THỨ TƯ LỄ TRO – TRỞ VỀ VỚI CHÚA
1. Con người, thân phận bụi tro
Cộng đoàn phụng vụ thân mến, con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm (x.Tv 8,5). Con người chẳng là gì trước mặt Chúa, có chăng, họ chỉ là một thụ tạo quá thấp hèn. Bởi Chúa đã biết con người được dựng nên bằng gì, Người vẫn nhớ chúng ta là cát bụi (x. Tv 103,14). Con người chỉ là cát bụi. Chính Thiên Chúa đã yêu thương và tự do nhào nắn con người từ bụi đất và thổi sinh khí, trao ban sự sống cho con người (x, St 2,7). Từ thân phận bụi tro, Thiên Chúa đã cho con người trở thành một thụ tạo cao trọng khi chính Ngài đã dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa (x. St 2,17). Vì thế, mỗi người cần gắn bó mật thiết với Thiên Chúa để luôn giữ được hình ảnh Thiên Chúa nơi mình. Quay lưng lại với Thiên Chúa, con người sẽ gặp thất bại ê chề.
2. Trở về với Thiên Chúa.
Dân Do Thái đã trải nghiệm sự thất bại ê chề này. Họ đã nhìn mọi thiên tai thất bại và sự dữ xảy đến với họ dưới cái nhìn đức tin. Vì đã quay lưng lại với Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự thiện, nên họ phải gánh chịu sự dữ là nạn mất mùa. Trước nạn đói kém, tiên tri Gioen mời gọi họ trở về với Thiên Chúa: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van”.
Sự ăn năn sám hối này phải là hành vi thay đổi tận căn, nghĩa là sám hối phải xuất phát tự cõi lòng chân thực chứ không phải chỉ có những việc làm bề ngoài. Vì thế, vị tiên tri đã kêu gọi: “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng”. Nếu toàn dân cùng nhau sám hối, muôn lòng trở về với Chúa, dân Do Thái có quyền hy vọng vào một ngày tươi sáng. Khi đó, họ sẽ gặt hái được hoa hạnh phúc, họ sẽ nhận được lễ phẩm và lễ tưới rượu. Bởi vì, Thiên Chúa là Đấng rất từ bi, chắc chắn Ngài sẽ tha thứ cho những kẻ thực lòng sám hối.
Trong suốt thời Cựu Ước, dân Do Thái thường xuyên lỗi phạm với Thiên Chúa nhưng họ cũng mau mắn trở về với Ngài. Tội lỗi và sám hối cứ đan xen nhau trong suốt lịch sử dân Do Thái. Tuy nhiên, tâm tình sám hối, trở về với Thiên Chúa luôn da diết và vang vọng không ngừng. Thánh vịnh 50 đã bày tỏ tâm tình sám hối này. Tội nhân ý thức rõ về những tội lỗi của mình nhưng quyết tâm trở về với Chúa và tin chắc rằng, Thiên Chúa sẽ rộng lòng thứ tha.
Tới thời Tân ước, mặc dù Thiên Chúa đã biến Đức Giêsu thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã không cất những yếu đuối của con người. Mặt khác, Ngài cho con người được tự do chọn lựa vận mệnh đời mình. Vì thế, dù người tín hữu được giá máu Chúa Kitô cứu chuộc, họ vẫn còn phạm tội, vẫn còn quay lưng lại với Thiên Chúa. Thánh Phaolô trong thư thứ hai gửi tín hữu thành Côrintô đã mời gọi dân thành hãy làm hòa với Thiên Chúa. Bởi lẽ, tội lỗi đã phá huỷ những liên hệ hài hòa giữa con người với Thiên Chúa, còn sám hối là tái lập những liên hệ ấy.
3. Sống tương quan mật thiết với Thiên Chúa.
Cộng đoàn phụng vụ thân mến, thân bụi tro nếu đặt trong bàn tay Thiên Chúa sẽ được nhào nắn và thổi sức sống thần linh để trở nên con người, giống hình ảnh Thiên Chúa. Ngược lại, nếu ai đó lạm dụng phẩm giá cao quý của mình là hình ảnh của Thiên Chúa mà quay lưng lại với Ngài thì sớm muộn gì, người đó cũng trở về cát bụi. Vì thế, trở về với Thiên Chúa, sám hối tội lỗi mình để mỗi người có thể tương quan mật thiết với Thiên Chúa.
Sống tương quan mật thiết với Thiên Chúa không chỉ là thái độ thành tâm sám hối sau khi đã phạm tội nhưng còn trải dài đời sống mình dưới mắt Chúa. Nghĩa là, mỗi người luôn sống đẹp ý Chúa với niềm xác tín rằng, Chúa luôn hiện diện khắp mọi nơi và thấu suốt hành vi cũng như tâm can mỗi người tầng gang tấc (x. Gr 11,20). Vì thế, mọi hoạt động của mỗi người cần quy hướng về Chúa chứ không phải vì người khác hay vì hư danh. Nghĩa là, mọi hành vi đạo đức bái ái như cầu nguyện, ăn chay, bác ái đều vì lòng mến Chúa chứ không phải để được người đời khen ngợi. Bởi lẽ, sau khi mỗi người nhắm mắt xuôi tay, chẳng ai có thể cho nắm tro tàn trỗi dậy. Nhưng với Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, Đấng đã tạo dựng con người từ bụi đất, sẽ cho thân phận của chúng ta được sống muôn đời.
Ước mong, mỗi lần chịu tro trên đầu, chúng ta ý thức thân phận mình là bụi tro đã được Thiên Chúa yêu thương nâng lên giống hình ảnh Thiên Chúa. Vì thế, mỗi người cần đáp đền tình yêu Thiên Chúa bằng đời sống tương quan mật thiết với Ngài, qua hành vi lắng nghe và thực hành lời Chúa để khi nhắm mắt xuôi tay, chúng ta có quyền mong đợi Thiên Chúa sẽ cho thân xác bụi tro của mỗi người được trở nên giống thân xác vinh hiển của Chúa Giêsu Kitô và sống hạnh phúc với Ngài muôn đời.
Lm. Vinhsơn Trần Minh Hòa.