượu. Chúa học biết cách xử dụng muối ướp, men trong đấu bột, đèn để trên giá và mang đèn phải mang dầu theo.
Chúa lôi cuốn quần chúng lại gần qua lời giảng dậy đơn sơ, thẳng thắn và đầy uy quyền. Chúa không dùng những triết thuyết cao siêu, trừu tượng hay lý thuyết khô khan khó hiểu. Lời Chúa thật giản dị và cụ thể dành cho mọi tầng lớp. Ai nghe cũng có thể hiểu được ý nghĩa, trừ những người nhắm mắt và bịt tai không muốn lắng nghe. Từ những người chài lưới thất học quê mùa đến những thầy thông luật cũng đã thấm nhuần đạo lý của Chúa. Lời của Chúa thật trong sáng và có sức thuyết phục sâu đậm.
Chúa còn thực hiện rất nhiều phép lạ để chữa lành nọi thứ bệnh họan tật nguyền, cho kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, người câm nói được, người què đi được, xua đuổi tà thần, hóa bánh ra nhiều để nuôi dân, truyền sóng biển im lặng, mẻ cá đầy tràn và cho kẻ chết sống lại… Đây là những phép lạ tỏ uy quyền của Chúa trên vạn vật. Chúa biến hình một sự kiện vĩ đại trong lịch sử cứu độ, Chúa tỏ mình cho các môn đệ thân tín. Chúa biến hình trở lại nguyên dạng đã có từ nguyên thủy. Một mầu nhiệm nhập thể không ai hiểu thấu. Chúa mặc lấy xác phàm với thân phận của con người giới hạn trong thời gian và không gian. Chính Ngài đã tự nguyện tước bỏ vinh quang và chấp nhận thân phận tôi đòi: Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (Ph. 2,8)
Chúa Giêsu có hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người. Một Thiên Chúa thật trong thân xác phàm nhân. Chính Thiên Chúa đó bị người đời khinh bỉ, tẩy chay, xua đuổi, chối từ, đánh đập, khặc nhổ trên mặt, nhạo cười, đội mạo gai, vác thánh giá, bị con người tội lỗi xét xử và kết án tử hình. Chính những con người đã từng chịu ơn đã giơ tay xin tha cho Baraba và giết Giêsu. Giết Con Thiên Chúa.
Chúa Giêsu là mặt trời công chính và là ánh sáng thế gian. Chúa Giêsu lại nói với người Do-thái: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.”(Ga. 8,12). Thiên Chúa cao cả sáng chói như mặt trời vậy mà bị con người vô tâm xô đẩy vùi dập, đánh đập tàn nhẫn, máu me dính bết châu thân, nhịn đói nhịn khát, bị đóng đinh chân tay vào thánh giá và bị treo lên lơ lửng cho chết dần. Ngài chính là Thiên Chúa. Con người phàm hèn mà dám giết chết Thiên Chúa trong xác phàm.
Tiếng từ trời cao: Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người (Mt.17,5). Loài người đã giết người Con yêu dấu của Thiên Chúa Cha. Ngày nay nhiều người vẫn tiếp tục hùa nhau giết Con của Thiên Chúa và loại trừ Ngài ra khỏi đời sống. Người Con đó bị xét xử như một tội nhân và được xếp vào hàng các tội nhân đem đi xử tử. Người Con đẹp lòng Thiên Chúa Cha đã hy sinh mạng sống để cứu độ chúng sinh. Chúng ta suy gẫm và chăm chú nhìn hình ảnh người Con yêu dấu chết giang tay trên thập giá. Qua hơn hai ngàn năm, Ngài vẫn tiếp tục bị người đời tẩy chay, khinh bỉ và xua đuổi. Không phải người ta xua đuổi loại trừ một ông Giêsu nào đó, mà là đang loại trừ chính Con Một Thiên Chúa.
Con Ta yêu dấu chiếu sáng như mặt trời và áo Ngài trắng như tuyết. Chúa Giêsu là ánh sáng chiếu dọi vào đêm tối, nhưng bóng tối không tiếp nhận ánh sáng: Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối đã không diệt được ánh sáng (Ga. 1,5). Nhìn thấy ánh sáng chói lòa, các môn đệ sợ hãi và ngã sấp mình xuống đất. Ánh sáng của Chúa Kitô soi dọi thấu tận tâm can của các tông đồ, các ngài thốt lên rằng: Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm (Mt. 17,4). Thật sung sướng khi được ở bên Chúa.
Hình ảnh Chúa Giêsu biến hình trên núi đã hé mở một chút vinh quang của Ngài cho các tông đồ. Sự vinh quang luôn hiện diện trong Ngài qua lời giảng dậy, qua các phép lạ và qua chính con người của Ngài. Chúa Giêsu sẽ trở lại với vinh 59
quang đích thực khi Ngài hoàn tất công trình cứu độ qua con đường thập giá. Chúa Giêsu đã đổ tới giọt máu cuối cùng trong thân phận con người. Tình yêu trọn vẹn hiến dâng Chúa Cha để đền bù tội lỗi của chúng ta. Ngài yêu chúng ta tới cùng: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga. 15,13).
Chúng ta được cứu chuộc bằng giá máu của Con Thiên Chúa. Chúa Con đã hiến tế một lần là đủ để đền tội thay cho cả thế giới. Chúng ta hưởng nhờ ơn cứu độ mang lại nguồn sống. Chỉ nơi Đức Kitô chúng ta sẽ có sự sáng và sự sống: Ở nơi Người là sự sống và sự sống là ánh sáng cho nhân loại (Ga. 1,4). Chúa Giêsu biến hình mặc khải cho chúng ta về vinh quang ngày sau mà chúng ta hy vọng sẽ được chung hưởng ánh sáng ngàn thu với Ngài.
Trong cuộc lữ hành thế gian còn nhiều bóng tối che phủ và còn nhiều thử thách mà chúng ta phải vượt qua. Đừng khi nào chúng ta chán nản bỏ cuộc. Hãy nhớ rằng con đường Chúa đã đi qua là con đường thập giá. Phải đi qua đau khổ mới tới vinh quang. Nhiều lần Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta: Thầy đây, đừng sợ. Chúng ta hãy khẩn khoản xin với Chúa như thánh Phêrô: Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với! (Mt. 14, 30).
Sau khi biến hình sáng chói, Chúa Giêsu và các tông đồ phải đi xuống núi và trở về cuộc sống thực tế hằng ngày. Chúa Giêsu không muốn đi theo con đường tắt dễ dàng. Ngài muốn đi trọn con đường và sứ mệnh mà Cha đã trao phó. Sứ mệnh cứu độ không chỉ qua sự giảng dạy và thực hành các phép lạ, nhưng là chấp nhận đau khổ và cái chết. Không có một hy lễ nào cao trọng hơn hy tế của Chúa Giêsu trên thập giá. Con Thiên Chúa đã đi đến cùng tận trong tất cả mọi trạng huống của cuộc đời. Từ khi Chúa hạ thân nghèo hèn trong máng cỏ cho tới lúc thân trần treo trên thập giá. Không có một con người nào dám bươc xuống thẳm sâu như Chúa. Chúa đã bước xuống và cứu con người lên.
Chúng ta không thể đi con đường tắt để đến ơn cứu độ. Chúng ta hãy cố gắng sống tốt từng phút giây mà Chúa đã ban. Hoàn tất tốt giây phút hiện tại trong yêu thương tha thứ và chia sẻ bác ái. Hãy ngước nhìn lên thập giá của Chúa để tìm nguồn ủi an và gắn kết yêu thương. Chúa sẽ dẫn chúng ta đến nguồn ơn cứu độ. Chúng ta biết rằng phải qua thánh giá mới đạt tới vinh quang.
Đây chính là hồng ân cứu độ. Đây chính là tình yêu! Chúa đã chết vì yêu! Chúa đã chết vì tội lỗi chúng con. Chúng con dâng lời ngợi khen, cảm tạ và tán tụng danh Chúa đến muôn ngàn đời.
CHÚA NHẬT LỄ HIỂN DUNG- NĂM A
HÃY BIẾT MÌNH – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền
Cái quý nhất của con người là được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Cái hạnh phúc lớn nhất của con người là gìn giữ nét đẹp cao qúy đó nơi phẩm giá làm người của mình. Và điều cần thiết nhất để có một cuộc sống tốt với mọi người là nhận ra tha nhân cũng chính là hình ảnh của Thiên Chúa.
Thế nhưng, nhiều người đã phủ nhận điều cao qúy nơi phẩm giá làm người của mình. Họ không tin rằng có Thiên Chúa. Họ chối từ sự sống thần linh mà Thiên Chúa đã ban cho con người. Từ đó người ta cũng không lo gìn giữ cái đẹp của phẩm giá làm người của mình. Họ chỉ thấy con người là một loài vật có ăn có uống. Thế giới của họ là một thế giới mạnh thắng, yếu thua, và “cá lớn nuốt cá bé”. Họ không nhận ra sự liên đới giữa người với người đều là hình ảnh Thiên Chúa, cần phải tôn trọng và sống tốt với nhau. Con người đã tự khước từ phẩm giá cao qúy là hình ảnh Thiên Chúa nên cũng dễ dàng từ khước nhau và đầy đoạ lẫn nhau. Thế giới vẫn đầy những bất công và hận thù. Con người vẫn vì những tham sân si mà làm hại lẫn nhau.
Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Ngày xưa thỏ và sư tử sống gần nhau, nhưng sư tử rất kiêu ngạo, vẫn cho mình là to khoẻ nên xem thường loài thỏ. Sư tử thường mắng thỏ và doạ nạt thỏ suốt ngày. Thỏ tức mình không chịu nổi mới nghĩ ra cách báo thù.
Một lần kia nó nói với sư tử rằng:
– Thưa ông anh, em vừa gặp một thằng to lớn và trông giống anh lắm. Nó bảo em rằng: “Trên đời này nó chưa sợ ai, và cũng chưa ai dám đối mặt với nó”. Thằng cha này không coi ai ra gì cả!
Sư tử tức giận và bảo rằng:
– “Thế mày có nhắc đến tên tao không?”
Thỏ trả lời:
– Sao lại không? Em vừa nhắc đến tên anh thì nó lồng lộng lên và bảo rằng anh chỉ đáng đàn em nó thôi.
Sư tử càng tức điên người lên và hỏi:
– Nó ở đâu? dẫn tao đến ngay.
Thỏ liền dẫn sư tử ra sau núi, và chỉ một cái giếng ở đàng xa và bảo: Đấy, nó ở trong đó đấy!
Sư tử đi lại gần giếng vẻ mặt căm tức nhìn xuống đáy giếng. Quả thực, nó trông thấy ngay một tên, với cặp mắt giận dữ đang trừng trừng nhìn nó. Sư tử rống lên một tiếng, tên kia cũng rống lên một tiếng. Sư tử xù lông cổ lên tên kia cũng xù lông cổ lên. Sư tử nhe nanh múa vuốt đe doạ, tên kia cũng hăm dọa lại. Sư tử căm tức đến tột độ dồn hết sức mình nhảy phốc xuống giếng để cho thằng khốn nạn kia một trận. Thế là, con sư tử ngạo mạn tự huỷ diệt đời mình dưới giếng sâu…
Thất bại của sư tử là không nhận ra mình nên đã lao vào cắn xé chính hình ảnh của mình. Sư tử chỉ muốn nhất. Sư tử chỉ muốn làm bá chủ nên sẵn sàng loại trừ tất cả các đối thủ có nguy cơ nguy hại đến vị trí số 1 của mình.
Nếu con người của mọi thời đại biết nhìn nhận mình là hình ảnh của Thiên Chúa và mọi người là anh em với nhau, sẽ có những cách hành xử tốt với nhau hơn. Nếu con người nhận ra hình ảnh Chúa nơi tha nhân, chắc chắn sẽ không đối xử tàn bạo với nhau. Nhưng tiếc thay, nhiều người chỉ muốn làm chúa sơn lâm nên lao đầu vào cắn xé đồng loại, hành hạ đồng loại của mình và sẵn sàng làm đủ trò để loại trừ đồng loại. Chồng đánh đập vợ. Cha mẹ đánh đập con cái. Anh em đầy đoạ nhau. Hàng xóm láng giềng đáng lẽ “tối lửa tắt đèn có nhau”, nhưng lại “bới lông tìm vết” và làm hại lẫn nhau.
Hôm nay, lễ Chúa hiển dung nghĩa là Chúa tỏ hiện đúng dung nhan thật của Ngài. Một dung nhan thánh thiện rạng ngời mà bấy lâu nay nhân tính đã che phủ thiên tính của Ngài. Một dung nhan tinh tuyền của một vì Thiên Chúa là Thánh, ngàn trùng chí thánh đến nỗi cả ba môn đệ đều ngây ngất vì được chiêm ngắm dung nhan thật của Thầy Giêsu. Ba môn đệ đã cúi mình kính phục trước dung nhan thật của Chúa Giêsu. Đó chính là sứ điệp mà Chúa đang mời gọi chúng ta: hãy tỏ hiện dung nhan thật của chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa ra lời nói và việc làm của mình. Hãy thể hiện sự thánh thiện của hình ảnh Thiên Chúa nơi chính mình để anh em được chiêm ngưỡng. Hãy biểu lộ lối sống “nhân chi sơ tính bản thiện” của phẩm giá làm ngừơi để anh em được hạnh phúc khi sống với chúng ta.
Lễ Hiển Dung hôm nay mời gọi chúng ta hãy tìm lại hình ảnh ban đầu của tạo dựng. Hãy gạn đục khơi trong để hình ảnh của Chúa luôn tỏ hiện ra nơi bản thân của chúng ta. Hãy tìm lại hình ảnh tinh tuyền ban đầu của mình, một hình ảnh chưa bị lòng ham muốn danh lợi thú làm hoen ố, mới thấy phẩm giá cao đẹp của con người thật cao qúy hơn muôn loài. Có ý thức được sự cao qúy nơi phẩm giá làm người mới biết trân trọng và gìn giữ cho mình và cho anh em. Phẩm giá con người cao qúy hơn mọi danh lợi thú trần gian, thế nên đừng bao giờ vì một chút bổng lộc trần gian, một chút vui sướng mau qua mà đánh mất phẩm giá của mình và làm tổn thương đến phẩm giá của tha nhân.
Xin Chúa giúp chúng ta can đảm tẩy rửa những bợn nhơ tội lỗi làm hoen ố lương tri, và xin Chúa thêm ơn trợ giúp để chúng ta luôn gìn giữ nét đẹp nơi phẩm giá làm người của mình và của tha nhân. Amen.
CHÚA NHẬT LỄ HIỂN DUNG- NĂM A
LÊN NÚI CAO- Lm. Giuse Lê Minh Thông
Lên núi cao để thấy cái không thể mô tả, để nghe lời phát ra từ đám mây.
Dẫn nhập
Bài Tin Mừng “Biến đổi hình dạng ở trên núi” (Mt 16,1-9) nằm giữa hai lần Đức Giêsu báo trước Thương Khó – Phục Sinh: Lần thứ nhất ở Mt 16,21-23 và thứ hai ở Mt 17,22-23. Chúng ta vẫn quen gọi: “Ba lần Đức Giêsu báo trước cuộc Thương Khó”, nhưng trong cả ba lần Đức Giêsu đều nói tới biến cố Phục Sinh bằng một câu ngắn ngủi: “Ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy” (Mt 16,21; 17,23; 20,19).
Có lẽ nói ngắn quá nên các môn đệ trong bản văn cũng như cộng đoàn Mátthêu cuối thế kỷ I và cả độc giả ngày nay không để ý, hay xem nhẹ ba lần báo trước sự Phục Sinh. Vì thế, trình thuật Đức Giêsu được biến đổi hình dạng (Mt 17,1-9) nhằm làm lộ ra vinh quang tiềm ẩn nơi Đức Giêsu và nhất là mặc khải cho các môn đệ và cho độc giả biết Đức Giêsu là ai và chúng ta phải làm gì.
Trình thuật Đức Giêsu được biến đổi hình dạng và tiếng phát ra từ đám mây vẽ lên một bức tranh tuyệt đẹp có một không hai trong sách Tin Mừng với những hình ảnh và ngôn từ rất đặc biệt. Có thể tìm hiểu đoạn Tin Mừng Mt 17,1-9 qua ba mục:
-Tách rời khỏi thế giới thường ngày, thế giới khả giác.
-Chiêm ngưỡng thế giới của Thiên Chúa bằng mắt.
-Lắng nghe mặc khải của Thiên Chúa bằng tai.
Tách rời khỏi thế giới thường ngày, thế giới khả giác.
Trình thuật bắt đầu bằng sự tách biệt với đời thường về thời gian, về không gian và về con người: “Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao” (Mt 17,1).
a) Yếu tố thời gian là “sáu ngày sau”, đánh dấu sự phân cách với những gì đã xảy ra trước đó một tuần. Người kể chuyện không nói gì về sáu ngày này, như thể sáu ngày im lặng không kể gì cả để làm cho biến cố xảy ra trên núi cao trở thành một trong những đỉnh cao của sách Tin Mừng.
b) Trình thuật nói đến tách biệt về nơi chốn. Ba môn đệ được tách riêng ra một nơi và được đưa lên một ngọn núi cao. Đó là núi nào? Bản văn không nói rõ. Độc giả không nên tìm cách đặt tên, vì bản văn nói đến một nơi tượng trưng, núi cao là nơi Thiên Chúa bày tỏ và gặp gỡ con người. Bản văn cố tình không cho biết núi nào để đưa độc giả ra khỏi những gì là bình thường. Cần ra khỏi khỏi thế giới thường ngày, thế giới khả giác để có thể hiểu được một biến cố vượt ra ngoài thời gian và không gian bình thường. Nơi chốn không rõ, thời gian cũng bị vượt khỏi giới hạn, cụ thể trong trình thuật là những nhân vật sống cách nhau hàng thế kỷ như Môsê, Êlia và Đức Giêsu lại có thể đàm đạo với nhau.
(Trình thuật không nói rõ nơi nào, nhưng truyền thống Hội Thánh cần một nơi để ghi nhớ biến cố này. Núi Ta-bo ở Ga-li-lê đã được chọn, đây là một ngọn núi riêng biệt, chung quanh không có đồi núi, nên có thể thấy từ xa. Hiện nay có một ngôi thánh đường trên đỉnh núi và khách hành hương đến để sống và suy niệm về biến cố này).
c) Tách biệt về con người, vì chỉ có ba môn đệ được chọn: “Phêrô, Giacôbê và Gioan”. Đây là Nhóm thu nhỏ của Nhóm Mười Hai, đại diện cho tất cả các môn đệ khác. Sự tách biệt này là dấu hiệu văn chương báo trước một biến cố quan trọng, nhưng chưa phải là lúc phổ biến rộng rãi cho mọi người. Tuy nhiên, những gì ba môn đệ này đã thấy và đã nghe là để rao giảng cho mọi người qua mọi thời đại được biết. Thực vậy, nhờ trình thuật, chính độc giả cũng được tách riêng ra, được thấy và được nghe những gì ba môn đệ ngày xưa đã nghe, đã thấy.
Sau khi được tách biệt khỏi thời gian và không gian bình thường, những gì xảy ra trên núi thuộc về một thế giới khác. Đó là thế giới của Thiên Chúa, thế giới không còn khoảng cách thời gian và không gian, thế giới mà ngôn ngữ không thể diễn tả được. Trong khoảng khắc thần linh đó, mặc khải của Thiên Chúa được tỏ bày qua thị giác (để thấy) và qua thính giác (để nghe).
Chiêm ngưỡng thế giới của Thiên Chúa bằng mắt
Trước hết, Đức Giêsu không tự mình biến đổi hình dạng mà “Người được biến đổi hình dạng” (metamorphôthê). Động từ Hy Lạp metamorphôthê ở dạng thụ động và tác nhân được hiểu là Thiên Chúa (passif divin). Chính Thiên Chúa làm cho Đức Giêsu được biến đổi hình dạng.
Sự biến đổi này không chỉ là biến đổi khuôn mặt. Tiếng Pháp quen dùng động từ transfigurer có nghĩa là thay đổi (trans) khuôn mặt (figure). Từ figure có nghĩa đầu tiên là mặt. Trong khi động từ Hy Lạp metamorphoô, tiếng Pháp chuyển âm: métamorphoser, có nghĩa là biến đổi, biến hoá (méta) toàn thân, từ trong bản chất (morphoser). Tiếng Việt có thể dùng cụm từ “biến đổi hình dạng”.
Đức Giêsu được biến đổi hình dạng trước mặt ba môn đệ. Nghĩa là ba môn đệ được chứng kiến sự kiện nhưng họ đã thấy gì? Người thuật chuyện kể: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.” Nếu dung nhan Đức Giêsu chói lọi như mặt trời thì làm sao các môn đệ có thể nhìn mà không bị mù mắt. Nếu y phục của Đức Giêsu trở nên trắng tinh như ánh sáng thì làm sao các môn đệ có thể thấy được, vì không ai thấy được ánh sáng mà chỉ có thể thấy sự phản chiếu của ánh sáng nơi sự vật mà thôi.
Thực ra, đây là cách diễn tả những thực tại thần linh bằng thứ ngôn ngữ thị kiến của sách Khải Huyền. Ba môn đệ đang đối diện với thế giới của Thiên Chúa, đối diện với những thực tại thuộc về Thiên Chúa, đối diện với vinh quang của Thiên Chúa, nên ngôn ngữ loài người hoàn toàn bất lực. Ngôn ngữ loài người không mô tả được, chỉ vì điều xảy ra không có trong kinh nghiệm cuộc sống thường ngày của con người.
Bằng ngôn ngữ, sách Khải Huyền chỉ có thể mô tả những thị kiến về thế giới thần linh bằng các từ: “như”, “giống như”, “tựa như”… còn điều trông thấy thì không thể mô tả được. Chẳng hạn Gioan mô tả thị kiến ở Kh 4,2-3: “Lập tức tôi xuất thần. Kìa một cái ngai đặt ở trên trời và có một Đấng ngự trên ngai. Đấng ngự đó trông giống như ngọc thạch và xích não. Chung quanh ngai có cầu vồng trông giống như bích ngọc”. Kh 4,6 viết: “Trước ngai có cái gì như biển trong vắt tựa pha lê.” “Trông giống như…”, “như…” còn thực sự thế nào thì không mô tả được.
Có thể nói, trên núi cao, giữa trời và đất, ba môn đệ được thấy “thị kiến” về Đức Giêsu trong thế giới của Thiên Chúa, chỉ có thể mô tả bằng so sánh “như”: “Chói lọi như mặt trời”, “trắng tinh như ánh sáng”, nghĩa là dung nhan của Đức Giêsu không phải là mặt trời, và y phục của Người cũng chẳng phải là ánh sáng, chỉ là “như”, “giống như” mà thôi.
Trong thế giới thần linh ấy, các nhân vật sống cách nhau hàng thế kỷ có thể ngồi lại đàm đạo với nhau. Theo Kinh Thánh, Môsê dẫn dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập vào thế kỷ XIII TCN, Êlia là ngôn sứ dưới thời vua A-kháp, thế kỷ VIII TCN và Đức Giêsu thế kỷ I SCN.
Nội dung đàm đạo không được kể ra, nhưng điều chắc chắn là có trao đổi giữa các nhân vật. Trong thế giới trên cao, điều nhấn mạnh là tương quan giữa người sống và người đã khuất, là nối kết giữa các thế hệ với nhau, như thể khoảng cách thời gian không còn nữa. Ba môn đệ là chứng nhân cuộc đàm đạo nhưng nội dung lại vượt ra ngoài sự nắm bắt của người phàm.
Lời Phêrô nói với Đức Giêsu: “Thưa Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (17,4). Lời đề nghị này vừa cho thấy các môn đệ muốn kéo dài thị kiến vì biến cố quá hay, quá tốt, quá đẹp, vừa có nét hài hước vì Phêrô đề nghị làm ba lều cho Đức Giêsu, Môsê và Êlia như thể những nhân vật đã khuất như Môsê và Êlia không thuộc về thế giới này lại cần lều để ở, còn ba môn đệ là người phàm lại không cần lều.
Lắng nghe mặc khải của Thiên Chúa bằng tai
Mặc khải bằng thị kiến kết thúc với sự lên tiếng của con người, cụ thể là Phêrô, và chuyển sang hình thức mặc khải thứ hai: “Tiếng nói từ đám mây”: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người.” (17,5).
Từ kinh nghiệm thị kiến, thấy bằng mắt, chuyển sang mặc khải bằng lời qua tiếng phát ra. Các môn đệ chỉ có thể lãnh hội được nội dung bằng cách “nghe”. Tiếng phát ra từ đám mây không phải là tiếng con người, tiếng này có nguồn gốc từ trời và bí ẩn. Lối hành văn phù hợp với bối cảnh của biến cố trình bày mặc khải của Thiên Chúa.
Cách thứ nhất, mặc khải bằng thị kiến là vén bức màn lên (mạc khải) để soi sáng những gì còn ẩn dấu (mặc khải). Cách thứ hai là mặc khải bằng lời, hàm ẩn sự lắng nghe để hiểu, ở đây lắng nghe theo nghĩa đón nhận, cho dù chưa hiểu trọn vẹn ý nghĩa của lời mặc khải. Trong trình thuật biến hình, có cả hai cách mặc khải, nhằm giúp ba môn đệ và độc giả hiểu được Đức Giêsu là ai.
Lời phát ra từ đám mây (17,5), nhắc lại tiếng phát ra từ trời sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa ở đầu sách Tin Mừng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17). Mt 17,5 có thêm hai yếu tố mới: (1) “Hãy vâng nghe lời Người”, dịch sát: “Hãy nghe Người (akouete autou)”, (2) Tiếng phát ra từ đám mây nói trực tiếp với ba môn đệ và qua đó nói với độc giả qua mọi thời đại về căn tính của Đức Giêsu và tương quan của Người với Thiên Chúa Cha. Lời nói từ đám mây gồm một lời giới thiệu: “Đây là Con yêu dấu của Ta” và một mệnh lệnh: “Các người hãy nghe Người.”
Khi gọi ai là Con (huios) thì người ấy là Cha, như thế lời phát ra muốn các môn đệ và độc giả biết Đức Giêsu có tương quan “Cha – Con” với Thiên Chúa, Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa. Mệnh lệnh nói với ba môn đệ và cho độc giả: “Hãy nghe Người” là một khẳng định quan trọng nói lên sự thay đổi lớn trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người, như thể Chúa Cha tự xoá mình trước Đức Giêsu là Con yêu dấu của Người.
Thực vậy, trước khi Đức Giêsu xuất hiện, Thiên Chúa phán với dân và dân nghe lời Người. Khi Đức Giêsu xuất hiện, Chúa Cha dặn các môn đệ: Hãy nghe lời Đức Giêsu. Như thế, tương quan “Thiên Chúa / dân” trong Cựu Ước trở thành tương quan “Đức Giêsu / môn đệ” trong Tân Ước, và đây là ý muốn của Chúa Cha.
Nghe lời Đức Giêsu là nghe tất cả những gì Người nói và dạy. Đặc biệt đón nhận lời loan báo Thương Khó và Phục Sinh đã được loan báo trước đó và Người sẽ báo trước thêm hai lần nữa để nhấn mạnh biến cố nền tảng và nghịch lý này. Như thế, biến cố trên núi cao không phải là một biến cố tách rời khỏi các trình thuật khác. Ngược lại, lời mời gọi “nghe lời Đức Giêsu”, nối kết biến cố trên núi cao với toàn bộ giáo huấn của Đức Giêsu trong sách Tin Mừng.
Đối diện với thế giới của Thiên Chúa và vinh quang của Người, các môn đệ đã “kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất” (17,5). Chính Đức Giêsu đã đưa các ông trở lại đời thường bằng cách chạm vào các ông và nói: “Chỗi dậy đi, đừng sợ”, các ông ngước mắt lên và mọi chuyện lại trở về thực tế. Nhưng biến cố ấy, những gì đã thấy, những lời đã nghe, sẽ không bao giờ rời khỏi các ông.
Kết luận
Giữa hai lần báo trước biến cố Thương Khó và Phục Sinh, Đức Giêsu đưa ba môn đệ ra khỏi đời thường để bước vào thế giới của Thiên Chúa. Ở đó những điều xảy ra nhằm mặc khải căn tính của Đức Giêsu. Biến cố trên núi cao báo trước sự Phục Sinh của Đức Giêsu vì Người có nguồn gốc thần linh, Người có Cha là Thiên Chúa, Người là Con và được Chúa Cha yêu thương. Chính Chúa Cha ra lệnh cho các môn đệ lắng nghe giáo huấn của Đức Giêsu.
Trình thuật Đức Giêsu được biến đổi hình dạng trên núi cao và lời phát ra từ đám mây là những tia sáng mạnh mẽ như ánh sáng mặt trời, có khả năng soi sáng cho cuộc đời của độc giả mọi nơi mọi thời đang bước đi trong đêm tối, đang sống trong khó khăn thử thách của cuộc sống, đang nghi ngờ về căn tính của Đức Giêsu và chưa biết rõ Người là ai. Có thể nói, biến cố trên núi cao là hình ảnh của biến cố Phục Sinh, trước khi biến cố Thương Khó xảy ra. Đây là niềm hy vọng lớn lao cho ba môn đệ và cho độc giả.
Đọc xong trình thuật, liệu độc giả, là tất cả chúng ta, có thực sự sống biến cố xảy ra trên núi như ba môn đệ hay không?
Liệu độc giả có cùng với các môn đệ tách ra khỏi đời thường để ngây ngất trước vẻ đẹp của thế giới trên cao hay không?
Liệu độc giả mọi nơi mọi thời có nghe được tiếng phát từ trời để biết Đức Giêsu là ai (là Con Thiên Chúa) và biết phải làm gì (Nghe Đức Giêsu) hay không?
Ước gì mặc khải ngắn ngủi trong bản văn bằng thị kiến để thấy, và bằng lời để nghe có khả năng gây ấn tượng lâu dài và trở thành một lời mời gọi tin và vững tin vào Đức Giêsu trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách.
Mong sao mệnh lệnh “Hãy nghe Người” là lời thúc đẩy chúng ta đến với Tin Mừng, đọc Tin Mừng để nhận ra lời của Đức Giêsu là Lời sự sống, Lời đem lại ý nghĩa cho cuộc đời này.
CHÚA NHẬT LỄ HIỂN DUNG- NĂM A
SỐNG ĐỨC TIN– Lm. Giacôbê Nguyễn Văn Phượng
Trong khi dân chúng còn thắc mắc về Chúa Giêsu, mỗi người nghĩ về Ngài một cách, thì ông Phêrô đã thay mặt nhóm môn đệ thân tín của Chúa tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Lời tuyên xưng này là thành quả của giai đoạn huấn luyện của Chúa. Được theo sát bên Chúa, được chứng kiến mọi hoạt động của Chúa, lại được Chúa dạy dỗ riêng nhiều điều, các môn đệ được dẫn dắt từng bước để nhận ra Chúa Giêsu là ai. Nhưng cho đến lúc này các ông mới chỉ thấy quyền năng của Chúa, còn con đường Ngài phải đi thì các ông chưa biết, Chúa Giêsu muốn các ông phải chấp nhận toàn thể sứ mạng và thân phận của Ngài. Vì thế, khi ông Phêrô vừa tuyên xưng Ngài là Đấng Kitô, Ngài liền nói đến việc Ngài sẽ phải chịu đau khổ, bị xỉ nhục và phải chết rồi sống lại. Sau đó Ngài rời miền Galilê tiến lên Giêrusalem. Nhưng trước khi đi lên Giêrusalem, Ngài còn cho các ông được thấy vinh quang của Ngài, nghĩa là Ngài tỏ lộ cho các ông thấy phần nào chân dung thật của Ngài, mà chúng ta thường gọi là Chúa biến hình.
Nói rõ hơn, Chúa Giêsu đã đem theo ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi Ta-bo, đang lúc cầu nguyện, Chúa biến hình: sắc diện Ngài biến đổi và có một dung mạo khác thường, nghĩa là Chúa tỏa lộ một ánh sáng đặc biệt cho các môn đệ thấy chính Ngài là ai, là “vinh quang của Thiên Chúa”, là “Chúa vinh quang”. Trước đây, các môn đệ sống bên Chúa, đã hiểu phần nào về con người của Chúa, nhưng hôm nay nơi núi biến hình, các ông mới đích thực cung chiêm uy linh vinh quang của Chúa.
Trong lúc Chúa biến hình có hai người đàm đạo với Chúa, đó là ông Môsê và Elia. Đàm đạo về cuộc khổ nạn mà Chúa sắp trải qua ở Giêrusalem, còn ông Phêrô và các bạn thì ngây ngất trong ánh sáng siêu linh ấy, nhưng giữa lúc đó có một đám mây bay đến phủ rợp các ngài, rồi mất hút hai vị đại ngôn sứ, và mọi sự trở lại bình thường.
Quang cảnh trên cho chúng ta thấy có ánh sáng rồi có bóng mây. Đời là thế. Có vinh quang có đau khổ, có vinh có nhục, có buồn vui đắp đổi, có khóc có cười, có nước trời có trần gian, có vàng thau lẫn lộn…Vì thế, ngay trong vinh quang của Ta-bo, Chúa đã đàm đạo với các ngôn sứ về cuộc khổ nạn của Ngài để nhắc nhở và củng cố đức tin của thánh Phêrô và các tông đồ, để giúp họ đứng vững giữa những thử thách và trung thành với sứ mệnh nặng nề của ngày mai. Thánh Phêrô, trong một khoảnh khắc thời gian, được sống trong hai thế giới: trần gian và thiên đàng. Và khi được cung chiêm hạnh phúc nước trời, ngài đã sung sướng quá và thốt lên: “Lạy Thầy, được ở lại đây thì tốt quá”. Nhưng rồi bóng mây bao phủ trên họ, và họ phải xuống núi, trở về với nhiệm vụ của mình.
Bài Tin Mừng hôm nay có nhiều điều đáng ghi nhớ, nhưng chúng ta đặc biệt ghi nhớ câu nói của thánh Phêrô trên đây và hình ảnh đám mây bao phủ trên các tông đồ lúc ấy làm bài học cho chúng ta. Chúng ta thấy đó, thánh Phêrô đã thốt lên như thế khi được thấy hạnh phúc nước trời ngay tại thế, nhưng chỉ trong một khoảnh khắc thôi rồi họ lại trở về với cuộc sống cam go và nhiệm vụ nặng nề của mình. Lời nói của thánh Phêrô được coi là niềm vui, đám mây tượng trưng cho nỗi buồn.
Chúng ta cũng vậy, có lẽ trong cuộc đời theo Chúa, chúng ta cũng sẽ được một số những an ủi, niềm vui, phước lộc. Nhưng chúng ta cần nhớ: bao lâu còn sống ở trần gian, niềm vui nào cũng mau qua, như người ta vẫn nói: Vui qua sầu tới. Cho nên, chúng ta cần phải có một thái độ đúng trước niềm vui, là đừng bao giờ chỉ biết có niềm vui của riêng mình, nhưng phải biết giới hạn và san sẻ niềm vui đó, và đừng bao giờ để cho niềm vui của mình trở nên đau khổ cho người khác, vì khi chúng ta vui thì còn nhiều người khác đang buồn. Cũng đừng bao giờ say sưa trong niềm vui mà quên bổn phận hay nhiệm vụ của mình. Lúc có niềm vui thì hãy nhớ tới lúc hết niềm vui. Nếu chúng ta có thái độ đúng đắn như thế, chúng ta sẽ không còn ngỡ ngàng, ngạc nhiên trước thuận cảnh hay nghịch cảnh, trước niềm vui hay nỗi buồn. Ngược lại, khi chúng ta không có được niềm vui như người khác, thì chúng ta cũng đừng bao giờ thất vọng, chán nản, buông xuôi.
Vì thế, chúng ta phải làm chủ được cuộc đời mình, là cuộc đời được đan dệt bằng những niềm vui và nỗi buồn. Chúng ta hãy sống với hoàn cảnh thực tại của mình, chúng ta hãy chu toàn nhiệm vụ hằng ngày của mình, chúng ta hãy lấy nhiệm vụ làm nguồn vui, chúng ta chỉ có quyền hưởng niềm vui khi đã làm xong nhiệm vụ. Nhiệm vụ nào cũng là gánh nặng, nhưng gánh nặng được chúng ta hoàn thành lại trở nên niềm vui cho chúng ta. Đó là bài học Chúa dạy các tông đồ xưa kia và dạy chúng ta hôm nay: “Qua đau khổ sẽ tới vinh quang”, sau cơn mưa, trời lại sáng.
CHÚA NHẬT LỄ HIỂN DUNG- NĂM A
“CÁC NGƯƠI HÃY VÂNG NGHE LỜI NGƯỜI”- Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Chúa Giêsu biến hình mấy lần?
Tin Mừng Nhất Lãm đều kể lại biến cố Chúa Giêsu biến hình (Mt 17,1-9; Mc 9,2-10; Lc 9,28-36), và cho thấy Chúa chỉ biến hình một lần duy nhất trước khi bước vào cuộc tử nạn. Cả ba tác giả đều nói đến địa điểm là trên núi, chứ không nói rõ là núi nào. Thánh Phaolô trong thư Rôma thì nói là “Núi Thánh” (Rm 12,2). Theo các nhà Kinh Thánh thì có lẽ đó là Núi Hermon chứ không phải là núi Tabor. Nhưng trong truyền thống của Giáo hội thì cho là trên Núi Tabor.
Theo cách nhìn của thần học Đông Phương, Chúa Giêsu không chỉ có biến hình một lần mà có đến bốn lần:
– Lần thứ nhất là khi Chúa Nhập thể làm người: Chúa đã biến hình từ “địa vị Thiên Chúa, trở nên một người phàm hèn”, nói như Thánh Phaolô trong thư gởi Philipphê, Chúa đã biến mình trở nên nhỏ bé với chúng ta.
– Lần thứ hai đó là Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, tại đây Chúa cũng biến hình đó là trở nên của ăn nuôi dưỡng chúng ta.
– Lần thứ ba đó là khi Chúa bước vào cuộc Tử nạn thập giá. Chúa biến hình đến nỗi mặt người chẳng còn hình tượng người nữa. Trước mặt dân Chúng Phitatô phải thốt lên: ecce homo!!! (nầy là người). Khi nhìn lên thập giá, thánh Phêrô đã thốt lên: Anh em biết không, Người gánh lấy tội lỗi của chúng ta, nỗi sĩ nhục của chúng ta Người mang lên thập giá, Người đã chết để cứu độ chúng ta.
– Lần thứ tư đó là khi Chúa Phục sinh. Từ cõi chết, Chúa đã chỗi dậy và phục sinh vinh quang. Người bẽ gãy mọi xiềng xích sự dữ và đi vào thế giới huy hoàng của Thiên Chúa.
Đây là một cách hiểu, một cách nhìn rất sâu sắc tóm lược mầu nhiệm và cuộc đời của Đức Kitô. Và trong cái nhìn đó thì cả cuộc đời của Đức Kitô từ khi sinh ra cho đến khi chết và phục sinh là cả một kenosis, cả một sự tự hạ, tự hủy chính mình toàn vẹn, một sự “biến hình” liên lỉ vì tình yêu nhân loại và là ơn cứu độ của chúng ta. (Lm Peter Nguyễn Hương).
Tông Huấn “đời sống thánh hiến”
Câu chuyện Chúa biến hình trên núi Tabor được đặt làm sườn cho cả văn kiện “Tông Huấn Vita Consecrata” (đời sống thánh hiến), Thánh Gioan Phaolô II ban hành ngày 25.3.1996, đúc kết những thành quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục tháng 10.1994.
Tông Huấn trình bày vẻ đẹp của đời tu.
Con đường tu đức được ví như một cuộc đi tìm cái đẹp (số 19), hướng tới sự chiêm ngưỡng nhan Chúa, chân phúc dành cho các tâm hồn trong trắng. Các tu sĩ đã bị thu hút bởi vẻ đẹp của Chúa; họ mê say chiêm ngưỡng Chúa, để rồi phản chiếu khuôn mặt rạng rỡ của Ngài (số 27).
Sau khi lên núi chiêm ngắm Chúa biến hình, các môn đệ được mời hãy đi xuống núi để phục vụ (số 75); họ còn phải trèo lên một núi khác đó là núi Calvariô (số 14;40).
Từ chỗ đi theo Đức Kitô (số 15;18), hoạ lại nếp sống của Ngài, đời tận hiến tiến tới chỗ “Lắng nghe tiếng Chúa, ở kề bên Chúa” và “Đồng hoá hiện thân” ( số 16) với Ngài.
Ngoài việc họa lại nếp sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục của Đức Kitô, đời thánh hiến còn diễn tả mầu nhiệm Thập giá và Phục sinh của Ngài nữa (số 23-24).
Đức Kitô cần phải qua núi Calvariô để vào vinh quang thiên quốc.Trước đây, đời tu trì quen được ví với việc khắc kỷ tu thân, vác thập giá để đi theo Chúa. Nhưng đó mới chỉ là cái nhìn của truyền thống Latinh; còn truyền thống Đông phương thì muốn nêu bật sự biến dạng đổi hình từ con người phàm tục sang con người thần thiêng khi đi theo Chúa.
Thánh Gioan Phaolô II đã kết hợp cả hai cái nhìn về đời tu trong quang cảnh Chúa biến hình: chủ đề thập giá và vinh quang gắn liền với nhau trong mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô. Đức Thánh Cha còn gọi đời Thánh hiến là một Đoàn Sủng đặc biệt trong Giáo hội, phát xuất và duy trì bởi Chúa Thánh Thần.Tu sĩ là món quà Chúa Thánh Thần ban cho Giáo hội và là một kho báu mà Giáo hội trân trọng giữ gìn.
Người sống đời tận hiến cũng như người tín hữu, muốn được “biến hình” liên lỉ trong đời sống cũng như muốn được trở nên “con yêu dấu” của Thiên Chúa cần phải “vâng nghe lời Người”.
Vâng Nghe Lời Người
Vâng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa sẽ mang đến phúc lành như trong bài đọc 1, ông Môsê nói với dân: Nếu anh em nghe, giữ và đem ra thực hành những quyết định này, thì Thiên Chúa sẽ giữ giao ước và tình thương mà Người đã thề hứa với cha ông anh em: yêu thương, chúc phúc, đất đai sinh hoa kết quả, phúc lành hơn mọi dân…
Cả ba Phúc âm đều tường trình tiếng nói từ trời cao. Lời Chúa Cha như giới thiệu, chuẩn nhận Chúa Con và là lệnh truyền cho chúng ta: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5); “ Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,6); “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35).
“Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Đó là lệnh truyền của Chúa Cha, là điệp khúc kết luận của tiếng nói từ trời cao. Điệp khúc quan trọng vì cả ba Phúc âm đều nói đến. Lời của Chúa Kitô chính là chuẩn mực, là lề luật tuyệt đối mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Lời của Chúa Kitô là Lời Giao Ước vĩnh cửu cho con người được tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi.
“Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”, một phán quyết long trọng và công khai của Chúa Cha. Từ nay, vâng nghe Lời Chúa Kitô, chúng ta sẽ được biến hình với Chúa Kitô, cùng được hưởng vinh quang Phục sinh với Chúa Kitô.
Chúa biến hình, tỏ cho các môn đệ nhận ra căn tính thật và vinh quang của Người và mạc khải Người là Con Thiên Chúa Cha. Vì thế, ai cũng phải vâng nghe lời Người để được chia sẻ vinh quang phục sinh của Người.
Chúa Giêsu đã cho ba môn đệ trải qua kinh nghiệm về hình ảnh vinh quang của Người để giúp họ học hỏi và sống đời sống chứng nhân sau này. Cha Emiliano Tardif chia sẻ: “Một sứ giả Tin Mừng trước tiên phải là một chứng nhân có một kinh nghiệm cá nhân về sự chết và Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô và là người truyền đạt cho kẻ khác, không chỉ là một đạo lý, mà còn là Một Đấng -Vẫn -Sống đang ban sự sống dồi dào”; “Không ai có thể trở thành sứ giả đích thực của Tin Mừng, nếu người đó không có kinh nghiệm đời sống mới mà Chúa Giêsu ban cho”. ( x. Jésus: A Fait De Moi, Un Témoin, tr 38). Những trải nghiệm ấy luôn gắn liền với việc vâng nghe và tuân giữ Lời Chúa.
Chẳng ai gặp Thiên Chúa thực sự mà lại không biến hình. Ðời sống kết hiệp thực sự với Thiên Chúa làm cho người Kitô hữu tỏa sáng rực rỡ. Biến hình không phải là trở thành cái gì khác mình,như Tôn Ngộ Không với các trò biến hoá. Biến hình là trở lại với cái tôi sâu thẳm của mình:tôi là con yêu dấu của Thiên Chúa. Từ khi chịu phép Thánh Tẩy, chúng ta đã bước vào một cuộc biến hình, từ từ và liên tục
Một nhà giáo dục nổi tiếng người Pháp đã tâm sự về cuộc đời của ông như sau: Khi còn trẻ, tôi có tinh thần cách mạng và mỗi khi cầu nguyện, tôi luôn cầu xin Chúa một điều là: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi thế giới này”
Khi đã lớn tuổi và nhận thấy gần quá nửa đời người trôi qua mà tôi không thay đổi được một người nào hết, nên tôi đã thay đổi lời cầu nguyện của tôi như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi những người trong gia đình của con.”
Giờ đây tôi đã già nua và những ngày còn lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nên lời cầu nguyện của tôi lại được thay đổi một lần nữa như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi chính mình con“.
Và ông kết luận : Nếu tôi biết cầu nguyện như thế này từ ngày còn trẻ thì tôi đã không uổng phí cả cuộc đời.
Chúa Giêsu biến hình một khoảnh khắc thoáng qua. Cuộc biến hình trọn vẹn qua mầu nhiệm Phục sinh. Đây là cuộc biến hình ngàn thu. Cuộc biến hình này là căn tính niềm tin của những người theo Chúa. Chỉ qua Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu và ở trong Chúa Giêsu chúng ta sẽ được biến hình liên lỉ, mỗi ngày một đẹp hơn, thánh thiện hơn trong ân sủng dồi dào của Người.
CHÚA NHẬT LỄ HIỀN DUNG- NĂM A
CHÚA HIỂN DUNG – Lm. Trần Ngà
Người đời thường mang hai bộ mặt: mặt thật và mặt nạ. Khi mặt nạ rơi xuống, bộ mặt thật sẽ hiển dung (biểu lộ ra bên ngoài).
Khi nhập thể làm người, Chúa Giêsu mang dung mạo con người, mang bản tính và khuôn mặt con người, hoàn toàn trở nên giống như con người, ngoại trừ tội lỗi. Vì thế, người đồng hương Na-da-rét gọi Người là “Bác thợ” (Mác-cô 6,3) hay “con Bác thợ Giu-se, con bà Maria” (Lc 4, 22. Mt 13, 55)
Hầu hết người Do-thái đồng thời với Chúa Giêsu chỉ nhìn thấy khuôn mặt nhân loại của Chúa Giêsu mà thôi nên cho rằng Người chỉ là người phàm. Họ trách Chúa Giêsu lộng ngôn khi Người tỏ ra Người là Con Thiên Chúa. “Ông là người phàm mà tự xưng mình là Con Thiên Chúa.”
Nhưng ngoài bản tính nhân loại, Chúa Giêsu còn có bản tính Thiên Chúa.
Khi Chúa Giêsu hiển dung
Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết Người sẽ lên Giê-ru-sa-lem để hiến thân chịu chết. Lời tiên báo nầy làm cho tinh thần các môn đồ bấn loạn.
Để củng cố tinh thần sa sút của các ông, nhằm giúp các ông vượt qua thử thách đau thương sắp đến và bền chí theo mình đến cùng, Chúa Giêsu bộc lộ cho ba môn đệ thân tín thấy chân tướng của Người: Người là Đấng uy nghi sáng láng, là Con yêu dấu của Chúa Cha. Sự kiện nầy được thánh sử Mat-thêu thuật lại như sau: “Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan … tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người.” … “Chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”
Dung mạo Thiên Chúa được hiển dung nơi Đức Giêsu Na-da-rét trên ngọn núi cao đã làm cho tâm hồn ba môn đệ ngất ngây trong niềm hạnh phúc vô biên. Vì thế, Phêrô muốn sống mãi giờ khắc tuyệt vời ấy và không muốn rời bỏ khung cảnh thần tiên đó. Ông đề nghị dựng lều ở lại lâu dài trên núi: “Bấy giờ ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.”
Sự hiển dung của Chúa Giêsu trước mặt ba môn đệ đã khiến cho tâm hồn các vị tràn ngập niềm vui và hạnh phúc; còn khi chúng ta hiển dung, để lộ chân tướng, để lộ khuôn mặt thật của ta ra thì người khác sẽ cảm thấy thế nào?
Khi chúng ta hiển dung
Jiddu Krishnamurti, người Ấn-độ (1895- 1986) là một tác giả và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần, cho rằng, trong mỗi con người có ba “nhân vật” đang chung sống:
* Một là “tôi-là”. Đây là con người thật của tôi, chân tướng của tôi. Ví dụ: bản chất tôi (tôi-là) là người tham lam, ích kỷ, lười biếng…)
* Hai là “Tôi-muốn-là”. Đây không phải là bản chất con người tôi, nhưng là con người mà tôi mong muốn trở thành. Ví dụ: Tôi hiện là người tham lam, ích kỷ, lười biếng nhưng tôi muốn sống như là người quảng đại, vị tha, năng động…
* Ba là “Tôi-tưởng-tôi-là”. Đây cũng không phải là bản chất con người tôi, nhưng là ảo tưởng tôi có về mình. Ví dụ: Một số kinh sư và Pha-ri-sêu thời Chúa Giêsu thực chất là người tham lam dối trá, nhưng cứ tưởng mình là người công chính đạo đức.
Đây chính là cái mặt nạ đẹp mà tôi đeo lên để che đậy khuôn mặt thật u ám của mình. Từ lâu nay tôi tưởng tôi là người đàng hoàng, đạo đức, mẫu mực… Tôi nhập vai khá tốt nên những người mới tiếp xúc đều tưởng tôi là người đạo đức chân chính và ngay cả bản thân tôi cũng tưởng mình như vậy. Nhưng đến một lúc nào đó, ở một nơi nào đó, tôi vô tình đánh rơi mặt nạ khỏi khuôn mặt mình; lúc bấy giờ tôi mới “hiển dung”, mới hiện nguyên hình là một tên đạo đức giả.
Bài học từ Lời Chúa
Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi nhìn thật sâu vào đáy lòng mình, nhìn xuyên qua vai diễn mà tôi đang đóng – vai “tôi-tưởng-tôi-là ” – để nhận ra bản chất con người tôi (tôi-là) thật là khả ố. Từ đó, tôi mới tự thấy xấu hổ về mình. Từ đó tôi mới quyết tâm cải thiện cuộc đời, tô điểm dung nhan, trau dồi cho mình những phẩm chất cao đẹp.
Nhờ thế, khi phải “hiển dung” (tức là bộc lộ chân tướng) trước mặt người khác (dù muốn hay không việc nầy cũng phải xảy ra), chân dung tôi không đến nỗi u ám, xám xịt, mốc meo… nhưng có được một chút sáng ngời, phần nào giống như chân dung chói lọi của Chúa Giêsu khi Người hiển dung trên núi với ba môn đệ năm xưa.
CHÚA NHẬT LỄ HIỂN DUNG- NĂM A
ĐƯỜNG VỀ ĐỈNH VINH QUANG- Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng
Đây là một câu chuyện xưa có tên “Người kế vị”, nội dung như thế này: Ở ngôi chùa kia có vị cao tăng với nhiều đồ đệ đông đến hàng trăm người. Cũng như mọi người bình thường, vị cao tăng biết rõ ràng quy luật “sinh, tử” của Tạo Hóa là không có ngoại lệ. Nay tuổi cao, sức yếu, vị cao tăng muốn tìm một người kế vị mình. Ngặt nỗi, người kế vị chỉ có một, còn đồ đệ thì rất nhiều. Vị cao tăng nghĩ là một kế và tiến hành lựa chọn người kế vị.
Cứ khoảng vài ba ngày, vị cao tăng tự đem giấu một món đồ vật và phàn nàn với đồ đệ rằng nơi đây có trộm cắp.
Ít lâu sau, vị cao tăng bỗng la lên: Trộm! Trộm! Có kẻ trộm!
Nghe tiếng thầy kêu, dù đang ngon giấc, các đồ đệ đều bật dậy, vội chạy tới. A là một đồ đệ rất siêng năng, nhanh nhẹn, tháo vát, luôn quí trọng thầy, thương yêu sẵn sàng giúp đỡ bạn, có uy tín vào bậc nhất trong các đồ đệ của vị cao tăng. A chạy đến trước tiên, hy vọng sẽ giúp thầy tìm bắt kẻ trộm, bảo vệ tài sản.
Thấy A, vị cao tăng vội túm lấy áo của A và nói lớn: Bắt được kẻ trộm rồi.
Trước đông đảo các môn đệ, vị cao tăng tuyên bố:
A là kẻ trộm vừa bắt được và đuổi A đi.
Bị thầy đuổi, không một lời thanh minh, không một lời oán thán, A nhẫn nhục ra đi.
Ba ngày sau, A trở lại Chùa, quỳ trước vị cao tăng và nói: “Thưa thầy, con ngộ (giác ngộ – nhận thức) được rồi”.
Vị cao tăng đỡ A dậy, trong lòng cảm thấy rất vui vì đã lựa chọn được người kế vị xứng đáng đúng như lòng muốn.
Đường về đỉnh vinh quang.
“Vinh quang trên đỉnh núi” hôm nay, mà truyền thuyết cho là núi Ta-bo, duy nhất chỉ xảy ra một lần cho đến khi Chúa Kitô hoàn tất Chương trình Cứu Độ.
Đức Giêsu biến hình rực rỡ cùng với sự xuất hiện của hai nhân vật Cựu Ước, cho thấy tính cách xác thật và chắc chắn của cuộc hành trình mà Đức Giêsu sẽ thực hiện trên trần thế: Con đường Thương Khó và Phục Sinh.
Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bổng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Ê-lia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem. (Lc. 9,29-31).
Trong cuộc biến hình này, có hình ảnh Đức Giêsu vinh quang, và ẩn chứa hình ảnh Đức Giêsu chịu ô nhục: cuộc xuất hành mà Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem.
Trong thoáng chốc, Phêrô – luôn là đại diện cho các môn đệ – “nhận biết” được Đức Kitô vinh quang, vì Người là con Thiên Chúa, như ông từng tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô, con Thiên Chúa hằng sống”, nhưng ông không thể “nhận biết” được Đức Kitô ô nhục, mà ngay sau cuộc biến hình này, Đức Kitô sẽ bước vào con đường đó: con đường Thập Giá.
Xin Chúa thương, đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy! (Mt. 16,22).
Đức Kitô biến hình trước mặt những môn đệ gần gũi Chúa nhất, để các ông vững tin vào Đức Kitô, vào Chân Lý, vào con đường mà các ông đang đi. “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”.
Niềm tin vào Chúa Giêsu có đó, nhưng bước đi vững vàng trong cuộc hành trình Đức Tin không luôn luôn dễ dàng. Mỗi người phải biến đổi để trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trong cái chết của Người” (Pl.3,10).
Sự biến đổi ấy đòi hỏi mọi người phải “thông phần những đau khổ của Người”, bằng sự sám hối, sự điều chỉnh, sự hoán cải sâu xa cuộc đời mình.
Không trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trong cái chết của Người, thì không thể “đồng hình dồng dạng với Người” trong vinh quang được.
Những Thử Thách
Trước đông đảo các môn đệ, vị cao tăng tuyên bố:
A là kẻ trộm vừa bắt được và đuổi A đi.
Bị thầy đuổi, không một lời thanh minh, không một lời oán thán, A nhẫn nhục ra đi.
Ba ngày sau, A trở lại Chùa, quỳ trước vị cao tăng và nói: “Thưa thầy, con ngộ (giác ngộ – nhận thức) được rồi”.
Vị cao tăng đỡ A dậy, trong lòng cảm thấy rất vui vì đã lựa chọn được người kế vị xứng đáng đúng như lòng muốn.
Điều gì đã diễn ra trong lòng của đồ đệ A? Đó là những giờ phút độc thoại, chiến đấu, lắng nghe nội tâm, đối diện với chính mình.
Một vị “chân tu”, không thể nào hành động vô lý như vậy. Thế thì, đằng sau hành động bất thường này, thầy có ý dạy điều gì? Đồ đệ A phải nâng tâm hồn lên để suy gẫm được điều đó, để ngộ được điều đó. Nếu không, lòng tự ái bùng lên, danh dự bị thương tổn, đồ đệ A không thể nhận ra tình thương của thầy mình. Có thể tất cả đã đổ vỡ!
Phêrô và các môn đệ đã biết Chúa là ai. Thiên Chúa không thể phản bội. Lời Ngài không sai, dù một chấm, một phẩy. Hình ảnh Chúa Giêsu biến hình khẳng định cho các môn đệ sự vinh quang mà Thiên Chúa hứa ban là chắc chắn.
Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán, đầy yêu thương trong mọi việc Chúa làm. (Tv.144, 13).
Đó là sự xác tín căn bản. Đó là Đức Tin của chúng ta. Từ sự xác tín đó, niềm tin đó, chúng ta tiến bước theo Chúa. Phó thác trong hy vọng và hạnh phúc.
Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi những chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa đã dành cho những kẻ được Người kêu gọi trong Đức Giêsu Kitô. (Pl.3,13-14).
Để tiến bước mạnh mẽ, để “lao mình về phía trước”, để “chạy thẳng tới đích”, đòi hỏi sự chiến đấu nội tâm anh dũng, đè bẹp “cái tôi” hẹp hòi, “chết đi con người cũ”, đó là “thập giá của đời ta”.
Nếu con người chỉ suy nghĩ và hành động theo ý riêng, theo bản năng, theo dục vọng, theo khát vọng thấp hèn, hạn hẹp, nhất thời, trước mắt, con người không thể bước vào lối hẹp, không thể đi vào con đường Thập Giá! Điều ấy, đồng nghĩa với việc con người thuộc về thế giới của Sa-tan.
“Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người!” (Mt.16,23).
Không phải chúng ta đòi hỏi có một Thiên Chúa như lòng chúng ta mong ước, mà chúng ta muốn được trở nên một con người như lòng Thiên Chúa mong ước.
Vì sự sống là từ Thiên Chúa.
Nên con người phải được biến đổi, và biến đổi hoàn hảo đến mức hoàn toàn thuộc về Chúa, là của Chúa, là chính Chúa hiện diện trong ta.
Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi. (Gl.2,20).
Sự biến đổi này, không phải chỉ là “nhận biết” Thiên Chúa, “ngộ” được Thiên Chúa, mà biến đổi thành chính Thiên Chúa, “thông phần vào bản tính Thiên Chúa” (2Pr.1,4).
Người đã trở nên giống chúng ta, để chúng ta trở nên như Người (Thánh Irénée).
Sự biến đổi ấy, cuối cùng chính là Phục Sinh cùng Đức Kitô. Được về miền Sáng láng và vinh hiển, vinh quang và vinh dự cùng với Ngài cho đến muôn đời.
Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền (1Pr. 2,9)
Thực Tế Hôm Nay
Chúa Giêsu đã biến hình sáng láng trên núi. Những môn đệ thân yêu của Chúa Giêsu đã chứng kiến giây phút vinh quang của Chúa Giêsu. Giây phút mà ngay lúc đó, sẽ không có gì có thể lay chuyển niềm tin của các môn đệ.
Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người! (Mt.17,5).
Nhưng Chúa Giêsu đã đưa các môn đệ xuống núi. Ánh vinh quang đã tắt, cuộc sống đời thường đã trở lại trước mắt. “Đỉnh vinh quang” không một sớm một chiều mà có được để tận hưởng dài lâu. Đường Đến Đỉnh Vinh Quang còn nhiều chông gai thử thách. Người đi còn gặp nhiều gian khổ. Có những người bỏ cuộc. Có những người lạc hướng. Có những người chọn bến bờ khác.
Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga.6,60).
Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với người nữa. (Ga.6,66).
Phải biến đổi con người mình tận gốc rễ để đến bến bờ sự sống vĩnh hằng. Phải biến đổi đến mức tự hủy diệt mình đi mới “sống lại” một cuộc đời mới, sự sống mới.
Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. (Ga.12,23-28).
Lạy Chúa,
Xin cho con luôn biết cố gắng vươn lên,
từng giây phút đổi thay đời mình,
đến gần sự thiện hảo hơn,
để con được hưởng vinh quang đời đời,
trong Tình Yêu của Chúa. Amen.
CHÚA NHẬT LỄ HIỂN DUNG- Năm A
KHUÔN MẶT NGỜI SÁNG- Thiên Phúc
Một vị ẩn sĩ nọ suy niệm và chay tịnh đến độ suốt ngày không động đến thức ăn, ai ai cũng thấy có một ngôi sao xuất hiện giữa ban ngày, đó là dấu hiệu trời cao chấp nhận lễ hy sinh của ông.
Ngày nọ, vị ẩn sĩ quyết định leo lên núi cao. Ông muốn vươn lên cao hơn trong sự khổ chế. Vừa lúc ông đang leo núi, thì một cô bé trong làng chạy tới xin đi theo. Không thể từ chối được, vị ẩn sĩ đành để cho cô bé đi cùng. Họ ra đi khi mặt trời vừa lên. Nhưng không mấy chốc, ánh nắng mỗi lúc một chói chang, cả vị ẩn sĩ lẫn cô bé đều cảm thấy khát nước. Vị ẩn sĩ vẫn cố gắng khắc phục cơn khát của mình, nhưng ông lại giục cô bé hãy uống nước. Cuối cùng, không ai chạm đến nước. Vị ẩn sĩ không uống nước vì lời thề của mình, còn cô gái không nỡ uống một mình.
Họ càng đi, cơn khát càng dằn vặt. Đến một lúc vị ẩn sĩ không nỡ nhẫn tâm nhìn thấy cô bé phải quằn quại trong cơn khát. Ông đàng lỗi lời thề. Ông cầm lấy nước đưa lên miệng và cô bé cũng mỉn cười uống nước với ông.
Sau khi đã uống nước, vị ẩn sĩ không dám nhìn lên trời cao nữa. Ông cứ đinh ninh rằng vì sao hiện ra mỗi ngày như một chứng giám cho sự khổ chế của ông, giờ đây có lẽ đã biến mất. Thế nhưng, khi ông ngước mắt nhìn lên đỉnh núi. Ngạc nhiên biết chừng nào, hai vì sao đang chiếu sáng như mỉm cười với ông.
***
Sau khi đã chay tịnh nhiều ngày và chấp nhận vươn lên cao trong sự khổ chết, vị ẩn sĩ đã được trời cao chứng giám bừng cách cho một vì sao ngời sáng giữa ban ngày.
Đức Giêsu sau khi chấp nhận cuộc khổ nạn, quyết tâm thi hành thánh ý Chúa, liền được “biến hình đổi dạng” trên núi cao. “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,2). Người còn được Chúa Cha chứng giám cho việc Người chấp nhận khổ giá vì yêu Cha và vì yêu nhân loại tội lỗi, bằng một lời ngợi khen long trọng: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5).
Đức Giêsu biến hình sáng láng trước mặt ba môn đệ thân tín, là để các ông cảm nghiệm trước vinh quang Phục Sinh của Người. Cũng là để dọn lòng trí các ông dễ dàng đón nhận cuộc khổ nạn và cái chết thương đau của Người trên thập giá sau này. Vì qua đau khổ mới tới vinh quang. Có khổ nhục chiều thứ Sáu Tuần Thánh, mới rạng rỡ sáng Chúa nhật Phục Sinh.
Người Kitô hữu chỉ có thể biến hình đổi dạng khi họ sẵn lòng cùng với thánh giá lên đồi Canvê với Đức Ktiô.
Người Kitô hữu chỉ có thể bừng sáng rạng ngời khi họ dám hy sinh bản thân để hiến dâng cho Thiên Chúa và tha nhân bằng một tình yêu trao ban vô vị lợi.
Chúng ta sẽ nhận ra khuôn mặt ngời sáng của Đức Kitô khi chúng ta đón nhận khuôn mặt đau khổ của anh em.
Chúng ta sẽ minh họa được khuôn mặt sáng láng của Đức Kitô khi chúng ta luôn mang khuôn mặt vui tươi, an bình và hạnh phúc.
Người tín hữu thưởng nếm vinh quang Tabo chẳng bao nhiêu, nhưng đón nhận gian nan Núi Sọ lại rất nhiều. Tuy thế họ vẫn vui tươi và thanh thản, an bình và hạnh phúc? Phải chăng họ đã cảm nghiệm được khuôn mặt người sáng của Đức Kitô trong cuộc đời mình. Như người lực sĩ điền kinh nhắm chiếc huy chương vàng mà gắng sức về đích để giành phần thắng, thì người tín hữu Kitô cũng phấn đấu vượt qua những chặng đường thánh giá cuộc đời, để đạt được phần thương vô giá là vinh quang Phục Sinh rạng ngời.
Hãy sám hối và canh tân. Sám hối – Canh Tân là bỏ đi con người tự mãn tự kiêu để mặc vào con người nhu mì khiêm tốn, là tháo gỡ khuôn mặt u mê tội lỗi để nhận lại khuôn mặt ngời sáng thánh thiện, là tẩy chay tâm địa ích kỷ để đón nhận tinh thần phục vụ yêu thương.
Nước mắt sám hối khép lại quá khứ để mở cửa tương lai. Nước mắt Sám hối luôn tẩy sạch tội lỗi. Nước mắt Sám hối bao giờ cũng có giá trị trong sự tha thứ.
Canh tân là lao mình về phía trước, trong niềm vui đổi mới. Lúc đó, chúng ta không cần đi tìm mùa xuân, vì chính chúng ta đang làm nên mùa xuân cho cuộc đời.
***
Lạy Chúa, xin cho những lần chúng con gặp Chúa trong cầu nguyện, trong mỗi thánh lễ, là mỗi lần khuôn mặt chúng con lại được bừng sáng lên nièm an vui, hạnh phúc.
Ước gì người ta nhận ra được khuôn mặt người sáng, dịu dàng và yêu thương của Chúa trong nét mặt hân hoan, khả ái của chúng con. Amen.
CHÚA NHẬT LỄ HIỂN DUNG- Năm A
XIN ƠN BIẾN ĐỔI – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
(Mt 17, 1-9)
Ngày 06 tháng 8 hàng năm, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm một mầu nhiệm vĩ đại đó là biến cố Biến Hình của Chúa Giêsu. Lịch sử cho thấy Ba Tông Đồ Phêrô, Gioan và Giacôbê là những tấm gương trong việc lắng nghe lời Đức Giêsu và để Chúa biến đổi. Theo thánh sử Matthêu, sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin (x. Mt 16, 13-20), Chúa Giêsu bắt đầu mạc khải cho các ông biết, Con Người sẽ bị kết án tử hình, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại. Chúng ta cần phải nhìn sự kiện Chúa Giêsu biến hình trong bối cảnh này. Thánh Athanasiô viết: “Chúa Giêsu đã nhập thể làm người và khoác lên mình tấm áo da nhân loại nghèo hèn của chúng ta, hôm nay Người mặc áo thần linh sáng láng của chính Người”. Sứ điệp mà Chúa Giêsu gửi đến mỗi người chúng ta là những lời đầy tình phục tử của Chúa Cha: “Đây là Con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người” (Mt 17,5). Nghe ở đây là làm theo thánh ý Chúa, bắt chước Chúa, thực hành lời Chúa truyền dạy và vác thập giá mình mà theo Chúa.
Để tránh hiểu lầm và giải thích sai về biến cố Chúa biến hình, Chúa Giêsu cấm họ : “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại” (Mt 17,9). Ba Tông đồ chiêm ngưỡng Chúa Giêsu biến hình, dấu chỉ thần linh của Chúa, nhưng Đấng Cứu Thế không muốn họ tiết lộ điều ấy với ai cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại, chính vì vậy mà người ta có thể hiều được tầm quan trọng của biến cố này. Trong Tin Mừng, Chúa Kitô nói với chúng ta rằng khi cầu nguyện, nhất là sau khi chịu lễ, chúng ta có thể thân thưa với Chúa như Phêrô : “Lạy Thầy, nếu được ở đây thì tốt lắm” (Mt 17).
Kinh Tiền Tụng Thánh lễ hôm nay là bản tóm lượt tuyệt vời về cuộc biến hình : “Con Một Chúa biểu lộ dung nhan hiển vinh người, Chúa đã dùng hai chứng nhân Cựu Ước là ông Môsê và ông Êlia để củng cố niềm tin của các tông đồ vào mầu nhiệm cứu độ và báo trước hồng ân lạ lùng Chúa sẽ ban là nhận chúng con làm nghĩa tử. Xin cho chúng con nghe lời Con Một Chúa để mai sau được chung hưởng gia nghiệp với người”. Đây là bài học mà các Kitô hữu chúng ta đừng bao giờ quên.
Đức Giêsu biến hình để cho chúng ta chiêm ngưỡng vinh quang Ba Ngôi, đồng thời dạy chúng ta biết lắng nghe lời Đức Giêsu và biến đổi chúng ta theo thánh ý Chúa.
Vinh quang Ba Ngôi
Vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi được biểu lộ với sự hiển hiện của Chúa Cha qua lời xác nhận : “Ðây là Con Ta yêu dấu!” (Mt 17, 5). Trong ánh sáng vinh quang của Chúa, chúng ta nhìn thấy ánh sáng; và được Chúa Thánh Thần nâng lên, chúng ta chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi qua mọi muôn thế hệ.
Lắng nghe lời Đức Giêsu
Trong biến cố Chúa Biến Hình, chúng ta không những chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa mỗi ngày một sâu xa hơn, vừa đi từ ánh sáng này sang ánh sáng khác, chúng ta còn được mời gọi hãy lắng nghe Lời Chúa. Ngoài Lời Lề Luật nơi Ông Môisen và Lời Tiên Tri nơi Ngôn Sứ Êlia, Lời Chúa Cha con vọng tới chúng ta và hướng chúng ta đến cùng Con Thiên Chúa. Khi chỉ cho chúng ta biết “Con yêu dấu của Ngài”, Thiên Chúa Cha mời gọi chúng ta hãy lắng nghe Con Ngài “các người hãy nghe lời Người” (Mt 17, 5).
Xin ơn biến đổi
Nhìn xem và lắng nghe, chiêm ngắm và vâng phục, là những con đường dẫn dắt chúng ta lên Núi Thánh, nơi Ba Ngôi Thiên Chúa được mạc khải trong vinh quang của Chúa Con. Trong Mầu nhiệm Năm Sự Sáng, Thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng mời gọi chúng ta xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta. Mượn lời thánh Gioan Damasceno chúng ta thưa : “Lạy Chúa Kitô, Chúa đã thu hút con bằng cách làm cho con ao ước Chúa, và Chúa đã biến đổi con bằng tình yêu của Chúa. Xin hãy dùng lửa linh thánh thiêu đốt hết mọi tội lỗi con, và xin thương ban cho con được tràn đầy sự dịu dàng của Chúa, ngõ hầu được đầy tràn niềm vui, con cất lời chúc tụng những thể hiện vinh quang Chúa”. Amen.