25.01.2025 – Thứ Bảy Tuần II Thường Niên: Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại
Lời chúa: Mc 3, 20-21
“Những thân nhân của Người nói: Người đã mất trí”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.
Khi ấy Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được. Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: “Người đã mất trí”. Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay thật là ngắn, chỉ gồm có hai câu. Nhưng câu chuyện kể lại có thế làm chúng ta bối rối. Đức Giêsu đã gặp sự chống đối từ phía các kinh sư và người Pharisêu. Bây giờ Ngài lại gặp sự hiểu lầm từ phía những thân nhân, trong đó có thể có thân mẫu của Ngài (x. Mc 3, 31). Khi Đức Giê su và các môn đệ trờ về nhà ở Caphácnaum, đám đông lại kéo đến. Nhu cầu thật lớn lao và thúc bách khiến cả nhóm không thể nào có giờ ăn. Thân nhân của Ngài nghe tin ấy thì hốt hoảng. Có lẽ họ đã đi từ quê làng Nadarét đến để gặp Đức Giêsu. Họ nghĩ Ngài bị mất trí và họ muốn lôi Ngài về lại quê nhà. Họ sẵn sàng dùng sức mạnh để ép Đức Giêsu phải đi. Kể cũng lạ nếu chỉ dựa vào chuyện Đức Giêsu không ăn để vội vã kết luận là Ngài mất trí. Các thân nhân chẳng để ý đến chuyện đám đông chạy đến với Ngài để được trừ quỷ, được chữa bệnh và để được nghe giảng. Làm sao một người mất trí có thể làm được những việc như thế ? Xem ra họ không hiểu mấy về con người và sứ mạng của Đức Giêsu.
Thật ra dưới mắt của các thân nhân, Đức Giêsu có những điều chẳng bình thường chút nào. Ngài đã không lập gia đình như những thanh niên khác. Ngài đã bỏ nghề thợ mộc ở Nadarét để lang thang khắp đó đây. Dù không phải là người học thức, Ngài đã chiêu tập một nhóm môn đệ chủ yếu là dân đánh cá, đã giao du với những hạng người nên tránh, đã dám đụng độ với các kinh sư, và bây giờ Ngài đang mê mệt với một đám đông cuồng nhiệt theo Ngài. Họ tự hỏi ông Giêsu, người thân của họ, có vấn đề gì về tâm lý không, có rơi vào tình trạng hoang tưởng tự đại không. Chúng ta cần nhiều thời gian để hiểu được sự “mất trí” của Đức Giêsu. Quan hệ máu mủ có khi lại làm cản trở việc nhận ra Ngài là ai. Đức Giêsu bao giờ cũng vượt trên những gì chúng ta thường nghĩ. Cần thấy được sự khôn ngoan và lòng nhân hậu của Thiên Chúa nơi sự “mất trí” và điên rồ của Đức Giêsu trên thập giá (1 Cr 1, 18).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, dân làng Nadarét đã không tin Chúa vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công. Các môn đệ đã không tin Chúa khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự. Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa chỉ vì Chúa sống như một con người, Cũng có lúc chúng con không tin Chúa hiện diện dưới hình bánh mong manh, nơi một linh mục yếu đuối, trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn. Dường như Chúa thích ẩn mình nơi những gì thế gian chê bỏ, để chúng con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin. Xin thêm đức tin cho chúng con để khiêm tốn thấy Ngài tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH
GP. PHÚ CƯỜNG
HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG
Trong khi thánh Phêrô được xác định là “đá tảng cho Hội thánh” (Mt 16,18), thì Phaolô được gọi là “thầy dạy của dân ngoại về đức tin và chân lý” (1Tm 2,7). Chính Phaolô đã tự thuật về ơn gọi của mình. Ơn gọi ấy bắt đầu từ một biến cố trên đường ông đi Đamas. Câu chuyện này được tường thuật tới 3 lần, trong sách Công vụ (9,3-7; 22,3-16 và 26,13-15).
Đối với Phaolô, con đường Damas là con đường thiên mệnh, con đường của ý trời. Con đường ấy đã thay đổi con người và cuộc đời của Phaolô 180o. Cú ngã ngựa trên đường Đamas, biến Saolô thành chứng nhân vĩ đại là Phaolô, một người ngoài nhóm 12 tông đồ, để trao cho sứ mệnh làm “tông đồ dân ngoại”, biệt danh này không ai có, ngoại trừ Phaolô.
Trong ánh sáng huy hoàng, Chúa Kitô phục sinh đã ngỏ lời và đối thoại với Saolô. Thần Khí của Đấng phục sinh đã tác động và thay đổi hoàn toàn con người của ông. Ánh sáng ấy làm cho Saolô mù mắt, diễn tả sự mù quáng của ông trước việc bắt bớ các người Kitô hữu.
Chúa Kitô phục sinh muốn nhờ Giáo hội, qua phép Rửa, giải thoát Saolô khỏi sự “u mê lầm lạc”, vô tri. Phaolô đã được thấy lại nhờ ánh sáng của Chúa qua phép Rửa, bấy giờ mới nhận biết Đức Kitô và khám phá ra Thiên Chúa, chính là Cha của Đức Giêsu Kitô. Phaolô ngã xuống đất và suốt ba ngày không nhìn thấy, không ăn, không uống, giống như người “chết rồi mới sống lại với Chúa”. Saolô được thông phần cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, được Chúa Cha mặc khải cho biết mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Từ đó trở nên “chứng nhân” được sai đi loan báo Tin mừng phục sinh cho các dân ngoại.
Ra khỏi chính mình, từ bỏ chính mình để trở thành khí cụ trong tay Chúa: đó là đặc điểm của sự trở lại trong Kitô giáo chúng ta. Sự trở lại đó không chỉ là sự quay về với Chúa của những người không tín ngưỡng, của những người từ chối Giáo hội khác, nhưng là đòi hỏi từng ngày của người Kitô hữu. Mỗi lúc một đến gần với cùng đích của chúng ta là chính Chúa: đó là lý tưởng của người Kitô hữu chúng ta. Càng đến gần với Chúa càng sẵn sàng trở nên khí cụ của Chúa, chúng ta càng đến gần với tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu, cùng với sự chuyển cầu của thánh Phaolô tông đồ, mà chúng con tưởng niệm biến cố trở lại hôm nay, xin giúp chúng con luôn hiểu được sự trở lại đích thực mà người Kitô hữu chúng con theo đuổi mỗi ngày. Amen.