Mỗi tháng 11, Giáo Hội nhắc nhở mọi người nhớ đến tiền nhân của mình mà biết ơn, cầu nguyện và noi gương các vị ấy. Tôi cũng thế, nặng lòng suy nghĩ miên man đến mọi người trên quê hương đất nước. Những người đã qua đi, những người đang sống và sẽ sống trên quê hương đất nước này.
Tôi còn nhớ mãi hồi còn nhỏ, từng thân cận một cha xứ vốn có nho học, cụ từng nói: ”nếu ai biết chữ hán thì hai chữ Việt Nam trên đầu mỗi chữ đều có chữ thập”.
Ngài nói với giọng lạc quan ca ngợi các vị tử đạo Việt Nam và cũng như để chấp nhận định mệnh của đất nước mình. Ngày ấy còn nhỏ chỉ biết nghe vậy.
Sau này được học tiếng Trung Quốc, bàn tay mình tập viết không biết bao lần hai chữ ấy, nên lời cha xứ tôi chẳng thể quên. Từ đó hai tiếng Việt Nam bằng chữ hán tự đã in sâu trong tâm trí và nên như một chủ đề chiêm niệm.
Thật là kỳ lạ không biết tình cờ hay hữu ý mà hán tự lại đặt định cho tên nước mình như vậy. Ngày xưa nghe loáng thoáng mấy cụ nho nói định đặt như vậy họ có ý kìm hãm đất nước mình. Không chắc có phải, nhưng dù sao đi nữa tôi vẫn một niềm tin tưởng: ở đâu có thập giá Chúa Ki tô ở đó sẽ có ơn cứu độ, ở đâu có đau khổ hy sinh ở đó sẽ có vinh quang hạnh phúc, đó là quy luật tất yếu trờI đất đã an bài.
Nhìn lại dòng lịch sử của dân tộc Việt Nam đúng là ngập tràn những thập giá trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Bằng những gian khổ, hy sinh mà từ một nước Đại Việt nhỏ con ở vùng châu thổ sông Hồng đã thành một nước rộng mênh mông từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Tôi yêu mến con người đất nước ấy., với “ Những nông dân hiền lành cần cù chịu khó hết lòng phụng sự tổ tiên và biết thờ trời” – đó là nhận xét của các nhà truyền giáo khi đến Việt Nam. Tâm tình ấy của dân Việt Nam gần như đã được mạc khải giáo lý của thời Cựu Ước: nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa để chuẩn bị đón nhận tin mừng Chúa Ki tô đã đến. Tôi chiêm niệm biến cố đặc biệt khi dân tộc Việt Nam được đón nhận Tin Mừng như hai thái cực tiếp xúc cọ xát nhau đã tạo nên khói lửa, sống chết. Biết bao người công giáo đã phải chịu đau khổ hy sinh để trở thành một đất nước có số anh hùng tử đạo đông nhất nhì trong thế giới công giáo. Để rồi sau những tháng năm khói lửa hạt giống đức tin của họ lại mọc xanh tươi trên những đống tro tàn. . Những thế lực to lớn ở thế giới đã đến Việt Nam, đã chạm trán nảy lửa. Giờ đây họ đã rút ra những bài học kinh nghiệm đau đớn của chiến tranh mà lo xây dựng hòa bình cho thế giới như hôm nay. Còn dân tộc Việt Nam phải mang lấy cả năng lượng sức mạnh nghiệt ngã ấy…
Tôi cảm thương biết bao những con người trong đó có anh em , bạn bè đã vĩnh viễn ra đi hay phải mang thương tật suốt đời bởi những đạn bom trên khắp hai miền đất nước. Cảm thương cha mẹ anh chị em tôi…đã phải sống mấy chục năm vô cùng cơ cực để phục vụ cho cuộc chiến tranh. Nó đã kết thúc hơn ba chục năm qua mà chưa hết hậu quả để lại . Giờ đây tôi cảm thương, tưởng nhớ và cầu nguyện đặc biệt cho họ. Tôi cũng vui mừng tạ ơn Chúa ngày nay mình không phải sống trong khói lửa đạn bom. Mặc dù vẫn còn nghe những việc chưa vui này nọ. Nhưng vẫn tự hào yêu mến Việt Nam quê hương tôi. Cứ tin tưởng, cầu nguyện và trông cậy nơi Chúa. Vì chỉ có nơi Chúa mới có sức mạnh biến đổi từ có ra không và ngược lại. Chứ sức riêng loài người chẳng là gì – lịch sử thế giới đang chứng tỏ điều ấy. Mà nếu vẫn còn sấm sét mưa dông đây đó thì sau cơn dông ấy đất đai, cây cối sẽ màu mỡ xanh tươi hơn. vậy ta không vui sao khi đất nước mình đang vươn lên vượt qua nghèo đói, tiếp cận và làm bạn với mọi quốc gia trên thế giới. Không vui sao khi qua mấy chục năm chiến tranh… đầy mọi khó khăn thế mà giáo hội Việt Nam chỉ có chưa đầy 10% dân số đất nước mà sức sống vẫn vươn lên mạnh mẽ ở khắp mọi miền đất nước.
Cảm ơn Chúa đã cho con là người Việt Nam. Con chẳng giám nhận mình là con dân một nước giàu có, tài giỏi gì. Nhưng nhận ra dân tộc Việt Vam được Chúa ban cho thật là đặc biệt. Xin Chúa luôn ban ơn hướng dẫn mọi người trân trọng ân huệ ấy, dù cả thập giá chúa gửi cho. Để chúng con biết sống xứng đáng như một dân riêng Chúa yêu, hầu mọi người được hưởng vinh quang trong nước Chúa – Amen