Lễ Giáng Sinh (Lễ rạng đông) – Năm C
HỌ LIỀN HỐI HẢ RA ĐI
Lm Ignatiô Hồ Thông
***
Phụng Vụ Lễ Rạng Đông Giáng Sinh tiếp tục xoay quanh mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa: sự cao cả được ẩn dấu trong sự đơn giản đến mức tối đa. Dân Thiên Chúa chiêm ngắm bà Ma-ri-a, thánh Giu-se, cùng Hài Nhi đặt nằm trong Máng Cỏ.
Is 62: 11-12
Ngôn sứ I-sai-a đệ tam loan báo rằng những người bị tản mác khắp nơi được Thiên Chúa quy tụ lại để thành “dân thánh của Ngài”, “dân được Chúa cứu chuộc”.
Tt 3: 4-7
Thánh Phao-lô khuyên ông Ti-tô, vị lãnh đạo cộng đoàn Crète, đừng tìm cách sửa đổi đạo lý tinh tuyền của Ki tô giáo cho phù hợp với ý muốn và sở thích của con người, dù dưới bất kỳ áp lực nào.
Lc 2: 15-20
Đoạn Tin Mừng này là phần cuối của chuyện tích lễ đêm Giáng Sinh. Ở nơi dáng dấp của các mục đồng, thành ký phác họa chân dung của những người Ki tô hữu: “Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ”.
BÀI ĐỌC I (Is 62: 11-12)
Sứ điệp này đã được công bố cho Giê-ru-sa-lem vào những năm khó khăn sau khi những người lưu đày trở về từ Ba-by-lon.
Hiện trạng tang thương của Giê-ru-sa-lem:
Những người hồi hương đã gặp lại Giê-ru-sa-lem nghèo khổ, dân cư thơ thớt, chịu cống nạp cho những người ngoại quốc; Đền Thờ hoang tàn đổ nát. Họ bắt tay tái thiết Đền Thờ, nhưng công việc phải dừng lại vì thiếu tài chánh. Vì thế họ hoàn toàn vỡ mộng. Ngôn sứ khơi lại ngọn lửa hy vọng của họ. Đức Chúa không quên dân Ngài.
Vị ngôn sứ này là tác giả vô danh mà người ta đặt biệt danh là ngôn sứ I-sai-a đệ tam (Is 40-55), vị ngôn sứ của thời hậu lưu đày. Ông là môn đệ của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị (Is 56-66), vị ngôn sứ của thời lưu đày, mà ông lấy lại những cách diễn tả của thầy mình.
Sứ điệp chứa chan hy vọng:
Vị ngôn sứ này xác tín rằng thời kỳ cứu độ Giê-ru-sa-lem sắp đến gần, và Giê-ru-sa-lem rồi sẽ lại trở nên đông đúc, vì những con cái của nó bị tản mác khắp nơi sẽ trở về. Chính viễn cảnh về một cuộc quy tụ vĩ đại này hình thành nên chủ đề của đoạn trích hôm nay.
Theo gương thầy và vị tiền nhiệm của mình, ngôn sứ tưởng tượng Đức Chúa dẫn đầu dân Ngài và mang ơn cứu độ đến cho họ (x. Is 40: 10), nhưng đoàn người mà Đức Chúa dẫn dắt không còn là đoàn tù nhân được giải phóng, đây là đám rước bao la của những người Giu-đa bị tản mắc khắp thiên hạ, họ lên đường tiến về Thành Thánh. Đó là thành quả rực rỡ của việc Chúa can thiệp mà muôn dân muôn nước đều nhận biết.
Như vậy, Ít-ra-en lại có thể được gọi là “dân thánh”, “dân được Đức Chúa cứu chuộc”. Cuối cùng, Giê-ru-sa-lem có thể được chào đón bằng những tên biểu tượng: Nó sẽ được gọi là“Cô gái đắt chồng”; sau khi đã được Chúa của mình sủng ái, nó sẽ không còn là một người vợ bị bỏ rơi.
BÀI ĐỌC II (Tt 3: 4-7)
Phụng vụ đề nghị cho chúng ta một đoạn trích mới từ thư của thánh Phao-lô gởi ông Ti-tô.
Hoàn cảnh:
Trong đoạn trích này, chúng ta gặp lại những chủ đề lớn, cô động về lời rao giảng của thánh Phao-lô. Ông Ti-tô, người môn đệ mà thánh Phao-lô đã giao phó Giáo Đoàn Crète, đã gặp phải những khó khăn. Thật ra, những cuộc tranh luận về đức tin cốt yếu đến từ những Ki tô hữu gốc Do thái – chắc chắn rất đông ở trong các cộng đoàn Ki tô giáo Crète – một trong những sai lầm của họ là vẫn gắn bó với những công nghiệp của Lề Luật như nguồn mạch ơn cứu độ. Vì thế thánh nhân khuyên ông đừng tìm cách sửa đổi đạo lý tinh tuyền của Ki tô giáo cho phù hợp với ý muốn và sở thích của con người, dù dưới bất kỳ áp lực nào.
Ơn cứu độ của Thiên Chúa:
Thật là ý nghĩa khi thánh nhân nhắc lại đến hai lần cùng một chủ đề với thư gởi tín hữu Rô-ma: sự cứu độ không có bất kỳ mối liên hệ nào với những công nghiệp do tự sức chúng ta, nhưng hoàn toàn là ơn huệ nhưng không do lòng nhân hậu và yêu thương của Ngài: “Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giê-su Ki tô, Đấng cứu độ chúng ta”.
Những chủ đề quan trọng khác:
Đạo lý phép Rửa cũng được mạnh mẽ tái khẳng định như ơn tái sinh, cũng như quyền năng của Chúa Thánh Thần hiện ở trong chúng ta, đảm bảo cho chúng ta quyền thừa hưởng sự sống đời đời.
Ông Ti tô xem ra một con người nhút nhát, không quyết đoán trước những áp lực từ phía những người chống đối. Thánh Phao-lô mời gọi ông hãy kiên vững và đồng thời khích lệ ông hãy gìn giữ sự tinh tuyền của đạo lý Ki tô giáo.
TIN MỪNG (Lc 2: 15-20)
Đoạn Tin Mừng hôm nay là phần cuối của chuyện tích Giáng Sinh đã được công bố vào Lễ Đêm Giáng Sinh.
Thánh Lu-ca mô tả dáng dấp của các mục đồng: sau khi được các thiên sứ báo tin, “họ liền hối hả ra đi”, như Đức Ma-ri-a, sau khi được sứ thần loan báo, vội vả ra đi đến nhà người chị họ của mình là bà Ê-li-sa-bét. Thiên Chúa đã cho một dấu chỉ; phải đi kiểm chứng tức khắc và cố tìm hiểu ý nghĩa dấu chỉ của Ngài.
Dáng dấp của các mục đồng nói lên biết bao bài học. Vì thế, thánh ký đã tô điểm câu chuyện này với nhiều chi tiết long trọng.
Mục đồng:
Đấng Mê-si-a, được các ngôn sứ loan báo biết bao lần, được dân Ít-ra-en chờ đợi từ lâu lắm rồi, đã đi vào trong lịch sử con người một cách bất ngờ nhất và kín đáo nhất. Để nhận ra Ngài trong mầu nhiệm tự hạ này, phải có một tâm hồn nghèo khó, lột bỏ khỏi mọi thiên kiến. Thánh Lu-ca là thánh ký về đức nghèo khó.
Những mục đồng là những kẻ bị liệt ra ngoài lề xã hội, những kẻ mà các tiến sĩ Luật nghi ngờ về đời sống đạo hạnh của họ, vì nghề nghiệp của họ không cho phép họ tuân giữ ngày sa-bát và tham dự thường xuyên kinh nguyện trong các hội đường. Chính ở nơi những tín đồ không ngoan đạo này mà lời loan báo đầu tiên về Triều Đại Mê-si-a được gởi đến. Chúng ta nhận ra cách thức của Thiên Chúa. Đức Giê-su sẽ hớn hở vui mừng và ngợi khen Cha Ngài “vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Lc 10: 21).
Chính ở nơi các mục đồng này, thánh ký phác họa dáng dấp của các Ki tô hữu: họ “ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ”.
Hài Nhi Giê-su:
Khi đến nơi, “họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”. Thánh Lu-ca nhấn mạnh một lần nữa từ: “máng cỏ” (2: 12, 16). Về phương diện vật chất, máng cỏ là chiếc nôi đầu đời của Con Thiên Chúa làm người; về phương diện tinh thần, Thiên Chúa đã làm cho mình trở nên nhỏ bé và nghèo hèn để được đón nhận. Ngài đến không chỉ để “cho”, nhưng cũng để “nhận”: nhận từ con người sự thờ phượng, lời cầu nguyện, lời ngợi khen và nhất là những cử chỉ yêu thương để rồi từ đó, “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 24: 40).
Đức Ma-ri-a:
“Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Đây là một ghi nhận quý giá. Thánh Lu-ca vén mở cho chúng ta một trong những nguồn của sách Tin Mừng mang tên thánh nhân; ông đã tô điểm chuyện tích Giáng Sinh với nhiều chi tiết thiêng liêng, nhưng khởi đi từ những sự kiện mà ông đã gìn giữ từ chính Đức Nữ Trinh, Mẹ hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng để cố hiểu hơn nữa mầu nhiệm của Con Mẹ.